Suy niệm 1
Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta -------------------------------------------------- Phụng vụ chủ nhật hôm nay mời gọi chúng ta gặp gỡ với một Thiên Chúa gần gũi, Người đang đến đối thoại với chúng ta. Lời Chúa vang lên qua dòng lịch sử nhân loại, luôn được canh tân, luôn có khả năng đụng chạm con tim và thay đổi cuộc sống mỗi người. Chính Thiên Chúa khởi xướng. Nhưng Người chờ đợi chúng ta trả lời. Người muốn chúng ta tìm Người qua kinh nguyện. Người muốn con tim chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để Người đến…
Luật Thiên Chúa được ban không phải là để chế ngự, nhưng là giải phóng, đổ đầy sự khôn ngoan và hiểu biết cho chúng ta để chúng ta trở thành dân làm chứng cho tình âu yếm của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Thánh Giacôbê trong bài đọc II nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa đã muốn ban cho chúng ta sự sống qua Lời Chân Lý của Người, một Lời có khả năng cứu độ chúng ta, nhưng với điều kiện: chúng ta phải đồng ý đón nhận không những là một chân lý, mà còn phải là một cuộc sống biến đổi thái độ đối với anh chi em chúng ta, trước hết đối với người mồ côi và góa bụa, có nghĩa là đối với tất cả những người bị bỏ rơi trên thế giới..
Trong tin mừng theo Thánh Marco, có 12 cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và giới cầm quyền tôn giáo lúc bấy giờ. Hôm nay là một cuộc tranh luận về truyền thống tiền nhân. Nhóm luật sỹ và biệt phái đặt ra cho Chúa Giêsu một câu hỏi sau: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân, mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch”?
Chúa Giêsu tôn trọng truyền thống, với điều kiện truyền thống đó năng động và có sức sống, đem lại một chất lượng tốt hơn về cuộc sống. Truyền thống phải giải phóng chúng ta và giúp chúng ta sống tốt hơn. Truyền thống không phải đơn giản lặp lại những cử chỉ của quá khứ, nhưng là thực hiện làm sao cho phù hợp với điều mà chúng ta tin, mới là quan trọng.
Truyền thống thường bị chắp vá bởi những thành kiến và phân biệt. Chúa Giêsu chống lại kiểu truyền thống này. Qua dụ ngôn người Samaritano nhân lành, Chúa Giêsu nhắc cho vị tư tế là đến gần người bị đánh trọng thương và giúp đỡ người đó thì tốt hơn, đừng vì giữ luật truyền thống không được đụng đến người bị thương và xác chết! “khốn cho các ngươi, hỡi các luật sỹ và biệt phái giả hình! Bên ngoài các người là những người công chính, nhưng bên trong các ngươi đày giả hình và đồi phong bại tục, mà lại bỏ đi những điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân từ và thành tín”.
Nhiều người Biệt Phái để ý từng chi tiết “những người giữ“ luật trong sạch. Tuy nhiên họ bị người ta gọi là những người giả hình vì họ đòi hỏi người khác điều mà chính họ không có thể chu toàn…Để được gọi là trung thành với truyền thống, họ yêu cầu tuân giữ cả những chi tiết nhỏ của Lề Luật…Họ quan sát Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa có giữ những điều đó không để họ bắt bẻ và tố cáo…
Chúa Giêsu rất nghiêm khắc đối với các luật sỹ và Pharisieu giả hình đó vì họ thực hành tôn giáo của họ theo kiểu bề ngoài, không đáp ứng được điều căn bản của Lề Luật. Hôm nay Chúa Giê-su cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về việc thực hành tôn giáo của chúng ta và những điều mà chúng ta phải tin. Điều căn bản của việc thực hành tôn giáo phải xuất phát từ con tim.
Một số người có đạo chúng ta cũng giống những người Biệt Phái đó, nhất là nơi những xứ đạo lâu đời. Họ giữ tỷ mỉ những thủ tục ngày xưa mà không chịu thay đổi con tim, họ thích rước sách linh đình, ngắm nguyện hơn là tham dự thánh lễ, họ thích làm những việc bề ngoài hơn là sống có sự hiện diện của Thiên Chúa…
Cần phải phân biệt cái gì là chính và cái gì là phụ. Chỉ mình Chúa Thánh Thần có thể soi sáng cho chúng ta biết điều đó nếu chúng ta cầu xin Người. Chúa Giêsu nói rõ điều đó trong bài Tin Mừng hôm nay. Điều quan trọng, điều chính yếu, đó là Yêu Mến Thiên Chúa trên hết và yêu mến mọi người chung quanh chúng ta , cố gắng làm cho người xung quanh chúng ta được hạnh phúc. Tất cả những luật lệ và truyền thống chỉ có giá trị khi chúng ta thi hành trong tình yêu mến.
Điều quan trọng hơn tất cả là điều mà chúng ta có trong con tim.
Điều gì xuất phát từ con tim chúng ta:
- Lòng nhân từ hay là ác tâm? Sự tốt lành hay là mối thù oán?
- Tình yêu hay là ghen ghét?
Nhiều người rất trung thành với những luật lệ nhỏ nhoi nhưng lại bỏ không tuân giữ luật bác ái quan trọng…
Truyền thống là một thói quen được thiết lập nên để thực hiện trong một thời kỳ nào đó. Truyền thống là do con người thiết lập. Trở về thời kỳ kito giáo ở những thế kỷ đầu của Giáo Hội, mọi người đều nói tiếng latinh, và các kito hữu gặp nhau cũng phải nói tiếng latinh….Họ cầu nguyện bằng tiếng latinh...Chỉ những người rất có học thức mới hiểu được. Sau này công đồng Vatican II cho dùng tiếng địa phương trong các nghi thức phụng vụ để chúng ta tham dự cách tích cực hơn và sống đạo tốt hơn. Nhiều người cho rằng như thế là mất truyền thống của Giáo Hội.
Nên nhớ rằng Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa luôn trẻ trung và mãi mãi trẻ trung, một Thiên Chúa không ngừng làm cho mọi sự nên mới. Nếu chúng ta cứ bảo thủ với một vài truyền thống của mình thì làm sao có thể thăng tiến Giáo xứ của chúng ta được?
Lạy Chúa của con, xin hãy làm cho chúng con trở nên biểu tượng sống động của lòng thương xót Chúa! Nhiều khi chúng con muốn chứng tỏ mình là người đạo đức qua việc thực thi các giới răn Chúa chỉ nhằm mục đích riêng tư che giấu sự yếu hèn của chúng con thôi. Xin đừng để chúng con nô lệ luật lệ theo mặt chữ, nhưng cho chúng con con tim tinh tuyền và yêu mến, nơi mà Chúa có thể ngự trị. Xin Chúa đến yêu trong chúng con và trợ giúp tình yêu của anh chị em trong chúng con. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Cội nguồn của tội ác
(Mc 7, 1-8.14-15.21-23)
Trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh, có hàng ngàn người xuống đường tuần hành qua các đường phố, hô to các khẩu hiệu chống chiến tranh. Ban đầu, đám đông hô vang: "Hủy bỏ bom đạn giết người!"
Sau đó, trong nhóm tham gia biểu tình có cuộc tranh luận nhỏ: "Làm gì có bom đạn giết người! Bom đạn có giết ai bao giờ đâu? Chỉ có những người ác chế ra bom đạn, rồi ném bom lên đầu người khác mới gây nên thảm họa giết người."
Thế là sau đó, người ta hô khẩu hiệu khác, hợp tình hợp lý hơn: "Đả đảo những kẻ giết người!"
Nhưng rồi lại có người bàn thêm: "Đâu phải tự dưng mà người lại giết người. Phải có động cơ nào đó thúc đẩy mới có việc giết người chứ! Nếu không có lòng tham lam, ghen tị và những dục vọng xấu xa thúc đẩy, nào ai lại đi giết người!"
Ý kiến nầy được xem là chí lý.
Thế là cuối cùng, mọi người hô to khẩu hiệu khác: "Đả đảo lòng tham lam! Đả đảo lòng ghen tị! Đả đảo sự hận thù!" (dựa theo Cha Anthony de Mello)
Chính những dục vọng đen tối trong lòng người mới là nguyên nhân chính gây nên mọi thứ xấu xa trong cuộc đời và trên thế giới. Cội nguồn sự ác nằm trong thâm tâm con người là thứ phải truy diệt trước hết.
Thế nhưng, vì chưa hiểu điều nầy, những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giê-su cứ lo rửa ráy bên ngoài mà không lo rửa sạch nội tâm. Họ chú mục vào việc rửa tay trước khi dùng bữa, cho rằng đó là việc quan trọng hàng đầu và trách móc các môn đệ Chúa Giê-su đã bỏ qua tập tục đó.
Nhân cơ hội nầy, Chúa Giê-su dạy cho các ông một bài học: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế" (Mác-cô 7, 14-15. 21-23).
Sự kiện sau đây được thuật lại trong sách Sa-mu-en tỏ cho chúng ta thấy mầm mống ghen tị bên trong lòng người là động cơ phát sinh ra tội ác bên ngoài:
Thời ấy, Gô-li-át, một kiện tướng của quân Phi-li-tinh, một người khổng lồ có sức mạnh vô địch, khiêu chiến với quân Ít-ra-en. Trong hàng ngũ quân Ít- ra-en, không ai dám đương đầu với tên khổng lồ ấy.
May thay, Đa-vít xuất hiện kịp thời. Cậu dùng ná bắn lủng trán Gô-li-át, rồi dùng chính gươm của y mà chặt đầu y. Quân Ít-ra-en bấy giờ thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, đánh tan quân địch không còn manh giáp.
Sau đó, phụ nữ từ các thành Ít-ra-en tuôn ra các ngã đường chào mừng vua Sa-un chiến thắng và ca tụng Đa-vít như vị anh hùng kiệt xuất: "Vua Sa-un giết được một ngàn, còn Đa-vít giết được hàng vạn” (Samuen I, 18, 6-8).
Lời ca tụng đó làm cho lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Sa-un khiến nhà vua tìm mọi cách tiêu diệt Đa-vít và đem quân truy lùng tận những hang núi sâu, mưu toan tiêu diệt vị anh hùng tài năng và dũng cảm nầy.
Đúng là những gì xấu xa trong lòng người mới làm cho người ta ra nhơ uế. Cội nguồn sự ác nằm trong thâm tâm con người là điều mà người ta phải quan tâm tiêu diệt trước hết.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con mỗi ngày biết dành thời gian thinh lặng để nhìn sâu vào tận đáy lòng mình, nhờ đó, chúng con có thể phát hiện ra những ham muốn xấu xa, những kiêu căng và ghen tị, những tham lam và thù ghét đang âm ỉ trong lòng mình. Chính những thứ đó mới là nguyên nhân gây nên biết bao tội ác, tạo nên mọi điều xấu xa trong xã hội loài người.
Xin giúp chúng con kiên quyết nhổ bỏ những dục vọng xấu xa đen tối khỏi tâm hồn mình ngay từ hôm nay, để mai đây chúng con khỏi bị chúng điều khiển, chi phối và xô đẩy vào vũng lầy tội lỗi.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 3
Giữ Luật với lòng mến Chúa
(Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)
Phụng vụ Lời Chúa thường niên B năm tuần vừa qua bị gián đoạn bởi chương 6 Tin Mừng Gioan xen vào, hôm nay chúng ta trở lại với chương 7 Tin Mừng Macô, Chúa Giêsu giúp các môn đệ cũng như người đương thời đào sâu ý niệm về sự trong sạch và những luật lệ liên quan. Về vấn đề này, thư thánh Giacôbê trong bài đọc II cũng soi sáng cho chúng ta khi ngài viết : « Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này» (Gc 1,27 ).
Đạo trong sạch
Từ thế kỷ thứ II, người Do thái đưa ra luật cấm không được giao du và ăn uống với dân ngoại, để khỏi bị ô uế. Người Pharisiêu cho rằng tôn giáo của họ phát xuất từ Thiên Chúa, tẩy sạch là một nghi lễ công cộng, "vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước" (Mc 7), thế nên họ chướng tai gai mắt khi thấy môn đệ Chúa Giêsu "dùng bữa với bàn tay không trong sạch" (Mc 7,3). Người Do thái chỉ ăn sau khi đã rửa tay (x. Mc 7,3), các tập tục của họ gắn bó với "truyền thống" (Mc 7,4), thể hiện lòng trung thành với "Thiên Chúa, Đấng ở gần họ" (x. Dnl 4, 7) như Môise đã nói.
Cần phải ghi nhận rằng, Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ Lề Luật. Nhưng dạy người ta chống lại thói đạo đức giả hình, vụ hình thức, quan trọng hóa luật lệ của con tim với nghi lễ bên ngoài. Người lên án việc làm khiến người ta xa rời Thiên Chúa, và nghĩ rằng thực hành tỉ mỉ của các quy tắc Luật định là vinh quang ; mặt khác, theo Chúa Giêsu, sự trong sạch không tùy thuộc vào lễ nghi thanh tẩy, nhưng tùy thuộc vào tấm lòng.
Lòng trong sạch
Khi tuyên bố : "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế " (Mc 7), cái đó không chạm tới lòng người ta, nhưng vào trong bụng và kết thúc trong cống rãnh. Theo Chúa Giêsu, điều gì làm cho chúng ta ô uế: " Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế".
Những gì là nhơ bẩn, ô uế, hay những ý định và hành động xấu xa không đến từ bên ngoài, mà đến từ lòng dạ xấu xa và xa rời Thiên Chúa. Thiên Chúa không hiện diện khi lòng người rời xa Chúa.
Tôn giáo được Chúa Giêsu thiết lập không giảm thiểu vào các nghi lễ bên ngoài, gồm một mớ những học thuyết và đạo đức giả ; đây là sự mặc khải về khuôn mặt của Thiên Chúa trong nhân loại nơi con người Chúa Giêsu. Việc thực hành đạo dù lớn hay nhỏ, chỉ có ý nghĩa và có giá trị khi được sinh ra từ tình yêu, được tháp tùng bởi tình yêu và được tiêu thụ trong tình yêu.
Yêu thương là chu toàn Luật Chúa
Tập tục của tiền nhân người Do thái thích giữ với lòng đạo đức ấy lại trái với Luật Môise. Đó là lý do tại sao Êsai nói : "Bạc của ngươi hóa thành ten chì, rượu đã trá pha nước lã" (Is 1,22), cho thấy người xưa kết hợp sống giới luật của Chúa với một truyền thống nhạt nhòa, nghĩa là họ đã thiết lập một luật biến chất trái với Luật Chúa. Chúa Giêsu trách họ: Tại sao các ông phạm đến lệnh truyền của Thiên Chúa nhân lệ truyền của các ông? (Mt 15,3) Họ bỏ qua những điều cần thiết, thêm vào những khoản phụ và giải thích theo lối khác, việc họ làm lột tẩy họ là những kẻ đạo đức giả hình.
Họ cương quyết bảo vệ các tập tục, nhưng không tuân thủ Luật Chúa. Thậm chí họ đổ lỗi cho Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabát khi chữa bệnh, điều mà Luật không cấm. Tuy nhiên, họ không nhận lỗi về mình đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, luật của họ thiếu hẳng tình yêu. Tình yêu này, trên thực tế, là điều răn thứ nhất và trọng nhất, và thứ hai là tình yêu của người lân cận.
Thánh Phaolô cũng nói: Yêu mến là chu toàn cả Lề luật (Rm 13,10) và khi tất cả chỉ còn lại Tin, Cậy, Mến. Ấy là bộ ba! Nhưng trong bộ ba ấy, Mến lớn hơn cả! ( 1Cor 13,13). Và giả như tôi được ơn tiên tri, và biết mọi sự nhiệm mầu, toàn cả trí tri; và giả như tôi được tất cả lòng tin, khiến chuyển được đồi núi, mà tôi lại không có lòng mến, thì tôi vẫn là không! (1Co 13,2). Nếu không có bác ái thì tất cả chỉ là không.
Chính bác ai mang lại sự hoàn hảo cho con người, vì ai yêu mến Thiên Chúa là hoàn hảo trong thế giới hiện tại và tương lai. Vì chúng ta sẽ không bao giờ ngừng yêu mến Thiên Chúa, nhưng hơn thế nữa sẽ chiêm ngắm và yêu mến Ngài đồng thời thương tha nhân.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 4
LỀ LUẬT LÀ DẤU CHỈ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
(Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)
Chúa nhật thứ XXII thường niên B đưa chúng ta trở lại với Tin Mừng Marcô, với sứ điệp Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra rằng, giữa bao nhiêu phong tục tập quán của loài người còn có những Luật Lệ của Thiên Chúa. Lề Luật ấy là yếu tố nòng cốt của Do thái giáo cũng như Kitô giáo, nơi Lề Luật, chúng ta tìm thấy sự hoàn hảo trong tình yêu (x. Rm 13,10). Và Lề Luật của Thiên Chúa không phải là một gánh nặng hay sự gò bó đối với con người, đúng hơn Lề Luật là hồng ân quý giá, vì nó chứng tỏ thấy tình yêu của Thiên Chúa là Cha luôn gần gũi với con người là thần dân của Chúa, cùng với họ viết lên một lịch sử tình yêu.
Vì yêu mến con người Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa (x. St). Cũng vì muốn con người vui sống hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban truyền các Thánh chỉ của Ngài là Lề Luật để hướng dẫn con người, đưa con người ra khỏi tình trạng nô lệ của ích kỷ và dẫn vào trong "miền đất" của sự tự do và sự sống đích thật. Những người Do thái đạo đức thường cầu nguyện như sau: "Nơi các luật điều của Người, tôi vui khoái, tôi sẽ không quên lời lẽ của Người… Xin cho tôi vững bước trên nẻo đi lệnh truyền, vì nó là nguồn sung sướng của tôi" (Tv 119,16.35).
Thánh chỉ của Chúa được ban qua trung gian Môisen, và Môisen có bổn phận phải thông truyền cho dân như sau: "Và bây giờ, hỡi Israel, hãy nghe các luật điều và phán quyết ta dạy các ngươi thi hành, ngõ hầu các ngươi được sống mà vào chiếm lấy đất Thiên Chúa của cha ông các ngươi muốn ban cho các ngươi" (Ðnl 4,1).
Với dòng thời gian, con người trở nên hư hỏng và bị cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, và đương nhiên họ không còn tuân giữ Lề Luật Chúa nữa. Như thế tôn giáo lạc mất ý nghĩa đích thật của nó là sống trong thái độ lắng nghe Thiên Chúa để làm theo ý muốn của Ngài. Tôn giáo tự giản lược vào việc thi hành các thói quen phụ thuộc làm thỏa mãn nhu cầu của con người cảm thấy yên ổn với Thiên Chúa. Đã đành với thời gian qua đi con người có xu hướng bóp méo những lời khuyên Tin Mừng, và sau khi đã suy xét, họ thay đổi hoặc bóp nghẹt bởi do dự : "Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng …" (Mc 7, 4). Vì thế những người sống đạo bình dân, đã không nghe lời các tiến sĩ luật và những người pharisiêu, họ gắn bó với Lời Chúa hơn là vấn đề con người chú trọng. Chúa Giêsu lấy các lời của ngôn sứ Isaia làm của mình chống lại các kinh sĩ và các Pharisiêu: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người" (Mc 7, 7; x. Is 29,13). Và Người kết luận: "Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người" (Mc 7, 8). Cả tông đồ Giacôbê, trong thư của người, cũng cảnh cáo nguy cơ của một tôn giáo giả. Người viết cho các kitô hữu như sau: "Anh em hãy là những người thực hành Lời Chúa, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình" (Gc 1,22).
Lúc sinh thời, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhân danh toàn thể Giáo hội ngỏ lời xin lỗi vì những điều không tốt con cái mình đã gây ra trong suốt chiều dài của lịch sử, trong nghĩa đó ngài bộc bạch rằng con cái mình "đã đi quá xa Tin Mừng".
Lời Chúa Giêsu nói với chúng ta : "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế" (Mc 7,15). Chỉ có những gì từ lòng người xuất ra, từ trong tòa án lương tâm của chúng ta mới có thể làm chúng ta ra ô uế. Chính sự độc ác này làm hư hỏng cả và nhân loại. Lòng thương xót của chúng ta không chính đáng với chính mình, nhưng giữ tâm hồn chúng ta không bị nhơ bẩn, "rửa tay" (của Philatô dẫn đến cái chết cả Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta điều đó).
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu diễn tả điều ấy cách chắc chắn trong cuốn Nhật Ký Tâm Hồn : "(…) Khi chiêm ngắm thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, tôi đã hiểu rằng Giáo hội có một trái tim tình yêu cháy bỏng". Từ trái tim ấy, Tin Mừng tình yêu trào dâng những điều tốt hảo, cụ thể là giúp đỡ những ai cần giúp "vì ta đói, các người đã cho ăn..." (Mt 25,35).
Xin Ðức Trinh Nữ Maria cầu thay nguyện giúp cho chúng ta là con cái Mẹ biết lắng nghe Lời Chúa với con tim rộng mở và chân thành, để Mẹ hướng dẫn các tư tưởng, các lựa chọn và hành động của chúng ta mỗi ngày. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=======================
Suy niệm 5
Từ Lòng Con Người
Dnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8a.15.21-23
Những người Pharisêu khó chịu khi thấy vài môn đệ của Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Nhân cơ hội này, Người trả lời cho cả đám đông hiểu rõ ý nghĩa đích thực của sự thanh sạch hay ô uế: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,14-15). Đây là chuyện khó hiểu. Người dạy cho các môn đệ một bài học để đánh tan quan niệm sợ bị ô uế bởi vật chất. Mọi thức ăn đều thanh sạch, không có gì từ bên ngoài vào có thể làm cho người ta bị ô uế tâm hồn. Nhưng chỉ những điều xấu từ trong con người xuất ra mới làm dơ bẩn tâm hồn. Người liệt kê mười hai thứ từ bên trong mà ra làm ta trở nên dơ bẩn: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” (Mc 7,21-22). Những tư tưởng xấu từ bên trong con người này đưa đến những hành động sai trái bên ngoài. Thật vậy, tư tưởng tốt sẽ dẫn đến những hành động tốt đẹp, mưu ích cho mình và mọi người. Một cõi lòng hiền lành không đưa đến hành vi độc ác. Một trái tim yêu thương, luôn nghĩ tốt sẽ làm ta luôn nói tốt cho người khác, phát sinh những việc tốt lành và không làm tổn thương đến tha nhân.
Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự tốt lành. Để tôi nhìn nhận ra được những cái từ bên trong làm cho con người ra ô uế đã khó, rồi làm sao để loại trừ những thứ dơ bẩn mà tôi không thấy dơ bẩn lại càng khó khăn. Tự sức riêng tôi không làm được, chỉ khi tôi mở rộng lòng đón Thầy Giêsu vào trong lòng mình. Có Thầy hiện diện, ánh sáng và sức mạnh từ Thầy sẽ thanh tẩy, đổi mới làm chúng rơi rụng khỏi con người tôi.
Lạy Chúa Giêsu là ánh thanh sạch sáng láng đời đời! xin ngự trị tâm hồn con. Xin Chúa luôn hiện diện trong con để thanh tẩy, giữ gìn con từ trong con tim, trong tư tưởng tới lời nói việc làm. Có Chúa ở cùng con an tâm bước đi. Bởi vì “Có Chúa trong thành địch thù tan nát hết. Chúa trong lòng ta lo lắng gì hồn tôi ơi!” (Thánh ca).
Én Nhỏ