Thứ sáu, 10/01/2025

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 20 Thường Niên B

Cập nhật lúc 13:02 17/08/2018
Suy niệm 1
"Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được"?
-----------------------------------
Qua Giáo Hội, Thiên Chúa sắm sẵn cho chúng ta hai bàn tiệc:
- Bàn tiệc Lời Chúa để nuôi chúng ta bằng Thánh Ý Người,
- Bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa Kito, là đảm bảo cho cuộc sống vĩnh cửu
Cả hai bàn tiệc này cũng chỉ là một vì Lời Thiên Chúa đã trở nên xác phàm. Chúa Kito là sự sống của những người tin và Người làm cho họ thỏa mãn hy vọng được sống vĩnh cửu.
Kinh Thánh loan báo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chính là lời Chúa, là Đức Kito, Ngôi Lời làm người. Bánh và rượu, Thịt và Máu Chúa Kito biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta vượt qua sự điên rồ của tội lỗi để đến với sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Thánh Phaolo cho chúng ta quy tắc sống tâm tình của một Kito hữu: Ngợi khen, cầu xin Thiên Chúa bằng tất cả con tim và tạ ơn Người bằng cách chúng ta sống theo Thánh Ý Người. Thánh Phaolo mời gọi chúng ta hãy để cho mình luôn say xưa sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chứ không phải sự khôn ngoan của con người. Ngài nhấn mạnh thế giới xác thit thì có sự đổ vỡ và thế giới thiêng liêng thì mọi sự trở nên vui mừng.
Tại sao những người Do-thái trong bài Tin Mừng hôm nay tranh luận; "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được"? Họ tranh luận như thế là theo kiểu xác thịt. Tranh luận kiểu đó không bao giờ dẫn đến một kết quả tốt và không có kinh nghiệm gì về Lời Chúa. Họ không hiểu gì vì họ chỉ tranh luận nhiều về cái bên ngoài, còn Lời Chúa thì họ làm chết ngạt.
Đối với chúng ta, khi tranh luận về Lời Chúa, trước hết chúng ta phải đón nhận bằng con tim. Thật vô ích nếu tranh luận Lời Chúa mà không tìm kiếm ánh sáng. Nhiều người Dothai ngạc nhiên vì lời khẳng định của Chúa Giêsu, vì họ không tìm cách đi sâu vào vấn đề, họ tìm cái không hợp với lối suy nghĩ của ho để họ phản đối. Chúng ta nhớ lại cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và Nicodemọ. Khi Chúa nói về sự tái sinh, thì Nicodemo lại hiểu theo kiểu: chui vào lòng mẹ để sinh ra một lần nữa. Còn đối với chúng ta, tái sinh có nghĩa là thay đổi cái nhìn và con tim trở về…Nhiều người Do-thái thời Chúa Giêsu chưa đạt tới tình yêu đối với Chúa. Các tông đồ và một số môn đệ cũng chẳng hiểu gì hơn những người Do-thái ấy, nhưng tình yêu vô điều kiện cho phép họ tin tưởng vào Thầy mình.
Phần chúng ta, chẳng nên tranh luận quá làm gì. Điều quan trọng là hãy nhiệt tình tham dự bí tích Thánh Thể. Cũng như thân xác chúng ta cần các chất sinh tố (vi-ta-min), thì chúng ta cũng đừng để tâm hồn chúng ta thiếu sinh tố: sinh tố của bí tích hòa giải và sinh tố của bí tích Thánh Thể , đó là rước lễ. Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta và dành cho chúng ta kho tàng sự sống vĩnh cửu. Người hứa sự sống vĩnh cửu cho tất cả những ai nuôi sống mình bằng Thịt Máu Người. Người là bánh hằng sống. Người ban cho chúng ta sự sống, sự sống vĩnh cửu.
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa cho con người không phải chết. Nhưng tội lỗi đã làm cho con người phải chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Tình Yêu và vì thế Người đã sai Con Một của Người là Chúa Giêsu đã đến trần gian để cứu chuộc chúng ta và làm cho chúng ta lại được sống vĩnh cửu.
Tất cả những ai ở gần bên nhau, thì dần dần sẽ trở nên giống nhau hơn. Tục ngữ có câu: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, hoặc “cha nào con nấy”. Thánh Augustino còn nói: "Hãy trở nên điều mà anh em đã lãnh nhận”.
Chúng ta đã lãnh nhận và được nuôi bằng Thịt Máu Chúa Giêsu, thì dần dần chúng ta cũng trở nên giống Người. Trẻ em càng tiếp xức với nghệ thuật, chúng càng trở nên tinh tế hơn…Chúng ta cũng vậy, càng lắng nghe lời Chúa, chúng ta càng nuôi sống bằng Thịt Máu Chúa Kito, và ý nghĩa về đời sống thiêng thiêng chúng ta càng trở nên phong phú hơn.
Tất cả những sự việc mà ban đầu không thể hiểu được, nhưng đều có ý nghĩa, nếu chúng ta cầu nguyện và suy ngắm. Chúng ta nên bỏ lối suy nghĩ kiểu nhân loại. Hãy phó thác vào quyền năng Thiên Chúa trong những tình huống khó hiểu và không thể chấp nhận được theo bản tính kiêu ngạo của chúng ta. Nếu biết phó thác như vậy, thì tất cả những tình huống đó sẽ trở nên tốt cho chúng ta, vì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta vô bờ bến!
Lời Chúa không phải là để chúng ta tranh luận, nhưng là để chiêm ngắm, chia sẻ và cầu nguyện. Chúng ta hãy dành thời gian để thưởng thức Lời Chúa và giữ Lời Chúa trong con tim. Lời Chúa nói: “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống”. Thánh Thể là một bữa ăn để chúng ta hiệp thông với nhau.
Nếu thực sự chúng ta ăn Thịt và uống Máu Chúa, chúng ta đã nhập thể vào con người của Chúa Giê-su. Cuộc sống của Người, cuộc sống vĩnh cửu đang chảy vào các mạch máu của chúng ta. Người ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Người. Đối với ai ăn Thịt và uống máu Chúa Giê-su, thì bắt đầu đã có sự sống đời đời: “Ai ăn Thịt Tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời”.
Ăn uống Thịt Máu Chúa Gê-su là hiệp thông với Lễ Vượt qua của Người: qua đau khổ và cái chết để được sống muôn đời.
- Chúa hứa cho chúng ta hiệp thông vĩnh cửu vào đời sống của Người, không có nghĩa là Người làm cho chúng ta khỏi mọi khó khăn trong cuộc sống.
- Hiệp thông với Chúa Giê-su đó là kết hợp lễ hy sinh hằng ngày của chúng ta với lễ hy sinh của Chúa trên thập giá.
- Hiệp thông với Chúa Giê-su, đó là cùng vác với Người điều đang đè nặng chúng ta, và vượt qua điều làm cho chúng ta nên xấu.  Thay vì làm cho những vất vả trở nên gánh nặng chết chóc mà chúng ta muốn tống khứ, hãy kết hợp những vất vả đó với lễ hy sinh của Chúa Giê-su để dần dần chúng ta sẽ làm cho nó trở nên một con đường hiệp thông và bình an.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: “Tôi là Bánh Hằng Sống”. Sự khôn ngoan đời đời đến làm nhụt tất cả những kiểu lý luận của chúng con! Sự điên rồ của Thiên Chúa làm chúng con chưng hửng bối rối…Chúng con thờ lạy Chúa!
Lạy Chúa, chúng con không hiểu sự điên rồ của Chúa nơi bí tích Thánh Thể, Bí tích vượt quá khả năng con. Giờ đây chúng con chỉ có thể tạ ơn Chúa muôn ngàn đời vì Chúa đã ban sự sống đời đời cho chúng con. Chúa chỉ có thể cứu chuộc chúng con từ bên trong. Tất cả những cố gắng của chúng con chỉ là vô ích nếu Chúa không đi sâu vào thâm tâm chúng con, lôi chúng con ra khỏi bóng tối.
Thịt máu Chúa hòa quyện với thịt máu chúng con làm canh tân toàn bộ con người chúng con và ban cho chúng con sự sống đời đời. Chúc tụng, ngợi khen và vinh hiển Chúa muôn ngàn đời!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
=============================
Suy niệm 2
Hồng ân Thánh Thể
Ga 6, 51 - 58
Không gì quý bằng sự sống. Dù bị thiên tai càn quét hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng người nhà chưa phải chết thì vẫn còn may.
Được sống trên cõi đời là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Sách Giảng viên viết: "Thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết" (Giảng Viên 9,4). Thà làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Đúng là "Mạng sống quý hơn đống vàng."
Vì yêu thương con người vô hạn nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý nhất, đó là sự sống; và Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật (sự sống tự nhiên) mà còn thông ban cả Sự Sống thần linh của chính Thiên Chúa cho con người nữa.
Thông ban Sự Sống thần linh
Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của sự sống. Sự sống bắt nguồn từ Chúa Cha, rồi Chúa Cha thông ban Sự Sống của mình cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con) và Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su xác nhận Sự Sống của mình từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha” (Ga 6, 57).
Một khi nhận được Sự Sống từ Chúa Cha, Chúa Giê-su không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.
Bằng cách nào?
Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho.
Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giê-su.
Thế nên, Chúa Giê-su lập nên bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài thì được nên một với Ngài, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”
Những ai “ở lại trong Chúa Giê-su và có Chúa Giê-su ở lại trong người ấy”, thì kẻ ấy nên một với Chúa Giê-su và tất nhiên Sự Sống của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho người ấy.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài, không phải là sự sống sinh vật nay còn mai mất, mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ lụi tàn.
“Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).
Thế là thông qua việc tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giê-su khi rước lễ, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với Chúa Giê-su và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho họ. Họ sẽ được sống đời đời.
Biến đổi con người thành Chúa Giê-su 
Ngoài ra, khi tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giê-su trong Bí Tích thánh thể, chúng ta còn được biến đổi để nên một Giê-su khác. Thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả khẳng định:
“Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Ki-tô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy[1].”
Giáo huấn của Hội thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giê-su, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa: “Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Ki-tô, bạn nên một với Ngài, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Ki-tô, có Mình Máu Ngài thấm nhập khắp toàn thân. Nhờ vậy, theo lời thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa[2].”
Lạy Chúa Giê-su,
Hồng ân Thánh Thể Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết nên tỏ ra hững hờ.
Xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

============================= Suy niệm 3 Bánh Thánh Thể
Bài đọc 1 trích sách Châm Ngôn: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế”. Theo lời sách Châm Ngôn, bánh và rượu đây là Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan được “thiên cách hóa” như chính Thiên Chúa: “đừng ngây thơ dại ngờ nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết”.
Tin Mừng thánh Gioan chương 6 cho thấy Chúa Giêsu Kitô chính là Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, là Bánh Hằng Sống: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
Trang Tin Mừng hôm nay là đỉnh cao của mạc khải Đức Khôn Ngoan Nhập Thể trở thành Bánh Thánh Thể.
Chúa Giêsu khẳng định: “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Người Do thái phản ứng và tranh luận sôi nổi: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.
Chúa Giêsu giải thích và khẳng định thêm: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”.
Chúa Giêsu cho biết hiệu năng khi “ăn thịt và uống máu” là được kết hiệp mật thiết với Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”.
Chúa Giêsu nhắc lại hiệu lực của manna cũ để so sánh với hiệu năng của Manna mới: “Tổ tiên các ngươi đã ăn mana và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
Những lời Chúa Giêsu giảng dạy mạc khải rõ ràng về Bí Tích Thánh Thể.
Bí Tích Thánh Thể được Chúa tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum.
Bí Tích Thánh Thể được Chúa thiết lập trong Tiệc Ly: “Đang khi ngồi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán:Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con.Cùng một thể thức ấy, Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:Tất cả hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. (Mt 26,26-29).
Bí Tích Thánh Thể được Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Và họ đã nhận ra Người đã Phục sinh” (Lc 24,13-35).
Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.
Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.
Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.
Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô. Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.
Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một tấm bánh là thân mình Đức Kitô (1 Co10,17). Như thế bàn tiệc Thánh Thể là nguồn mạch của yêu thương, cảm thông và hiệp nhất.
Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy "khoảng cách" giữa linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên "công hiệu", làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay "biến thể". Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục Truyền Phép:
  • "Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể II).
  • "Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể III).
  • "Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18, 20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: "Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống..." (Mt 25, 35- 36). Trái lại nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc Lời Truyền Phép. (x.simonhoadalat.com, Tặng phẩm Thần Linh, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).
Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một...” (Ga 3, 16) và Con Một là Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.
Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.
Trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, thánh Phaolô trong bài đọc 2 khuyên các tín hữu: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha”, đồng thời: “Hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời gian hiện tại…hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa…hãy thấm nhuần Thần Khí”. Ý Thiên Chúa muốn chúng ta sống yêu thương như Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương.
Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.

 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

=============================
Suy niệm 4
Hãy lo tìm kiếm Đức Khôn Ngoan
(Ga 6, 51 – 59)
Hôm nay, tiếp tục diễn từ về bánh hằng sống, Chúa Giêsu kêu gọi những người Do thái và cả chúng ta nữa, hãy đến mà ăn cho no uống cho thoả. Nếu chúng ta khao khát sự sống trường sinh, thì đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người, bởi chính Người: "Là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51).
Lời Chúa trong sách Châm Ngôn giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của lời Chúa Giêsu phán ở trên: " Sự khôn ngoan đã xây nhà mình… Pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: Hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi" (Cn 9, 1-5).
Nhưng Đức Khôn Ngoan ở đây là ai vậy ?
Theo thánh Irênê, vị giáo phụ thời danh của Giáo hội thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không phải ai khác ngoài chính Ngôi Vị Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đúng như sách Khôn Ngoan mô tả : Người tìm thấy niềm vui giữa loài người ... "Người đã làm người giữa muôn người... Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người " (Kinh Tin Kính của Thánh Irênê).
Con người có được sự sống là nhờ Đức Khôn Ngoan nhập thể làm người thông ban sự sống ấy cho, và sở dĩ con người được hiệp thông với Thiên Chúa là nhờ Đức Khôn Ngoan ở giữa loài người, là chiếc cầu nối kết giữa con người với Thiên Chúa. Những lời cuối trong diễn từ về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng (Ga 6, 51-58) hôm nay là bằng chứng.
Theo tác giả sách Châm Ngôn thì chính Đức Khôn Ngoan ban tặng đồ ăn thức uống cho những kẻ ngây thơ, tín thành và ban tặng sự sống cho kẻ bỏ đi sự ngây dại và bước đi theo đường lối khôn ngoan (x. Cn 9, 6). Theo thánh Gioan, Chúa Giêsu chính là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa từ trời nhập thể, đích thân mời gọi chúng ta ăn Người, để có sự sống trong chúng ta: "Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi" (Ga 6, 53). Bắt đầu đặt bút viết Tin Mừng, Gioan đã viết: " Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời" (Ga 1,1). Thiên Chúa đã dùng chính Ngôi Lời mà tạo thành vũ trụ, nay lại sai Ngôi Lời xuống thế để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Tin và đón nhận Chúa Giêsu là tin và đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Tự chúng ta không thể có sự sống đời đời được, phải cậy nhờ vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Vì thế, kết hợp cả hai dòng tư tưởng, một của thánh Gioan và một của sách Khôn Ngoan, chúng ta thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu để được sống đời đời: "Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời" (Ga 6, 54) và hơn thế nữa còn được Người đến cắm lều ngay nơi lòng kẻ ấy : "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy" (Ga 6, 56).
Vậy, hãy nghe và thực hành lời khuyên của thánh Phaolô mà thận trọng trong cách ăn nết ở : " Đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan" (Eph 5, 15). Ai bước theo đường lối khôn ngoan, và cư ngụ trong nhà Đức Khôn Ngoan đã xây dựng, ngồi tại bàn của của Đức Khôn Ngoan thì sẽ được ăn thoả thích những đồ ăn mỹ vị và uống rượu ngon do Đức Khôn Ngoan dọn sẵn cho.
Chính do sự khôn ngoan của Thiên Chúa, con cái Israel mới có Manna từ trời rơi xuống làm lương thực để ăn dòng dã suốt 40 năm trường (x. Xh 16, 1- 36 ) ;  Và nhờ lòng từ bi mà Chúa sai Thiên Thần mang bánh đến cho Êlia ăn, nhờ "sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa" (1V 19, 8) ; Hay do chạnh lòng thương, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho "ai muốn bao nhiêu tuỳ thích" (Ga 6, 11)
Cho dù là Manna từ trời xuống, hay bánh Thiên Thần mang đến nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm là 40 năm đi nữa, thì những thứ bánh đó cũng chỉ là thứ lương thực rất tạm bợ, kẻ nào ăn những thứ bánh ấy vẫn đói, vẫn khát và vẫn phải chết, nghĩa là không có sự sống nơi mình.
Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định, Người là bánh bởi trời xuống, Người đến làm no thỏa cái đói, cái khát, nhất là cái ước vọng lớn nhất của con người mọi nơi mọi thời là sự sống đời đời.
Nếu như trong sa mạc, Manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, lương thực cứu đói tạm thời, nay Mình Máu Thánh Chúa là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức, đủ nghị lực vượt qua trần thế về tới quê trời hưởng phúc vinh quang. Chẳng có gì chân thật và an ủi hơn cho những linh hồn khát khao nên thánh, nên trọn lành hãy nhớ lời sách Châm Ngôn dạy : "Hỡi những người ngây thơ hãy lại đây… hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế" (Cn  9, 5).
Lạy Chúa, xin phái Đức Khôn Ngoan của Ngài tới đồng lao cộng khổ với chúng con, dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan, ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
=============================
Suy niệm 5
Lương Thực Nuôi Linh Hồn
Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6, 51-58
Từ nhỏ tới giờ tôi vẫn được ở sát vách nhà thờ. Đang ngày ngày được đến với “địa chỉ đỏ” nơi nhà chầu, cuộc đời chan chứa niềm vui hạnh phúc. Nhưng khi có một lý do đặc biệt, nên phải chuyển chỗ ở 6 tháng, thành ra tôi phải xa “điểm hẹn” đặc biệt thân thương này, cả tuần mới đến một hai lần khi có Thánh lễ, nghe lòng cứ thấy thiếu thốn đói khát, trống vắng, buồn tênh… Càng xa cách, tôi càng cảm thấu giá trị của thần lương vô cùng cao quý này.
Trong Tin Mừng hôm nay, Người Do Thái nghe Đức Giêsu nói Ngài sẽ lấy bánh là thịt mình để nuôi người thế được sống, họ nghĩ thứ bánh đó như manna tổ tiên đã ăn no nê ngày xưa nhưng vẫn chết, nên bất đồng sôi nổi tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Dưới cái nhìn thực tại trần thế, làm sao họ có thể tin và chấp nhận một “ông Giêsu” có thể xẻ thịt cho người ta ăn? Nhưng Đức Giêsu quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.  Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” Dù Ngài khẳng định với bốn chữ “thật”, nhưng lúc ấy họ không chấp nhận, vì chưa tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Đường lối Ngài vượt xa tư tưởng nghĩ suy của loài người. “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9). Đức Giêsu đã long trọng lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly. Với cặp mắt đức tin của người Kitô, Mình Máu Ngài thực sự trở thành của ăn của uống dưỡng nuôi linh hồn các tín hữu. Khi ăn Thịt và uống Máu Ngài, “ở lại trong Ngài”, họ được biến đổi, “thay mới tế bào” từ trong ra ngoài, được lớn lên trong đời sống đức tin, được tăng sức trên đường lữ hành trần thế, cuộc đời mãi nở hoa từ nơi  “khách sạn bậc nhất” này.
Trong Thánh Thể ta được Chúa biến đổi và thực hiện  những điều kỳ diệu lạ lùng trong con người hèn mọn.
Chúa ơi! Thịt và Máu Chúa thật là của ăn của uống nuôi sống con từng ngày, của ăn mà càng ăn con càng đói, càng uống con lại càng khao khát hơn. Dẫu con đây muôn ngàn bất xứng, nhưng vì Tình Yêu, Chúa còn khao khát con hơn ngàn lần con khao khát đón nhận. Xin cho con luôn luôn đáp tình Chúa mời gọi, để con đến, ở lại với Chúa, trong Chúa, mà tận hưởng no say nguồn sống từ thần lương cao quý này, để nhờ Mình Máu Chúa bổ dưỡng, con được sống hạnh phúc sung mãn hôm nay và mai sau được sống muôn đời.
Én Nhỏ
   
 
 

[1] Trích bài giảng của thánh Lê-ô cả giáo hoàng, trong bài đọc kinh sách ngày thứ tư, tuần 2 phục sinh.
 
[2] Trích bài giáo huấn cho các tân tòng tại Giê-ru-sa-lem trong bài đọc kinh sách ngày thứ bảy, tuần bát nhật phục sinh.
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log