Chúa nhật, 16/02/2025

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VI Thường niên C (Gr 17,5-8; 1Cr 15,12.16-20; Lc 6, 17.20-26)

Cập nhật lúc 17:01 14/02/2025
Suy niệm 1: Những Mối Phúc Của Thánh Luca                      
Ở đời người ta có nhiều nhận xét về hạnh phúc. Một cô nàng lấy được chồng giàu, con cái khỏe mạnh, có nhiều tiền tha hồ mua sắm đủ thứ tiện nghi thoải mái, mọi nhu cầu được thỏa mãn, ấy là hạnh phúc. Một anh chàng có vợ đẹp con khôn, nghề nghiệp ổn định là giấc mơ của nhiều người. Khao khát tìm kiếm danh vọng, địa vị đến khi đạt được mong muốn là niềm hạnh phúc cho những người dầy công cố gắng bấy lâu…
Còn trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại quảng bá những mối phúc nghe có vẻ ngược đời:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…” (Lc 6, 20). Có nhiều thứ nghèo: nghèo tiền của vật chất, nghèo sức, thấp cổ bé miệng, số phận hẩm hiu, ít học… Bình thường người khó khăn thiếu thốn sẽ không còn cậy vào sức riêng, mà đặt niềm trông cậy nơi Chúa. Người giàu có, tiện nghi đầy đủ thường thấy an thân không cần đến Chúa, chỉ tìm hưởng thụ và chẳng bao giờ thấy thỏa mãn đủ. Đức Giêsu không cổ động lối sống nghèo nàn đến độ không có những cái căn bản ổn định, để phát triển tinh thần. Ngài nhấn mạnh người có tâm hồn nghèo khó là người không bám víu nặng lòng với của cải vật chất đang có, không hưởng thụ ích kỷ mà sẵn sàng sẻ chia; hay khó nghèo mà không than van, nhưng biết tin tưởng cậy trông vào Chúa quan phòng, họ sẽ được hạnh phúc vì luôn có Chúa hiện diện yêu thương chăm sóc.
Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6, 21). Đường lối của Thiên Chúa thì khác xa với cái nhìn của con người, như trong lời kinh ngợi khen của Đức Maria: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư”. Những người cùng khốn đang phải khóc lóc sẽ được Thiên Chúa an ủi. Người chịu đau khổ thử thách sẽ được Chúa nâng dậy, ủi an. Họ vẫn tin tưởng vào lời Chúa hứa, Ngài sẽ biến nỗi buồn của họ trở thành niềm vui. Bởi vì chính Ngài là Đấng sẽ lau sạch nước mắt họ.
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6, 22-23). Khi gặp đau khổ thử thách vì sống công chính, ta không than thân trách Chúa hay mất niềm tin tưởng nơi Ngài, nhưng biết liên kết đau khổ với Chúa thì sẽ được hưởng vinh quang với Ngài. Chính Đức Giêsu đã sống triệt để mối phúc này trong cuộc đời bôn ba rao giảng, bị chống đối, loại trừ, sỉ vả và lên án tử trên thập giá đau thương nhục nhã. Nhưng Người đã chiến thắng khải hoàn trong vinh quang. Các thánh tử đạo cũng theo bước chân Người mà chịu muôn cực hình để minh chứng đức tin và giành được phúc tử đạo.
Thánh sử Luca đưa ra bốn mối phúc và bốn điều họa. Những điều họa ngược với các mối phúc ở trên, như là những lời cảnh báo sẽ bị mất hạnh phúc nếu sống tinh thần ngược lại với các mối phúc đó. Bởi vì cửa hẹp dẫn tới vinh quang, đường rộng thênh thang đưa tới diệt vong, nhưng rất nhiều người lại thích đi qua đó.
Chúa ơi! chỉ một mình Chúa mới lấp đầy khao khát hạnh phúc của chúng con. Tiện nghi vật chất không phải là đích điểm cuộc đời. Hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. Chúng con chỉ bất hạnh, mất hạnh phúc khi xa rời Chúa mà thôi. Xin cho chúng con luôn tìm gặp và được sống hạnh phúc sung mãn tràn đầy trong Chúa, để dù sống giữa những khó khăn thiếu thốn, sầu khổ gian truân, chúng con vẫn đang tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào trong Chúa, ngay hôm nay và mãi mãi.
                                                                       Én Nhỏ
============
Suy niệm 2: NGHÈO KHÓ VÀ GIÀU CÓ
Cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc thật. Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang phú quý, được danh thơm tiếng tốt và quyền cao chức trọng… ai cũng rất sợ nghèo nàn, túng thiếu, thấp kém… Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với một não trạng khác:“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…”. Các môn đệ Đức Giêsu là những người có phúc, vì phải chịu nghèo, chịu đói, chịu oán ghét, và bị khai trừ vì Ngài. Nước Trời thuộc về họ từ hôm nay và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.
Người nghèo phải chăng là người thiếu thốn của cải vật chất? Phải chăng Đức Giêsu chúc phúc cho một giai cấp xã hội? Thật ra chẳng có thực trạng xã hội nào được phong thánh hay được đặt quan hệ trực tiếp với Nước Trời. Chúa Giêsu đến cho mọi thành phần xã hội chứ không chỉ riêng cho người nghèo. Tuy nhiên, sứ mạng của Đức Giêsu liên hệ cấp bách đến những người bị đói khát, khóc lóc, bách hại, ngược đãi... Họ là những người bị bỏ rơi, bị loại ra bên lề xã hội vì bệnh tật, nghèo hèn hay vì thành kiến của xã hội và tôn giáo. Đức Giêsu đến trước tiên là để giải thoát họ khỏi tình trạng quá éo le trong đời. Họ phải là những người được chúc phúc đầu tiên khi Nước Trời đến, và như vậy Ngài đem lại một trật tự mới, vượt qua sự phân chia giai cấp giàu nghèo. Nghèo không phải là ý nghĩa dự phóng của đời người, vì Chúa đến là để cho mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). 
Thật ra, tự bản chất giàu - nghèo chưa là gì cả, không xấu cũng không tốt. Hạnh phúc hay đau khổ phát xuất từ trong tâm chứ không đến từ bên ngoài. Những gì bên ngoài chỉ làm tăng thêm cảm xúc chứ không tăng thêm hạnh phúc. Cảm xúc chỉ là tạm bợ, đến và đi trong phút chốc, nhiều khi là sự giả tạo. Hạnh phúc mới sâu xa, bền vững, có được hay không là tùy thuộc tâm thái của mỗi người trước mọi tình cảnh, nó không lệ thuộc và giàu hay nghèo. Hạnh phúc hay đau khổ là một tâm thái, nên nó cũng là một lựa chọn: sống yêu thương hay ích kỷ, tha thứ hay thù hằn, mở ra hay khép lại, đón nhận hay từ khước… Phúc hay họa đã nằm sẵn trong cái nhìn hay thái độ sống của mỗi người.
Giàu có bị phủ nhận vì mãi lực của nó muốn biến thành tuyệt đối. Tiền bạc trở thành oan khiên vì người ta muốn biến nó thành cùng đích, khiến toàn thể cuộc sống con người bị cuốn hút vào đó. Giàu có làm ta xao lãng và xa cách Thiên Chúa, vì nghĩ rằng hạnh phúc phát sinh từ những gì ta có. Thực chất, sự ham muốn giàu có chỉ đem lại một thứ an toàn giả tạo, vật hóa tinh thần, vô hiệu hóa khả năng hiệp thông. Những kẻ giàu phải bảo vệ những gì họ có, nên khó sống chân tình với mọi người. “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân”. Không yêu tiền bạc, không đặt nặng vật chất, không coi nhẹ tình nghĩa, sao có thể làm giàu?
Lời Chúa hôm nay cũng cảnh cáo:khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”. Chúa Giêsu đã từng nói nhiều về vấn đề này: Ngài gọi kẻ lo thu tích của cải là “đồ ngốc” (Lc 12, 20), coi sự ham muốn giàu có là “bất chính” (Lc 16, 9), ham mê tiền của là điều “ghê tởm” (Lc 16, 14), và khẳng định: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19, 24). Ngài yêu cầu các môn đệ phải lựa chọn dứt khoát giữa Thiên Chúa và tiền của (x. Lc 16, 13).
Tuy nhiên, nghèo không phải là không có nguy cơ. Nghèo cũng dễ đưa tới gian tham, trộm cắp và mọi thứ tội phạm, có khi đưa tới tuyệt vọng. Những lý do nghèo có thể là tiêu cực, nhưng căn nguyên của nó vẫn là sự bóc lột lẫn nhau, tạo nên một phân chia giai cấp, bất bình đẳng và phi nhân hóa. Chỉ khi từ bỏ não trạng chạy theo lợi nhuận, xa hoa và thu tích tài sản, con người mới tạo được một xã hội nhân bản, công bình và huynh đệ. Lúc đó giàu mới là điều tốt và được chúc phúc, vì giữ được tâm hồn sạch tội, không chạy theo của cải, tiền tài (x. Hc 31, 8).
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Kitô (x. Lc 6, 20) nhằm xây dựng Nước Trời tại trần gian, người Kitô hữu cần phải sống đơn sơ giản dị, giảm bớt nhu cầu, để có thể sống yêu thương và chia sẻ cho bao người đang lâm cảnh túng thiếu. Điều cần thiết là sống thân phận thụ tạo, thoát khỏi sự kiềm chế của bản năng tham lam, quyền hành và độc chiếm, để đón nhận và trao ban. Mọi của cải đều là ân huệ Chúa ban, nên cũng phải biến thành ân huệ cho người khác. Đã được cho không thì cũng phải cho không. Điều quan trọng là hoàn thiện bản thân, trong việc sống gắn bó với Chúa và tùy thuộc vào Ngài. Đó là cốt lõi của tinh thần nghèo khó, cho ta có được bình an và hạnh phúc ngay ở đời này, để hướng đến đời sau trong bình an và hạnh phúc muôn đời.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Trong mối phúc đầu tiên Chúa công bố,
dành cho ai biết sống đời nghèo khó,
là điều làm cho con phải giằng co,
giữa sở hữu và sống đời từ bỏ.

Thật ra chẳng có gì là mâu thuẫn,
giữa tiến bộ và hồng ân cứu độ,
giữa đời này và hạnh phúc đời sau,
vì ơn Chúa trao là cuộc sống dồi dào.

Nhưng lời Chúa cho con biết rõ hơn,
sự nghèo khó là yếu tố quyết định,
để giúp con trở thành người chân chính,
vì khi con mê tiền tài danh vọng,
là đi tới lật lọng sống bất công,
gây ra bao khổ sầu cho người khác.

Sự nghèo khó giúp con sống bình tâm,
chẳng sợ chi khi gặp cảnh thăng trầm,
vì cuộc sống luôn đẩy đưa như thế,
miễn con đừng để mình bị khắc chế,
bởi hơn thua và lợi lộc đời này,
là những thứ bên ngoài mau hư mất.

Con nghèo khó khi không ham giàu có,
coi mọi sự dù có cũng như không,
để cho tâm hồn mình luôn mở rộng,
dám cho đi như lòng Chúa ước mong.

Cho con sống thanh cao và giản dị,
luôn bên Chúa với tâm hồn thư thái,
không có gì làm con phải u hoài,
vì Ngài là hạnh phúc mãi đời con. Amen.
Lm. Thái Nguyên

============
Suy niệm 3: PHẦN THƯỞNG THẬT LỚN LAO 
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 6 Thường Niên, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin Chúa tuôn đổ hồng ân, giúp chúng ta ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa.
 
Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết đón nhận sự khôn ngoan từ Đức Khôn Ngoan, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Châm Ngôn cho thấy: Lòng kính sợ Thiên Chúa, Đức Khôn Ngoan biến thành người phàm kêu gọi hết mọi người đến nghe lời mình dạy bảo. Cũng như sau này khi Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy xác phàm đến trong thế gian, sẽ có những người đón nhận và những người từ chối. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, nếu trong anh em có ai cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật; vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa. Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
 
Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết kín múc sự khôn ngoan từ Lời Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Éprem nói: Lời Chúa là nguồn mạch bất tận ban sự sống… Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng. Đó là các huấn giới của Thiên Chúa ghi trong sách Luật, Luật tồn tại cho đến muôn đời; ai gắn bó với Luật này thì sẽ được sống.
 
Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết đặt hết niềm tin tưởng cậy trông nơi Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Giêrêmia cho thấy: Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời; phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 1, vịnh gia cho thấy: Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa. Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có. Không phải nghèo khó là phúc, và giàu có là tai họa, nhưng, nghèo khó sẽ giúp chúng ta không cậy dựa vào mình, mà biết tìm nương tựa nơi Chúa. Chúa mới chính là niềm vui, là phần thưởng đích thực, khiến cho chúng ta có được niềm hạnh phúc lớn lao. Lời Chúa là nguồn mạch sự sống, là đầu mối khôn ngoan, nếu chúng ta biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa, chúng ta sẽ bước đi trên con đường khôn ngoan dẫn đến sự sống muôn đời. Lời Chúa có muôn màu muôn vẻ, tùy theo nhận thức khác nhau của những người học hỏi. Chúa thiết lập nhiều kho tàng châu báu trong Lời của mình, để chúng ta khai thác ở đâu, thì nên giàu có ở đó. Lời Chúa là cây sự sống, cung cấp cho chúng ta quả phúc từ mọi phần cây, tựa như tảng đá xưa trong sa mạc, đã nứt ra, để ban nước thiêng cho mọi thành phần Dân Chúa. Chúng ta là những kẻ khát, thì chúng ta hãy vui mừng khi được uống, và đừng buồn, khi không uống cạn được suối. Chúng ta hãy cảm tạ, vì những gì chúng ta đã nhận được, và đừng buồn vì phần còn lại thật quá nhiều. Cái chúng ta đã lãnh, và đã tìm được, là phần của chúng ta; ngoài ra, cái còn lại là gia nghiệp, chúng ta sẽ được hưởng muôn đời. Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, ước gì chúng ta biết ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
============
Suy niệm 4: TÍN THÀNH và PHÚC ÂN

Đối với con người có thể nghịch lý, nhưng đối với Chúa chẳng có gì nghịch lý cả. Cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay, mọi thứ dường như đảo lộn, nếu đặt vào tư tưởng của con người và lối sống xã hội thực dụng.

Vì thiết nghĩ chẳng ai nói: “Phúc cho những kẻ nghèo khó…Phúc cho những ai bây giờ đói khát…Phúc cho những kẻ bây giờ phải khóc lóc…Phúc cho các ngươi vì Con Người mà bị thù ghét, trục xuất và phỉ báng…” (x. Lc 6,20-22)? Đáng lẽ phải thay ‘phúc cho…’ thành ‘khốn thay…’ chứ! Và cũng không ai nói: “Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có…Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ…Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười…Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng…” (x. Lc 6,24-26)? Đúng ra phải thay ‘khốn cho…’ thành ‘phúc thay…’ chứ!

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Đối với con người có thể là hoạ, nhưng đối với Thiên Chúa là ân phúc, và ngược lại. Chúng ta biết Bài giảng trên núi (Tám Mối Phúc Thật/Bát Phúc) của Đức Giê-su (x. Mt 5,1-12) cũng được gọi là Hiến Chương Nước Trời. Như vậy, để vào Nước Trời, chúng ta nên tuân phục và sống theo những gì Chúa dạy, hơn là đáp ứng tiêu chuẩn của con người hoặc của xã hội trần thế này.

Hơn nữa, để lý giải điều trên, chúng ta cùng suy gẫm bài đọc I trích sách Ngôn sứ Giê-rê-mi-a, rồi chắc hẳn chúng ta sẽ hiểu phần nào về đoạn Tin Mừng dường như nghịch lý này. Lời Chúa vang vọng qua tiên tri Giê-rê-mi-a: “Khốn thay kẻ tin ở người đời, ly sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa ri Thiên Chúa” (Gr 17,5), và “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Chúa, và Ngài sẽ làm chỗ nương thân” (Gr 17,7). Phải chăng đây là lí do tại sao Đức Giê-su lại tuyên bố trong trình thuật Tin Mừng hôm nay? Những ai có thể được khen ngợi, ca tụng, chúc phúc trước mặt người đời, lại không được Thiên Chúa ân ban, vì chưng họ chỉ tin ở trần gian, cậy dậy vào sức phàm nhân, vào tài cán, quyền lực bản thân, còn con tim thì lại rời xa Chúa, xa lìa Lời Hằng Sống. Tuy nhiên, những người chẳng hề được xã hội đoái hoài nhìn tới, lại được Thiên Chúa rủ thương chúc phúc dường bao, bởi lẽ họ chỉ biết tựa nương vào Chúa, đặt niềm tin tưởng, phó thác vào Ngài.

Chuyện kể rằng: Trong giờ nghỉ giải lao, vị giáo sư người Công Giáo bèn đặt ra cho tất cả các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường một câu đố dường như quá dễ dàng, đó là: làm sao cho thêm nước vào 1 chiếc cốc/ly đầy nước? Vừa nghe câu hỏi xong, hàng trăm cánh tay giơ lên, đưa ra câu trả lời; nhưng hầu hết, trong vô số câu giải đáp ấy, chẳng một ai muốn đổ hết nước trong chiếc cốc/ly ra, rồi từ từ cho nước mới vào cả!!!!

Liên tưởng đến tâm hồn chúng ta là những chiếc cốc/ly nước đầy, toàn là ý nghĩ cậy dựa vào sức mình, bám víu vào vật chất, quyền thế, danh vọng, đam mê, thú vui chóng qua, v.v…thì làm sao mà còn chỗ cho Chúa đi vào đời sống chúng ta, còn chỗ nào cho Chúa đứng trong cuộc đời mình, còn chỗ nào để Chúa bước vào mọi ngõ ngách tâm can chúng ta nữa! Như thế, không có Chúa trong đời ta, chẳng phải là điều tồi tệ, và tương đương với từ ‘khốn thay’ hay sao? Hơn nữa, như Thánh Phao-lô Tông đồ bộc bạch: “Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Ki-tô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ” (1Cr 15,19). Thật vậy, nếu chúng ta chỉ tin vào cuộc đời chóng qua này, mà chẳng tin vào sự Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô thì “lòng tin của chúng ta cũng là hão huyền” (x. 1Cr 15,17), và thay vì được ‘chúc phúc', lại trở nên ‘vô phúc’.

Tuy nhiên, suy gẫm thật kỹ, chúng ta có thể nhận ra mấu chốt của vấn đề không hệ tại sự nghèo khó hay giàu có, đói khát hay dư đầy, khóc lóc hay vui cười, bị ghét bỏ hay được khen ngợi, mà trong những hoàn cảnh này, tâm thế và tâm trí chúng ta đặt nơi đâu, hướng về ai mới là điều đáng chú ý cần quan tâm. Vì nếu được Chúa ban cho giàu có, biết làm lụng, vẫn tin tưởng vào Ngài, luôn khiêm tốn chia san với tha nhân, đặt niềm tín thác vào Chúa, thì chắc hẳn họ sẽ được chúc phúc, thay vì bị vô phúc. Ngược lại, nếu không mấy dư giả, làm lụng vất vả mà vẫn nghèo, suốt ngày than thân trách phận, chẳng tin vào Chúa, thì hẳn không được chúc phúc rồi! Do đó, nếu biết đặt niềm tin vào Chúa, chẳng cậy dựa vào sức người đời, và hằng tựa nương vào Chúa, thì cho dù chúng ta nghèo khó hay giàu có, cho dù chúng ta đói khát hay đầy dư nhưng vẫn biết chia san với tha nhân, cho dù chúng ta đang sầu buồn vì tội lỗi mình, hay hân hoan với niềm vui của mỗi ngày sống, biết “vui với người vui, khóc với người khóc” (x. Rm 12,15), cho dù chúng ta bị bách hại, bị ghen ghét vì chính đạo, hay được người khác khen tặng vì đã sống ‘tốt đời đẹp đạo’ một cách đúng nghĩa, thì chúng ta vẫn được chúc phúc “như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17,8); còn không, chúng ta sẽ “như bụi cây trong hoang địa, chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ; hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người” (Gr 17,5).

Lạy Chúa, xin con luôn biết tin cậy vào Chúa

Dẫu đời khó nhọc vất vả, hay dư đầy sung túc

Cho con hằng nương tựa vào Ngài, hơn cậy nhờ sức của phàm nhân

Cho dù đói khát thiếu thốn, hay no đủ

Không lời than thân trách phận, nhưng biết chia san theo khả năng

Cho dù đang khóc lóc đớn đau, hay hân hoan vui sống

Hằng biết cm thông, yêu thương với tha nhân

Cho dẫu bị ganh ghét vì chính đạo, hay được tán dương, cảm kích

Vẫn mãi tín trung, trông cậy vào Chúa,

Ngõ hầu danh Ngài rạng ngời vinh quang khắp nơi! Amen.

Lm. Xuân Hy Vọng

============

Suy niệm 5: CHUYỆN GIẦU - NGHÈO, PHÚC VÀ HỌA 

Chuyện giầu nghèo, phúc và hoạ mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay khiến nhiều người không khỏi thắc mắc : Thế nào là giàu, thế nào là nghèo ? Tại sao giầu mà là bị coi là kẻ khốn và nghèo lại được chúc phúc. Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lỗi thời khi cổ súy cái nghèo? Hơn nữa, Người lại còn mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ cũng phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?

Chúng ta đừng quyên trong Cựu Ước, giàu sang là phúc lành của Thiên Chúa (x. St 13); (x. G.1-2;42,10-15). Tuy nhiên, cũng có những sự giàu có bất chính do bóc lột người nghèo, các ngôn sứ lớn tiếng tố cáo và công bố hậu quả, như Amos 2,6-18; 3,9-12.

Vấn nạn từ mối phúc

Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt. Khi công bố trong đoạn Tin Mừng (Lc), Chúa Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với sự đánh giá khác. Người cho các môn đệ biết rằng: họ là những người có phúc, khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Người. Nếu Chúa Giêsu tuyên bố: “Phúc cho anh em là những người bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,21). Vậy ai là người đói khát và ai là người no thỏa?

Chẳng những Chúa Giêsu từ ngàn xưa đã công bố như thế, mà ngay chính Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thời hiện đại khi kể chuyện về giây phút cái danh hiệu PHANXICÔ đi vào lòng ngài, ngài diễn tả chương trình hành động của ngài, không phải bằng một lời tuyên bố long trọng, nhưng bằng cách bộc lộ một nỗi khao khát: “Ôi, tôi mong ước biết bao có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”.  Nhưng khi nghe đến “một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”.

Có người hỏi: “Thế còn người giàu thì sao?” Phải chăng một “Hội Thánh nghèo” là một Hội Thánh gồm toàn những người nghèo? Nếu Nước Thiên Chúa là của người nghèo thì người giàu bị loại hết hay sao?

Phúc cho kẻ nghèo

Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất thật cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người đặt con người làm chủ và hưởng dùng mọi sự trong vũ trụ. Nhưng của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Trước mặt Thiên Chúa, người giàu có chỉ là người “quản lý” của cải vật chất, trước sau cũng phải giao lại cho người khác. Của cải đời này luôn là “của người khác”.

Nước Thiên Chúa là phần của người nghèo, của cải thế gian phần của người giàu, nếu người giàu chia phần của mình với người nghèo bây giờ
thì khi tới phiên được hưởng, người nghèo sẽ chia Nước Thiên Chúa cho người giàu.

Người nghèo là người biết sống cho những giá trị ấy, cho dù giữa những vất vả lo toan, miếng cơm, manh áo, họ vẫn luôn tìm kiếm Nước Trời, họ sẽ là người hạnh phúc nhất, vì biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu.

Khốn cho người giầu

Tại sao Chúa Giêsu lại nặng lời với những người giầu?

Chúng ta biết rằng, trong xã hội Chúa Giêsu đang sống lúc bấy giờ, kẻ giàu đang áp bức kẻ nghèo, kẻ giàu đang kéo người nghèo ra tòa, chỉ vì họ mắc nợ. Những người đang sống dưới bậc tận cùng của nấc thang xã hội nghèo khổ đến độ họ khó có thể sống nổi, trong khi những kẻ cho vay nặng lãi đang giàu sụ và bóc lột họ. Chúa Giêsu không lên án của cải, không kết án sự giàu có, mà chỉ buộc tội những kẻ giàu không biết thương xót người khác.

Cũng một phần vì của cải là ngẫu tượng hấp dẫn, nó cuốn hút chúng ta và đẩy xa Thiên Chúa ra khỏi lòng chúng ta. Nếu xem tiền của là chủ đời ta, thì tiền của sẽ túm lấy ta, phá vỡ sự hòa hợp giữ con người với nhau, hủy hoại cuộc sống và linh hồn khiến ta không còn yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn nữa, và như thế là đối nghịch lại với điều răn thứ nhất là thờ phượng Một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.

Nếu Chúa ban cho ta của cải giàu có thì chính là để trao tặng cho người khác, để nhân danh Chúa làm nhiều điều tốt cho tha nhân. Nhưng của cải có khả năng cám dỗ chúng ta và chúng ta bị sa ngã, trở thành nô lệ của sự giàu có. Đã có lần Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta cầu nguyện một tí và hy sinh một tí, không phải cho người nghèo, nhưng cho người giàu. (REI 24/05/2018)

Một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo

Một Hội Thánh nghèo không phải là một Hội Thánh gồm toàn người nghèo. Hội Thánh không phải là Bang Hội của Cái Bang (ăn mày). Hội Thánh gồm tất cả những ai tìm kiếm và tin nhận Thiên Chúa là hạnh phúc duy nhất và vĩnh cửu và “Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2). Chính khi kêu gọi các tín hữu quyên góp để chia sẻ với cộng đoàn Giêrusalem đang lâm cảnh khó khăn mà thánh Phaolô nại đến gương Chúa Giêsu: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của minh mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cor 8,9).

Như vậy, Một Hội Thánh nghèo là một Hội Thánh sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, không dính bén với của cải vật chất, không chạy theo thói thế gian, không đặt của trọng hơn người.

Sống lời Chúa dạy

Việc đầu tiên phải làm cho người nghèo, là biết quan tâm đến những cảnh ngộ lầm than, đáng thương quanh ta. Giảm thiểu khoảng cách bất công giữa người giầu và người nghèo một vùng miền nào đó.

Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta trở nên những khí cụ tình thương hải hà của Chúa đối với anh em. Amen.

 Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log