Suy niệm 1
Người rửa anh em trong Thánh Thần và lửa -----------------------
Hôm nay kết thúc những ngày đại lễ Mùa Giáng Sinh và cả những ngày nghỉ lễ. Cũng từ ngày hôm nay, chúng ta bước vào mùa thường niên. Thường niên không có nghĩa là cứ sống bình thường không có gì quan trọng và không có những bước đột phá nào. Những ngày qua trong các ngày đại lễ hoặc nghỉ Tết dương lịch, có rất nhiều cuộc gặp gỡ nhau thân mật, thăm hỏi nhau, củng cố mối quan hệ gia đình và phát triển tình bạn hữu. Riêng đối với các bạn trẻ đã tham dự ngày đại hội giới trẻ, các bạn có thể cho nhau số điện thoại, email, facebook và cả Zalo nữa để gặp lại nhau... Nhiều người đã trở nên quan trọng và thân thuộc đối với các bạn. Vậy hôm nay ngày lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa liệu có khả năng tạo ra hiệu ứng nào đó cho Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận để làm quen và bước theo Chúa Kitô không?
Câu chuyện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa được cả 4 tác giả tin mừng kể lại. Chúa Giêsu đi cùng đoàn người đến với Gioan Tẩy giả để lãnh nhận phép Rửa. Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả, Phép Rửa thống hối. Phép Rửa này dành cho những ai nhìn nhận mình muốn thay đổi đời sống và định hướng lại cuộc đời của họ. Dân chúng chen chúc nhau đến với Gioan vì họ nghĩ rằng ông là vị cứu tinh, là người giải phóng mà các tiên tri không ngừng loan báo. Vì nghĩ như vậy, họ cần phải đến ngay với Gioan.
Thật ngạc nhiên! Tại sao Chúa Giêsu lại cùng đi với đám dân chúng đó để lãnh nhận phép Rửa của Gioan? Gioan đã trả lời chúng ta câu hỏi đó: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, Người rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa”. Đúng vậy, sau khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa trên bờ sông Giordan, “thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài dưới hình bồ câu và có tiếng từ trời phán: Con là Con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha”.
Vấn đề có thể được đặt ra ở đây: ngày nay chúng ta vẫn lãnh nhận phép Rửa bằng nước, tại sao chúng ta không là môn đệ của Gioan mà lại là môn đệ của Chúa Giêsu? Đáng lẽ chúng phải phải lãnh nhận phép Rửa trong Chúa Thánh Thần và trong lửa chứ!
Nước trong bí tích Rửa tội là dấu chỉ bề ngoài để sinh ơn ích bên trong:
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng vô tội, nhưng vẫn lãnh nhận phép Rửa thống hối và thanh tẩy của Gioan, vì Ngài là Thiên Chúa làm người. Ngài bình đẳng với mọi người. Ngài muốn chu toàn đầy đủ nghĩa vụ làm người tín hữu Do-thái. Ngài cũng dìm mình trong nước như mọi người..
Ngài làm như vậy để dạy chúng ta: muốn đón nhận được Vương Quốc Nước Trời, cần phải mở ra cho sự hiện diện của Thiên Chúa, cần phải chấp nhận được hướng dẫn và phải trở về với chính mình và quyết tâm sống theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Chính Ngài cũng sống như thế và vì thế Ngài được gọi là Con Yêu dấu của Chúa Cha, và đẹp lòng Chúa Cha.
Phép Rửa bằng lửa cũng thế và còn hơn thế! Lửa là một biểu tượng, là một cách nói.
- Lửa trong bí tích Rửa tội là lửa tình yêu của Chúa Giêsu trải rộng trên trái đất này.
- Lửa cũng là biểu tượng của ánh sáng, vì chính Chúa Giêsu là ánh sáng chiếu soi thế giới.
- Lửa cũng có nghĩa là thử thách, là thanh tẩy: Lửa thử vàng, gian nan thử sức.
Chúng ta là những độc giả Tin Mừng,
- Chúng ta có bị chinh phục bởi những gì xẩy ra nơi Chúa Giêsu không?
- Chúng ta có bị cuốn hút để say xưa đọc tiếp Tin Mừng và theo Ngài đến cùng không?
- Chúng ta có sống như Ngài để cũng được gọi là con yêu dấu của Chúa Cha và đẹp lòng Chúa Cha không?
Chúng ta hãy cho Chúa Giêsu số điện thoại, email, facebook và zalo của chúng ta, đó là lời cầu nguyện của chúng ta. Cầu nguyện để Ngài ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Chúa Thánh Thần là sức mạnh và là Tình Yêu Thiên Chúa.
Khi dìm mình trong nước Rửa Tội, chúng ta đắm chìm trong tình yêu đó. Dần dần chúng ta sẽ cảm nghiệm được rằng những tia sáng nhỏ của cuộc đời chúng ta, những tia hy vọng của đêm Giáng Sinh sẽ chiếu sáng cuộc đời chúng ta và sẽ có thể trở thành ngọn lửa tình yêu lan tỏa ra môi trường xung quanh chúng ta.
Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu về điều đó. Chúa luôn ở với chúng ta và giúp chúng ta đi vào chương trình tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Để đón nhận được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải trở về và thay đổi đời sống theo hướng dẫn của Lời Chúa soi chiếu mỗi ngày.
Ôi, lạy Chúa Giê-su Ki-to, chúng con sẽ là gì nếu không có Chúa. Với tình yêu vô hạn, Chúa đã cho chúng con tất cả trong phép Rửa bằng máu Chúa đã đổ ra trên thập giá...Xin ban Thánh Thần để chúng con sống gắn bó với Chúa mật thiết hơn. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=========================
Suy niệm 2
Cửa Trời mở ra
Lc 3, 15-16. 21-22
Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài là Đấng cao cả, vô cùng tốt lành và thánh thiện, chẳng hề vương chút tội tình… thế mà Ngài lại đến với thánh Gioan, như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc, cướp của giết người và với bao nhiêu người tội lỗi khác… chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.
1. Tại sao Chúa Giê-su vô tội mà lại phải chịu phép rửa?
Tại sao Chúa Ngài lại hạ mình đến thế? Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, là Đấng hoàn toàn vô tội thì cần gì phải chịu thanh tẩy như bao tội nhân khác?
Phải hiểu thế nào về hành động hạ mình quá đáng nầy của Chúa Giê-su?
Chắc chắn Chúa Giê-su đến chịu phép rửa không phải vì Ngài có tội, nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Ngài đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giê-su chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Ngài mà vì tội lỗi của thế gian mà Ngài đã gánh lấy. Chính vì thế, Gioan tẩy giả đã từng giới thiệu cho các môn đệ biết Chúa Giê-su là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai xuống trần để gánh tội trần gian. Một khi đã gánh tội trần gian thì Chúa Giê-su cũng phải chịu thanh tẩy cũng như chịu chết vì tội lỗi thế gian…
Thế rồi khi Chúa Giê-su chịu phép Rửa xong, “và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài... ”
2. Tại sao các tầng trời mở ra?
Từ ngày nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa xua đuổi ông bà ra khỏi địa đàng và Ngài cho thiên thần cầm gươm lửa để ngăn không cho ông bà quay trở lại… (St 3,24). Thế là từ đây, tương quan giữa loài người tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện tốt lành bị cắt đứt hoàn toàn. Từ đó, loài người phải ngụp lặn trong bùn nhơ tội lỗi và phải đắm chìm trong cõi chết…
Để cứu loài người khỏi vòng oan nghiệt đó, Chúa Giê-su đã vâng theo ý Chúa Cha, hạ mình xuống thế làm người, gánh lấy tội lỗi muôn người, và Ngài đã bước xuống dòng sông Gio-đan chịu thanh tẩy vì tội lỗi con người… Chính vào thời điểm đáng nhớ này, “cửa trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài.”
Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng chặt lại vì tội lỗi bất phục tùng của A-đam cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì ngay trong giờ phút này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của A-đam-mới là Chúa Giê-su, mà cửa trời được mở ra… mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại, tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối lại, trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa vô cùng tốt lành thánh thiện mà đã mang hết tội lỗi chúng con vào thân, đã hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan; Đang khi đó, chúng con là những người đầy tội lỗi mà chẳng biết nhìn nhận tội lỗi mình để ăn năn sám hối, thì thật đáng trách và đáng bị lên án.
Lạy Chúa, chúng con hết lòng cảm tạ Chúa vì nhờ Chúa hạ mình xuống chịu thanh tẩy vì chúng con nên cửa trời đã đóng lại từ ngàn xưa, nay được mở ra để đón chúng con vào hưởng phúc đời đời.
Xin cho chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa để đáng được hưởng hồng ân vô giá này.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=========================
Suy niệm 3
BA DẠNG PHÉP RỬA
Sự kiện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là gạch nối giữa hai giai đoạn quan trọng: sống ẩn dật 30 năm âm thầm với gia đình tại Nadarét và rao giảng công khai sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đây cũng là gạch nối giữa hai mùa phụng vụ : Giáng sinh và Thường niên.
Hôm nay Chúa nhật I thường niên, Giáo Hội sẽ cùng đồng hành với Chúa Giêsu qua các biến cố của đời rao giảng, khởi đầu là sự kiện Chúa chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan.
Bài Tin Mừng nói đến ba dạng Phép rửa.
1. Phép rửa sám hối
Đây là Phép Rửa bằng nước do Gioan thực hiện tại sông Giođan "Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối "(Mt 3,11). Ai chịu phép rửa đều phải có một thái độ nội tâm cũng như bên ngoài, phải tin vào sứ điệp của Gioan, phải trở lại thực lòng, phải quay về với Thiên Chúa.Tuy nhiên, phép rửa của Gioan chỉ có tính cách tượng trưng, tự nó không có sức xóa bỏ được tội lỗi mà chỉ là nghi thức nhắc nhở cho mọi người phải ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Phép rửa sám hốichỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định : “Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, Ngài quyền phép hơn tôi, chính Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và bằng lửa”. (Mt 3,11). Gioan làm phép rửa sám hối để dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế.
2. Phép rửa mạc khải
Khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu tìm đến sông Giođan để xin Gioan Tẩy Giả cử hành phép rửa cho mình. Phép rửa Chúa Giêsu chịu là Phép rửa mạc khải về một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Chính khung cảnh thần hiển của bài Tin mừng kể là một mạc khải sống động về Ba Ngôi: Chúa Giêsu cúi mình trên dòng nước, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình bồ câu và tiếng Chúa Cha xác nhận “Này là Con Ta yêu dấu”.
Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc 1,5) và chịu “ phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối ? Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài ” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là động thái gây kinh ngạc cho con người thời nay, vì khó hiểu: Đấng không có tội lại đi nhận phép rửa làm gì? Nhưng người ta cũng sớm hiểu ra rằng: phép rửa của Gioan Tẩy Giả chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa”. Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa này, ngoài việc “nhập thế đến cùng”, khiêm tốn xếp hàng đứng chung với các tội nhân đợi chờ đến phiên, Người còn hữu ý qua động thái có một không hai đó, công khai khởi đầu cuộc sống mới: cuộc rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Có ba dấu hiệu bài Tin mừng mạc khải không những tiên báo sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô mà còn tiên báo thời đại ân sủng mà Người mang đến cho loài người.
- Dấu hiệu 1 : Trời mở ra.
Sách Sáng thế đã nói: Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Qua biết bao thế kỷ, Dân Thiên Chúa đã thiết tha cầu nguyện “Ôi ước chi Ngài xé rách các tầng trời và ngự xuống” (Is 64,1). Nhờ Chúa Kitô, từ nay trời mở ra, một kiểu nói của Thánh Kinh ngụ ý là con người từ nay được sống thông hiệp với Thiên Chúa.
- Dấu hiệu 2 : Thánh thần ngự xuống như chim bồ câu.
Sách Sáng Thế có nói:Trước khi tạo dựng trời đất thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2) như để thông truyền sức sống. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu thì ngụ ý: Chúa Giêsu là con người mới và trong Người nhân loại sẽ được tạo dựng lại, sẽ được đổi mới. Chính Thánh Phaolô xác định: “Điều quan trọng chẳng phải là việc cắt bì hay không cắt bì, nhưng là trở thành tạo vật mới” (Gal 6,15)
- Dấu hiệu 3 : Lời của Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Ta”.
Qua lời tuyên bố này chúng ta nhận biết Đức Giêsu là con thật của Thiên Chúa, và sau này Đức Giêsu dạy cho biết: những ai tin vào Người và nhận phép rửa nhân danh Người thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.
3. Phép Rửa tái sinh.
Phép Rửa của Gioan là Phép Rửa bằng nước mời gọi sám hối. Phép rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: "Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô."(Cl 2,12-13). Như vậy qua Phép Rửa tái sinh, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa tội đời sống thần linh của Ngài. Đó là sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Người tín hữu trở thành thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của chính Thiên Chúa hằng sống. Bí tích Rửa tội chính là một phép lạ cả thể tác động trên một cá thể trong suốt chiều dài cuộc sống. Người ta được tắm gội trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô và được thần hóa một cách nhiệm mầu, để từ đó có thể phát biểu ngất ngây như thánh Phaolô:“Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, hay đầy xác quyết như thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dưng con người cách lạ lùng và còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”.
Bí Tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).
Bí Tích Rửa Tội tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Rửa tội cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG #263).
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được tái sinh trong của Chúa Giêsu nhờ ghi dấu ấn tín của Chúa Thánh Thần và được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhờ Bí Tích Rửa Tội, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.
Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.
Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.
Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Theo gương Mẹ Maria,chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo. Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy chúng con biết sống ơn Bí tích Rửa Tội để chúng con được xứng đáng được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=======================
Suy niệm 4
Chúa chịu phép rửa, ta hãy xin ơn sống xứng đáng là con cái Chúa
(Lc 3, 15-6. 21-22)
Tiếp theo lễ Chúa Hiển Linh, kết thúc mùa Giáng sinh, Giáo Hội cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Lễ này được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Bởi thế, vào những thời kỳ đầu các Giáo phụ đã đặc biệt quan tâm, vì tính cổ thời quan trọng của nó. Thứ đến, đây là lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách đầy đủ và rõ ràng. Lý do nữa là phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước cho phép rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, tượng trưng cho tất cả hoạt động có tính cách bí tích của Ðấng Cứu Thế. Để cứu rỗi nhân loại, dù vô tội, Chúa Giêsu đã đặt mình vào hàng ngũ các tội nhân, mang trên mình tội lỗi của thế nhân. Hành động khiêm nhường và tự hủy này được Chúa Cha chứng dám: " Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" (Lc 3, 22). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà chúng ta sẽ thấy diễn ra tương tự nơi biến cố Chúa Biến Hình.
Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại đến xin Gioan làm phép rửa?
Thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien cho biết : "Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người Ađam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Gio-đan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo". Nên dù Gioan làm phép rửa, ông cũng chỉ là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo. (Trích bài giảng của thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien). Thánh Phêrô Kim Ngôn giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì: "Tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gio-an đóng vai Đức Ki-tô ; ông đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để ban phát". Nên Gioan giảng: " Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!" (Lc 3, 16). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa ; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra: "Chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu " (Lc 3,21).
Tại sao khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, trời lại mở ra?
Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa xong, trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Người. Vì khi Ađam phạm tội, ông bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cửa trời đóng lại và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.
Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng, một sự tương tự vô hình cũng xảy ra khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Chúa Thánh Thần cũng ngự vào tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến một cách hữu hình, bởi vì chúng ta không cần: đức tin hiện nay là đủ... Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.
Tại sao Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu?
Thưa: Chim bồ câu rất dịu dàng và trong sạch, và Chúa Thánh Thần là thần khí dịu êm và an bình. Chim bồ câu cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại trận hồng thủy trong Cựu Ước nhấn chìm trái đất và toàn thể loài người trong nguy cơ hư mất, chim bồ câu ngậm cành ôlui xuất hiện để báo đại hồng thủy đã chấm dứt, tin vui hòa bình cho toàn thế giới. Giờ đây, tất cả những điều này cũng tiên báo về tương lai. Khi tất cả đã hư mất, nay được giải thoát và đổi mới, điều gì đã xảy ra khi nước lũ đến ngày hôm nay như là một lũ lụt của ân sủng và lòng thương xót Chúa... Chim bồ câu, thay vì ngậm một cành ô liu báo cho Noe là người duy nhất bước ra khỏi tầu để đặt chân lên mặt đất. Nay Chim bồ câu báo tin trận hồng thuỷ tràn ngập thế gian đã lui đi, thế gian không còn chìm ngập trong cảnh trầm luân muôn đời nữa, phẩm giá ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta được phục hồi, và lôi kéo hết thảy mọi người lên Thiên Đàng.
Lời ngôn sứ nói: "Tiếng Chúa vang rền trên nước… Tiếng Chúa uy linh tung sấm sét" (Tv 28). Tiếng nào vậy ? "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người" (Is 42, 1). Đây là tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác : "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" (Lc 3, 22).
Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau, trong mối liên hệ ấy với Thiên Chúa, chúng ta được tái sinh và trở nên con cái Thiên Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta được sống xứng đáng là con cái Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=======================
Suy niệm 5
TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG CỨU ĐỘ
(Is 42, 1-4. 6-7; Cv 10, 34-38; Lc 3, 15-16. 21-22)
Người ta có kể một câu chuyện đầy cảm động rằng: có một linh mục nọ, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục của một Giáo phận truyền giáo với số giáo dân vỏn vẹn có vài ngàn người. Toàn Giáo phận duy chỉ còn một linh mục già trên dưới 100 tuổi và một nữ tu cũng gần đất xa trời. Giáo lý viên thì không có; các hội đoàn đã tan rã. Nhà thờ không còn đáng là bao, hoặc có còn thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng có lẽ giống như nhà hoang thì đúng hơn, vì không có người chăm nom! Giáo dân gần như không được tham dự thánh lễ vì lý do không có linh mục. Cuộc sống cứ thế trôi đi, khiến số tín hữu thưa thớt này cũng không còn tha thiết với việc đi lễ, nhà thờ nữa...!
Đón nhận Giáo phận trong tình trạng xuống cấp trầm trọng như thế, vị Giám mục này đã bắt tay vào việc:
Ưu tiên của ngài trước tiên là đào tạo nhân sự, thiết lập các hội đoàn, khơi gợi lại tinh thần sống đạo. Tuy nhiên, điều mà ngài phải làm ngay, đó là: chính ngài phải kinh qua tất cả những những vai trò như: làm ca trưởng, giáo lý viên, ông từ kéo chuông và mở cửa nhà thờ, làm các chú lễ sinh dọn lễ, người phu quét dọn nhà thờ...
Khi nghe thấy tin mong manh ở đâu có người Công giáo, dù xa xôi hàng trăm kilômét, ngài cũng lặn lội tới thăm cho bằng được, để an ủi, động viên, khích lệ và khơi gợi lên trong họ ngọn lửa của niềm tin...
Chính vì lối sống của ngài như vậy, mà chẳng mấy chốc, giáo dân đến nhà thờ đông lên, đời sống đạo có phần khởi sắc, chương trình giáo lý được gây dựng lại, các hội đoàn được tái lập, nhiều nhà thờ mới mọc lên, có các bạn trẻ xin đi tu... tại vì họ thấy: “Ông này chơi được, vì ông ý giống Đức Giêsu”. Đây là lối nói thể hiện lòng kính trọng, quý mến của người dân địa phương nơi đây.
Nhiều người đặt vấn đề: liệu có cần phải làm như thế trong tư cách là một giám mục không? Câu trả lời là không! Nhưng vì lòng mến Chúa, yêu quý các linh hồn và tha thiết với sứ vụ, nhất là ngài đã lựa chọn con đường tự hủy, khiêm hạ, liên đới và cảm thông với con chiên của mình, nên vì họ, mà ngài đành mất tất cả, chỉ cần được mối lợi tuyệt vời là Đức Kitô và miễn sao Ngài được rao giảng (x. Pl 1,18)
Đời sống của vị giám mục trong câu chuyện trên chính là phản ánh đời sống của Đức Giêsu, nhất là làm sống lại tinh thần của biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan khi xưa.
1. Ý nghĩa của việc Đức Giêsu chịu phép rửa
Thánh sử Luca trình thuật: để đánh dấu đời sống công khai thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu đã đến xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa tại sông Giorđan.
Trước tiên, Ngài xin Gioan làm phép rửa cho mình không phải là Ngài có tội như mọi phàm nhân, nhưng Ngài đến xin Gioan làm phép rửa là nhằm thánh hóa dòng nước để thanh tẩy trong Bí tích Rửa Tội mà Ngài sẽ thiết lập sau này.
Thứ đến, sự kiện này cho thấy: Đức Giêsu tiếp nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới; tiếp nối giữa lời rao giảng của vị tiên tri cuối cùng với lời loan báo của chính Ngài để thiết lập một triều đại mới, triều đại của những người được cứu chuộc bằng chính giá máu của Đấng thiết lập nên mình.
Mặt khác, Đức Giêsu hòa mình trong đoàn người đó để nêu gương khiêm hạ cho mọi người. Vì thế, việc Ngài chịu phép rửa, không phải cho Ngài, mà là cho chúng ta, vì chúng ta. Hình ảnh Ngài sáp nhập cùng dòng người đến xin Gioan ban phép rửa cho thấy: từ nay, Đức Giêsu đứng về phía người tội lỗi không phải để cổ võ họ phạm tội, mà là tìm cách đưa họ ra khỏi con đường tội lỗi, tiến đi trên con đường thánh thiện, công chính để được cứu chuộc.
Hơn nữa, hành vi của việc lãnh nhận phép rửa nơi Đức Giêsu loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Ngài: dìm mình xuống nước là biểu hiệu cái chết, trồi lên khỏi nước là loan báo sự sống lại.
Cuối cùng, việc lãnh nhận phép rửa còn mặc khải cho ta biết một cuộc phong vương của Thiên Chúa Cha cho con Chí Ái của mình, để Ngài ra đi thiết lập một vương quốc mới với thần dân là những người thuộc về Vị Vua hiền lành, khiêm nhường, yêu thương và tha thứ...
2. Sống sứ điệp Lời Chúa
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta cách nhưng không, đó là hồng ân của Bí tích Rửa Tội.
Qua Bí tích này, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, được thanh tẩy mọi tội lỗi, từ tội nguyên tổ cho đến những tội riêng của chính mình. Do đó, chúng ta được dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh của Đức Kitô phục sinh. Kể từ đó, chúng ta được gọi là Kitô hữu, trở nên “một tạo vật mới” (2Cr 5,17), nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), được thông phần vào sự sống thần linh (x. 2Pr 1,4), trở nên chi thể của Đức Kitô (x. Rm 8,17) và được gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,15).
Qua đó, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô cách sống động khi sẵn sàng khước từ những điều không phù hợp với giá trị Tin Mừng như thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em hãy mặc lấy Đức Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”(Rm 13,14). Mặc lấy Đức Kitô là từ bỏ ý riêng, sống tinh thần tự hủy, chết đi cho tội lỗi, để trở nên chính Ngài: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vì thế: “Những người tin theo Đức Kitô được mệnh danh là Kitô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Kitô, nên họ đã và phải có một tâm tình như Đức Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại. Bởi vì họ đã đi cùng một đường với Chúa” (Tertullianô).
Như vậy, mỗi người Kitô hữu chúng ta khi đã được gia nhập Giáo Hội, trở thành đoàn dân của những người tin Chúa, chúng ta có trách nhiệm phản ánh chân thực bản chất của người Công Giáo là yêu thương, không lấy oán báo ơn; không thù hằn ghen ghét, không phân biệt giai cấp, không coi rẻ người nghèo, không khinh khi người có tội... sống công bằng không tham lam, bóc lột, hối lộ, nêu cao gương bác ái, liên đới, sẻ chia, và nhất là sống và làm chứng cho sự thật, bởi vì chúng ta thuộc về nước của Sự Thật.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết mặc lấy sự khiêm nhường, liên đới của Chúa, để chúng con sống xứng đáng là con của Cha trên trời, và là anh chị em với nhau nhờ được liên kết với Chúa là đầu của Giáo Hội.
Xin cũng ban cho chúng con luôn ý thức về sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho chúng con ngày chúng con lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, nhờ đó, chúng con biết ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
=======================
Suy niệm 6
Sự Khiêm Hạ
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22
Thuở xưa khi toàn dân đang trông ngóng một Đấng cứu thế, bỗng Gioan Tẩy Giả xuất hiện và làm phép rửa cho dân, trong thâm tâm ai cũng tự hỏi và suy nghĩ biết đâu ông ấy chính là Đấng Mêsia. Với cách sống chân thật và lòng khiêm hạ thẳm sâu, ông Gioan không để dân lầm tưởng mà suy tôn mình, ông phân bua: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3,16).
Khi toàn dân đang chịu phép rửa của ông Gioan, Đức Giêsu cũng hòa mình với dân, lội xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa của ông. Nhưng chuyện lạ xảy ra khi Người cầu nguyện: “thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.” (Lc 3,21b-22). Chính Chúa Cha phán ra từ trời, dân chúng và Gioan Tẩy Giả xác nhận rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” Chính Gioan ông nhìn thấy Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu. Mặc khải của Thiên Chúa khiến con mắt xác thịt của ông nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa tràn đầy Thần Khí. “Người đến sau tôi, nhưng có trước tôi”, vì Ngài là Thiên Chúa có từ thuở đời đời. Ông không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã hạ mình, liên đới với mọi người, dìm mình trong giòng nước sông Giođan với những người tội lỗi. Phép rửa Chúa chịu hôm nay đánh dấu cuộc đời công khai đi rao giảng của Người, sau 30 năm sống ẩn dật với hành động thật đơn sơ khiêm hạ, nêu gương cho mọi người. Với cử chỉ ấy, Người hòa mình vào dòng đời với nhân loại, để chung chia và gánh vác thân phận, kiếp sống với con người.
Lạy Chúa! Chúa là Đấng vô tội mà đã khiêm hạ lội xuống giòng sông Giođan để chịu phép rửa như người tội lỗi. Để đổi lại, mỗi người tội lỗi chúng con nhờ lãnh Bí tích Rửa tội, lại được trở nên con Thiên Chúa. Xin cho mỗi Kitô hữu chúng con luôn biết sống xứng đáng là con Chúa, bằng đời sống yêu thương, hòa đồng sẻ chia, cảm thông và đón nhận những giới hạn của nhau, để tất cả chúng con cũng được trở nên con yêu dấu của Chúa. Amen.
Én Nhỏ