Thứ ba, 26/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 32 Thường Niên B

Cập nhật lúc 08:58 09/11/2018
Suy niệm 1
Hình thức bên ngoài và thực tế
-----------------------
Trong Cựu Ước, tiên tri Elia đã khiển trách giới lãnh đạo bất chính và thờ ngẫu tượng. Vì thế ngài đã bị nhà cầm quyền ghét và truy nã. Tiên tri đành phải chạy trốn. Trên đường chạy trốn, tiên tri đã được một bà góa quá nghèo tiếp nhận và chia sẻ một chút bột bánh. Nhưng nếu ăn hết chút bột này thì không còn gì nữa. Bà và con trai bà sẽ chết. Của cho biếu không và hào hiệp này là nguồn mạch sự sống và vì thế bà được Chúa Giêsu đề cập đến như một tấm gương.
 
Tất cả mọi sự tốt đẹp đều đến từ Thiên Chúa và chúng ta chỉ có thể dâng cho Chúa những gì đến với chúng ta từ Người mà thôi. Tin Mừng hôm nay ca ngợi lòng quảng đại của một bà góa nghèo. Bà đã quảng đại cho đi và Chúa Kitô muốn các tông đồ noi gương bà…Nhưng lòng quảng đại của Thiên Chúa còn đi trước chúng ta…
 
Các luật sỹ có quyền hành nơi người Do-thái vì họ hiểu biết kinh thánh, còn các tông đồ là những người được Chúa Giêsu trao cho một trách nhiệm. Vì thế, Chúa Giêsu cảnh giác các tông đồ tránh thói giả dối, giả hình và bất chính của các luật sỹ và Biệt phái…Thật là xấu nếu đời sống tông đồ chỉ phục vụ vì những mục đích ích kỷ.
 
Tất cả chúng ta khi hành động hơn kém đều thích được đám đông nhìn, đánh giá và khâm phục. Còn Thiên Chúa nhìn vào con tim. Vì thế, những gì chúng ta thể hiện trước mặt người đời sẽ không có giá trị, nếu không thể hiện từ con tim sâu xa của chúng ta. Đừng bao giờ chúng ta xét đoán theo kiểu bề ngoài. Đời sống tông đồ của chúng ta phải hoàn toàn vô vị lợi. Các luật sỹ thời Chúa Giêsu rất tự hào vì hiểu biết Kinh Thánh nhưng họ lại quên không đi vào đời sống bên trong. Họ muốn đặt Thiên Chúa phục vụ họ, phục vụ sự giả dối, thay vì nhìn nhận mình là thụ tạo của Thiên Chúa và phải phục vụ ngợi khen Chúa.
 
Hãy tập sống đơn sơ trước mặt Thiên Chúa. Con người thường quên rằng mình là thụ tạo. Đó là cơn cám dỗ đầu tiên đối với ông bà nguyên tổ trong Vườn Địa Đàng. Con người muốn bằng Thiên Chúa. Satan cũng vậy, luôn nói rằng không phụng sự Thiên Chúa.  LỀ LUẬT chỉ là gánh nặng và dọa nạt, nếu chúng ta sống không có tình yêu. Tình yêu tạo nên sự khiêm nhường, đơn sơ và bình an.
 
Bài Tin Mừng hôm nay mô tả: Chúa Giêsu vào đền thờ Giêrusalem và Ngài quan sát đám đông bỏ tiền vào hòm. Trước khi vào đền thờ Giê-ru-sa-lem , người ta phải đi qua một căn phòng. Căn phòng này có 13 hộp quyên tiền để các tín hữu đặt của lễ mình vào đó cho viêc phụng tự và để giữ luật Lê-vi. Hôm đó, Chúa Giêsu quan sát những người đến đặt của lễ: người giàu làm việc này có ý khoe khoang để được người ta biết đến. Và họ chỉ dâng cái dư thừa của họ…Họ bỏ vào hòm tiền nhiều đồng xu lẻ bằng kim loại để tiếng những đồng xu đó vang lên khi những người đi qua nghe thấy… Còn người nghèo thì đi qua lén lút.
 
Của cho dư thừa không phải là một sự bố thí đích thực. Chúng ta có thể cho người nghèo rất nhiều và xem ra như thế là quảng đại. Nhưng nếu chúng ta chỉ cho cái mà chúng ta không cần đến nữa, thì đó cũng chỉ là nghĩ đến việc phải bố thí mà thôi. Cho đích thực trước mắt Thiên Chúa, là ưu tiên một điều gì đó cho người nghèo hơn là cho mình. Đỉnh cao của lòng bác ái là làm không cho người khác biết đến mình.
 
Qua việc người đàn bà goá bỏ tiền vào đền thờ, Chúa Giêsu dạy chúng ta một bài học: cái bề ngoài không quan trọng bằng cái mình là và cái mình làm được. Những ai sử dụng máy vi tính  đều biết: Ông Bill Gates, người Mỹ là một nhà tỷ phú sáng lập ra chương trình Microsoft. Ông là người nổi tiếng và giàu nhất thế giới, nhưng cũng là người hảo tâm nhất: Tổng cộng số tiền tài sản của ông là 66 tỷ USD, và ông đã làm từ thiện 28 tỷ USD (số liệu này được biết đến vào năm 2.000). Cái được của Bill Gates không phải chỉ là người giàu nhất thế giới, nhưng là sự đóng góp lớn nhất cho nền văn minh hiện đại và lòng từ thiện.
 
Nền văn minh của thời đại chúng ta hôm nay, một phần nào như là thứ văn minh giả tạo và loè loẹt. Chúng ta đang sống trong một nền văn minh xoá lớp nhăn trên mặt bằng son phấn, phẫu thuật thẩm mỹ, chân tay giả và vẻ bên ngoài. Giáo Hội không lên án bề ngoài và số lượng. Nếu có bề ngoài mà có cả cái bên trong, nếu số lượng mà có cả chất lượng, thì tốt biết bao!
Lời ăn tiếng nói và cử chỉ giao tiếp với nhau bề ngoài có vẻ rất lịch sự, nhưng bên trong có thể có một chút gì đó gian dối và lừa đảo. Và điều nguy hiểm nhất là thái độ giả tạo về đức tin, giả tạo tình yêu. Giáo Hội chỉ có thể được tin tưởng một cách đầy đủ khi Giáo Hội sống tốt tinh thần khó nghèo Tin Mừng.
 
Những thập kỷ gần đây, nhiều người thực hành đức tin cách chân thành và đích thực hơn. Họ thực hành tôn giáo không phải là để lấy tiếng tăm, nhưng là vấn đề của Đức Tin. Họ sẵn sàng lội ngược dòng trước những trào lưu của thế giới đang chỉ trích họ. Họ thích sống cái mình là hơn là lo lắng những thứ bên ngoài.
 
Như bà goá trong bài Tin mừng mà Chúa Giêsu để ý đến, nhiều người sống đức tin cách kín đáo và không phô trương. Họ ít phụ thuộc vào cái nhìn của người khác. Họ là chính họ hơn. Bất luận điều gì người ta nghĩ tốt về họ, họ đều qui hướng về Thiên Chúa. Càng ngày họ càng để cho cái bề ngoài hướng tới cái căn bản.
 
Hãy xem xét lại thái độ bà goá trong Tin Mừng: bà cho tất cả một cách hoàn toàn kín đáo mà không tính toán. Con người nhìn đồng bạc lớn, Thiên Chúa nhìn đồng xu nhỏ do lòng tốt còn quí hơn cả kim cương. Thánh Phaolô nói: “Nước Thiên Chúa không cốt ở tài ăn nói, nhưng ở việc làm”.
 
Tội trầm trọng nhất của thói đạo đức giả tạo không phải là chú trọng cái bề ngoài, nhưng là không kết hợp cho đúng giữa lời nói và việc làm. Chúng ta đừng lừa phỉnh Thiên Chúa và mọi người: thái độ này cũng có nơi một số tín hữu:
 
Một số người tín hữu hay phê bình Giáo Hội, hàng giáo phẩm và các tu sỹ, Chúa đều biết. Nhưng Chúa cũng biết rằng chính những tín hữu này lại là người khó có thể làm một việc truyền giáo dù chỉ là nhỏ bé trong giáo xứ hoặc trong gia đình của họ.
 
Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con muốn theo Chúa và muốn dâng cho Chúa tất cả…Tuy nhiên, chúng con đã nhanh giữ lấy hơn là cho đi, nhanh lãnh nhận những hồng ân Chúa hơn là phó thác trong tay Chúa để thực thi ý Chúa.
 
Ôi Giêsu, Chúa thấu biết mọi con tim. Chúa mặc khải mọi điều bí ẩn. Chúa nhìn chúng con hành động trong sự thật. Chúa kêu mời chúng con dâng cho Chúa quà tặng đích thực, không phải cái dư thừa để chứng tỏ chỉ có Chúa mới là Kho Tàng đích thực. Xin cho chúng con đừng bám víu vào của cải vật chất và cả chính chúng con nữa, để chúng con sẽ được Chúa lấp đầy!

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
==========================
Suy niệm 2
Làm việc nhỏ với một tình yêu lớn
Mc 12, 41-44
Chúa Giê-su quan sát những người bỏ tiền dâng cúng cho đền thờ. Ngài thấy có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo bỏ vào hòm tiền hai đồng xu nhỏ, nhưng đó là tất cả những gì bà có để nuôi thân.
Lễ vật của bà tuy bé mọn nhưng gói ghém rất nhiều tình yêu. Chính vì thế, Chúa Giê-su cho rằng bà goá nầy đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn tất cả những người khác, vì tuy họ bỏ nhiều tiền nhưng không nhiều tình yêu.
Giá trị của một món quà
Đối với Chúa Giê-su, giá trị của món quà không tuỳ vào giá mua của món quà đó nhưng tuỳ vào mức độ yêu thương mà người cho đặt vào trong món quà. Giá trị của một món quà có thể tăng lên nhiều lần nếu món quà đó được trao ban với tấm lòng yêu thương và trân trọng.
Nếu có ai đó nài xin ta một số tiền mà ta chẳng muốn cho, nhưng vì người ấy cứ nài nỉ mãi khiến ta bực mình nên cuối cùng, để tống cổ người đó đi, ta đem cả cọc tiền lớn, bực bội ném cho người ấy và nói: “Tiền đây! Lải nhải hoài!” Chắc chắn người kia, dù nghèo thiếu đến mức nào đi nữa, sẽ quay mặt bỏ đi, mang theo một mối căm hờn.
Trái lại, khi đứa con nhỏ trong nhà muốn mừng kỷ niệm hôn phối ba mẹ mà chẳng có gì để dâng, em lặn lội vào rừng ngắt một bông hoa dại nhỏ bé, đem về dâng lên ba mẹ với tất cả tình yêu thương. Chắc chắn ba mẹ em rất cảm động vì cảm nhận được nhiều yêu thương chứa đựng trong món quà bé nhỏ nầy.
Điều làm đẹp lòng Thiên Chúa không phải là dâng cho Ngài nhiều món quà lớn nhưng là dâng tình yêu lớn. Dâng cho Thiên Chúa những món quà lớn hay những thành quả lớn lao vĩ đại mà thiếu vắng tình yêu, thì lễ vật đó sẽ trở thành trống rỗng và chẳng có giá trị gì.
Thánh Phao-lô tông đồ, trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô, từng khẳng định cách mạnh mẽ điều nầy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (I Cr 13, 1-3).
Làm việc nhỏ với một tình yêu lớn
Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta cảm nhận sâu sắc bài học trên đây của Thánh Phao-lô nên mẹ không chủ trương làm những công việc to lớn, nhưng thường xuyên làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Mẹ còn nói: “Chúng ta không thể làm những việc lớn lao, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với tình yêu lớn lao.”
Trong bức thư gửi cho đấng đáng kính là cố Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận, mẹ Tê-rê-xa viết: “Điều đáng kể không phải là số lượng công việc ta làm, nhưng là mức độ yêu thương mà ta đặt vào trong mỗi công việc.”
Thế nên, khi tiếp xúc với bất cứ ai, mẹ Tê-rê-xa đem hết lòng yêu thương người ấy như thể đó là người mà mẹ yêu thương nhất đời.
Cảm hứng từ bức thư trên đây của mẹ Tê-rê-xa Calcutta, đấng đáng kính Fx Nguyễn Văn Thuận quyết tâm “thực hiện từng công việc nhỏ bé hằng ngày, từng cuộc tiếp xúc hằng ngày với tình yêu lớn” và biến những phút sống hiện tại thành những giây phút đẹp nhất cuộc đời, như ngài viết: “Tôi quyết sống từng giây phút hiện tại và đong đầy tình thương vào đó” và ngài quyết định: “Tôi sẽ nắm lấy những cơ hội đến với tôi mỗi ngày, để làm những việc bình thường một cách phi thường” (Trích: “Năm chiếc bánh và hai con cá”).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con tài hèn sức yếu nên không thể làm được những việc lớn lao phi thường, tuy nhiên chúng con có thể làm cho Chúa vui lòng nếu chúng con biết làm những việc nhỏ với tình yêu lớn.
Xin giúp chúng con chú tâm thực hành những việc nhỏ như chăm sóc, thăm hỏi nhau và làm những việc bổn phận hằng ngày… với một tình yêu lớn; nhờ đó, cuộc đời chúng con sẽ trở thành của lễ thánh thiện tỏa ngát hương thơm dâng lên ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.
 
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

=========================
Suy niệm 3
Một Ly Sữa
 
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cao hai bà goá. Một bà trong bài Tin Mừng một bà trong bài Sách Các Vua. Chúa Giêsu gặp bà góa trong sân Đền Thờ Giêrusalem. Tiên tri Êlia gặp bà góa ở xứ Serepta. Một bà đã dâng vào thùng tiền Đền thờ hai đồng kẽm và một bà đã cho tiên tri Êlia một chiếc bánh nhỏ.
 
Thời ngôn sứ Êlia, khi Thiên Chúa làm hạn hán trên đất nước Do Thái để phạt vua tôi của nước này, ngôn sứ Êlia được lệnh Chúa tạm lánh sang xứ Sarepta. Ở đó ngôn sứ đã gặp một phụ nữ đầy lòng tin cậy vào lời hứa của Chúa. Bà đã dâng chút bột và dầu ít ỏi làm bánh nuôi ngôn sứ. Lương thực còn lại để nuôi sống gia đình, bà đã giúp Êlia. Chúa đã trả công bội hậu cho bà và đứa con trai duy nhất thoát cảnh đói khổ. Một bà góa thời Chúa Giêsu. Gầy gò bé nhỏ, ăn mặc rất đơn sơ. Nghèo nàn nhưng bà đem tất cả số tiền mình có, hai đồng tiền kẽm là những gì bà có để nuôi sống mình. Bà dâng vào đền thờ giữa đám đông nhiều người bỏ nhiều tiền vào hòm tiền. Chúa đã khen bà là bỏ nhiều, dâng cúng nhiều hơn những người giàu khác.
 
Hai bà góa có một đặc điểm giống nhau. Đó là họ đã dâng cả những gì cần thiết nhất cho cuộc sống của mình và gia đình. Bà góa tại Sarepta dâng nắm bột chút dầu cuối cùng. Bà góa tại đền thờ dâng những đồng tiền cần thiết nhất của mình. Hai bà góa được đề cao có phải vì quà tặng mà họ đã cho không? Hiển nhiên là không. Hai đồng kẽm thì có đáng là bao. Một chiếc bánh nhỏ thì có thấm tháp gì! Thánh Kinh đề cao họ là vì quà tặng ấy tuy nhỏ mọn mà gói ghém cả tấm lòng người dâng. Đồng kẽm của bà goá bỏ vào thùng tiền Đền thờ là cả một tấm lòng của một bà già nghèo, là cả tài sản của bà. Chiếc bánh nhỏ của bà goá xứ Sarepte là cả một cuộc sống của hai mẹ con trong lúc sắp chết đói. 
 
Của cho không bằng tấm lòng người cho. Cho của mình dư thừa thì chẳng quý gì. Cho cái mình đang cần mới là quý. Và cho cái mình vừa cần vừa tiếc mới là quý nhất. 
 
Của cho không bằng tấm lòng người cho. Của nhiều mà lòng ít thì không quý cho bằng của ít mà lòng nhiều. Hai bà góa được đề cao là vì lòng yêu mến đối với người của Chúa và đối với nhà của Chúa. Họ được đề cao nhờ lòng yêu mến Chúa. Chính lòng yêu mến đã làm cho những hành động của hai bà góa có được một giá trị to lớn trước mặt Chúa. Và chính Chúa đã lên tiếng ca ngợi các bà. Chúa khen bà góa đã cho nhiều hơn tất cả những người khác đã bỏ tiền vào thùng hôm đó. Vì những người kia đã cho cái mà họ dư thừa, còn bà goá này cho tất cả tài sản của bà. 
 
Biết bao người giàu có quý phái sang trọng bỏ tiền vào đền thờ, nhưng Chúa chẳng khen. Chúa chỉ khen bà góa và cho rằng bà này bỏ nhiều hơn những người khác “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. Bà goá bỏ tiền ít hơn mọi người, nhưng dưới mắt Chúa Giêsu, bà đã bỏ nhiều hơn cả, vì bà đã bỏ tất cả. Chúa đánh giá không dựa theo khối lượng nhưng dựa theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng. 
 
Lối đánh giá của Chúa Giêsu đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về người khác. Có khi chúng ta ca ngợi một người chỉ vì người ấy đã có những đóng góp lớn lao, đã đem lại những kết quả cụ thể, rõ ràng. Có khi chúng ta chê một người vì người đó kém cỏi, thiếu năng lực. Tiếng khen chê của ta thường dựa trên hiệu quả bề ngoài, và ít đụng đến phần nội tâm sâu thẳm. Lối đánh giá của Chúa Giêsu cũng đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về chính mình.Tôi xao xuyến khi bị chê, tự mãn khi được khen. Tôi quá trọng dư luận đến nỗi trở nên nô lệ cho dư luận. Thật ra tôi cần đánh giá mình dựa trên cái nhìn của Chúa. Chúa thấy tôi thế nào thì tôi là thế ấy. Điều quan trọng khiến tôi bận tâm đó là tôi có dâng tất cả bản thân cho Chúa không, chẳng giữ lại gì cho mình, dù chỉ một xu nhỏ. Cần rất nhiều liều lĩnh khi bỏ nốt đồng xu cuối cùng để thực sự trở nên người tín thác trọn vẹn vào Chúa. (Mana).
 
Việc từ thiện, việc đạo đức, nếu không có lòng yêu mến thì chỉ là phương tiện tìm danh giá và tìm lợi nhuận. Hạng người như thế ở thời đại nào và ở đâu cũng có với những cách thức khác nhau. Họ là tỷ phú hay triệu phú, họ bỏ ra một vài triệu để đóng góp vào công việc từ thiện hay xây cất những công trình công cộng với động lực chính là mua tiếng tăm.
 
Đối với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, mà là với cả tấm lòng. Cách cho quý hơn của cho. Của cho kèm theo tấm lòng là của cho quý hóa nhất. Yêu mến thì phải cho. Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho. Và cho chính cái mình quý nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất. Bà góa đã cho nhiều nhất vì đã cho cả tấm lòng. Xét về số lượng khách quan thì số tiền một phần tư xu so với năm, ba chục ngàn hoặc từng mấy trăm ngàn hay một triệu thì thật mỉa mai, thật tức cười. Nhưng với Chúa Giêsu hai đồng tiền nhỏ của người phụ nữ vô danh lại nhiều hơn hết. Điều có nghĩa là những công việc đạo đức và từ thiện, bác ái hơn nhau ở động lực và lý do hay mục đích chứ không phải ở số lượng. Giá trị của việc dâng cúng, việc bác ái không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng.Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta nói: ”Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.Thiên Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Ai không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng. Chính lúc cho đi là lúc lãnh nhận. Câu chuyện “Một ly sữa” như một chứng từ minh họa cho chân lý ấy.
 
Trước đây, có một cậu bé nghèo bán hàng rong để kiếm tiền đi học. Một hôm cậu không có được một đồng bạc dính túi mà bụng thì đói.
 
Cậu quyết định sẽ đến xin ăn tại căn nhà gần đó. Tuy nhiên, khi một cô gái trong nhà ra mở cửa thì cậu ngại quá nên thay vì xin ăn, cậu xin một ly nước lã! Cô gái nhìn thấy dáng vẻ của cậu thì biết rằng cậu đang đói, nên đem cho cậu một ly sữa lớn. Cậu uống chậm rãi, rồi hỏi: “Tôi phải trả bao nhiêu tiền?” Cô gái cười nhẹ và trả lời: “Cậu chẳng phải trả gì cả. Mẹ chúng tôi dạy rằng không bao giờ nhận tiền công khi làm một hành vi tử tế!” Cậu bé nói: “Vậy thế thì…tôi hết lòng cám ơn cô.”
 
Khi cậu rời ngôi nhà ấy thì chẳng những cậu cảm thấy thân thể mình khỏe mạnh hơn, mà lòng tin vào Thiên Chúa và con người cũng tăng mạnh thêm lên. Cậu từng nghĩ rằng cuộc đời mình khổ cực quá nên nhiều lần có ý muốn bỏ học.
 
Nhiều năm sau, cô gái ấy trở thành một phụ nữ và mắc bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ gần như bó tay. Cuối cùng họ gửi cô đến một thành phố lớn để mong tìm những chuyên viên chữa trị căn bệnh lạ của cô. Bác sĩ Howard Kelly được mời đến để chẩn bệnh. Khi nghe nói đến tên thành phố cũ của mình, mắt ông ánh lên một cách lạ lùng. Ông đứng dậy ngay để xuống phòng khám. Trong chiếc áo trắng của bác sĩ, ông đến gặp và nhận ra cô ngay. Ông trở về phòng khám và quyết tâm chữa cứu người phụ nữ ấy cho bằng được. Kể từ ngày hôm đó, ông nghiên cứu và theo dõi kỹ tình trạng sức khoẻ của cô. Sau những ngày cam go, căn bệnh đã thua cuộc.
 
Bác sĩ yêu cầu phòng tài chánh chuyển hoá đơn tính tiền viện phí của cô để cho ông phê trước. Ông nhìn vào tờ hóa đơn, rồi ghi vài chữ bên lề trước khi gửi đến cho cô. Cô rất sợ phải mở tờ hóa đơn ấy ra, vì cô biết rằng cô sẽ trả món nợ ấy suốt cả đời mình. Cuối cùng, cô cũng phải nhìn xuống hoá đơn và dừng lại để ý đến hàng chữ bên lề. Cô đọc thấy: “Đã thanh toán đầy đủ bằng một ly sữa!” Ký tên: Bác sĩ Howard Kelly. 
 
Mắt cô đẫm lệ vì vui mừng và từ trái tim ngập tràn hạnh phúc vươn lên lời nguyện cầu: “Tạ ơn Chúa! Chính Tình Yêu của Chúa đã lan truyền sang quả tim và bàn tay của con người.”
 
Cậu bé ngày xưa được tặng một ly sữa trong cơn đói đã trở thành Tiến Sĩ y khoa Howard Kelly, ông đã từng là một bác sĩ lỗi lạc tài ba. Năm 1895 chính ông là người sáng lập Johns Hopkins Division of Gynecologic Oncology (Phân khoa Ung Thư Phụ Sản) tại Đại Học Johns Hopkins, trường Đại Học đầu tiên của Hoa Kỳ dành cho việc nghiên cứu y khoa, được thiết lập năm 1876, tại Baltimore, Maryland.
 
Bạn, có bao giờ trong cơn đói bạn đã nhận được một hành vi tử tế, và bạn đã đền đáp thế nào với cuộc đời và con người đã tử tế với bạn? Hoặc bạn đã và sẽ làm gì cho một ai đó trong nỗi đói khát tinh thần hay vật chất của một người thân thương hoặc tha nhân Chúa đang gửi đến trong đời?
 
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

========================= 
Suy niệm 4
Ở đời quí nhất tấm lòng
(Mc 12, 38 - 44)
Ai cũng biết dâng cúng là sẻ chia, là cho đi một phần những gì mình có. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại lời Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35), nhưng để trở thành phúc nhân, cầu phải cho đúng cách mới mong có cái kết hậu thì không phải ai cũng biết và thực hành.
Người xưa cũng khái quát được vấn đề bằng câu “Của cho không bằng cách cho”. Quả thật, trước khi cho đi ta phải nghĩ đến “của cho” và “cách cho”. “Của cho” xét cho cùng không quan trọng bằng “cách cho”. Cho thế nào để nói lên tấm lòng chân thành của mình và nhất là làm cho người nhận cảm thấy vui lòng. Đặc biệt đối với Chúa, tấm lòng chân thành dâng hiến luôn được Chúa coi trọng: “Ta muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ”.
Cho đi là quý nhưng không phải cho suông mà cho với cả tấm lòng. Một cuộc đời biết cho đi là một cuộc đời hạnh phúc. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào mức độ và cách thức chúng ta trao ban cho tha nhân những gì mình có. Sống vì và sống cho người khác là cách làm tăng trưởng nhân cách và phẩm giá của mỗi người. Cho đi là cả một nghệ thuật mà chúng ta cần phải trau dồi cho bản thân mỗi ngày. Thế nhưng, cho đi cái gì và cho như thế nào lại là một vấn nạn. Học biết cho đi đã khó, nhưng học biết cách thức cho đi lại càng khó khăn gấp bội.
Bà goá ở Xarepta có vẻ miễn cưỡng phải cho, bà ngập ngừng, lúng túng trước lời xin của Êlia, hoàn cảnh khốn khổ của bà làm cho bà khó làm phúc. Nhưng rồi cuối cùng bà cũng dám cho đi cái phần để nuôi sống mẹ con bà với tấm lòng tin tưởng phó thác và đầy tôn trọng đối với người xin bà. Còn bà goá nghèo được Tin mừng nhắc đến hôm nay có một thái độ rất anh hùng. Chúa Giêsu đã đề cao bà như một gương mẫu cho chúng ta về cách cho đi mà không tính toán, để các môn đệ cũng như chúng ta ngày hôm nay noi gương bắt chước học đòi.
Câu hỏi được đặt ra : Các bà góa nghèo đã dâng gì và dâng như thế nào ?
Tin Mừng theo thánh Marcô thuật lại cho chúng ta câu chuyện diễn ra trong Đền thờ Giêrusalem nơi dân chúng bỏ tiền dâng cúng. Có nhiều người giàu bỏ bao nhiêu đồng tiền, song có một góa phụ nghèo, chỉ bỏ hai đồng xu nhỏ. Chúa Giêsu quan sát kỹ lưỡng người đàn bà ấy và Người lưu ý các môn đệ về sự tương phản trong cảnh tượng này. Chúa Giêsu nói, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết, bà tuy thật túng thiếu, nhưng đã bỏ vào thùng tiền tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. Còn những người khác rút từ túi mình tiền dư bạc thừa của họ mà dâng cúng. Vậy là thước đo không phải là số lượng nhưng là với cả tấm lòng thành. Đây không phải là vấn đề ví tiền, nhưng là con tim, là tấm lòng. Có sự khác biệt giữa ví tiền và con tim.
Những người giàu có khoa trương cho đi những điều dư thừa, trong khi bà góa, kín đáo và khiêm tốn, do sự nghèo khó cùng cực của bà, lẽ ra bà có thể chỉ cúng một đồng cho Đền thờ và một đồng kia giữ lại cho mình. Nhưng bà không muốn kiểu sống nửa với, nghĩa là dâng cho Thiên Chúa nửa chừng; bà dâng tất cả. Vì thế, Chúa Giêsu nói, bà đã cho nhiều hơn tất cả những người khác. Trong sự nghèo khó của mình, bà hiểu rằng, có Chúa là có tất cả; bà cảm thấy được Chúa hoàn toàn yêu thương và đáp lại bà yêu Chúa trọn vẹn. Gương của bà già ấy mới đẹp làm sao!
Kinh nghiệm cho thấy có những khi chúng ta cho đi, nhưng người khác lại không đón nhận, hoặc có lúc người ta đón nhận nhưng chỉ đón lấy trong sự ép buộc chứ không mấy vui vẻ. Thành thực mà nói, nhiều khi ta trao tặng mà người kia không đón nhận, có lẽ không phải vì món quà không có giá trị, nhưng vì cách thức chúng ta cho đi có vấn đề. Chúng ta hãy cho đi bằng tất cả tấm lòng và hãy học cách cho đi như chính Đức Giêsu đã cho đi.
Nhìn lại trong dòng lịch sử, không có ai có cách cho đi đẹp cho bằng Đức Giêsu. Người đã cho đi tất cả kể cả mạng sống của mình chỉ vì yêu thương nhân loại. Sự trao hiến của Người là một sự cho đi đến tận cùng, một sự cho đi không tính toán. Người không những cho đi chính mình mà còn dạy cho nhân loại chúng ta biết nghệ thuật của sự cho đi. Có thể nói, cả cuộc đời Đức Giêsu là một lời giáo huấn liên tục về sự cho đi và cách thức cho đi.
Như thế, kim chỉ nam của sự cho đi chính là sự chân thành phát xuất từ một con tim biết cảm thông và yêu thương. Một khi chúng ta biết cho đi bằng cả tấm lòng thì chắc chắn món quà của chúng ta sẽ được người khác đón nhận với tất cả lòng biết ơn và lòng cảm mến. Nghệ thuật cho đi là bài học chúng ta cần trau dồi mỗi ngày hầu có thể hoàn thiện bản thân và đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho tha nhân.
Xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu rõ giá trị của sự cho đi với tấm lòng quảng đại theo gương Chúa. Hãy quảng đại đối với Chúa và mọi người để được hưởng tấm lòng quảng đại của Chúa dành cho chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=========================
 Suy niệm 5
Đức Tin Và Tấm Lòng Của Hai Bà Góa
(Mc 12, 38 - 44)
Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta, Chúa Giêsu như một người Thầy, dạy cho chúng ta biết về sự thờ ơ mà chúng ta phải sống. Thứ nhất, thờ ơ về danh dự và nhận ra điều chúng ta thường xuyên tìm kiếm : "Hãy coi chừng (...) lời chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc "(x. Mc 12, 38 -39). Về điểm này, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về những gương xấu của các luật sĩ. Thứ hai, dửng dưng với của cải vật chất. Chúa Giêsu ca ngợi thái độ của bà góa nghèo và lên án thói đạo đức giả của một số người, (x. Mc 12, 44).
Ai không có tinh thần từ bỏ của cải tạm thời, sống với đầy những của riêng tư người ấy không thể yêu mến được. Người có đức tin mà không nghĩ đến người khác : không động lòng trắc ẩn, không thương xót và để ý đến tha nhân, không thể sống trọn đòi hỏi của Tin Mừng là mến Chúa yêu người được.
Đức tin kèm theo tấm lòng vàng của hai bà góa được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta là hai mẫu gương sống động. Hai bà được trình bày song song với nhau: một bà trong Sách Các Vua quyển thứ I (17, 10 - 16), và bà thứ hai trong Tin Mừng theo thánh Marcô (12, 41 - 44). Cả hai đều rất nghèo, và chính trong thân phận ấy hai bà chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa.
Tấm lòng vàng
Người phụ nữ thành Sarephta xuất hiện trong trình thuật về tiên tri Êlia. Trong thời kỳ hạn hán, vị ngôn sứ này nhận được lệnh của Chúa đi tới miền Siđon, tức là ra ngoài Israel, nơi lãnh thổ dân ngoại. Tại đó Êlia gặp bà góa phụ là người Sarephta đi lượm củi, ông cất lời:" Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống… Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh" (1V 17, 10-11), trong lúc bà đang ở trong tình trạng không còn gì ăn và con bà sẽ chết đói nay mai, nên trả lời:"Này tôi đi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn rồi chết thôi" (1V 17,12), nhưng vì Êlia nài nỉ và hứa với bà, nếu bà nghe lời, bà sẽ không thiếu bột và dầu nữa, bà ấy đã nghe và được tưởng thưởng.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, người phụ nữ này, đã đi kín nước với tất cả tình yêu của trái tim. Khi bà trở về, Êlia nói với bà:"Cứ đi và làm như bà đã nói…với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem lại đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và cho con trai bà" (1V 17,13). Tấm lòng vàng và đức tin của bà góa lúc này bị thử thách, bà chỉ còn một nắm bột, cứ sự thường thật khó để có thể nuôi sống con bà, nay lại làm bánh cho cả vị tiên tri là này nữa.
Thái độ của bà góa thành Sarephta làm chúng ta liên tưởng tới một góa phụ khác mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin Mừng Marcô hôm nay. Khi ngồi đối diện với hòm tiền, Chúa Giêsu quan sát thấy bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu vào đền thờ, ngưỡng mộ bà, Chúa tuyên bố: "Với hai đồng tiền, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống" (Mc 12, 44). Nghĩa cử dâng cúng của bà góa nghèo chứng tỏ nét đẹp của tấm lòng vàng tràn đầy hy vọng và tin tưởng vào Chúa nơi tâm hồn bà.
Tin vào Thiên Chúa
Nếu nói đến mẹ góa con côi, người Việt Nam ta thường nói đến người khổ cực thiếu thốn tứ bề, từ tình cảm đến vật chất, thì theo Kinh Thánh, thời trung cổ, hay quan niệm của người Do Thái, những cô nhi quả phụ tự nó đã là một thân phận thiếu thốn trầm trọng rồi. Họ không còn chồng, còn cha để mà cậy dựa, hai bà trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một bằng chứng. Cả hai cùng cực nghèo, nhưng không có ai nghèo túng đến độ không thể cho đi một cái gì. Câu hỏi được đặt ra: Điều gì đã thúc đẩy các bà làm điều đó? Thưa: Đức tin. Cả hai bà góa hôm nay đều chứng tỏ niềm tin của họ bằng cách thực hiện một cử chỉ bác ái thể hiện tấm lòng vàng: một bà thi hành cử chỉ ấy đối với vị ngôn sứ, và bà thứ hai thi hành việc làm phúc.
Trong Kinh Thánh, các quả phụ và cô nhi là những người mà Thiên Chúa chăm sóc đặc biệt: họ không còn sự nương tựa trần thế, nhưng Thiên Chúa vẫn là vị Hôn Phu, là người Cha của họ. Hoàn cảnh túng thiếu khách quan, hay thân phận góa phụ, vẫn không đủ: Thiên Chúa luôn đòi hỏi sự tự nguyện gắn bó trong niềm tin, và được biểu lộ trong tình yêu đối với Chúa và tha nhân. Qua đó họ chứng tỏ sự hiệp nhất không thể tách rời giữa đức tin và đức ái, cũng như giữa lòng mến Chúa và yêu người như Tin Mừng đòi hỏi.
Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả đã khẳng định rằng: "Trên cán cân công lý của Chúa không phải trọng lượng của dâng cúng là đáng kể, nhưng là trọng lượng của con tim. Bà goá trong Tin Mừng đã đặt vào hòm tiền của đền thờ hai đồng xu nhỏ và vượt quá tiền dâng cúng của những người giàu. Không cử chỉ từ nhân nào thiếu ý nghĩa trước mặt Chúa, không có lòng từ bi nào mà không có hoa trái" (Bài giảng về chay tịnh dec.mems., 90,3).
Sống tín thác vào Chúa
Chúng ta có thể nghĩ tới một phụ nữ góa nghèo khác tên là Maria, dưới chân Thánh Giá Chúa đã dâng tất cả đời mình cho Chúa. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo của người tận hiến trọn vẹn qua sự tín thác nơi Thiên Chúa; với niềm tin ấy mẹ nói với Sứ Thần "Này tôi đây" và đón nhận thánh ý Chúa. Nhờ lời thưa xin vâng ấy, ý Chúa được thể hiện, mầu nhiệm sự sống được trao ban và dâng hiến được thực hiện nơi đồi Golgotha, thế gian có được Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống, Đấng Cứu Độ chúng ta.
Tại Cana, Mẹ đã xin Chúa Giêsu cứu giúp anh em mình khi nói: "Họ không còn rượu nữa" (Ga 2,3), và nhận được lời Chúa Giêsu: "Này bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì?" (Ga 2,4) Mẹ vẫn bảo gia nhân vâng lời Chúa Giêsu.
Bà góa thành Sarephta đã làm những gì tiên tri Êlia nói với bà, mang cho ông ít bánh. Tương tự như thế, những người hầu bàn tại Cana vâng lời Chúa Giêsu. Sức mạnh tình yêu vô biên của Thiên Chúa, sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được tái diễn nơi bàn tiệc thánh: Này là Mình Thầy hiến tế vì anh em.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp mỗi người chúng con tín thác vào Chúa như Mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
=========================
Suy niệm 6
ĐỒNG  TIỀN  BÀ  GÓA
1V 17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12,38-44
Bà góa trong Tin Mừng hôm nay thật “nổi tiếng”, vì “vụ bỏ tiền vào thùng” trong đền thờ của bà được Thầy Giêsu lên tiếng chấm điểm, làm bài học cho các môn đệ về tấm lòng dâng hiến,  trong tự do và tín thác.
Bao nhiêu người giàu đang xếp hàng lên dâng cúng nhiều tiền quá mà Thầy chẳng kể. Lặng lẽ theo hàng người áo quần xúng xính, một bà góa nghèo đơn thân khẽ thả hai đồng tiền kẽm lọt thỏm vào thùng, làm Mắt Thần của Thầy sáng lên xúc động. Thầy khen bà đã bỏ vào “nhiều nhất”, theo cái nhìn “thấu từ bên trong” của Thầy: “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12,44).
Bà góa này liều thật! “cả nhà cả cửa” chỉ có bấy nhiêu mà bà sẵn sàng bỏ thùng dâng hiến, thước để đo lòng là ở đây. Bà không lo chiều nay lấy gì mà sống, vì bà hoàn toàn cậy dựa, tín thác nơi Chúa. Bà rút từ sự túng thiếu, để cho đi thầm lặng, không hề tiếc xót, bà dâng hiến với cả tấm lòng yêu mến, mà lúc đó chỉ Thầy Giêsu mới đọc được. Càng nghèo lại càng chẳng ham tiền giữ của mới lạ, chứ người giàu nhiều khi lo liệu tính toán cân nhắc kỹ lưỡng. Thầy đã từng dạy rằng phúc thay ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ, mà người giàu vào nước Thiên Chúa thì khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Bà nghèo nhưng tấm lòng của bà rất giàu và phóng túng. Phải, vì “kho tàng” của bà không phải ở mấy đồng xu quý hiếm này, mà là chính Chúa. Tuy cho hết mà bà vẫn còn cả kho tàng ấy. Bà vẫn giàu có hạnh phúc trong Đấng mà bà đem hết tâm hồn yêu mến với lòng thành hiến dâng. Cách cho của bà quý hơn của cho, của cho ít nhất mà tấm lòng yêu mến thì lại nhiều nhất nên của lễ của bà càng đẹp và nên thơ. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”.  
Ngày nay chúng con nhiều khi muốn cho nhưng còn nâng lên đặt xuống, muốn góp phần nhưng còn xem lại khả năng kẻo lỡ thiếu hụt, vả lại của mình bỏ ra thấm gì với con số khổng lồ đang cần kia, thôi để dịp khác. Phần nhỏ của tôi góp vào cũng thừa. Vậy thì biết bao giờ tôi mới ra tay để làm đẹp cho đời?
Cái nhìn của Thiên Chúa khác với cái nhìn của con người. Ngài không bỏ sót bất cứ hành động nào dù nhỏ nhặt hay âm thầm của ta. Đôi khi những nghĩa cử vô danh nhỏ bé lại bừng sáng và mang giá trị đặc biệt dưới ánh mắt Ngài.
Ôi lạy Chúa! vì tình yêu Chúa sẵn sàng tự hiến cho con tất cả, cho đến giọt máu cuối cùng trên Thánh giá! Chúa đem cả Thân Mình làm của ăn nuôi sống con từng ngày. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn? Này con xin đem tấm thân mọn hèn, thời giờ sức khỏe Chúa ban mà dâng lên Chúa với trọn cả tấm lòng tin yêu phó thác. Xin Chúa chúc lành để đời con trở thành của lễ nhỏ xinh dâng về cho Chúa. Amen.

Én Nhỏ
  
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log