Suy niệm 1
Chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao? ---------------------------------------------------------- - Tại sao chúng ta sợ?
- Chúng ta mất đức tin khi giông bão nổi lên ư?
Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất. Thiên Chúa làm chủ thế giới. Chúng ta tin vào Con Duy Nhất của Người, Đấng đã Phục sinh kiến tạo một thế giới. Hãy tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi thế giới. Nhờ Đức Tin và Đức Cậy, chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp của thế giới mai sau!
Chúng ta hãy cùng nhau đi vào một số diễn biến của bài Tin mừng hôm nay để củng cố đức tin hơn khi gặp khó khăn.
Chúa Giêsu đề nghị các tông đồ vượt biển sang bờ bên kia. Chiều đến, sau một ngày làm việc, rao giảng và đối thoại, Chúa Giêsu đề nghị các tông đồ nghỉ ngơi. Trong khi đó Ngài dùng thời gian để cầu nguyện…Ngài bảo các ông sang bờ bên kia và Ngài cùng lên thuyền với các ông.
- Đối với các tông đồ, SANG BỜ BÊN KIA, đó là đương đầu với những nguy hiểm của đêm tối và biển. Vì theo Kinh Thánh và những bậc Kỳ Lão, biển luôn là biểu tượng của hiểm nguy và không an toàn.
- Còn đối với chúng ta,
- SANG BỜ BÊN KIA, có thể được hiểu là thay đổi một thói quen hoặc tập quán nào đó.
- SANG BỜ BÊN KIA cũng có thể hiểu rằng cần quan tâm đến những người nghèo bên cạnh chúng ta.
- SANG BỜ BÊN KIA cũng có thể được hiểu là cha mẹ yêu thương con cái hơn nữa để chúng là một tin mừng sống động trước mặt mọi người, như Chúa Giêsu đã nói trong các mối phúc.v..v..
Dù sang bờ bên kia hiểu theo cách nào chăng nữa, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm. Cam đảm cũng là con tim. Chúng ta biết: con tim chỉ xúc động khi yêu…Thiên Chúa là Tình Yêu. Chỉ mình Ngài mới có thể thổi tình yêu này cho mỗi người chúng ta. Chớ gì tình yêu này giúp chúng ta sang bờ bên kia để chúng ta biết quên mình đi, nâng đỡ những ai mà chúng ta gặp trên đường.
Đang lúc sang bờ bên kia, thì một cơn giông bão nổi lên. Hồ Genesaret thường xuyên có bão và gió ùa vào vì hồ này được bao quanh bởi nhiều núi đồi. Với loại thuyền mong manh mà các tông đồ sử dụng, thì ai ai cũng dễ tin rằng họ có lý do để mà sợ, ngay cả khi Chúa Giêsu ngủ ở đó..
Cuộc đời chúng ta, cũng có nhiều cơn bão đi qua:
-Thỉnh thoảng cơn bão trong thân xác chúng ta chống lại các loại bệnh tật.
- Đôi khi cũng có cơn bão hoành hành trong tâm trí chúng ta đương đầu với những nghi ngờ….
- Khi đi tìm kiếm chân lý, chúng ta phải đối diện với những thứ giáo lý dị giáo và trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta phải chịu những cơn gió lốc nguy hiểm…..
Tất cả những cơn bão đó dễ làm chúng ta chìm xuống.
Đêm tối cũng vậy. Như các tông đồ, chúng ta đang trèo chống trong đêm tối chỉ vì mục đích tối thượng của cuộc sống. Đó không phải là SANG BỜ BÊN KIA đó sao? Bờ cõi vĩnh hằng nơi mà mọi sự đều Bình An và Thanh Thản. Như các tông đò, chúng ta cũng có Đấng đang ở trên bờ đã chiến thắng mọi khó khăn và yêu mến chúng ta, nhưng cũng để chúng ta chiến đấu một chút. Đừng bao giờ mất can đảm! Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Mặc dù xem ra Ngài đang ngủ, nhưng Ngài luôn có mặt nơi tất cả những khó khăn của chúng ta và chuẩn bị điều gì là tốt hơn cho chúng ta.
Những lúc khó khăn chúng ta hãy kêu lên Chúa...Người ta thường nói: Thiên Chúa đến trợ giúp chúng ta lúc chúng ta không thể làm được gì nữa và khi xem ra mọi sự đều mất hết….. Chắc chắn rằng cuộc chiến của chúng ta sẽ chiến thắng nếu chúng ta phó thác vào Đấng đang ở trong chúng ta và yêu mến chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta sẽ luôn là nguồn mạch bình an, mặc dù lời cầu nguyện chưa được nhận lời như lòng mong ước.
Lạy Chúa Giêsu, chính lúc giông bão Chúa thăm dò đức tin chúng con, Chúa thử thách long tín thác của chúng con thế nào.
Chúng con dễ theo Chúa lúc vui mừng tham dự vào một thế giới mới và khi Chúa tỏ bày quyền năng Chúa. Nhưng Chúa lại cần những môn đệ mà Chúa có thể cậy dựa vào.
Chúa muốn đức tin của chúng con không lay chuyển và Chúa giáo dục chúng con không còn cậy dựa vào ai khác ngoài Chúa.
Chính khi xem ra Chúa ngủ và giông bão tới mức nhấn chìm chúng con, chính lúc chúng con không còn kiểm soát được gì nữa, thì Chúa lại chờ đợi đức tin nơi chúng con và Chúa muốn chúng con tin chắc rằng Chúa đang nắm chặt thế giới trong tay và tất cả mọi sự đều phục tùng Chúa…
Chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa luôn ở bên chúng con. Vâng! Lạy Chúa Giêsu, Chúa là thành lũy của đời sống chúng con, có Chúa, chúng con không còn sợ sự dữ nào! Amen
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
MUỐN CÓ ĐỨC TIN MẠNH, CẦN PHẢI THỬ THÁCH
G 38,1.8-11; 2Cr 5,14-17; Mc 4,35-41
Có một câu chuyện kể rằng: đêm nọ, có một người thấy giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Những lúc vui, thành công, anh thấy có hai đôi chân in trên cát, một của Chúa và một của anh. Nhưng lúc anh gặp khó khăn, đau buồn thì khi nhìn lại, anh chỉ còn thấy một đôi chân!
Anh trách Chúa rằng: “Tại sao những lúc khó khăn, thất bại, Chúa lại bỏ con?” Chúa trả lời: “Ta không bỏ con đâu, vì những lúc đó, Ta đã cõng con trên vai, vì thế, con chỉ còn thấy có một đôi chân của Ta nữa mà thôi”.
Hôm nay, thánh sử Máccô thuật lại câu chuyện Đức Giêsu và các môn đệ gặp phải sóng gió trên biển hồ. Ngay trong lúc gặp sóng gió, Đức Giêsu vẫn ngủ yên, còn các môn đệ thì vất vả vì chèo trống. Sứ điệp Tin Mừng chỉ bắt đầu có ý nghĩa lớn khi các ông trách Thầy của mình vô cảm trước sự vất vả của các ông, và, ngược lại, Đức Giêsu quở trách các ông kém lòng tin và ra lệnh dẹp yên bão tố, ban lại sự bình an cho mọi người trên thuyền.
1. Địa lý của Biển Hồ Galilê và nỗi hoang mang sợ hãi của các môn đệ
Để thấy được nỗi sợ hãi của các môn đệ và quyền năng của Đức Giêsu, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đôi nét về Biển Hồ này để thấy được đâu là nguyên nhân dẫn đến trận cuồng phong dữ dội như vậy.
Khi nói đến biển hồ, chắc có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ ngay đến độ rộng lớn, mênh mông, nhìn không thấy bờ…. Tuy nhiên, với Biển Hồ Galilê lại hoàn toàn khác! Khác ở chỗ Biển Hồ này chỉ vỏn vẹn 21km chiều dài và 13km chiều rộng. Địa thế nằm ở thung lũng vùng Giodan do một vết nứt sâu trên mặt đất, có thể do núi lửa tạo nên! Biển Hồ Galilê là một phần của vết nứt đó.
Nó thấp hơn mặt biển 210 mét, vì thế, khí hậu rất ấm áp và dễ chịu, nhưng cũng tạo nên tiền đề cho những nguy hiểm bất ngờ ập đến. Lý do: bên phía tây có núi non cao hiểm trở kết hợp với thung lũng và nhiều khe suối. Vì thế, khi có gió nổi lên, thì khu vực trũng của Biển Hồ này giống như cái phễu lớn thu hút những làn gió từ trên cao và nơi các khe suối thổi về. Gió bị dồn nén trong đó và thổi mạnh xuống hồ cách bất thình lình như vũ bão, khiến mặt hồ đang phẳng lặng, bỗng chốc trở nên hung thần, dữ tợn và có thể vùi lấp mọi thứ trên mặt hồ.
Khi các môn đệ và Đức Giêsu có một chuyến vận hành trên Biển Hồ Galilê sau một ngày làm việc mệt nhọc để sang bờ bên kia thì cũng là lúc trận cuồng phong ập tới. Các môn đệ của Đức Giêsu là những nhà ngư phủ chuyên nghiệp và hẳn các ông có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chống chọi với những bất trắc xảy ra trên biển, thế nhưng, trận cuồng phong hôm nay vừa bất thình lình vừa vượt quá khả năng của các ông, nên họ rất hốt hoảng, lo sợ và kêu la ầm ĩ: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4, 38). Câu nói này chứng tỏ cho thấy sự nguy hiểm đã lên tới tột độ và vượt sức cũng như kinh nghiệm của các ông. Ngay sau đó, sự nguy hiểm của Biển Hồ và nỗi lo sợ của các ông đã động đến lòng trắc ẩn của Đức Giêsu, vì thế, Ngài đã truyền lệnh dẹp yên bão tố qua lời nói: “Im đi! Câm đi! " ‘Gió liền tắt, và biển lặng như tờ’” (Mc 4, 39), khiến các ông không khỏi ngỡ ngàng là bảo nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?" (Mc 4, 41).
2. Có Chúa, chúng ta sẽ sang “bờ bên kia” cách an toàn
Từ câu chuyện Tin Mừng trên, liên tưởng đến đời sống đức tin của chúng ta:
Trong cuộc sống đời thường, người ta thường nói: tư cách thật của một con người chỉ được bộc lộ thật khi gặp gian nan. Lúc bình thường thì ai cũng như ai, khó thấy được tư cách ấy.
Đức tin của mỗi người cũng thế. Muốn biết ai vững vàng trong đức tin phải đợi tới lúc đức tin đó chịu thử thách. Điều này cho thấy, “lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Chỉ khi gặp khó khăn, bất trắc, lúc ấy mới có thể lượng định được phẩm chất của đức tin.
Khó khăn, trở ngại là một thứ “kiểm tra chất lượng”. Có kiểm tra thì mới thấy cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì thật, cái gì giả.
Một mẫu số chung cho nhiều người, đó là: đức tin phải được rèn luyện, gọt giũa để đứng vững trước mọi thử thách, giông tố của cuộc đời. Khi có được nền tảng này, lúc gặp thử thách, chúng ta sẽ can đảm, trung thành, vững vàng hơn. Sẵn sàng đối phó với chúng và cậy trông vào Chúa Quan Phòng. Lúc đó, chúng ta sẽ coi những thử thách ập đến là điều kiện cần thiết để thanh lọc những thứ không phù hợp với giá trị Tin Mừng, nó giống như: “Bão tố quật ngã cây cối, bẻ gẫy cành khô, cành sâu. Nhưng không thể nhổ được cây thánh giá đã cắm vào lòng đất. Đừng tiếc những cành kia, dù không gió cũng gẫy, không gẫy cũng phải chặt vì nó làm hại” (ĐHV. số 691), có thế, mới có những cành cây khác trưởng thành hơn khi chúng đủ sức mạnh đâm trồi nảy lộc.
Từ những nguyên lý trên, chúng ta liên tưởng đến đời sống hôn nhân của người Công Giáo. Lúc mới cưới, ai dám nói là mình không chung thủy! Lúc du ngoạn tuần trăng mật, ai dám bảo mình không vui và hạnh phúc! Chỉ khi nào ốm đau, bệnh tật, thất bại trong công việc, thiếu sự chung thủy, lúc đó mới thực sự có vấn đề! Hay trong đời sống đạo đức cũng thế: lúc xin gì được đấy, hay xin một được mười, đâu cần ai phải nhắc đi lễ, đọc kinh hay chia sẻ bác ái! Chỉ khi xin hoài không được, làm ăn thất bát, lúc đó có đẩy cũng không đi. Hoặc trong đời tu cũng thế: mới khấn, mới chịu chức, sức khỏe dồi dào, chúng ta giống như những vị thánh. Tuy nhiên, lâu ngày, giá trị và ý nghĩa đời dâng hiến bị nhạt phai, sự hiểu lầm, cô đơn, đau bệnh, việc phụng vụ nhàm chán, lúc ấy mới thực sự thấy con người thật của chúng ta. Những trạng thái này, một lần nữa sách Đường Hy Vọng có viết: “Đường con đi, có hoa thơm, cảnh đẹp, có chông gai, có hùm beo, có bạn hiền, có trộm cướp, lúc mưa sa, lúc nắng cháy, chuyện không thể tránh được. Con cứ đi, miễn lòng con đầy Chúa, đi như Phanxicô, như Cyrillô, Athanasiô... đừng mất thì giờ đứng lại, đừng sợ tiếng chửi, đừng ăn mày tiếng khen” (ĐHV. số 693).
Nếu không bền chí cũng như đức tin mạnh thì không phải là người tài đức song toàn. Người tài là người được lớn lên trong thử thách. Người có đức là người biết vượt qua thử thách, trung thành và can đảm trong lòng mến.
Giuđa và Gioan chỉ khác nhau ở lòng mến mà thôi. Trong tâm hồn chúng ta cũng vẫn còn đó hai hình ảnh và hai lối sống lẫn lộn: Gioan và Giuđa. Bao lâu chúng ta còn yêu mến, sẵn sàng hy sinh, kiên trung, bền chí, và hy vọng, ấy là dấu chỉ ta theo Gioan để đi trọn con đường tình yêu dưới chân thập giá. Còn giờ phút nào chúng ta nhát đảm, sợ sệt, ham tiền, ham danh, ấy là lúc chúng ta đã chọn Giuđa làm quan thầy và thắp hương tôn thờ vị "quan thầy phản bội".
Cần xác tín rằng: Chúa vẫn còn đó. Ngài không bỏ chúng ta. Ngài sẽ lên tiếng, can thiệp, làm sóng gió im lặng, trả lại cho chúng ta niềm hy vọng, qua đó, ta và Ngài, cả hai cùng “sang bờ bên kia” được trọn vẹn trong bình an.
Lạy Chúa Giêsu, con thuyền của cuộc đời chúng con luôn gặp phải những sóng to vũ bão của tội lỗi, hưởng thụ, trụy lạc và những chân lý nửa vời, khiến đôi khi cuộc đời chúng con bị nước ập đầy thuyền làm cho đức tin bị lung lay và tưởng mình đơn côi giữa dòng đời. Xin Chúa ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ và xác tín chắc chắn rằng: Chúa luôn còn đó trên con thuyền cuộc đời của mỗi người, để chúng con vững tin bám chặt lấy Chúa. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.