Thứ ba, 26/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Kính Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô

Cập nhật lúc 08:59 20/06/2019
Suy niệm 1
Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể
---------------
Bài Tin mừng hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: từ cái không đáng gì Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta có tất cả và còn dư thừa.
Từ không đáng gì
"Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Các môn đệ không có đủ thức ăn nuôi sống đám đông dân chúng và cũng không đủ khả năng làm dịu cơn đói của chính họ.
Vì thế, chúng ta cần phải khám phá sự nghèo đói và giới hạn của mình:
- Chúng ta không có khả năng xóa bỏ cơn đói khát đang đục khoét nhân loại. 
- Chúng ta không đủ khả năng nuôi sống đám đông và thậm chí không làm thỏa mãn người thân của chúng ta. Năm chiếc bánh và hai con cá cho nhóm mười hai và Chúa Giêsu, một người chỉ được một miếng, một miếng vẫn khiến chúng ta đói.
- Chúng ta đừng nghĩ rằng mình luôn có thể ngăn chặn bất công hay đau khổ.
- Chúng ta cũng không thể tìm mọi cách để đi mua thức ăn cho mọi người được. 
- Chúng ta sẽ không luôn luôn vượt qua được những đau khổ nhỏ nhất. 
- Chúng ta không có đủ thức ăn cho chính chúng ta với chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá.. 
- Chúng ta đừng nghĩ rằng mình giàu có hơn mười hai tông đồ! 
Đến có tất cả
Đối với "khoảng năm ngàn người”, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Ngài  “cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông”.
- Chúa Giêsu có đủ cách.
- Ngài có thể những gì mà chúng ta không có thể. 
- Ngài nhân thừa bánh.
- Ngài nhân lên khả năng của các môn đệ. 
Thông qua Chúa Giêsu, các môn đệ khám phá ra rằng họ có thể nuôi sống đám đông dân chúng với lượng thức ăn không đáng gì. Chỉ mình họ thôi, họ không thể làm được gì. Nhưng nếu họ cùng Chúa Giêsu, với chỉ năm chiếc bánh và hai con cá, họ có thể làm được tất cả. Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, cho họ phương tiện để nuôi sống đám đông mà không phải vất vả, ra ngoài mua thức ăn cho mọi người:
- Nếu chúng ta đồng ý, giống như các môn đệ, vâng lời Chúa Giêsu, tin tưởng Ngài khi chúng ta khám phá ra giới hạn hoặc sự bất lực của chúng ta! 
- Nếu chúng ta đồng ý, đừng dựa vào sức lực của chính mình để mua thức ăn cho mọi người! 
- Nếu chúng ta chấp nhận sự nghèo nàn, thiếu phương tiện, thiếu khả năng! 
- Nếu chúng ta chấp nhận thậm chí không thể tự mình làm bất cứ điều gì, thì chúng ta có thể bắt đầu có phương tiện khi dựa vào Chúa và để Ngài hành động qua tay chúng ta! 
Và còn dư thừa
"Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được 12 thúng”.
- Nhóm Mười Hai vây quanh Chúa Giêsu, với chỉ 5 chiếc bánh và 2 con cá mà họ có, cũng đủ nuôi chính họ và đám đông dân chúng.
- Nhóm Mười Hai nhận ra sự bất lực của họ và tin cậy vào Chúa Giêsu. Đây là cách duy nhất không chỉ để nuôi một đám đông mà còn thu được 12 thúng đầy: mỗi tông đồ một thúng!
- Nhóm mười Hai từ cái không đủ của ăn nuôi chính họ, đến điều mà họ no thỏa và mỗi người trong họ có cả thức ăn dự trữ... Và có dự trữ chăng nữa, họ khám phá ra rằng dự trữ cũng không cần thiết: họ không cần những thứ đó cho ngày hôm sau vì Thiên Chúa ban cho mọi người bánh dư đủ hàng ngày. 
- Mười hai thúng bánh còn dư, cũng chẳng để làm gì...Điều quan trọng đó là Thiên Chúa không chỉ muốn ban cho chúng ta cái cần thiết mà còn ban quảng đại và hào phóng...
- Mười hai thúng bánh còn dư để dạy các môn đệ biết rằng nếu vâng nghe Chúa Giêsu, họ sẽ không thiếu sự cần thiết, và cả cái dư thừa! 
Các môn đệ lưu giữ mầu nhiệm này. Họ truyền đạt cho chúng ta, để đến lượt chúng ta, chúng ta nên trải nghiệm với lòng mình rằng quyền năng của Thiên Chúa tìm được sự thỏa mãn trong sự yếu đuối của chúng ta hôm nay.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Hồng ân Thánh thể
Sự sống quý hơn mọi báu vật trên đời
Trên cõi đời này, không gì quý bằng sự sống. Được sống vui, sống khỏe là mơ ước, là khát vọng mãnh liệt và thâm sâu nhất của con người. Vì thế, khi mắc những chứng bệnh nguy hiểm đe dọa mạng sống, người ta tìm cách chạy chữa với bất cứ giá nào, miễn là được khỏi bệnh và được sống.
Tuy nhiên, cuộc sống con người trên dương gian chỉ như bông hoa sớm nở tối tàn, có thể tan biến bất cứ lúc nào như sương, như khói… Cụ Nguyễn Công Trứ cũng đồng quan điểm đó, khi viết rằng:
“Ôi nhân sinh là thế ấy,
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao …”
Chính vì cuộc sống con người mỏng dòn và phù du như vậy, nên ai cũng muốn sống lâu và tìm cách kéo dài sự sống. Tuy vậy, con người không thể thắng được sự chết và sớm muộn gì cái chết cũng đến cướp đi sự sống của từng người trên dương gian này.
Thiên Chúa đáp ứng khát vọng của con người  
Đang khi nhân loại khao khát được sống lâu dài mà chẳng thể nào đạt được và bao nhiêu nỗ lực nhằm đạt tới mục tiêu này đều thất bại, thì người ta chỉ còn hy vọng vào Chúa mà thôi.
Thiên Chúa là Cha của mọi người và Ngài hết lòng yêu thương họ. Ngài cũng là chủ của sự sống, là cội nguồn thông ban sự sống cho muôn vật, muôn loài.
Thiên Chúa đã ban cho con người sự sống tự nhiên đời này và Ngài không dừng lại ở đó, Ngài còn muốn ban thêm. Ngài tìm cách ban sự sống vĩnh cửu của chính Ngài cho con người, để họ được sống đời đời với Ngài, để họ được hạnh phúc vĩnh cửu như Ngài.
Nhưng làm sao thực hiện được điều tuyệt vời này?
Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho.
Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giê-su.
Nhưng làm thế nào để con người hèn mọn có thể được nên một với Chúa Giê-su?
Để thực hiện điều này, Chúa Giê-su lập nên bí tích Thánh thể, hiến ban Thịt và Máu Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài cách xứng đáng, thì được nên một với Ngài, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).
Và những ai “ở lại trong Chúa Giê-su và có Chúa Giê-su ở lại với mình”, thì người đó là một với Chúa Giê-su và tất nhiên Sự Sống của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho người ấy.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.
Đức Giê-su khẳng định điều này khi nói rằng: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…” (Ga 6, 54).
Thế là thông qua việc tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giê-su khi rước lễ, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu”[1] với Chúa Giê-su và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho họ. Họ sẽ được sống đời đời với Chúa! Hạnh phúc biết bao!
Đừng thờ ơ với hồng ân Chúa
Một bệnh nhân đang hấp hối trên giường bệnh mà có danh y nào đó đến cứu chữa kịp thời giúp anh khỏi bệnh, khỏi chết và sống thêm được mươi năm nữa, thì anh ta vui mừng khôn xiết và tạ ơn thầy thuốc với tất cả tâm hồn.
Vậy mà qua Bí tích Thánh thể, Chúa Giê-su cứu chữa chúng ta khỏi chết đời đời trong hỏa ngục, lại còn ban cho chúng ta một quà tặng tuyệt vời là được sống đời đời với Chúa trên thiên quốc, được vui hưởng hạnh phúc thiên đàng đến thiên thu vạn đại... thì tại sao chúng ta không reo vui lên trước hồng ân vô giá này, lại còn tỏ ra hờ hững với tình yêu cao vời đến thế?
Lạy Chúa Giê-su,
Đã bao lần chúng con dửng dưng đối với Thánh thể là hồng ân vô giá Chúa ban. Đó là thái độ vô ơn bội bạc và xúc phạm đến tình thương Chúa.
Chúng con quyết từ nay không bao giờ thờ ơ với hồng ân cao vời là Mình Máu Chúa; trái lại, sẽ sốt sắng tham dự Thánh lễ thường xuyên để đón nhận quà tặng vô giá là sự sống đời đời Chúa dành cho chúng con.
 

[1] Trích từ bài giảng của thánh Lê-ô cả Giáo hoàng
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 3
“Chính anh em hãy cho họ ăn”
Lc 9, 11b-17
Hôm ấy, sau khi nghe các tông đồ tường thuật về những công việc mà Nhóm Mười Hai đã làm trong chuyến đi rao giảng, Đức Giêsu lại bắt đầu say mê nói về ‘Nước Thiên Chúa’, và dân chúng theo Chúa rất đông, họ cũng say mê nghe lời Ngài đến độ quên cả thời gian, quên cả mệt mỏi, quên cả nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi. Thấy vậy, các môn đệ liền nhắc khéo Đức Giêsu:  ‘xin Thầy cho dân chúng về để họ tìm chỗ trọ quanh đây và kiếm thức ăn vì ngày đã sắp tàn và nơi đây cũng hoang vắng’. Nhưng Đức Giêsu lại bảo các ông: “chính anh em hãy cho họ ăn” (9, 13).  
Đức Giêsu biết các tông đồ đang đứng trước một đám đông theo Chúa suốt ngày mà chưa ăn uống và đang cần nghỉ ngơi thể xác, vì thế, theo lẽ tự nhiên giải pháp tốt nhất, hợp lý và chính đáng lúc này đó là giải tán họ để mỗi người tự lo liệu lấy nhu cầu của mình. Nhưng đó không phải là giải pháp Chúa muốn, vì sứ vụ của Chúa không giới hạn vào những việc thiêng liêng, để mặc con người bơ vơ trước cái đói, cái cùng quẫn của kiếp người. Và Chúa cũng muốn chính các môn đệ, những người theo Chúa phải thấy mình có trách nhiệm đối với cuộc sống của từng con người, cụ thể là những người trong đám đông này. Nên Ngài không chấp nhận giải tán mà còn đề nghị lại với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn”, chính anh em hãy nuôi dưỡng, hãy chăm sóc đoàn dân này, hãy phục vụ họ một cách nhưng không, phục vụ mà không đòi đền đáp.
Chính anh em hãy cho họ ăn” trách nhiệm này không hề dễ, nó giống như bài toán không có lời giải, nên các môn đệ băn khoăn: chúng con phải phục vụ đám đông ô hợp này làm sao đây khi chúng con chỉ là ‘Nhóm Mười Hai’, chúng con phải nuôi đám đông “năm ngàn”(đàn ông) làm sao đây khi “chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá” ít ỏi, chưa kể nếu Chúa có đưa tiền chúng con cũng mua đâu ra bánh trong nơi hoang vắng này. Chúng con phải cho họ ăn cách nào đây khi chúng con nhìn vào đám đông quá lớn và nhìn vào số bánh cùng cá quá ít của mình?
Phản ứng của các môn đệ trước lời mời gọi của Đức Giêsu cũng là lẽ tự nhiên, vì các môn đệ thấy mình bất lực trước đám đông lớn như vậy, tuy nhiên khi các môn đệ phản ứng như thế chúng ta mới thấy các mới chỉ nhìn vào mình và chỉ nhìn vào đám đông mà không nhìn vào Đức Giêsu. Nếu các môn đệ chỉ nhìn vào nhu cầu lớn lao của đám đông, chỉ nhìn vào sự cung cấp nhỏ nhoi của nhóm mình thì chỉ thấy bất lực và thấy không thể làm được. Còn nếu nhìn vào Chúa, các ông sẽ thấy: đám đông lớn đó là chuyện của Chúa, bánh và cá có ít của mình cũng không phải vấn đề quan trọng, mà quan trọng lúc này là cứ làm theo lệnh của Chúa, làm theo yêu cầu của Chúa, Chúa bảo làm thì cứ làm, cứ cho họ ăn đi, dù ít, cũng cứ cho.
Khi phải đảm nhận những trách nhiệm với công việc và con người, khi đứng trước những vấn đề nan giải, khó khăn, nếu cứ nhìn vào mình, chúng ta cũng sẽ thấy đó là việc quá lớn và quá sức, thấy ngại ngùng, lúng túng. Chỉ nhìn vào mình và nhìn vào vấn đề chúng ta đảm nhận, chúng ta sẽ thấy bất lực không làm được và quên rằng chúng ta chỉ là người cộng tác, còn Chúa mới chính là người giúp chúng ta giải quyết được vấn đề, giúp chúng ta chu toàn được trách nhiệm. Vậy hãy nhìn vào yêu cầu của Chúa, hãy nhìn vào mệnh lệnh của Chúa cho mình và nhìn vào chính Chúa để cộng tác hết mình thì sẽ làm được, vì kinh nghiệm cho thấy, cứ cho, thì sẽ không thiếu, cứ cho đi, sẽ không bao giờ thiếu, như năm chiếc bánh và hai con cá của các môn đệ Chúa đã nuôi cả đám đông dân chúng và vẫn còn dư thừa.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi người chúng con dù là cha mẹ hay con cái, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, lãnh trách nhiệm lo cho giáo xứ hay quản lý cộng đoàn và gia đình, lo cho lớp học hay nhóm tổ… chúng con đều được Chúa trao cho chúng con quyền được cộng tác với Chúa: “chính chúng con hãy cho họ ăn”, hãy cho những người chúng con có trách nhiệm và cả những người có trách nhiệm với chúng con, hãy cho sự quan tâm, chăm sóc, cho sự lắng nghe, thấu hiểu và cho những gì họ cần nơi chúng con. Xin cho chúng con đừng sợ trách nhiệm lớn lao và khó khăn, nhưng cứ dám cho đi khả năng dù nhỏ nhoi như năm chiếc bánh và hai con cá so với số đông năm ngàn, dám cho đi thời gian dù ít ỏi như việc sắp xếp đám đông có trật tự hay phân phát bánh cho dân chúng như các môn đệ xưa, và nhất là xin cho chúng con dám cho đi chính mình, dám chấp nhận thiệt thòi, dám chấp nhận là tấm bánh bẻ ra cho tha nhân như Chúa đã chấp nhận bẻ ra để nuôi sống chúng con. Amen
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
=====================
Suy niệm 4
SỐNG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG THÁNH THỂ
(St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11-17)
Khi diễn tả hành vi của tình yêu cho người mình thương mến, chúng ta thường trao cho họ những kỷ vật để làm bằng chứng về tình yêu mà mình muốn dâng hiến. Với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.
Cũng vậy, khi Chúa Giêsu đến trần gian hầu cứu độ con người, và khi biết mình sắp trở về với Đấng đã sai mình, Ngài đã yêu thương họ đến cùng, nên đã để lại cho Giáo Hội một bảo chứng nhằm diễn tả tình yêu tuyệt đối của Ngài cho nhân loại, đó là Bí tích Thánh Thể.
Vì thế, Bí tích ThánhThể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” (x. LG, số 11). Các Bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như điểm quy chiếu, và, trải qua bao thế hệ, Giáo Hội luôn coi Bí tích Thánh Thể là gia tài của mình, nơi đó tuôn chảy và phát xuất ra mọi năng lực cho Giáo Hội (x. Porta Fidei, số 9).
Khi thiết lập Bí tích này, Chúa Giêsu muốn ở với chúng ta luôn mãi (x. Mt 18,20). Ngài yêu chúng ta đến cùng (x. Ga 13,1), đến nỗi hiến mạng sống vì chúng ta (x. Ga 15,13). Không những thế, Ngài muốn chúng ta nên một với Ngài bằng cách ban chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Nhờ đó, chúng ta được trở nên một với Chúa và hiệp thông với nhau cách trọn vẹn.
1. Thánh Thể: Bí tích hiệp thông
Khi diễn tả sự hiệp thông Thánh Thể, Giáo Hội khởi đi từ việc nhắc cho con cái của mình ý thức sự liên kết với Chúa Giêsu trong chiều kích quy Kitô. Vì thế, mọi sự đều hướng về Chúa Giêsu như điểm hội tụ. Từ Ngài tỏa ra và chi phối toàn bộ đời sống của con người.
Với suy tư như trên, chúng ta xác tín rằng: khi tham dự Tiệc Thánh Thể, ấy là lúc chúng ta sống trong sự hiệp thông sâu xa với Chúa và với nhau. Khi rước lễ, chúng ta đón nhận chính Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là Đầu, thì “mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27).
Sự hiệp thông này gợi lại cho chúng ta lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu: “Lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta, như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).
Trong Kinh Tiền tụng Thánh Thể cũng nhắc lại cho chúng ta ý nghĩa này: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”. Công thức này cho thấy rõ ràng hiệu quả của Bí tích Thánh Thể, đó là sự hiệp nhất với nhau trong tinh thần hiệp thông với Chúa qua Giáo Hội.
Trong Thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển rõ ràng và sâu xa, giúp toàn thể Giáo Hội sống hiệp thông với Chúa cách trọn vẹn. Ngài viết:
“… Thánh Thể xuất hiện như là đỉnh cao của tất cả các Bí tích, vì nó làm cho nên hoàn thiện mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa Cha, bằng cách đồng hoá với Người Con yêu dấu duy nhất của Người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần”. Nói cách khác, khi ta rước lấy Mình và Máu Chúa Giêsu, thì trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ta và Thiên Chúa cùng chung nhau một giòng máu. Chúng ta trở nên “những người thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Điều này cũng được diễn tả khi linh mục pha chút nước vào rượu và dâng lời nguyện: “Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”.
Như vậy, Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu (Sacramentum Caritatis). Vì yêu, Chúa Giêsu đã cho chúng ta được liên kết nên một với Ngài. Khi hợp nhất với Ngài, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau trong mọi chiều kích, nhất là hiệp thông với người nghèo.
Thật mâu thuẫn tận căn khi chúng ta cử hành Thánh Thể và thiếu đi tính hiệp thông sâu xa này. Bởi vì “Thánh Thể tạo nên sự hiệp thông và cổ vũ sự hiệp thông”. 
2. Liên đới với người nghèo là sống sự hiệp thông Thánh Thể
Hiện nay, trên thế giới, dân số lên đến gần 7 tỷ người. Nhưng có tới 1/3 người nghèo, tức là hơn 2 tỷ người đang sống dưới mức nghèo khổ. Riêng Việt Nam, trong số gần 90 triệu người, có 15% dân nghèo không kiếm đủ 1 USD/ ngày.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, biết bao nhiêu thứ dư thừa và lãng phí được huỷ bỏ ngay trên xác chết của những người đói khát. Rồi những nguồn lực kinh tế thì tập trung vào một số người và tập đoàn, trong khi đó biết bao nhiêu người phải vĩnh biệt cuộc sống chỉ vì thiếu một gói mì với giá 2.000 VNĐ, hay một ly nước, một viên thuốc. Nạn phá thai và cổ võ phá thai trở nên hiện tượng bình thường.
Lại còn biết bao nhiêu tiền bạc đổ dồn vào những quán nhậu, quán bar mỗi khi thành phố lên đèn, số tiền chi trả lên đến bạc triệu sau mỗi cuộc vui chơi trác táng. Bên cạnh đó là những Lazarô nghèo đói, ghẻ lở đang bị những con chó đến liếm những mụn nhọt đã ung thối.
Hay vì thiếu đi tính liên đới, trách nhiệm của những người có bổn phận bảo vệ sự trong sạch của môi trường, nên thảm họa ô nhiễm môi sinh ngày càng gia tăng lên đến mức báo động đang ngày đêm đe dọa sự sống của con người và loài vật cũng như thực vật... gây nên hậu quả khôn lường cho cuộc sống con người hiện tại và tương lai lâu dài!
Đứng trước thực trạng đó, là người Kitô hữu, chúng ta không được phép dửng dưng, vô cảm, ngược lại, mỗi người đều có trách nhiệm ít nhiều trong việc thăng tiến con người để thể hiện tinh thần hiệp thông, liên đới.
Đây cũng là sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta.
Thánh sử Luca đã đã làm toát lên lòng thương xót của Chúa Giêsu khi trình thuật thật ấn tượng hành vi của Đức Giêsu chạnh lòng thương dân chúng và ra tay làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân. Mặt khác, ngài cũng làm toát lên sự liên đới, hiệp thông của người có năm chiếc bánh và hai con cá...
Thật vậy, chúng ta thấy, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến cái bụng của mình mà không biết nghĩ đến cho người khác, thì làm sao có 5 chiếc bánh và 2 con cá để Chúa làm phép lạ nuôi dân chúng? Nhờ 5 chiếc bánh và 2 con cá qua sự quảng đại của người hiến tặng, Chúa đã làm một việc cả thể là nuôi 5.000 người, không kể đàn bà và trẻ em. Không phải vì Chúa không làm được phép lạ từ không thành có để nuôi dân chúng, nhưng vì Chúa muốn cho con người sống tinh thần liên đới, trách nhiệm, hiệp thông khi biết đóng góp phần mình trong công việc chung vì ích lợi của người khác.
Như vậy, mỗi người chúng ta hãy biết liên đới với người khác, biết đặt sự sống của mình vào trong hoàn cảnh của họ, để thấy được thế nào là đói khát, đau bệnh và cô đơn… hầu đem lại niềm vui và hạnh phúc đại đồng cho tất cả mọi người.
Mừng Lễ Mình và Máu Cực Thánh Chúa Giêsu, xin cho mỗi người biết sống mầu nhiệm tự huỷ của hạt lúa, trái nho để đem lại sự sống cho người khác. Xin cho người Kitô hữu cũng biết liên đới với anh chị em chung quanh mỗi khi họ cần đến chúng ta, để yêu thương, chia sẻ, đồng hành với họ. Được như thế, chúng ta đang làm cho sự hiệp thông nơi Bí tích Thánh Thể sống động nơi con người và hành vi của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tôn thờ, chúc tụng Chúa. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con khi rước Mình và Máu Thánh Chúa cách xứng đáng, thì cũng được hiệp thông thần tính với Chúa và liên đới với nhau. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
=====================
 Suy niệm 5
“Thánh Thể Là Trung Tâm Đời Sống Kitô Hữu”
ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận viết: “Con muốn hỏi: ‘Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?’. Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào, không tổ chức, nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên Thánh giá”. (Đường Hy Vọng #349).
Phép Thánh Thể là trung tâm đời sống phụng vụ chung của Giáo Hội, trong đời sống toàn thể Giáo Hội và trong đời sống mỗi tín hữu.Thánh Lễ là nơi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh Lễ là một hy tế lặp lại hy tế Núi Sọ. Theo Công Ðồng Vaticanô II, hy tế này là "nguồn cội và là chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô hữu" (LG 11). Là nguồi cội, vì tất cả đời sống Kitô hữu phát sinh từ đó; là chóp đỉnh, vì tất cả đời sống Kitô hữu phải qui về đó.
Vào đêm bị trao nộp trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập hy tế Tạ Ơn. Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26, 26- 29; Lc, 22, 14-19). Đây là hy tế của Giao Ước Mới được thiết lập bằng máu Đức Kitô như một biến cố vượt qua của Người trên thập giá: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Đức Giêsu uỷ thác việc tưởng niệm biến cố này cho các Tông đồ, cũng như cho Hiền thê yêu quý của Người là Giáo hội: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy là chính Người trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.
Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.
Tiệc Thánh Thể này được chính Chúa Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum, được thiết lập trong Tiệc Ly và đã được chính Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện đan kết với nhau thật tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu. Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.Thánh Thể là chóp đỉnh của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thánh Thể là Bí tích cao trọng nhất vì không chỉ trao ban ân sủng mà trao chính Tác giả của ân sủng, Đấng là Thiên Chúa muôn loài lại trao hiến bản thân phục vụ loài người.
Thánh Lễ là cao điểm của Phụng vụ Kitô giáo, nơi đó cộng đoàn tín hữu hiệp nhất để thờ phượng Thiên Chúa và tưởng niệm biến cố khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, cũng là để tái lập giao ước mà Con Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại trên thập giá.
Dọc dài lịch sử, Giáo Hội cử hành Thánh lễ Tạ ơn cùng thể thức và mục đích của Hy lễ Cứu độ xưa trên Núi Sọ, hiện tại hóa bữa tiệc cuối cùng của Chúa và hiến lễ thập giá.
Tham dự Thánh Lễ là tham dự bữa ăn của Chúa.Và khi rước Mình Máu Chúa hiện diện dưới hai hình bánh và rượu, chúng ta được ăn chính thịt và uống máu Chúa Kitô. Mình Máu Chúa Kitô là của ăn của uống cho ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa và được hiệp thông với nhau trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy”. 
Ông Effie Cordeiro chia sẻ kinh nghiệm sống Thánh Lễ thật tuyệt vời.
Tôi, Effie Cordeiro, 46 tuổi. Gia đình tôi sống nơi vùng phụ cận thành phố ở Québec nước Canada. Mỗi ngày tôi đều đặn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Đức Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Lễ trở thành nguồn ơn vô giá đối với tôi sau khi tôi được hồng phúc nghe bài giảng trong Thánh Lễ có các Em Bé rước lễ lần đầu. Thánh Lễ cử hành tại nhà thờ Thánh Luca. Vị chủ tế và giảng thuyết hôm ấy là Cha Roger Martineau. Cha đặc biệt nói với các Trẻ rước lễ lần đầu:
- Khi các con dùng bữa các con ăn thịt, rau, cá, trứng v.v. Các thức ăn sau đó trở thành máu nuôi sống các con. Cũng giống như thế, lúc các con ăn, hay nói đúng hơn, lúc các con nhận lãnh Đức Chúa Giêsu khi các con chịu lễ, các con trở thành phần tử của Ngài. Điều này không thể minh chứng bằng khoa học, nhưng sự thật là như thế. Mỗi khi các con tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa với trọn lòng tin, các con được biến đổi trong Đức Chúa Giêsu Kitô cho tới một ngày, Đức Chúa Giêsu thật sự tỏ lộ qua lối cư xử của các con, qua lời các con nói và qua chính cuộc sống của các con.
Lời giải thích của Cha Roger Martineau gây xúc động sâu xa nơi tâm lòng tôi. Tôi làm theo lời khuyên của ngài. Tôi tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Kể từ đó, cuộc đời tôi hoàn toàn biến đổi. Tôi thay đổi trong lối phản ứng trước các sự việc. Tôi thay đổi trong cách thức tiếp nhận và giao tế với người khác. Tôi cũng thay đổi trong lề lối giải quyết các vấn đề. Nói tóm lại, trước mỗi khi làm việc gì, nói lời nào, giao tế với ai và giải quyết vấn đề quan trọng nào, tôi đều cầu nguyện cùng Đức Chúa Giêsu. Tôi xin Ngài soi sáng cho tôi biết phải hành xử như thế nào cho đúng tư cách là tín hữu Công Giáo. Và Đức Chúa Giêsu luôn luôn đáp lời tôi cầu xin. Ngài đích thật là sức mạnh, là niềm vui và là gương mẫu cuộc sống của tôi. Đức Chúa Giêsu là Bạn Chí Thân dấu ái nhất đời tôi.
Nhờ sống kinh nghiệm sâu xa trên đây tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tôi được may mắn là tín hữu Công Giáo. Tôi cũng được ưu đãi vì sống gần nhà thờ Công Giáo có Linh Mục dâng Thánh Lễ mỗi ngày. Nhờ thế tôi được diễm phúc xem lễ và rước lễ mỗi ngày.
Tôi còn được may mắn dành trọn thời giờ trong ngày để phụng sự Thiên Chúa với tư cách là thư ký của giáo xứ. Văn phòng giáo xứ chỉ cách nhà thờ vài chục thước. Trước khi bắt tay vào việc hoặc lúc rãnh rỗi tôi ghé vào nhà thờ, đến trước Nhà Tạm và thờ lạy Đức Chúa Giêsu Thánh Thể đang ẩn mình trong Nhà Tạm. Đối với những may mắn vừa kể, tôi cảm thấy đời tôi quả nhận lãnh nhiều hồng ân. Thiên Chúa cư xử thật nhân hậu đối với tôi. Suốt đời tôi mãi mãi tri ân Ngài.
Còn một hồng phúc khác tôi muốn viết ra nơi đây. Đó là sự kiện tham dự Thánh Lễ mỗi ngày nối kết tất cả các tín hữu Công Giáo lại với nhau. Chúng tôi chú ý tới những người tham dự thánh lễ thường xuyên và có thói quen ngồi chỗ nhất định. Vì thế khi chỗ ngồi vắng bóng, chúng tôi liền nhớ đến và cầu nguyện cho người vắng mặt. Xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ họ cùng gia đình họ. Hoặc khi chúng tôi nhận thấy có người đến tham dự Thánh Lễ với nét mặt âu sầu phiền não, chúng tôi đoán họ có chuyện buồn. Chúng tôi kín đáo cầu nguyện cách riêng cho họ. Và khi hoàn cảnh cho phép, chúng tôi hỏi thăm và san sẻ nỗi buồn của họ. Vâng, đúng thế. Bí tích Thánh Thể nối kết tất cả lại với nhau. Chúng tôi có cùng tâm tình vì chúng tôi cùng nhận lãnh Mình và Máu Thánh Đức Chúa Giêsu Kitô.
Điểm sau cùng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân chân thành đối với Thiên Chúa là được hồng phúc sống trong đất nước tự do. Chúng tôi được hưởng quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi tự do đọc Kinh Thánh. Chúng tôi tự do đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Tôi cầu chúc cho mỗi tín hữu Công Giáo sống trong các nước tự do hãy sử dụng trọn vẹn quyền tự do tôn giáo của mình để sống đạo nghiêm chỉnh và chân thành. Đức Chúa Giêsu Thánh Thể chờ đợi mỗi tín hữu Công Giáo đến tham dự Thánh Lễ và rước Ngài hầu Ngài có thể tuôn đổ muôn vạn ơn lành hồng phúc xuống trên từng người.
Tôi không quên cầu nguyện cách riêng cho các tín hữu Công Giáo kém may mắn, sống trong các nước không được thực thi quyền tự do tôn giáo. Tôi xin Thiên Chúa cho họ mau chóng tới ngày hưởng mọi quyền tự do, dẫn đầu là tự do tôn giáo. Xin Thiên Chúa nhậm lời chúng con nài xin. Amen. (Sister Patricia Proctor, OSC, ”201 Inspirational Stories of The Eucharist”, Franciscan Monastery of Saint Clare, Spokane, Washington, 2004, trang 47-48; Radio Vatican).
Bí Tích Thánh Thể là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Thánh Thể là trung tâm qui tụ Dân Chúa. Thánh Lễ có sức mạnh truyền giáo. Chúng ta đón nhận Thánh Thể để có sự sống thần linh của Chúa. Xác tín rằng Thánh Lễ là trung tâm của đời sống người Công giáo, nên linh mục tìm mọi dịp dâng lễ cho bà con giáo dân.
Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, bạn nên quỳ gối trước Thánh Thể, bạn sẽ học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
Thánh lễ cần được nối dài trong cuộc sống thường ngày. Khi cánh cửa nhà thờ khép lại, thánh lễ giữa lòng cuộc đời mở ra. Sống đạo trong nhà thờ, thực hành đạo ngoài cuộc đời. Mỗi người tín hữu phải trở nên muối ướp cho xã hội khỏi ươn thối, phải trở nên men làm cho xã hội dậy lên hương thơm thánh thiện, phải trở nên ánh sáng phá tan bóng tối đang bao phủ xã hội. Và như vậy, cuộc đời chính là thánh lễ nối dài. Bài hát quen thuộc của cha Thành Tâm: "Ta về thôi vì Thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, mang tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để thành chứng nhân!". Thánh lễ nào cũng kết thúc và mọi người ra về bình an, nhưng Thánh lễ sẽ không tạm biệt, không chia tay với cuộc sống đời sống. Hoa quả của Thánh Lễ, hoa quả của Bí Tích Thánh Thể chính là lối sống, hành vi, lời ăn tiếng nói, cách cư xử của mỗi người tín hữu với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=====================
 Suy niệm 6
Này là Mình Ta. Này là Máu Ta
(Lc 9, 11b-17)

Thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ của Chúa, kính Mình Máu Thánh Chúa. Liền sau lễ làkiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên đường trải thảm, có các em rắc hoa, vừa đi vừa hát: « Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê » (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới.
Khởi đi từ một thị kiến, nữ tu Juliena de Mont-Cornillon được Chúa cho biết, hàng năm phải cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa và tôn sùng Mình Máu Thánh Chúa trên bàn thờ. Vì thế, lễ này được cử hành lần đầu tiên tại Liège vào năm 1247. Đến ngày 11 tháng 8 năm năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbainô IV đã thiết lập và truyền phải cử hành trọng thể việc tôn sùng Bí tích Mình Thánh, nhằm nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, có lúc dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu.
Cử hành Thánh Thể
Giáo hội công khai cách long trọng Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, mầu nhiệm được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng năm được tưởng nhớ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho hết mọi người, bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn.
Trên Bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta : Làm sao Bánh và Rượu lại có thể là Mình Máu Chúa Kitô được ?
Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích cần thiết để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, dẫn chúng ta trên đường về về với Chúa!
Giáo hội quả quyết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải tôn thờ. Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu.
Theo thánh Tôma Aquinô : Con độc nhất của Thiên Chúa muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, đã làm người. Để cứu chuộc chúng ta, Người đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.
Đây không phải là máu chiên, bò, nhưng là Máu Châu Báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và Rượu trở nên Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Người đối với chúng ta : «Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: « Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta » Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người» (Mc 14, 22-24).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói : « Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy ». (Thánh Gioan Kim Khẩu)
Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta : « Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Người đã sinh ra thì Người nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Người làm cho ta vững tin rằng Người đã mang lấy chính xác thân của ta ». Người tan biến trong chúng ta, « làm một với chúng ta, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài » (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Việc biến đổi Bánh và Rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa.
Rước kiệu Mình Thánh Chúa
Sau lễ này, Giáo hội kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ, tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.
Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là « Mặt Trời » : Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ « mặt nhật »)
Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.
Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.
Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người già và trẻ; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=====================
Suy niệm 7
Bánh Hóa Nhiều
St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17
Đám đông dân chúng lũ lượt đi theo Đức Giêsu, bởi họ được chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm cho những kẻ đau ốm. Thấy đám dân đông đảo theo mình mệt mỏi đói khát, Ngài chạnh lòng muốn nuôi sống họ, Ngài chuẩn bị thực hiện một phép lạ cả thể. Các môn đệ của Ngài lúc bấy giờ chỉ chứng kiến Ngài rao giảng, dạy dỗ, cắt nghĩa chuyện tâm linh, chứ đâu Thầy Giêsu lại đi lo nuôi ăn đám đông ngút ngàn. Nên các ông muốn Ngài giải tán cho xong. Các ông thì nại lý do không có tiền, xem lại “tầm tay” chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, thấm gì khối người đông ùn ùn thế kia? Không cầm lòng trước cơn đói khát của dân chúng, Đức Giêsu “biết mình sắp làm gì” nên vẫn ra lệnh bảo cho họ ngồi xuống “đồng cỏ” thành từng nhóm khoảng năm mươi người một mà chuẩn bị giờ ăn. Đó là hình ảnh thật đẹp trong tình thương yêu, đoàn chiên được vị mục tử nhân lành cho nghỉ ngơi, nuôi ăn trên đồng cỏ xanh tươi. Ngài dùng uy quyền làm bánh hóa ra nhiều, với cử chỉ “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá,, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra cho môn đệ để họ dọn ra cho đám đông.” (Lc 9, 15). Đây là hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sẽ lập Bí tích Thánh Thể để ở lại và nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày. Ngài là Đấng ban bánh, chính Ngài là bánh trao ban cho mọi người. Dưới cái nhìn của các môn đệ và dân chúng ngày xưa, chỉ nhìn vào thực lực sẵn có, họ không ngờ Đức Giêsu thực hiện được phép lạ bánh hóa nhiều nuôi năm ngàn người ăn no nê, lại còn dư mười hai thúng, nên cứ nại vào những khó khăn trước mắt. Ngày nay cũng vậy, sự Hiện Diện của Chúa, làm của ăn nuôi dưỡng các Kitô hữu mỗi ngày mãi mãi trong Bí tích Thánh Thể là điều khó tin. Một khi Thiên Chúa muốn, thì chẳng có điều gì là không thể, và thật diễm phúc cho những ai không thấy mà tin. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài làm cho ngàn ngàn người ăn dư thừa. Với Bí tích Thánh Thể, Ngài nuôi mọi người mọi thời cho đến tận thế là điều hoàn toàn có thể với cặp mắt đức tin, chỉ cần tôi biết tìm đến mà tận hưởng thần lương cao quý này. Cũng cử chỉ hôm nay Đức Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly và truyền hãy làm như vậy để nhớ đến Người: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. (1Cr 11, 23-24).
Chúa ơi! chính Chúa đã dâng hiến chính mình làm hy tế trên Thập Giá cho nhân loại. Chính Chúa đã trở thành của ăn nuôi sống con từng ngày. Xin cho con biết tìm đến, mãi “đi theo” Chúa, để được tận hưởng no say, được dưỡng nuôi, được lớn lên, được tăng sức mà vượt qua hành trình trần thế đầy khó khăn vất vả hôm nay.
Én Nhỏ
   
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log