Thứ tư, 08/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá Năm C

Cập nhật lúc 09:08 11/04/2019
Suy niệm 1
Hoan hô con vua Đavit! Đóng đinh nó đi!
-----------------
Đổi hướng. Chủ nhật Lễ Lá hôm nay, chúng ta ngỡ ngàng khi nghe đám đông tung hô Chúa Giêsu: “Hoan hô con vua Đavit”! và ngay sau đó, trong cuộc khổ nạn, họ lại kết án tử hình Ngài: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào cây thập giá”! Phải chăng họ là cùng một nhóm người? Có thể... Vì chưng, nhiều người trong đám đông mong đợi Chúa Giêsu sẽ được nổi danh tại Giêrusalem để mang lại một sự thay đổi chính trị lớn. Chỉ vài người nhận thức được những thay đổi cơ bản mà Chúa Giêsu công bố: một cuộc giải phóng đích thực phải là kết quả của một sự chuyển đổi con tim. Ngoài ra, các nhà cầm quyền đạo đời lúc đó đã chơi trò khai thác cảm giác thất vọng mà đám đông không biết.
Những người bạn ở đâu? Chúng ta có thể hiểu rằng những người thân của Chúa Giêsu trung thành theo Chúa trong ba năm, đã được lời Chúa soi dẫn, nhưng họ nhanh chóng sụp đổ!  Họ không thù hận nhưng chán nản. Họ chưa hiểu những lời của Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Họ đối mặt với thực tế sự thất bại rõ ràng này. Hy vọng to lớn mà họ đặt vào nơi Chúa đều biến thành mây khói! Tại vườn Cây Dầu, họ hoàn toàn choáng váng, thậm chí không cảm thấy sức mạnh để cầu nguyện với Chúa nữa. Họ bị giấc ngủ quật ngã và Chúa Giêsu cảm thấy mình cô đơn. 
Chúng ta nghĩ rằng nếu các môn đệ can đảm cầu nguyện với Chúa Giêsu, đồng hành với Ngài trong đau khổ của Ngài, họ sẽ sống Cuộc Khổ Nạn của Ngài một cách khác biệt trong hy vọng và trung thành. Khi đức tin của chúng ta trải qua thời kỳ bất lực, chúng ta có biết sống cầu nguyện tim kề tim với Chúa Kitô không? May mắn thay, Chúa hiểu những yếu của các môn đệ và của chúng ta,: Ngài có thể trở lại với chúng tôi sau giờ thử thách. 
Chán nản có thể là một một cám dỗ, nhưng trên hết là một thử thách, một thử thách tình yêu thường xuyên nhất. Các môn đệ phải thực hiện quá trình chuyển đổi trong tình yêu mến Chúa Giêsu theo một cách khác: không phải theo cách của con người, nhưng trong đức tin, được đổi mới từ bên trong. Mỗi một thử thách là một lời mời gọi đến cuộc sống mới. 
Thử thách lớn lao của Chúa Giêsu. Trên Thập giá, cũng như trong vườn cây Dầu, Chúa Giêsu không trải qua cám dỗ, nhưng nhất là Ngài phải trải qua thử thách khủng khiếp của sự cô đơn. Các môn đệ, những người bạn của Chúa Giêsu, đã bỏ rơi Ngài, nhưng thử thách lớn nhất là sự im lặng của Cha Ngài. Ngài kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con”?  Chính tại thời điểm quyết định này, Chúa Giêsu đón nhận tất cả sự cô đơn và đau khổ của nhân loại để biến đổi thành niềm tin yêu, mang lại cho chúng ta sự sống một lần nữa: “Lạy Cha, Cha đã nhận lời con. Cha đã lắng nghe con khi con kêu tới Cha. Cha  sẽ ban cho cho con một hậu duệ không ngừng khen ngợi Cha”!
Lạy Cha, sao Cha bỏ con”? Câu kêu than này cũng có thể có nơi nhiều người khi gặp đau khổ và cô đơn. Thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu cũng vậy. Ngài đã sống một cuộc thanh luyện tương tự trước khi chết. Chính Chúa Giêsu muốn đi với chúng ta đến tận cùng của sự tuyệt vọng. Lúc đó chúng ta biết rằng không có sự đau khổ nào của con người có thể thoát khỏi sự hiện diện của Ngài
Trong cùng một khoảnh khắc Chúa Giêsu hỏi Cha Ngài, Cha Ngài đã cho Ngài thấy sự hiện diện của Cha và trong tiếng kêu của tình yêu và đau khổ cùng một lúc, Chúa Con đã trút hơi thở cuối cùng cho Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Hơi thở cuối cùng của Chúa Giêsu cũng là hơi thở đầu tiên của cuộc sống mới cho chúng ta. Đó là con đường tình yêu mà chúng ta sẽ cùng bước đi theo Ngài. Tình yêu được biểu lộ đến tận cùng trên Thập giá chống lại tất cả các tập tục thông thường của nhân loại, tất cả sự thù hận và hèn nhát trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tình yêu mang lại sự sống, đó là tình yêu phục sinh.
Trên thập giá, Chúa Giêsu tin tưởng chúng ta và tương lai của Ngài. Ngài huấn luyện chúng ta từ bỏ chính mình trong tình yêu Cha.  Con người có thể tiếp tục chống lại Thiên Chúa bằng một sự điên rồ nào đó không thể giải thích được. Nhưng hận thù và bạo lực, và đặc biệt là sự chán nản cuối cùng sẽ bị tiêu diệt khi đối mặt với tình yêu. Chúa Giêsu đã cho chúng ta trước những gì mà chúng ta muốn nhận được từ Ngài, những gì chúng ta muốn tiếp tục nhận được từ anh em chúng ta, đó là Sự sống. Sự sống, đó là hãy để cho Chúa Giêsu hành động trong con tim chúng ta và chúng ta hãy cùng tỉnh thức với Ngài.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
========================
Suy niệm 2
Vác thập giá với Chúa Giêsu
Có người cho rằng: “Vác thập giá đền tội cho loài người là việc của Chúa Giê-su, chẳng liên hệ gì đến tôi. Tôi chẳng liên quan gì đến chuyện này. Chỉ mình Chúa vác thập giá đền tội cho loài người là đủ.”
Thực ra, việc chịu khổ nạn và vác thập giá đền tội cho muôn người là việc của toàn Thân mình Chúa Giê-su, tức là của toàn thể Hội thánh, chứ không phải là việc riêng của Đầu là Chúa Giê-su.
Từ ngày lãnh bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tháp nhập vào thân mình Chúa Giê-su, trở nên chi thể của Chúa Giê-su, cụ thể là trở nên bàn tay, trở nên vai của Ngài...
Vì đã trở nên tay của Chúa Giê-su, chúng ta cùng chịu đóng đinh với Ngài; vì trở nên vai của Chúa Giê-su, chúng ta cùng vác thánh giá với Ngài...
Đây là một điều kiện phải có để làm môn đệ Chúa Giê-su như lời Ngài phán: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24) và “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27).
Những ai vác thập giá với Chúa Giê-su thì sẽ được chung hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa Giê-su, như lời thánh Phao-lô dạy: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống với Ngài…” (2Tm 2, 11).
Vác thập giá thế nào?
Cách thứ nhất là tham dự Thánh lễ, kết hiệp với Chúa Giê-su, dâng cuộc đời chúng ta làm lễ tế cùng với Mình Máu thánh Chúa Giê-su, để tôn vinh Thiên Chúa Cha.
Cách thông thường hơn là kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su như tay kết hợp với thân mình, để cho Chúa Giê-su sống trong chúng ta, làm việc trong chúng ta như lời thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Chúa Giê-su đang sống trong tôi” (Gal 2,20) mà làm việc bổn phận hằng ngày.
Cụ thể là mỗi khi làm việc gì, ta nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa làm việc với con.”
Và ban tối, trước khi đi ngủ, ta nguyện với Chúa: “Con xin dâng mọi việc con làm cho Chúa.”
Như vậy, những công việc ta làm hằng ngày “sẽ trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa” như lời thánh Công đồng Vatican II dạy:
“Người giáo dân… được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động của họ như kinh nguyện và công việc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần… tất cả những việc đó đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô…”[1]
Nhờ đó, ngày làm việc của ta trở thành ngày vác thập giá; những việc tầm thường ta làm hằng ngày trở thành việc đạo đức, “trở thành của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa”, mang lại nhiều ơn phúc cho ta và cho muôn người.
Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà
 

[1] Hiến Chế tín lý về Giáo hội, chương IV số 34
========================
Suy niệm 3
Chúa Giêsu chết trong sự vâng phục
Cuốn sách “Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin”[i] viết thật hấp dẫn, tái dựng lại cuộc khổ nạn dựa trên Tấm khăn liệm Turin và Tin Mừng, đưa người đọc từng bước đi vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu với những thống khổ và cực hình về thể lý. Sự tàn ác của tội lỗi và sự đố kỵ của sự dữ trước một Tình Yêu quảng đại và bao dung. Sự yếu đuối của thể chất trước một tinh thần bình an và vượt thoát. Giá trị của vinh quang và tủi nhục, tha thứ và hận thù, sự sống và sự chết. Những cảm nhận đó đưa độc giả vươn tới giá trị siêu nhiên trong Chúa Kitô Phục Sinh.
Cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong cái nhìn nhân loại như một bi kịch của sự tàn bạo, bất công và hủy diệt. Chúa Giêsu bị phản bội, bị hiểu lầm, bị ghen ghét, chịu kết án bất công. Cuộc thương khó làm cho chúng ta kinh khiếp vì sự tàn ác và độc dữ của con người. Nó làm cho chúng ta xót xa và thương cảm một con người là nạn nhân của lòng hận thù và đố kỵ.
Thế nhưng, cái chết trong đau thương nhục nhã của Chúa Giêsu chính là nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại. Người chết để đền tội, để chuộc tội, để gánh tội hầu cứu độ con người. Cái chết của Đấng Cứu Độ nhưng lại bi thương vô cùng.
Tin Mừng về cuộc thương khó kể lại từng chặng đường khổ nạn của Đấng Cứu Thế.
1. Chúa Giêsu chết trong cô đơn
Những giờ phút sau cùng của Chúa là những khoảng khắc cô đơn kinh hoàng.Trong Vườn Cây Dầu, ba môn đệ thân tín đi với Chúa, họ ngủ say để Chúa một mình. Giuđa phản bội bán Thầy 30 đồng bạc là giá một nô lệ bằng một nụ hôn giả dối. Phêrô chối Thầy 3 lần, ông thề là không quen biết Chúa Giêsu trước một đầy tớ gái. Các môn đệ sợ hãi chạy trốn. Có một môn đệ chạy trốn bỏ lại cả áo, chạy mình trần. Một đám đông cuồng nộ: Đóng đinh nó đi. Họ coi Chúa Giêsu còn thua Baraba là một tên phiến loạn giết người.
Các môn đệ ở đâu ? Những người được Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi ăn giờ ở đâu? Những người mới tung hô vạn tuế Con Vua Đavit giờ ở đâu?
Chúa Giêsu đi đến tột cùng của sự cô đơn khi thổn thức với Cha: Lạy Thiên Chúa tôi, sao Ngài nỡ bỏ tôi?
2. Chúa Giêsu chết trong đau khổ
Đau khổ Chúa Giêsu chịu trong giờ sau hết thật ghê rợn.
a. Đau khổ về thân xác
Người ta khạc nhổ, đánh đập, vả tát vào mặt, dùng roi quất vào Người. Đôi bàn tay bầm tím xuyên thâu những mũi đinh nhọn. Đôi bàn chân bị đinh đóng xuyên qua cây gỗ. Đầu đội mão gai nhọn. Lưỡi đòng đâm cạnh sườn, máu và nước chảy ra. Một người bị lột bỏ trần trụi. Hai tay bị giang thẳng trói xiết chặt vào thanh gỗ ngang. Hai chân bị trói vào thanh gỗ dọc phơi ngoài trời nắng gắt cho đến chết. Chết vì nghẹt thở do các cơ vòng ngực, cơ bắp tay không còn sức trương ra, co vào để thu nhận và tống không khí.
Tử tội bị đóng đinh nơi cổ tay, nơi bàn chân càng thê thảm bội phần vì đau đớn nhức nhối, sức người rướn lên để thở, mau kiệt sức và chóng chết.
b. Đau khổ về tinh thần
Bị sỉ nhục. Bị cười nhạo báng. Bị khinh khi.
Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi ! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào !. Các thượng tế kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói:  Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Israel ! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập gía đi, thì chúng ta tin hắn liền ! Cả những tên cướp cùng đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.
3. Chúa Giêsu chết trong sự vâng phục
Cái chết cô đơn, cái chết đau khổ đến với Chúa Giêsu như một chén đắng mà Chúa Cha trao phó. Chúa Giêsu xin vâng ý Cha, nhưng không vì thế mà bớt sự đau đớn. Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu than thở: Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha. (Mt 26,39).
Theo thánh ý Chúa Cha, “Chúa Giêsu đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá”( Pl 2,8).
4. Lời Thánh Kinh ứng nghiệm
Cái chết cô đơn, đau khổ của Chúa Giêsu ứng nghiệm hình ảnh Người Tôi Trung của Ngôn sứ Isaia. Những nổi khổ đau, mọi sự sỉ nhục và cực hình Người Tôi Trung phải chịu: bị đánh vào lưng, bị giật râu, bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Mặc dầu vậy, Người Tôi Trung vẫn vững lòng tin tưởng có Thiên Chúa phù trợ.
Chúa Giêsu tự đồng hoá mình với Người Tôi Trung một lần (Lc 22,37; Is 53,12) nhưng truyền thống không ngừng đồng hoá khuôn mặt của Người Tôi Trung với Đức Kitô ( Mt 8,16;Is 53,4; Mc 1,1;Is 52,1; Mt 12,18-21;Is 42,1-3; Mc 9,31;Is 53.6.12; Ga 12,38;Is 53,1). Đề tài Người Tôi Trung chịu đau khổ là đề tài khai triển một cách rõ rệt nhất quan niệm một Đấng Cứu Thế phải trải qua đau khổ và sự chết thì mới hoàn thành được sứ mệnh (Cv 3,13-26; Is 4,25-30; Is 53,5.6.9.12; Mc 10,41; Is 53,5; 1Cor 11,24).
Hình ảnh Người Tôi Trung đau khổ cho thấy rõ Đức Giêsu đảm nhận thân phận làm người cho tới cùng. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa tự mạc khải là Thiên Chúa “vì mọi người và cho mọi người” chứ không phải như một Thiên Chúa tuyệt đối và toàn năng của triết lý và huyền thoại. Nhân tính của Đức Giêsu mạc khải dưới một siêu việt tính đích thực, nhìn dưới một dạng thức hoàn toàn mới mẻ. Đó là sự siêu việt của một tình yêu vượt qua cái tôi ích kỷ, vượt qua được sự chết để trở nên sự sống cho mọi người.
Bài Thánh ca của Thánh Phaolô gợi lên hình ảnh Người Tôi Trung đau khổ (câu 8; Is 53,7.10.12), nhưng ở đây, Người Tôi Trung được đối chiếu với hình ảnh Đức Chúa vinh quang. Sự tự hạ thẳm sâu và chiến thắng vinh quang là bài ca ca ngợi Chúa Giêsu Kitô đã hạ mình chịu chết và được siêu tôn. Chính sự vâng phục theo thánh ý Chúa Cha đã làm nên giá trị của Chúa Giêsu trên mọi thụ tạo.
5. Sứ điệp tình yêu
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy những chiều kích khác lạ của tình yêu. Tình yêu không đơn thuần chỉ là sự trao ban thuần túy để làm hài lòng người mình yêu thương, nhưng sâu thẳm hơn, nó là sự hiến dâng chính bản thân để chịu đau khổ.
Tình Yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại qua con đường thập giá thật đẹp và tinh tuyền như ánh trăng lấp lánh trên dòng sông tình ái. Thấp thoáng trong bóng tối đau khổ, sợ hãi, cô đơn và sự chết là lung linh ánh sáng khoan dung, tha thứ, bình an và vượt thoát. Trong màn đêm của bạo lực và bất công, bầu trời vẫn lấp lánh ánh sao của dâng hiến và yêu thương. Ngước lên và ngắm nhìn, chúng ta có thể nhận ra từng nét chân dung huyền ảo của Tình Yêu và trái tim của chúng ta sẽ nhận ra được dung mạo của Chúa Giêsu yêu thương đến cùng.
Trong hình hài đầy thương tích của Đấng Chịu Đóng Đinh, bóng tối của sự thịnh nộ và thù hận đã nhường chỗ cho ánh sáng của nhân ái và thứ tha. Làm sao chúng ta có thể nhận ra “Con Người” đẹp nhất trần gian, nếu chúng ta không nhìn qua lăng kính của Tình Yêu! Cuộc khổ nạn của Chúa cho chúng ta một cái nhìn thật thâm trầm và sâu sắc về sự nguyên tuyền của Tình Yêu: đứng trên sự cuồng nộ là thinh lặng, đứng trên hành vi bạo lực là một tinh thần bình an, đứng trên lòng thù hận là tha thứ, đối lại thô bạo là bao dung. Tình Yêu làm chúng ta bỡ ngỡ và sửng sốt. Chúng ta thích ngắm nhìn hình ảnh của một tình yêu siêu thoát và bay bổng, nhưng nơi Chúa Giêsu, tình yêu trở nên bình dị và gần gũi. Chúng ta mong muốn một tình yêu được nhận lãnh và chiếm hữu, nhưng nơi Chúa Giêsu, tình yêu lại trở thành trao ban và từ bỏ. Tình yêu là nét đẹp của sự tự hạ và quên mình, là dâng hiến bằng chính trái tim và trọn vẹn cuộc đời. Tình yêu không là ngôn từ để kết án, không là vũ khí của bạo lực đa đoan. Tình yêu là âm thanh gợi cảm của trái tim, là nét vẽ thanh thoát của vũ hoàn và là dòng suối của hoa trái tha thứ bao dung. Chúa Giêsu đã làm tan chảy mọi ô nhơ đố kỵ, khi Người đặt tất cả trong ánh sáng của tình yêu. Nguồn suối ân sủng từ tình yêu Chúa Giêsu làm cho mảnh đất khô cằn của sự chết trở nên hồi sinh và đầy tràn sức sống[ii].
Trước tình yêu vô biên của Đấng Cứu Độ, con người sao có thể đáp đền cân xứng?. Làm thế nào so sánh một giọt nước nhỏ nhoi với cả đại dương mênh mông vô tận!?
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều hướng về một sứ điệp. Đó là sứ điệp tình yêu. Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha đến độ vâng lời đón nhận cái chết thập giá và yêu thương con người nên đã đón nhận mọi khổ đau của nhân loại mà đưa lên cây thập gía hầu ban ơn cứu độ.
Chính tình yêu, chứ không phải đau khổ, đã biến thập giá tủi nhục thành Thánh Giá vinh quang. Chính tình yêu của Chúa Giêsu, chứ không phải cuộc khổ nạn mà chúng ta được Cứu Độ (Ga 3,17), được giải thoát mọi xích xiềng tội lỗi. Như vậy, cuộc thương khó của Chúa Giêsu là một hành trình của tình yêu tiến tới sự sống và hạnh phúc cho muôn người.
Khi chấp nhận mang lấy những khổ đau, những nhục nhã của cái chết Thập giá, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa phải mục nát đi để cho sự sống mới phát sinh. Nhờ sự chết của Người mà sự sống đời đời xuất hiện cho nhân loại. Đó là định luật nối kết sự chết và sự sống. Chấp nhận đau khổ và sự chết vì tình yêu thì nó trở thành con đường dẫn đến sự sống muôn đời.
Trong cuộc sống thường ngày, có những lúc chúng ta gặp đau khổ, gặp thất bại, gặp nghịch cảnh. Nhiều lúc mình than trách Chúa, nghi ngờ tình yêu của Chúa. Có người bị lung lay đức tin. Có người đã đánh mất đức tin. Hãy chiêm ngắm đau khổ Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn để vững vàng vượt qua thử thách, băng qua gian truân. Qua Thập giá mới đạt tới vinh quang Phục Sinh. Hãy xin được như Thánh Gioan kiên vững dưới chân Thập giá để trung thành với một tình yêu sắt son cùng Thầy Giêsu. Hãy xin được như Đức Maria can đảm dưới chân Thập giá cùng chịu đau thương nhục nhã với người con yêu.
Con Thiên Chúa đã gánh chịu mọi khổ đau của thân phận con người, nhưng Người không oán than, không kêu trách, không rên xiết; trái lại, Người đón nhận khổ đau với một tình yêu sâu đậm: Yêu Chúa Cha và yêu nhân loại. Chính tình yêu này đã biến khổ đau của Người nên nguồn ơn cứu rỗi. Tình yêu cứu độ của Chúa đưa nhân loại đi tới bến bờ hạnh phúc. Chúng ta hãy tin yêu Chúa Giêsu và bước đi theo Người để có sự sống dồi dào và niềm vui an hoà.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
[i] Tác giả An Thiện Minh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa Nihil Obstat, Đức Cha Guise Võ Đức Minh Imprimatur, Nhà xuất bản tôn giáo, Nhà sách Đức Bà Hòa bình phát hành.
[ii] sđd trang 232-269.
========================
Suy niệm 4
ĐƯỜNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
(Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56)
Hôm nay, phụng vụ Giáo Hội chính thức bước vào Tuần Thánh với biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, khởi đầu hành trình thương khó trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Cuộc thương khó của Chúa Giêsu là một nghịch lý, ô nhục, điên rồ với người Do thái, là nỗi thất vọng cho các môn đệ và nhiều người... Tuy nhiên, con đường bất thường này lại làm lộ hiện dung mạo, khuôn mặt, tâm tư và lòng dạ thương xót phi thường của Thiên Chúa ngang qua con người, sứ vụ và nhất là cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Muốn hiểu thêm về cuộc thương khó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nơi các đối tượng, động lực, hành vi của những kẻ gây nên cái chết bi thương cho Người Công Chính, để thấy được mục đích gian ác của con người thời đó và chương trình yêu thương của Thiên Chúa cũng như sự liên hệ của chúng ta trong mầu nhiệm cứu chuộc hôm nay.
1. Con đường thương xót của Thiên Chúa ngang qua bàn tay gian ác của con người
Những kẻ gây nên cái chết cho Chúa Giêsu chính là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Họ là những Luật Sĩ, Thượng Tế và Pharisêu. Những con người này có mối thù sâu sắc với Chúa Giêsu, nên quyết không đội trời chung với Ngài!
Những mâu thuẫn được khởi đi từ chuyện Chúa Giêsu vạch trần lối sống giả hình, kiêu ngạo, ích kỷ, dã tâm nơi giới lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Đây là điều mà họ cảm thấy bất lợi và có nguy cơ bại lộ lối sống giả nhân giả nghĩa theo kiểu: dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt!
Chúa Giêsu đã không chấp nhận, vì thế, họ đã quyết loại trừ Ngài ra khỏi xã hội của họ bằng cái chết.
Tuy nhiên, điều mà họ muốn thì chính bản thân họ hay dân tộc họ không thể làm được, bởi lẽ, dân Dothái đang bị đô hộ bởi Đế quốc Rôma, vì thế, muốn giết Chúa Giêsu, họ phải mượn tay của Đế quốc, mà người đại diện là Philatô!
Bản án mà họ trình lên quan Tổng trấn để xin ông xét xử, đó là tội: khi quân, phản loạn, sách động dân chúng, lật đổ chế độ, rồi tự xưng mình là vua...!!!
Với ngần ấy cái “mũ” mà họ chụp lên đầu Chúa Giêsu, chắc chắn cuộc thương khó sẽ xảy ra và cái chết là kết cục cho Ngài!
Để thuận lợi, giới lãnh đạo tôn giáo đã âm thầm đề nghị Giuđa, một người trong nhóm môn đệ của Chúa Giêsu là nội gián, tiếp tay từ bên trong. Quả thật, Giuđa đã nhận lời và chấp nhận trở thành nội thù khi bán Thầy với giá 30 đồng bạc qua dấu chỉ một cái hôn.
Ôi một sự chua xót và đau đớn vô cùng, bởi lẽ, nụ hôn là biểu lộ của tình yêu. Yêu ai thì mới trao cho nhau nụ hôn, ai ngờ nụ hôn của trò với Thầy lại là dấu chỉ đẩy Thầy vào chỗ chết!!!
Khi đã được Giuđa chỉ điểm và cho dấu hiệu, họ đã bắt Chúa Giêsu và trao nộp cho Philatô. Từ đây, Philatô cũng là những người có can hệ đến cuộc thương khó của Chúa Giêsu, bởi vì ông là người đại diện cho luật pháp, có trách nhiệm cầm cân nảy mực... Thế nhưng, thay vì làm việc mang tính công minh chính đại, ông lại bị sức ép từ phía dân chúng, sợ mất chức, mất quyền... nên đã phủi tay, không còn can đảm nghe theo tiếng Lương Tâm để bênh vực Người Công Chính, bảo vệ lẽ công bằng và đứng về phía người vô tội.
Thế là bản án tử hình được trao tặng cho Chúa Giêsu.
Như vậy, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của những người can dự vào cuộc thương khó Chúa Giêsu chính là: kiêu ngạo, hèn nhát, gian dối, tham lam và sợ hãi...
2. Con người càng tàn bạo, lòng thương xót của Thiên Chúa càng rõ nét
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ rằng: Thiên Chúa đã thất bại trước sự ác của con người! Công chính, công lý và sự thật đã nhường bước cho sự ác lên ngôi và lộng hành... Không! Chính lúc Con Thiên Chúa bị treo trên thập giá, ấy là lúc Thiên Chúa đang biểu lộ quyền năng và lòng thương xót của Người rõ nét hơn bao giờ hết!
Như đã nói: cuộc thương khó của Chúa Giêsu là một cuộc thương khó vô cùng nghịch lý, nhưng nó lại hợp lý đối với lòng dạ Thiên Chúa, bởi vì: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 16).
Quả thật, vì yêu, Người đã chấp nhận trao ban Con Một của mình cho nhân loại. Vì yêu, Chúa Giêsu đã xuống thế làm người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để cứu chuộc chúng ta. Vì yêu, Chúa Giêsu đã một đời rao giảng lời Tình Yêu; Lời Hằng Sống; Lời Cứu Chuộc. Vì yêu, Ngài đã chữa lành và giải thoát con người khỏi bệnh tật phần xác, giải phóng cảnh nô lệ phần hồn.
Đỉnh cao của con đường thương xót, ấy là: Thiên Chúa muốn Con của Người đón nhận cái chết đau thương để giải thoát nhân loại cách toàn diện. Chúa Giêsu đã đón nhận con đường thương xót ấy trong tâm tình vâng phục và yêu mến, để lòng dạ xót thương của Thiên Chúa được lộ hiện...
Như vậy, qua cái chết của Chúa Giêsu hoàn toàn không phải là sự thất bại, nhưng là sự chiến thắng. Chiến thắng trong và do lòng thương xót của Thiên Chúa.
3. Chúng ta được mời gọi đi trên con đường của lòng thương xót mà Chúa Giêsu đã đi
Qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta hãy dừng lại để suy tư về hành trình theo Chúa của mỗi người chúng ta:
Bấy lâu nay, chúng ta đi theo Chúa trên con đường nào?
Trên con đường thương xót hay hận thù? Yêu thương hay ích kỷ? Hướng tha hay vụ lợi? Sứ vụ hay danh vọng?
Làm một cuộc cật vấn Lương Tâm như thế để thấy rõ con người thật của chính mình..., bởi vì có biết bao nhiêu mục đích, lựa chọn khác nhau như:
Có nhiều người theo Chúa như những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Họ là những người Công Giáo, thường xuyên đi lễ, nhà thờ, luôn tỏ vẻ đạo đức, nhưng thực ra những điều đó chỉ là bình phong cho một ý đồ đen tối, để khi thuận tiện, sẵn sàng làm hại Giáo Hội, coi rẻ Lương Tâm, bán đứng anh chị em mình... Sẵn sàng trở thành nội gián để tiếp tay cho những kẻ chống phá Giáo Hội! Những người này theo Chúa không phải vì yêu mến, kính trọng hay phần rỗi, nhưng theo Chúa để tìm dịp thuận tiện nộp Ngài, chẳng khác gì Giuđa!
Có những người theo Chúa, nhưng theo xa xa, theo nửa vời. Họ như dân Dothái xưa: khi hay thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì rời nhau ra... Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn còn đó những kẻ theo khi thuận tiện, những lúc khó khăn là rút lui... Không những thế, việc trối bỏ đức tin ngang qua những lựa chọn bất chính là điều dễ dàng xảy ra đối với những người này...
Cũng không thiếu những người theo Chúa như Philatô, họ theo vì nhu cầu lợi lộc, thực dụng. Vì thế, họ sống theo kiểu: “Sợ tiếng chửi và ăn mày tiếng khen”. Nếu vì Chúa mà ảnh hưởng đến cuộc sống, sự nghiệp, chức quyền...là họ “rửa tay” như Philatô.
Mong sao, ngày càng có nhiều người Kitô hữu theo Chúa như Đức Mẹ, thánh Gioan, bà Verônica, ông Simong, hay như một số phụ nữ... Các ngài theo vì lòng yêu mến, hiệp thông, để cảm, để thấu và muốn được cùng Thầy trở thành chứng nhân của lòng thương xót.
Lạy Chúa Giêsu, khi nghe bài Thương Khó hôn nay, xin cho chúng con không chỉ dừng lại ở sự xót xa nơi những lời vu khống không thương tiếc, những  lằn roi tê tái, những lời nhục mạ bỉ ổi và những nhát đinh chết người mà con người dành cho Chúa!
Nhưng điều quan trọng, xin Chúa ban cho chúng con biết sống sứ điệp của Chúa ngang qua cuộc thương khó, để ước gì thế giới này được chan chứa tình yêu và hy vọng qua cuộc sống chứng nhân của chúng con. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
 ========================
Suy niệm 5
Tại làm sao Chúa chết?
(Lc 22, 14-23, 56)
Sau khi đọc bài tường thuật đầy đủ về cuộc Thương Khó của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta theo thánh Luca. Chúng ta không thể không màng chi đến những sự xảy ra trước đó. Nhiều người không khỏi thắc mắc: một con người như vậy sao lại kết thúc trên Thánh giá? Đâu là nguyên do dẫn đến cái chết và ai là người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
Theo một lý thuyết lưu hành vào thế kỷ 20 sau thảm kịch Shoah, Hitler tiêu diệt những người Do thái, người ta qui trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu cho người Do thái, Philatô và các thẩm quyền Rôma thời ấy, mà động lực thúc đẩy thuộc bản chất chính trị hơn là tôn giáo.
Bằng chứng là Hội đồng Do thái, đứng đầu là các thượng tế, trưởng vệ binh đền thờ và kỳ lão (x. Lc 22, 52) ; chứng gian tìm không ra, lời chứng lại không khớp, phải nại đến Thượng Hội Đồng và hỏi Chúa Giêsu xem có phải Người là Đức Kitô không ? Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, và nếu tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời” (Lc 22, 67-68. Người buộc họ lên tiếng : “Vậy ông là Con Thiên Chúa ư ?” Chúa Giêsu đáp: “Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa” (Lc 22, 70). Bấy giờ họ nói: “Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa? Vì chính chúng ta cũng nghe y nói” (Lc 22, 71). Họ quyết định lên án tử cho Người.
Nhưng chuyện không đơn giản, vì muốn giết được Chúa Giêsu phải qua tay tổng trấn Rôma là Philatô, nên họ “ giải Người đến Philatô” (Lc 23, 1)Philatô không phải là người quan tâm tới sự công chính đến nỗi âu lo về số phận của một người Do thái không tên tuổi; ông ta là một mẫu người cứng cỏi, độc ác, sẵn sàng đổ máu nếu có một dấu vết rất nhỏ nổi loạn (x. Lc 13, 1-9). Tất cả sự này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, ông không ra sức cứu sống Chúa Giêsu vì thương cảm nạn nhân, nhưng chỉ để ghi một điểm thắng chống lại những kẻ tố cáo Chúa Giêsu, với họ ông đã có xung đột từ ngày tới đất Giuđêa. Dĩ nhiên, sự này không giảm bớt trách nhiệm của Pilatô trong việc lên án Chúa Giêsu, một trách nhiệm ông đã chia sẻ với những nhà lãnh đạo Do thái.
Khi gặp Chúa Giêsu, Philatô hỏi: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” (Lc 23,3). Chúa Giêsu vẫn giữ thái độ và hành vi tương tự như trước cộng nghị: “Ông nói tôi là vua” (Lc 23,3). Câu trả lời của Chúa Giêsu không giúp Chúa thoát khỏi vụ án mà lại như thêm dầu vào lửa, khiến các thầy thượng tế lại tố cáo thêm, nhưng Chúa không đáp lại một lời nào.
Đối diện với những kẻ đòi giết Chúa Giêsu, Philatô không biết làm sao nên bảo dân “Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi” (Lc 23, 16). Lúc ấy trong khám đang có sẵn kẻ giết người tên là Baraba, Philatô nghĩ ra trò tráo mạng Giêsu để may chăng dân chúng tha cho Chúa Giêsu, nhưng ông đã lầm, chẳng những không cứu được Chúa Giêsu mà còn như thể gia tăng lòng quyết xử tử Người. Dân chúng biến các lời chúc tụng thành tiếng kêu tố cáo: “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!” (Lc 23, 21). Philatô nhượng bộ hoàn toàn: “ Ông liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu” (Lc 23, 24).
Khi quyết định trao nộp Chúa Giêsu  thì ông cũng đi vào cái vòng di chuyển của họ. Tin Mừng được giả thiết là đã minh oan cho Philatô và tố cáo những người lãnh đạo Do thái chủ mưu giết Chúa. Chính thánh Phaolô khi tường thuật về án tử của Chúa Giêsu giống như các sách Tin Mừng mô tả, ông viết “những người Do thái đã giết Chúa Giêsu” (1 Tx 2,15).
Từ những tường thuật về cái chết của Chúa Giêsu trong Talmud và trong những tài liệu Do thái khác, truyền thống Do thái không bao giờ từ chối sự tham gia của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó trong việc lên án Chúa Giêsu. Họ không bênh vực mình bằng sự chối bỏ hành động, nhưng nếu có hành động nào, họ đã chối hành động đó, từ viễn ảnh Do thái, làm thành một tội ác và án tử Chúa Kitô Giêsu là một án bất công.
Như vậy, đối với câu hỏi, “ tại sao Chúa chết ? ” Sau tất cả những nghiên cứu và những sự lựa chọn được đề nghị, chúng ta phải đưa ra cũng một câu trả lời như trong các Tin Mừng là Người bị kết án vì những lý do tôn giáo. Kết luận, các thẩm quyền tôn giáo và các thẩm quyền chính trị, các thủ lãnh Công Nghị và quan tổng trấn Roma, cả hai đã tham gia, vì những lý do khác nhau, trong sự xử án Chúa Kitô.
Phần chúng ta, những người tin Chúa Giêsu đều nghĩ rằng chính những người Do thái đã giết Chúa. Chúng ta cũng thường qui kết cho Giuđa là kẻ phản bội đã bán đứng Thấy, kẻ tiếp tay cho các thượng tế và kinh sư bắt nộp Chúa.
Mỗi khi Tuần Thánh về, đọc lại bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Giáo hội muốn mỗi người chúng ta, thay vì đổ tội cho người Do thái, thì nhìn thấy trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa Giêsu. Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh. Tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa và tha nhân, chống lại Thiên Chúa và chống lại nhau, dẫn đến nguy cơ mất ơn cứu độ. Nên Thiên Chúa đã “vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…” chịu đóng đanh, chịu chết để chuộc tội cho chúng ta (x. Kinh Tin Kính).
Khi ta từ chối Chúa và chương trình thiêng liêng của Người, hay khi ta xúc phạm đến Chúa, không sống xứng đáng là con Thiên Chúa, chúng ta chịu trách nhiệm cách đặc biệt hơn vào cái chết của Chúa. Mỗi lần chúng ta phạm tội bất công, lỗi đức bác ái, gây gương mù gương xấu, cộng tác với sự dữ gây tác hại trực tiếp cho tha nhân, làm hại bản thân, gây thiệt hại cho cả Hội Thánh nữa là chúng ta làm khổ nhau, nhất là làm cho Chúa phải đau phiền và phải chết.
Ước gì khi suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta thêm lòng tin vào Chúa, yêu mến Chúa cách mãnh liệt hơn, và đặt tất cả lòng cậy trông vào Chúa. Chúng ta tin Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 ========================
Suy niệm 6
Dõi Theo Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu
(Lc 22, 14-23, 56)
Khi Chúa vào Thành Thánh
Chúa Giêsu muốn tất cả thật đơn giản, nhưng giầu ý nghĩa về tính thiên sai. Trái lại, đám đông từ Galilêa đến dự lễ Vượt Qua lại vui mừng phấn khởi. Chúa Giêsu tiến vào Thành Thánh, đám đông và đoàn môn đệ cất tiếng ngợi ca: "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời", làm cho chúng ta nhớ lại lời thiên thần đã hát trong đêm Giáng sinh: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm" (Lc 2, 14).
Sự nhiệt tình của đám đông gặp phải sự chỉ trích của một số người Biệt Phái. Chúa Giêsu chấp nhận sự nhiệt tình này bởi nó phát xuất từ trái tim, cho dù có phù du đi chăng nữa (x. Lc 19,39-40).
Một ngôn ngữ loài người
Toàn bộ sứ mạng của Người Tôi Tớ Đau Khổ được Isaia tóm lại: lắng nghe để huấn luyện, huấn luyện để loan báo: "Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn … Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn" (x. Is 50, 4-7). Thật dễ để mà nói, "tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi" (Is 50, 6), nhưng không dễ để mà sống. Vì thế, ta phải không ngừng lắng nghe Thiên Chúa, để Thiên Chúa huấn luyện ta bằng ngôn ngữ loài người, để tloan báo Thiên Chúa cho anh em.
Người đã không lấy lại
Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, chia sẻ tất cả vinh quang của loài người và vinh quang Thiên Chúa: "Đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm" (Pl 2,7). Là con người, một tạo vật có giới hạn trong thời gian, gắn liền với khổ đau, ngược đãi và bị giết chết. Trử nên giống phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi, dù là Đấng vô tội, Chúa Giêsu đã khước từ vinh quang của Con Thiên Chúa và trở thành Con của loài người, để hoàn toàn liên đới với chúng ta là những người tội lỗi. Không những thế, Người đã sống giữa chúng ta trong một "điều kiện của nô lệ": không phải như là vua, cũng không phải là ông hoàng, nhưng là nô lệ. Vì thế Người đã hạ mình, và vực thẳm sự hạ mình của Người, mà Tuần Thánh cho chúng ta thấy, xem ra không có đáy, "vâng lời cho đến chết" (Pl  2,8), đành mất tất cả để có được vinh quang trở về với Thiên Chúa.
Khởi đầu chặng Đàng Thánh Giá
Thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh như là điểm khởi đầu con đường thập giá, chứ không phải vườn Cây Dầu. Bởi vì con đường này chính là Vương Quốc. Đây là nét đặc trưng của bài Thương Khó theo Tin Mừng Luca.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Cho đến khi triều đại Thiên Chúa đến, vương quốc của Thiên Chúa". Và đối với những người bị kết án trên thập giá cùng Chúa Giêsu, Nước Thiên Chúa đến ngay lập tức, người trộm lành hỏi : "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi ?" (Lc 23, 43) Chúa Giêsu trả lời : " Ngay hôm nay... " (Lc 23, 43). Thánh Thể thực hiện hy tế của Thiên Chúa và ban tặng cho chúng ta những quả phúc tuyệt vời ngay tức khắc. Mỗi khi cử hành, chúng ta thưa: "Xin đoái nhìn hiến lễ Hội Thánh dâng lên Chúa và khi Chúa nhận đây chính là của lễ Con Cha đã dâng tiến" (Kinh Nguyện Thánh Thể III) Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Chén này là Tân ước trong Máu Ta" (Lc 22,20).
Trong vườn Giệtsimani
Trong thư gửi tín hữu Do thái Chúa Giêsu nói : "Con đến để làm theo Ý Cha" (Dt 10,9-10) lấy lại những lời Thánh Vịnh (Tv 39, 8). Nhưng lời đó vẫn tiếp tục và đặt chúng ta vào trong lễ dâng hiến của Chúa Kitô. Chính trong ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã dâng hiến chính thân mình làm của lễ để cứu chuộc chúng ta.
Có lần chúng ta bước trượt, lúc đó bàn tay ta không có gì để nắm. Có lúc trái tim ta bồi hồi trong ta, cuộc sống mất đi ý nghĩa, khi tình yêu tan rã, tâm trí chúng ta mất hướng. Chúa biết rằng trong vườn cây Dầu, có các môn đệ ở gần, Người vẫn cảm thấy cô đơn: "Tại sao các con ngủ?" (Lc 22, 46).
Nhưng sự cô đơn không phủ kín trên Người, mà đưa Người đến với lễ vật tự hiến phổ quát. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Philipphê "Để mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng" ((Pl  2, 11). Chúng ta phải ra khỏi chính mình, vượt ra ngoài bóng đêm để tìm kiếm Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, tìm ánh sáng của Ngài.
Chối Chúa
Hầu như tất cả các môn đệ khác trốn chạy và bỏ rơi Thày, còn Phêrô với thanh gươm cầm sẵn trong tay, tin tưởng vào sức riêng mình, ông dồn sức lực vào sự nhiệt tình với Chúa. Giờ đây ông tìm lại chính mình. Ông biết rõ người mà tên đầy tớ nữ hỏi ông, nhưng ông vẫn nói : "Này chị, tôi đâu quen biết người ấy" (Lc 22,57).
Con gà là con vật không màng chi đến giờ giấc, vào thời điểm đó đã cất tiếng gáy. Phêrô sau khi chối Chúa, quay lại nhìn Chúa Giêsu, ông sợ hãi. Lúc này, Chúa không đến nắm lấy tay Phêrô như ngày ông bị chìm trên biển khi đang đến cùng Chúa. Với cái nhìn yêu thương, giờ đây Chúa Giêsu nhắc nhở Phêrô, ông quay lại và nhìn Chúa, cái nhìn lén lút, gặp ánh mắt "yêu thương", ông sực nhớ lời Chúa Giêsu đã nói với ông : "Khi gà chưa gáy, con đã chối ta ba lần" (Lc 22, 61).
Chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn chúng ta, cho chúng ta tính xác thực của tình yêu thương xót vượt trên sự yếu hèn của chúng ta.
Các ông nói, quan nói
Trước Công Nghị, giới lãnh đạo Do thái hỏi Chúa Giêsu xem có phải Người là Đức Kitô không ? Chúa Giêsu trả lời: "Nếu Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, và nếu tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời" (Lc 22, 67-68). Người buộc họ lên tiếng : "Vậy ông là Con Thiên Chúa ư ?" Chúa Giêsu đáp: "Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa" (Lc 22, 70).
Bị hạ nhục trong tâm hồn với các chế nhạo, xỉ vả, và khạc nhổ,  thân xác phải chịu  đánh đập, đòn vọt và mạo gai khiến cho diện mạo của Ngườii không còn hình tượng người ta nữa. Trước quyền bính tôn giáo và chính trị: Ngài đã tự biến thành tội nhâ và bị coi là bất chính. Thế rồi quan Philatô gửi Ngươfi qua cho vua Hêrôđê và ông này lại gửi Chúa trở lại cho quan tổng trấn. Với Philatô, ông lồng chính trị vào khi hỏi Chúa Giêsu: "Ông có phải là Vua dân Do Thái không?" (Lc 23,3). Chúa Giêsu vẫn giữ thái độ và hành vi tương tự như trước cộng nghị: " Ông nói tôi là vua" (Lc 23,3).
Chúa cũng yêu cầu chúng ta trả lời cùng một câu hỏi, mà Chúa hỏi các môn đệ: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?"
Chúa Giêsu không đòi cho mình
Sau khi bị bán với 30 đồng bạc và bị phản bội bởi một môn đệ Ngài đã chọn và gọi là bạn. Chúa Giêsu trong tư cách là con người bị bỏ rơi và bị ngược đãi. Người bị nộp vào tay kẻ dữ, bị mạc cả với kẻ sát nhân, phải vác thánh giá nặng nhục nhã và bị nhạo báng như tên nô lệ. Người khiêm nhường đến độ không còn được tôn trọng. Người đã tự hủy mình ra không, không còn sức để vác cây thập giá.
Trong khi Ngài bị khước từ mọi công lý, Chúa Giêsu cũng cảm nhận trên da thịt mình sự dửng dưng, bỏi vì không ai muốn lãnh trách nhiệm đối với số phận của Người. Dân chúng biến các lời chúc tụng thành tiếng kêu tố cáo, thích cho một kẻ sát nhân được trả tự do cho họ hơn. Và thế là Chúa bị chết trên thập giá, là cái chết đớn đau và hổ nhục nhất dành cho các kẻ phản bội, nô lệ và các kẻ tội phạm tồi tệ nhất.
Chúa không đòi cho mình một đặc quyền đặc lợi nào, chẳng là gì trước sự tàn bạo của binh lính, kể cả Simon người Cyrênê, Chúa cũng chẳng là gì, ông kề vai vác đỡ, chẳng qua ông bị bắt vác mà thôi. Ông không biết ý nghĩa, cử chỉ vác thánh giá này. Những người nhạo báng hay tên lính lấy bọt biển nhúng giấm cho Chúa uống, họ có hiểu được không?
Ba năm mỏi chân đi giảng đạo cho muôn dân, với những phép lạ Chúa làm, an ủi những người ốm đau, bệnh tật, nghèo nàn đã không làm cho họ khám phá con người thật của Chúa Giêsu. Trong vườn Cây Dầu, một mình đối diện với Chúa Cha, Chúa không xin điều gì : ngoại trừ xin ơn tha thứ cho những ai làm khốn mình, vì Chúa đến để mang ơn tha thứ cho mọi người : "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23, 34).
Cuộc đối thoại bất ngờ
Cùng chịu đóng đanh với Chúa Giêsu có hai tên trộm cướp, một đứa bên trái, một đứa bên phải. Chúa nghe hai tên đối thoại với nhau, một kẻ nhạo báng Chúa, còn kẻ kia thừa nhận mình là kẻ có tội : "Chúng ta phải chịu xứng với việc chúng ta đã làm" (Lc 23, 41), như chúng ta vẫn đọc trước khi cử hành Thánh lễ : "Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em tôi đã phạm tội".
Một trong hai tên trộm thưa Chúa Giêsu rằng:  "Xin nhớ đến tôi cùng..." (Lc 23, 41); còn chúng ta, chúng ta xin anh chị em "cầu nguyện cho tôi, trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta". Trong khoảng khắc khó nói những lời ấy vì Chúa Giêsu cũng bị tra tấn, mà tên trộm lành đã kêu lên với Chúa Giêsu là Chúa với cả con người anh. Chúa Giêsu trả lời ngay lập tức: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta" (Lc 23, 42). Chúa Giêsu vén mở gương mặt thật của Thiên Chúa, là sự thương xót. Người tha thứ cho các kẻ đóng đinh mình, mở cửa thiên đàng cho người trộm ăn năn.
Bóng tối và màn Đền Thờ bị xé
"Vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín…màn trong đền thờ xé ra" (Lc 23,44-45). Chúa Giêsu trút hơi thở trao phó linh hồn trong tay Chúa Cha và từ nay, chắc chắn Người là tác nhân Phục Sinh, hoàn tất điều có thể trao ban. Lòng thương xót của Chúa chạm tới con tim của viên quản bách quân, khiến anh ngợi khen vinh quang Thiên Chúa, và đám đông cảm thấy nhu cầu cần thiết phải được tha thứ liền đấm ngực ăn năn trở về mừng lễ Vượt Qua.
Giuse người Arimathia với tư cách là môn đệ đã quyết định tự mình đến xin Philatô cho được tháo đanh táng xác Chúa. Những người phụ nữ thánh thiện về nhà chuẩn bị thuốc thơm vì hôm sau là lễ Vượt Qua. Các đèn chiếu sáng ngày Sabát của lễ Vượt Qua bắt đầu tỏa sáng. Nhưng nó vẫn còn tối.
Vinh quang Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa vào buối sáng ngày Phục Sinh khi tấm cửa mộ bị lăn ra như bức màn của đền thờ bị xé. Ngày thứ nhất trong tuần, sau khi sống lại, Chúa đến giữa họ, chia sẻ bánh trên đường Emmau, và một miếng cá nướng (x.Lc 24,13-49).
Chúa đã nói với họ vào tối Thứ Năm Tuần Thánh: "Thầy đã tha thiết ước ao ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nạn. Thầy bảo các con, Thầy sẽ chẳng bao giờ ăn lễ này nữa, cho đến khi lễ này được thực hiện trong nước Thiên Chúa" (Lc 22, 15-16). Nước Thiên Chúa đã bắt đầu.
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành các mầu nhiệm thánh, Chúa đã ban cho chúng con được thỏa chí toại lòng. Nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con tin tưởng vững vàng sẽ được ơn cứu độ, thì nhờ mầu nhiệm Người đã phục sinh, xin cho chúng con đạt tới quê trời như lòng hằng mong ước. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
========================
Suy niệm 7
NIỀM VUI - THẬP GIÁ – VÀ ƠN CỨU ĐỘ
(Lc 22, 14-23, 56)
Với Chúa nhật Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh, trung tâm của toàn thể Năm Phụng Vụ, trong Tuần này chúng ta dõi theo hành trình thương khó của Chúa Giêsu, chết và sống lại.
Niềm vui
Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (x. Ga 12, 12-16)
Nghe đọc những lời trên lúc mở đầu nghi thức làm phép kiệu lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón : “Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời” (Lc 19, 36-38). Giờ đây mỗi người cầm cành lá trong tay vừa đi vừa hát “Hoan hô...” thấy thật là vui.
Đám đông dân chúng đón rước Chúa lúc đó hân hoan, ngợi khen, chúc tụng, đúng là một bầu khí vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm xưa hôm nay. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậy lên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trong xã hội. Người thấu hiểu và cảm thông cảnh lầm than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa lành những vết thương thể xác cũng như tâm hồnvà tỏ lòng từ bi đối với họ.
Đúng như lời ngôn sứ I-sai-a nói: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Đó là tình thương cao cả của Chúa Giêsu, Người đã mang tình thương ấy đi vào thành Giêrusalem. Chúng ta thật vui mừng và tràn đầy hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.
Thập giá
Niềm vui của dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập giá bao trùm, những lời của Tiên tri Isaia, bài tường thuật của thánh sử Marcô, và những bài đọc phụng vụ khác dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Isaia 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá (Lc 23,44-45). Nơi bài đọc II, thánh Phaolô tông đồ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giêsu, “dù là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6- 8).
Một vị Vua cưỡi trên con lừa con, không có đoàn tùy tùng đi theo, không có một binh đoàn biểu tượng quyền lực tiến vào thành Giêrusalem là Chúa Giêsu. Người không vào Thành Thánh để nhận vinh dự dành cho các vua trần thế, cho kẻ có quyền bính, cho kẻ thống trị; Người vào thành để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm, như Isaia đã tiên báo (x. Is 50,6); Người vào để chịu đội mão gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của Người là đối tượng cho sự nhạo cười; Người vào để bước lên đồi Canvê vai vác khổ giá; Người vào thành Giêrusalem để chịu chết trên Thập giá. Thập giá là ngai vàng của Người, Người mang lấy Thập giá trên mình, mang vào mình sự ác, cùng với sự nhơ bẩn, tội lỗi của trần thế và cả tội chúng ta nữa. Với lòng từ bi và tình thương của Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà tẩy rửa cho sạch. Vì thế, Thập giá được Chúa Giêsu đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui được cứu độ.
Sống Tuần Thánh
Bước vào Tuần Thánh, Giáo hội cùng với con cái mình dõi theo Chúa Giêsu trên hành trình tiến lên đồi Canvê với thập giá và sự sống lại của Người. Sống Tuần Thánh là đi vào tình thương hiến thân của Chúa Giêsu hầu mang lại sự sống cho con người
Lúc sinh thời, Chúa Giêsu đã rong ruổi trên khắp nẻo đường, với lòng tin, Người đã chọn gọi 12 người đơn sơ để họ ở với và tiếp tục sứ mạng yêu thương của Người. Trong Tuần Thánh chúng ta sống trọn vẹn cuộc hành trình này. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để thi hành sứ mạng yêu thương ấy.
Chúa Giêsu không sống cách thụ động tình thương dẫn đến hy sinh, hoặc như một định mệnh không thể tránh được; Người không che giấu sự sao xuyến sâu xa như một con người trước cái chết dữ dằn, nhưng phó thác hoàn toàn nơi Chúa Cha. Chúa Giêsu tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết, để chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Thánh Phaolô cảm nghiệm được rằng, trên Thập giá, Chúa Giêsu “đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Mỗi người chúng ta có thể nói: Người đã yêu thương tôi và đã phó nộp mình vì tôi.
Nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chúng ta khám phá ra những đau khổ của nhân loại nói chung và những đau khổ của chính cá nhân mình nói riêng. Chúa Giêsu, dù vô tội, đã nhận mang lấy vào thân điều mà con người không thể chịu được như: sự bất công, sự dữ, tội lỗi, hận thù, đau khổ và cuối cùng là sự chết. Trong Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa phải chịu nhục nhã và đau khổ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ cho tất cả và mang đến cho con người ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.
Mỗi năm, với Tuần Thánh, Giáo Hội bước vào trong Mầu nhiệm Vượt Qua, Mầu nhiệm tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố cho thế giới bằng lời nói và bằng những việc làm tốt của những con cái mình rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển” (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch sử; là Ðấng Cứu Chuộc con người; Người là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Hosanna!
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy xin với Mẹ là Ðấng đã theo Chúa Giêsu Con Mẹ  trong suốt chặng đường dẫn tới Canvê trong đức tin, giúp con cái Mẹ vác thập giá với niềm thanh thản và yêu thương bước theo Chúa, để đạt được niềm vui của lễ Phục Sinh. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
========================
Suy niệm 8
Đường Tình Yêu
Is 5-,4-7; Pl 2,6-11; Lc 23,1-49
Mùa chay dần khép lại, hôm nay toàn thể Giáo hội bước vào Tuần Thánh. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật “hành trình đau khổ” đầy chông gai của Đức Giêsu, từ bữa tiệc sau hết, rồi Người bị bắt cho đến khi tắt thở trên thập giá. Đây là “đường trường đầy đau đớn khổ nhục cho đến chết”, nhưng là ĐƯỜNG TÌNH YÊU, Ngài đã nhẫn nhục chịu đựng trong vâng phục Chúa Cha để cứu độ con người tội lỗi.
Sau khi bị bắt, Người bị lôi hết tòa án này đến tòa án khác, bị tra hỏi, tạt vả. Trước tòa án Philatô, Ngài bị xử bất công, phải xử án chết oan nghiệt thay cho tên cướp Baraba, bởi sóng người hô hào đả đảo cùng các thượng tế nhà đạo. Tên cướp được tha bổng, còn Người vô tội thì phải chịu hành hình. Mấy năm trời bôn ba rao giảng cứu chữa, làm ơn cho đủ mọi hạng người, để đến hôm nay Thầy Giêsu phải tự vác Thập giá tủi nhục đớn đau, rồi bị căng thây đóng đinh vào đó mà treo lên cùng với hai tên trộm cướp.
Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi mỗi người chúng con nhìn lại bản thân mình. Con có thể là một trong số các môn đệ, khi Thầy giảng dạy như một Đấng có uy quyền thì hăng hái theo bước. Khi Thầy bị bắt bớ thì bỏ cuộc trốn chạy, chối từ như chưa bao giờ biết Thầy kẻo bị vạ lây. Con có thể là những người trong đám dân, khi vui thì sẵn sàng trải áo làm đường rước, hết lời tung hô ca ngợi, nhưng lúc khác lại hùa theo số đông mà trở lòng đả đảo chống đối, kết án xấu tha nhân... Nhưng có thể con cũng là một Simon Kyrênê sẵn lòng vác đỡ thập giá cho người khổ đau.
Đức Giêsu cam lòng chịu đựng tất cả vì tình yêu con người và vâng phục Ý Cha cho đến chết trên thập tự, đó là một minh chứng, tận cùng cho một tình yêu, yêu cho đến chết, mà chết cũng chỉ vì yêu. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 7-9). Bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá là lội ngược dòng đời, vác thập giá theo Chúa không phải dễ, nhưng có Chúa đồng hành và đỡ nâng, chúng con cũng từ thập giá bước vào vinh quang với Chúa.
Ôi Chúa Giêsu của lòng con Chúa ơi! Chiêm ngắm Chúa chịu căng thây trên thập giá, con nhận ra chẳng có tình yêu nào như tình Chúa yêu con. Chúa chết cho con sống muôn đời. Chúa chết vì yêu con. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn? Xin cho con tâm hồn chìm lắng trong cái chết của Chúa, để bao tội lỗi, đau khổ của con chìm xuống hòa nhập vào mầu nhiệm Thập giá, để Chúa ôm trọn lấy con trong tình yêu bao dung tha thứ. Xin cho con bước đi theo Chúa từng ngày trên CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU. Xin cho con được yêu mãi Người, Giêsu ơi!
Én Nhỏ    
  
 
          
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log