Suy niệm 1
===============
Suy niệm 2
THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ dân Chúa! Mỗi khi Giáng Sinh về, từng giáo xứ, nhà nhà bắt đầu dành thời giờ làm hang đá. Dù hang đá có hoành tráng hay đơn sơ, có lấp lánh ánh đèn bừng sáng hay chỉ lung linh huyền ảo, có to lớn hay nhỏ bé đi chăng nữa, thì không thể thiếu bộ tượng Thánh Gia Thất: Chúa Giê-su Hài Đồng nằm dang đôi tay, Mẹ Ma-ri-a và Thánh Cả Giu-se cung kính bái quỳ bên Con Chúa. Ngoài ra, đâu đó nơi hang đá có một dòng chữ “Em-ma-nu-el - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” nữa!
Chắc hẳn, trong mỗi chúng ta đều nghe đến và hiểu dòng chữ này, đặc biệt khi chờ trông, dọn lòng đón Chúa Hài Nhi giáng trần cứu chuộc nhân loại. Danh xưng “Em-ma-nu-el - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” không những xuất hiện trong Tân Ước mà đã được nhắc tới trong Cựu Ước khi nói đến một vị Thiên Chúa có tính nhân vị, hằng hữu và luôn ở cùng với Dân của Ngài. Tuy nhiên, danh xưng này được cảm nhận rõ rệt, cụ thể qua Con Một Thiên Chúa được sinh hạ bởi một người phụ nữ vẹn tuyền khiết trinh Ma-ri-a tại Bê-lem, quê hương Vua Đa-vít mà đã được tiên tri loan báo từ lâu: “Hỡi Bê-lem Éph-ra-ta, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giu-đa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Is-ra-el, và nguồn gốc Ngài có từ nguyên thuỷ” (Mk 5, 1). Và lời tiên tri phán xưa đã được ứng nghiệm hầu hoàn tất Lời Chúa và chương trình Cứu độ của Ngài “…người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1, 22-23), và Mẹ Ma-ri-a là người đầu tiên cảm nghiệm sâu sắc biến cố này. Tuy vậy, Mẹ không giữ cho riêng mình, mà ‘trỗi dậy, vội vã ra đi đến miền sơn cước, thăm viếng và chia sẻ niềm vui khôn tả này cho bà chị họ I-sa-ve’ (x. Lc 1, 39-40).
Nói như Thánh Phao-lô Tông Đồ, Thiên Chúa là người nhất quán, tín trung, thực hiện lời hứa cứu độ của Ngài. Thiên Chúa sống đúng với danh xưng “Em-ma-nu-en - Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài chẳng bao giờ bỏ quên chúng ta; Ngài chẳng loại chúng ta ra khỏi ý định cứu độ của Ngài; và như lời xác tín gửi cho giáo đoàn Rô-ma “…theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày…” (x. Rm 16, 25-26). Ngoài ra, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái cũng quả quyết điều ấy: “Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giê-su Ki-tô một lần là đủ” (x. Dt 10, 10).
Thật vậy, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” trong mọi biến cố cuộc đời: vui mừng hay buồn tủi, thành công hay thất bại, tín thác hay ngờ vực, thịnh vượng hay suy vong, hạnh phúc hay bất hạnh, mở lòng đón nhận hay khép kín chối từ, lúc mạnh khoẻ hay bệnh tật, khi thuận lợi hay bất lợi, những lúc được hậu thuẫn hay bị chống đối…Về phần chúng ta, dường như chúng ta chưa cảm nhận sâu xa về điều này; hoặc vì nhiều nỗi lo toan cuộc sống, bôn ba công việc, kiếm kế sinh nhai, lo hoà nhập vào xã hội, hay đang đi tìm chỗ đứng trong xã hội, mà lắm lúc đôi mắt đức tin chúng ta trở nên mờ căm trước sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta!
Với tinh thần Mùa Vọng là dịp thuận lơi, khoảnh khắc vô giá cho mỗi người, chúng ta nên nhìn lại bản thân, hết lòng ăn năn, sám hối, dọn lòng đón mừng Chúa Hài Đồng sinh lại nơi tâm hồn, nơi gia đình, nơi cộng đoàn, giáo xứ, xã hội và cả thế giới đầy những sự bất an này. Hơn nữa, đây cũng là thời cơ vắn vỏi cho mỗi người chúng ta đến với Chúa, sống cùng với Chúa trong mọi trạng huống cuộc đời. Con người chúng ta thường chỉ nhận ra sự cần thiết của việc chạy đến với Chúa mỗi khi gặp khó khăn, gian nan, hay gặp những nỗi buồn chán, mà quên trở về bên Chúa, nép vào lòng Ngài những lúc vui tươi, thành công hay hạnh phúc! Chúng ta không quên noi theo gương Mẹ Ma-ri-a sẵn sàng đáp lời “xin vâng” với Chúa, ngay cả thời khắc sợ hãi, hay đứng trước nguy cơ rủi ro, khi chưa hiểu thấu chương trình và ý định của Ngài, “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (x. Lc 1, 38).
Ngoài ra, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” và Ngài cũng ở cùng với anh chị em chúng ta nữa. Vì thế, mỗi khi chúng ta sống trong sự hiện diện của Chúa, sống kết hiệp với Chúa mọi giây phút, thì chúng ta cũng được mời gọi sống với anh chị em trong gia đình, lối xóm, cộng đoàn giáo xứ nữa. Thiết nghĩ chẳng ai sống kết hợp với Chúa mọi lúc mà lại xa lánh tha nhân, anh chị em mình, vì chưng, chính nơi họ “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đang hiện diện cách sống động và cụ thể nhất! Mầu nhiệm “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” được bộc lộ cụ thể, rõ nét nơi mọi hành vi, lời nói, cử chỉ, tư tưởng của chúng ta; đặc biệt, trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta nên chọn cho mình một quyết tâm mà bấy lâu nay chúng ta chưa thực hiện được. Có thể chúng ta chọn tha thứ cho ai đó vì Giáng Sinh là mùa để thứ tha; hoặc chúng ta làm hoà với một ai đó vì Giáng Sinh là thời gian để giao hoà; và trên hết Giáng Sinh là Mùa hồng ân, nơi đó “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” tỏ hiện nơi xác phàm, ngõ hầu cứu độ chúng ta.
Giờ đây, chúng ta cùng lắng đọng ít phút trước Chúa Tình Yêu và thầm thỉ nguyện rằng:
Em-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Xin thương ân ban cho con luôn được bên Chúa
Em-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Ra đi chia san, phó dâng trọn đời sống con. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 3
Vui mừng và hy vọng bước vào Năm Thánh
(Lc 1, 39-45)
Sau khi đã ngưng nghỉ nhìn lại chặng đường đã qua với niềm vui vì những gì đã đạt được, nay lễ Giáng sinh đã gần kề, đặc biệt cửa Năm Thánh 2025 sắp mở ra làm cho tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên, thôi thúc chúng ta phải làm hết sức những gì có thể để hưởng trọn vẹn niềm vui ngày Con Chúa ra đời, và nhất là “Ơn Toàn Xá, một ân sủng đặc biệt của Năm Thánh”.
Lời của ngôn sứ Mikha lôi kéo chúng ta hướng nhìn về Belem, châu thành bé nhỏ của nước Giuđê, chứng tá của một biến cố vĩ đại: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời” (Mk 5,1).
Niềm vui ló rạng
Cách trích dẫn có tính lịch sử của Malaki giúp ta hình dung ra ra ngày Chúa đến gặp dân Ngài. Khi phải sống lưu đày xa Thiên Chúa, con người cảm thấy đau khổ. Nay “tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt” (Dc 2,11). Thiên Chúa chuẩn bị viếng thăm và ra tay cứu thoát.
Không mừng vui sao được, vì nói đến Belem, là người ta nghĩ ngay đến Ðavít đại vương, tổ tiên của Đấng Mêsia đã sinh ra tại đây từ ngàn năm trước Chúa Kitô giáng sinh, chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và đem niềm vui cho Israel.
Mẹ mừng vui, bà Êlisabeth vui mừng
Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ nơi gia đình Dacaria cho thấy, Thiên Chúa đã đến gần. Tin Mừng ghi lại: “Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabeth” (Lc 1,39-40). Cuộc viếng thăm tưởng như là cuộc thăm viếng giữa người với người; nhưng thực tế, đây là cuộc thăm viếng lịch sử, Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Thiên Chúa đã chuẩn bị biến cố này từ lúc con người sa ngã trong vườn Địa Đàng. Từ đó, con người khao khát Thiên Chúa viếng thăm; vì nhờ Chúa viếng thăm, con người được Thiên Chúa đổi vận mạng: từ chỗ bị lưu đày đến chỗ được vào Đất Hứa, từ chỗ phải xa cách Thiên Chúa đến chỗ được đoàn tụ với Ngài muôn đời, từ chỗ phải chết đến chỗ sống muôn đời,.
Bà Elisabeth đại diện cho Dân Chúa đón nhận niềm vui Chúa ban. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, bà nhận ra Người Con Đức Maria đang cưu mang là Đấng Cứu Thế, là Nguồn Vui, gặp Mẹ Maria tràn gập niềm vui, bà Êlisabeth kêu lên : “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực” (Lc 1, 42-45). Bà Elisabeth và Gioan Tẩy Giả vui mừng khi được Đấng Thiên Sai đến viếng thăm. Bà biết rõ lý do tại sao Mẹ Maria thật có phúc: “vì đã tin rằng Chúa phán cũng Bà sẽ được thực hiện” (Lc 1,45).
Mẹ Maria có phúc vì đã tin. Ðức tin được nuôi dưỡng trong đức ái. Mẹ chỗi dậy và vội vã lên đường đến gặp bà Elisabeth. "Chỗi dậy" là một cử chỉ đầy ân cần. Qua những cử chỉ đó Đức Maria chứng tỏ mình đã là môn đệ của Đấng mà Mẹ mang trong lòng. Biến cố Chúa Giêsu sinh ra bắt đầu như thế, với một cử chỉ bác ái đơn sơ là viếng thăm, chia sẻ niềm vui, mang lại hy vọng cho gia đình Dacaria và Elisabeth. Niềm vui, tình yêu và sự sẻ chia ấy được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người tại Belem.
Chúng ta mừng vui
Cánh cửa Năm Thánh sắp mở ra làm cho con cái Chúa hết sức vui mừng và phấn khởi. Với chủ đề “Người Hành Hương Hy Vọng”. Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu sống niềm vui và hy vọng giữa bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống. “Ân Xá Năm Thánh” là một cách khám phá bản chất vô hạn của lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi tất cả các Kitô hữu hãy trở thành “những người hành hương” của niềm hy vọng, để đón nhận “Ơn Toàn Xá, một ân sủng đặc biệt của Năm Thánh”.
Noi gương Mẹ Maria là người hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Mẹ không ngừng trông cậy và hy vọng nơi Chúa. Dù ý thức mọi khó khăn sẽ xảy đến, Mẹ vẫn tin tưởng chấp nhận thưa tiếng để đón Chúa Giêsu, Đấng là Hy Vọng của Israel và của muôn dân tộc vào lòng dạ mình.
Mẹ không thất vọng, không ngã quỵ mà kiên trì đứng vững trong hy vọng, vì tâm hồn Mẹ luôn âm vang lời thần sứ đã nói với Mẹ trong ngày Truyền Tin: “Maria, xin đừng sợ!” (Lc 1,30). Lòng Mẹ luôn sáng lên niềm tín thác và hy vọng nơi Lời của Con Mẹ. Mẹ là mẫu gương hy vọng cho những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô trong cuộc lữ hành trần gian này.
Mẹ là ngôi sao sáng. Khi Mẹ vội vã, với niềm vui thánh thiện, băng qua núi đồi của miền Giuđa để đến gặp người chị họ Elizabeth, Mẹ đã trở thành hình ảnh của Giáo hội sẽ xuất hiện, mang trong lòng niềm hy vọng của thế giới băng qua các núi đồi lịch sử. Vì vậy, Mẹ ở giữa Giáo hội với tư cách là Mẹ của niềm hy vọng.
Mẹ là niềm hy vọng để Giáo hội cậy nhờ mỗi con thuyền Giáo hội gặp phong ba bão táp, ngay cả lúc thuận buồm xuôi gió. Mẹ là bảo chứng cho niềm hy vọng, là dấu chỉ chắc chắn về ơn cứu độ Thiên Chúa ban xuống cho con người.
Để sống Năm Thánh này, chúng ta hãy đến với Mẹ, cầu xin Mẹ cho tất cả chúng ta khám phá ra niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Không ai đã bước vào mầu nhiệm sâu xa của việc nhập thể như Mẹ Maria. Toàn bộ cuộc sống Mẹ được hun đúc theo sự hiện diện của Chúa Giêsu đã hóa thành nhục thể.
Lạy Mẹ Maria, xin chỉ cho chúng con đường đến Vương quốc của Con Mẹ! Ôi Người Nữ Hy Vọng, Ngôi Sao sáng, xin hãy chiếu sáng và hướng dẫn chúng con không thất vọng trên hành trình dương thế.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy niệm 4
TÔI ĐÂY LÀ NỮ TỲ
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 4 Mùa Vọng, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa không nỡ để nhân loại rơi vào cõi chết, nên, đã thương sai Con Một giáng trần cứu chúng ta. Xin Chúa cho những ai đến thờ lạy Chúa Hài Nhi cũng được thông phần vào đời sống của một Vị Cứu Tinh nhân từ như vậy.
Thông phần vào đời sống của Vị Cứu Tinh nhân từ, nếu ta luôn nhớ tới lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Xion được phục hưng: Không có bản văn nào trong Cựu Ước công bố ơn cứu độ hùng hồn như bản văn này. Thiên Chúa yêu thương chúng ta không chỉ bằng những tâm tình của người cha, mà còn của một người mẹ nữa: Thành Thánh từng mất con cái vì chúng phải lưu đày, nay tìm lại được nhiều hơn, và đằng sau những lời này, ta còn thấy một đoàn lũ những người ngoại giáo gia nhập cộng đoàn, ngày nay là Hội Thánh. Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Chúa phán: Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Lạy Chúa, dù cha mẹ có bỏ con đi nữa; thì đã có Chúa đón nhận con.
Thông phần vào đời sống của Vị Cứu Tinh nhân từ, nếu ta ý thức thân phận hèn mọn của mình cần được Chúa thương đoái đến, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bênađô nói: Cũng như tội lỗi đã bắt đầu từ người phụ nữ, thì ơn phúc cũng bắt đầu từ những người phụ nữ, đồng thời sự sống đã mất đi, vì sự sa ngã của một người phụ nữ, nay được hoàn lại cho thế giới, nhờ hai người phụ nữ đang cùng nhau ca hát… Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn. Đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Thông phần vào đời sống của Vị Cứu Tinh nhân từ, nếu ta biết ngoan ngùy, vâng phục và tin nhận Đấng mà Chúa Cha sai đến, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Mikha rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 79, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ. Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư Hípri cho thấy: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài… Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Trong bài Tin Mừng, bà Êlisabét kêu lớn tiếng và nói rằng: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Thiên Chúa đã làm cho ta nên cao trọng, khi ban ân huệ rất lớn lao, đến nỗi, không miệng lưỡi nào giải thích nổi, mà phải có lòng mến yêu sâu thẳm, mới mong hiểu phần nào. Vì thế, ta phải đem hết sức lực của linh hồn để dâng lời cảm tạ. Đời sống của ta cùng với mọi cảm nghĩ và hiểu biết, ta dùng tất cả để chiêm ngưỡng ân huệ cao quý vô song đó với tâm tình tri ân cảm tạ, bởi vì, trong chính Đức Giêsu, Đấng cứu độ ta, thần trí ta được hớn hở vui mừng. Chỉ có linh hồn nào được Chúa đoái thương, làm cho những việc trọng đại, mới có thể ngợi khen Người, và chia sẻ niềm vui của mình với người khác. Chúa không nỡ để nhân loại rơi vào cõi chết, nên, đã thương sai Con Một giáng trần cứu chúng ta. Ước gì khi đến thờ lạy Chúa Hài Nhi, ta cũng được thông phần vào đời sống của một Vị Cứu Tinh nhân từ như vậy. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
===============
Suy niệm 5
TẶNG TRAO
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”.
Trong “Bước Tới Gần Hơn!”, “Closer Walk!”, tác giả viết, “Cuộc sống thật bi thảm đối với một số người có quá nhiều thứ để sống, nhưng không biết sống cho ai, sống cho cái gì! Nói cách khác, họ không biết tặng trao!” - Catherine Marshall.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa Chúa Nhật cuối mùa Vọng cho thấy Đấng mà chúng ta cần “bước tới gần hơn” là chính Thiên Chúa, một Thiên Chúa luôn ‘tặng trao!’. Hội Thánh mời gọi con cái noi gương Mẹ Maria, lên đường, ra đi và ‘tặng trao’ như Thiên Chúa, Đấng luôn ‘tặng trao!’.
Với ngôn sứ Mikha, Thiên Chúa hứa ban cho dân Ngài một mục tử, “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel” - bài đọc một; bên cạnh đó, Mikha còn nói đến một phụ nữ, “Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời người sản phụ sinh con”. Người con được báo trước ấy là Chúa Giêsu Cứu Thế, Ngài sẽ là mục tử thực hiện những lời hứa xưa, mở ra một thời đại hoà bình. Ngài là tư tế hiến dâng chính mình làm của lễ trong tế tự giao ước mới, “Này con đây, con đến để thực thi ý Chúa!” - bài đọc hai. Ngài sẽ thi hành thánh ý Chúa Cha đến nỗi ‘tặng trao’ chính thân mình trên thập giá!
Tin Mừng hôm nay nói đến cuộc ra đi của Đức Maria, một phụ nữ lòng đầy Chúa đến với gia đình Zacharia. Cuộc gặp gỡ của hai người mẹ, ‘một già, đại diện cho giao ước cũ; một trẻ, đại diện cho giao ước mới’ đưa chúng ta về các giao ước mà Thiên Chúa cam kết thực hiện. Maria ‘tặng trao’ chính mình khi đến phục vụ người chị họ; qua đó, Mẹ ‘tặng trao’ Giêsu. Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm và bắt chước những bước chân thật đẹp đầy tình Chúa, thắm tình người của Mẹ.
Cả Maria và Elizabeth đều được chúc phúc khi họ đến với nhau; mỗi người là nguồn ân phúc cho người kia! Khung cảnh gặp gỡ nhắc chúng ta rằng, sự hiện diện của chúng ta dành cho nhau có ý nghĩa sâu sắc hơn trong những ngày áp lễ Giáng Sinh. “Trên đường đến nhà Elizabeth, Maria tiến bước nhanh nhẹn như một người có trái tim và cuộc sống tràn đầy Chúa, tràn đầy niềm vui của Ngài. Chúng ta đừng quên, hành động bác ái đầu tiên chúng ta có thể làm cho những người lân cận là trao cho họ một khuôn mặt thanh thản và tươi cười. Đó là mang niềm vui của Chúa Giêsu đến cho họ, ‘tặng trao’ Ngài như Mẹ Maria đã ‘tặng trao’ Elizabeth!” - Phanxicô.
Anh Chị em,
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Ước gì mỗi người chúng ta sẽ là “Thân Mẫu Chúa” cho người khác! Chúa có thể hoạt động mạnh mẽ qua mỗi người chúng ta để chúc phúc và ban ân sủng cho người khác. Có như thế, chúng ta biết rõ, chúng ta “sống cho ai và sống cho cái gì”. Nhờ phép Rửa Tội, bạn và tôi được kêu gọi trở thành nguồn ân phúc của Thiên Chúa cho người khác, trở thành máng thông chuyển ân sủng cho người khác. Chúng ta làm điều đó với ‘chất lượng hiện diện’ của Mẹ Maria; một sự hiện diện chu đáo, yêu thương, chấp nhận, kiên nhẫn và quan tâm - khởi đi từ các mối tương quan với những người trong gia đình mình, trong cộng đoàn mình!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, lễ Giáng Sinh, lễ mừng Chúa trao tặng phẩm vị thần linh cho nhân loại để cứu nhân loại, đừng để cuộc sống con trở nên bi thảm khi không biết ‘tặng trao!’”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
==============
Suy niệm 6
Mang Tình Yêu Lên Đường
Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1, 39-45
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Maria vừa hay tin bà chị họ ở xa, đã già mà diễm phúc có thai được sáu tháng, Mẹ liền vội vã khăn gói, tức tốc vượt đường xa xôi thăm chị. Có lẽ lúc ấy Mẹ chẳng kịp chuẩn bị quà cáp và cũng chẳng có gì. Nhưng đây lại là “chuyến bác ái để đời” cho người Kitô hữu qua mọi thời gẫm suy, câu chuyện hai bà bầu gặp nhau.
Trong chuyến viếng thăm này, Mẹ mang theo gì mà xảy ra chuyện lạ lùng quá? Mẹ chưa hề nói cho chị họ biết những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho Mẹ. Vậy mà bà Êlisabét vừa nghe tiếng Mẹ chào, thì em bé trong bụng bà “nhảy” lên vui sướng. Sau biến cố Truyền Tin, Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa và hôm nay đem đến cho gia đình Dacaria, Thánh Thần “rợp bóng” trên Mẹ tràn sang, làm bà chị bỗng kêu lên mà nói toàn những “thứ tiếng mới lạ”: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,43-45). Lạ lùng thay! cuộc gặp gỡ gây… “chấn động” cả hai thai nhi, là vì có sự Hiện Diện của Thiên Chúa trong Mẹ và lan tỏa đến cả người đối diện nữa.
Không chỉ đem niềm vui, bằng tình yêu, đem Chúa đến cho gia đình Dacaria, “tưng bừng” ngay hôm đó mà thôi, Mẹ còn ở lại đó ba tháng. Không chỉ đến chia sẻ niềm vui, Mẹ biết chị họ đang cần gì và Mẹ sẵn sàng ở lại chăm sóc, phục vụ việc nhà tận tình, trong lúc bà chị mang thai những tháng cuối, lúc người phụ nữ cần giúp đỡ hơn bao giờ hết. Thánh Phaolô khuyên tín hữu thành Rôma: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình… Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà… vui với người vui, khóc với người khóc”.
Mẹ ơi! Mẹ là mẫu gương sống bác ái yêu thương phục vụ, bằng tình yêu hy sinh thật tuyệt vời! Xin Mẹ dạy con biết sống bác ái yêu thương, sẻ chia tấm lòng, biết đem niềm vui, nhất là biết đem Chúa đến với mọi người mà chúng con gặp gỡ trong cuộc sống mỗi ngày.
Én Nhỏ