Thứ sáu, 10/01/2025

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 15 Thường Niên B

Cập nhật lúc 17:07 12/07/2018
Suy niệm 1
"Người bắt đầu sai các ông đi"
-----------------------------------
- Truyền giáo không phải là để tuyên truyền cho một đảng phái chính trị, một chủ thuyết hay một cá nhân nào.
- Truyền giáo là công việc, là sáng kiến của Ba Ngôi Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô trực tiếp thực hiện.
- Truyền giáo không phải là công việc một sớm một chiều có thể chu toàn được. 
- Truyền giáo là cuộc hành trình dài mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta phải thi hành qua mọi thời đại.
Như thế, truyền giáo không phải là một công việc dễ dàng thuần tuý nhân loại. Vì vậy, truyền giáo phải được thực hiện theo ý Thiên Chúa thì mới có thể đạt tới kết quả. Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những hành trang mà chúng ta mang trên cuộc hành trình truyền giáo.
1- Chúa Giêsu sai các tông đồ đi "từng hai người một"
Đi từng hai người một là kinh nghiệm quen thuộc của Chúa Giêsu khi sai các tông đồ đi thực hiện nhiệm vụ. Tin Mừng thánh Marco thuật lại cho chúng ta vài lần Chúa Giêsu cũng sai hai người đi như thế.
- Lần Chúa chuẩn bị vào thành Giêrusalem: "Khi Chúa Giêsu và các môn đệ chuẩn bị đến gần thành Giêrusalem, gần làng Bethphagiê và Betania, bên triền núi cây dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo: Các anh hãy vào làng trước mặt kia, các anh sẽ thấy một con lừa đang cột sẵn ở đó..."
- Lần khác, khi chuẩn bị mừng lễ Vượt qua, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và dặn họ: "Các anh hãy đi vào thành, và sẽ có người mang vò nước đón gặp các anh".
Hai người một cũng là thói quen của người Do thái. Khi một việc được xác nhận là đúng sự thật, thì ít nhất phải có hai người làm chứng. Công việc truyền giáo mà Chúa Giêsu đã thực hiện và trao cho Giáo Hội cũng đòi hỏi phải có nhân chứng cụ thể. Chúa Giêsu làm chứng cho Chúa Cha và Chúa Cha đã làm chứng cho Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu chết và sống lại, các tông đồ cũng tiếp nối thói quen này: Phêrô và Gioan cùng nhau giảng đạo tại Giêrusalem. Phaolô và Barnabê ở với nhau một thời gian dài truyền giáo ở Syria và Tiểu Á. Về sau, khi chia tay Barnabê, Phaolo tiếp tục truyền giáo với  Silas.
Sai đi từng hai người một cũng là để thiết lập những cộng đoàn nhỏ. Hai người được sai đi là những chứng nhân, và chứng nhân càng nhiều thì công việc truyền giáo càng giá trị. Một cộng đoàn bao giờ cũng có lợi hơn là một cá nhân đơn độc. Trong cộng đoàn mọi người nhắc nhở nhau, nâng đỡ nhau và sống trung thành với luật Chúa, nhất là trong việc làm chứng Tình thương của Chúa trong cộng đoàn.
Chúa đòi hỏi các tông đồ nhất thiết phải trở nên mẫu mực về lòng Bác ái huynh đệ. Dân chúng thời các tông đồ đã nhận ra dấu chứng này nơi cộng đoàn kitô đầu tiên: "Coi kìa, họ yêu thương nhau biết bao"! Và đó cũng là định hướng của chính Chúa Giêsu: "Người ta cứ dấu này  mà nhận biết anh em là môn đệ của thầy, là thấy các con yêu thương nhau". Cuộc sống yêu thương trong cộng đoàn vừa là dấu chỉ của người môn đệ Chúa, vừa là lời rao giảng hùng hồn và sống động nhất về Tin Mừng của Chúa.
2- Hành trang phải mang theo đi trên bước đường truyền giáo còn là những gì khác nữa?
Là những thứ cần thiết tối thiểu: "Người truyền cho các ông khi đi đường, đừng mang gì ngoài cái gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép và đừng mặc hai áo". Hành trang lên đường truyền giáo là thế! Khi nghe mệnh lệnh này chắc chắn các tông đồ nhớ lại cuộc ra đi của cha ông họ xuất khỏi Ai Cập. Cuộc ra đi trong đêm tối không gì mang theo, ngoài cái gậy. Cái gậy là lòng phó thác tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Chúa Giêsu cũng vậy, ba năm hành trình truyền giáo cũng là cuộc Vượt Qua của Người. Người cũng chẳng có gì đem theo: "Con cáo có hang, con chim có tổ, còn Con Người không có chỗ dựa đầu". Cuối cùng, Người chết trơ trụi trên thập giá, không những không bị không bánh, không tiền không bạc mà còn cả không quần không áo.
Cái gậy mà Người mang theo là cây thập giá, một sự phó thác hoàn toàn nơi Cha: "Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha". Cây gậy thập giá ấy, chính là tình yêu vô bờ bến cho Cha và cho toàn thể nhân loại chúng ta. Đây chính là bằng chứng hùng hồn nhất.
3- Vậy tông đồ Chúa và Giáo hội chúng ta hôm nay, một khi đã có hành trang truyền giáo như thế và lúc nào cũng đi truyền giáo từng hai người một thì đâu phải sợ những cơn bách hại: "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác nhưng không thể giết được linh hồn". Một mục sư tin lành khi giảng đạo ở những nơi khó khăn cấm cách, đã nói: "Người ta có thể cầm tù nhà truyền giáo, nhưng không có thể cầm tù được Lời Chúa". Có thể nói được rằng bất cứ thời đại nào, bị bách hại luôn luôn là số phận của những người truyền giáo và của Giáo Hội.
Người ta có thể đặt câu hỏi:
- Tại sao cơn bách hại lại không có thể tránh được?
- Tại sao "không tiên tri nào lại không bị khinh bỉ nơi quê hương mình"?
- Nếu việc loan báo Tin Mừng hệ tại công bố tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa, thì tại sao lại gặp đầy dẫy những chống đối? 
Điều này dễ hiểu, vì nhiều người vẫn còn con tim chai đá, nhiều tư tưởng phản nghịch Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã phải chịu đóng đinh và nhiều người đã phải chết theo Ngài.
Muốn trở thành nhà truyền giáo có hành trang như Chúa đã dạy trong bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta trước hết phải biến đổi con tim chai đá thành con tim thịt, biết đón nhận Tin Mừng có nghĩa là biết cảm nghiệm tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

=======================
Suy niệm 2
Cộng tác với Chúa Giêsu để loan báo Tin mừng
Mc 6, 7 - 13
Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sống thân phận người phàm ở giữa nhân loại. Ngài đã dành 30 năm đầu đời, sống ẩn dật tại Na-da-rét và chỉ dành non 3 năm sau đó để đi rao giảng Tin Mừng và đặt nền móng thiết lập Hội Thánh. Đến năm 33 tuổi, Ngài chịu khổ nạn và phục sinh, chấm dứt cuộc sống hữu hình trên dương thế.
Tại sao Chúa Giêsu lìa bỏ trần gian sớm đến thế?
Ngài rao giảng thì hẳn là phải thuyết phục và lôi cuốn hơn các môn đệ kém cỏi của mình. Ngài trực tiếp đến với muôn dân để chăm sóc, phục vụ cũng như chữa lành các bệnh tật cho họ thì sẽ có tác dụng lớn lao hơn. Giả như Ngài sống trên mặt đất này lâu hơn, trực tiếp đi đến nhiều nơi trên thế giới, tiếp cận với nhiều dân tộc hơn, ban bố nhiều phúc lành cho mọi người… cho đến sáu, bảy mươi tuổi mới bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh, thì ảnh hưởng của Ngài sẽ rộng lớn biết bao! Thành quả đạt được sẽ lớn lao biết chừng nào!
Vậy mà Chúa Giêsu không làm như ta tưởng. Ngài không gom hết mọi việc về mình. Ngài kêu mời các môn đệ và chúng ta cộng tác với Ngài.
Trước hết, như bài Tin mừng hôm nay cho thấy, Ngài sai Nhóm Mười Hai môn đệ ra đi rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ, kêu gọi người ta ăn năn sám hối (Mc 6,12-13).
Sau này, Ngài còn sai Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ lên đường tiếp nối sứ mạng của Ngài (Lc 10, 1-12).
Hôm nay, Chúa Giêsu trao sứ mạng rao giảng (ngôn sứ) cho tất cả những ai đã được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, tức là những người được trở thành chi thể của Ngài.
Thế là Chúa Giêsu chỉ trực tiếp rao giảng trong vòng ba năm thôi, rồi chuyển giao sứ mạng rất hệ trọng của mình cho con cái Ngài khắp nơi trên thế giới, bởi vì công cuộc rao giảng Tin mừng không phải là việc riêng của Đầu (là Chúa Giêsu) mà là việc của toàn thân mình Ngài là Hội thánh. Ai thuộc về thân mình Ngài đều có trách nhiệm tham gia sứ mạng của Chúa Giêsu.
Chúng ta là chi thể của Chúa Giêsu
Từ ngày lãnh Bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tháp nhập vào Thân Mình Chúa Giêsu như cành liền cây, như bàn tay nối liền cơ thể và từ đó, chúng ta được thông dự vào sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương đế của Ngài.
Từ đó, Chúa Giêsu muốn rao giảng qua chúng ta là môi miệng của Ngài; Chúa Giêsu muốn chăm sóc bệnh nhân và người đau khổ qua chúng ta là đôi tay của Ngài; Chúa Giêsu muốn tỏ lòng thương xót nhân loại qua chúng ta là trái tim của Ngài…
Thế nên, chúng ta phải cộng tác với Chúa Giêsu và để Ngài sử dụng chúng ta như chi thể của Ngài mà tiếp nối sứ mạng loan Tin mừng và đem ơn cứu độ cho thế giới.
Chúng ta không thể viện cớ mình nghèo nàn, ít học, yếu đuối… để từ khước sứ mạng Chúa giao, vì mười hai môn đệ đầu tiên được Chúa sai đi cũng không có nhiều khả năng, nhiều điều kiện hơn chúng ta hôm nay. Các vị lên đường theo lệnh Chúa Giêsu và dù không mang lương thực, không tiền bạc, không bao bị, không cả chiếc áo thứ hai mà vẫn đạt được thành quả tốt đẹp khác thường. Chúng ta cũng có thể đạt được hiệu quả như thế nếu chúng ta hiến mình cho Chúa Giêsu sử dụng.
Đừng trở nên bàn tay tê bại
Nhân loại hôm nay đông đảo gấp hàng triệu lần so với thời các môn đệ đầu tiên nên nhu cầu loan báo Tin mừng lúc này càng cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết. Hôm nay Chúa Giêsu vẫn liên lỉ kêu mời mỗi người chúng ta tham gia sứ vụ loan Tin mừng như các môn đệ xưa.
Là chi thể của Chúa Giêsu, chúng ta không thể từ chối tham gia vào công việc cứu độ của Ngài.
Một chi thể không tham gia vào các hoạt động của thân mình là một chi thể tê bại.
Một chi thể tê bại chẳng những không mang lợi ích gì cho thân mình mà còn trở nên chướng ngại cho hoạt động của toàn thân.
Chắc chắn không ai trong chúng ta muốn làm một chi thể tê bại trong Thân Mình Chúa.
Vậy thì hãy sẵn sàng hiến thân làm khí cụ cho Chúa Kitô.
Khi chúng ta hiến đời mình để Chúa Giêsu sử dụng như bàn tay của Ngài, chắc chắn nhiều điều kỳ diệu sẽ được Ngài thực hiện qua con người mỏng giòn yếu đuối của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu,
Dù con bất xứng, ươn hèn và yếu đuối, nhưng con đã là chi thể của Chúa rồi, xin hãy sử dụng con như đôi tay của Chúa để đem lại ơn cứu độ cho những người chung quanh con.

 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

==========================
Suy niệm 3
Đẹp thay sứ mạng Chúa sai đi
(Mc 6, 7 - 13)
Tiên tri là người được Thiên Chúa soi sáng và sai đến nói cho người ta nhân danh Thiên Chúa, truyền đạt các mệnh lệnh của Ngài, có thể là lời cảnh cáo hay lời hứa cho dân.
Không ít lần Thánh Kinh đã nhắc đến cảnh dân Do thái bị lưu đày, sầu khổ, và các ngôn sứ được phái tới để loan báo cho dân một niềm hy vọng hay niềm vui cứu thoát. Tiên tri Êgiêkien, Isaiah, Giêrêmia đã loan báo về lòng thương xót cảm thông của Thiên Chúa đối với nỗi khổ của dân, và Chúa ra tay cứu thoát.
Thế nhưng không ít lần các tiên tri cũng vạch trần nỗi thống khổ của dân là do họ đã bỏ Thiên Chúa. Các ngài can đảm lên tiếng phê phán, cảnh cáo lối sống sai lạc, và báo trước một hình phạt sẽ sảy đến hoặc sẽ kéo dài nếu người ta không đổi mới cuộc đời. Tiên tri Amos là một bằng chứng.
Ơn gọi của Amos
Tên Amos có nghĩa là “gánh nặng” hay “người gánh vác nặng nhọc”. Ông quê làng Tekoa, một xóm nhỏ phía Nam Giêrusalem, nay đã hoang phế và không còn lưu lại một dấu vết nào, làng này cách Bethlehem chừng vài dặm. Chính ông cho biết ông sống bằng nghề chăn súc vật, trồng cây sung. “Lời của Amos. Ông là một trong những  người chăn cừu tại Tơcôa …” (Amos 1,1). Lời Amos trả lời ông Amátgia: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung(Amos 7,14). Mặc dù ông đang chăn cừu, nhưng Chúa đã túm lấy ông, Chúa lôi ông đi và bắt ông làm tiên tri, với sứ mệnh nặng nhọc đúng với tên của ông.
Ông đâu muốn làm ngôn sứ vì ông an phận với cương vị một nông dân. Ông bị bắt làm ngôn sứ: “Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta” (Am 7, 15). Amos thổ lộ biết: ông không muốn được người ta xưng tụng là ngôn sứ, mà chỉ là một nông dân thi hành những gì Thiên Chúa truyền dạy ông phải làm, là “đi tuyên sấm cho Israel dân Chúa”. Amos được Chúa chọn gọi làm ngôn sứ vào thời vua Uzziah coi sóc vuơng quốc Giuda ở miền Nam, tức vào  khoảng năm 791 đến 740 trước TC. Lúc đó Giêrôbôam làm vua vương quốc Israel miền Bắc ( năm 793 đến năm 753 trước Chúa Giêsu giáng sinh. Thời điểm Amos lên tiếng nói: “Ông đã thấy thị kiến liên quan đến Ítraen, dưới thời Uzziah làm vua nước Giuđa, và Giêrôbôam con vua Giôsias làm vua nước Ítraen, hai năm trước trận động đất” ( Amos 1,1).
Chúng ta biết những ngôn sứ chân chính, ngôn sứ thật bao giờ cũng bị ghen ghét. Thời Amos, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng khó chịu và không muốn thấy Amos hiện diện tại miền đất của họ nữa.  Đứng trước nền đạo đức xuống cấp và nền luân lý suy đồi, ngôn sứ Amos tố cáo mọi cấp bậc trong dân Chúa đồng thời cảnh báo họ sẽ bị phạt nếu không thay đổi đời sống. Amos đã làm tốt các công việc Chúa muốn: ông không tự mình nói gì và làm gì ngoài lệnh của Thiên Chúa.
Đẹp thay sứ mạng Tông Đồ
Tin Mừng Marcô thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu sai mười hai Tông Đồ cứ từng hai đến hai một đi loan báo Tin Mừng. Tin Mừng ấy là Thiên Chúa Cha đã yêu thương loài người bằng tình yêu vô hạn, Ngài ban tặng sự sống cho chúng ta để chúng ta sống và hạnh phúc luôn mãi. Tin Mừng này dành cho tất cả mọi người, không một ai ở ngoài lời mời gọi cứu chuộc của Thiên Chúa, và cũng không một ai bị loại trừ khỏi Tình yêu của Chúa. Tin Mừng này phải được loan đi đến tận cùng thế giới. Chúng ta phải công bố niềm vui và ơn cứu rỗi phổ quát của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã tái tạo con người, đã chết và sống lại để cho con người được sống.
Những người được sai đi, Chúa trao cho “quyền trên các thân ô uế” (Mc 6, 7) và một hành trang “hầu như không có gì”. Người còn ra lệnh cho họ “đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo” (Mc 6,8) để cho họ thấy rằng, hiệu quả của việc rao giảng Tin Mừng sẽ không đến từ sự ảnh hưởng của con người hay vật chất, mà là từ quyền năng của Thiên Chúa, như lời Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: " Thiên Chúa được truyền cảm hứng trong lòng người ta do ân sủng của Chúa Thánh Thần".
Niềm vui tông đồ
Vào buổi bình minh của thế kỷ XXI, Tin Mừng còn chưa đến mọi nơi, rất cần đến lòng nhiệt thành truyền giáo.
Chúng ta đã nhận được Tin Mừng, chúng ta có biết giá trị thực sự của Tin Mừng không? Chúng ta có ý thức về điều đó không ? Chúng ta có biết ơn không? Chúng ta hãy xem xét chính mình, người đã lãnh nhận Phép rửa tội, chúng ta co loan báo Tin Mừng bằng gương mẫu của chúng ta chưa?
Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 27. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Mọi canh tân trong Hội Thánh phải có truyền giáo như mục đích, để không rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh quy về mình. Quan trọng hơn, đây là dịp tốt nhất để khơi dậy ơn ban và huyền nhiệm ơn gọi Truyền giáo Ngôi Lời”.
Chúng ta hãy khám phá ra vẻ đẹp đích thực của sứ giả loan báo Tin Mừng qua những nét đặc trưng liên quan đến Nguồn gốc ơn gọi, nội dung rao giảng, mục đích hướng tới và cả Thách đố.
Không ai tự mình trở thành sứ giả Tin Mừng do địa vị, tài năng, công trạng… Chính là “do lòng thương xót và được tuyển chọn” (Thánh Bêđa Khả kính), được Chúa thương tha thứ và đưa vào sứ vụ của Người (Missio Dei).
Sứ giả loan báo Lời từ Thiên Chúa, Hồng ân và Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng không phải là một loại thông tin. Tin Mừng là một sứ điệp có bản chất hoàn toàn khác biệt. Tin Mừng chiếu tỏa vẻ đẹp vô tân của lòng thương xót Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng không phải là sản phẩm do con người suy tư hay làm ra (Gl 1,11). Tin Mừng đã được Đức Giêsu Kitô mạc khải, được tỏ bày do tình bằng hữu, nên chỉ có thể lãnh nhận và loan báo trung thành.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=========================
Suy niệm 4
Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta
(Mc 6, 7 - 13)
"Hãy đi". Chúa phán cùng Amos : "Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta" (Am 7, 15) ; "Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi" (Mc 6, 7). Chúa gọi Amos, Chúa sai các tông đồ, Chúa cũng gọi mỗi người chúng ta. Hết thảy mọi tín hữu, ngoài ơn gọi làm con cái Chúa, còn có ơn gọi làm ngôn sứ, và rao giảng Tin Mừng nữa.
Chúa chọn Amos và sai đi    
Amos là người được Thiên Chúa chọn gọi và sai đi, khi ông chăn bò, Chúa túm lấy ông, Chúa lôi ông đi. Dù không được đón tiếp, ông vẫn mạnh mẽ rao giảng chống lại sự bất công, nhất là tố cáo nhà vua và các kỳ mục đã xúc phạm đến Thiên Chúa khiến cho hành vi phụng tự của họ trở nên vô ích. Vì thế Amasia đuổi Amos khỏi vương quốc Israel : "Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc" (Am 7, 12-13). Nhưng Amos vẫn tiếp tục nhiệm vụ ngôn sứ của mình. Dẫu biết rằng, việc phụng sự Thiên Chúa nơi Đền thờ và trong cung thánh là việc dành riêng cho chi tộc Lêvi. Amos không chỉ trích điều Môisê thiết lập. Ông tự đặt mình vào vị trí chính xác: "Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải con của tiên tri. Tôi là một người chăn bò và chuyên đi hái lá xung" (Am 7,14). Thiên Chúa đã chọn ông từ nơi khác đến và trao cho ông sứ mạng này. Ông đến rao giảng điều Thiên Chúa phán chứ không rao giảng những gì con người muốn nghe. Đây chính sứ mạng của Giáo hội, Giáo hội không rao giảng điều các kẻ quyền thế muốn nghe. Tiêu chuẩn của các tông đồ là sự thật và công lý, cả khi chống lại sự đồng tình của con người và quyền bính trần gian. Cộng đoàn Giáo hội sơ khai cũng gặp những khó khăn tương tự như sự xuất hiện của thánh Phaolô, "hoán cải trong giây lát".
Amasia yêu cầu Amos rời khỏi vương quốc thuộc chi tộc phía Bắc đi đến đất Giuđa, vì ông không muốn nghe, Amos trả lời : "Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: "Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta" (Am 7, 15). Sứ mạng của Amos là phổ quát, Chúa sai đi nói tiên tri cho cả 12 chi tộc chứ không riêng một chi tộc nào.
Chúa Giêsu sai các môn đệ
"Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con" (Ga 20, 21).  Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo hội đi đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người, ngõ hầu con người được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.
Các tông đồ là những người bình thường được Chúa chọn, gọi và sai từng hai người đi, sau khi dạy các ông cầu nguyện, Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế là những thần có lần làm các ông bất lực ! Dù là ai đi chăng nữa, gặp sự gì vượt quá khả năng, cần có sự trợ giúp từ Trời Cao. Chúa Giêsu tin tưởng và dạy dỗ các ông để các ông mang Tin Mừng đến tận cùng thế giới.
Thế là sáng kiến của Chúa Giêsu được thể hiện, mười hai ông được sai đi. Tông Ðồ nghĩa là "được sai đi". Sự kiện Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ cộng tác trực tiếp vào sứ mệnh của Người, thể hiện khía cạnh yêu thương của Chúa. Chúa không chê sự trợ giúp của con người vào công trình của Chúa. Người biết rõ giới hạn cũng như yếu đuối của họ nhưng không khinh rể họ, trái lại còn ban cho họ phẩm giá là những người được Chúa sai đi.
Chúa sai họ đi kèm theo các chỉ thị. Thứ nhất là tinh thần không dính bén tới tiền bạc và các tiện nghi vật chất. Ra đi với hai bàn tay trắng để họ chỉ còn cậy dựa vào chính Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới hoán cải được lòng người. Người cũng báo cho họ biết không phải nơi nào họ cũng được tiếp đón, đôi khi bị khước từ và cũng có thể bị bách hại. Nhưng họ phải luôn luôn nói nhân danh Chúa Giêsu và rao giảng Nước Thiên Chúa mà không lo chuyện thành công.
Cử chỉ rũ bụi chân diễn tả sự không dính bén luân lý và vật chất, như để nói rằng chúng tôi đã loan báo nhưng các bạn đã từ chối, và chúng tôi không muốn gì cho các bạn cả. Sau hết, cùng với việc rao giảng là chữa lành bệnh tật theo gương Chúa Giêsu để biểu lộ lòng lành của Người với các cử chỉ bác ái, phục vụ và sự tận hiến.
Chúa tiếp tục sai chúng ta
"Hãy đi !" Mệnh lệnh Chúa truyền cho Amos vẫn còn rất thời sự với chúng ta. Nếu như tiên tri Amos lúc ấy thoái thác, thì ngày hôm nay một tâm thức khá phổ biến cổ võ cho thái độ muốn rút lui trước những khó khăn vẫn tồn tại. Ðiều kiện đầu tiên để "ra đi" là vun trồng một tinh thần cầu nguyện sâu xa, được nuôi dưỡng hằng ngày bởi việc lắng nghe Lời Chúa.
Ở thời chúng ta, vẫn có những người nam nữ được Thiên Chúa chọn, túm lấy, khi họ đang đối mặt với những lo lắng hằng ngày. Họ đang ở trong giáo xứ, chủng viện, tu viện, hay trên cánh đồng truyền giáo. Khuôn mẫu của họ là Đức Kitô, Đấng đầu tiên chấp nhận con đường thánh ý Chúa Cha vạch ra và cam kết trung thành với sứ mạng cho đến chết và Phục sinh.
Chúng ta không dựa vào sức con người hay tìm kiếm thành công, mà phải dựa vào chính Thiên Chúa. Vì là tạo vật của Thiên Chúa, nhận lãnh mọi sự từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể làm những gì chúng ta muốn. Chúng ta có nghĩa vụ phải làm những gì Thiên Chúa muốn. Vì tất cả là hồng ân mời gọi ta thưa: "Lạy Chúa, con đây". Đừng bao giờ phản đối hay từ chối lời mời gọi của Chúa, "Chính Chúa đã chọn tôi".
Thiên Chúa "đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài" (Ep 1, 4). Đây là kế hoạch tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ trợ giúp chúng con quảng đại đáp trả lại lời mời gọi của Chúa để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa bằng lời nói và trước hết bằng cuộc sống hằng ngày của chúng con. Amen.
   
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
========================
Suy niệm 5
CĂN TÍNH VÀ TINH THẦN CỦA NGƯỜI THỪA SAI
Am. 7, 12-15; Ep. 1, 3-14; Mc. 6, 7-13
Ngày nay, trên thế giới, người ta đang rất quan tâm và thán phục Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trân trọng không hẳn vì ngài khôn ngoan cho bằng nhân đức của ngài vượt trội. Một trong những đức tính tuyệt vời mà nhiều người nhận ra, đó là đức tính khiêm nhường, can đảm và nghèo khó. Vì thế, ngài đơn sơ, giản dị, dễ gần, luôn cảm thông cho người tội lỗi, nâng đỡ những người bất an, bảo vệ những người bị áp bức, và nhất là luôn thương cảm với người nghèo.
Ngài thực là người mục tử mẫu mực, luôn “cảm thấu” và “ngửi” thấy mùi chiên.
Hôm nay, phụng vụ Lời Chúa cũng làm toát lên những đặc tính cần phải có nơi người môn đệ.
1. Ý nghĩa Lời Chúa
Bài đọc I, trích sách Amos, thuật lại việc ngôn sứ Amos  bị mời đi nơi khác hoạt động, vì nơi đó, người ta không muốn ngài hiện diện. Tuy nhiên, vị ngôn sứ này rất chân thành, đơn sơ, nghèo khó và can đảm xác tín mạnh mẽ về ơn gọi của mình đến từ Chúa và sứ mạng ông đang thực thi cũng là do chính Chúa chỉ định. Khi xác tín như thế, ông đã trung thành và quả cảm ở lại ngay tại nơi “nước sôi lửa bỏng” để loan báo sứ điệp mà Thiên Cháu muốn ông thi hành.
Với bài đọc II, thánh Phaolô tuyên tín mạnh mẽ và gợi lại cho dân về ơn gọi của mỗi người cách nhiệm mầu trong tình thương của Thiên Chúa từ trước cả khi tạo dựng đất trời.
Điều cao quý nhất, đó là trong Đức Giêsu, mỗi người được trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa và được cứu chuộc nhờ máu của Con của Người đã đổ ra trên thập giá để giải thoát khỏi tội lỗi và ban cho chúng ta sự sống thần linh.
Ân huệ này phải được chúng ta cảm nghiệm và loan truyền cho mọi người được thấy.
Cuối cùng, thánh sử Máccô thuật lại việc Chúa gọi và chọn mười hai Tông đồ, rồi nhắn nhủ các môn sinh của mình trước lúc lên đường những điều cốt lõi, trọng tâm.
Tin Mừng thuật lại: Đức Giêsu trao cho các ông quyền trên mọi thần ô uế, để các ông chữa lành và củng cố lời giảng của mình, hầu cho lời giảng có giá trị và thuyết phục, đồng thời để lời nói và hành động không bị mâu thuẫn.
Từ bài Tin Mừng, chúng ta có thể hiểu về lời căn dặn của Đức Giêsu trước khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng như sau:
Trước tiên là nhiệm vụ của người ra đi: người được sai đi là để loan báo Tin Mừng, kêu gọi thống hối chứ không phải là loan báo tin buồn, đồng thời sai đi để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền chứ không phải gieo rắc đau thương.
Thứ hai là tinh thần của người ra đi: người được sai đi sẽ gặp không ít khó khăn, nên cần phải tin tưởng, bám chặt lấy Thiên Chúa, trao phó mọi sự nơi Ngài. Ra đi trong tinh thần thanh thoát, không cần phải cồng kềnh và quá lo lắng cho ngày mai. Hãy là người tôi tớ phục vụ, bởi vì: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy". Và đừng quá lo lắng về vật chất, bởi vì: Không ai giàu đến độ không có gì cần phải nhận. Không ai nghèo đến mức không có cái gì để cho (Helder Camara).
Thứ ba là thái độ của người được sai đi: người môn đệ muốn được thành công thì phải mặc lấy thái độ của hạt lúa, tức là tự hủy ra không, phải nhân từ để “ngửi thấy mùi chiên” “mang mùi chiên nơi mình”, luôn quan tâm đến người khác hơn là nghĩ về mình. Không ngại khổ, ngại khó và cần phải hy sinh vì phần thưởng của người thừa sai trên trời thật lớn lao.
Thứ tư là lập trường của người ra đi: sống trong một xã hội đầy nhiễu nhương, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tư tưởng, nhận thức của con người. Quan điểm, lập trường của một số người mọi thời là không có Thiên Chúa, cũng chẳng có niềm tin…. Vì thế, họ không ngần ngại uốn nắn và tìm đủ mọi cách dưới nhiều hình thức tinh vi để gây nên những hoang mang, thất vọng. Bên cạnh đó là những trào lưu tục hóa, những văn hóa phẩm đồi trụy... nhằm gieo rắc những chân lý nửa vời và làm cho con người lấn sâu trong tội mà không biết! Và, cũng những con người đó, họ muốn loại bỏ người môn đệ của Chúa, vì thế, cái chết là kết cục cuối cùng của người thừa sai. Số phận của người môn đệ là: như chiên đi vào giữa bầy sói.
Tuy nhiên, lập trường của người môn đệ, trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ và không được phép đồng lõa, thỏa hiệp để chỉ vì mục đích “rẻ tiền” nhằm được yên thân. Lập trường của người môn đệ còn là hiện diện và sống những giá trị Tin Mừng cách thực tế chứ không chỉ lo củng cố bề ngoài cho thật “hoành tráng” theo thói đời, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Thứ năm là chiến lược của người môn đệ: được mời gọi hiện hữu giữa thế gian nhưng không bị thế gian điều khiển và đẩy đưa để dẫn đến cái gọi là: dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Phải khôn như rắn để xây dựng, bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội, và, phải hiền lành, đơn sơ như chim bồ cầu trong tinh thần huynh đệ.
Cuối cùng, lời chào của người ra đi: là lời chúc bình an của Chúa chứ không phải là những gợi ý, mong muốn để được nâng đỡ cách này hay cách khác mang tính phàm tục.
2.  Tin Mừng cho người nghèo
Từ những suy niệm trên, chúng ta thấy, Đức Giêsu rất quan tâm đến tinh thần của người môn đệ. Một trong những điều mà Ngài quan tâm hơn cả, đó là tinh thần nghèo khó của người được sai đi. Tinh thần nghèo khó có nghĩa là chỉ gắn bó với sự giàu có của Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, Ngài đã không gọi những người giàu có, tài ba lỗi lạc, mà đa phần là những người nghèo, tội lỗi để loan báo Tin Mừng. Có thế, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: hành trang các ông mang theo trên đường truyền giáo là trái tim, sự khiêm nhường và lòng phó thác.
Mặt khác, khi chọn người nghèo và tội lỗi là đối tượng chính yếu để loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu muốn cho mọi người nhận thấy rằng: người nghèo chính là tài sản của Giáo Hội.
Từ ơn gọi của các Tông đồ đến đối tượng của sứ vụ các ngài đã lãnh nhận từ nơi Chúa, mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng đều là những nhà thừa sai đúng nghĩa. Vì thế, tiên vàn, mỗi người Kitô hữu phải xác tín căn tính của mình là thuộc về Chúa và phải truyền giáo. Không truyền giáo, chúng ta đánh mất bản chất và không còn là người Kitô hữu đúng nghĩa. Có chăng chỉ là cái xác không hồn hay chỉ có tên tuổi trong sổ Rửa Tội!
Noi gương Vị Thừa Sai Vĩ Đại là Đức Giêsu, chúng ta truyền giáo bằng đời sống tốt lành, gương mẫu. Nhất định không bao giờ trở thành cái phèng la làm điếc tai thiên hạ, hay giống như cái thùng kêu to nhưng bên trong rỗng tuếch. Đời sống cầu nguyện, nghèo khó và sự khiêm tốn là nền tảng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Đối tượng chính yếu của công cuộc này là người nghèo. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi: “Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội” (số 187). Ngài quả quyết thêm: “Trong trái tim của Thiên Chúa có môt chỗ đặc biệt cho người nghèo, vì chính Thiên Chúa “đã trở nên nghèo khó” (x. 2 Cr 8,9; số 197). Nói như Paula Hoesi: “Nếu sự ham muốn của cải thế gian lấp đầy con tim tôi thì thử hỏi đâu còn chỗ dành cho Thiên Chúa?.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng: Giáo Hội thực sự trung tín với Thiên Chúa khi Giáo Hội khiêm nhường, khó nghèo và tín thác. Xin cho mọi thành phần dân Chúa luôn sống tinh thần ấy khi loan báo Tin Mừng để Lời Chúa không bị bóp méo nơi những người loan báo. Amen.
 
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
=========================
Suy niệm 6

Đi rao giảng Tin Mừng
Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6, 7-13
Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai, sai đi từng hai người một và chỉ thị rằng: “không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;  được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ. Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 8-13).
Thầy chỉ thị cho các ông đi rao giảng, chỉ kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Nội dung không có bài vở soạn sẵn, không được tập luyện cách truyền đạt, làm sao để thu hút đám đông, nghe không dễ thực hiện. Thầy dạy vào nhà nào thì cứ ở đó cho đến lúc ra đi. Nhà nào không đón tiếp và nghe lời thì rũ bụi chân lại... Nếu ngày nay mà chúng con đi rao giảng như vậy liệu có kết quả? Người môn đệ không mang bao bị, tiền đồng giắt lưng, thể hiện tinh thần khó nghèo, thanh thoát, không lệ thuộc vào của cải vật chất, nhưng một niềm phó thác cậy trông sự trợ giúp của Chúa, để thực thi sứ mạng được trao phó.
Khi Đức Giêsu đến trần gian thì Người thiết lập Vương Quốc Tình Yêu, là Nước Trời ngay tại trần gian này. Chúng con có bổn phận mau mắn làm cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, làm cho Nước Trời được viên mãn ngay trong đời sống hiện tại. Nước Trời là chính Chúa, Chúa đã đến gần, sát ngay bên. Nhưng còn tùy thuộc vào lòng con người, có mở lòng đón nhận hay không. Việc rao giảng không phải chỉ bằng lời, nhưng bằng đời sống. Một đời sống đạo hạnh, yêu thương tha nhân, luôn đem niềm vui và hy vọng đến cho người khác, là phản chiếu một tâm hồn luôn có Chúa ở cùng. Nước Trời hiện diện ngay giữa thế trần và trong tâm hồn có Chúa ở cùng.
Lạy Chúa! dù là ai mỗi người trong chúng con cũng được Chúa kêu gọi thi hành sứ mệnh với Chúa, tuy mỗi người một ơn gọi khác nhau: người thì được gọi trong đời sống tu trì, người thì sống độc thân hay bậc hôn nhân giữa đời để làm chứng nhân. Có lãnh nhận là có phân phát, vì con đã được lãnh nhận nhưng không, xin cho con cũng biết cho đi nhưng không, sẵn sàng phân phát tất cả. Ước gì qua cuộc sống của con mà người khác được đón nhận tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết quý trọng sự tín nhiệm của Chúa mà luôn kết hợp cộng tác với Chúa, để Chúa thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong mỗi chúng con cách hiệu quả nhất. Amen.

 
Én Nhỏ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log