Thứ năm, 21/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVIII Thường niên năm B

Cập nhật lúc 08:55 10/10/2024
Suy niệm 1
ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI
Mc 10, 17-30
Qua bài Tin Mừng, ta thấy người thanh niên có đời sống luân lý thật tốt. Anh ta còn cả một ước mơ cao vời là muốn có “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Một thanh niên có được đời sống tốt lành như vậy trong xã hội hôm nay quả thật rất hiếm. Bao nhiêu thông tin hằng ngày cho thấy bộ mặt giới trẻ thật đáng ngại: trong đời sống luân lý thì phóng túng; trong quan hệ tình yêu thì gian dối; trong giao dịch kinh tế thì mánh mung lừa đảo; trong bổn phận thì thiếu trách nhiệm; trong việc chung thì đùn đẩy; trong học hành thì đối phó, gian lận… Những gì là đạo đức, hiền lành, chân thật, dường như không còn nữa.
Đối với phái nam như trung, hiếu, hay nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, xem ra đã lạc hậu; đối với phái nữ thì công, dung, ngôn, hạnh, có lẽ đã lỗi thời. Có nhiều lý do bức bách giới trẻ, làm cho họ bị tha hóa. Đúng hơn đó là hậu quả của một xã hội hay một lối sống vô thần, chỉ biết gia tăng kinh tế mà không biết gia tăng đạo đức, chỉ biết tôn thờ khoa học kỹ thuật mà không biết đến Đấng chí tôn, nên tạo ra một lớp người hỗn loạn, yêu cuồng sống vội, nóng ruột kiếm tiền, mê man hưởng thụ, và sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được những gì mình muốn. Trong bối cảnh như vậy, chủ nghĩa duy lợi lên ngôi, là con đẻ của chủ nghĩa duy vật. Nhưng dù sao thì mỗi người vẫn có tự do để sống cuộc đời mình, không thể đổ trách nhiệm cho xã hội hay một lớp người nào.
Dù sao giữa đám rừng vẫn có những bông hoa đẹp như người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay. Gặp được Đức Giêsu, anh ta vui mừng hỏi… Nghe Đức Giêsu trả lời, anh ta càng vui mừng hơn vì thấy mình đã sống tốt mọi đòi hỏi của giới luật. Nhưng khi nghe Đức Giêsu mời gọi từ bỏ tất cả để đi theo Ngài… thì anh ta sa sầm nét mặt xuống, và buồn rầu bỏ đi. Không những thế mà xem ra anh ta còn có đau sâu hơn, vì thấy mình có lý tưởng sống mà lại không sống lý tưởng. Anh anh ta bị tiền của trói buộc, không có can đảm thoát ra. Biết rằng sự sống đời đời là trên hết, nhưng đành thúc thủ. Anh ta rất buồn và Đức Giêsu cũng thật buồn. Tình huống đáng buồn này sẽ còn tái diễn mãi mỗi khi ta yêu mình hơn yêu Chúa, yêu của cải hơn yêu con người. 
Đức Giêsu cho thấy người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Vào thời Chúa Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành, vậy mà Ngài lại coi đây là một cản trở nguy hiểm. Của cải tiền bạc dễ làm người ta khép kín trước Thiên Chúa và tha nhân. Trong một sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Việc coi trọng tiền bạc quá đáng không những làm ta xa lìa tha nhân nhưng còn làm cho con người mình trở nên trống rỗng, bất hạnh, sống ảo tưởng, vì đã thay thế Thiên Chúa bằng các của cải vật chất. Làm sao ta có thể hiểu được lòng nhân từ của Thiên Chúa nếu tâm hồn ta đầy tự mãn và những dự phóng riêng của mình, tưởng mình có thể đảm bảo tương lai cho mình?”  
Bi kịch của thanh niên trong Phúc Âm cũng là bi kịch của mỗi người chúng ta, vì ai cũng từng bị giằng co giữa ước mơ bay cao và sự kéo ghì của vật chất, giữa lý tưởng và thực tế, giữa cao thượng và tầm thường. Không thể có chuyện lựa chọn mà lại không từ bỏ, muốn được mà lại không chịu mất. Không chịu mất điều chi thì cũng chẳng được điều gì. Cuộc sống là một cuộc trao đổi, cái gì cũng phải trả giá. Đó là quy luật tự nhiên của đời sống con người, những gì đi ngược lại sẽ bị đào thải. Không biết người thanh niên giàu có này sẽ như thế nào, nhưng trước mắt khó mà hạnh phúc, cho dù nỗi buồn kia anh ta có tìm cách quên đi, nhưng sự khao khát vô biên vẫn không ngừng ray rứt. 
Theo Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở chỗ ăn ngay ở lành, chu toàn mọi bổn phận và các đòi hỏi của đời sống luân lý, chẳng bao giờ làm điều gì xấu… mà điều quan trọng là bước đi theo Chúa mỗi ngày. Mà để theo Chúa, thì cần phải sống tinh thần từ bỏ, không chỉ không ham mê vật chất tiền tài danh vọng, mà còn biết dâng hiến đời mình cho Chúa một cách nào đó theo ơn gọi và bậc sống của mình.
Theo Đức Giêsu là chấp nhận mọi tình trạng, có thể là trắng tay, nhưng lạ thay lại được gấp trăm ngay từ đời này. Đó là điều mà Ngài đã quả quyết với các môn đệ, nhưng điều cao quí nhất vẫn là sự sống đời đời, là chính Thiên Chúa. Thực ra, người theo Chúa mất quá ít mà được thì quá nhiều. Thân phận con người ngay từ bản chất cũng đã gắn liền với mất mát và khổ đau, nên dù có bị ngược đãi hay bách hại vì Chúa Giêsu thì cũng chẳng đáng là gì. Thánh Phaolô đã nói lên điều đó:Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 18, 18).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Là người ai cũng ươm mơ dệt mộng,

ai cũng muốn sống an vui và hy vọng,
đều muốn đạt được những ước mong,
Chúa còn đặt nơi lòng người một khát vọng,
muốn sống hoài trong hạnh phúc hiệp thông.

Như người thanh niên giàu đã hỏi Chúa,
phải làm gì để được sống đời đời?
Nghe Chúa trả lời, anh ta chới với,
vì phải bán hết của cải đem bố thí,
rồi lên đường và tiến bước theo Ngài.

Biết rằng sự sống đời đời là trên hết,
nhưng anh không muốn bị mất hết,
nên lặng lẽ cúi đầu rồi quay gót,
anh rất buồn và Chúa cũng thật buồn.

Tình huống này sẽ còn luôn tái diễn,
khi con yêu thân mình hơn yêu Chúa,
yêu của cải hơn yêu con người,
yêu đời này hơn sự sống đời sau.

Thực tế từng ngày con theo Chúa,
cuộc đời con vẫn có những giằng co:
ước mơ bay cao và vật chất kéo ghì,
muốn cho đi nhưng cũng muốn giữ lại;
muốn dâng trao nhưng cũng muốn thu vào,
nên tim con vẫn có những xuyến xao.

Xin cho con có được lòng can đảm,
bán dần đi mọi sở hữu trong
đời,
biết dâng trao trên con đường đi tới,
dám bước theo chân Chúa khắp mọi nơi,
như Chúa vẫn kêu mời và mong đợi
,
vì duy Ngài là tất cả Chúa ơi! Amen.
Lm. Thái Nguyên
==============
Suy niệm 2
S
KHÔN NGOAN VÌ NƯC TRI 
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ, Lời Chúa hôm nay đòi buộc chúng ta phải nhìn lại tâm tư, cùng mọi khía cạnh của cuộc sống đức tin – tu đức – cộng đoàn – cầu nguyện, cũng như đời sống xã hội, gia đình.
Trong một thế giới luôn chuyển mình đổi thay, con người chúng ta cũng chịu ảnh hưởng không ít về quan niệm sống, cách nhìn nhận về sự khôn ngoan đích thật, về quyền năng hoán đổi tâm hồn con người của Lời Chúa, v.v...Vừa rồi có một loạt câu hỏi: tại sao Thiên Chúa quyền năng không can thiệp vào biến cố 9/11 hoặc các sự cố thiên tai lũ lụt, chết chóc do nhân tai, do sự độc tài, chuyên chế của con người gây ra? Và dĩ nhiên, dù câu trả lời ra sao đi chăng nữa cũng không thể nào thích đáng và đáp ứng hết sự truy tầm chân lý vô hạn định của con người chúng ta! Tuy nhiên, một điều chúng ta thấy chắc chắn và cảm nghiệm sâu sắc đó là: trong thời đại ngày nay, chúng ta có xu hướng đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời, ra khỏi trường học, ra khỏi cộng đoàn mình với nhiều chương trình đồ sộ mang tính lợi nhuận, thương mại, xã hội...Một vị Thiên Chúa luôn tôn trọng và lặng lẽ bước ra khỏi cuộc đời con người nếu con người không đón tiếp. Dĩ nhiên, Ngài không bỏ mặc con người, nhưng Ngài cũng không bắt con người phải đón nhận Ngài một khi họ không muốn! Và chuyện gì xảy ra nếu mọi biến cố trong đời, trong xã hội, trong thế giới vắng đi Thiên Chúa, thì chúng ta đang trải qua hằng ngày đấy thôi!
Con người chúng ta thường chạy theo sự khôn ngoan trần thế, sự khôn khéo, lương lẹo mà quên đi Sự khôn ngoan đến từ chân lý, đến từ chính Lời của Thiên Chúa. Bài đọc I hôm nay cho ta thấy sự tương phản tâm tưởng thời đại, xu hướng của con người chúng ta: giữa vương trượng, ngai vàng, giàu sang và khôn ngoan, ta chọn điều gì? Giữa sức khoẻ, sắc đẹp và sự khôn ngoan, ta yêu quý cái gì? Tác giả sách Khôn ngoan đã khẳng định rõ ràng: “Đem so sánh s giàu sang vi s khôn ngoan, tôi k s giàu sang như không. Đi vi tôi, trân châu bo ngc chng sánh đưc vi Đc Khôn Ngoan, vì mi th vàng đem so sánh vi nó thì k như cát bi, và bc đem đ trưc nó thì k như bùn đt...Cùng vi Đc Khôn Ngoan, mi s tt lành đã đến vi tôi” (x. Kn 7, 8 – 11). 
Thứ đến, Sự khôn ngoan này hướng con người chúng ta đến cuộc sống đặt Lời Chúa làm trọng tâm cho đời mình. Tôi không phải là tâm điểm, để Lời Chúa xoay quanh tôi! Trái lại, tôi là người xoay quanh và soi vào tâm điểm là Lời Chúa để tâm tư, tình cảm, cách sống, động thái, động cơ, hành vi, lời nói, mối tương tác, tương quan, mọi khía cạnh con người tôi, mọi chiều kích đời sống tôi nhờ Lời Hằng Sống ấy biến đổi và thúc giục tôi đổi thay sao cho đẹp lòng Ngài. Vì một lẽ “Li Thiên Chúa là li sng đng, hu hiu và sc bén hơn c gươm hai lưi: xuyên thu ch phân cách tâm vi linh, ct vi tu; li đó phê phán tâm tình cũng như tư tưng ca lòng ngưi. Vì không có loài th to nào mà không hin rõ trưc Li Chúa, nhưng tt c đu trn tri và phơi bày trưc mt Đng có quyn đòi chúng ta tr l” (Dt 4, 12 – 13). 
Sau cùng, người thích thú đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì luôn hy sinh vì Nước Trời. Qua trình thuật người thanh niên giàu có đã giữ và sống Mười điều răn từ thuở nhỏ, Chúa Giê-su còn chỉ cho anh ấy và cả chúng ta biết “ch thiếu mt điu, là hãy đi bán tt c gia tài, đem b thí cho ngưi nghèo khó và s có mt kho báu trên tri, ri đến theo Ta” (x. Mc 10, 21). Thật sự, Chúa Giê-su không quá hà khắc đòi buộc anh thanh niên giàu có hay chúng ta phải bán hết gia tài, gia sản của mình để chia cho người nghèo, rồi bản thân của anh ta hoặc chúng ta cũng chẳng còn gì để sống đúng với nhân vị của một con người! Mà đúng ra, Ngài mời gọi anh thanh niên giàu có và chúng ta dám hy sinh những gì quý giá nhất của bản thân vì Nước Trời, dám ‘đánh cược’ những gì khó thực hiện trong đời sống bản thân để ra khỏi ‘căn phòng tiện nghi, tiện lợi’ của mình hầu chia sẻ, chia san với người khác tất cả mọi thứ vì Nước Trời. Và lợi ích của việc đánh đổi này không dựa trên vật chất chóng qua, không quy thuộc về những việc đời này chỉ hào nhoáng, vinh hoa phú quý tạm thời, mà được “sự sống vĩnh cửu” (x. Mc 10, 30) nhờ vào lòng thương xót của Chúa “đi vi loài ngưi thì không th đưc, nhưng không phi đi vi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm đưc mi s” (Mc 10, 27). 
Giờ đây, xin mời cộng đoàn Phụng vụ chúng ta đặt mình trước Lời Chúa và cùng dâng lên lời cầu tha thiết với tất cả tâm tư tin tưởng, tín thác của mình:
Lạy Chúa, nguồn mạch sự khôn ngoan
Xin cho lòng con luôn rạng ngời
Lời ban sự sống, mời gọi con
Dù tâm tư mãi còn ngu muội
Dù lòng vẫn ngủ vùi đam mê
Xin đưa con trở về bên Chúa
Cõi vĩnh hằng có Chúa trông mong…Amen! 
Lm. Xuân Hy Vọng
==============

Suy niệm 3
Chỉ xin Ơn Khôn Ngoan

(Mc 10, 17 – 30)
“Khôn ngoan”, theo nghĩa khái quát, được hiểu là phẩm chất kiến thức, kinh nghiệm hay khả năng phán đoán, phân định, quyết định liên quan đến mọi công việc của con người trong đời sống hằng ngày.
Theo Ki-tô Giáo, khôn ngoan được diễn tả nơi khả năng của lý trí cũng như sự kết hợp giữa lý trí và đức tin. Lý trí lành mạnh giúp con người nhận biết Thiên Chúa là nguyên lý và cùng đích của vạn vật. Theo thánh Tô-ma A-qui-nô: Khôn ngoan chính là món quà của Chúa Thánh Thần ban cho con người. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người có được sự khôn ngoan để phân định các thực tại, biết chiêm ngưỡng Thiên Chúa và thực thi thánh ý Ngài. Các tư tế, các hiền nhân và các ngôn sứ là ba nhóm người được dân Do- thái coi là khôn ngoan đặc biệt.
Đức Khôn Ngoan
Từ cổ chí kim, trong các nền văn hóa Đông cũng như Tây phương người ta đều lo tìm kiếm sự khôn ngoan. Có được sự khôn ngoan, con người trở nên khôn khéo, cư xử thận trọng và dễ thành công ở đời. Mạc khải Thánh Kinh cho biết, sự khôn ngoan của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho ai tùy ý, vì chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan.
Theo thánh Irênê thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa nhập thể làm người như sách Khôn Ngoan mô tả : Người tìm thấy niềm vui giữa loài người ... "Người đã làm người giữa muôn người... Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người " (Kinh Tin Kính của Thánh Irênê).
Muốn có Đức Khôn Ngoan, con người phải tuân giữ Luật Chúa. Vì : “Ai tuân giữ Lề Luật sẽ điều khiển được tâm tư, khôn ngoan là hết lòng kính sợ Đức Chúa” (Hc 21,11). Ai làm bạn với Đức Khôn Ngoan sẽ được sống muôn đời (x. Kn 8,17).
Sa-lô-môn đã không xin sống lâu, vinh quang, giàu sang, phú quý hay kẻ thù phải chết mà xin cho được ơn khôn ngoan để có thể hướng dẫn, phân định và xét xử dân Do-thái (1 V 3,4-9). Ý vua xin đẹp lòng Chúa, nên Chúa nói: “Ta làm theo như lời ngươi : Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3,12). Chúa còn nói với vua : “Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: Giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi” (1 V 3,13). Đó là lý do, Sa-lô-môn khôn ngoan hơn tất cả những người khôn ngoan ở Phương Đông và Ai-cập (x. 1 V 5,9-10).
Thiên Chúa chính là nguồn mạch khôn ngoan, Chúa dùng sự khôn ngoan Chúa mà tác thành vạn vật và cấu tạo con người (x.Cn 8,30; Kn 8,6). Do đó, muôn vật muôn loài được in dấu sự khôn ngoan của Thiên Chúa và phản ánh sự khôn ngoan của Người (x.Rm 1,19-20).
Đức Giêsu, Khôn Ngoan của Thiên Chúa
Đức Giêsu là Sự Khôn Ngoan của Chúa và là Lời của Chúa Cha (x.1Cr 1,24.30). Người thông ban sự Khôn ngoan cho con người (x.Ga 1,1). Trước kia tàng ẩn nơi Thiên Chúa nay được Mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô.
Theo tiên tri Ba-rúc: “ “Đức Khôn Ngoan xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người” (Br 3,38). Thánh Gioan viết : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Như vậy, Đức Giêsu vừa là Lời vừa là Khôn Ngoan của Thiên Chúa.
Thánh A-tha-na-xi-ô khẳng định, Đức Giêsu chính là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ‘được sinh ra từ trước muôn đời’ hay ‘được sinh ra mà không phải được tạo thành’ là Lời duy nhất của Thiên Chúa. Với biến cố Nhập Thể, con người đã nghe và đã thấy, đã chiêm ngưỡng và đã chạm đến Khôn Ngoan của Thiên Chúa ‘bằng xương bằng thịt’ giữa chúng ta.
Để có Ơn Khôn Ngoan, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm, vì Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “Hãy thu tập khôn ngoan” (x.Cn 4,7). Trước là kính sợ Chúa, vì“kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111, 10); Thứ đến phải khiêm nhường. Vì Thiên Chúa  “chống cự kẻ kiêu ngạo” và Ngài vui lòng ban sự khôn ngoan cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6), và tha thiết cầu xin (x. Gc 1,5).
Đừng lỡ mất Sự Khôn Ngoan
Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật tuyệt vời. Nếu xưa nay người ta cứ tưởng có một đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ bảo đảm về mặt đạo đức, tiền bạc dư thừa bảo đảm về mặt vật chất, thì anh vẫn mang trong mình khát vọng sống đời đời cho dù anh đã thủ đắc trong tay toàn bộ những thứ đó.
Để biến khát vọng thành hiện thực, anh đã tìm đến với Đức Giêsu là Đấng mà anh gọi là nhân lành, Người là chính Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan đã chỉ cho anh : "Hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người khó khó, rồi đến theo Ta" (Mc 10,17). Gặp được Chúa Giêsu, nhưng để có được Chúa Giêsu, Đấng là nguồn mạch mọi khôn ngoan ấy, anh phải bán sạch tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt; đã thế, còn đem bố thì hết cho người nghèo, còn mình trở nên trắng tay mà có sự sống đời đời sao ? Một lời mời gọi mới khó làm sao!
Đức Giêsu là một giá trị vượt trên tất cả những của cải trần gian, vì Người là "sức mạnh và sự không ngoan của Thiên Chúa" (1Cr 1,24). "Trong Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết" (Cl 2, 3). Gia tài của chàng thanh niên có là gì so với Đức Khôn Ngoan ? Nếu biết Đức Giêsu là Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói như tác giả sách Khôn Ngoan : "Đem so sánh sự giầu sang với sự không ngoan, tôi kể sự giầu sang như không" (Kn 7, 8).
Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan để chúng con được sống đời đời. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==============

Suy niệm 4
BÁN TẤT CẢ ĐỂ ĐƯỢC NƯỚC TRỜI

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 28 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng ta đi, vừa đồng hành với chúng ta luôn mãi, để chúng ta sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, vì thế, chúng ta phải sống tâm tình biết ơn bằng cách quy hướng mọi sự về Chúa, và thờ phượng Chúa cho phải đạo, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Khácgai mời gọi tái thiết Đền Thờ. Thiên Chúa nhắc cho Dân Người đang chán nản rằng sứ mạng của họ là hoạt động không ngừng. Vào thời điểm đó, họ phải làm việc để tái thiết Đền Thờ. Còn Đền Thờ thiêng liêng là Hội Thánh thì không bao giờ xong cả. Công trình xây dựng đòi chúng ta cố gắng trong tinh thần bác ái yêu thương. Đức Chúa phán: Hãy lên núi tái thiết Đền Thờ cho Ta và Ta sẽ vui thích… Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân… Ta sẽ làm cho tất cả các dân tộc phải chấn động và các kho tàng của các dân tộc sẽ đổ về, rồi Ta sẽ làm cho Đền Thờ này rực rỡ vinh quang.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, vì thế, chúng ta chẳng cần phải lo sợ gì, nhưng, hãy cứ vững tin bước theo Chúa, và chắc chắn, Chúa sẽ cho ta được ở trong thánh điện của Người luôn mãi, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô Alêxanria nói: Thời Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến, đã xuất hiện một Đền Thánh vinh quang hơn, huy hoàng hơn và cao trọng hơn bội phần so với đền thờ cũ… Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện; họ luôn luôn được hát mừng Ngài… Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa, chúng sẽ thành dân thánh của Ta.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, nhận ra ơn huệ của Chúa, kính sợ Chúa và bước đi dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ trở nên khôn ngoan để lựa chọn làm theo ý Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Khôn Ngoan nói: Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 89, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, sách Hípri nói: Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. Người có tâm hồn nghèo khó là người sẵn sàng bán hết tất cả những gì mình có, để chỉ còn lại một mình Chúa mà thôi. Chúng ta không thể vào được Nước Trời với những của cải vật chất đã đành, mà ngay cả những của cải thiêng liêng, cũng có thể cản bước chúng ta. Tự cao tự đại với những của cải thiêng liêng, với các nhân đức mình luyện tập được, rồi biến Chúa thành con nợ, phải trả công Nước Trời cho chúng ta, thì mãi mãi chúng ta cũng không thể vào được Nước Trời. Chúa làm chủ Nước Trời, ơn cứu độ là ơn huệ hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa, chính vì thế, chỉ một mình Chúa mới là người quyết định cho chúng ta vào Nước Trời. Đối với loài người là không thể, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự điều có thể. Ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng ta đi, vừa đồng hành với chúng ta luôn mãi, để chúng ta sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Ước gì chúng ta biết đơn sơ nhỏ bé, khiêm nhường nghèo khó, khao khát ơn cứu độ của Chúa, để chúng ta được hưởng phúc Nước Trời. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

==============

Suy niệm 5
CHUI QUA LỖ KIM
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”.
“Lỗ kim” ám chỉ một trong những cánh cổng ở các bức tường bao quanh thành thánh Giêrusalem. Sau khi trời tối, cánh cổng sẽ đóng lại và cách duy nhất để vào thành là đi qua một cánh cửa nhỏ ở giữa cánh cổng đó. Một người có thể đi qua nó bằng cách cúi xuống, nhưng một con lạc đà thì không thể trừ khi nó quỳ gối và bò qua. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực và chỉ dẫn từ người chủ của nó, nhưng đó là điều có thể!
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật một câu chuyện không vui về một thanh niên giàu có; trước lời đề nghị của Chúa Giêsu, anh buồn rầu bỏ đi. Và Ngài kết luận, “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”. Điều này khiến các môn đệ kinh ngạc. Nhưng kinh ngạc hơn - và cũng thú vị hơn - Lời Chúa mời gọi các môn đệ, mời gọi bạn và tôi ‘chui qua lỗ kim!’.
Câu chuyện muốn nhấn mạnh rằng, vào Nước Thiên Chúa, chẳng dễ chút nào! Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đang nói về một người giàu dễ trở nên gắn bó với của cải đến mức người ấy không đạt được sự giàu có thiên đàng như thế nào. Ngài mời anh từ bỏ sự giàu có dưới đất để đạt được sự trù phú trên trời. Đầy yêu thương, Ngài nói với anh, “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi!”. Nghe vậy, anh ủ rũ bỏ đi.
Lòng tham của và sự gắn bó với vật chất rõ ràng có khả năng huỷ hoại một tâm hồn. Đó là một sự thật! Nhưng lời dạy này cũng áp dụng cho mọi hình thức gắn bó khác. Khi chúng ta dính mắc vào bất kỳ tội lỗi nào ở mức độ nghiêm trọng và từ chối tách mình khỏi tội lỗi đó, chúng ta sẽ không vào được Vương Quốc.
Chứng kiến sự gắn bó tiền bạc của người bạn trẻ; và sau đó, nghe Chúa Giêsu nói đến sự khó khăn để vào Nước Trời, các môn đệ kinh ngạc, và điều này sẽ thách thức họ. Điều đó là tốt! Tốt vì nó cho thấy họ cũng phải xét mình về những ràng buộc không mấy thánh thiện của mình. Thấy chàng bỏ đi, họ nghĩ đến những gì họ đang vướng mắc. Sự kinh ngạc trong trường hợp này là sự nhận thức thánh thiện rằng, họ phải thay đổi! Tuy nhiên, khi một người thực sự muốn thay đổi và được giải thoát khỏi những ràng buộc thì sẽ không còn bất kỳ trói buộc nào khiến họ tần ngần trước những đòi hỏi của Chúa nữa. Mục tiêu cuối cùng là ‘chui qua lỗ kim’ để trở nên một môn đệ đích thực và việc trở nên này mời gọi họ ‘quỳ gối, bò qua’ để bắt đầu một lối sống mới.
Anh Chị em,
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn”. Vậy ‘lỗ kim’ của bạn mang dáng dấp và thuộc loại hình nào? Nếu bạn muốn ‘chui qua lỗ kim’, bạn phải toàn tâm toàn ý cam kết. Chúa Giêsu không ngần ngại đòi hỏi bạn phải hoàn toàn đầu phục cuộc sống mình cho Ngài. Hãy suy gẫm về những ràng buộc bạn đang vướng mắc và biết rằng, Ngài đang nói với bạn về những ràng buộc này. Hãy vượt qua mọi kinh ngạc và biến sự phục tùng không lay chuyển theo ý muốn của Chúa thành lối sống của bạn. Đây là cách duy nhất để bạn bước vào cánh cổng Vương Quốc.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, giúp con tháo cởi những gì cồng kềnh vướng bận, hầu con có thể quỳ gối và bò qua ‘lỗ kim’ Chúa muốn!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

==============

Suy niệm 6
“MỘT ĐIỀU CÒN THIẾU!”

 
                        “Sống ở trên đời, khó lắm ai ơi
                        Sáng nắng, chiều mưa, chuyện của ông trời
                        Chẳng phải chuyện người, chuyện lạ, chuyện chơi
                        Mà lòng canh cánh, ruột gan rối bời.
                        Thà rằng chọn lựa cho xong một lần,
                        Nhưng hồn xao xuyến, chong vênh phân trần.
                        Dù biết lựa chọn là phần của ta
                        Không nhờ cậy dựa, một mình song pha...”
                                                                        (Lm. Xuân Hy Vọng cảm tác)
 
Một khi sống trên gian trần này, đầu đội trời, chân đạp đất, không một ai trong chúng ta không khỏi đối diện với sự chọn lựa và quyết định, dù là việc nho nhỏ hay lớn lao, tầm thường hay vĩ đại. Chẳng phải những bậc hùng anh mới đưa ra những lựa chọn xác quyết, mà dân thường lại không thể! Chẳng phải ai có học vị cao mới có nhiều quyết định đúng đắn, mà các ông bà bô lão – những người chỉ biết dựa vào kinh nghiệm thực tế hay dân gian – chẳng quyết được chi?!
Các bài đọc Phụng vụ hôm nay giúp chúng ta không những biết chọn lựa điều gì phải đạo, mà còn giúp chúng ta mở tầm nhìn, hướng về việc lựa chọn thiêng liêng, và những điều không thể hư mất, nhưng tồn tại muôn đời. Vua Sa-lô-môn trong thời Cựu ước được mệnh danh là vị vua khôn ngoan, thông thái nhất. Chẳng phải nhờ trí khôn loài người, mà bởi lẽ ông đã không cầu xin Thiên Chúa những thứ khác ngoài sự khôn ngoan, thông hiểu để ông hết lòng lo cho dân tộc. Với lí lẽ của một con người thuần tuý, chắc hẳn, vua Sa-lô-môn cũng rất đắn đo, cẩn trọng khi đưa ra quyết định, lựa chọn giữa sự khôn ngoan với danh vọng, tiền tài, chức vị, sắc đẹp, sức khoẻ v.v...Nhưng thiết nghĩ, ông không nuối tiếc gì khi chọn lựa đồng hành với sự khôn ngoan như lời bài đọc I diễn tả: “Ðức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng, còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Ðức Khôn Ngoan” (Kn 7, 8); và hơn thế, ông sống chết với quyết định của mình “Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi. Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt đẹp đến cùng tôi, và nhờ Đức Khôn Ngoan, tôi được đoan chính không kể xiết” (x. Kn 7, 10-11). Đối với chúng ta thì sao? Có lẽ chúng ta có ‘khôn', nhưng chưa ‘ngoan’, có ‘khôn lỏi, khôn lanh’ nhưng chưa phải là khôn ngoan theo đường lối Chúa, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, theo giảng huấn của Giáo hội!
Trái với hình ảnh vua Sa-lô-môn, chàng thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay lại do dự, rồi thoái lui trước sự lựa chọn mà có thể nói đánh đổi cả hoài bão, viễn cảnh, mơ ước, cuộc sống giàu sang, sung túc của anh, v.v...hầu được hưởng trọn niềm vui hạnh phúc viên mãn với Đấng Khôn Ngoan, và được thông phần vào suối nguồn sự sống vô biên như Thánh sử Mác-cô kể lại: “...nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (x. Mc 10, 22). Không ít người trong chúng ta nghĩ rằng: theo Chúa là giữ giới răn, đi lễ, đọc kinh cầu nguyện là đủ rồi! Điều này chẳng sai, nhưng chưa đủ, vì những việc đó rất hữu ích, tốt đẹp và phải đạo, giúp chúng ta đến gần với Chúa và tha nhân hơn. Tuy nhiên, chúng ta có thể hành động như anh thanh niên khi đón nhận ánh mắt trìu mến, thân thương của Chúa Giê-su, và khi nghe lời thổ lộ của Người: “Con chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo, và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Thầy” (x. Mc 10, 21). Để được diễm phúc hưởng phần gia nghiệp Nước Trời, chúng ta được mời gọi đánh đổi, chọn lựa phải hy sinh những gì có lẽ chúng ta đang đánh giá rất quý giá, cao sang, hầu sẻ chia, ra tay trợ lực bất cứ ai đang cần đến chúng ta. Không nhất thiết phải là chia san của cải vật chất, đồ đạc, thức ăn, mà còn san sẻ, dành thời giờ cho anh chị em nữa. Nói đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện. Một sơ đến hỏi tôi rằng: “Thưa cha, con đã bỏ hết mọi sự, của cải, vật chất, bạn bè, gia đình để đáp lời Chúa mời gọi con bước vào đời sống thánh hiến, phục vụ. Thế nhưng lời Chúa Giê-su nói với chàng thanh niên như nói với con rằng: “Con còn thiếu một điều?” Vậy điều con còn thiếu là việc gì ạ?” Nghe câu hỏi đó, tôi liền mỉm cười và trả lời: “Chúa nói với con, thì con phải hỏi Chúa, chứ sao hỏi cha…!” Nói thì nói vậy thôi, nhưng chúng ta cũng biết, nhiều lúc chúng ta viện dẫn không có thời giờ cho anh chị em, nào là: “Tôi bận lắm! tôi còn phải làm nhiều việc!….” Lắm lúc, chúng ta bỏ hết như lời sơ kia nói, nhưng để chia san, sống đức bái, chúng ta còn có thể dành thời gian cho anh chị em, dành tiếng nói động viên, hỗ trợ, an ủi, nâng đỡ anh chị em nữa, chứ không chỉ san sẻ của cải, vật chất, đồ đạc…Thực tế cho chúng ta thấy, nhiều người sẵn sàng cho đi thứ họ có, nhưng lại do dự dành thời gian cần thiết cho gia đình, cho giáo xứ, cho hội dòng, cho những người cần đến mình. Ngược lại, cũng không ít người lại phung phí thời gian cho những việc vô bổ như: bàn tàn, ngồi lê đôi mách, đồn thổi, nói chuyện về người khác (nhất là người vắng mặt)…, mà không biết dùng thời gian, những gì mình có (như khả năng, tài năng, nguồn liệu…) để cùng nhau cầu nguyện, học hỏi-chia sẻ Lời Chúa, cùng nhau chung tay làm việc bác ái, vì chưng tác giả thư Do Thái xác quyết: “Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn” (Dt 4, 12).
Tóm lại, đời sống đạo không chỉ giới hạn ở việc cầu nguyện, đi lễ, lãnh nhận các Bí tích mà thôi, song song với những việc thiết yếu và quan trọng đó, chúng ta còn cần tín thác, bước theo Đấng Khôn Ngoan (Chúa Thánh Linh), dám ra đi sẻ chia, trung thành với con đường mà Chúa Giê-su đã đi, bằng cách sống bác ái, chia san với hết mọi người. Không những san sẻ của cải vật chất, điều mình có, mà còn biết dành thời giờ cho anh chị em cần đến mình, dành lời nói khuyến khích động viên, yên ủi tha nhân. Như vậy, sự việc lãnh nhận đời sống muôn đời “đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự” (Mc 10, 27).
Ôi ánh mắt nhân từ, chạm vào lòng con
Ôi Lời Chúa sắt bén, ghi khắc tâm trí con
Ôi Đức Khôn Ngoan hằng luôn dẫn lối con!
Xin cho con biết đón nhận đôi mắt ấy,
Xin cho con sống trọn vẹn Lời hằng sống,
Xin cho con mãi theo con đường Yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

============== 

Suy niệm 7
TIỀN CỦA

Kn 7,7-10; Dt 4,12-13; Mc 10, 17-30
Vừa lên đường Đức Giêsu đã gặp một học trò hiếu học, thao thức mơ mộng tiến đức đón đầu quỳ sụp trước mặt: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17). Mừng mừng vì anh này nhận biết và tín nhiệm mình, Đức Giêsu tỏ vẻ ngạc nhiên mà bảo chỉ có Thiên Chúa mới nhân lành thôi, sao lại là tôi? Mới hỏi qua Ngài đã nghe anh trả bài thật suôn sẻ, anh cũng “nhân lành” từ bé! Anh thảo hiếu với cha mẹ, không làm hại ai, không lấy gì của ai (công bằng tuyệt đối), nói gì đến giết người với cả ngoại tình? Đức Giêsu ngắm lại anh cách trìu mến rồi đòi hỏi thêm: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21b). Đi bán rồi cho? để nên trọn lành và theo làm môn đệ của Ngài? Nghe cái điều kiện cực kỳ khó khăn này, anh giật mình thất vọng ngán ngẩm và chạy… mất dép: “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mc 10,22). Anh thì buồn rầu bỏ đi, còn Đức Giêsu thì buồn rầu nhìn theo bóng anh, mất khách, “bó tay.com”! Ngài phải kêu lên: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” (Mc 10,24-25). Phải, cái sung sướng của anh là có nhiều của cải, bây giờ ung dung rồi thì “phú quý sinh lễ nghĩa” thôi, chứ muốn tiến đức mà phải bỏ toàn bộ cái anh có, anh đang yêu thích ôm chặt lấy mà đem chia cho người khác thì còn gì để mà vui sướng? Gia tài sản nghiệp hạnh phúc của anh chứ phải đâu chuyện đùa? Làm sao anh dại dột mà vứt đi để theo làm môn đệ Ngài được? anh không thể… khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim! Đến các môn đệ còn sửng sốt sững sờ, chỉ dám hỏi nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10,26). Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông mà nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” (Mc 10,27). Đối với loài người thì càng nhiều tiền càng bảo đảm hạnh phúc, muốn gì được nấy, càng có nhiều càng bảo đảm tương lai, an tâm hưởng thụ. Nhưng với người có “đức tin đã được tinh luyện” sẽ có cái nhìn về hạnh phúc từ “trời cao” của Thiên Chúa.
Chúa ơi! ngày nay chúng con muốn theo Chúa mà vẫn nặng lòng với tiền, tình, bản thân và ham mê đủ thứ thì làm sao bước tới? Xin đừng để chúng con mê say đến độ quên mất Chúa, Chúa thành bé nhỏ trong chúng con. Xin Chúa cầm tay mà dẫn chúng con đi, đi lên đến đỉnh tuyệt vời của tâm hồn yêu Chúa thật sự. Yêu Chúa chúng con sẽ dấn thân để theo Chúa, vượt qua con đường hẹp của Tin Mừng với tình yêu thênh thang rộng mở và đến với anh em. “Kho bạc” của chúng con là chính Chúa, mọi sự khác sẽ rơi rụng dù chúng vẫn có đó. Chúa sẽ thực hiện trong chúng con những điều kỳ diệu. Chúa sẽ không phải buồn rầu nhìn theo bóng chúng con như anh thanh niên giàu có hôm nào. Vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log