Suy niệm 1
Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy ------------------------------------- Bài Tin Mừng hôm nay là một bài học rất quan trọng cho mỗi người chúng ta: theo gương anh mù nhận ra sự mù quáng của mình và kêu lên Thiên Chúa.
Anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay tên là Ba-ti-mê. Anh nhận mình mù và người ta cũng khẳng định như thế đối với anh. Ngồi bên vệ đường, anh như mọi người mù khác bị người đời phỉ báng khinh chê. Thời đại đó, người ta chẳng trông đợi gì nơi một người mù! Người mù là con người tàng tật và chẳng ai nghĩ đến cách chữa trị cho. Người mù đành phải đi ăn xin và hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường xung quanh.
- Chúng ta có thể mù, khi chúng ta mù con tim và mù tinh thần, nhưng lại không nhận ra.
- Chúng ta có thể mù, khi không thấy những dấu vết sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới: Sóng biển, tiếng rì rầm của dòng nước, tiếng chim hót …, có thể nói với chúng ta rất nhiều về Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại chẳng thấy gì. Bầu trời trăng sao, mùa xuân hoa nở nói lên vẻ đẹp của Thiên Chúa, chúng ta cũng chẳng thấy gì.
- Chúng ta mù khi có một ý nghĩ không đúng về Thiên Chúa: một Thiên Chúa sai Con Ngài chịu khổ hình thập giá để nguôi cơn giận, một Thiên Chúa đòi hỏi, một Thiên Chúa phá huỷ, một Thiên Chúa kết án, một Thiên Chúa trừng phạt, mà trong khi đó Người lại là Thiên Chúa trao ban, dựng xây, tha thứ, giải phóng và yêu thương...
- Chúng ta mù, khi không thấy sự đau khổ của người khác.
- Chúng ta mù, khi chỉ thấy ưu điểm mà không thấy khuyết điểm nơi mình.
- Chúng ta mù, khi tính kiêu ngạo tự mãn làm cho chúng ta luôn nghĩ rằng mình có lý và hành động theo sự thật.
Chúng ta hãy khiêm nhường nhận ra mình mù. Nhận ra mình mù đó là một ân huệ trọng đại để chúng ta biết những giới hạn của mình trong việc nhận biết Thiên Chúa, nhận biết tha nhân và nhận biết chính bản thân chúng ta.
Anh mù Ba-ti-mê là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta. Anh chẳng cần có một độ thính giác thật cao để nghe được tất cả sự náo động ồn ào khi Chúa Giêsu đến. Đúng vậy, một đám đông không phải là ít, họ theo Chúa suốt trong cuộc hành trình từ Giê-ri-cô đến Giê-ru-sa-lem. Đám đông này ồn ào và nhiệt tình. Chính đám đông này một vài hôm nữa sẽ cầm cành lá tung hô Chúa. Đám đông này ít nhiều cũng nghĩ rằng con đường này sẽ là con đường thánh dẫn đưa vị tướng Giêsu chiến thắng đế quốc Roma.
Rốt cuộc, đám đông này cũng mù, mù tâm linh, mù hiểu biết. Ngược lại, chỉ còn anh Ba-ti-mê, dù anh mù con mắt thể xác, nhưng lại không mù tâm linh và không mù hiểu biết. Anh bắt đầu kêu thét lên: “Xin thương xót tôi”. Đám đông càng cấm anh im lặng, anh càng la to “Lạy Con Vua Đavit, xin thương xót tôi”.
Chúa Giêsu động lòng thương! Người dừng lại và nhờ đến các tông đồ: “Anh em hãy đi tìm anh ta”! Các tông đồ chấp thuận và nói với anh: “Này anh Ba-ti-mê, anh rất may, Chúa Giêsu gọi anh đấy”. Anh vội vàng chạy đến Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi anh: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Anh đáp lại: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.
Câu hỏi của Chúa Giêsu xem ra là ngớ ngẩn đối với những người không hiểu rằng Chúa Giêsu muốn lời yêu cầu của anh được công khai và rõ ràng. Cũng như khi chúng ta chịu phép Rửa hoặc lãnh nhận các bí tích khác, cần phải tuyên xưng ra bên ngoài bằng cả lời nói nữa.
Lòng tin tưởng tuyệt đối của anh mù Ba-ti-mê đã chiếm được con tim Chúa Giêsu và vì thế Người chữa anh.
Nhận ra mình mù, đó là điều tốt, nhưng chưa đủ. Theo gương anh mù, còn phải tiếp tục kêu lên tới Chúa. Thật đáng buồn cho thời đại chúng ta, người ta không biết kêu lên tới Chúa nữa. Chúng ta cần phải kêu lên Chúa những khốn cùng của chúng ta:
- Lạy Thiên Chúa là Cha, xin thương xót con, vì bất cứ lúc nào con chỉ thấy cảnh đêm đen kinh khủng của nghi ngờ mà thôi.
- Lạy Chúa Kitô, xin thương xót con, vì con không thấy Chúa là ánh sáng thế gian như Chúa đã nói.
- Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương xót con, vì con bị thần dữ ám ảnh, không thấy Chúa làm việc liên tục trong thế giới này.
- Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin thương xót con, vì con chỉ nhìn một trong những bất toàn không thể tránh khỏi của Giáo Hội, nên con không còn thấy vẻ đẹp của Giáo Hội nữa.
- Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con không thấy ý nghĩa của cuộc đời con và những thử thách dồn dập quanh con.
- Lạy Chúa, xin thương xót con, vì nhiều khi con không cảm thấy cần phải đi tìm kiếm sự thật nữa.
- Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con chỉ nhìn thấy tội con thôi mà không bao giờ xin Chúa thứ tha.
- Lạy Chúa, xin thương xót con vì con không thấy Chúa yêu con biết bao.
Con người được dựng nên cho ánh sáng, chứ không phải cho bóng tối. Nếu con người thích bóng tối, chính là vì mọi việc làm của con người là xấu xa. Người tín hữu chúng ta cần biết rằng: Chúa Kitô là sự thật, là ánh sáng thế gian. Ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã đón nhận ánh sáng của Người và chúng ta đã ghi danh vào sổ Rửa tội. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ! Chúng ta cần phải liên tục tìm Chúa ! Chỉ Người mới có thể làm cho chúng ta vượt qua tối tăm tới ánh sáng kỳ diệu mà thôi. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
============================
Suy niệm 2
Mắt Đức Tin
“Đôi mắt xanh của chị Nữ Tu”
Trong cuốn sách “Những người lữ hành trên đường hy vọng”, Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận kể câu chuyện “Đôi mắt xanh của chị Nữ Tu” thật cảm động.
Trên khắp các nước, thế chiến đã bùng nổ. Quân phát xít chiếm cứ khắp nơi. Một viên tướng Phát xít đến một nhà dòng kia, yêu cầu kêu Mẹ Bề trên cho ông ta gặp… Khi vừa dốc cạn ly nước từ tay Mẹ Bề trên, viên tướng Phát xít lập tức vào đề:
- Xin bà cho tôi gặp chị Maria. Bà Bề trên bấm chuông gọi chị ấy ra. Ông tướng vui vẻ hẳn lên và nói cách sỗ sàng: “Tôi yêu cầu bà trao ngay cho tôi chị này, tôi say mê chị”.
Hai mẹ con nhìn nhau lúng túng. Chị Maria vội đỡ lời: “Tôi là một nữ tu tầm thường, nào có gì để ông say mê. Xin ông tìm ở ngoài thế gian, lắm người nhan sắc lộng lẫy…”.
- Không! Không! Tôi yêu chị vì chị có đôi mắt xanh tuyệt đẹp. Tôi say mê quá!
- Không! Xin lỗi ông, không bao giờ tôi chấp nhận điều ấy.
- Nếu chị không chấp nhận, nội ngày mai, tôi sẽ ra lệnh tiêu diệt cả Nhà Dòng này!
Một bầu khí thinh lặng ghê rợn ập xuống phòng khách. Ông tướng đứng lên và bảo: “Tôi cho một đêm suy nghĩ, sáng mai tôi sẽ trở lại. Phải trả lời dứt khoát, nếu không tôi sẽ…”.
Ngày hôm ấy, cả Nhà Dòng thiết tha cầu nguyệt sốt sắng hơn. Thâu đêm chị không thể nào chợp mắt: “Chẳng lẽ vì mình mà cả nhà phải bị tiêu diệt? Không, không thể được! hay tôi phải bỏ Nhà Dòng, bỏ tình yêu Chúa Kitô, bỏ đức trinh khiết? Không, không bao giờ như thế!”.
Sáng hôm sau, khi chị em còn nguyện kinh, ông tướng Phát xít đã có mặt ở phòng khách, đôi mắt hau háu, nôn nóng, sốt ruột.
Từ đầu hành lang, chị Maria đang tiến lại, nhưng… bên cạnh lại có một người khác dẫn đi, tay chị cầm một cái dĩa. Viên tướng há hốc mồm, trố mắt kinh ngạc. Chị đã bước vào phòng khách, nhưng ông vẫn không ngớt ngẩn ngơ. Chị Maria khuôn mặt đầy máu me, đang sờ soạt đặt cái dĩa trên mặt bàn và nhỏ nhẹ trình bày: “Thưa ông, vì ông say mê cặp mắt của tôi… nên tôi xin sẵn sàng biếu ông cặp mắt ấy… trên dĩa này. Còn thân xác tôi, đời tôi, tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa”.
Viên tướng Phát xít vừa bàng hoàng kinh ngạc vừa cảm phục. Ông xấu hổ đứng dậy bỏ ra về và không đá động gì đến Nhà Dòng nữa. (trang 175-177).
Nữ tu Maria hy sinh đôi mắt xanh tuyệt đẹp để “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm” của cõi lòng viên tướng, nhờ vậy ông ta được sáng đôi mắt và nhìn thấy sự cao quý của một tâm hồn thanh khiết.
Đôi mắt mù
Đọc câu chuyện, liên tưởng đến chuyện vua Đavít được tiên tri Natan “mở mắt”. Dù đã có nhiều thê thiếp, nhưng vua lại chiếm đoạt bà Bátsabê là vợ của Uria và sau đó lại mượn tay quân thù giết chết chồng bà để chính thức cưới lấy Bátsabê làm vợ. Thế là vua đã phạm hai tội ác tày đình: ngoại tình và giết người. Vậy mà vua vẫn ung dung như không có gì xảy ta. Sau đó, Thiên Chúa sai tiên tri Natan đến cảnh tỉnh nhà vua. Tiên tri nói với vua: Trong thành kia, có một người giàu có đến cả ngàn dê cừu. Trong khi đó, bên cạnh nhà ông ta có một ông lão nghèo khó và cô độc, chỉ có một con chiên nhỏ làm bạn cho vui tuổi già. Ông lão thương con chiên đó như con gái của ông. Ông cho chiên ăn trên tay và cho ở trong nhà. Thế rồi khi người giàu có khách, ông ta không chịu bắt chiên mình làm tiệc, trái lại, cho tôi tớ qua nhà ông lão nghèo khổ bắt con chiên độc nhất của ông nầy làm thịt đãi khách. Nghe đến đây, vua Đavít bừng bừng nổi giận. Vua muốn trừng trị tức khắc tên bất lương đó. Nhà vua phán: "Nó đáng chết vì tội ác nó đã phạm. Nó phải bồi thường gấp bốn thiệt hại nó đã gây ra.". Bấy giờ tiên tri Natan mới tỏ cho vua biết tên bất lương đó chính là nhà vua và Chúa sẽ trừng phạt vua vì tội ác đã gây ra. Vua Đavít bừng sáng mắt ra, thấy rõ tội ác của mình nên đã ăn năn thống thiết. (II Samuel 11,1-12,12).
Câu chuyện cũng gợi nhớ về đôi mắt mù của Nguyên Tổ trong sách Sáng Thế: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu ! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon... mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn... Và mắt cả hai người đã mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng” (St 3, 4-7).
Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình:
- Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra.
- Evà nhìn trái táo và thấy sướng mắt.
- Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng.
Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy. Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.
Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: “mắt cả hai người đã mở ra”. Không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng. “Mắt hai người đã mở ra”. Câu Thánh kinh thật ngắn ngũi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại. Ađam – Evà đã mở mắt, nhưng họ lẩn trốn không dám nhìn Thiên Chúa. Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù loà chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế. (x.Nước mắt và hạnh phúc, trg 69-71, Lm Nguyễn Tầm Thường).
Mắt đức tin
Chúa Kitô đã đến chữa lành sự mù loà ấy, hàn gắn lại vết thương thưở sa ngã của Nguyên Tổ. Khi liên kết phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù loà của Nguyên Tổ, ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian.
“Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thưở địa đàng. Chúa Kitô đã mang ánh sáng cho thế gian. Ngài ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức Tin.
Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin. Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù. Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa. Anh ta tin vào lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Silôác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pharisiêu đang tra vấn, khủng bố anh: Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giêsu lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Silôác. Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy. Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì. Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giêsu và được hỏi: “Anh có tin Con Người không ?” thì anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” Chúa Giêsu tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin.” Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy.
Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giêsu trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn. Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt. Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin.
Phép lạ chữa người mù thưở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Chúa Giêsu là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù loà của nhân loại với điều kiện: Tin vào Ngài.
Chúa Giêsu cũng chữa nhiều người mù loà tâm hồn. Ngài mở mắt cho Giakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9, 1-10). Ngài mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7, 36-50). Ngài mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương (Lc 23, 32-43)...
Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được. Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân. Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ. Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại. Chỉ có ánh sáng của Đức Kitô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xoá tan những điểm tối đó. Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Kitô. Ðôi mắt đức tin giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa và yêu mọi người, mọi sự trong Chúa và yêu như Chúa đã yêu. Nhiều Thánh vịnh giúp chúng ta tập nhìn cuộc đời và con người bằng đôi mắt tin yêu, như Thánh vịnh 104, các Thánh vịnh Job 38-39.
Đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, là cửa ngõ tâm hồn. Đôi mắt có thị giác và thị lực. Thị giác là khả năng của đôi mắt có thể thấy. Thị lực là mức độ thấy của khả năng ấy. Thấy nhiều hay ít. Thấy xa hay gần. Thấy rõ hay mờ. Người cận thị chỉ thấy được rất gần. Người viễn thị thì thấy xa hơn. Cần có thị giác tốt và thị lực tốt thì đôi mắt mới sáng ngời. Thị lực còn là của trí óc và của con tim. Có người chỉ thấy được cái thế giới chật hẹp và ích kỷ của bản thân mình; có người thấy được hoàn cảnh, tâm tư và nguyện vọng của người khác. Thị lực còn là niềm tin. Bartimê tuy mù nhưng lại có thị lực tốt. Anh đã thấy được Chúa Giêsu là Ðấng Messia "Con Vua Ðavít". Anh kêu xin : "Rabbuni, xin cho tôi được thấy", và Chúa Giêsu trả lời : "Hãy đi ! Niềm tin của con đã cứu chữa con". Bartimê được thấy và anh theo Chúa Giêsu trên con đường của Người ; khi thấy được, anh cùng hành hương lên Giêrusalem (x. Đức Giêsu thành Nazareth phần II, trg 13). Bartimê thấy nhiều cái mà những người sáng mắt không thấy. Anh thấy Chúa là con vua Đavít, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Anh thấy bằng lòng tin. Chính vì lòng tin này mà Chúa Giêsu đã thương cứu chữa cho anh sáng mắt. Anh mù, mắt không thấy Chúa, nhưng lòng đã thấy Chúa rồi vì anh có lòng tin. Thị lực lòng tin cho anh tiếp nhận ánh sáng tình yêu đầy tràn hy vọng.
“Muốn trong trắng, con phải hy sinh; cành huệ trắng tinh, cành mai thơm tho, cành đào xinh đẹp, vì nó đâm rễ sâu vào lòng đất, vì nó cầm cự với mưa bão, vì nó chịu đựng những bàn tay cắt tỉa” (ĐHV 431). Lạy Chúa Giêsu, xin cho con có đôi mắt với thị giác và thị lực tốt; để con nhận ra Chúa nơi anh em với những cái hay cái tốt; để con nhận ra Chúa nơi các kỳ công kiệt tác thiên nhiên; để con biết nhận ra Chúa nơi các vị Đại Diện Chúa.
Và lạy Chúa, “Chúa chỉ ban sự trong trắng cho linh hồn khiêm nhường. Con cầu xin hàng ngày với tâm hồn đơn sơ chân thành, thực sự nhìn nhận sự yếu đuối của con” (ĐHV 427); xin cho con được thấy bản thân con với những yếu đuối và khuyết điểm, biết nhận ra thân phận thụ tạo lệ thuộc Đấng Tạo Hóa; từ đó con biết được ơn phúc là do lòng Chúa yêu thương ban tặng, để con luôn biết dâng lời cảm tạ, tôn thờ, phụng sự và kính mến Chúa với cả tâm tình con thảo. Amen
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
============================
Suy niệm 3
Gặp Được Chúa Sẽ Có Niềm Vui
(Mc 10, 46-52)
Dõi theo hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu, với những phép lạ Chúa làm, lời Chúa dạy, người môn đệ được dạy về phẩm chất tông đồ. Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu tiếp tục hành trình lên Giêrusalem. Nếu dọc đường có chàng thanh niên đến quỳ gối xin Chúa chỉ cho biết việc phải làm để được sống đời đời (x. Mc 10, 17), thì giữa các môn đệ cũng có sự năn nỉ nài van cho được ngồi ‘bên tả’ hay ‘bên hữu’ Chúa (x. Mc 10, 35-45).
Hôm nay vẫn trong hành trình trước khi vào thành thánh, có chàng thanh niên mù loà con ông Timê tên là Bartimê kêu xin gặp Chúa để được sáng mắt (x. Mc 10, 46-52). Thật lý thú và kỳ diệu biết bao cho những ai khát mong tìm gặp Chúa, họ sẽ rạng rỡ mừng vui, vì có được điều họ tha thiết nài xin.
Chúa là niềm vui của Israel
Khi dân Israel bị bắt đi lưu đày ở Babylon trở về, người trung thành với Chúa chỉ còn là số ít, họ quá yếu đuối, nghèo nàn và dễ bị tổn thương, đến nỗi không có phương tiện trở về, từ phương Bắc không thể tự giải thoát. Họ là những kẻ trở về để xây dựng đất nước: "trong chúng có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ". Bàn tay xây dựng lại Israel là những kẻ đui mù, chứ không phải các thanh niên cường tráng! Làm thế nào họ có được khả năng xây dựng lại quốc gia? Thanh niên, người khoẻ mạnh đã bị đế quốc tiêu diệt trong các lao động khổ sai. Họ phải cáng đáng công việc xây dựng lại quê hương.
Trong lúc cùng đường bế tắc như thế Giêrêmia tuyên sấm : Đây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! " (Gr 31, 7). Không thể vui mừng sao được khi mình đang đui mù, què quặt, mang thai, nay có được Thiên Chúa toàn năng trợ giúp dẫn dắt trở về: "Đây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây" (Gr 31, 8). Theo Dianne Bergant: "Phụ nữ mang thai và các bà mẹ tuy yếu ớt, dễ bị tổn thương nhưng cũng là biểu tượng của phong phú và hy vọng. Họ nắm giữ tương lai trong bản thân mình. Khi họ rời bỏ chốn lưu đày về đất hứa, họ mang theo khả năng sinh sản và khởi sự một tương lai mới".
Đúng là người công chính, đạo đức thực thi công bình, bác ái, sống thánh thiện siêu nhiên, mặc cho thế giới này sa đoạ đến đâu, mặc cho gièm pha độc ác của kẻ giả hình, nhưng vẫn khao khát tìm gặp và cậy dựa vào Chúa, người ấy sẽ có được niềm vui lớn lao. Anh mù thành Giêricô, tên là Bartimê trong Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng.
Chúa Giêsu là niềm vui của anh Bartimê
Chúng ta chiêm ngắm một anh chàng mù, nghèo khổ, gặp được hạnh phúc thật nhờ Chúa Giêsu. Anh thiếu hai điều: cái nhìn thể lý và khả năng tìm kiếm công ăn việc làm để kiếm sống, nên buộc anh phải đi ăn xin. Anh cần sự giúp đỡ và anh ngồi bên vệ đường lối vào thành Giêricô, nơi có nhiều người qua lại.
May mắn cho anh, một hôm chính Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một số người khác đã đi ngang qua đó. Chắc chắn anh mù đã từng nghe nói về Chúa Giêsu, là Đấng đã làm nhiều phép lạ, Đấng ấy đang đến gần anh ta, chớp thời cơ, anh kêu lên : "Hỡi Con vua Davít, xin thương xót tôi!" (Mc 10, 47). Đối với những người đang đi theo Chúa thì tiếng kêu của anh mù thật khó chịu, họ ích kỷ, không chịu thấu hiểu hoàn cảnh của anh. Nhưng lời kêu xin lớn tiếng của anh chứng tỏ anh khao khát gặp Chúa lắm. Lời ấy vang tới tai Chúa và động đến tâm hồn Chúa Giêsu. Người muốn đáp ứng lời van xin của anh mù ăn mày này, nên truyền gọi anh đến và chữa lành anh ta.
Lập tức anh mù được đối diện với Con vua Đavít. Giây phút quyết định là sự khát khao gặp gỡ cá nhân, trực tiếp, giữa Chúa với người đang đau khổ. Hai người đối diện nhau: Thiên Chúa với ý muốn chữa lành và con người với ước ao được chữa lành. Hai sự tự do và hai ý chí đều huớng về một điểm. Cuộc đối thoại bắt đầu kẻ hỏi người thưa, "Chúa Giêsu nói với anh: "Anh muốn Ta làm gì cho anh? "Người mù đáp: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy" Chúa ra lệnh: "Con hãy đi! Ðức Tin con đã cứu chữa con!" (Mc 10,51) Lập tức Chúa Giêsu cho anh thấy, anh hết sức vui mừng và đi theo Chúa.
Chúa là nguồn vui của chúng ta
Niềm vui của Thiên Chúa, niềm vui của con người. Theo Phúc âm kể tiếp như sau: Bước vào ánh sáng, anh mù Bartimê bắt đầu theo Chúa khắp nơi! Ðiều này có nghĩa là anh mù trở thành môn đệ Chúa và theo Người lên Giêrusalem, để cùng với Chúa tham dự vào mầu nhiệm cao cả của ơn cứu rỗi.
Cái nhìn thể lý thật quan trọng, cái nhìn từ bên trong của Thiên Chúa. Thánh Clêmentê Alexandria nói, "Chúng ta hãy chấm dứt việc lơ là sự thật, hãy ra khỏi bóng tối và sự vô minh, như một áng mây, hãy ra khỏi đám mây che lấp chúng ta để chiêm ngưỡng Thiên Chúa thật".
Chúng ta thường hay than phiền và nói rằng, tôi không biết cầu nguyện. Hãy noi gương anh chàng Bartimê mù trong Tin Mừng: Anh không ngần ngại kêu lên cùng Chúa Giêsu tất cả những gì anh ta cần. Phải chăng chúng ta thiếu đức tin? Nếu thiếu, hãy thưa cùng Chúa : "Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con". Phải chăng chúng ta có người thân bằng hay trong gia đình có người bỏ bê việc sống đạo ? Vậy, hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Chúa Giêsu, xin cho họ được nhìn thấy". Liệu đức tin có quan trọng như vậy không? Nếu chúng ta so sánh cái nhìn thế lý, chúng ta sẽ nói gì đây?
Ðức Tin là cuộc hành trình của sự soi sáng: đức tin khởi sự từ thái độ khiêm tốn nhìn nhận mình cần đến ơn cứu rỗi và đạt đến cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, Ðấng là nguồn vui và là ơn cứu độ. Tình trạng của anh mù thật là buồn, nhưng nhiều người còn chưa tin vào Chúa còn buồn hơn. Chúng ta hãy nói với họ: Thầy gọi anh và hỏi anh cần gì, Chúa Giêsu sẽ đáp trả bạn cách hào phóng.
Lạy Mẹ Maria, xin dẫn chúng con đến gặp Chúa, để chúng con được no thỏa niềm vui ân tình của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
============================
Suy niệm 4
Lòng Tin Muốn
Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52
Khi Đức Giêsu đến Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Anh ấy bị mù chẳng nhìn thấy gì nên lúc nào cũng nghe nghe ngóng ngóng. Trời cho người mù mắt lại thính cái tai, thoáng nghe thấy đám đông đi qua, anh đã hỏi ngay xem có chuyện gì. Họ mới chỉ báo cho anh là có “Đức Giêsu Nadarét” đang đi qua. Anh vội kêu toáng lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,47). Những người sáng mắt chỉ biết đó là ông Giêsu Nadaret, còn anh mù này lại “sáng” từ bên trong. Điều hay ở đây là anh nhận ra và kêu cứu Ngài bằng danh hiệu của Đấng Mêsia, “Đấng sẽ mở mắt cho người mù (Is 35,5), nên mới vừa xin vừa tuyên xưng như vậy. Mặc cho họ quát nạt cản trở, anh càng la to hơn, khiến Đức Giêsu dừng lại, Ngài cho gọi anh đến hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51a). Anh tỏ bày điều ước của mình mà xin với Ngài. Ngay tức khắc Ngài cho anh nhìn thấy được và Ngài khẳng định “lòng tin” của anh đã cứu chữa anh. Vâng, bởi lòng muốn tha thiết và đức tin mạnh mẽ mà anh được đổi đời. Anh đang chìm trong bóng tối bỗng được nhìn mọi người mọi vật rõ ràng sáng tươi, anh còn bắt đầu một tương lai tươi sáng hơn nữa và đi theo Người trên con đường Người đi.
Lòng muốn và đức tin mạnh mẽ đã giúp anh mù vượt qua những rào cản, làm khó dễ của một số người mà đến với Chúa, để có “cuộc gặp gỡ hồng phúc” và anh được chữa lành. Anh trở về trong ánh sáng mới và gắn bó đi theo Chúa luôn. Đức Giêsu có thêm một môn đệ mới.
Ngày nay chúng con, những người sáng con mắt thể lý nhưng nhiều khi lại mù tối tâm linh, trong đường đi lối sống nên không nhận ra, không “thấy” Chúa và cũng chẳng thấy anh em. “Kẻ không thấy lại được thấy, còn kẻ thấy lại hóa đui mù”. (Ga 9,38b).
Lạy Chúa! xin cho con luôn vững tin có Chúa trong mọi hoàn cảnh, biến cố cuộc đời. Xin cho con luôn thiết tha tìm gặp và gắn bó với Chúa. Chúa sẽ dắt dìu con đi qua đêm đen, đưa con tới miền ánh sáng huy hoàng của tình yêu Chúa. Con sẽ hân hoan bước theo Chúa từng ngày, vừa đi vừa ca khen Thiên Chúa là Đấng cứu độ con.
Én Nhỏ