Lời tuyên xưng đức tin của dân được tuyển chọn.
4 Ông Mô-sê nói với dân rằng: “Khi anh em đến dâng của đầu mùa, tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh em và đem đặt trước bàn thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. 5 Bấy giờ, anh em sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em rằng:
‘Ông tổ tôi là người A-ram phiêu bạt, đã xuống Ai-cập và trú ngụ tại đó cùng với một số người ít ỏi ; tại đó, người đã trở thành một dân tộc lớn, mạnh và đông. 6 Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. 7 Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi ; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. 8 Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập. 9 Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. 10 Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con.’
“Anh em sẽ đặt lễ vật trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, rồi anh em phủ phục trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.”
Đ.Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên.
1Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,2hãy thưa với Chúa rằng:
“Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài.”
Đ.Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên.
10Bạn sẽ không gặp điều ác hại,
và tai ương không bén mảng tới nhà,11bởi chưng Người truyền cho thiên sứ
giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường.
Đ.Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên.
12Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng
cho bạn khỏi vấp chân vào đá.13Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc,
đạp nát đầu sư tử khủng long.
Đ.Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên.
14Chúa phán: Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,
người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì.15aKhi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.
Đ.Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên.
Bài đọc 2: Rm 10, 8-13
Người tín hữu tuyên xưng đức tin vào Đức Ki-tô.
8 Thưa anh em, Kinh Thánh nói gì ? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin. 9 Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. 10 Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính ; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. 11 Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng. 12 Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người. 13 Vì: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát.
Tung hô Tin Mừng
Người ta sống, không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.
Tin Mừng: Lc 4, 1-13
Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu cám dỗ.
1 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. 2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. 3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi !” 4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6 Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. 7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” 8 Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi ! 10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. 11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
=============
Suy niệm 1: THÁNH THẦN DẪN ĐỨC GIÊSU VÀO HOANG ĐỊA
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay, Năm C, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Hằng năm Chúa ban cho chúng ta bốn mươi ngày chay tịnh, để tôi luyện hồn xác chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta sống những ngày khắc khổ ấy, mà học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ.
Học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người: dám đối đầu với thử thách, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Dân bị áp bức, những cố gắng đầu tiên của ông Môsê và ông Aharon đã hoàn toàn thất bại, nếu không nói là, đã làm cho tình cảnh dân Ítraen tệ hại hơn, nhưng, có Thiên Chúa đang trông chừng, và ngày cứu độ đã gần tới. Ông Môsê đến gặp vua Pharaô và nói: ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của người Hípri đã sai tôi đến gặp vua và nói: Hãy thả cho dân Ta đi để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc.
Học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người: cùng Đức Kitô chiến đấu, sẽ cùng Người chiến thắng, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Trong Đức Kitô, chúng ta chịu cám dỗ, trong Người, chúng ta đã thắng ma quỷ… Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì -sấm ngôn của Đức Chúa-, có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi. Ngươi sẽ không ngã gục vì gươm đao, nhưng, ngươi sẽ được sống và bảo toàn được tính mạng.
Học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người: phụng sự và yêu mến Chúa Cha trong niềm tin tưởng phó thác, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Đệ Nhị Luật cho thấy: Lời tuyên xưng đức tin của Dân được tuyển chọn khi đến dâng của đầu mùa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 90, vịnh gia kêu xin: Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên. Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng: Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cho thấy: Người tín hữu tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô và kêu cầu Đức Chúa cứu thoát.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Người ta sống, không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật: Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu cám dỗ. Thánh Thần dẫn Đức Giêsu vào hoang địa, Thánh Thần cũng dẫn ta đến cùng Đức Giêsu, để cùng chịu cám dỗ với Người. Thánh Thần là Thần Chân Lý, Đấng dẫn ta đến sự thật vẹn toàn, là chính Đức Kitô, Đấng, mà lương thực của Người là thi hành ý muốn của Chúa Cha, do đó, chúng ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn, nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. Đức Kitô chỉ là một, tất cả chúng ta là chi thể của Người. Lãnh địa của Đức Kitô, sản nghiệp của Đức Kitô, thân thể của Đức Kitô, Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô, là một khối duy nhất, đó là: chính chúng ta, những con người, có Thánh Thần ngự trong lòng, mà kêu lên những tiếng rên xiết khôn tả. Chúng ta đang mòn mỏi rã rời, Hội Thánh đang trải qua thử thách gian nan, cuộc lữ hành trần thế không thể không có thử thách, không chiến đấu thì không thể chiến thắng. Chúng ta rã rời mòn mỏi, nhưng, không bị bỏ rơi. Đức Kitô đã mặc lấy xác phàm của ta, để ban cho ta ơn cứu độ; Người lãnh cái chết của ta để trao cho ta sự sống; Người hứng chịu nỗi nhục nhằn của ta, để chia sẻ cho ta niềm vinh dự. Nếu Người không chịu cám dỗ, thì Người không dạy cho ta biết: thế nào là chiến thắng, khi ta chịu cám dỗ. Ước gì chúng ta biết tận dụng bốn mươi ngày chay tịnh, để tôi luyện hồn xác, và nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta sống những ngày khắc khổ này, hầu, học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người, để, xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
=============
Suy niệm 2: Chúa Chịu Cám Dỗ
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đến chịu phép rửa tại sông Giođan, rồi được đầy Thánh Thần, Chúa vào hoang địa để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.
Là một vị Thiên Chúa, nhưng Người đã không ngần ngại chia sẻ thân phận con người. Suốt bốn mươi ngày, Người không ăn gì. Qua thời gian hơn tháng trời, với sức chịu đựng của phận người, Người rất đói. Lợi dụng lúc Người đang bị cơn đói hoành hành, quỷ tấn công mời mọc: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” (Lc 4, 3). Nhưng không, cả lời thử thách mời mọc và cơn đói dữ dội không thể làm Người lung lay, Người đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. (Lc 4,4). Cám dỗ này chỉ đúng một nửa. Ngày nay con người thường rơi vào cơn cám dỗ rằng cứ có tiền là giải quyết được hết mọi sự.
Tên quỷ bị thua Người chuyện ăn uống, hắn bày quẻ khác, cho xem tất cả các nước và cám dỗ Người về quyền hành danh lợi: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả thuộc về ông”. (Lc 4, 6-7). Ơ hay! Chắc hắn chưa biết Người là Thiên Chúa, nên mới dám lừa gạt để Người mắc bẫy về chuyện lợi danh. Đức Giêsu đáp lại minh nhiên như một Thiên Chúa đang nói với thụ tạo: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (Lc 4, 8). Đây là cơn cám dỗ đúng một nửa sự thật, đó là cứ có quyền lực là giải quyết được hết.
Hai lần thua như vậy mà hắn vẫn không chịu, còn dám “đặt” Người trên nóc Đền Thờ, rồi đem Kinh Thánh ra để thách thức Chúa về chuyện kiêu ngạo: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn... và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn phải vấp chân vào đá.” (Lc 4, 9-11). Nhưng Chúa đã nghiêm giọng với hắn: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Lc 4,13). Trong thời đại kỹ thuật tân tiến hôm nay, đây là cơn cám dỗ cho thời đại khi chúng con nghĩ rằng nhờ kỹ thuật sẽ giả quyết được hết, kỹ thuật làm cho cuộc sống phong phú, nhưng chỉ đúng một nửa. Bởi nó có thể làm cho người ta xa nhau hơn.
Khi quỷ đã xoay hết cách, chiến thuật để cám dỗ Chúa, cả ba lần tấn công đều bị thua trắng. Mặc dù bỏ đi, nhưng hắn vẫn còn... “chờ đợi thời cơ”.
Ngày hôm nay Thánh Thần Chúa cũng mời gọi chúng con vào hoang địa là chính tâm hồn mình. Thường chúng con không muốn trở về với lòng mình, vì mải mê với những thú vui thế trần, những hưởng thụ dễ dãi mà không muốn phải sửa đổi những thói hư tật xấu, những “thú dữ” của sa mạc cuộc đời, những cám dỗ vây bủa xung quanh. Trước những cám dỗ ngọt ngào mời mọc, có thể thua lần đầu chúng con sợ hãi, lần sau ngã sa cũng áy náy bất an, rồi lần nữa không thấy sao và sẽ trở nên chai lỳ, ra mất ý thức về tội lỗi, thật là nguy nan.
Lạy Chúa! chính Chúa đã vào hoang địa để cầu nguyện, chiến đấu và đã chiến thắng, xin cho chúng con trong mùa chay biết thực sự trở về với lòng mình, để qua cầu nguyện, chúng con sống gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ sức mạnh trợ lực của Chúa, chúng con sẽ cùng chiến đấu, chiến thắng với Chúa. Bởi vì “có Chúa trong thành địch thù tan nát hết”. Amen.
Én Nhỏ
=============
Suy niệm 3: HÌNH THÁI CÁM DỖ THỜI NAY
Nhiều người trong chúng ta có thể đã hỏi ít nhất một lần trong đời rằng: Đức Giê-su vào hoang địa, chịu cám dỗ để làm gì? Ngài là Ngôi Lời, là Thiên Chúa, thì chắc chắn sẽ chiến thắng mọi xúi giục, lôi kéo, cám dỗ của ma quỷ, điều này không đúng sao? Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời cách công khai, biến cố Đức Giê-su chịu cám dỗ có ý nghĩa gì? Hơn hết, cuộc chiến chống lại cám dỗ của Ngài có cần thiết và hệ trọng đối với chúng ta, đặc biệt trong đời sống đạo của mỗi người chúng ta chăng?
Thiết nghĩ đây chỉ là một số câu hỏi mà chúng ta đôi lần tự đặt ra cho mình, cũng như cho những ai có trách nhiệm giảng dạy, đào tạo và đồng hành thiêng liêng. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta không cố gắng tìm lời giải đáp cho tất cả mọi nghi vấn đặt ra; cho bằng, chúng ta đặt bản thân vào các bài đọc, nhất là đoạn Tin Mừng hôm nay, hy vọng sẽ tìm thấy và khám phá điều Chúa muốn nói với chúng ta trong Mùa Chay Thánh này: “Khi ấy, Chúa Giê-su được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Gio-đan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ” (Lc 4, 1-2).
Như chúng ta biết, sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Ngài được Thần Khí thúc đẩy đưa vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ, nơi đó Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày (x. Lc 3, 21 - 4, 2; Mt 3, 16 - 4, 2). Như thế, đây không chỉ là cuộc chiến chống lại cơn cám dỗ đơn thuần, mà đúng hơn, qua biến cố này, Đức Giê-su để lại tấm gương quý giá, và bộc lộ khả năng thần thiêng nơi con người, bởi lẽ con người được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài và theo hình ảnh Ngài (Imago Dei). Thật sự, con người đã sa ngã, phạm tội, không giữ lời hứa với Thiên Chúa (x. hình ảnh A-đam và E-và ăn trái cấm), nhưng tiềm ẩn trong con người vẫn không mất đi tính thần thiêng, cũng không mất đi khả năng chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ. Thánh Sử Mác-cô không kể chi tiết Đức Giê-su đã chịu cơn cám dỗ ra sao, và Ngài đã chiến đấu với những cơn cám dỗ thế nào; nhưng Tin Mừng theo Thánh Lu-ca và Mát-thêu cho chúng ta thấy rõ ba loại cám dỗ chính liên quan đến vật chất (tiền bạc), quyền lực và danh vọng (x. Lc 4, 2-13; Mt 4, 2-11). Đức Giê-su đã dùng Lời Chúa, dùng việc ăn chay cầu nguyện và sự tín thác kiên vững của Ngài mà chống lại sự xúi giục của ma quỷ. Đây chính là cách chúng ta soi vào, noi gương Ngài mỗi khi bị cám dỗ, hoặc có những xu hướng lệch lạc, khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa, hoặc đối nghịch với giáo lý Giáo Hội.
Giữa thời đại ngày nay, có quá nhiều kiểu cám dỗ, vô vàn loại hình lôi kéo chúng ta bỏ đàng công chính, sống buông thả theo lối ‘đến đâu hay đến đấy’. Một trong nhiều thứ cám dỗ mà chúng ta cảm nhận rõ rệt hôm nay, đó là: ‘chẳng sao đâu, anh (chị) vẫn còn nhiều thời gian/thời giờ mà!’, ‘để sau cũng được mà! Chứ vội vàng (xưng tội, ăn năn sám hối…) làm chi!’, ‘hôm nào tiện thì làm (ví dụ: chần chừ đi xưng tội, phạm hết tội nhẹ đến tội trọng, nhưng dự định gộp một lần rồi xưng tội) luôn một thể’, đặc biệt khi sống làm việc ở xứ người, vừa không biết ngôn ngữ vừa biếng nhác, chưa trưởng thành trong đời sống đạo. Ngoài ra, một loại cám dỗ khác cũng khá phổ biến thời nay, đó là: ‘hành vi/hành động sai/xấu, nhưng nếu chẳng ai ‘bắt được tận tay, day tận mặt’ thì xem như bình thường, như chưa có chi’, ví dụ: ăn cắp vặt, ăn trộm vặt, nếu không ai thấy thì hành vi sai trái ấy vẫn coi như chẳng có gì nghiêm trọng cả! Như chúng ta biết hành vi sai trái, tội lỗi ở bản chất của nó, nên khi thực hiện có ai đó bắt được hoặc có ai thấy hay không, thì hành vi đó vẫn sai trái, tội lỗi. Hơn thế, một thứ cám dỗ khác như thể ‘vàng thật vàng thau lẫn lộn’, ấy là: hành động sai ngay tại bản chất của nó, nhưng nếu nhiều người làm thì nó lại trở nên bình thường như ‘bình chân như vại’! Một hành vi xấu xa ở bản chất của nó, nên cho dù nhiều hay ít người làm đi chăng nữa, thì nó vẫn là hành vi sai trái. Tuy ba kiểu cám dỗ thời đại này tinh vi, và hầu như phải chiến đấu nội tâm không ngừng, nhưng ở mức độ nào đó, chúng vẫn liên quan đến tiền-tài-tình hoặc tiền tài-quyền lực-danh vọng-sắc dục.
Với tấm gương kiên định chống lại cám dỗ của Đức Giê-su, và trong niềm tín thác “Chúa Ki-tô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Ngài là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa” (1Pr 3, 18), thì chúng ta cũng được nâng đỡ vượt thắng mọi cơn cám dỗ. Nhờ vào lòng nhân từ Chúa, gia đình ông No-ê (gồm tám người) được cứu khỏi lụt đại hồng thuỷ (x. St 8-9) và Ngài đã ký kết giao ước với ông qua dấu chỉ ‘chiếc cầu vòng’ (‘cái mống’ hoặc ‘cây cung trên trời’ như một số bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt sử dụng), rằng: Thiên Chúa sẽ không trừng phạt như vậy nữa; thay vào đó, Ngài khoan dung, nhân từ, nhẫn nại, chờ đợi con người. Ngài thanh tẩy và ban cho con người một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa hằng sống (x. 1Pr 3, 21-22). Nhờ đó, chúng ta được thêm mạnh sức chống chọi với mọi cám dỗ, mọi xúi giục, mọi lôi kéo của ma quỷ hòng tách rời chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Với đời sống cầu nguyện liên lỉ bền bỉ, ăn chay hãm mình đền tội, và tận tâm làm việc bác ái yêu thương trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta sẽ luôn cảm nghiệm Chúa nâng đỡ và đồng hành qua Giáo Hội; chúng ta sẽ được thông phần vào mầu nhiệm Thương Khó-Tử Nạn-Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Giờ đây, chúng ta thành tâm dâng lời nguyện cầu:
Chúa đã chiến thắng cám dỗ thế nào
Xin cho chúng con chẳng nao lòng vậy
Kiên vững chống lại ma quỷ xấu thay
An chay, cầu nguyện, tháng ngày yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=============
Suy niệm 4: Vũ khí để chiến thắng
Sau khi chịu phép rửa, “Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ" (Lc 4,1-2).
Ma quỷ đã cám dỗ Chúa ba phen. Phen đầu nó cám dỗ đánh vào lòng trung thành của Chúa Giêsu với Chúa Cha, nó muốn Chúa Giêsu bỏ Chúa Cha để đến với ma quỉ. Ma quỷ qua Phêrô cũng từng cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ thập tự giá là điều mà Người đã dự định (x.Mt 16,21-23). Sau khi làm đủ mọi cách để cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa, “ma quỷ rút lui để chờ dịp khác” (Lc 4,13), nghĩa là ma quỷ tiếp tục cám dỗ Chúa Giêsu, mặc dù các sự kiện khác nữa không được chép lại. Điểm quan trọng là, bất chấp những cám dỗ khác nhau, Chúa Giêsu vẫn không phạm tội.
Chúa Cha có ý để Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ qua việc để "Chúa Thánh Thần đưa vào hoang " (Lc 4,1-2). Với mục đích nhằm đảm bảo rằng chúng ta có một thầy thượng phẩm tế lễ là người có thể cảm thông với nhân loại con người chúng ta trong chính sự yếu hèn của chúng ta (x.Dt 4,15), bởi vì Người đã bị cám dỗ trong mọi việc cũng như chúng ta bị cám dỗ. Nhân tính của Chúa tạo khả năng cho Người cảm thông với những yếu đuối của chúng ta, bởi vì Người cũng đã chịu sự yếu đuối. "Và, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy" (Dt 2,18). Từ Hy Lạp dịch "cám dỗ" ở đây có nghĩa là "để đưa vào thử nghiệm." Vì vậy, khi chúng ta được đưa vào thử nghiệm và nỗ lực trong những hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa Giêsu thấu hiểu và đồng cảm như một người đã trãi qua những thử nghiệm tương tự.
Những cám dỗ của Chúa Giêsu đều theo ba kiểu mẫu chung cho tất cả mọi người.
- Cám dỗ thứ ba liên quan đến sự mê tham của mắt (x.Lc 4, 8-10), và nếu có lộ trình nào nhanh chóng để có thể trở thành Vị Cứu Tinh, bằng việc bỏ qua cuộc khổ nạn và sự đóng đinh như Người đã khởi đầu đến, thì đây sẽ là con đường. Ma quỷ đã kiểm soát trên các nước của thế gian (x.Êph 2, 2), nhưng nó đã sẵn sàng dâng tất cả mọi thứ cho Đức Kitô để đổi lấy sự trung thành của Người. Gần như chỉ là sự suy nghĩ về nguyên cớ để thần tính của Chúa bị chao đảo, và Người trả lời mạnh mẽ, "Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng thờ một mình Người mà thôi" (Lc 4,8; Đnl 6, 13).
Có rất nhiều cám dỗ mà chúng ta rơi vào bởi vì bản chất xác thịt của chúng ta là yếu đuối, nhưng chúng ta có một Thiên Chúa sẽ không để chúng ta bị cám dỗ quá những gì chúng ta có thể chịu đựng; Người sẽ chừa ra cho một lối thoát (1 Cr 10, 13). Do đó chúng ta có thể chiến thắng và cảm tạ Chúa vì giải thoát chúng ta khỏi sự cám dỗ. Sự từng trãi của Chúa Giêsu trong hoang địa giúp chúng ta nhìn thấy được những cám dỗ phổ biến mà điều đó kiềm giữ chúng ta ra khỏi sự hầu việc Chúa một cách hiệu quả.
Hơn nữa, chúng ta học được từ phản ứng của Chúa Giêsu đối với những cám dỗ để chúng ta phản ứng lại chính xác như thế nào bằng Kinh Thánh. Những thế lực của cái ác đến với chúng ta với vô số cám dỗ, nhưng tất cả chúng đều có chung ba điểm cốt lõi: mê tham của mắt, mê tham của xác thịt, và sự kiêu ngạo của đời (1 Ga 2, 16). Chúng ta chỉ có thể nhận biết và chống lại những cám dỗ bằng cách bão hòa tấm lòng và tâm trí của chúng ta với lẽ thật. Áo giáp của một người lính Kitô hữu trong cuộc chiến tâm linh chỉ bao gồm một vũ khí tấn công, cầm gươm của Thánh Thần là Lời Chúa (x. Êph 6, 17). Kinh Thánh chính là thanh kiếm chúng ta phải cầm lấy để chiến thắng tên cám dỗ.
Với sức mạnh của Lời Chúa, lòng trung thành của chúng ta, có Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta bước vào trận chiến thiêng liêng này, cuộc chiến mới hòng chiến thắng.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=============
Suy niệm 5: NHỮNG CƠN CÁM DỖ
Bài Tin Mừng cho chúng ta biết rõ là Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và ở đó 40 đêm ngày để chịu quỷ cám dỗ. Hoang địa có hai ý nghĩa trong Thánh Kinh: thứ nhất là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, nghĩa là nơi người ta có những trải nghiệm tích cực (positive); thứ hai, hoang địa cũng là nơi người ta trải nghiệm những điều tiêu cực (negative), như việc bị cám dỗ bởi ma quỷ hay thần dữ.
Cám dỗ đầu tiên là của ăn. Quỷ đánh thẳng vào điểm yếu của Đức Giêsu, vì Ngài đã nhịn đói sau khi chay tịnh 40 ngày. Cái đói đụng đến bản năng sinh tồn và làm tê liệt đời sống. Đức Giêsu không phủ nhận sự cần thiết của vật chất, nhưng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh. Bánh quan trọng, nhưng tự do và lòng trung thành quan trọng hơn. Thực tế cho ta thấy: vì tự do và trung thành mà người ta thà chết chứ không chịu ăn uống, nhất là khi của ăn đó mang tính hèn hạ và ô nhục, đi ngược với niềm tin và lý tưởng của mình (x.1Mcb 1,62-63).
Phát triển kinh tế là điều quan trọng, nhưng nếu không nêu cao các giá trị văn hoá, luân lý, đạo đức, thì đúng là hạ thấp con người xuống hàng sự vật. Vẫn luôn có những người tuyệt thực nhằm phản đối những bất công và bạo tàn để nêu cao một lẽ sống. Không tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời thì cơm bánh hay vật chất trở nên thừa thãi, vì vậy mà có những người rơi vào tuyệt vọng và tìm tới cái chết. Lắm khi không phải vì đói khát hay thiếu thốn, nhưng vì ta để cho mình bị cồn cào bởi những thèm muốn vô độ, và nếu như vậy thì ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn rất cần đến những giá trị tinh thần cao quí hơn, nên cần phải chăm sóc và phát triển, thì mới xứng đáng với phẩm cách là người.
Cám dỗ thứ hai xem ra thô bạo và cuồng ngạo nhưng đầy hấp dẫn, đó là bái lạy ma quỷ để có được quyền lực và vinh quang. Cám dỗ này đụng đến sứ mạng của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Đấng quy tụ muôn loài trong trời đất (x. Ep 1, 10). Đức Giêsu đã vượt thắng cám dỗ này vì nhận ra sự lừa bịp trắng trợn của ma quỷ. Vương quốc trần gian mà ma quỷ giới thiệu là thứ vinh quang rất dễ tiêu tan, như thuật ngữ “doxa” trong tiếng Hy Lạp. Vinh quang đó chỉ là hình bóng tạm bợ, là bọt bèo. Nhiều người đã nhẹ dạ và tin vào lời hứa hão huyền này của ma quỷ. Bao đế quốc, bao vua chúa và các nhà độc tài cũng đã biến tan trong thoáng chốc. Xem ra lịch sử Giáo hội cũng đã từng bị nhá nhem vì cám dỗ này. Đã có một thời thần quyền phải nép mình vào sự bảo đảm của thế quyền, và đức tin như một dụng cụ để phục vụ cho thế tục. Chẳng ai và chẳng có gì ngoài một mình Thiên Chúa để xứng đáng được chúng ta bái lạy hay phụng thờ, vì tất cả đều là loài thụ tạo, và mọi vinh quang trần thế như hoa sớm nở chiều tàn. Sự sống đích thực và vinh quang chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.
Cơn cám dỗ thứ ba là quỷ thách thức Đức Giêsu gieo mình xuống từ nóc đền thờ, để chứng tỏ Ngài thật là Con Thiên Chúa. Cám dỗ này có vẻ đạo đức vì cậy dựa vào Thiên Chúa để tìm sự an toàn. Lý lẽ của cám dỗ này dễ thuyết phục hơn vì quỷ trích dẫn từ Kinh Thánh (Tv 91, 10-12). Đức Giêsu cũng dùng Kinh Thánh để đối lại. Ẩn tàng trong cơn cám dỗ là sự ỷ lại, đưa mình vào tình huống ngặt nghèo để đòi Thiên Chúa phải hành động. Xem ra cám dỗ nào cũng mang tính ích kỷ và kiêu căng. Ma quỷ đã đánh vào chỗ yếu nhất của con người. Đức Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường nên ma quỷ đành chào thua.
Phải chăng ta vẫn thích được Chúa thực hiện những điều ngoạn mục cho đời mình? Phải chăng ta thích sống dưới cái nhìn của người khác? Phải chăng ta muốn thiên hạ phải nể phục mình? Ít nhiều ai trong chúng ta cũng đã từng gặp những cám dỗ này, nhất là trong giai đoạn tuổi trẻ, đang háo hức với danh vọng và sự nghiệp đời này. Đó là những cách thức đánh lận con đen khiến ta dễ sa chước cám dỗ.
Thật ra mọi thứ trên trần gian như tiền tài, của cải, địa vị, chức quyền… đều đáng quí và có giá trị riêng của nó. Nhưng tất cả chỉ là tương đối, như một phương tiện chứ không phải mục đích. Nếu suy tôn những thứ tương đối đó lên hàng tuyệt đối, ta sẽ biến chúng thành ngẫu tượng, khiến cuộc sống ra thê lương, vì sai lạc với bản chất của sự vật và sai trái với bản tính của con người, khiến ta không đạt tới chính Thiên Chúa là nguồn bình an và hạnh phúc muôn đời của chính mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Những cám dỗ xưa kia Chúa phải chịu,
cũng chính là những điều đang quấy nhiễu,
gây hại cho nhân loại biết bao nhiêu.
Cám dỗ nào xem ra cũng hấp dẫn,
lúc ban đầu còn áy náy phân vân,
nhưng rồi theo ngày tháng cũng quen dần,
khiến thân con đã bao lần thất thế,
cũng chỉ vì ham muốn với đam mê.
Đời con đây cũng chẳng thiếu thốn chi,
nhưng vẫn bị kéo ghì bởi vật chất,
muốn chạy theo lối sống của phàm nhân,
tìm mọi cách để thỏa mãn bản thân,
nên đức tin lâm vào vòng nguy hiểm.
Dường như ai cũng thích được tỏa sáng,
nên chạy theo những hòa nhoáng bên ngoài,
mà quên rằng cuộc sống đầy cạm bẫy,
chứ không như những gì mình trông thấy.
Xin cho con nhìn ngắm Chúa vào đời,
luôn cẩn trọng ở mọi lúc mọi nơi,
biết khiêm tốn trên con đường đi tới,
biết tránh xa những đam mê danh lợi.
Xin cho con chuyên cần trong bổn phận,
luôn sống dưới tác động của Thánh Thần,
nhờ Ngài mà vượt thắng bao cám dỗ,
để đời con được bền đỗ đến cùng. Amen.