Suy niệm 1
Thầy để lại bình an cho anh em ---------------------------- Bình an?
Trong một thế giới, người ta chạy đua quyền bính và giàu sang, người ta quảng cáo quá nhiều và cuối cùng cũng là để quy về chính mình và để hưởng thụ. Khi đạt được tất cả những thứ như thế, phải chăng người ta có bình an thực sự không?
- Nhiều kito hữu nói rằng cần phải học lại hương vị cầu nguyện để thoát khỏi thế giới và ra khỏi sự ồn ào. Chỉ có cầu nguyện mới làm cho chúng ta tìm lại được bình an nội tâm.
- Những người khác lại nói: khi bạn muốn được bình an nội tâm, mà lại có một trong những người anh em của bạn bị loại trừ, thì sự bình an đó có giá trị gì? Cần phải xây dựng bình an trong lòng thế giới!
- Một số người khác lại cho rằng: ma túy hoặc rượu là những cách duy nhất không còn lo lắng.
- Và một số người trở về với thiên nhiên, cuộc sống gia đình, hoặc các bài tập thể dục hoặc yoga.
Cầu nguyện, hoạt động, ma túy, rượu, trở về với thiên nhiên và gia đình... Chúng ta không thể bỏ tất cả những thứ đó vào một cái rổ ! Tuy nhiên, theo một cách nào đó, ngoài các phương tiện khác nhau của mỗi người, điều quan trọng nhất đó là: tất cả chúng ta đều khát khao lớn lao để sống trong hòa bình. Bằng phương tiện tự nhiên hoặc nhân tạo, mỗi người, nếu có thể, hãy cố gắng tìm ra giải pháp để thoát khỏi nỗi lo lắng.
Bình an mong manh
Ba năm các môn đệ ở với Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở với họ, tình cảm dạt dào và thân thương, thành công nhiều và thất bại cũng không ít. Hôm nay Thầy lại nói Thầy sẽ ra đi, các môn đệ buồn và buồn lắm, không biết nương tựa vào ai đây? Bình an thật mong manh, thật bấp bênh! Trong tâm trạng đó, Chúa Giêsu nói với các môn đệ và nói với chúng ta: "Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban bình an của Thầy cho anh em”. Chúa Giêsu ban bình an của Ngài cho các môn đệ, nhưng dường như Ngài lại gây rối làm các ông sợ hãi.
Một cách nào đó, trước ngày Thầy mình ra đi, nhóm Mười Hai biết bình an là gì. Họ tìm ra giải pháp: cùng nhau vây quanh Chúa Giêsu. Bên Chúa Giêsu, họ không có gì phải sợ, vì Ngài là Đấng Thiên Sai.
Đột nhiên, lúc này, Chúa Giêsu lấy đi tất cả sự đảm bảo của họ. Ngài nói với họ: "Thầy đi đây"!. Họ lại sống trong lo lắng và không có ai là chỗ nương tựa duy nhất của họ nữa. Chúa Giêsu không chỉ rời đi mà còn trách mắng họ vì nỗi buồn và sự nhầm lẫn của họ. Ngài nói: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi...Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng”. Đó là dấu hiệu cho thấy nhóm Mười Hai không thực sự yêu mến Ngài chăng?
Chính Chúa Giêsu phá hủy sự quân bình mong manh của họ. Vậy những lời bình an mà Chúa Giêsu nói ra có nghĩa là gì? "Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban bình an của Thầy cho anh em..Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”.
Bình an vững chắc
Chúa Giêsu đã loại bỏ cách hiểu biết bình an của họ theo kiểu của thế gian và của chúng ta. Ngài muốn họ hiểu biết bình an theo cách của Thiên Chúa. Chúa Giêsu ra đi, làm họ mất quân bình. Nhưng Ngài ban cho họ cách đi mới và sống cách sống mới. Ngài nói với họ: “Thầy sẽ gửi Thánh Thần đến cho anh em”:
- Từ nay trở đi họ sẽ có trong mình một sức mạnh, một Đấng Bảo Trợ. Họ sẽ có sức mạnh để đối mặt với lời buộc tội của phiên tòa và các thách đố. Bình an mà Chúa Giêsu đề xuất là trái ngược với chạy trốn hoặc rút lui. Đó là niềm vui của một người đã được đảm bảo rằng mình sẽ luôn có đủ khả năng phòng thủ để đối mặt với những thách đố của cuộc sống.
- Từ nay trở đi các tông đồ sẽ có sức mạnh để thưởng thức cuộc sống bất kể khó khăn nào phát sinh.
- Từ nay trở đi họ sẽ không tìm kiếm một nơi bình an. Nhưng họ vẫn có thể đi trong bình an.
Tất cả chúng ta đều muốn bình an. Tất cả chúng ta đều cố gắng tìm một hòn đảo an bình, một giải pháp lâu dài để thoát khỏi khó khăn và giống như các tông đồ: chúng ta buồn bã, sợ hãi, bất lực trước cuộc sống. Tuy nhiên, theo chân Chúa Giêsu và các tông đồ, vấn đề không phải là từ chối mọi khoảnh khắc bình an, mọi hòn đảo an bình, mà là nhận ra rằng những hòn đảo nhỏ khó có thể đứng vững trong cơn bão. Điều quan trọng, đó là việc tìm kiếm sự đảm bảo trong đức tin vào lời hứa mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta: "Thầy sẽ ban cho anh em một Đấng Phù Trợ.”.. Dù có chuyện gì xảy ra... Hãy tin! Hãy tin rằng Thầy Giêsu sẽ luôn cung cấp cho chúng ta đủ nguồn lực để đương đầu với cuộc sống!
Bình an của Thiên Chúa được sinh ra nhờ đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào sức mạnh của Ngài xâm nhập vào đời sống chúng ta.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
========================
Suy niệm 2
Đền thờ cao quý nhất
Ga 14, 23-29
Nếu hôm nay, có tin đồn Chúa Giê-su hay Đức Mẹ hiện ra tại nơi nào đó thì có hàng ngàn, hàng vạn và thậm chí hàng triệu người công giáo đổ xô tìm đến để cầu nguyện, để xin ơn… bất kể ngày đêm, mưa nắng, xa xôi khó nhọc và không ngại tốn kém.
Tuy nhiên, điều oái oăm là có một nơi chắc chắn không những chỉ có Chúa Giê-su mà còn có cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đang hiện ra, đang ngự trị… nơi này gần lắm, thiêng lắm… nhưng chỉ được rất ít người tìm đến.
Đó là nơi nào vậy?
Chúng ta sẽ biết đó là nơi nào, khi lắng nghe lời dạy của Chúa Giê-su sau đây:
"Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14, 23). Ngoài ra, thánh Phao-lô cũng nói: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?”(1Cr 6,19).
Thế thì tâm hồn người tín hữu yêu mến và tuân giữ lời Chúa Giê-su là nơi linh thiêng vì có Chúa hiện ra, có Chúa ngự trị. Vậy thì nơi đây đúng là đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa, là nơi thánh, là chốn linh thiêng… Thế mà sao không có mấy người đến cầu nguyện, đến hành hương, khấn vái?
Xưa kia, thánh Augustino cũng khắc khoải đi tìm Chúa suốt ba mươi năm đầu đời. Ngài miệt mài tìm Chúa trong văn chương, trong triết lý, trong những học thuyết sai lầm và cả trong những đam mê thế tục… nhưng chẳng gặp được nên cảm thấy khắc khoải buồn sầu. Mãi đến tuổi ba mươi, ngài mới được ánh sáng chân lý chiếu soi và được đón nhận Chúa. Bấy giờ ngài cảm thấy an bình hạnh phúc nhưng đồng thời cũng lấy làm hối tiếc vì biết Chúa quá muộn: "Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng. Chúa vẫn ở trong con, đang khi con mải lo tìm Chúa bên ngoài".
“Chúa ở trong con, còn con thì đi tìm Chúa bên ngoài!” Thật là trớ trêu và trái khoáy, giống như ta đang để chùm chìa khoá trong túi mà lại lục lọi tìm kiếm khắp nơi.
Cũng như thánh Augustinô xưa, nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta lại đi tìm Chúa bên ngoài, đang khi Chúa vẫn ở trong chúng ta.
Vậy thì từ nay, chúng ta đừng quên tìm Chúa, gặp gỡ Chúa ngay trong tâm hồn chúng ta, vì tâm hồn ta đúng là đền thờ của Thiên Chúa như Chúa Giê-su dạy:
"Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14, 23) và lời thánh Phao-lô: “Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?”(1Cr 6,19).
Đền thờ này rất cao trọng vì được chính Thiên Chúa thiết kế và thi công, được dựng nên theo hình ảnh của Ngài.
Đền thờ nầy rất cao cả vì được Chúa Giê-su đổ máu ra mà cứu chuộc. Không đền thờ vật chất nào được diễm phúc như thế.
Đền thờ nầy rất linh thiêng vì được Chúa Giê-su hiến thánh bằng Bí tích Thánh tẩy, được nên một với Chúa Giê-su nhờ Bí tích Thánh thể…
Và mai đây, ngôi đền thờ nầy sẽ được đưa lên cõi thiên đàng vinh hiển, trong khi những đền thờ bằng vật chất nguy nga đồ sộ và nổi tiếng trên mặt đất nầy, cho dù được xây bằng đá quý, dù được nạm ngọc dát vàng… sẽ tàn lụi với thời gian.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết quý trọng thân xác chúng con là ngôi đền thờ uy linh cao cả có Ba Ngôi Thiên Chúa hằng ngự trị.
Xin cho chúng con biết thanh tẩy đền thờ đáng quý trọng nầy nếu nó bị ra nhơ uế vì tội lỗi và thói hư.
Xin cho con biết tôn tạo, nâng cấp đền thờ nầy bằng các nhân đức và phẩm chất cao đẹp.
Và nhất là xin cho chúng con hằng đến gặp gỡ và kết hợp với Chúa đang hiện diện trong đền thờ tâm hồn chúng con.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
========================
Suy niệm 3
TUÂN GIỮ LỜI CHÚA
Chúa Nhật tuần trước, Phúc âm kể về những lời tâm huyết của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phúc âm tuần này tiếp nối những lời tâm huyết ấy: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chúa Giêsu đã hứa rằng, dù vắng mặt, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa các môn đệ và ban bình an cho các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Sự hiện diện của người vắng mặt. Đó là cảm nghiệm mà chỉ có những người yêu nhau mới nhận ra mà thôi. Sau khi Phục sinh khải hoàn, Chúa Giêsu đã trở nên con người của mọi thời đại. Chúa hiện diện trong những ai yêu mến Ngài: “Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy”. Chúa hiện diện trong những ai thực hành và giữ lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Ngài hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng đến thăm và ở lại trong những ai yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ lời Ngài: "Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ.... Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến... Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".
1. "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy"
Người Kitô hữu là người có Đức Kitô nhờ đi theo và yêu mến Ngài. Ai không yêu mến, không đi theo thì không có Ngài, nên không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Chúa ta sống trong Ngài: "Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em". Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi ta yêu mến Ngài. Yêu mến là giữ lời Ngài "Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta" (Ga 15,10).
Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không động chạm đến Ngài? Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy". Điều răn của Chúa là gì? Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 12,34). Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Như vậy, câu nói "nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy" có nghĩa là "nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau". Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này: "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20).
2. “Anh em có lòng yêu thương nhau”
Những lời tâm huyết của Chúa Giêsu được thánh Gioan ghi chép lại trong hai chương 13 và 14, cuối cùng Chúa đúc kết trong một lời khuyên ân cần : "Nếu ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy". Lời trọng tâm của chương 13 và 14 là: "Chúng con hãy yêu thương nhau”. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Chúa Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Chúa. Ai không có đặc trưng ấy thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ "hữu danh vô thực", giả hiệu mà thôi.
Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài.Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí, thể hiện nơi những việc làm cụ thể là yêu thương nhau.
Từ nay để gặp gỡ Chúa, để yêu mến Chúa, để sống với Chúa, cần phải có đức tin và tình yêu. Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói: "Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy,Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy.Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy.Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy".Lần kia, có một thanh niên nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì thế, anh ta đến thăm viếng một tu sĩ nổi tiếng là thánh thiện. Anh hỏi vị tu sĩ: Thầy có tin tưởng vào Thiên Chúa không?
Vị tu sĩ đáp : có chứ.
Người thanh niên hỏi : Dựa vào chứng cứ nào mà thầy tin được ?
Vị tu sĩ đáp : Ta tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi vì ta biết Người. Mỗi ngày, ta đều cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta.
Người thanh niên hỏi : nhưng làm thế nào điều đó có thể xảy ra được?
Vị tu sĩ đáp : Khi biết sống yêu thương, thì chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa, và nỗi nghi ngờ tan biến, giống như làn sương buổi sáng bị tan biến trước ánh nắng mặt trời vậy.
Người thanh niên suy nghĩ về câu nói này trong giây lát, rồi hỏi : Làm thế nào để con có thể đạt được niềm tin chắc chắn này?.
Vị tu sĩ đáp : Bằng cách hành động theo tình yêu. Con hãy cố gắng yêu thương những người đồng loại; yêu thương họ một cách tích cực và không ngừng. Trong khi con học hỏi được cách càng ngày càng yêu thương hơn, thì con sẽ càng ngày càng trở nên tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, và sự bất tử của linh hồn. Ðiều này đã được thử nghiệm. Ðây là đường lối đúng đắn.
Những người yêu mến Chúa là những người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép:"Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác.... Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng xẻ cơm cho họ". Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Ngài quả là người yêu mến Chúa thật và đã đáng Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời.
3. Đức Maria là mẫu gương yêu mến và tuân giữ Lời Chúa.
Một người phụ nữ nghe Chúa giảng dạy, bà nghe say mê. Với tính nhạy cảm của một người nữ, bà cảm nghiệm niềm hạnh phúc của người mẹ có một người con tuyệt vời như Chúa Giêsu. Giữa đám đông, bà bày tỏ niềm thán phục Chúa, bà tán dương Mẹ Maria là “người mẹ có phúc đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”. Đáp lại lời tán dương ấy, Chúa nói đến hạnh phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa: “Bà ơi, đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Người phụ nữ kia đã tán dương Đức Mẹ là có phúc vì Mẹ có các vinh dự làm Mẹ của một người con tài ba kỳ diệu là Chúa Giêsu. Đây mới chỉ là vinh dự trần gian. Mẹ Maria còn có một hạnh phúc lớn lao hơn là “nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Khi biết lắng nghe, đón nhận và giữ lời Thiên Chúa thì thiên đàng đã ở trong người ấy, vinh phúc đời đời ở trong người ấy, Thiên Chúa ở trong người ấy. Đó là vinh phúc của Mẹ Maria. Bởi đó, Chúa nói với người phụ nữ kia, không chỉ dừng lại nơi lời khen Mẹ Maria có phúc vì đã có vinh dự cứu mang, nuôi dưỡng một người con tuyệt vời, mà cần hướng đến ý nghĩa cao cả hơn. Phúc thay cho ai biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc cao quý nhất của Đức Mẹ.
Vào ngày Thiên Thần Gabriel đến truyền tin, Đức Mẹ đã đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng. Mẹ cưu mang con Thiên Chúa. Mẹ suy nghĩ và trao đổi. Mẹ biết đây là thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đáp trả lời “Xin Vâng”. Mẹ đã lắng nghe, Mẹ đã tin và chấp nhận dấn thân. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng Mẹ. Chính Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa đang đến với nhân loại và trở nên Emmanuel.
Ngày kia, Chúa đang rao giảng, có người tin cho Chúa biết: “có Mẹ và anh em Thầy đang chờ gặp Thầy”. Chúa nói ngay với họ: “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi? Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa, người đó là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.
Tại tiệc cưới Cana, Mẹ xin Chúa giúp đỡ gia đình tân hôn đang hết rượu. Với một lời đề nghị tế nhị: “Con ơi, họ hết rượu rồi”. Chúa đáp lại như một lời từ chối: “Thưa bà, việc đó liên can chi đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Mẹ tin nơi tình thương của Chúa. Chúa sẽ làm những gì tốt nhất, đẹp nhất cho con người. Vì thế, Mẹ dặn dò người giúp vịêc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Trong cuộc thương khó của Chúa, Mẹ đau đớn và luôn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Dưới chân thập giá, Mẹ hiệp thông trọn vẹn trong lễ tế hiến dâng với con…
Lạy Chúa, chúng con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là chúng con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin chochúng con xác tín rằng tình yêu của chúng con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp chúng con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.
Lạy Chúa, trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng con tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ. Chúng con nhìn lên Mẹ như vị thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu như Mẹ là mẫu gương cho chúng con.Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
========================
Suy niệm 4
BÌNH AN ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA
(Cv 15,1-29; Kh 21,10-23; Ga 14,23-29)
Trong cuộc sống, mỗi lần gặp nhau, chúng ta thường hay hỏi: “Anh hay chị có bình an không?” Hay trước khi ra về, người ta cũng thường chúc nhau: “Về bình an nhé...”. Khi lên đường khởi đầu một chuyến hành trình nào đó, ta cũng mong sao chuyến lữ hành của mình được bình an.
Ngày xưa, người Sêmít cũng có thói quen chào người sắp đi rằng: “Ông; bà...hãy đi bình an” (x. 1 Sm 1,17; 20,42; 29,7). Ngày nay, người Arập cũng còn chào như vậy. Còn người Do thái thì rút gọn hơn khi nói: “Bình an” mà thôi.
Như vậy, hai chữ “bình an” là điều mà mọi người đều mong muốn. Tuy nhiên, mỗi người hiểu về bình an dưới những lăng kính khác nhau. Các tôn giáo cũng mặc cho nó một ý nghĩa riêng biệt theo giáo lý của tôn phái mình. Bình an mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ không phải là thứ bình an như người đời vẫn hiểu: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27).
Vậy bình an theo kiểu thế gian ban tặng là gì? Và bình an của Đức Giêsu trao ban là sao? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu:
1. Bình an theo lối hiểu của con người
Trong kinh nghiệm tự nhiên của con người, đói khát, mất quyền lực, thất bại, bất an hay sự chết là điều làm cho con người luôn sợ hãi và mất bình an. Đỉnh cao của nỗi sợ đó chính là sợ mất sự sống. Chính vì vậy, người ta đều mong muốn được an vui và hạnh phúc, tức là ơn bình an. Tuy nhiên, bình an mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ là một thứ bình an đặc biệt. Đặc biệt vì không phải theo kiểu người đời, mà theo thánh ý Chúa.
Hằng ngày, chúng ta vẫn thường thấy tại các công trường hay những nơi xây dựng, người ta căng những băng rôn có nội dung như: “An toàn là trên hết”; “an toàn là bạn – tai nạn là thù”. Qua những biểu ngữ đó, người ta mong sao cho công việc lao động, xây dựng của họ được an toàn. Ở đây, bình an chính là không xảy ra tai nạn trong khi lao động.
Khi tham gia giao thông, chúng ta, ai ai cũng đều mong muốn không bị đụng xe, cướp giật, mong đi đến nơi về đến chốn an toàn. Ở đây, bình an là không có chuyện bất trắc xảy đến.
Rồi, trong cuộc sống, lúc còn trẻ, ai cũng mong muốn được đáp ứng những nhu cầu về tiền bạc, quần áo... khi lớn lên một chút thì mong được thi cử đỗ đạt, nghề nghệp ổn định, lấy vợ gả chồng được vừa ý. Khi đã ngoài 50 tuổi, ai chẳng muốn con cái ngoan hiền, ổn định. Và, khi đã đến tuổi xế bóng, cái tuổi chân yếu tay mềm, “thất thập cổ lai hy” thì lại mong con cái hiếu thảo, không phải tất bật lo toan những chuyện như: cơm - áo - gạo - tiền nữa. Cuối cùng, cuộc đời an nhàn thư thái là điều mà ai trong chúng ta lại không mơ về nó?.
2. Bình an của Đức Giêsu
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật lại cho chúng ta về phần cuối của cuộc diễn từ ly biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Trong lúc chuẩn bị Thầy trò chia tay nhau để Ngài lên đường chịu chết, chuộc tội cho thiên hạ. Vì thế, Đức Giêsu đã để lại cho các ông một gia sản quý giá hơn hết mọi thứ, đó chính là sự bình an. Ngài không nói: “Anh em hãy ở lại bình an”, mà nói: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”.
Bình an của Đức Giêsu trao tặng cho các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, mà còn đi xa hơn để đạt được thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng người ta về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ.
Đức Giêsu chính nội dung của bình an; hay nói cách khác: Ngài chính là nguồn bình an, Ngài ban cho các ông chính bình an của Ngài.
3. Sống đặc tính ơn bình an
Khi Đức Giêsu trao ban bình an cho các môn đệ, Ngài cũng muốn mời gọi mỗi người chúng ta sống đặc tính của ơn bình an. Đặc tính đó là đón nhận chính nguồn ơn cứu độ và đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa là nguồn cội của bình an.
Sống trong đặc tính ơn bình an của Chúa còn là ở lại trong sự quan phòng của Ngài: “...Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc [...] Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? ...” (Mt 6, 25-29).
Tiếp theo, đặc tính của ơn bình an mang tính siêu việt, quy hướng về Quê Trời: "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6, 19-21).
Cuối cùng, đặc tính này mời gọi chúng ta yêu thương nhau. Khi đã có Chúa là nguồn bình an. Có Chúa là tất cả, chúng ta cũng phải biết yêu thương nhau và sống đức công bằng. Hành vi này đã được Dakêu cảm nghiệm và diễn tả thật sâu sắc. Chuyện kể rằng: một hôm, Đức Giêsu vào thăm nhà một người thu thuế tên là Dakêu. Ngài ở lại đó dùng bữa chung với gia đình ông. Sự hiện diện của Ngài làm ông rất cảm động. Những cử chỉ của Đức Giêsu được kể là một sự chúc bình an cho gia đình ông. Được ơn bình an đó, ông Dakêu tự nhiên không những cảm mến Đức Giêsu, mà còn cảm thấy có trách nhiệm yêu thương đồng bào mình. Để cụ thể hoá lòng thương yêu đó, ông thưa với Đức Giêsu rằng: "Này đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi xin phân phát cho người nghèo. Và nếu tôi đã làm hại ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8).
Như vậy, bình an mà Đức Giêsu ban tặng cho các môn đệ chính là bình an nội tâm. Bình an tuyệt đối. Bình an vượt xa lối hiểu của con người.
Đón nhận sự bình an của Chúa cũng chính là đón nhận chính Chúa, bởi vì Chúa là nguồn bình an (x. Ga 4,8,16; Rm 16,20).
Sống đặc tính của ơn bình an cũng chính là đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và tin tưởng phó thác vào Ngài. Và, khi đã có Chúa trong cuộc đời thì cũng phải biết đem Chúa đến cho người khác bằng những cử chỉ yêu thương, thân thiện và sống đức công bằng.
Mong sao lời chào chúc bình an trong mỗi thánh lễ: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi chúng ta, để tâm hồn chúng ta luôn được bình an và được hưởng ơn cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn bình an, xin ban bình an của Chúa xuống trên chúng con như xưa kia Chúa đã trao ban cho các môn đệ. Xin cho chúng con được sống ơn bình an đó một cách sâu xa, để tận sâu thẳm tâm hồn, chúng con an vui hạnh phúc vì có bình an của Chúa ở cùng. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
========================
Suy niệm 5 Muốn được bình an, hãy giữ Lời Chúa ( Ga 14, 23-29 ) Khi đến “giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13,1), với trọn tình Thầy trò, Người đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết, cụ thể như truyền cho các môn đệ một Điều răn mới (x. Ga 15,12). Mới là vì Chúa Giêsu là người đầu tiên thực hiện bằng việc tự hiến nộp mình cho thế nhân. Mới là vì yêu đến thí mạng vì người mình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13-14). Mới là vì tình yêu hướng đến người khác, ra khỏi chính mình, đến với tha nhân. Kế đến Người bảo họ : “Các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34), vì đây là dấu chỉ để người ta “nhận biết các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35).
Vẫn trong bầu khí tâm sự với các môn đệ, Chúa phán bảo họ rằng : “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23). Thật không đơn giản, lời di chúc này có ý nói : các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến tức khắc lời Thầy sẽ được tuân giữ, có nghĩa là : khi yêu mến Chúa Giêsu, các môn đệ sẽ tuân giữ lời Chúa truyền, cụ thể là thực hành các giới răn Chúa để lại. Có thể hiểu cách khác: nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng lời Thầy truyền, mà tôn trọng lời Thầy là thể hiện lòng mến Thầy nên tuân giữ.
Một điều sẽ xẩy đến cho những ai tuân giữ lời Chúa Giêsu là sẽ được Chúa Cha và chính Người yêu mến, đồng thời chọn làm nơi ở như lời Chúa nói: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”, nghĩa là người ấy là đền thờ Thiên Chúa ngự. Thiên Chúa sẽ ở với người ấy. Thánh Tông Đồ Phaolô nói rõ: “Được Chúa Giêsu ngự trong lòng anh em nhờ bởi lòng tin” (Eph 3,17). Do vậy không có gì ngạc nhiên khi Chúa Giêsu bằng lòng đến ở nhà những người tin, yêu mến và tuân giữ lời Chúa. Đó là lý do tại sao, sau khi hoàn tất các công việc Chúa phán: “Đây là nơi Ta nghỉ ngơi đời đời mãi mãi, Ta sẽ ngự tại đó vì Ta muốn!” (Tv 131,14)...
Tiếp theo, Người mạc khải cho các ông về Chúa Thánh Thần : “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26). Đồng thời hứa ban bình an cho các ông. “Bình an” là quà tặng cao quý của Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi. Đó cũng là “Bình an” sau khi sống lại Chúa Giêsu sẽ tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi. “Bình an” là điều các ông đang cần đến hơn bao giờ hết. Bình an do Chúa tặng ban khác với bình an do thế gian ban tặng. “Bình an” của Chúa Giêsu ban không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, đây là thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ. Chúa Giêsu chính là nội dung của bình an; hiểu cách khác: Người chính là nguồn bình an, Người ban cho các ông chính bình an của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa lối hiểu của con người.
Chúa Giêsu trấn an các ông : “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14,26). Tại sao Chúa Giêsu nói những lời ấy? Thưa là vì trước sự ra đi của Thầy Chí Thánh, các môn đệ cảm thấy cô đơn, lo sợ và bất an. Các ông lo cho chính mình, sợ bị bỏ rơi, sợ phải sống cô đơn, và bằng một lời hứa Chúa Giêsu nâng đỡ các ông: “Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con” (Ga 14,2).
Chúng ta lắng nghe những lời của Chúa Giêsu: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14, 26). Thử hỏi, cuộc sống của chúng ta sẽ ra như sao, nếu không có Chúa, nếu không thực hành và liên lỉ sống đức tin, củng cố bởi Ðức Cậy, hướng về Trời Cao, nơi con người có thể gặp Chúa Kitô?
Vậy, đừng xao xuyến lo âu vì những bất ổn của địa cầu, của tình anh em hữu nghị đổi thay, hay con người thay lòng đổi dạ. Hãy phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, như trẻ thơ trong vòng tay của mẹ. Vì thế giới này là tạm bợ, con người là thay đổi, không phải là chổ nương thân. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới tìm được nguồn vui tột đỉnh của tâm hồn.
Ước chi lời khuyên của Chúa Giêsu hôm nay thấm nhập vào trong tâm trí chúng ta, như là nguồn mạch của bình an, thanh thản và niềm vui. Nếu Chúa Giêsu Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống chúng ta còn lo sợ hãi gì? Tại sao không tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu, Cha chúng ta và tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta? Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khó nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền.
Lạy Chúa Giê su, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, thầy ban bình an của thầy cho các con…”. Xin đoái thương ban cho chúng con ơn hiệp nhất và bình an theo ý Chúa muốn, để ngay ở đời này chúng con đã được nếm hưởng hạnh phúc bất diệt Chúa giành cho chúng con nhờ sự chết và phục sinh của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================== Suy niệm 6 Bình An Của Thầy Cv 15, 1-2.22-29; Kh 21, 10-14.22-23; Ga 14, 23-29 Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14, 23). Người ta yêu nhau thì luôn nhớ lời đã nói với nhau, giữ lời hứa với nhau, luôn làm theo ý muốn của người yêu. Nếu quên hay chẳng muốn giữ lời thì tình yêu bị mờ nhạt, lạnh lẽo. Bởi ông Giuđa thắc mắc sao Thầy chỉ “tỏ mình” cho chúng con thôi, mà không “tỏ mình” cho thế gian thiên hạ? Thầy mới nói như trên và còn khẳng định: “Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.” (Ga 14,24a). Suốt mấy năm theo Thầy, các môn đệ được ở với Thầy, chứng kiến bao việc Thầy làm, nghe bao lời dạy dỗ của Thầy. Thầy trò sống mật thiết yêu thương, Thầy coi trò như bạn thân. “Thầy không gọi anh em là đầy tớ, song là bạn hữu”.
Ngày nay nếu chúng con không yêu mến Thầy, sẽ chẳng màng đến Lời Thầy, làm sao Thầy “tỏ mình” cho chúng con? Đời sống đạo sẽ khô cằn nứt nẻ, buồn tẻ, nhạt nhẽo. Chúng con vẫn rước Thầy mỗi Thánh lễ mà chẳng thấy chi, dường như Thầy vẫn ở đâu đó, trên thiên đàng hay bị nhốt trong Nhà Tạm kia. Còn nếu chúng con vì yêu mà tìm đến Thầy, mở lòng đón Thầy thì “Cả Nhà Thầy”: Cha - Con và Thánh Thần sẽ đến và ở trong chúng con. Thầy sẽ “tỏ mình” cho chúng con. Càng “biết” Thầy chúng con càng yêu, càng yêu Thầy chúng con không dám sai Lời Thầy vì sợ làm Thầy buồn, sai Lời Thầy chúng con sẽ tự đẩy mình ra xa Thầy.
Thầy còn căn dặn ủi an các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27). Đây thực là những lời ủi an tâm huyết chứa chan tình Thầy đến nghẹn ngào. Sống trên trần thế, ai cũng mong ước được sống trong hòa bình, ấm no hạnh phúc. Bình an thế gian là: có được cuộc sống sung sướng, tự do, khỏe mạnh, mọi sự êm ả, không gặp sóng gió cuộc đời, không có bệnh tật đau khổ… Vậy mà Thầy lại hứa ban thứ bình an khác: “Thầy ban bình an không theo kiểu thế gian.” Chúng con chỉ thích những thứ bình an theo kiểu thế gian thôi, mà Thầy lại hứa ban thứ bình an nào nữa đây? Sự bình an này các thiên sứ đã reo vang trong ngày Thiên Chúa giáng trần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Sự bình an của Thiên Chúa đến từ trong tâm hồn, khác hẳn với sự bình an của thế gian. Sự bình an của thế gian thật mong manh, nay cười rồi mai lại khóc. Sự bình an của Chúa hiện diện ngay trong đau khổ, thử thách và nghịch cảnh bên ngoài. Một tâm hồn rộng mở đón Chúa ngự trị, thì với trái tim đầy niềm vui của Chúa, bình an trong Thánh Thần, con người sẽ được bình an thực sự. Nếu con người cố bám vào bình an hời hợt của thế gian, thì khó mà cảm nhận được sự bình an của Chúa. Trong sự bình an đích thực của Thiên Chúa, chính Chúa đã trải qua cuộc tử nạn, tự hiến và trao ban vì tình yêu, cho đến ngày phục sinh khải hoàn. Ngày nay bước theo Chúa giữa thế trần này, chúng con cũng phải đương đầu với những giằng co tranh chấp trong tâm hồn và bên ngoài cuộc sống. Với cái nhìn thế gian, chúng con đã lãnh nhận những thua thiệt, nhưng như Chúa trên thập giá, chúng con nhận được sự bình an.
Lạy Chúa! xin cho con biết kiếm tìm sự bình an từ chính thập giá của Chúa. Đối diện với Thập giá, chắc chắn con sẽ lo âu, sao xuyến. Nhưng nếu con biết tận hiến và trao ban, con sẽ an tâm vững bước theo con đường Chúa đã đi, vì chỉ khi biết cho đi, con mới nhận được nguồn bình an đích thực của Chúa. Amen.
Én Nhỏ