Suy niệm 1
Yêu như Chúa yêu -------------- Trên thế giới này, bạo lực như là một vòng luẩn quẩn tồn tại mãi. Ngay cả những người muốn loại trừ bạo lực cũng bị cám dỗ sử dụng bạo lực. Kể từ thời Cain, vì ghét ghen, bạo lực lan rộng đây đó âm ỉ bên trong hoặc bên ngoài qua các cuộc chiến tranh. Chúa Kito đã đến! Ngài trao ban tất cả vì yêu và Ngài khẳng định rằng ghét ghen có thể bị tiêu diệt. Ngài mời gọi chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần vào trong tâm hồn chúng ta và tạo ra sự lan tỏa Tình Yêu.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu thương cả kẻ thù:
- Ngài yêu cầu chúng ta phải thánh thiện vì Ngài là Đấng Thánh.
- Ngài mời gọi chúng ta yêu những người không yêu chúng ta và làm hại chúng ta.
Những lời yêu cầu của Ngài chúng ta sẽ cảm thấy khó và dễ bị cám dỗ nói như Nietzsche: “Luân lý kito giáo được lập ra cho những người yếu đuối và hèn nhát”. Không, không phải như vậy! Yêu kẻ thù đòi hỏi một sức mạnh cao cả từ nơi Thiên Chúa...
Luân lý kito giáo luôn là siêu nhiên và thuộc yếu tố thần linh. Tin mừng yêu cầu chúng ta trở về toàn diện, phá hủy tất cả các nguyên tắc thông thường nhất của thế giới. Chúa Giêsu liệt kê những kẻ thù là ai: là những người ghét chúng ta, nguyền rủa chúng ta, tấn công chúng ta, lấy áo ngoài của chúng ta, hỏi chúng ta điều gì đó, lừa dối chúng ta...
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta dễ thấy những người như thế...Và Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta yêu họ...Để chúng ta dễ hiểu, Ngài nói: yêu những người yêu chúng ta và làm điều tốt cho chúng ta thì quá dễ. Ngài còn nói thêm: “Cha chúng ta trên trời khiến mặt trời mọc lên cho cả người tốt lẫn kẻ xấu..”.Chúa Giêsu yêu kẻ thù đến nỗi Ngài còn tha thứ cho họ.
Kẻ mạnh nhất không phải là người hành quyết, nhưng là người tha thứ. Martin Luther King nói với các kẻ thù của ông: “Các anh có khả năng gây nên đau khổ cho chúng tôi, chúng tôi phản đối. Nhưng nếu các anh cứ làm điều các ông muốn, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu các anh”...
Hạt giống Tin mừng không thể mọc lên ở bất cứ đâu. Không ai an toàn trước một sự cám dỗ ghét ghen. Chỉ người nào sống thường trực trong tình yêu Thiên Chúa, mới có thể tìm được sức mạnh chống lại cơn cám dỗ khủng khiếp này. Nếu người đó có sa ngã, thì vẫn có thể nghe theo Chúa Giêsu và sẽ không chết chìm.
- Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Qua câu nói này, Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về lối sống mà TÌNH YÊU đòi hỏi chúng ta phải đạt tới mức giống như Thiên Chúa:
- Hãy yêu kẻ thù, làm điều tốt và cho vay mà không cần chờ đợi sự trở lại, phần thưởng của anh em sẽ rất tuyệt: anh em sẽ là con của Đấng Tối Cao.
- Hãy tỏ ra mình nhân từ như Cha anh em...Đây không phải là vấn đề về công bằng, về sự khôn ngoan hoặc về lòng bác ái đối với các biện pháp của chúng ta, nhưng về sự quảng đại không bờ bến. Về vấn đề này, Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Ngài yêu cho đến cùng, đến chết trên cây thập giá và tha thứ cho các đao phủ: “xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Nếu chúng ta cố gắng trở thành giống như Thiên Chúa một chút , phần thưởng của chúng ta thật tuyệt vời, chúng ta đã thay đổi trái tim, chúng ta đã bước vào TÌNH YÊU. Chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa sống yêu đối với kẻ vô ơn và gian ác...
Lạy Chúa, là Cha hay thương xót, chúng con thường xét đoán ngay và dễ dàng bị gây xốc bởi những yếu đuối của người khác. Xin thương xót bản tính nổi loạn của chúng con và thanh tẩy cái nhìn của chúng con. Nhờ đó, chúng con không ngờ vực ngờ vục và có thể chỉ nhìn thấy điểm tốt nơi anh em chúng con.
Xin cho chúng con biết sáng suốt đối với bản thân chúng con không phải là để lên án chúng con, nhưng là để cảm nhận được tình yêu vô bờ của Chúa đối với kẻ tội lỗi là chính chúng con. Xin ban cho chúng con cái nhìn như vậy đối với anh chị em chúng con.
Ước gì chúng con biết chờ đợi giờ sinh hoa trái để chúng con không bóp nghẹt những gì tốt nơi những người khác và để cùng với Chúa sinh ra họ trong cuộc sống mới...
Chúc tụng Chúa vì sự khôn ngoan của Chúa! Chớ gì sự khôn ngoan của Chúa giáo dục chúng con không khinh chê một trong những người con của Chúa. Xin thông ban ân sủng Chúa cho toàn thể Giáo Hội của Chúa trên trần gian này! Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Gieo gì, gặt nấy
Lc 6, 27-38
Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ càn khôn và Ngài đã đặt ra quy luật để điều hành vạn vật. Một trong những quy luật đó là “Gieo gì, gặt nấy.” Đây là quy luật phổ quát, bất di bất dịch, chi phối mọi hoạt động của vũ trụ cũng như con người.
Quy luật này vận hành như sau:
Nếu chúng ta đứng giữa những vách núi bao quanh và thét lên một lời nguyền rủa: “Khốn cho ngươi!” thì sẽ có nhiều lời nguyền rủa “Khốn cho ngươi! Khốn cho ngươi!...” liên tục dội lại bên tai. Trái lại, nếu chúng ta la vang những lời chúc phúc: “Phúc cho anh!” thì sẽ có nhiều lời “phúc cho anh! phúc cho anh!…” vọng về.
Nếu người nông dân mang một thúng lúa đi gieo, thì khi đến mùa, anh ta sẽ thu hoạch về nhà cả trăm thúng lúa khác; Khi anh ta gieo một thúng bắp, thì anh sẽ thu hoạch được hằng trăm thúng bắp. Trái lại, khi anh ta gieo cỏ xấu vào ruộng của mình, thì khi đến mùa, anh ta chỉ thu hoạch toàn cỏ dại.
Quy luật này đã được Thiên Chúa ghi khắc vào lương tâm con người từ khi mới dựng nên họ.
Quy luật này được nhân gian phát biểu như sau:
- “Ác giả ác báo” hay là “Quả báo”.
- “Cha mẹ hiền lành để phúc cho con.”
- “Ở hiền, gặp lành.”
- Còn thánh Phao-lô trong thư Ga-lát (6,7-8) thì dạy rằng: “Gieo giống nào thì gặt giống đó”. Ngài viết: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được hoa trái của Thần Khí là sự sống đời đời” (Galat 6,7-8).
- Và Chúa Giê-su cũng dạy cho muôn người ghi nhớ bài học đó như sau: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Ngài sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6, 37-38).
Vì nắm vững quy luật nầy, nên có nhiều người dù không được biết giáo lý của Hội thánh, không biết mười điều răn… nhưng vẫn sống theo lương tâm, ăn ở ngay lành và không dám phạm tội ác, vì họ sợ quả báo, sợ quy luật gieo gì gặt nấy. Họ tin rằng khi gây ra một tội ác thì mai sau sự ác sẽ dội ngược về và giáng xuống trên đầu họ, trên con cháu của họ. Họ cũng tích cực làm từ thiện, làm việc phúc đức… vì tin rằng phúc lộc sẽ quay trở lại với mình.
Đúng vậy, “gieo gì, gặt nấy” là quy luật muôn đời. Khi làm điều ác, con người tự gieo hoạ cho mình. Hôm nay gieo gió, ngày mai sẽ gặt bão. Hôm nay làm điều phúc đức, mai đây sẽ được phúc lành.
Từ lời Chúa dạy, chúng ta có thể rút ra bài học quý báu cho mình: phúc hay hoạ đều do mình mà ra cả.
Nếu chúng ta muốn rước họa vào thân thì cứ làm điều ác, chắc chắn mai đây tai hoạ sẽ giáng xuống trên đầu: “Kẻ nào xét đoán sẽ bị xét đoán, kẻ lên án sẽ bị lên án…” “Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm" (Mt 26, 52).
Nếu chúng ta muốn thu hoạch nhiều ơn phúc thì hãy yêu thương mọi người, hy sinh phục vụ, tha thứ cho người ta, làm ơn làm phúc cho kẻ khác… chắc chắn đời ta sẽ được dồi dào ơn phúc, như lời Chúa phán: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Ngài sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa dạy chúng con biết rằng làm điều thiện là gieo trồng hạnh phúc; Làm điều ác là tự rước họa vào nhà.
Xin cho chúng con ghi khắc bài học này vào tâm khảm và đem ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày để thu hoạch cho mình nhiều hạnh phúc, nhiều niềm vui ở đời này và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Chúa Giêsu so sánh luật mới của Người với luật cũ của Môisen. Luật mới kiện toàn luật cũ. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể:
- Luật cũ cấm giết người. Luật mới dạy, phải coi người khác là anh em. Thương yêu nhau, nếu có gì bất hòa thì hòa giải với nhau.
- Luật cũ cấm hành vi ngoại tình. Luật mới ngăn chặn ngoại tình từ ước muốn. Cần chặn đứng những gì gây nên ước muốn xấu xa như con mắt, cái tay, cái chân…
- Luật cũ quy định thủ tục li dị. Luật mới triệt để cấm li dị.
- Luật cũ cấm thề gian. Luật mới dạy sống chân thực. Khi đã sống chân thực rồi thì không cần thề nữa.
Trang Tin mừng Chúa Nhật VII, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn hoàn thiện luật cũ.
- Luật cũ dạy yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau. Luật mới dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.
- Tinh thần luật cũ “mắt đền mắt, răng đền răng”. Pháp lý của Chúa Giêsu hoàn toàn mới mẻ. Chúa mở ra con đường mới: thiện thắng ác, tình yêu thắng hận thù.
- Tinh thần luật cũ là chỉ yêu thương người đồng bào. Giáo huấn mới là hãy yêu thương thù địch và làm ơn để báo oán.
“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Người đã cắt nghĩa rất cụ thể. Yêu thương kẻ thù là:
- Làm ơn cho kẻ ghét mình.
- Chúc phúc cho người nguyền rủa mình.
- Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.
- Ai vả má nầy thì đưa cả má kia.
- Ai lột áo ngoài thì cho cả áo trong.
- Ai lấy gì thì đừng đòi lại…
Lý do của thái độ nhân ái, lòng yêu thương bao la ấy là con cái phải noi gương Thiên Chúa là Cha ngự trên trời "Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…".
“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người.
“Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.
Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung hiền từ quãng đại tha thứ.
“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Chúa đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân.
Như vậy Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.
Tại sao phải yêu kẻ thù?
Yêu người yêu mình thì dễ. Yêu kẻ làm hại mình thật khó biết bao! Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan. Lấy oán báo oán chỉ thêm hận thù mà thôi. Bạo lực sẽ kéo theo bạo lực. Câu chuyện tình bất hủ Roméo và Juliette đã đi vào lịch sử nhân loại. Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã viết thi ca âm nhạc ca tụng tình yêu. Những vỡ kịch những cuốn phim diễn tả hấp dẫn mối tình lãng mạn của đôi tình nhân trẻ. Nếu câu chuyện tình của họ được kết thúc một cách tốt đẹp và bình thường, chắc sẽ không có ai nhắc đến. Nhưng Roméo Juliette là nạn nhân của sự thù hận giữa hai gia tộc. Không ai có thể tìm cách để giải hòa được sự thù hận ấy. Sự thù hận dẫn đến mất mát cho cả hai bên. Sự thù hận đã cướp đi mạng sống của đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết. Sự thù hận giết chết một mối tình đẹp, nhân loại ngàn đời xót xa nuối tiếc. Sự thù hận khởi đi từ tâm hồn ích kỷ. Bảo vệ mình bằng sự trả thù, thì càng mất mát hơn và hận thù hận ngày càng dâng cao.
Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong một ca khúc: Kẻ thù tôi đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai? Đã là người thì ai cũng có những sai lỗi. Nhân vô thập toàn. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh. Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền. Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên mặt đất này. Phạm Duy khuyên đừng giết người vì tuy là kẻ thù, nhưng họ vẫn là người, vẫn giống chúng ta.
Bài đọc 1 kể chuyện Đavit. Với những chiến thắng ngoài mặt trận, Đavit được quần chúng mến mộ suy tôn. Điều đó khiến vua Saun coi ông như là một mối đe dọa và tìm mọi cách để giết chết. Đavit có một cơ hội để giết chết Saun, nhưng ông đã từ chối làm điều đó vì trong mắt ông, Saun vua Itraen là một nhân vật thiêng liêng.Tình yêu giải phóng những năng lực phi thường trong con người.Quyền năng của tình yêu lớn hơn quyền năng của những điều xấu.Một trong những điều khó khăn nhất của mỗi người là yêu thương một người thù ghét mình.Vì thế, tình yêu đích thực là yêu thương người ghét mình.Lòng nhận hậu mạnh hơn thù oán. Phải có sức mạnh cảu tình yêu để vượt qua những cảm giác đắng cay và lòng muốn trả thù khi bị người khác đối xử tệ hại. Sự tha thứ không bao giờ dễ dàng. Phải cầu nguyện để tha thứ chiến thắng.
Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, nhân hậu và giàu lòng thương xót. Chúa Giêsu đến thế gian dùng tình yêu để đẩy lui sự ác, xóa bỏ tội lỗi. Chúa không đến để tiêu diệt người tội lỗi mà để cứu vớt. Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui tội lỗi nơi con người, làm thay đổi một con người. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù ghen ghét. Tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn hữu.Tình yêu có sức mạnh sáng tạo và cứu độ. Đối với người Kitô hữu, lý do căn bản để yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa: ”Anh em hãy yêu kẻ thù…Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35).
Câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:Sư tử ốm đã một tuần nay và nằm trong hang không dậy được. Nó buồn lắm vì là chúa tể sơn lâm mà chẳng con vật nào đến thăm hỏi hay mang cho nó chút quà gì cả. Nhìn cây hoa hồng bên cạnh, lúc nào cũng có bướm, có ong, có chim chóc ríu rít, đến bay lượn vui vẻ. Sư tử bèn hỏi cây hoa hồng:Hoa hồng ơi, vì sao ngươi mảnh dẻ yếu ớt như thế, mà lúc nào cũng có bạn bè đến thăm vui vẻ, còn ta là chúa tể sơn lâm mà chẳng có con vật nào đến thăm ta cả?
Hoa hồng trả lời:Vì tôi luôn tặng cho mọi loài màu sắc tươi đẹp và hương thơm ngào ngạt khi mọi loài đến với tôi. Còn ngài là chúa tể sơn lâm uy quyền, nhưng ngài có tặng cho những con vật bé nhỏ thuộc hạ của ngài cái gì đâu?
Hoa hồng là hình ảnh của con người biết yêu thương.
Lạy Chúa, trên thập giá, Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong trái tim con, để mỗi ngày con được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Xin thánh hóa tình yêu trong con, cho con biết yêu mến mọi người. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 4
Hãy ở nhân từ như Chúa Cha
(Lc 6, 27-38)
Tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng, đào luyện các môn đệ và dạy dỗ dân chúng. Lời Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ, những người đang nghe Chúa nói, cũng là lời dành cho mỗi chúng ta đang nghe chính Lời Chúa qua thừa tác viên của Giáo hội giờ này : “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây” (Lc 6, 27). Chúa bảo chúng ta điều gì ? Thưa, Chúa bảo : “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” (Lc 6, 27-28). Yêu kẻ thù ư, làm điều tốt cho kẻ không thích ta ư, chúc phúc cho ai nói xấu ta, và cầu nguyện cho ai đối xử tệ với ta ư ? Thật không dễ dàng chút nào hết. Nhưng đây là bốn chi tiết để sống đời Kitô hữu của chúng ta.
Ghét kẻ thù là lẽ thường tình, làm ơn hay chúc phúc cho kẻ thù và những người thuộc phe đối lập là chuyện ngược đời, nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng phải lội ngược dòng và hành xử với tư cách là con cái Chúa, giống Cha trên Trời. Ý thức mình là con phải nên giống Cha, và học sống sao cho có lòng nhân từ như Chúa Cha: “Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Đây không phải là một câu khẩu hiệu, mà là một sự dấn thân của đời sống người Kitô hữu. Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, là Đấng toàn năng, toàn thiện. Sự hoàn hảo của Thiên Chúa khích lệ chúng ta trở nên giống như Ngài, đầy tràn tình yêu và lòng trắc ẩn. Trở nên giống Thiên Chúa là trở nên hoàn hảo, nghĩa là hãy ở nhận từ và biết xót thương anh em.
Có người hỏi: Liệu những lời của Chúa Giêsu có thực tế không? Chúng ta là những con người sống trong thế gian làm sao có con tim đầy ắp yêu thương để yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu và sống nhân từ như Chúa sống?
Nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta khám phá ra rằng toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa là một lịch sử tình yêu đối với con người. Thiên Chúa giống như một người cha hay người mẹ yêu thương hết mọi loài, đặc biệt con người bằng một tình yêu cao với khôn ví. Thiên Chúa không nói xuông, mà Ngài đã làm trước, bằng chứng là “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4,10). Thánh Gioan còn viện lý : “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11). Đavit đã không dám tra tay đụng đến Saolê, người đã được Chúa xức dầu, ông việc cớ : “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Đấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” (1 Sm 26, 22-23). Cái chết của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa trên thập giá là đỉnh cao của lịch sử của tình yêu ấy. Thiên Chúa là Tình Yêu, còn chúng ta là kẻ có tình yêu, nên chúng ta có lúc yêu lúc ghét, nghĩa tình yêu của chúng ta sẽ luôn có khiếm khuyết. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở nhân từ như Chúa Cha, Chúa muốn chúng ta hãy trở thành dấu chỉ, và chứng nhân của lòng từ tâm Chúa giữa thế gian.
Thế còn Giáo hội, vì được cấu thành bởi những con người bất toàn như chúng ta, Giáo hội cũng khó có thể, nhưng Giáo hội trở thành bí tích của lòng nhân từ Chúa trong thế giới, chúng ta được mời gọi để trở thành chứng nhân của lòng Chúa từ tâm. Lòng từ tâm ấy được thể hiện bằng hai động từ: “Tha thứ” và “Cho đi” như Chúa bảo: “Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ” ( Lc 6, 37).
“Đứng xét đoán” (Lc 6,37) ở đây không phải là không phê phán ai cho dù người ấy gây gương mù gương xấu. Nếu hiểu chữ xét đoán như thế thì tại sao Chúa Giêsu lại lên án những kẻ gây gương mù.
Chữ “xét đoán” ở đây được hiểu là chỉ trích, phê bình, lên án người khác cách vô trách nhiệm. Chúng ta thường hay xét đoán không tốt cho người khác là điều mà Chúa cấm. Chúa Giêsu cũng đã từng so sánh thái độ của người con Chúa với thái độ của các luật sĩ, biệt phái… họ thường ra vẻ đạo đức, hay lên án người khác và cho rằng chỉ có mình mới tốt, còn tất cả mọi người anh em khác là không tốt bằng.
Tại sao Chúa dạy người con Chúa không được xét đoán và lên án ? Thưa là vì con người nhân vô thập toàn không có quyền lên án, chũng không thể xét đoán đúng và công bằng được. chỉ có Chúa là Đấng công mình, cầm quyền sinh tử mới có quyền lên án, kết án con người. Ngài là Đấng nhân từ đã không lên án, vậy cớ sao ta lại lên án nhau. Tuy nhiên, Chúa cho phép con người nhận định về nhau, phê bình nhau với tình yêu thương xây dựng, và giúp nhau thăng tiến.
Còn câu Chúa nói : “Đừng lên án các người sẽ không bị lên án” (Lc 6, 37). Câu này không có nghĩa là nếu chúng ta không bao giờ lên án ai thì Chúa không lên án chúng ta dù chúng ta tội lỗi. Thưa không phải thế. Cầu này chỉ muốn nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta không muốn người khác khắt khe với mình thì trước hết chúng ta đừn đối xứ với họ như vậy, đó là cách xử từ tâm.
“Hãy tha thứ” Chúa bảo chúng ta phải tha thứ. Đơn giản vì chúng ta đã được Thiên Chúa thứ tha.
“Hãy cho…Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Thiên Chúa đã cho chúng ta quá nhiều, vượt xa công trạng của chúng ta. Chúa Giêsu không nói điều gì sẽ xảy ra nếu người ta không cho đi, nhưng nếu chúng ta thấy rõ có một luận lý chắc chắn: theo cách mà người ta nhận lãnh từ Thiên Chúa, thì người ta hãy cho anh em mình như thế, và theo đúng cách mà người ta cho một người anh em, thì người ta sẽ nhận lãnh từ Thiên Chúa!
Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp cho chúng con, để chúng con ngày một nên giống Chúa hơn. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 5
Luật Yêu Thương
1Sm 26, 2.7-9.12-13.22-23; 1Cr 15,45-49; Lc 6,27-38
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra lệnh truyền về “luật yêu thương” nghe thật khắt khe: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả má anh bên phải, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.” (Lc 6, 27-30).
Có luật xưa trong sách Lêvi cho phép “mắt đền mắt, răng đền răng” (Lv 24, 17-20). Nghe cái “luật rừng” thuở xưa này dù là được phép mà vẫn thấy ghê sợ thay! Ai lại quay sang móc trả một mắt, làm người ta cũng bị chột mắt bằng mình, hay vặn gãy răng đối thủ cũng một chiếc, để như vậy là “huề”, đau đớn mất mát bằng nhau cho hả giận? Đại khái có quyền báo thù, miễn là không vượt mốc đối phương gây hại mà vẫn công bằng. Nghĩa là chỉ được báo oán bằng sự thiệt hại bên kia gây ra. Kinh nghiệm cho thấy càng báo thù bao nhiêu càng gây họa lớn thêm mãi. Càng tiếp tục trả đũa, ăn miếng trả miếng nhau thì lòng hận thù càng bốc cao không dập tắt được, càng gây tai họa không tưởng.
Nhưng theo “phương pháp trị liệu” của Thầy Giêsu là “lấy đức báo oán”, đòi một cho hai, lấy yêu thương khiêm nhường để hạ nhiệt cơn giận trong con người kiêu căng mỏng giòn của mình, nhường phần thắng cho đối thủ… sao khó quá Thầy ơi! Thường khi chúng con bị xúc phạm, khi có “mối hận” với ai, nếu không đùng đùng chống cự lại ngay, thì cũng tìm cách để trả đũa, có dịp sẽ cho “biết tay nhau”! Dại dột chịu thua để đối phương lấn tới đè đầu cưỡi cổ sao? Nhưng nào có hả giận đối phương đâu, mối hận ngày càng loét to và sâu hơn, lòng dạ tim gan nặng trĩu bất an, kéo theo bao tội khác nữa…
Lệnh truyền của Thầy Giêsu rằng phải “yêu kẻ thù”, nghe sao mà khó… nuốt! Luật Cựu Ước dạy yêu đồng loại và cho phép “ghét” kẻ thù. Bình thường theo cách người ta đối nhân xử thế cũng vậy, chỉ yêu thương thân nhân, những người yêu thương mình, có thiện cảm với mình. Chọn bạn mà chơi, người ta chỉ bầu bạn với những người đồng chí hướng. Còn những người đối nghịch, khó tính khó ở, người xấu nết, ghen ghét xúc phạm đến mình thì họ sẽ loại trừ, thù oán hoặc tìm cách trả đũa. Đã gọi là “kẻ thù” thì nhìn thấy mặt nhau đã ghét, thậm chí không thèm nhìn, nói gì yêu với thương? Nhưng nếu người ta cứ mãi lấy oán báo oán, ăn miếng trả miếng thì oán thù càng chồng chất thêm nặng, bao giờ mới hết hận thù? Hận thù chỉ bị tiêu diệt khi nào tôi yêu thương họ, lúc ấy sẽ chinh phục và “biến thù thành bạn” của mình.
Vượt lên trên cách đối đãi sòng phẳng bình thường của người đời, Thầy Giêsu dạy phải yêu kẻ thù, không phải chỉ trên lý thuyết, nhưng chính Thầy đã thực hiện trong suốt cuộc đời nhập thể và còn cho đến hôm nay, khi loài người tội lỗi hằng xúc phạm đến Chúa. Lúc còn tại thế, trong vườn Cây Dầu, ông Phêrô chém đứt tai một người trong nhóm đến bắt, Thầy dẹp và chữa luôn cho hắn. Dù đầy quyền năng, nhưng khi chịu đòn roi, hành hạ, xỉ nhục trong suốt cuộc thương khó, đối lại Thầy chỉ một niềm: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.
Chúa ơi! làm sao để con yêu thương như Chúa đã yêu thương? Tự sức chúng con không thể yêu thương và nên hoàn thiện như Chúa được. Nhưng khi chúng con sống đời Kitô hữu đích thực, dần dần chúng con được gặp gỡ Chúa, sống kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng con sẽ được dạy cho biết cách yêu thương của Người. Chúng con sẽ biết cảm thông với người xung quanh đang chê bai, nói xấu, làm hại mình. Khi con đón nhận Chúa vào cuộc đời, gắn chặt đời con vào Chúa, thì lúc bị va chạm với người xung quanh, con sẽ tự chất vấn mình rằng, lòng bao dung của Chúa đang ở trong con, khiến con không nổi nóng tức giận nữa, mà nhủ lòng phải yêu thương theo cách của Chúa, ít nhất là nén lòng cầu nguyện cho họ, con sẽ được nhẹ lòng. Nhưng điều quan trọng là con phải nhận ra lòng Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con, để từ đó, nhờ Chúa con biết thứ tha cho người làm khổ mình.
Nhìn lên Thầy chúng con thấy rõ: Thầy nắm trong tay mọi quyền uy Thiên Chúa, “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay”. Vậy mà Thầy cứ lặng câm nhịn nhục trước bao kẻ tố cáo, nhục mạ chống báng rủa xả, hành hạ, kinh khủng nhất trong cuộc thương khó trên đỉnh cao thập tự. Lửa Tình trong Con Tim Yêu trong veo, khiêm nhường tự hủy của Thầy đốt cháy mọi oán hận tội nhân gây ra. Vì yêu Thầy “tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5, 8). Thầy giơ lưng, giơ má cho đến phút trót mà thốt lên an bình trong Chúa Cha: “Mọi sự đã hoàn tất”. Hy sinh của Thầy trở thành nguồn ơn cứu độ chúng con.
Ngày nay nếu chúng con sống trong Thầy, và Thầy sống trong chúng con, lúc đó Thầy sẽ yêu thương, tự hủy, lấy đức báo oán trong con người mỏng giòn của chúng con. Để đời chúng con dù có trải qua nhiều đau khổ, thua thiệt bởi thế trần thì chúng con vẫn bước đi an bình trong bàn tay từng chiến thắng của Thầy.
“Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm… Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Én Nhỏ