Thứ ba, 26/11/2024

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 26 Thường Niên B

Cập nhật lúc 15:41 27/09/2018
Suy niệm 1
Khoan dung hay là nghiêm khắc
---------------------------------
Nếu là người kitô hữu, chúng ta cũng tham dự vào sứ vụ tiên tri hoặc còn gọi là ngôn sứ của Chúa Kitô. Vậy tiên tri đích thực có nghĩa là gì?
- Tiên tri đích thực là người nghèo khó, dịu hiền và khiêm nhường trong lòng.
- Tiên tri đích thực luôn chống lại bạo lực, không tìm vinh quang cho chính mình, nhưng cho Thiên Chúa.
- Tiên tri không phải là thầy bói loan báo điều sẽ xẩy ra trong tương lai.
- Tiên tri là người nói về Thiên Chúa và loan báo Thánh Ý Thiên Chúa.
- Tiên tri đích thức là người có cảm nghiệm về Thiên Chúa và loan báo Thiên Chúa là ai cho anh em mình và điều gì Thiên Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay nói Gioan là người không nhân nhượng và cố chấp. Trong một trường hợp khác, Chúa Giêsu gọi ông là con thần sấm sét…Chúng ta có thể giống như Gioan muốn nhổ ngay cỏ lòng vực trong ruộng lúa, mà không nghĩ đến điều nguy hại cho cây lúa. Nếu như thế, chúng ta chưa phải là một tiên tri đích thực!
Hãy khoan dung! Khoan dung không có nghĩa là xác nhận rằng mọi tôn giáo đều tốt, nhưng tin rằng tất cả mọi người đều có thể tìm kiếm điều thiện và thực hiện điều thiện tới một mức độ nào đó…nhất là tin rằng mọi người đều được Thiên Chúa yêu mến và tôi phải yêu mến Thiên Chúa trong mỗi người.
Chúng ta có thể vui mừng được không,
- Khi những người chống đối chúng ta nắm giữ một phần chân lý?
- Khi những người không cùng tôn giáo với chúng ta có thể làm điều tốt, họ cũng thực hiện thành công những công việc nhân đạo và xã hội?
Chúng ta đừng dập tắt ngọn lửa đang cháy, ngọn lửa đang ôm trọn thế giới: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.
Chúng ta cần phải mở tâm hồn ra với những khác biệt của người sống chung quanh chúng ta. Một nhà nghệ thuật giỏi không bao giờ lặp lại tác phẩm của mình. Thiên Chúa là nhà nghệ thuật vĩ đại đã không tạo dựng hai ngọn cỏ giống nhau... Những đứa con trong một gia đình cũng có sự khác nhau. Sự khác nhau đó càng làm cho gia đình thêm phong phú… Sự khác nhau không làm mất sự thống nhất nếu người cha hoặc người mẹ biết cách lãnh đạo tốt… Một cộng đoàn, một tập thể cũng thế...!
Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt con tim nhân loại, biết rằng nơi những người chưa nhận biết Người cũng có thể có con tim ngay thẳng... Chính vì thế mà Người ra lệnh không được ngăn cản hạng người đó hành động nhân danh Người, vì: “Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà Người còn muốn hạ mình xuống để bình đẳng với hết mọi người chúng ta. Vì thế chúng ta cũng phải bình đẳng với hết mọi anh chị em chúng ta. Khi bất luận ai làm điều tốt thì chúng ta phải vui mừng thực sự, vì chúng ta bình đẳng với hết mọi người: là kitô hữu hay không là kitô hữu.
Chúa Thánh Thần như cơn gió hoàn toàn tự do. Chúng ta không biết “cơn gió từ đâu tới và thổi đi đâu”. Điều quan trọng là điều tốt chứ không phải là người làm điều tốt…
Hãy nghiêm khắc với chính mình. Chúng ta hãy ý thức trách nhiệm của mình! Đừng bao giờ làm gương xấu! Càng dịu hiền và khoan dung đối với những người khác, chúng ta càng phải nghiêm khắc với chính mình, đến tội lỗi có thể phá huỷ đời sống thiêng liêng chúng ta và người khác: “Nếu chân người làm dịp tội cho ngươi, thì hãy chặt nó đi. Thà rằng một chân, mà được vào nước trời còn tốt hơn là có cả 2 chân mà phải ném vào hoả ngục”.
Đương nhiên, chúng ta không được phép hiểu câu nói này theo nghĩa đen. Nếu Chúa nói thẳng như vậy là vì Ngài muốn giúp đỡ chúng ta ý thức về tội lỗi của chúng ta để xin Ngài tha thứ cho chúng ta.
Nếu chúng ta thực sự gần gũi Thiên Chúa, chúng ta càng cảm thấy mình tội lỗi. Cha Varillon viết: “Vết nhơ dù nhỏ bé nhất cũng trở nên xấu trên chiếc áo dài trắng đẹp”.
Hãy cho người khác dù chỉ là cốc nước lã khi cần thiết, có nghĩa là đừng bao giờ làm hại người khác. Nơi Chúa Giêsu chúng ta thấy có 2 sự khác biệt rất lớn: Khoan dung với bất cứ ai làm điều tốt, nhưng cũng rất nghiêm khắc với những ai làm gương xấu cho các trẻ nhỏ. Nói tóm lại, người đạo đức là người nghiêm khắc với chính mình và khoan dung đối với người khác.
Bài Tin Mừng hôm nay được nhắc tới 3 lần câu “Nhân danh Chúa Giêsu”. Người làm việc nhân danh Chúa Giêsu có thể làm được những điều lớn lao. Người đó là tông đồ, là môn đệ thuộc về Chúa Giêsu khi họ làm điều tốt.
Khi độc quyền, người kitô hữu chúng ta rất có nguy cơ bất bao dung. Điều tốt dưới bất cứ hình thức nào đều là luật và là bổn phận của mỗi người. Khi người ta làm điều tốt thì Chúa Giêsu và Thần Khí Người hiện diện ở đó... Vậy nếu thế, chúng ta không cần phải loan báo Tin mừng và mời gọi trở về với Tin Mừng nữa như một số người nghĩ sao..? Đừng quên rằng làm chứng và loan báo Tin Mừng là bổn phận đức tin kitô giáo đích thực. Đức tin đích thực của Kitô giáo là không được im lặng và phải nói cho người khác biết niềm vui khôn tả của mình vì đã được gặp Chúa.
- “Hãy đi rao giảng tin mừng khắp thế gian”(Mc16,15).
- Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Khốn cho tôi, nếu tôi khong rao giảng tin mừng”(1Cor 9,16).
- Thánh Phêrô viết: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em vì có lời Kinh Thánh: Hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh”(1Pr15-16).
Lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ là phải có con tim trở về và đừng đặt người khác trong định kiến, nhưng biết đón nhận và lắng nghe. Lắng nghe tiếng trẻ thơ, tiếng người nghèo và người khổ đau để mang đến cho họ tình yêu thương của Thiên Chúa.
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Gioan: “Đừng ngăn cấm họ” là một trong các câu trả lời làm thay đổi lịch sử. Tất cả mọi người khác đều thuộc về chúng ta. Tất cả chúng ta là một trong Chúa Giêsu Kitô. Chúa mời gọi chúng ta loan báo Tin Mừng trước hết là yêu thương người thân cận và chia sẻ cuộc sống với họ, coi cuộc sống của họ và những vấn đề của họ như là của chúng ta...
Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con vì có những lúc chúng con giới hạn tình yêu Chúa. Xin ban cho chúng con khả năng biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần.
Ước chi nhờ Thánh Lễ hôm nay, chúng con lãnh nhận được ơn cần thiết để trả lời cho lời mời gọi của Chúa trong một thế giới đa tôn giáo mà chúng con đang sống. Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

========================= 
Suy niệm 2
Diệt trừ gương xấu
Mc 9, 38 - 48
Gương xấu rất tai hại vì dễ lây lan
Gương xấu lây lan nhanh như bệnh dịch, bùng phát mạnh như cháy rừng. Nguy cơ lây nhiễm rất cao như người ta thường nói: “Gần mực thì đen…”
Gương xấu ảnh hưởng rộng rãi lên những người chung quanh y như men trong bột. Chỉ cần một nhúm men nhỏ cũng đủ sức làm dậy lên cả một khối bột lớn.
 
Chúa Giêsu kịch liệt bài trừ gương xấu
Chính vì gương xấu của người nầy gây ảnh hưởng tai hại lên nhiều người khác nên Chúa Giêsu kịch liệt bài trừ. Ngài muốn nhổ bỏ thói xấu tận gốc rễ, muốn diệt trừ duyên cớ gây nên gương xấu bằng mọi giá.
Trước hết, Ngài răn đe những người gây ra gương xấu bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc: "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42).
Và Ngài dạy phải diệt trừ các duyên cớ gây ra tội lỗi cách quyết liệt: "Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9, 43-48).
Khi phán dạy như thế, Chúa Giêsu không có ý nói là chúng ta phải huỷ hoại thân mình để loại trừ thói xấu, nhưng Ngài có ý nói phải diệt trừ thói xấu cách triệt để, bằng bất cứ giá nào.
 
Nhổ bỏ thói xấu rất khó
Tuy nhiên, trong thực tế, việc nhổ bỏ tội lỗi và thói xấu là điều thật khó khăn, vì việc xấu ta vừa dứt bỏ hôm nay, ngày mai lại quay về.
Tẩy trừ thói xấu cũng như xua đuổi một con chó ghẻ trung thành. Khi con chó trong nhà bị ghẻ lở trông thật ghê tởm và hôi hám, người nhà quyết xua đuổi nó đi, nhưng lát sau nó cũng quay về. Dù người nhà tiếp tục đánh đập và xua đuổi nó đi xa … nó cũng quay đầu trở lại.
Tẩy trừ thói xấu cũng y như nhổ cỏ cú (một thứ cỏ có nhiều rễ củ ăn sâu xuống lòng đất, rất khó diệt) trên mảnh đất tốt. Hôm nay nhổ sạch cỏ rồi, mai gặp một trận mưa to, cỏ lại mọc lên phơi phới.
Như vậy, không lẽ con người đành bó tay trước thói hư tật xấu?
Thưa không! Vì bệnh nào cũng có thuốc chữa. Sâu nào cũng có thuốc trừ.
 
Phương pháp kiến hiệu để diệt trừ thói xấu: lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối
Khi bóng tối bao phủ căn phòng khiến những người nhà không tìm ra đường đi lối bước… người ta làm cách nào để xua tan nó đi? Không có cách nào đơn giản và hiệu quả hơn là thắp lên một ngọn đèn.
Cũng thế, tội lỗi và các thói hư tật xấu đang vây bọc quanh ta y như bóng tối càng lúc càng dày… Muốn đẩy lùi chúng thì cách tốt nhất là phải thắp lên những “ngọn nến”, đốt lên những “ngọn đèn”… tức là khơi dậy những tâm tình tôn trọng quý mến nhau, khuyến khích nhau làm việc thiện, thúc đẩy nhau làm việc tốt… Những việc tốt đẹp của ta cũng như của những người khác… sẽ tỏa sáng và sẽ là “ánh sáng” đẩy lùi bóng tối tội lỗi quanh ta.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa kết án rất nặng nề và nghiêm khắc những người làm gương xấu: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”
Xin cho chúng con đừng bao giờ gây ra gương xấu để khỏi mang án phạt nặng nề, nhưng luôn nêu cao gương sáng như những ngọn đèn tỏa sáng, để dần dần đẩy lùi bóng đêm tội lỗi trong gia đình cũng như trong thôn xóm chúng con.
 
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
 

 =========================
 Suy niệm 2
TIN MỪNG DỮ DỘI
Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu, đọc giả có lúc cười lúc khóc, có khi cảm nhận được sự xoa dịu ủi an hay thôi thúc tỉnh thức, có lúc cảm thấy bị chói tai, bị cay cú…Tin Mừng luôn nói lên những chân lý và dạy những bài học thích đáng.
Suy niệm trang Tin Mừng (Mc 9,42-48), Lm Nguyễn Hồng Giáo dùng cụm từ “Tin Mừng dữ dội”.
Đầu đề “Tin Mừng dữ dội” chắc sẽ làm cho nhiều người ngạc nhiên thắc mắc. Tin Mừng của Chúa Giêsu mà dữ dội sao? Chẳng phải là Tin Mừng toát ra một bầu khí yêu thương, hiền hoà, bao dung, yêu chuộng hoà bình và bất bạo động bao trùm đó sao? Tôi đồng ý như thế, tôi vẫn biết là có vố số những người đã tìm thấy trong lời dạy về tình thương và thái độ bất bạo động nguyên lý cho sự dấn thân xã hội, chính trị của họ, ví dụ như ba khuôn mặt còn khá quen thuộc với nhiều người trong chúng ta là Mẹ Têrêxa Calcutta, mục sư Tin Lành Martin Luther King và nhà anh hùng Ấn Độ Mahatma Gandhi. Dầu vậy, tôi cứ vẫn thấy Tin Mừng của Chúa là dữ dội, ngay cả hay đúng hơn nhất là Bài giảng trên núi (Mt các chương 5, 6, 7) mà Gandhi lấy làm một nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh hoà bình của mình chống lại thực dân Anh, dành độc lập cho đất nước. Tin Mừng dữ dội với các đòi hỏi gắt gao: "Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà vào cõi sống còn hơn là có đủ hai hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục" (Mt 18, 8-9; x. Mt 5, 19-20). Cần hy sinh những gì đưa chúng ta tới tội trọng và phải biết dám liều mình, hy sinh đến cả mạng sống mình để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. (x.nguoitinhuu.com)
Lời Chúa hôm nay cho thấy tính chất “dữ dội” của Tin Mừng.
Phải tránh gương mù gương xấu “Nếu ai làm cớ cho người khác phạm tội, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà quẳng xuống biển còn hơn”.
Phải quyết liệt và dứt khoát với dịp tội “chặt tay, chặt chân, móc mắt” khi những chi thể này là nguyên nhân phạm tội. ĐGM Arthur Tonne gọi đó là những lời đẫm máu và rùng rợn. Noel Quesson nói: dù là những kiểu nói vùng Sêmít có vẻ quá mạnh, nhưng chúng ta cũng không nên làm nhẹ bớt đi ý nghĩa của những câu đó.
M. Quesnel tự hỏi: Sao chỉ có ba chi thể đó? Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, đó là trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu (Mc 7,21-22). Chúa Giêsu bảo là hãy dứt khoát "chặt đi" bất kỳ sự vật, người hoặc hoàn cảnh nào có thể là dịp tội cho ta. Đó là ý nghĩa của điều mà Phúc Âm gọi là "từ bỏ chính mình" (x. Mc 8,34). Tay mắt và chân là thứ mà ta có từng đôi, mà nếu mất đi một thì cũng không đến nỗi tàn phế. Việc hài tên chúng lần lượt từng cái một là một kiểu nói hùng biện có tác dụng mạnh đối với người nghe (Fiches Dominicales). Tay mắt và chân tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể khám phá nơi bản thân hoặc trong các quan hệ bên ngoài. “Chặt bỏ" một tật xấu một thói quen, "cắt đứt" một mối liên hệ nguy hiểm. Tính dữ dội biểu lộ nơi thái độ chọn lựa dứt khoát và quyết liệt với tội lỗi.
Cũng như người bệnh, phải phẫu thuật, phải cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống, Chúa bảo chúng ta phải quyết liệt với tội lỗi cho dù phải “chặt tay, chặt chân, móc mắt”. Chúa muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Nước Thiên Chúa”, đó là tiêu chuẩn tối hậu của mọi chọn lựa của con người. Biết bao nhiêu người đã chịu thiệt thòi, thậm chí dám chấp nhận cái chết vì trung thành với tất cả các đòi hỏi “dữ dội” của Tin Mừng.
Đời sống Kitô hữu cần được cắt xén, gột rửa, từ bỏ để tăng trưởng, sinh nhiều hoa trái “Nhánh nào không sinh quả thì Thiên Chúa chặt bỏ, còn nhánh nào sinh quả thì Ngài tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn” (Ga 15,1-2).
Có những lời dạy của Tin Mừng, mới nghe qua thì rất "nhẹ nhàng", nhưng gẫm sâu hơn lại thấy vô cùng dữ dội, ví dụ:  "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14, 26). "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được" (Mt 6, 24); "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: 'Chớ giết người'; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt" (Mt 5, 21-22); "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Chớ ngoại tình'. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5, 27-28); "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu đáp: 'Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy'" (Mt 18, 21-22); "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Mắt đền mắt răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài..." (Mt 5, 38-40). Hoặc: "Anh em đã nghe Luật dạy: 'Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù'. Con Thầy. Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em..." (Mt 5, 43-44).
Tin Mừng dữ dội là do sự đòi hỏi vô cùng của sự hoàn thiện và tình thương của Cha trên trời mà các môn đệ Chúa Giêsu, vốn là những con người yếu đuối và tội lỗi, phải noi theo (x. Mt 5, 48 và Lc 6, 36). Giáo lý Tin Mừng không hề kêu gọi bạo lực nhưng nó đòi hỏi người tín hữu phải quyết liệt với mình, làm mạnh với mình, dám dùng "bạo lực" với mình, nếu nói được như thế, bởi lẽ nó bắt ta đi ngược với xu hướng tội lỗi vốn ăn sâu trong ta, đi ngược với sự khôn ngoan thế gian nữa. (Lm Nguyễn Hồng Giáo).
Trước những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, người ta sẵn sàng chấp nhận cắt bỏ một phần chi thể để cứu cả mạng sống. Khi nói “thà cụt một tay, thà mất một mắt” mà được vào cõi sống, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tính quyết liệt, không khoan nhượng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, sự ác. Quả vậy, hoả ngục, điểm đến của tội lỗi, là tình trạng còn tồi tệ hơn cả cái chết. Vì thế, để được vào cõi sống muôn đời, Chúa dạy chúng ta không chỉ tránh tội, những điều tự bản chất là xấu, mà ngay cả những gì thiết thân nhất với mình, những gì tự chúng vốn không xấu, nhưng một khi chúng trở thành dịp tội, chúng ta cũng phải dứt khoát loại bỏ. Gương xấu và làm dịp tội cho người khác gây tai hại và nguy hiểm vô cùng. Các nhà tu đức đã đúc kết thành câu châm ngôn: “Càng tránh dịp tội càng ít phạm tội”.
Có câu chuyện ngụ ngôn “Đại hội cái búa” kể về nỗi lo sợ của các loại cây trong rừng, từ cây cổ thụ cho đến những cây nhỏ đều sợ Cái Búa của người đốn cây. Hễ búa đi đến đâu là cây cối đều ngã rạp đến đó.
Một hôm cây cối họp đại hội, bàn cách đối phó với Cái Búa. Để chứng tỏ rằng việc làm của tất cả cây rừng là công khai, và Búa cũng được mời tham dự Đại hội này.
Sau một lúc bàn bạc sôi nổi, Đại hội đi đến kết luận: Cương quyết không cho Búa bất kỳ một khúc gỗ nào để làm cán cả. Búa mà không có cán thì làm được việc gì bây giờ. Tất cả cây rừng từ nhỏ đến lớn đều hoan hỉ về quyết định này. Dù một khúc gỗ cũng không cho!
Bấy giờ, Búa đưa tay xin phát biểu với giọng nài nỉ đáng thương: Xin quý vị niệm tình, thân tôi mà không có cán như người tật nguyền không tay chân, xin hãy cho tôi một lần này nữa thôi, tôi sẽ chỉ dùng Búa vào những việc tốt, tôi chỉ chặt những gai góc làm vướng chân quý vị mà thôi!
Trước lời thỉnh cầu tội nghiệp của Búa, cả Đại hội liền có sự chia rẽ vì khác quan điểm. Hội nghị phải đi đến việc biểu quyết lại. Kết quả là đa số bằng lòng cấp cho Búa một khúc gỗ duy nhất làm cán. Nhưng hỡi ôi! Khi Búa đã có cán rồi, nó bèn lần lượt đốn hết những cây trong rừng, từ cây non cho đến cây cổ thụ.
Bạn chỉ cần cho tội ác một cơ hội thôi là bạn sẽ hối tiếc cả cuộc đời ! Tội lỗi huỷ hoại đời người như sự hung hãn của núi lửa. Tội lỗi tàn phá cơ thể như bệnh ung thư. Tội lỗi gây hậu quả lâu dài như những đổ vỡ trong Gia đình, hầu như không bao giờ hàn gắn được!
Bạn đừng cho tội ác một cơ hội nào hoành hành, dù chỉ là một một sự dễ dàng cỏn con. Hãy chống trả, hãy cự tuyệt và tránh xa nó ! “Đừng để ma quỷ lợi dụng!” (Ep 4, 27).
Cái xấu có khả năng lây lan rất nhanh. Tiếp cận với lời “dữ dội” của Tin Mừng sẽ giúp bạn tránh xa dịp tội và gương xấu. Nhờ đó, bạn sẽ làm chủ những đam mê như vui, buồn, sợ, giận, yêu, ghét, ham muốn trong mọi mối tương quan.Cái đẹp, cái tốt, cái chân thật thường loan truyền theo chiều rộng và chiều xa. Sống Tin Mừng giúp bạn đem đến cho cuộc đời những nét đẹp, cuộc sống thêm ý nhị đậm đà và nhiều niềm vui hạnh phúc hơn.
Đức Thánh Cha Phanxicô khi suy niệm về việc Đavít phạm tội đã nói: “Điều nghiêm trọng nhất là… Đavít đã mất cảm thức tội lỗi” mà chỉ coi đó là “một sự cố phải giải quyết” (Bài giảng 31/01/2014). Con người ngày nay đang đánh mất cảm thức tội lỗi: người ta không gọi tội lỗi là tội lỗi, mà khoác cho chúng những mỹ từ, thậm chí coi đó là những việc chính đáng, được phép làm (như hợp pháp hoá mại dâm, phá thai…). Để tân phúc âm hoá đời sống xã hội, người Kitô hữu phải có cảm thức nhạy bén trước tội lỗi và loại trừ chúng ngay khi chúng mới xuất hiện dưới dạng một cơn cám dỗ hay một dịp tội.
Chúng ta hãy noi gương thánh Đaminh Saviô trung thành suốt đời với quyết tâm khi rước lễ lần đầu: “Thà chết chứ không phạm tội”.
 
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 
=========================
Suy niệm 4
Đừng bao giờ là cớ vấp phạm
(Mc 9, 37-42. 44. 46-47)
Sau khi Chúa Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ nhất (x. Mc 8, 31-33) rồi lần thứ hai (x. Mc 9, 30-32), là bài học về tư cách của người đứng đầu Chúa dành cho các môn đệ (x. Mc 9, 35-37). Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn các ông về cách sử dụng danh Chúa trong cộng đoàn tín hữu dù là môn đệ hay không (x. Mc 9, 38-40); phần thưởng dành cho những ai sống xứng với danh Kitô hữu của mình (x. Mc 9,41); và đương nhiên kẻ làm cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em sẽ bị trừng phạt thích đáng (9,42); đồng thời Chúa nhấn mạnh đến sự cần phải khước từ những gì gây lên tội lỗi khiến chúng ta mất chỗ trên Nước Trời (x. Mc 9, 43-48).
Chớ ghen ghét
Ghen ghét được coi là một trong 7 mối tội đầu. Lần giở lại những trang đầu Kinh Thánh, chúng ta khám phá ra thói ghen ghét. Vì không bằng lòng với những gì mình có, muốn bằng và thậm trí hơn Thiên Chúa nữa, nên Adong và Evà ghen tuông với Thiên Chúa hái trái cấm để ăn. Thế nhưng, ăn xong rồi thì mọi sự được sáng tỏ. Con người mãi mãi là thụ tạo trong lòng bàn tay của Thiên Chúa là Đấng  Tạo Hóa.
Ghen ghét nảy sinh khi so sánh mình với người khác. Sở dĩ có ghen ghét vì người ta người khác hơn mình, mình bị nép vế, bị mất ảnh hưởng, Giôsuê là một bằng chứng. Khi ông Môsê được thần khí của Thiên Chúa ngự xuống nói chuyện, thì ông dùng một phần thần khí ngự trên ông mà đặt trên 72 kì mục trong lều trại. Còn hai kì mục nữa là ông Enđát và ông Mêđát không có mặt ở trong lều trại mà cũng nhận được thần khí nói tiên tri (x. Ds 11,27). Ðiều đó làm ông Giôsuê thắc mắc. Ông Môsê khuyên ông Giôsuê đừng quan tâm, vì càng nhiều người nói tiên tri, thì Thiên Chúa càng được vinh danh.
Thánh Giacôbê có kinh nghiệm xương máu về tôi ghen ghét, ngài viết: Vậy “ở đâu có ghanh tị và cãi vã, ơ đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoa... Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ” (x. Gc 3, 16-4,3).
Thánh Gioan tông đồ cũng không nằm ngoài cái thường tình ấy. Ông quan ngại về việc Ðức Giêsu ban quyền năng cho người nghe. Ông ghen tị vì có người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỉ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo ông: “Không ai lấy danh nghĩa Thày mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thày” (Mc 9,39).
Quảng đại, hy sinh vì Nước Trời
Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con” (x. Mc 9, 40 ).
Nước Trời và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Chúng ta thấy đó đây có người tháo chân, móc mắt, cắt ruột để kéo dài sự sống tạm bợ, xem ra nhẹ nhàng. Để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.
Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường, tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm, quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.
Đừng là cớ vấp phạm
Sống yêu thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong thánh lễ sáng thứ năm 27 tháng 2 năm 2014 tại Nhà nguyện Mácta, ngài nói: “Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác
Mang danh là Kitô hữu, thì cần phải sống như Kitô hữu, suy nghĩ như Kitô hữu, cảm nhận như Kitô hữu và hành động như Kitô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Kitô hữu, nếu thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Kitô hữu nữa. Cần phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người khác.
Thánh Giacôbê đã nặng lời khiển trách những người Kitô hữu sống bất nhất huênh hoang, Ngài viết: “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp phạm cho người khác”.
Chúa Giêsu lên án người làm cớ vấp phạm: “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.
Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 

 =========================
Suy niệm  5 
Cùng hợp tác
Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
Đức Giêsu chọn gọi và huấn luyện các tông đồ để giao phó Giáo Hội của Người cho. Các ông là những người ít học chẳng có thế giá. Vậy mà Người vẫn tín nhiệm, cầu nguyện với Chúa Cha rồi chọn và sai đi loan báo Tin Mừng. Các ông nghĩ chỉ mình mới được tuyển chọn, mới đích thực là môn đệ của Thầy, thuộc “phe” Thầy với trọng trách loan báo.
Trong Tin Mừng hôm nay, ông Gioan nhìn thấy có những người không thuộc “phe” Thầy cũng lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Với suy nghĩ tự nhiên của con người đơn sơ, ông vội về “méc” và báo công với Thầy: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” (Mc 9,38). Các ông nghĩ mình được độc quyền trong việc làm phép lạ nhân danh Thầy. Tưởng Thầy sẽ đồng tình mà tìm cách xử lý, nhưng chính Thầy lại dẹp tan tư tưởng của các ông: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,39). Thầy nhắc nhở và dạy các ông phải hợp tác, đồng lòng chung sức với những người có thiện chí, vì ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Sau này chính Chúa đã biến đổi, rèn luyện ông Gioan trở nên một người mới, thành “người môn đệ Chúa yêu” và chỉ còn một mình ông trong tông đồ đoàn theo Thầy đến chân thập giá.
Những khác biệt trong Giáo Hội đa dạng đều có thể bổ túc cho nhau, làm nên một Giáo Hội với vẻ đẹp muôn màu, muôn sắc, khi được múc lấy sức sống từ Chúa Kitô và cùng xuất phát từ ơn Chúa Thánh Thần. Đó là hoa trái của tình hiệp nhất yêu thương.
Trong đời sống hằng ngày, nhiều khi chúng con cũng có thái độ khép kín, chỉ đóng khung cho riêng mình, nghĩ chỉ mình mới xứng đáng làm việc này việc nọ nên không chịu hợp tác với người khác. Nhưng hoa trái của Chúa Thánh Thần luôn dồi dào phong phú trong mỗi người bằng nhiều cách và nơi những con người khác nhau: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Chúng con cần tôn trọng thiện chí và những đóng góp của những người khác, dù cách làm của họ có khác biệt với mình.
Ngày nay nhiều người còn lối sống “đèn nhà ai nhà ấy sáng”, chỉ biết có mình hay gia đình mình, còn anh em ra sao mặc kệ họ. Nhưng Chúa muốn chúng con sống cởi mở, thân thiện với mọi người, xóa bỏ những thành kiến ganh tị mà xích lại gần nhau, hợp sức đồng lòng để làm những điều tốt lành, cho thế giới này đẹp hơn lên. Chúa vẫn mời gọi tất cả mọi người chúng con dù ở giai cấp địa vị nào, làm nghề nghiệp gì đều sống gắn bó với Chúa, để cùng ra đi loan báo Tin Mừng, làm nhân chứng cho Tình Yêu. Đức Giêsu còn hứa rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).
Người ta thường bảo: “Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn”. Thực sự để làm gương tốt, gương sáng cho mọi người mới khó, chứ làm gương xấu thì quá dễ, khỏi phải tập tành! Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh báo ta đừng làm cớ cho người khác vấp phạm:  “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,43). Nghe cái bản án dành cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã đáng phải chịu mà sợ hãi khiếp kinh! Vậy mà... “còn hơn để nó làm như vậy”. Trong cuộc sống, có nhiều lần chúng con có thể đã cố tình, hay ít nhất vì vô tình mà gây nên gương xấu, làm cho người ta vấp ngã cách này thế khác! Nhưng cả bấy nhiêu lần chúng con đều được bỏ qua, tha trắng không phải chịu hình phạt nào nhãn tiền. Chẳng phải vì vậy mà cứ tiếp tục, nhưng phải luôn nhìn vào mình mà xét lại, để tránh làm cớ, làm gương xấu trực tiếp hay gián tiếp, mà làm người khác xấu đi theo gương của mình.
Quan trọng hơn nữa, Người khuyến cáo phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm mình phạm tội: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt (Mc 9,43-48). Đã có ai dám móc mắt, chặt tay kẻo mình phạm tội? Điều răn thứ năm cấm hủy hoại thân xác mình và mọi người cơ mà! Nhưng ở đây Chúa muốn con loại bỏ, triệt để xa tránh những hoàn cảnh đưa đến phạm tội, cho dù phải từ bỏ những gì là gần gũi, gắn bó thân thương nhất, cả những gì mình yêu quí nhất.
Ngày nay có một thực tại đau lòng, để an thân cho mình, người ta lại dám... “móc mắt, chặt tay” người khác, khi hủy hoại những thai nhi vô tội... Ngược lại là một nghịch lý rất thực tế và cao đẹp nơi các thánh tử đạo: sẵn sàng chịu chặt đầu, chặt tay chân, phanh thây chứ không thà phạm tội, chối Chúa, để minh chứng cho một tình yêu, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho nước trời.
Lạy Chúa! xin cho con luôn biết soi mình trước Lời Chúa, để nhận ra những nguyên nhân làm con có thể ngã sa. Xin Chúa ngự trị tâm hồn con, cho con can đảm mạnh sức, để dứt khoát với tội lỗi từ trong những mầm mống sâu xa. Ước gì Chúa thực hiện trong con người yếu đuối, mê lầm của chúng con, cho chúng con can đảm từ bỏ, dứt khoát với những dịp tội còn đang níu kéo chúng con. Amen. 
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log