Suy niệm 1
“Anh em hãy nghỉ ngơi đôi chút”!
(Mc 6, 30 - 34)
-------------------------------------------------- Bài Tin Mừng hôm nay có thể được gọi là bài Tin Mừng về lòng từ bi của Thiên Chúa. Chúa Giêsu ân cần lo lắng đến 3 mẫu người kitô: mẫu người năng động, mẫu người chiêm niệm trầm tư và mẫu người đang tìm kiếm Ngài. Ngài lo lắng cho từng mẫu người một:
- Đối với hạng người năng động hoạt bát, Ngài nói: “Anh chị em hãy đến nghỉ ngơi bên tôi”.
- Đối với hạng người chiêm niệm trầm tư, Ngài muốn họ có tâm tư như Ngài khi hướng về đám dân chúng: “Họ như những con chiên không người chăn”.
- Đối với hạng người đang tìm kiếm Ngài như đám đông hôm nay, Ngài nói: “Tôi thương xót anh chị em. Tôi yêu anh chị em”.
Ngài yêu thương tất cả các mẫu người này và nói với họ rằng: “Hãy nghỉ ngơi một chút”.
Nhưng, trước hết là đối với các tông đồ. Khi thấy họ trở về mệt nhoài và đầy bụi, Chúa Giêsu nói với họ: “Anh em hãy nghỉ ngơi một chút”. Là người chào hàng cho Thiên Chúa, các tông đồ và cả chúng ta nữa không được phép nghỉ ngơi hoàn toàn! Chúa Giêsu biết điều đó và Ngài cảm thấy nổi lên trong Ngài một lòng trìu mến sâu xa đối với họ là những người tin tưởng Ngài. “Anh em hãy thư giãn một chút. Hãy ở lại một nơi vắng vẻ, Thầy thích cầu nguyện ở đó. Trong tĩnh mịch và xa đám đông, Thầy trò có thể nói và cùng nhau cầu nguyện”. “ Tuyệt vời! Thầy trò trao đổi bên nhau và cho nhau! Còn gì đẹp hơn!
1- Đối với những người hoạt động xã hội, Chúa Giêsu cũng mời họ nghỉ ngơi một chút để lấy lại sức và cũng là để gặp lại mình. “Anh em hãy nghỉ để thư giãn. Anh em đang sống trong một nhịp điệu náo nhiệt.. Anh em đã bị dồn nén liên tục. Rất dễ bị nhồi máu hoặc trầm cảm”.
Chúa Giêsu cũng mời các bạn trẻ nghỉ ngơi yên lặng. Ngày nay, vấn đề lớn nhất của các bạn trẻ là không biết chịu đựng yên lặng nữa. Đức Hồng Y Vladimir Ghika nói: “Nếu bạn muốn nghe Thiên Chúa nói, bạn phải rất chú ý vì Thiên Chúa thích nói rất nhỏ”.
Chúa Giêsu cũng nói với các bạn là cần phải có những kỳ nghỉ yên lặng chiêm ngắm. “Hãy tận dụng thời giờ cho đời sống thiêng liêng. Hãy ẩn mình trong một hốc đá và hãy chiêm ngắm biển, hình ảnh vĩ đại của Thiên Chúa. Hoặc hãy ở một mình trên đỉnh núi trong yên lặng. Lúc đó, không cần phải nói các bạn hãy tận hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa trong tất cả công trình tạo dựng của Ngài”.
2- Đối với những người kitô hữu khá năng động trong cộng đoàn của họ, Chúa Giêsu nhắc nhớ họ cần phải có một sự nghỉ ngơi cần thiết. Thời gian nghỉ ngơi này để làm một bảng tổng kết: như các tông đồ, thỉnh thoảng nhìn lại công việc và tính toán xem hoạt động của mình có thực sự nhằm mục đích phục vụ Giáo Hội không. Plaise Pascal nói: “Khi tôi bắt đầu xem xét kỹ những náo động khác nhau của con người, tôi khám phá ra rằng tất cả những cái không hay xảy ra, là do con người không biết nghỉ ngơi trong một căn phòng”.
Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc cầu nguyện như là sự nghỉ ngơi trong Thiên Chúa. Những người năng động nhất lại càng cần phải chiêm niệm nhất. Ernest Hello viết: “Tâm hồn nào càng nhận lãnh trong yên lặng thì càng biết cho đi trong hoạt động”. Đối với những người nhiệt tình phục vụ cộng đoàn cũng như giáo xứ, Chúa Giêsu nói với họ như thể Ngài đã nói với các tông đồ: “Vậy anh em hãy nghỉ ngơi một chút. Hãy kết hợp mật thiết với Thầy. Hãy sống đối diện với tình yêu của Thầy. Hãy đến nghỉ ngơi bên Thày. Anh em làm việc cho Thiên Chúa trong suốt cả năm, nhưng anh em phải biết dừng lại để kín múc nguồn suối: hãy vào trong nhà thờ hoặc nhà nguyện và ở đó mà không cần nói gì trong vòng nửa giờ hay một giờ. Hãy làm như vậy đừng sợ mất thì giờ! Cần chú ý, đừng làm việc của Thiên Chúa suốt cả một ngày, mà không nghĩ tới Ngài”.
3- Đối với những kitô hữu thụ động, thích một cuộc sống yên hàn và nghĩ rằng những vẫn đề của dân Thiên Chúa là công việc của linh mục, giám mục và tu sỹ, Chúa Giêsu nói: “Anh em không được phó mặc việc dạy giáo lý con em mình cho cha xứ và cho quí vị trong ban hành giáo và giáo lý viên, dù cha xứ, bab hành giáo và giáo lý viên làm việc này rất tốt”.
Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gưỉ câu này tới những người xem ra là đạo đức, trốn mình trong cầu nguyện mà quên biết bao người xung quanh đang khốn cùng về đời sống thiêng liêng. Cha Helder Camara nói: “Bạn đừng làm cho Thiên Chúa trở thành cái gối đầu của bạn và làm cho lời cầu nguyện của bạn thành một chiếc chăn bông”.
Người có đời sống chiêm niệm thục sự không có thể giữ lại cho mình những kho tàng thiêng liêng mà mình đã khám phá. Người có đời sống chiêm niệm không phải là nhà tư bản về đức tin, nhốt Chúa Kitô trong tủ sắt trái tim của mình để rút ra những lợi ích cho đời sống vĩnh cửu. Chúng ta phải là người nhận Chúa Giêsu để mà cho đi! Người có đời sống chiêm niệm cảm thấy mình bị thúc bách cần phải mang sức mạnh bùng nổ của tin mừng đến cho thế giới,.. Thánh Phaolo trong thư gửi I giáo đoàn Corintho đã nói: “đối với tôi, rao giảng tin mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng”.
Khi Chúa Giêsu chỉ cho thấy một số kitô hữu đã đảo ngũ khỏi Giáo Hội, đối với chúng ta nếu là người chiêm niệm đích thực, chúng ta có thể làm được gì? Nếu không làm được gì thì trước hết chúng ta càng phải trở nên người nhiệt thành cho Thiên Chúa. Chắc chắn người chiêm niệm phải nói về Thiên Chúa cách rõ ràng, phải kêu vang Thiên Chúa cho một thế giới đang đánh mất ý nghĩa về sự hiện hữu của Người.
Người chiêm niệm đích thực khi đã tìm thấy nơi Thiên Chúa sự chắc chắn và bình an, thì cần phải có bổn phận là một thợ xây dựng hoà bình, là men hiệp nhất và yêu thương cho những người xung quanh.
Trong tình thương vô bờ bến, Chúa Giêsu nhắc lại cho tất cả những kitô hữu đang tìm kiếm Ngài và tất cả những ai có thiện chí, khát khao sự thật rằng: Ngài yêu thương từng người một biết chừng nào! Ngài muốn nói với chúng ta:
- Tôi đau lòng cùng với anh em khi anh em chỉ biết Giáo Hội nhờ vào những bản tin trên phương tiện truyền thông!
- Tôi đau lòng cùng với anh em khi đau khổ mà anh em phải chịu đựng trên giuờng bệnh làm cho anh em nghi ngờ về tình yêu của tôi!
- Tôi đau lòng cùng với anh em, khi tôi thấy anh em không có những nhà giáo dục đích thực và vô vị lợi!
- Tôi đau lòng cùng với anh em khi anh em phải chịu dựng cơn khát Thiên Chúa, mà trong khi đó con người thời nay chỉ thích hội họp đông ngoài quảng trường, nơi rạp hát hơn là trong nhà thờ”.
Nếu các bạn thuộc nhóm người thụ động, các bạn đừng thất vọng! Hãy nhìn xung quanh các bạn: vẫn có những người kitô đứng sẵn và hoạt động, những người kitô có tinh thần trách nhiệm và cầu nguyện. Chắc hẳn, họ thì ít, nhưng họ năng động và đầy hứa hẹn.Trên trần gian này, Chúa Giêsu là biểu tượng của lòng thương xót. Ngài đã cảm thông với anh em đồng loại đang chịu đau khổ, vì Ngài là tình yêu. Như thế, đến lượt chúng ta, là người kitô, chúng ta cũng phải trở nên biểu tượng tình yêu cho những người sống chung quanh chúng ta.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=========================
Suy niệm 2
Tìm kiếm lương thực thiêng liêng
Mc 6, 30 - 34
Bà Delia Delgatto, Giám đốc Trung tâm quốc gia chăm sóc trẻ em của Chi-lê cho biết: Một bé trai người Chi-lê 10 tuổi, bị cha mẹ nghiện ma tuý nặng, vứt bỏ ra đường từ lúc lên năm. Từ đó, em chung sống với một đàn chó hoang chừng 15 con trong một cái hang tại thành phố cảng Talcahuano, ở phía Nam Chi-lê. Ngày ngày cậu bé cùng đi kiếm ăn chung với đàn chó. Hôm nào không tìm được thực phẩm, những con chó cái trong đàn cho bé trai này bú sữa của chúng.
Bà Delia kể tiếp: "Cảnh sát Chi-lê bắt lại được bé trai này khi bé nhảy xuống biển hòng thoát thân.”
Vì lâu ngày ở chung với chó, em không biết nói tiếng người mà chỉ biết gầm gừ như chó. Vì em cũng chẳng biết tên của mình nên báo chí gọi em là bé Chó. (Nguồn: ABC nEWS, Santiago, June 19, 2001)
Bé Chó nầy không hề thiếu lương thực nuôi xác, nhưng em thiếu lương thực tinh thần như văn hoá, lễ nghĩa, lời dạy bảo khôn ngoan... nên em không thể thành người. Tuy có hình hài con người nhưng em lại mang tính cách của loài chó hoang.
Sự kiện hiếm có nầy chứng tỏ rằng nếu chỉ dùng lương thực nuôi xác mà không hấp thụ lương thực tinh thần, con người trở nên như con vật.
Để trở thành người, chúng ta không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần đến văn hoá, giáo dục và nhất là Lời khôn ngoan mang lại sự sống đời đời của Chúa Giêsu (Mt 4,4).
Khao khát lương thực tinh thần
Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả khó nhọc, các Tông đồ tụ họp quanh Chúa Giê-su và kể cho Ngài biết thành quả các ông vừa đạt được. Bấy giờ đám đông dân chúng tuôn đến đông đúc, kẻ tới người lui tấp nập, khiến các môn đệ không còn giờ nghỉ ngơi và ăn uống. Chạnh lòng thương các Tông đồ vất vả nhiều mà chẳng được nghỉ ngơi, Chúa Giêsu bảo các ngài hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút.
Kế đó, Chúa Giêsu và các môn đệ xuống thuyền tìm chỗ nghỉ ngơi. Đoàn dân chúng đoán biết địa điểm mà Chúa Giêsu và các môn đệ sẽ tới, nên họ vội vã chạy đến nơi ấy trước Chúa Giêsu.
Thế là khi vừa bước lên bờ, Chúa Giêsu lại gặp đông đảo những người mà Ngài mới từ giã họ để lánh qua đây.
Trước đám đông dân chúng đổ xô đến với mình như đoàn chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót họ và ban cho họ thứ lương thực thiêng liêng tối cần thiết là những lời dạy dỗ khôn ngoan (Mc 6,34).
Hôm nay, chúng ta không phải vất vả tìm kiếm Chúa Giê-su để được đón nhận Lời khôn ngoan của Ngài như đám đông người Dothái được thuật lại trên đây, vì chúng ta có Lời Chúa ở bên cạnh chúng ta, có Chúa Giêsu là hiện thân của sự Khôn ngoan đang sống giữa chúng ta.
Vấn đề quan trọng là chúng ta có mở tâm hồn ra để đón nhận, có bỏ công sức để khai thác “kho tàng” vô giá này hay không.
Khai thác kho tàng trong tầm tay
Người Ả-rập Xê-út trước đây mang phận nghèo truyền kiếp mặc dù tổ tiên họ sở hữu một kho báu vĩ đại nằm ngay dưới chân mình. Đó là nguồn dầu lửa khổng lồ chiếm hơn một phần tư trữ lượng dầu của toàn thế giới. Tiếc thay, vì không biết khám phá kho tàng đó, nên cha ông họ đã sống trong nghèo đói cùng cực từ đời nầy sang đời khác.
Từ năm 1938, nhờ việc phát hiện và khai thác kho “vàng đen” vĩ đại này, Ả-rập Xê-út trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và nhân dân Ả-rập trở thành những người giàu có.
Như người Ả-rập xưa, chúng ta cũng đang sống bên cạnh kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa. Kho tàng đó là Lời Chúa được ghi lại trong Kinh thánh. Kho tàng đó là chính Chúa Giê-su, hiện thân của sự Khôn ngoan luôn ở cùng chúng ta, nhưng tiếc thay, chúng ta không biết khai thác kho tàng khôn ngoan bên cạnh mình, nên chúng ta vẫn còn là những người nghèo đói trong đời sống tâm linh.
Muốn bắt được cá lớn, người ta phải dong buồm ra khơi vì không ai có thể câu được cá lớn ven bờ. Muốn tìm được trầm hương, người ta phải lặn lội vào rừng sâu đầy gian nan hiểm trở… Vậy muốn tìm được “kho báu”, chúng ta phải chấp nhận dành thời giờ để tìm kiếm và khám phá Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin giúp chúng con sẵn sàng hy sinh thời giờ và công sức để tìm kiếm và khai thác “kho báu” trong Tin mừng của Chúa, nhờ đó chúng con được trở nên giàu có trong đời sống thiêng liêng, được hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
========================
Suy niệm 3
LỜI KHUYÊN THIẾT THỰC
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp nối trang Tin Mừng tuần trước. Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo. Nay các học trò trở về. Anh em vui mừng kể cho Thầy nghe kết quả những việc đã làm. Ngài chia sẻ niềm vui với các môn sinh và khuyên nhủ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Một lời khuyên rất thiết thực. Nếu khoảng lặng trong bài hát cần thiết để làm cho ý nhạc thấm vào lòng người nghe, thì lời Chúa làm chững lại câu chuyện hào hứng của các tông đồ cũng giúp các ông nhận ra ý nghĩa cuộc đời tông đồ. Cần thiết phải “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”
Chúa Giêsu rất thương các môn đệ. Làm việc nhiều nên cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức lực để tiếp tục làm việc. Đó chính là thời giờ tĩnh tâm của các Tông đồ. Trong thinh lặng, mỗi người cầu nguyện, trau dồi nội tâm.
1. Thinh lặng là một cõi riêng tư
Một bầu khí yên tĩnh, một thời gian trầm lắng là một cõi riêng tư thật cần thiết cho con người. Thân xác nghỉ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt, tâm hồn bình an.
Giữa những ồn ào của đám đông
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó
trầm lắng và bình an.
Lm Nhạc sĩ Thái Nguyên suy tư những lời thơ sâu lắng ấy và đã dệt ca khúc: “Một cõi riêng tư”.
Một cõi riêng tư, trong lòng con xin dành cho Chúa.
Một cõi riêng tư, trong lòng con Chúa thương ngự trị.
Chúa là điểm hẹn nơi con phát xuất ra đi dấn thân, cho cuộc đời nhân trần.
Chúa là đỉnh cao nơi con trở lại,để sống trong ân tình, niềm vui phút an bình.
Một cõi riêng tư với Chúa, chan chứa một niềm vui sâu lắng trong nội tâm, niềm vui gặp gỡ Chúa.
2. Chúa Giêsu mẫu gương thinh lặng
Chúa Giêsu khuyên các môn sinh hãy sống theo gương của Người. Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện và kết thúc trong tĩnh lặng riêng tư với Cha.Sáng sớm tinh mơ, Người dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Sau đó bận rộn với biết bao công việc: rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Chúa Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông. Người chọn những nơi hiện diện: "Một ngọn núi cao riêng biệt" (Mc 9,2); những bờ dốc thẳng bao quanh hồ phía đồi Gôlăng (Mc 5,1); những bãi biển Phênixi xứ Xyria hay xứ Libăng (Mc 7,24-31); đôi bờ của con thác miền núi gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Hécmon (Mc 8,27)…
Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong cuộc sống thường ngày.
Các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Các môn đệ trở về, Chúa khuyên nên nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Làm việc và cầu nguyện, sống "nội tâm" và hoạt động "bên ngoài", đó là nhịp sống mỗi ngày của người môn đệ Chúa Giêsu.
3. Thinh lặng để sống nội tâm
Lắm khi trong cuộc sống xô bồ, bận rộn vì cơm áo gạo tiền, bận rộn trong việc đạo đức, lo tập hát, lo đoàn thể, lo các công việc bác ái, xã hội…chúng ta quên đi việc “nạp năng lượng” từ Thiên Chúa.
Ðời sống tâm linh phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Chúa chính là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Nhờ cầu nguyện, con người mới phát triển quân bình.
Làm việc và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Làm việc để nuôi thân, nuôi gia đình và góp phần xây dựng xã hội.Ðời sống cầu nguyện hỗ trợ cho hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chạy theo chức quyền. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời. Ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa đổi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng, thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.
Các xã hội văn minh, các đô thị luôn chạy theo nhịp sống hối hả của kỹ thuật hiện đại. Con người thời nay dễ bị căng thẳng. Do đó, người ta thường tìm đến với Yoga,Thiền, với các phương pháp dưỡng sinh để tìm sự quân bình, tìm yên tĩnh, muốn trầm lắng nội tâm.
Vào mùa hè, người ta thường tạm nghĩ công việc, rời nếp sống đô thị náo nhiệt tìm đến nghĩ ngơi nơi vùng quê, miền biển, miền núi. Nô đùa cùng sóng biển cát vàng, hít thở khí trời dịu mát của cao nguyên lộng gió hay hoà vào khung cảnh thanh bình êm ả của đồng quê bát ngát lúa chín vàng… Bầu khí yên tĩnh, thời gian trầm lắng là điều rất cần thiết cho con người. Thân xác nghĩ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt. Từ đó, nhìn lại cuộc sống mình, kiểm điểm, rút ưu khuyết, định hướng cho cuộc sống sắp tới.
Trong lãnh vực tông đồ, thinh lặng cầu nguyện thật cần thiết. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Cầu nguyện để biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.
Làm việc phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Điều kiện tiên quyết để thành công chính là sự thinh lặng. Từ thinh lặng ta mới có thể nuôi dưỡng những suy tư của mình một cách lâu dài được. Bầu khí thinh lặng giúp ta hồi tâm xét mình thực thi sám hối cách đúng mức. Bầu khí thinh lặng còn giúp cho người khác sống tinh thần cầu nguyện.
Người Kitô hữu yêu quý những giây phút thinh lặng trong tâm hồn, yên tĩnh ngọt ngào bên Chúa. Người Kitô hữu tìm thấy sự thinh lặng thánh ấy trong nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện và ngay trong tâm hồn mình. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2). Thinh lặng, cầu nguyện chiêm niệm, hồi tâm luôn mang lại sức sống thiêng liêng cho mỗi người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã nhắc nhở chúng con qua Tin Mừng hôm nay rằng, đừng kể lể những gì mình đã làm, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự gặp gỡ thân mật với Chúa, nơi là nguồn sống của chúng con. Xin giúp chúng con khám phá ra sự ngọt ngào của Chúa mỗi ngày.
“Lạy Thiên Chúa,Đấng ưa thích sự thinh lặng,xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài,trò chuyện,lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi,để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người,tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,để tránh xa mọi ích kỷ,thù hằn,ghen ghét,để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen” (Mẹ Têrêxa Calcutta).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=======================
Suy niệm 4
Hãy nghỉ ngơi bên Chúa
(Mc 6, 30 – 34)
Tin Mừng Chúa nhật thứ XVI thường B tuần này mời gọi chúng ta khám phá tầm quan trọng của sự nghỉ ngơi trong Chúa. Các Tông Đồ trở về từ sứ mệnh Chúa Giêsu đã giao. Họ đã trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau bệnh tật và rao giảng Tin Mừng. Họ mệt mỏi và Chúa Giêsu bảo họ rằng: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút" (Mc 6,31).
Các Tông Đồ Chúa, sau chặng đường dài thi hành sứ vụ Thầy trao không tiền, không bao bị, không bánh, chỉ một tấm áo mong manh với cây gậy và con tim đầy ắp niềm vui của hành trình loan báo Tin Mừng, các ông đã trở về với Chúa, kể cho Chúa nghe “mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy”. Nhưng Chúa Giêsu khám phá ra sự mệt mỏi, rã rời ẩn bên dưới lớp hào quang của thành công. Vì thế, một đàng đón nhận thành quả đầy an ủi đối với các Tông đồ, đàng khác Chúa Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn công việc. Với tình thầy trò Người bảo các môn sinh: “Các con hãy hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút”, Người nhẹ nhàng kéo các ông ra khỏi “cơn say” bởi “men chiến thắng”. Sở dĩ như thế là vì Chúa sợ các môn đệ của mình nhiễm cái thói hám danh, thích khoe khoang, phô trương, quyền lực, vì theo Chúa thành công ấy là khởi điểm tốt đẹp cho chặng đường tiếp theo, chứ không làm các ông tự mãn rồi rơi vào ảo tưởng, ngủ quên trong những thành công đầu đời. Đường trước mắt mà thầy trò phải bước không phải là con đường bằng phẳng, mà đó là một con đường dài, đầy gian nan, thử thách, sức lại có giới hạn. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, nghỉ ngơi là cần thiết, nghỉ ngơi sẽ giúp các Tông đồ tỉnh táo hồi tâm suy nghĩ và nhấtlà để Chúa bổ sức cho. Thế nên, điều Chúa nói với các Tông đồ ngày xưa, cũng là điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay.
Một trong những cám dỗ mà bất kỳ Kitô hữu nào cũng có thể rơi vào là muốn làm nhiều điều, và khi thành công với muôn lời chúc tụng ta dễ bỏ bê tương quan với Chúa thậm trí quên Chúa luôn. Sự bận rộn và thành tích là những căn bệnh hiện đại khiến nhiều người trong chúng ta đau khổ. Nghỉ ngơi, trái ngược với sự bận rộn là một trong những điều mà Chúa muốn nơi chúng ta. Sách Giáo Lý nhắc nhở chúng ta rằng trong giờ cầu nguyện, một trong những nguy hiểm nhất là nghĩ rằng có những điều khác cấp bách hơn phải làm, thế là chúng ta chấm dứt giờ kinh nguyện và bỏ qua mối quan hệ thân tình với Thiên Chúa mà chúng ta đang có. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với các môn đệ của mình, những người đã làm việc chăm chỉ, những người đang mệt mỏi và những người hạnh phúc vui cười bởi vì mọi thứ diễn ra tốt đẹp của mình rằng chúng ta phải nghỉ ngơi. Tin Mừng nói với chúng ta: "các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh" (Mc 6,33).
Để thực hành một giờ nguyện tốt cần phải có ít nhất tối thiểu hai điều: thứ nhất là ở với Chúa Giêsu, bởi vì ở với Chúa chúng ta mới nói chuyện được với Chúa. Ở bên Chúa là gặp gỡ Người, nhờ đó ta thấy cuộc sống của Chúa không phải là quyền lực, là thành công rực rỡ, nhưng là khiêm nhường, nghèo khó, từ bỏ mình, hy sinh vì yêu thương. Chúng ta phải tin chắc Chúa hiện diện trước mắt chúng ta. Bắt đầu giờ cầu nguyện dù ở bất cứ nơi đâu việc ý thức về sự hiện diện của Chúa là điều cần thiết trước tiên và thường là khó khăn nhất. Có thế, chúng ta mới cảm nghiệm được mình ở với Chúa. Điều thứ hai là sự thinh lặng cần thiết. Nếu chúng ta muốn nói chuyện với ai đó, buổi trò chuyện có thân mật và sâu sắc hay không còn tùy thuộc vào sự lắng nghe. Có thinh lặng chúng ta mới nghe được Chúa nói với chúng ta.
Sức mạnh của chúng ta là nghỉ ngơi trong Chúa. Trong sự thinh lặng và cậy trông! Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng trong việc dành thời gian thinh lặng trong đời sống của Chúa Giêsu. Người thức dậy rất sớm và đi vào nơi thanh vắng một mình cầu nguyện (x. Mc 1,35). Người cần thời gian tĩnh nguyện với Thiên Chúa Cha. Đương nhiên, chúng ta cần thời gian đó! Chúng ta không cần phải lấp đầy thời gian biểu của mình với hàng trăm hoạt động làm cho chúng ta bận rộn. Chỉ trong thinh lặng và ở với Chúa chúng ta mới tìm được sức mạnh trong các hoạt động của mình.
Thánh Phêrô Eymard được đề nghị nghỉ ngơi trong Chúa sau khi hiệp lễ. Và ngài cảnh báo chúng ta về nguy cơ khi kết thúc Thánh lễ với những lời mà chúng ta biết bằng trái tim. Ngài nói rằng, sau khi rước Mình và Máu Chúa Kitô, tốt nhất là thinh lặng trong chốc lát để lấy thêm sức mạnh và nhất là để cho Chúa Giêsu nói với chúng ta trong sự im lặng của tâm hồn chúng ta. Đôi khi, thay vì nói với Chúa về các kế hoạch của chúng ta, tốt hơn là để Chúa dạy chúng ta và ban cho chúng ta lòng can đảm.
Trong việc tông đồ chúng ta cũng cần phải có những thời gian nghỉ ngơi, hãy tạm quên đi những ồn ào bên ngoài để đi sâu vào tâm hồn mình, để chuyện vãn với Chúa nếu muốn hoạt động tông đồ hiệu quả! Với công việc tông đồ chồng chất nhiều khi chúng ta quên mất việc nghỉ ngơi lấy sức. Cần thinh lặng để thẩm định lại những biến cố và rà soát lại những công việc đã làm cùng lắng nghe tiếng Chúa mời gọi. Nên nhớ rằng chúng ta đang trên đường lữ hành về trời, con đường vừa hẹp vừa dốc nếu không nghỉ ngơi lấy sức thì không thể đến đích.
Đời sống con người luôn có hai nhịp: lao động và nghỉ ngơi. Lao động chính là phúc lành cho chúng ta, giữa bộn bề cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải làm việc, chăm sóc gia đình… Nhưng đôi khi chúng ta quá mải mê lao động mà quên đi phần tâm hồn thiêng liêng mà Chúa trao tặng cho mỗi người, rồi dần dần chúng ta sẽ rời xa Chúa, hình ảnh của Chúa trong tâm hôn chúng ta sẽ phai nhạt dần đi. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Như khí trời cần cho con người, người Kitô hữu cũng cần phải cầu nguyện.
Vì vậy, chúng ta phải lao động và nghỉ ngơi bên Chúa. Nghỉ ngơi bên Chúa để Ngài bồi dưỡng, tăng cường sức lực tinh thần, cũng như để cảm nếm sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, và nhờ vậy, việc lao động của chúng ta được đổi mới và tràn đầy sáng tạo.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết cậy dựa vào Chúa, tin tưởng phó thác vào Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
========================
Suy niệm 5
Tình mục tử ấp ủ đoàn chiên
(Mc 6, 30 – 34)
"Mục tử" là một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tự ví mình là " mục tử, người chăn chiên" và dân Israel được Chúa chọn là đoàn chiên của Chúa : "Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta …Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ…" (Gr 23, 3). Đến lượt Chúa Giêsu, khi thấy dân chúng bơ vơ tất tưởi, Người động lòng trắc ẩn ví họ như : "Đàn chiên không người chăn dắt" (Mc 6, 34). Người cũng tự nhận mình là "Người chăn chiên".
Hình ảnh người mục tử với đoàn chiên thật tuyệt đẹp, dễ thương và đầy cảm động, diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với Dân Ngài như "Mục tử" với "đoàn chiên".
Thông thường, trong Cựu Ước, người ta gọi Thiên Chúa là mục tử của dân Ngài (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v...) Sự so sánh này có nguồn từ đầu lịch sử thánh, vì dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước hết là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môisen, kẻ chăn cừu nhận được mạc khải từ bụi gai đang cháy trong sa mạc, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.
Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành là một trong những hình ảnh lâu đời nhất của Kitô giáo. Hình ảnh này được tìm thấy trong các hang toại đạo, người ta khắc vẽ Chúa Giêsu với hình ảnh người chăn chiên dịu dàng và trìu mến, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đoàn của chúng để chia sẻ cùng một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với hình ảnh cổ xưa trong Kinh Thánh, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn là Đấng trao ban sự sống cho dân : "Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số" (Gr 23, 3). Vì muốn trao ban nên một khi đã trao ban thì Chúa bảo vệ giữ gìn. Các mục tử được Chúa trao cho chăn dắt đàn chiên Chúa không cẩn thận, Chúa nổi giận đòi lại chiên: "Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé chiên Ta… Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta…Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng" (Gr 23, 1-4). Chúa chăm sóc chiên của Chúa như thế nào? Những cảm nghiệm của con chiên dẫn chứng sự chăm sóc của chủ chiên : "Trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng" (Tv 22, 1-3). Ðiều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta không những sống mà còn sống dồi dào, Ngài muốn hướng dẫn chúng ta tới các đồng cỏ tốt tươi, nơi chúng ta có thể được nghỉ ngơi bồi dưỡng, sự sống ấy bắt nguồn từ tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa không muốn con người phải hư mất hay bị diệt vọng, nhưng muốn con người đạt tới cùng đích là sống viên mãn tràn đầy. Ðó là điều mà bất cứ người mục tử nào cũng mong muốn cho đoàn chiên.
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình như Mục Tử của đoàn chiên lạc nhà Israel. Cái nhìn của Chúa trên đám đông dân chúng là cái nhìn "mục tử" đầy tình thương. Thánh Marcô viết: "Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều" (Mc 6,34). Chúa Giêsu nhập thể dưới hình hài Thiên Chúa Mục Tử với kiểu giảng dậy của Người và các việc Người làm, bằng cách chữa lành các người đau yếu và tội lỗi, săn sóc những người ốm đau tật bệnh, để dẫn đưa họ đến bến bình an trong tình xót thương vô bờ của Thiên Chúa là Cha.
Vì kẻ dữ luôn tìm cách phá hỏng công trình của Thiên Chúa, bằng cách gieo vãi chia rẽ trong trái tim con người, giữa thân xác với linh hồn, giữa con người với Thiên Chúa, trong các tương quan liên bản vị, xã hội, quốc tế và cả giữa con người và thụ tạo. Kẻ dữ gieo rắc chiến tranh; Thiên chúa tạo dựng hòa bình. Hơn thế nữa, như thánh Phaolô khẳng định: "Chúa Kitô là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người" (Ep 2,14). Ðể chu toàn công trình hòa giải triệt để ấy, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, đã phải trở thành Chiên Con, "Chiên Con Thiên Chúa... gánh tội trần gian" (Ga 1,29). Chỉ như thế Người đã có thể thực hiện lời hứa tuyệt diệu của Thánh Vịnh: "Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài" (Tv 23, 6).
Người mục tử dẫn dắt đoàn chiên không đành lòng đuổi chiên nhưng đưa chiên tới đồng cỏ xanh tươi, tới suối nước trong lành. Tập hợp chiên lại xung quanh mình : "Mục tử tốt lành thí mạng vì đoàn chiên" (Ga 10, 11). Người vừa là Mục tử và vừa là Cửa chuồng chiên (Ga 10, 7) "Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí" (Eph 2 18). Nhờ Người mà chúng ta đi vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã yêu thế gian như thế đó, " Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu thí mạng vì người mình yêu". "Thiên Chúa là tình yêu" Ngài đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (x. Ga 3, 16), không ngần ngại trao ban sự sống mình (x. Eph 2, 14)
Những lời trên thật cảm động và đầy an ủi biết bao cho nhân loại hôm nay, vì nó đáp ứng khát vọng sâu thẳm của con người: đó là sống, sống viên mãn, sống vui và sống đời đời! Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô, Nữ Vương Bình An, Đấng luôn sống trong đồng cỏ Trời Cao, nơi Chiên Con Mục Tử hằng chăn dắt, cầu cho chúng con ! Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 6
NGƯỜI MỤC TỬ
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6, 30 - 34
Sau chuyến công tác của các môn đệ trở về, Thầy trò tụ họp bên nhau. Các ông báo cáo với Thầy tất cả những việc mình đã làm được. Nhân cơ hội này, Thầy dạy các ông một phương thế để mọi công việc của người mục tử có hiệu quả tốt: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31a). Mọi hoạt động tông đồ để mang lại kết quả tốt đẹp, cần có giờ nghỉ ngơi tĩnh lặng mà dưỡng sức, cầu nguyện, kết hợp mật thiết với Chúa. Nếu cứ ra sức hăng say, làm việc quá tải đến quên ăn mất ngủ, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu năng công việc và mệt mỏi kiệt sức. Đời sống siêu nhiên của người tông đồ cần phải có nhịp độ: ở với Chúa, ra đi thi hành sứ vụ và trở về lại bên Chúa để kiểm thảo, nhìn lại như các môn đệ hôm nay. Qua một ngày làm việc cần phải trở về “thân thưa” với Chúa, trong cầu nguyện, tĩnh lặng thanh vắng để nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng mới cho hành trình tiếp theo.
“Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.” (Mc 6,32). Mặc dù thầy trò đã xuống thuyền tìm chốn nghỉ ngơi mà cầu nguyện, nhưng bầy chiên vẫn tìm cách đón gặp cho bằng được. “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. (Mc 6,34). Cảm động sao tấm lòng người Mục Tử, chạnh lòng thương trước bầy chiên đông đảo. “Chạnh lòng thương” theo tiếng Hy lạp, nghĩa là cảm thấy quặn đau trong lòng, xót xa, khiến Người Mục Tử không thể đặng đừng, Người lại bắt đầu giảng dạy thật nhiều, cho thỏa nỗi lòng khát mong của đoàn chiên.
Ngày nay chúng con có thấy “chạnh lòng thương” trước khó khăn đau khổ, phải cần đến sự giúp đỡ, giải quyết mọi nhu cầu cho người anh em mà hằng ngày chúng con gặp thấy không? Nhìn lên những người có trách nhiệm chăm sóc, lãnh đạo từ Giáo Hội địa phương như các Giám mục, Linh mục, chúng con có vâng lời, biết ơn, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất không?
Lạy Chúa! cùng với nhịp sống hằng ngày, dù thành công hay thất bại, hơn thua được mất, xin cho con luôn biết trở về bên Chúa trong thinh lặng, để con được nghỉ ngơi dưỡng sức trong Chúa, kín múc ân sủng từ nguồn sống là chính Chúa, để hiện tại và tương lai của con luôn được Chúa dẫn dắt từng ngày. Ở lại với Chúa nhiều, chúng con sẽ được biến đổi, để luôn biết “chạnh lòng thương” như Chúa vậy. Amen.
Én Nhỏ