Thứ tư, 08/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Lên Trời Và Chúa Nhật 7 Phục Sinh

Cập nhật lúc 10:12 31/05/2019
Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Lên Trời
Suy niệm 1
Nối kết giữa trời và đất
-----------------------
Trời hay đất?
Sự sống, hạnh phúc bất tận, tình huynh đệ phổ quát và niềm vui sẽ không qua đi. Đó là tất cả những gì mà Tin Mừng hứa hẹn. Đó là tất cả những gì dường như không thể đối với chúng ta ở thế giới này, nhưng  sẽ có thể ở thế giới bên kia. Thế giới khác: chỉ có điều đó, là thực sự quan trọng
Hãy chấp nhận làm việc trên trái đất này, hãy chịu đựng ngay bây giờ, sau này mọi thứ sẽ tốt hơn. Bây giờ chúng ta hãy chịu đựng nỗi đau, sự đau khổ và cái chết, chúng ta sẽ có phần thưởng trên thiên đàng. Những gì là không thể trong thế giới này sẽ được ban cho cho chúng ta dư dật ở trên cao. Hãy kiên nhẫn: những gì quan trọng là thế giới khác, những gì quan trọng là trên trời. 
Đó lầ lối suy nghĩ cổ xưa: Vừa đúng lại vừa sai. Tốt hơn hết là chúng ta không suy nghĩ như thế nữa. Thời đại hôm nay người ta chỉ trích rất nhiều lối suy nghĩ như vậy. Thế giới hưởng thụ hôm nay coi các Kitô hữu là những người bạn đồng hành xấu, những kẻ đào ngũ và hèn nhát. Ngày nay chúng ta đã mất ngôn ngữ của trời. Vì thế, chúng ta đã học lại để yêu trái đất và làm việc trên trái đất này. 
Trời và đất
Tất nhiên, sống trên trái đất này, ham muốn của chúng ta vẫn bị hạn chế. Chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra hạnh phúc hoàn hảo trên thế giới này. Tốt hơn hết! Hãy giới hạn mình vào những gì chúng ta có thể bây giờ thay vì chạy trốn cuộc sống này để mơ về một hạnh phúc vô hạn chỉ có thể ở đời sau
- Ngày xưa, người ta đã nói với chúng ta: "Điều quan trọng là trên trời". 
- Ngày nay, chúng ta tuyên bố: "Điều quan trọng là trái đất! " 
- Ngày xưa, chúng ta mơ ước một hạnh phúc hoàn hảo trong thế giới bên kia. 
- Ngày nay chúng ta muốn đạt được một hạnh phúc khập khiễng trong thế giới này. 
Dù sao, giữa trời và đất, bằng mọi cách, chúng ta phải lựa chọn
- Chúng ta sẽ bỏ qua đời sống chúng ta để khao khát những điều không thể, hay là làm điều nhỏ bé có thể trên trái đất này? 
- Giữa trời và đất, hôm qua chúng ta chọn bầu trời, hôm nay nhiều người thích đất. 
- Giữa trời và đất, Chúa Giêsu không chọn. Ngài đề xuất cả hai cùng một lúc đối với các môn đệ của Ngài. Ngài nói: “Hỡi người Galile, sao anh em còn đứng nhìn lên trời? Anh em hãy đi tới muôn dân...Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày”. Sau khi lên trời, Chúa Giêsu đã nói với môn đệ rằng: Ngài càng không bỏ trái đất này, Ngài càng hiện diện trên trái đất này khi Ngài lên trời cao nhất. 
Sự nối kết không thể?
Chúa Giêsu đã thiết lập giao ước trời và đất, giữa thực tại hữu hình và vô hình. Nhờ Ngài, điều không thể trở thành có thể: trời đã có thể truy cập được trên trái đất này và trái đất được gieo trồng ở trên trời. Chúa Giêsu mời các tông đồ theo Ngài làm điều đó: “Hỡi người Galile, sao anh em còn đứng nhìn lên trời?  Chính trong thế giới này mà họ thuộc về, họ tuân giữ các điều răn của Chúa và loan truyền điều răn đó cho thế giới. Chúa Giêsu đề nghị các tông đồ: một mặt, họ phải sống cụ thể và phải hoạt động động cụ thể như chúng ta đã thấy trong sách “Công vụ tông đồ”; mặt khác, họ còn phải: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Hãy dạy họ tuân giữ các điều răn của Thầy”.
Chúa Giêsu mở rộng ước muốn của bạn bè Ngài về chiều kích Nước Trời. Ngài mời họ khao khát những điều không thể, nếm thử những điều không thể. Chúa Giêsu gắn cho họ một nhiệm vụ không thể theo cái nhìn của con người, đó là yêu cầu các tông đồ biến đổi tất cả các dân nước. Ngài mời gọi họ sống trên trái đất này như là trời hoặc như là chính là Thiên Chúa với trái tim rộng mở. Ngài mời gọi họ sống nối kết trời và đất. 
Hãy nếm những điều không thể!
Noi gương các tông đồ, chúng ta không lựa chọn giữa trời và đất. Chúng ta không có lựa chọn nào giữa việc chờ đợi rằng điều không thể sẽ hiện thực ở thế giới khác, hoặc chỉ làm những điều nhỏ bé có thể trong thế giới này. Ước muốn trời không phải chỉ cam chịu nhiều bất công trên trái đất, mà còn phải khao khát trái đất này không còn những bất công tồi tệ nữa. Chúng ta đừng cam chịu chờ đợi trời, và cũng đừng cam chịu không thể làm được gì trên trái đất này với khả năng của chúng ta đứng trước những bất công.. 
Sứ mệnh môn đệ Chúa Giêsu Kitô
Sứ mệnh của người muốn sống sự sống của Thiên Chúa: 
- Không phải chỉ cố gắng xây dựng Vương quốc công lý và hòa bình mà Chúa Giêsu nói.
- Mà còn phải nếm thử điều không thể để xây dựng vương quốc ngay từ trái đất này. 
Người môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi sống nối kết giữa trời và đất. 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Chúa Giêsu về trời dọn chỗ cho chúng ta
Ai trong chúng ta cũng từng được nghe biết Cristoforo Colombo. Ông là nhà thám hiểm đầu tiên phát hiện ra Châu Mỹ vào năm 1492 (cách đây 527 năm). Bấy giờ, ông được vua Tây Ban Nha cung cấp 3 chiếc thuyền buồm và thủy thủ đoàn gồm 88 người tìm cách vượt qua Đại Tây Dương để đi Ấn Độ, không ngờ ông lại phát hiện ra Châu Mỹ nằm ngay trên hành trình của mình.
Colombo và thủy thủ đoàn khởi hành từ Tây Ban Nha ngày 3 tháng 8 năm 1492 và sau một cuộc hải hành gian lao vất vả trên Đại Tây Dương kéo dài suốt 2 tháng 9 ngày, vào ngày 12 tháng 10 năm 1492, Colombo đã phát hiện ra châu Mỹ, một miền đất chưa từng được biết đến nên người ta gọi đây là Tân thế giới.
Trong những thế kỷ tiếp theo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Vương Quốc Anh, Pháp cũng như các cường quốc châu Âu khác, đã đổ xô đến miền đất trù phú này lập nghiệp, xây dựng nên nhiều quốc gia lớn mạnh như ta thấy hiện nay, đặc biệt là Hoa Kỳ và Canada.
Sự kiện nhà thám hiểm Cristoforo Colombo phát hiện ra Châu Mỹ, khai lối mở đường cho các dân các nước Châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới tuôn đến định cư lập nghiệp ở đó gợi cho chúng ta nhớ đến một sự kiện khác lớn lao và quan trọng hơn nhiều, đó là sự kiện Chúa Giê-su lên trời để khai lối mở đường cho nhân loại bước vào Vương quốc thiên đàng.
Chúa Giê-su lên trời không phải để rời xa chúng ta, nhưng Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta như lời Ngài nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3).
Thế là từ ngày Chúa Giê-su lên trời vinh hiển, cửa trời đã được mở ra, Vương quốc vĩnh cửu vô biên đã được dọn sẵn để đón nhận muôn dân muôn nước vào hưởng phúc đời đời và Thiên Chúa không ngớt mời gọi muôn dân vào chung hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Tuy nhiên, Thiên Chúa đã ban cho con người tự do và Thiên Chúa tôn trọng tự do của họ đến cùng. Vì thế, Thiên Chúa không lôi kéo, không ép buộc, không xô đẩy bất cứ ai vào thiên đàng, nhưng để cho mỗi người tự do chọn lựa, Ngài chỉ mời gọi thôi.
Chúa Giê-su tha thiết mời gọi chúng ta đến Vương quốc thiên đàng như sau: “Nào, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các con ngay từ thuở tạo thiên lập địa…”(Mt 25,31-46).
Và liền theo sau lời mời gọi này, Chúa Giê-su cũng chỉ cho ta con đường dẫn vào thiên quốc. Con đường đó là sống yêu thương, phục vụ và cứu giúp những người bất hạnh chung quanh ta như Ngài nói: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han".
Vậy thì bao lâu chúng ta sống yêu thương, đùm bọc, cứu giúp… người khác như là cho người đói ăn, thăm viếng người đau yếu, cứu giúp người bất hạnh… là chúng ta đang đi trên đường mà Chúa Giê-su đã vạch để tiến vào Vương quốc thiên đàng. Bấy giờ, cửa thiên đàng rộng mở cho chúng ta.
Ngược lại, bao lâu chúng ta không quan tâm, không cứu giúp người bất hạnh chung quanh là chúng ta đang đi trên đường đưa xuống hỏa ngục đau khổ muôn đời. Bấy giờ, lời cảnh báo của Chúa Giê-su sẽ được áp dụng cho chúng ta: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia, hãy đi khuất mắt Ta mà vào trong hỏa ngục… Vì các ngươi chẳng màng quan tâm cứu giúp Ta…”
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã chấp nhận chịu khổ nạn, chịu chết ô nhục rồi sống lại và lên trời vinh hiển là để khai lối mở đường cho chúng con vào Vương quốc vô biên.
Xin giúp chúng con vững bước theo con đường Chúa đã vạch để tiến về quê trời là con đường bác ái yêu thương, để mai đây chúng con được chung hưởng vinh quang hạnh phúc muôn đời với Chúa.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
Quê Hương Chúng Ta Là Quê Trời
(Lc 24, 46 - 53)
Hôm nay mừng Chúa lên Trời, vâng, toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả và nội dung gồm tóm trong những lời sau: "Chúa Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong... ". Và sau đó " Người lên Trời " (x. Cvtđ 1, 1- 11).
"Đã đến giờ Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha". Lời này được lặp đi lặp lại mỗi đoạn Tin Mừng trước lễ Chúa về Trời. Theo sự quan phòng trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, Chúa Giêsu từ giã Đức Maria, Mẹ Người, các môn đệ và nhất là tâm sự với các nhiều điều trước khi về Trời.
Chúa về Trời, làm cho các Tông đồ nhớ lại "nhiệm vụ" đã được giao phó: "Các con là nhân chứng về những sự việc ấy" (Lc 24,48). Nhiệm vụ  được ủy thác từ đây, đến lượt mình các Tông đồ phải thi hành cách trung thành.  Lời Chúa nói với các ông: "Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần (...). và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy …cho đến tận cùng trái đất"(Cv 1,8). Lời ấy vẫn còn rất thời sự và thật cấp bách, tiếp tục vang lên cách mạnh mẽ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Ðây là lệnh truyền chứ không phải là lựa chọn. Hết thảy mọi người, mọi cộng đoàn, mọi dòng tu đều phải ra đi để làm chứng cho Chúa.
Chúa về Trời, Vinh quang Ba Ngôi được hiển hiện
Biến Cố Chúa Lên Trời là một thể hiện Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; một sự thể hiện chỉ cho chúng ta biết cùng đích cho cuộc hành trình của cá nhân và vũ trụ. Mặc dù thể xác con người sẽ trở về bụi đất, nhưng trọn cả "chủ thể được cứu chuộc" bước theo Chúa Kitô mà về cùng Chúa Cha.
Trong lời chào từ biệt của Chúa Kitô Phục Sinh với các tông đồ, chúng ta nhận ra trước hết chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa Cha, Ðấng đã loan báo trong Kinh Thánh về cái chết và sống lại của Chúa Con, nguồn mạch của sự tha thứ và giải thoát. Và cũng trong những lời mà Chúa Kitô Phục Sinh nói ra, chúng ta nhận thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nguồn sức mạnh và là chứng tá cho các Tông đồ. Như thế, trọn cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hiện diện trong chính giây phút Giáo hội được khai sinh.
Chúa về Trời, niệm hy vọng của chúng ta
Sau khi đã thân hành xuống thế, đi vào lịch sử của con người, bước vào trong bóng sự chết, Chúa Giêsu đã phục sinh và trở về trong vinh quang mà từ thuở đời đời Người đã có với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hầu đưa nhân loại đã được cứu chuộc về với Chúa.
Nay Chúa Giêsu lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa đến muốn đời. Theo lời thánh Lêo Cả, Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, "vinh quang của Đầu" đã trở thành "niềm hy vọng cho thân xác" (x.Bài giảng lễ Thăng Thiên). Chúa Giêsu đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, " Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc" (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7, 25). Từ trên cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, chúng ta có hy vọng đạt tới sự công chính và sống thánh thiện nơi Người. Giáo hội có thể gặp phải những khó khăn, việc loan báo Tin Mừng có thể bị thất bại, nhưng vì Chúa Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa, Giáo hội sẽ không bao giờ bị đánh bại. Sức mạnh của Chúa Kitô vinh hiển, Con yêu dấu của Chúa Cha hằng gìn giữ chúng ta, giúp chúng ta tận tụy và trung thành với Nước Thiên Chúa một cách quảng đại. Sự kiện lên Trời của Chúa Giêsu ảnh hưởng cụ thể đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì mầu nhiệm này, toàn thể Giáo hội có ơn gọi đợi chờ trong niềm hân hoan hy vọng ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến.
Chúa Giêsu vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, hiển vinh về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời. 
Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, chúng con xin Mẹ bảo vệ và gìn giữ chúng con là con cái Mẹ. Xin Mẹ dạy chúng con biết sống và thực hành lời Chúa truyền dạy, để một ngày kia chúng con cũng được về Trời với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh vui hưởng tôn nhan Chúa Ba Ngôi đến muôn thủa muôn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
====================
Suy niệm 4
“HÃY LÀ CHỨNG NHÂN CỦA THẦY”
(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Lc 24,46-53)
Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng lễ Đức Giêsu lên trời. Việc Đức Giêsu lên trời đã chấm dứt cuộc đời trần thế và sứ mạng của Ngài trên trần gian theo ý muốn của Chúa Cha.
Tuy nhiên, sứ mạng ấy tiếp tục được chuyển trao cho các Tông đồ là những chứng nhân của tất cả những gì đã thấy và đã cảm nghiệm, để các ông ra đi làm chứng nhân cho Ngài.
Sứ mạng ấy cũng được trao phó cho mỗi người chúng ta trong vai trò là người thuộc về Đức Kitô.
1. Ý nghĩa của việc Đức Giêsu lên trời
Sự kiện Đức Giêsu về trời cho chúng ta thấy: Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Đã chu toàn sứ mạng cứu độ con người qua cái chết trên thập giá. Ngài đã sống lại để làm chứng những lời Ngài đã loan báo. Và, hôm nay, Ngài lên trời để đem lại cho chúng ta niềm hy vọng mai ngày cũng được về trời với Ngài như lời Ngài đã nói: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26).
Việc Đức Giêsu lên trời cũng là lúc kết thúc những cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt và mở ra một cuộc gặp gỡ thiêng liêng, vượt lên trên không gian và thời gian. Sự kiện này không chấm dứt mọi hoạt động của Ngài trên trần thế. Nhưng qua đó, Đức Giêsu hiện diện cách phổ quát: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài hiện diện nơi Lời của Ngài và trong Bí tích Thánh Thể, qua Giáo Hội và nơi các chứng nhân. Vì thế, Đức Giêsu trở về với Chúa Cha, nhưng Ngài lại khai mở ra cho các Tông đồ và Giáo Hội một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của việc cảm nghiệm, loan báo và làm chứng về Đấng Phục Sinh. 
2. Sứ mạng của các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu lên trời 
Đức Giêsu về trời, Ngài trao ban sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội, khởi đi từ các Tông đồ. Lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), để “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), phải là lời mời gọi, một lệnh truyền cấp thiết hơn bao giờ hết! Bởi lẽ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (x. Ga 17,18; 20,21).
Vì thế, khi Đức Giêsu đã lên trời, thì cũng là lúc các Tông đồ phải xuống núi, phải ra đi để đến với muôn dân như lời Ngài đã truyền. Các ông ra đi để tuyên xưng niềm tin của mình vào Đấng đã chết và đã phục sinh; Đấng là đường, là sự thật và là sự sống; Đấng đã yêu thương con người, đã chết và đã sống lại vì hạnh phúc và phần rỗi của con người. Đấng ấy đã lên trời để đem lại niềm hy vọng cho những ai tin vào Ngài cũng được lên trời như các ông đã thấy Ngài lên trời. 
Chính trong giây phút này, các ông nhận lãnh sứ mạng xây dựng Giáo Hội, một Giáo Hội có Thiên Chúa là Chủ và có nhau là anh em; một Giáo Hội yêu thương, hiệp nhất; một Giáo Hội công bằng, nhân ái. 
3. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của mỗi chúng ta
Lời của Đức Giêsu khi xưa nhắn gửi các Tông đồ: “Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” (x. Cv 1,8) cũng là lời mời gọi cho mỗi người Kitô hữu hôm nay.
Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về và nhận lãnh sứ mạng ngôn sứ từ nơi Đức Giêsu. Công cuộc ấy chẳng mấy tốt đẹp theo kiểu con người suy nghĩ. Vì thế, Đức Giêsu đã tiên báo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Lc 21,17). Và "hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: “Tôi tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em" (Ga 15,29). Nhưng hãy học nơi các Tông đồ: càng bị sỉ nhục, bắt bớ và tù đày, các ông lại càng “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Bởi xác tín rằng "... trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16, 33; x. Rm 8,35-37).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm chèo thuyền ra chỗ “nước sâu” để thả lưới...; cũng như tiến ra những vùng “ngoại biên” để đem Ánh Sáng Lời Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa.
“Nước sâu” ở đây chính là những nơi tội lỗi, gian tham, lọc lừa. Nó cũng là thái độ của những con người thù ghét, cấm cách, bắt bớ những người tin vào Đức Giêsu hay là một thái độ thờ ơ, lãnh đạm với niềm tin Kitô Giáo.
Còn “ngoại biên” chính là những người vô gia cư; trẻ em mồ côi, những cụ già không nơi nương tựa... những người đói khát bần cùng, những người không có tiếng nói...
Những nơi ấy, rất cần các Kitô hữu can đảm, trung thành, bất chấp khó khăn, thử thách, để sẵn sàng làm chứng cho sự thật, công bằng. Mặt khác, nơi tâm hồn người tông đồ phải luôn mang trong mình trái tim của chính Thiên Chúa, để lòng thương xót của Ngài được lan tỏa đến những con người kém may mắn đang sống ở bên lề xã hội.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa về trời, Chúa đã trao phó cho các Tông đồ và Giáo Hội phải loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Xin Chúa cho mỗi chúng con ý thức được điều đó và sẵn sàng ra đi làm chứng cho Tin Mừng của Chúa trong lòng xã hội hôm nay, dầu có phải chịu đau khổ, thử thách. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
====================
Suy niệm 5
Từ “Like” Chuyển Thành “Amen”
Lễ Thăng Thiên kính nhớ việc Chúa Giêsu “lên trời”, được cử hành vào ngày thứ 40 sau Lễ Phục Sinh (x. Mc 16, 19-20; Cv 1,1-11).
Sự kiện Chúa Giêsu thăng thiên đánh dấu việc Người trở về “nơi” mà Người đã hiện hữu trước khi nhập thể (x. Ga 3,13). Lễ này nói lên việc nhân tính của Người tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa một cách vĩnh viễn (x. Ga 16,28; 17,5). Nó đánh dấu sự kết thúc sứ mệnh hữu hình của Chúa Giêsu ở trần gian và khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội. Vào chính ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã được tôn vinh, được siêu thăng và “ngự bên hữu Chúa Cha” trong thân xác vinh quang của Người rồi. Tuy nhiên, theo trình thuật của Thánh Luca, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu còn hiện ra nhiều lần với các môn đệ trong khoảng thời gian 40 ngày. Đây là thời gian Chúa Giêsu dùng để khẳng định sự Phục Sinh của Người, củng cố niềm tin của các môn đệ, hoàn tất việc giảng dạy và sai các ông đi rao giảng Phúc Âm.Với biến cố thăng thiên, Chúa Giêsu không còn hiện diện trong thân xác hữu hình như trước kia, nhưng Người vẫn hiện diện với Giáo Hội cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20) theo phương cách mới - theo quyền năng của Chúa Thánh Thần, với tư cách là Chúa của vũ trụ (x. Pl 2,10-11). (x.Tiểu ban Từ vựng – UBGLĐT/HĐGMVN).
Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh, ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ. Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Chúa lên trời vì Người đã từ trời xuống: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Người không phải là phàm nhân được tôn lên hàng thần thánh. Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời và mọi sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa...Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).
Chúa lên trời với cung cách hiện diện mới, trao sứ vụ cho các Tông đồ và Giáo hội tiếp nối sứ mạng loan báo Tin mừng yêu thương.

1. Hiện diện mới
Chúa Giêsu đã tiên báo với các môn đệ: “Thầy đến cùng Chúa Cha”. Lời này được lập lại 7 lần trong khung cảnh tiệc ly (x.Ga 14, 12.28; 16, 5.10.28; 17,11.13), đến nỗi trong số các môn đệ tự hỏi lời nói đó có ý nghĩa gì (Ga 16,17). Đối với Chúa Giêsu, Người không đi đến một nơi nào khác, nhưng Người đến với một người, đó chính là Chúa Cha. Chúa Giêsu coi cuộc sống ở trần gian và những hoạt động của mình như một hành trình đi đến với Chúa Cha, như một cuộc về trời với Chúa Cha. Khi hiện ra với Maria Madalena, Chúa Phục Sinh nói: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em (Ga 20,17). Như thế, Gioan không kể về việc “lên cùng Chúa Cha” như một “nơi chốn”, Người không đến một nơi chốn (trời), nhưng đến với một người, đó chính là “Cha của Người và cũng là Chúa của anh em”.
Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt.Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới. Các lời nguyện và Kinh Tiền Tụng của lễ Thăng Thiên cũng chứa đựng ý nghĩa này: “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì là đầu và là Thủ Lãnh, nên Người đã đi trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo”.
Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.
Từ nay trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người. 
Khi hai người yêu nhau thì luôn muốn sống bên nhau, nhưng tới một giây phút nào đó họ cảm thấy sống bên nhau vẫn chưa đủ. Những người yêu nhau muốn sống trong nhau, nhưng điều đó không thể xảy ra giữa loài người được vì dẫu sao thân xác của mỗi người vẫn tạo ra một ngăn cách. Điều con người không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm. Chúa Giêsu một khi ngự bên hữu Chúa Cha đã hoàn toàn mặc lấy quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đến ngự trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Chính Người đã nói “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14,23).  Để chúng ta hiểu hơn về sự hiện diện này Chúa đã dùng dụ ngôn cây nho và cành nho “Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được”(Ga 15,5). Thiền sư Suzuki rất tâm đắc với huyền nhiệm này khi viết: Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa.Chúa là người và người là Chúa mà Chúa vẫn là Chúa và người vẫn là người.Quả thật,đó là điều kỳ bí nhất của Tôn Giáo, một nghịch lý thâm u nhất của triết học.
2. Trao Sứ Vụ
Chúa về trời mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. 
Chúa đã dùng Giáo Hội như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Người. Sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Giáo Hội thực thi sứ mệnh đó trong khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống,dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.

3. Từ “Like” Chuyển Thành “Amen”
Giáo Hội Thánh chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Thế giới Truyền thông. Ngày lễ Thăng Thiên gắn liền với mệnh lệnh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19). Các Tông Đồ lên đường truyền giáo, cộng đoàn Giáo Hội được thiết lập và những bước chân không mệt mỏi của người loan báo Tin Mừng đã làm nên lịch sử Giáo Hội.
Có truyền giáo là có truyền thông, và bởi vì có truyền rao sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng nên mới có những người lắng nghe, đón nhận đức tin và được sống trong ơn cứu rỗi. Truyền giáo là nghĩa vụ “thông truyền điều đã thấy và đã nghe” (1Ga1,3) để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là điểm khác biệt giữa truyền thông xã hội và truyền thông công giáo.Trong khi truyền thông xã hội khai thác thông tin theo quy luật cung cầu của thị trường, thì truyền thông công giáo lại xác định hướng đi của mình là mùa màng trong đời sống đức tin.
Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Ngay từ khi internet lần đầu tiên xuất hiện, Giáo hội luôn tìm cách thúc đẩy việc sử dụng nó để phục vụ cho sự gặp gỡ giữa mọi người và cho sự đoàn kết giữa tất cả mọi người” (Sứ điệp Truyền thông 2019).
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông 53, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận tầm quan trọng và sự lan rộng của internet và các mạng xã hội trong đời sống con người ngày nay. Đó là nguồn kiến thức và những tương quan giữa con người với nhau. Tuy nhiên, cũng không thiếu những khía cạnh tiêu cực do các mạng xã hội. Đó là nơi dễ bị những tin tức giả mạo và xuyên tạc xâm nhập và lan tràn; các dữ kiện cá nhân nhiều khi bị lèo lái để mưu những lợi lộc về chính trị hoặc kinh tế, không tôn trọng nhân vị và các quyền của họ. Sứ điệp cũng cảnh giác chống lại sự tự cô lập qua các mạng xã hội, có hiện tượng những người trẻ trở thành “những ẩn sĩ xã hội”, trở nên hoàn toàn xa lạ với xã hội chung quanh.(x.vaticannews.va/vi).
Đức Thánh Cha dùng hình ảnh thân mình và các chi thể mà Thánh Phaolô đã dùng để nói về những quan hệ hỗ tương giữa con người: “Anh chị em hãy bài trừ dối trá và mỗi người hãy nói sự thật với tha nhân, vì chúng ta là chi thể của nhau” (Ep 4,25). Từ đó ngài kêu gọi dùng các mạng xã hội để kiến tạo tình hiệp thông, với ý thức chúng ta cùng họp thành một thân thể và là chi thể của nhau, và thay vì dùng các phương diện này để chia rẽ, gây oán ghét và thù hận, dựa trên sự dối trá.
Chính Giáo hội là một mạng lưới được đan dệt bằng sự hiệp thông Thánh thể, trong đó sự hiệp nhất không được đặt trên những nút ‘like’ (thích), nhưng trên sự thật, trên lời ‘Amen’, qua đó mỗi người đều bám víu vào Thân thể của Đức Kitô, và chào đón người khác” (Sứ điệpTruyền thông 53).
Nếu Chúa Giêsu sinh ra trong thời đại này, Người sẽ dùng internet để rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu Kitô là nhà truyền thông đầu tiên, vĩ đại, đại tài vì sứ điệp của Người là Tin Mừng, là tin vui cho mọi người. Chúa Giêsu có mạng lưới gồm các Tông đồ thông truyền Tin Mừng cho nhân loại. Qua các môn đệ,Tin Mừng được loan truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.Chúa Giêsu không có các phương tiện hiện đại, Người có các Tông đồ, các môn đệ, các thế hệ nối tiếp nhau như mạng lưới phổ biến Tin Mừng khắp nơi trên thế giới.
Truyền thông chính là chia sẻ niềm vui Tin mừng cứu độ. Truyền thông có đặc điểm là khiêm tốn, nhẹ nhàng, nên mọi sự cho mọi người và xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ yêu thương. Từ đó giúp con người nhận ra tình yêu của Chúa. Đây là sứ vụ Chúa trao phó cho mỗi người tín hữu trong thời đại hôm nay.
Cảm tạ Thiên Chúa đã ban những phương tiện truyền thông hiện đại. “Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho nhiều người. Đây là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao”; Internet có thể được sử dụng một cách khôn ngoan để xây dựng một xã hội lành mạnh và mở ra để sẻ chia” (Sứ điệpTruyền thông 50).
Ước mong mỗi người tín hữu biết sử dụng các phương tiện truyền thông với đức tin, trong sự tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, góp phần cổ võ nền văn hóa gặp gỡ và tích cực loan báo tin vui bình an yêu thương.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 7 Phục Sinh Năm C
Suy niệm 1
Xin cho họ nên một
--------------------------
Một không có nghĩa là chỉ một người mà không có người khác.
Những ngày đầu của lịch sử nhân loại, tất cả mọi ngườii sống trên trái đất đều quyết định sống hợp nhất với nhau. Kinh Thánh nói rõ điều đó!
Nhưng có một ngày mà tất cả mọi người, từ nhỏ nhất đến vĩ đại nhất, đàn ông, phụ nữ, trẻ em và người già đều đồng ý với nhau và đi đến một quyết định. Họ quyết định xây dựng một thành phố, một ngọn tháp có nền móng nằm trên mặt đất và đỉnh của nó sẽ vươn lên tận trời cao. Cả nhân loại đã đồng ý xây dựng Tháp Babel. 
Sách Sáng thế viết: “ĐỨC CHÚA xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây. ĐỨC CHÚA phán: "Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa.Thế là ĐỨC CHÚA phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa. Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben, vì tại đó, ĐỨC CHÚA đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, ĐỨC CHÚA đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất”.
Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Xin cho họ nên một”. Họ là một, họ hợp nhất,  họ hiểu nhau và đã làm công việc chung để chống lại Thiên Chúa.Thiên Chúa đã phá vỡ sự thống nhất của họ, phân tán họ trên khắp trái đất, khiến họ trở nên xa lạ với nhau. Tiếng nói của họ phải xáo trộn, khiến họ không ai hiểu ai nữa. Như vậy Thiên Chúa phá vỡ sự thống nhất của con người. Con người tạo nên sự hiệp nhất và Thiên Chúa tạo nên sự bất hòa.
Người khác
Chúa Giêsu xin Chúa Cha: “Xin cho họ nên một, như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng và Cha ở trong con để chúng được được hoàn toàn nên một trong Chúng Ta”.
Trong những ngày đầu của nhân loại, mọi người đã đi đến một thỏa thuận với nhau. Nhưng sự thỏa thuận này là một bất hạnh lớn đến nỗi Thiên Chúa phải can thiệp để phá vỡ sự hiệp nhất của họ. Họ hiệp nhất với nhau để xây dựng một thế giới mới...không có Thiên Chúa. Họ đã trở nên một nhưng quên một Đấng hoàn toàn khác. Họ là một nhưng không có Đấng khác.
Thiên Chúa đã can thiệp vào công việc của người. Ngài giới thiệu sự khác biệt giữa con người, người này không nói cùng ngôn ngữ với người khác và họ không hiểu nhau. Họ là một.  Thiên Chúa can thiệp để khẳng định vị trí của Người khác! 
Người này với người khác
Kể từ đó, nhân loại không thể quên rằng người ta không thể là một người mà không có người khác! Người này gây chiến với người khác, người này buộc mọi người phải rời khỏi nhà để mở ra với người chưa biết, để đón nhận người lạ. Người này buộc người khác phải nhận ra rằng mình không phải là Tất cả, mình không phải là Thiên Chúa! Người này buộc người khác phải nhận ra rằng mình là con người đáng thương.
“Xin cho họ nên một, như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng và Cha ở trong Con để chúng được được hoàn toàn nên một trong Chúng Ta và để thế gian tin rằng Cha đã sai Con”.
Cũng như Cha không phải là Con và Con không phải là Cha, nên Thiên Chúa tạo ra sự khác biệt trong nhân loại. Người nam không phải là người nữ, hàng xóm của tôi không phải là sự phản chiếu của chính tôi! 
Giống như Chúa Cha và Chúa Con là một trong tình yêu, các môn đệ của Chúa Kitô cũng được mời gọi trở nên một trong Thiên Chúa: 
- Họ được mời gọi để chấp nhận rằng Thiên Chúa mà họ họ ở trong, luôn vượt quá họ. 
- Họ được mời để đón nhận Người khác không ngừng. 
- Họ được yêu cầu ra khỏi chính mình gặp gỡ người hoàn toàn khác. 
Nhân loại, và mỗi chúng ta trên trái đất, luôn cảnh giác với cơn cám dỗ hiệp nhất mà không có Thiên Chúa, hiệp nhất xóa bỏ sự khác biệt, xóa bỏ người khác và đặc biệt là những người bị xã hội loại trừ...
Nhân loại không thích bị quấy rầy! 
Thế giới đã không biết Thiên Chúa và đang không biết Thiên Chúa! Nhưng Chúa Giêsu, trước khi đi từ thế giới này mà về cùng Cha, với đôi mắt ngước lên trời , cầu nguyện để Tình yêu thúc giục chúng ta ra khỏi cái giống nhau của mình để trở thành người khác! 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
==================== 
Suy niệm 2
Chúa Giê su Hằng Cầu Thay Nguyện Giúp Cho Chúng Ta
( Ga 17, 20-26 )
Toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (câu 1-5). Chúa Giêsu xin "Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17, 1).
Tiếp theo là những lời Đức Giêsu xin cho các môn đệ : "Lạy Cha…xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con" (Ga 17, 11). Thứ đến là những kẻ nhờ các Tông đồ mà tin vào Chúa là chúng ta, được Chúa lưu tâm đặc biệt trong lời nguyện hiến tế hôm nay: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ chúng mà tin vào con, để mọi người nên một cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Ga 17, 20-26 ).
Chúng ta là đối tượng trong "lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu". Người đặc biệt quan tâm đến sự hiệp nhất của chúng ta, vì hiệp nhất làm cho chúng ta nên "một": "Để cả chúng cũng nên một trong Ta" (Ga 17,22). Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II  nói: "Vậy làm thế nào chúng ta có thể, nếu, không làm cho thế giới biết được Thiên Chúa là Tình Yêu? Chúng ta chia rẽ, thì làm sao chúng ta có thể là người đáng tin cậy được?" Lời chứng về Tình Yêu là một bằng chứng mạnh mẽ hùng hồn nhất để thuyết phục thế giới. Chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô là gương mù gương xấu cần vượt thắng. Vì chia rẽ làm suy yếu sự đáng tin, và hiệu lực dấn thân rao giảng Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ làm trống rỗng quyền năng của Thập Giá Chúa.
Chúa Giêsu xin cùng Chúa Cha cho tất cả mọi người đã được rửa tội hiệp nhất theo ý muốn: "Xin Cha cho chúng nên một" (Ga 17,21). Thánh Phaolô đã từng cật vấn các tín hữu ở Corintô: "Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?" (1Cr 1,13). Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Chắc chắn Chúa Kitô không bị chia năm xẻ bảy. Nhưng với đau khổ, chúng ta phải thừa nhận cách thành thật rằng cộng đoàn của chúng ta đang tiếp tục sống chia rẽ, đó là những gương xấu".
Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu thì luôn luôn hiệp nhất, do đó, chia rẽ không phải là dấu chỉ của Tình Yêu. Trong Thiên Chúa, nơi Ngài không có sự chia rẽ. Chúng ta chiêm ngắm thái độ của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi : Ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, "Hết thảy họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và Maria, mẹ Ðức Yêsu và các anh em Người" (Cv 1,14). Đó là bầu khí của Thánh Thần đã vang lên một tiếng động lớn và toàn thế giới đã kinh ngạc (x.Cv 2,6).
Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ còn xin cùng Chúa Cha cho chúng ta nên một để Người ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Người hầu chiêm ngưỡng vinh quang của Người (Ga 17,24). Người yêu mến chúng ta như Chúa Cha đã yêu mến Người và Người muốn ban cho chúng ta tất cả những gì Chúa Cha đã ban cho Người. Vinh quang Người có được từ nơi Cha, đến lượt Người, Người muốn ban cho chúng ta, và làm cho chúng ta nên một. Người muốn rằng, chúng ta không phải là nhiều nhưng làm thành một, hiệp nhất với thần tính của Người trong vinh quang Nước Trời, không phải sát nhập thành một bản thể duy nhất, nhưng trong sự hoàn hảo, tột đỉnh của nhân Đức Tin, Cậy, Mến. Đây là những gì Chúa Kitô đã tuyên bố khi Người nói: "Để chúng được hoàn toàn nên một!" (Ga 17,22).
Theo cách này mà tất cả chúng ta sẽ trở nên một với Chúa Cha và Chúa Con. Vì Chúa Giêsu nói: "Ta và Cha, Chúng Ta là một" (Ga 10,30). Giống như Người cầu nguyện cho những ai bắt chước mình, chúng ta tham dự vào chính sự hiệp nhất… Không phải sự hiệp nhất về bản tính tự nhiên mà Người có với Chúa Cha, nhưng điều này: như Cha đã làm cho Người tham dự vào vinh quang của riêng mình, Người cũng vậy, theo gương Chúa Cha, sẽ hiệp nhất vinh quang của Người với những kẻ mà Người thương mến.
Sau khi Chúa Giêsu về Trời, Các thánh Tông Đồ đã qui tụ bên Đức Maria để cầu nguyện, noi gương các ngài, chúng ta cũng hãy hăng hái chuẩn bị sẵn sàng, cầu nguyện và thực hành đức bác ái, đón Chúa Thánh Thần, Đấng từ Chúa Cha hiện xuống trên chúng ta, và thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài lắng nghe, alléluia ; hồn con thưa cùng Chúa : mắt con tìm kiếm thánh nhan Ngài, lạy Chúa, con tìm kiếm Chúa, xin đừng ẩn mặt, alléluia, alléluia".
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng con được hiệp nhất. Vậy, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 
   
 
====================
Suy niệm 3
Xin Cho Họ Nên Một
Cv 7,55-60; Kh 22,12-14.16-17.20; Ga 17,20-26
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời cầu nguyện tha thiết của Thầy Giêsu với Chúa Cha cho chính mình, cho các môn đệ và còn mãi cho những người theo Chúa sau này trong tương lai là chúng ta. Trong lòng mến thiết tha, Người thân thưa với Cha mọi điều về đoàn con dấu yêu, trong mối tương quan đậm đà, với bao nhiêu lắng lo khắc khoải khi Người sắp về cùng Cha:
“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,20-23).
Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất trong tình thương, để khi gặp gỡ họ, người ta nhận ra họ là môn đệ của Người. Tình thương ấy cao thượng và vô điều kiện. Chính người đã biểu lộ tình thương này là yêu đến chết và dám chết cho người mình yêu. Cho đến hôm nay chúng con vẫn chưa cảm nhận và sống một tình yêu như vậy, nên Chúa vẫn hằng cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng con. Chúa vẫn chờ đợi để chúng con nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Chúa mà nhìn lại chính mình và mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa. Chính tình yêu thương và hạnh phúc trong Chúa giúp chúng con sống hiệp nhất với nhau, để chúng con được ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng con.
“Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,26). Cái “biết” ở đây là biết bằng con tim, bằng lòng mến yêu. Ngày nay nhiều khi chúng con biết, nhưng không phải từ con tim, nên không đậm đà nghĩa tình yêu mến. Thiên Chúa đã chứng minh tình yêu tuyệt đối của mình bằng việc chấp nhận thân phận nhỏ bé mong manh của con người, khi nhập thể làm người. Tình yêu của Chúa Cha được thể hiện bằng việc hiến tặng Con Một yêu dấu. Tình yêu của Chúa Cha còn thể hiện trong Chúa Con, nơi tâm hồn các môn đệ và luôn ở trong chúng con nữa. Chúa ngự trị trong chính cõi lòng chúng con, cõi lòng là kho để cất giữ những gì quí giá. Vâng, Chúa Cha hằng ở trong Chúa Con, Chúa Con ở trong tâm hồn chúng con, như thế chúng con hằng được ở trong tình yêu Ba Ngôi hiệp nhất với tình yêu thương. Còn gì cao quý hạnh phúc hơn?              
Lạy Chúa Giêsu! xin sai Thánh Thần Chúa đến ở với mỗi người chúng con, cho chúng con được sức mạnh vượt thắng ác thần và được thánh hiến trong tình yêu của Chúa. Trong Thánh Thần chúng con được đổi mới, từ trong cộng đoàn chúng con, giúp chúng con sống hiệp nhất yêu thương trong cuộc đời và hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng cho đời đẹp hơn. Amen.
Én Nhỏ

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log