Thứ sáu, 10/01/2025

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 21 Thường Niên B

Cập nhật lúc 17:32 24/08/2018
Suy niệm 1
“Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Vì Thầy có lời ban sự sống”
---------------------------------------
Từ chối hoặc chấp nhận Lời Chúa không phải chỉ là câu chuyện của ngày xưa, mà còn cả của  ngày nay nữa. Những từ ngữ mà người ta phản kháng có khi là khá mạnh: Lời Ngài chói tai quá. Khi Chúa Giêsu mặc khải ân huệ đặc biệt mà Ngài đem đến cho thế giới chính là bản thân Ngài dưới hình bánh rượu, thì Ngài đã bị ngay cả một số môn đệ từ chối.  Tuy nhiên, Thánh Thể vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này làm chưng hửng đến nỗi trở nên trở ngại đối với đức tin của người tín hữu thời nay.
Đối với những người Dothái lúc bấy giờ, Chúa Giêsu nói thẳng thắn với họ về bí tích Thánh Thể. Theo như chúng ta nghĩ, Chúa đi hơi nhanh. Ngài mời gọi họ ăn Thịt và uống Máu Ngài. Nghe vậy, họ không thể chấp nhận được. Chúa đành phải hỏi họ: “Điều đó làm các ông khó chịu ư?” Câu hỏi đó càng làm họ lúng túng và bực mình. Thế là họ bỏ đi vì họ biết rõ hôm nay những quán ăn miễn phí đã đóng cửa rồi và cũng chẳng có nhân thừa bánh nữa đâu!
Thấy thế, Chúa Giêsu cũng chẳng vời họ lại. Ngài để mặc họ ra đi. Ngài làm như thế để tất cả mọi người dù bất kỳ thời đại nào phải biết rằng: bí tích Thánh Thể không phải là một biểu tượng và cũng không phải là một kỷ niệm đơn giản, nhưng là sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô dưới hình bánh rượu. Chúa Giêsu không chạy theo để níu kéo họ. Ngài không có quyền tô son vẽ phấn cho sứ điệp về mầu nhiệm này. Thánh Thể là cử chỉ đích thực, nơi Thiên Chúa tự trao ban đích thực có thịt máu.
Mầu nhiệm này cũng làm chưng hửng cả các tông đồ nữa. Họ nhìn nhau và đoán xem mỗi người đang nghĩ gì. Thấy họ nghi ngờ, Chúa Giêsu liền hỏi: “Cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không?” Thật may phúc, Phêrô có mặt ở đó. Phêrô cứu vãn tình thế: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống?”  Như vậy, nhóm 12 đã chứng tỏ mình là số còn lại tin theo Chúa, dù con số này là quá ít so với đám đông. Cũng từ nhóm này mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập Giáo Hội tương lai của Ngài. Và dần dần Ngài giải thích cho các ông về Thánh Thể: Ngài cắt nghĩa cho các ông về manna mà cha ông họ ăn trong rừng vắng xưa kia chỉ là báo trước Bánh Thánh Thể mà thôi.
Dù sao, Thánh Thể vẫn luôn là một mầu nhiệm cao cả. Vào thời Chúa Giêsu, Thánh Thể là mặc khải để mỗi người có cơ hội xác định vị trí của mình. Nhiều môn đệ bỏ đi, nhưng nhóm 12 tông đồ nhờ vào đức tin của Phêrô, họ đã ở lại. Tuy nhiên, cho đến nay, Thánh Thể vẫn luôn là một vấn đề gây cấn về đức Tin. Cha Thánh Gioan Maria Vianney nói: “Hãy nói cho tôi biết quan niệm của bạn thế nào về bí tích Thánh Thể thì tôi sẽ nói cho bạn biết đức tin của bạn làm sao.”
Chúng ta có thể xác định vị trí của mình thuộc nhóm người nào khi đối diện với bí tích Thánh Thể:
- Dân Dothai, nhóm môn đệ hay nhóm 12 tông đồ?
- Nhóm nhà khoa học từ chối một tín điều, mà chính khoa học cũng không có thể giải thích được?
- Nhóm người có đầu óc phê bình: đánh giá thấp thế giới hữu hình và quên đi những thực tại đơn sơ nhất của đời sống thường ngày như bánh, rượu, nước có thể là những biểu tượng của thế giới vô hình chứng minh có Đấng Tạo Hoá?
- Nhóm người chỉ thấy trong bánh ruợu một sự gợi lạimột kỷ niệm của bữa tiệc ly?
- Nhóm người thờ ơ hoặc dửng dưng khi tham dự thánh lễ mà không nhận ra tầm quan trọng phi thường của việc tham dự đích thực vào bàn tiệc Thánh Thể ?
- Nhóm người quá thận trọng tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa dưới hình bánh ruợu, đến nỗi cảm thấy mình không dám đến gần Thiên Chúa? Nếu như vậy, chính là vì chúng ta không đủ tin vào Tình yêu của Ngài đã chủ động ban cho chúng ta món quà này. Cha Thánh Gioan Vianey nói: “Bạn nói là bạn không xứng đáng rước lễ. Đúng, tất cả chúng ta đều không đáng, nhưng chúng ta rất cần Chúa”.
- Chúng ta có giống như những người tự do quá trớn, đến bàn tiệc thánh như thói quen hoặc như một cái máy, mà quên rằng chúng ta đến để đón nhận một Đấng hoàn toàn khác chúng ta, mặc dù Ngài là Tình Yêu và rất muốn gần gũi chúng ta? Biết bao nhiêu người đã cắt xén việc cám ơn Chúa và đánh mất những giây phút thân mật với Ngài.
- Chúng ta có giống như Phêrô và nhóm 12 tông đồ, với một đức tin hoàn toàn phó thác vào Lời Chúa: Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời không?
Giờ đây chúng ta hãy cảm phục và vui mừng liên tưởng đến các tông đồ và biết bao nhiêu người tín hữu khác, được Chúa Thánh Thánh soi sáng, họ đã thường xuyên rước lễ vì họ không thể chịu đựng nổi cảnh chờ đợi một ân huệ cao cả đến với họ. Họ thường xuyên rước lễ khi có thể vì họ biết rõ họ không thể chỉ ăn một lần là đủ: của ăn nuôi sống cho hôm qua không thể đủ cho hôm nay được. Đối với họ, vấn đề của việc rước lễ là vấn đề sống còn để thăng tiến đời sống thiêng liêng. Nếu chúng ta chỉ rước lễ một năm một lần thôi, thì chúng ta sẽ có nguy cơ thiếu máu và xanh xao, rồi cũng có thể chết về đời sống thiêng liêng đó!
Nếu thuộc nhóm 12 tông đồ thưa với Chúa: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai”, thì chúng ta hãy cố gắng:
- Đọc, nghe và suy niệm Lời Chúa để thực hiện Thánh Ý Ngài,
- Rước lễ mỗi khi có thể,
- Rước lễ không phải theo thói quen mà là để trở nên giống Chúa hơn,
- Trở nên giống Chúa, thì cũng phải đem tình thương Chúa đến với người khác.
Đó là tâm tình của Thánh nữ Therese Lisieux đã cảm nghiệm: “Chúa Giêsu từ trời xuống không phải là để ở trong bình dựng Mình Thánh bằng vàng, nhưng là để tìm một Trời khác: trời của tâm hồn chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Ngài, là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu từ trời xuống cũng không phải là để ở trong bình của một tâm hồn sùng đạo, nhưng là để nối kết tất cả các tâm hồn đã đón nhận Ngài trong một thân thể vĩ đại là Giáo Hội.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
=======================
Suy niệm 2
Lời Chúa là Lời Hằng Sống
(Ga 6, 61 – 70)
Từ xưa đến nay, sống trường thọ luôn là mơ ước của toàn nhân loại. Không hiếm các bậc đế vương trong lịch sử hao công tốn của đi tìm kiếm. Hiện nay, dù cho khoa học có rất nhiều tiến bộ, đời sống con người ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ được nâng cao, nhưng cái đích cuộc sống bất tử có lẽ còn rất xa con người hay bất cứ ai muốn đạt được điều kỳ diệu ấy. Bất tử, đồng nghĩa với không phải chết, hay sống đời đời.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta một bí quyết, chọn Chúa thì sẽ được sống tự do, sống vui và sống sống hạnh phục (x. Gs 24, 1-2a. 15-17. 18b), theo Chúa, kết hợp với Chúa thì sẽ được sống đời đời, lời thánh Phêrô khẳng định, "chỉ có Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (x. Ga 6,68).
Chọn Chúa để được sống
Sinh ra sống ở trên đời, con người được đặt trước những lựa chọn. Chọn cho mình một lý tưởng, một hướng đi là điều rất quan trọng nhất, chọn đúng thì hạnh phúc, chọn sai sẽ có điều ngược lại. Ai trong chúng ta cũng phải đối diện với sự chọn lựa ấy, dân Do thái thời được Giôsuê đặt trước những chọn lựa: " Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ…”. Dân đáp lại: "Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Thiên Chúa, mà phụng thờ các thần khác. Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông của chúng tôi lên từ đất Ai Cập, từ nhà nô lệ…" (Gs 24, 15-17). Dân đã chọn Chúa để được sống trong tự do làm con cái Chúa là Chúa sự sống.
Chọn Giêsu Bánh Hằng Sống
Đoạn Tin Mừng hôm nay dẫn chúng ta về Capharnaum, nơi có rất nhiều người theo Chúa Giêsu vì họ đã thấy phép lạ Chúa làm, đặc biệt sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Về phương diện xã hội, chính tại nơi đây Chúa Giêsu có nguy cơ "chết vì thành công", như Tin Mừng mô tả, họ muốn tôn Người lên làm vua (x. Ga 6, 15). Đây là thời điểm quan trọng trong cuộc đời rao giảng của Chúa Kitô. Chính thời điểm này, Người bắt đầu mạc khải rõ ​​nét về về Bánh Hằng Sống là chính Người với những lời xác quyết về sự sống siêu nhiên qua điệp của Người.
Khát vọng của con người là được sống trường sinh. Ngay từ thủa ban đầu, Adam va Evà đã hái và ăn trái cấm, vì tin rằng trái này sẽ làm cho mình sống mãi, không phải chết. Bất tử trên đời này là một điều thú vị và ai cũng khao khát, nhưng xem ra không tìm thấy ở trần gian này.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ăn và uống chính thịt và máu Người để được sống đời đời. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi “ăn” và “uống” không phải một sự vật, nhưng là “ăn thịt và uống máu con người có tên Giêsu” một ngôi vị sống động. Người tha thiết mời gọi chúng ta đến với Người, tin vào Người, ở lại trong Người như thánh Phaolô: "Không còn là tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi" (), nghĩa là ai đón rược Chúa vào trong cuộc đời, được Chúa trở thành xương thịt, thành sự sống cho người ấy. Chẳng những thịt máu Chúa nuôi sống mà Lời Chúa cũng mang lại cho chúng ta sự sống đời đời cho những kẻ nghe Người. Thế nhưng không phải ai cũng có thể lĩnh hội được.
Lời từ miệng Chúa phán ra với đám đông dân chúng khiến Chúa gặp rắc rối với họ, đến nhóm môn đệ Chúa cũng còn nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" (Ga 6, 60).
Một ai đó nói rằng, trong lịch sử Giáo hội, những người vĩ đại giống như những những cây cột không thể phá hủy khi đổ xuống: "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa" (Ga 6,66). Chúng ta có thể gục ngã, "bỏ qua", ra đi, chỉ trích, hay tiếp thu những Lời Chúa Giêsu nói trên vào trong tâm trí chúng ta. Với sự khiêm nhường và tin tưởng, chúng ta hãy thưa với Chúa Giêsu rằng, lạy Chúa chúng con muốn trung thành với Chúa hôm nay, mai ngày và mãi mãi. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu rằng thật vô ích khi tranh luận về lời giảng dạy của Thiên Chúa hay Giáo hội nên chúng ta nói với nhau rằng "Tôi không hiểu" ; "Lạy Thầy, chúng ta sẽ đi theo ai?" (Ga 6,68). Chúng ta nên xin một ơn phân định siêu nhiên hơn. Chỉ trong Thiên Chúa và Giáo hội chúng ta sẽ tìm thấy Lời ban sự sống đời đời: "Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6,68).
Lời Đức Kitô mang lại sự sống đời đời
Giống như Phêrô, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu nói với chúng ta bằng ngôn ngữ siêu nhiên, một ngôn ngữ mà chúng ta phải đồng ý và đồng hóa để hiểu ý nghĩa, nếu không chúng ta chỉ nghe thấy những tiếng ồn không mạch lạc và khó chịu. Giống như Phêrô, trong đời sống Kitô hữu chúng ta có những khoảnh khắc, chúng ta phải tự làm mới và bày tỏ chính mình với Chúa Giêsu để thưa với Chúa rằng chúng con ở với Chúa và chúng con muốn tiếp tục theo Chúa. Phêrô yêu mến Chúa Giêsu, và đó là lý do tại sao ông ở lại với Chúa, những người khác yêu Chúa chỉ vì cơm bánh, trẻ em theo Chúa vì "kẹo", số người khác vì lý do chính trị đã bỏ rơi Chúa. Bí mật của lòng trung thành là tình yêu và sự tin tưởng.
Chúng ta hãy xin Đức Maria là Đức Nữ trung tín thật thà giúp chúng ta từ bây giờ trung thành với Chúa và với Giáo hội.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 =======================
Suy niệm 3
LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
(Ga 6, 61 – 70)
Khởi đi từ tình mục tử ấp ủ đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt (x. (Mc 6, 30-34), Chúa Giêsu đã "chạnh lòng thương", làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Ga 6, 1-15). Từ của ăn vật chất, Chúa gợi lên nơi họ khát vọng sống trường sinh, muốn được họ phải đi tìm Chúa, tin vào Chúa, ăn chính thịt và uống máu Chúa là bánh hằng sống từ Trời xuống (x. Ga 6, 16-60).
Với diễn từ của Chúa Giêsu về bánh hằng sống tại Hội đường Do thái ở Capharnaum, nhiều người bỏ Chúa, còn các môn đệ không chấp nhận điều ấy, họ nói: "Lời này chói tai quá! Ai nghe  được!" (Ga 6, 60) Tại sao họ lại có thái độ khước từ Chúa đến như vậy? Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao ?
Có người khước từ
Vấn đề ở đây là "ăn thịt và uống máu" (Ga 6,54) một con người có tên là Giêsu, đồng hương với họ để được sống đời đời. Chúa Giêsu cố tình nói như thế, đây là một vấn đề rất cam go, một khúc quanh trong cuộc đời công khai của Chúa. Dân chúng và cả các môn đệ trước đây rất phấn khởi đi theo Chúa, thấy Chúa làm phép lạ; cả việc hóa bánh ra nhiều cũng là một mạc khải về Ðấng Messia, khiến họ muốn tung hô và tôn Chúa Giêsu làm vua Israel, nhưng chắc chắn ý Chúa Giêsu không như vậy. Với diễn từ dài, Chúa làm dịu bớt sự phấn khởi trong dân và tạo nên sự bất đồng nơi nhiều người. Chúa giải thích hình ảnh bánh ấy chính là Chúa và khẳng định Người đã được Chúa Cha sai đến để hiến mạng sống, ai muốn theo Người, thì phải kết hiệp mật thiết với Người, và tham gia vào hy tế tình thương của Người.
Khi nghe những lời ấy, dân chúng hiểu rằng ông Giêsu này không phải là Đấng Messia như họ tưởng. Người không tìm kiếm sự đồng thuận để chinh phục thành Giêrusalem; trái lại, Người muốn vào Thành để chia sẻ số phận của các vị ngôn sứ: hiến mạng sống trở nên tấm bánh vì Thiên Chúa và cho loài người. Những tấm bánh đó, được bẻ ra cho hàng ngàn người, không muốn khơi lên một hành trình đắc thắng, nhưng tiên báo hy tế trên Thập Giá, trong đó Chúa Giêsu trở thành Bánh được bẻ ra nuôi nhiều người, trở thành mình và máu được dâng hiến để đền tội cho thế gian được sống. Chúa muốn đám đông dân chúng tỉnh ngộ, nhất là khơi lên nơi các môn đệ một quyết định. Và thực tế là: "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa " (Ga 6,  66) 
Có người quyết tâm theo Chúa
Nếu có môn đệ nói : "Lời này chói tai quá! Ai nghe  được!" (Ga 6, 60) trước sự hiến thân trọn vẹn của Chúa, là vì họ không muốn từ bỏ bản thân, để cho mình tham dự và biến đổi đến độ sống nhờ Chúa khi đón nhận hồng ân nay.
"Lời này chói tai quá! Ai nghe  được!" (Ga 6, 60), khó nghe vì người ta lẫn lộn tự do với không bị ràng buộc, coi Thiên Chúa như một giới hạn tự do, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Chính ảo tưởng này tạo ra lo âu sợ hãi và dẫn tới sự tiếc nuối quá khứ. Người Do thái trong sa mạc đã nói : "Ước gì chúng tôi được chết vì tay Chúa ở đất Ai Cập..." (Xh 16, 3); còn Êlia thì thưa: "Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con" (1V 19, 4).
Tại thung lũng Sikhem, nơi tổ phụ Abraham và Xara trú ngụ. Giôsua kêu mời dân ra đứng trước tôn nhan Thiên Chúa và làm một quyết định dứt khoát: "Nếu các người không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn … tôn thờ ai hơn : hoặc là các thần cha ông đã tôn thờ…hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở, về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". Dân trả lời "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần Ngoại, Chúa là Thiên Chúa chúng tôi" (x. Jos 24, 15-17).
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đòi hỏi thính giả của Chúa Giêsu làm một quyết định tương tự sau khi nghe giảng về Bánh hằng Sống là máu thịt Chúa. Nhưng vì lời chướng tai của mình, họ đã bỏ đi, chỉ còn lại Phêrô và nhóm Mười hai. Phêrô mạnh dạn thưa: "Lạy Thầy chúng con biết sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6, 68).
Hôm nay, chúng ta thưa với Chúa Giêsu rằng, lạy Chúa, trong sự khiêm nhường thẳm sâu, tin tưởng vào Chúa là Lời cuối cùng và chung kết của Thiên Chúa nhập thể, đến gặp gỡ chúng con. Chúa là Lời vĩnh cửu, trở thành manna đích thực, là bánh sự sống (x. Ga 6,32-35), chúng con muốn trung thành với Chúa bây giờ và mãi mãi, cũng như Phêrô: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6, 68).
Chúa có lời ban sự sống
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy : Những ai ăn Đức Kitô trong Thánh Thể không cần phải chờ đến đời sau mới đón nhận được sự sống vĩnh cửu, nhưng họ đã chiếm hữu sự sống đó ngay đời này, như những hoa quả đầu tiên của sự viên mãn mai sau, sự viên mãn liên quan đến toàn thể con người. Trong Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được bảo đảm là thân xác chúng ta sẽ được sống lại trong ngày tận thế: "Ai ăn thịt và uống máu tôi,  thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6,54). Sự bảo đảm này về sự sống lại mai sau bắt nguồn từ sự kiện thân xác của Con Người, được trao ban làm của ăn, là chính thân xác trong tình trạng vinh hiển sau khi sống lại. Với Thánh Thể, chúng ta như thể biết được "bí mật" của sự sống lại. Vì thế, Thánh Inhatiô thành Antiokia đã định nghĩa cách xác đáng Bánh Thánh như là "linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết".
Chiều hướng cánh chung được gợi lên trong Thánh Thể…Khi cử hành hy tế của Con chiên, chúng ta được liên kết với "phụng  vụ" trên trời và trở nên thành phần của một đoàn người đông đảo lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta" (Kh 7,10). Thánh Thể quả thật là một thoáng hiện của thiên đàng trên trái đất. Thánh Thể là một tia sáng huy hoàng của Giêrusalem thiên quốc xuyên qua lớp mây mù của lịch sử chúng ta và soi sáng cho cuộc hành trình của chúng ta. (Trích Thông Điệp  Ecclesia De Eucharistia số 18-19)
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

======================= 
Suy niệm 4
Bỏ Thầy Con Đến Với Ai?
Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6, 60-69
Đức Giêsu lặp đi lặp lại, khẳng định thịt máu Người là của ăn nuôi sống con người. Điều này nghe vô lý đến độ nhiều môn đệ của Người cũng phải thất vọng mà kêu lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Quả là khó nghe thật, ngày xưa Chúa nuôi dân Do Thái bằng manna từ trời rơi xuống, dân chúng lượm về, dù là chuyện lạ lùng nhưng có thể tin được. Đằng này của ăn nuôi sống lại chính là thịt của người đang nói trước mặt, gốc gác rõ ràng từ làng quê, mà lại bảo “chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”, ai mà dám tin cho nổi đây, huống hồ là các đồ đệ đang chân ướt chân ráo “mới theo học” này? Các môn đệ không dám ra mặt chống đối, nhưng Người thừa biết các ông đang xầm xì. Người hỏi thách thức: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6,61-62). Nghe càng khó hiểu, nhưng Người khẳng định: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (Ga 6,63b). Người nói toàn những sự “trên mây”, không thực tế, người phàm không hiểu nổi, nên Người bảo không ai đến với Thầy được nếu Chúa Cha không ban ơn cho. Nghe chừng không kham nổi, thế là nhiều môn đệ rút lui, bỏ cuộc không theo Thầy nữa.
Việc rao giảng của Đức Giêsu hôm nay quả là… mất khách! Hồi hộp làm sao khi người quay sang hỏi nhóm mười hai, những người “nặng tình” hơn: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Phen này nếu các ông mà cũng chướng tai chắc Thầy hết sạch trò. Nhưng ông Phêrô như lá cờ đầu nhanh nhảu xác tín, bày tỏ sự chọn lựa của mình, không hẳn hăng hái nhưng tha thiết làm sao: “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” (Ga 6,68a). Chúng con còn biết theo ai bây giờ Thầy ơi! Nghĩa là chúng con xin nghe và vẫn chọn lựa để theo Thầy, dù phải đau khổ và phải chết. 
Ngày nay nhiều thế hệ qua rồi, chúng con không còn thấy chướng tai nữa, trái lại quá quen thuộc, nhưng lại chẳng  mặn mà, không đói khát thiết tha mấy với Bánh Hằng Sống. Chúng con ăn như một thói quen, mùa nào lễ ấy, hay sợ bị đánh giá, nên dù ăn hoài, ăn mãi mà chẳng thấy chi, chẳng đổi thay tế bào từ trong ra ngoài, vẫn chứng nào tật đấy.
Nhưng cũng tấm bánh trắng đơn sơ ấy, có những người bị cuốn hút, say mê chiêm ngắm như được cảm nhận, gặp gỡ Đấng Tình Yêu đang hiện diện với mình thật ngọt ngào êm ái. Với họ Thánh Thể là của ăn không thể thiếu, càng ăn càng đói. Chỉ khi kết hợp mật thiết với Người và được tan chảy trong mình, con người phàm trần được thánh hóa và có sự sống thần linh. Một cuộc sống được Cha lôi kéo bằng Tình Yêu, tới hạnh phúc tràn đầy sung mãn vì có Chúa ở cùng, thì khi ấy đâu còn mà... “chướng tai” nữa?
“Bỏ Ngài con biết theo ai? vì Ngài có Lời ban sự sống. Bỏ Ngài con đi với ai? Đường xa lắc tương lai mịt mờ, nào ai dẫn con trên đường đời? bỏ Ngài con đi với ai?” (Thánh ca).
Én Nhỏ
   
 
 
  
 
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log