Thứ năm, 21/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIV Thường niên năm B

Cập nhật lúc 19:32 11/09/2024
Suy niệm 1
ĐỨC TIN NHÂN VỊ SOI DẪN CHÚNG TA TRUNG TÍN BƯỚC THEO CHÂN CHÚA 
Thưa quý ông bà và anh chị em rất thân mến trong Đức Ki-tô! Chắc hẳn quý ông bà có rất nhiều kinh nghiệm về gương sống làm chứng tá Tin Mừng, vượt thắng bản thân và đương đầu với vô vàn cám dỗ nơi đời thường, trong hoàn cảnh gia đình, cuộc sống hôn nhân, v.v…?!! 
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXIV Thường Niên hôm nay mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy nhìn lại chặng đường dài bước theo chân Chúa, và xét lại đời mình trên cuộc hành trình làm môn đệ Chúa. Nhưng trước hết, chúng ta hãy cùng nhau đặt mình vào hoàn cảnh của Phê-rô và đối diện với câu hỏi không dễ dàng chút nào của Chúa Giê-su: “Anh em nói Thầy là ai?” (x. Mc 8, 29). Dường như câu hỏi này trở nên đơn giản hơn nếu ta thay câu này thành “người ta nói Thầy là ai?” Quả thật, các môn đệ cũng cảm thấy điều này, vì các ông chỉ nói lại những gì được nghe từ người khác nói về Chúa Giê-su, rằng: “họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (x. Mc 8, 28). Trong đời thường cũng vậy thôi, thuật lại những gì chúng ta được nghe, được thấy, nói lên lập trường hay chính kiến của người khác thì dễ, nhưng khi được hỏi chính kiến, quan điểm của bản thân thì ôi thôi khó trả lời, nếu không muốn nói: chúng ta có xu hướng thoái thác hoặc tìm đến giải pháp “xin cho tôi hai chữ bình yên!”. 
Hơn nữa, trong đời sống đức tin, Chúa Giê-su cũng đang đối diện với mỗi người chúng ta và hỏi: “Này con, con đã tin vào Ta, bước theo Ta gần cả quảng đời rồi, con hãy nói đối với con Thầy là ai?” Nói cách khác, Chúa Giê-su mong muốn mỗi chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào Ngài chứ chẳng phải niềm tin mong lung từ người khác, cũng chẳng phải niềm tin từ tin đồn thổi hãy nghe ngóng…Ngài muốn chúng ta xác tín vào Người bằng một đức tin nhân vị, đức tin mà dẫn chúng ta đến gặp gỡ thân tình với Ngài qua anh chị em, qua mọi người trong gia đình, cộng đoàn, giáo hội và xã hội. Và chỉ có đức tin ấy mới giúp chúng ta từ bỏ cái tôi, vứt bỏ con người cũ, tội lỗi của mình mà trung thành vác thập giá mình và trung tín bước theo chân Chúa Giê-su. 
Thưa quý anh chị em, đây cũng là điều kiện tiên quyết cho chúng ta trở nên môn đệ đích thật của Chúa Giê-su, cụ thể là: từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, bước theo Ngài. Quả thật, Chúa Giê-su là mẫu gương cho chúng ta sống trọn vẹn ba điều kiện trên. Ngài đã từ bỏ mình, trút bỏ vinh quang của một Thiên Chúa, mặc lấy xác phàm, sống như con người chúng ta chỉ trừ tội lỗi. Hơn nữa, Người còn hạ mình, vác thập giá, vâng lời làm theo Thánh ý Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng, chết một cách nhục nhã, tất tưởi trên cây thập giá ngất cao vì tội lỗi chúng ta (x. Pl 2, 6-11). Ngạn ngữ có câu “chiến thắng chính mình là chiến thắng vinh quang nhất”. Vì thế, để từ bỏ ‘cái tôi to tướng’ của chúng ta là điều không dễ chút nào, mà từ bỏ tính tự cao, tự đại của mình để lắng nghe người khác lại càng khó hơn!!! Đi xa hơn một chút nữa, đặc biệt trong đời sống đức tin, tâm linh, Chúa Giê-su đòi hỏi môn đệ của Ngài phải từ bỏ con người tội lỗi, từ bỏ ý kiến tự kiêu của mình mà mặc lấy con người mới, con người biết tìm ra Thánh ý Chúa trong đời mình, cùng Ngài vác lấy những khó khăn, trắc trở, những lo toan, thử thách hằng ngày mà trung kiên vững bước theo Ngài với một đức tin sắc son, không sờn lòng. Một đức tin hoàn toàn ký thác vào Thiên Chúa dù bất cứ chuyện gì có thể xảy ra chăng nữa, đức tin ấy chính là lẽ sống cho chúng ta. Vì nếu đức tin không có hành động, không có lòng mến, không được tuyên xưng qua đời sống thường nhật… chính là đức tin chết (x. Gc 2, 17) 
Thay cho lời kết, con xin kể một câu chuyện thật sự xảy ra tại thành phố I-mus, tỉnh Ca-vi-tê, Phi-luật-tân – nơi con được diễm phúc phục vụ gần 2 năm ròng. Một người mẹ kia tại giáo xứ Đức Mẹ là Rường Cột của Giáo Hội rất mực yêu thương con trai của mình. Bà tảo tần nắng mưa, nuôi con khôn lớn thành người, và bà mong chờ từng giây từng phút, thời khắc con trai bà cầm tấm bằng tốt nghiệp ưu tú ra trường với công ăn việc làm ổn định lập nghiệp. Nhưng rồi, Chúa gọi con bà theo ơn gọi dâng hiến vào Chủng viện. Bà thổ lộ với con trong nước mắt: “Thoạt đầu, con cấm cản, nhưng sau, con đành chào thua và dâng con trai mình cho Chúa”. Giây phút huy hoàng và hạnh phúc nhất trong đời bà cũng đến khi chính đôi bàn tay gầy gò, sạm nắng vì khó khăn bươn chải cuộc sống, đeo tấm huy hiệu chủng sinh xuất sắc (summa cum laude) cho con trai mình, mà bà không khỏi dấu đi những giọt nước mắt trìu mến, hạnh phúc đang từ từ lăn trên gò má khi ôm con trai vào lòng. Than ôi, khoảnh khắc hạnh phúc khó phai ấy bỗng chốc biến thành những đêm trằn trọc, căm phẫn khi bà biết tin con bà đã bị một kẻ xa lạ, không chút hận thù, vô tình giết chết trong một cuộc dã ngoại xa nhà. Nhiều đêm trắng, bà tự vấn mình và đến nhà nguyện Chầu Thánh Thể với vô vàn câu hỏi trên môi, nhưng đại loại là: Tại sao Chúa lại để sự việc xảy ra như vậy? Tại sao không gọi con về mà lại con của con? Trước kia, con đã ngăn cản không cho con vào Chủng viện, nhưng con đành thua vì Ngài liên lỉ mời gọi con trai của con dâng mình. Và sau cùng, con đành dâng con trai của con cho Chúa. Nhưng bây giờ Chúa lại muốn gọi con trai của con về trong hoàn cảnh chớ trêu như thế này? Cuộc sống của bà cứ một lúc xa dần giáo xứ, các hoạt động đoàn thể trong giáo họ. Sau một thời gian khá lâu, bà đến nhà thờ tham dự thánh lễ, và muốn gặp con chuyện trò. Qua câu chuyện, bà cố gắng nhìn lại bức tranh toàn cảnh của cuộc đời bà và những giây phút với con trai bà. Sau cùng, bà thốt lên một điều không thể tin được, đó là: bà đã tha thứ cho người đã giết con trai bà. Mặc dù, bà rất phẫn nộ và luôn luôn tìm lại công lý cho cái chết thảm thương của con bà, nhưng đức tin thấm nhuần lòng mến và lòng bao dung, tha thứ đã khiến cho bà từ bỏ lòng hận thù, căm phẫn uất ức, giúp bà trút bỏ con người yếu hèn của mình mà vác thập giá ‘vừa nhớ thương con trai, vừa giận dữ đi tìm công lý cho con trai’ ròng rã suốt thời gian dài đằng đẳng, ngõ hầu trung tín bước theo Chúa đến cuối đời. Quả thật, chỉ có đức tin nhân vị, đức tin gặp gỡ thân tình với Chúa Giê-su mới có thể giúp bà tuyên tín, trung thành theo Chúa và can đảm hành động qua việc tha thứ cho kẻ đã giết chết con bà như vậy. 
Lạy Chúa là Chúa Tình yêu! Chúng con xin cảm tạ Ngài vì biết bao hồng ân Người ban tặng cho chúng con, đặc biệt ơn đức tin, được tin nhận Ngài là Chúa, là chủ của đời chúng con. Xin cho đức tin của mỗi người chúng con, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, và toàn thể Giáo hội được triển nở qua lòng mến, niềm cảm thông, hành động yêu thương cụ thể với tha nhân, và luôn luôn tuyên tín Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống trên mỗi bước đường dù chông gai, hầu chúng con hằng trung thành bước theo chân Chúa Giê-su Ki-tô. Amen!
 Lm. Xuân Hy Vọng
 
 
================
Suy niệm 2
THEO VÀ CHẤP NHẬN

(Mc 8, 27 – 35)
Sau lời tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô” (Mc 8, 29) Phêrô cùng các môn đệ bị Thầy cấm không được nói với bất cứ ai về Thầy. Liền sau lời cấm là bài học về chính Thầy, Đấng Mêssia : “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi” (Mc 8, 31). Vì không chấp nhận nên Phêrô đã bị khiển trách nặng nề bởi ông đã bày tỏ ý tưởng sai lạc của con người về Đấng Cứu Thế: “Satan, hãy lui đi, vì người không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người” (Mc 8, 33).
Quả thật, một thụ tạo sao hiểu được ý Đấng Sáng Tạo, một con người sao biết được Thiên Chúa. Chúng ta phải cám ơn các tác giả Tin Mừng đã mô tả cách chân thực về con người môn đệ Chúa Giêsu, thực sự họ không phải là nhân vật lý tưởng tuyệt vời hay là thần thánh gì hết, họ là những con người bằng xương bằng thịt với đức tính và khuyết điểm như chúng ta. Có thế họ mới gần gũi chúng ta, và giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta cần phải hoàn thiện mỗi ngày, bởi không ai là hoàn hảo ngay từ khi mới sinh.
Vậy, đâu là ý Thiên Chúa?
Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ hiểu rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31). Chương trình trên làm đảo lộn tâm hồn các môn đệ. Làm sao “Ðấng Kitô” (Mc 8, ) lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Tông đồ Phêrô nổi loạn, không chấp nhận con đường ấy, nên mới: “Kéo Người lui ra mà can trách Người” (Mc 8, 32). Ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận thập giá.
Xem ra sự khác biệt giữa chương trình tình yêu của Chúa Cha và dự án, ước muốn của các môn đệ là điều hiển nhiên. Không chấp nhận thập giá là phủ nhận chương trình tình yêu của Chúa Giêsu, và hầu như ngăn cản Người thi hành ý muốn của Chúa Cha.  Vì thế Chúa Giêsu mới nặng lời trách đuổi Phêrô: “Satan, hãy lui đi ” (Mc 8, 33).
Khi con người thực hiện cuộc đời mình chỉ hướng tới thành công xã hội, giầu sang vật chất và kinh tế, con người gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, không lý luận theo Thiên Chúa nữa, mà theo con người. Và khi nào chúng ta để cho những suy nghĩ, tình cảm hay lý luận nhân loại chiếm ưu thế, không để cho đức tin, hay Thiên Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, lúc ấy chúng ta sẽ trở nên những tảng đá cản trở chương trình tình yêu của Người.
Theo Chúa phải từ bỏ
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: ” Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình” (Mc 8, 34).
Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?
Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu yêu cầu là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng.
Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không đòi chúng ta từ bỏ “điều chúng ta là“, nhưng điều “chúng ta đã trở nên“. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31). Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng điều chúng ta lạm dụng quyền tự do làm, cụ thể như: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng… là những khuynh hướng xấu, tội lỗi, bao phủ trên hình ảnh Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là “ảnh dưới đất“, ngược với “ảnh trên trời“, giống như Chúa Kitô. Do đó “từ bỏ chính chúng ta“, là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, hợp và giống Chúa hơn.
Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác nhau yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói thứ ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói thứ ngôn ngữ thần khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.
Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để chúng ta có thể giao tiếp với Chúa. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không khả năng nói “không” với chúng ta.
Theo Chúa là chấp nhận thập giá
Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình“, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình“, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8, 34). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, “chịu mất mạng sống” (Mc 8, ) là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận… chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Es. ap. Gaudete in Domino 9 maggio 1975, AAS 67 (1975) 300-301). Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Ðức Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: “Thập giá chiến thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại” (Catechisis Illuminandorum XIII,1; de Christo crucifixo et sepulto: PG 33, 772 B).
Lạy Chúa, xin gia tăng lòng tin yêu Chúa nơi chúng con, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
================
HÃNH DIỆN VỀ THẬP GIÁ CHÚA
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 24 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin Chúa nhìn đến chúng ta, và cho chúng ta biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương.
Tận tình thờ phượng Chúa, bởi vì, Chúa là Chúa của mọi nước mọi dân, là Cha của tất cả mọi người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Bị lưu đày ở Baben, ngôn sứ chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa trong một thị kiến. Đây là lần đầu tiên Thiên Chúa tỏ mình không phải tại Đền Thờ hay núi Xinai. Ítraen nhận ra rằng: Thiên Chúa ở khắp nơi, và Người ở nơi đâu, thì nơi đó cũng là nhà của Người. Chẳng bao lâu nữa, tất cả các dân tộc sẽ được mời gọi nhận biết Người. Tôi thấy trên cái gì tựa như cái ngai có cái gì trông như hình dáng một con người; và tôi nghe có tiếng hò la vang dội từ trên cao: Chúc tụng Đức Chúa vinh hiển trong nơi thánh của Người. Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn đời muôn thuở.
Tận tình thờ phượng Chúa, bởi vì, Chúa chính là mục tử chăn dắt chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Tất cả niềm hy vọng của chúng ta là ở nơi Chúa Kitô, chính Người là tất cả vinh quang đích thực và lành thánh của chúng ta… Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì, trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người,
Tận tình thờ phượng Chúa, bằng những việc làm cụ thể để cho thấy chúng ta thật sự tin tưởng, cậy trông Đấng luôn che chở, phù trì cho chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia nói: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội? Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 114, vịnh gia đã cho thấy: Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời trong cõi đất dành cho kẻ sống. Lòng tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài, Người lại lắng tai ngày tôi kêu cứu. Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ, ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Giacôbê nói: Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa. Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá của Đức Kitô. Sự khôn ngoan của thập giá mà thế gian cho là ô nhục, ngu dại và điên rồ lại chính là phương dược chữa lành, và là cách thế giải thoát chúng ta khỏi mọi đau khổ và sự chết muôn đời. Đức Kitô đã đi trọn con đường thập giá để cứu độ chúng ta. Các thánh ngôn sứ, các thánh Tông Đồ, các thánh tử đạo, cũng đã tiếp bước Đức Kitô, và đến lượt chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta: Can đảm lên, vì Thầy đã thắng thế gian. Ước gì chúng ta biết sống tâm tình biết ơn Chúa bằng cách: can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi, đi cho đến cùng con đường thập giá. Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, ước gì chúng ta biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu, chúng ta luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
================
Suy niệm 4
TỪ MỘT GÓC ĐỘ THẦN THÁNH

“Satan, lui lại đàng sau Thầy!”.
“Khi nói, ‘Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo tôi’; khác nào Chúa Giêsu nói, ‘Hãy đến, mang theo chiếc ghế điện của con! Lên phòng hơi ngạt nhé!’. Ngài không nghĩ đến một thánh giá bằng vàng trên cổ duyên dáng của một bé gái hay một thánh giá ngạo nghễ trên đỉnh nhà thờ, nhưng Ngài nghĩ đến một nơi hành hình! Tuy nhiên, Ngài nhìn nó từ một góc độ thần thánh!” - Billy Graham.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại cuộc vật lộn của Phêrô trước cuộc tử nạn của Thầy, điều ông vừa được tiết lộ. Ông “can trách” Ngài, Ngài “quở trách” ông, “Satan, lui lại đàng sau Thầy!”. Vì không như Thầy, Phêrô không nhìn thập giá ‘từ một góc độ thần thánh!’.
Yêu mến Chúa Giêsu, Phêrô vừa sợ hãi, vừa lo lắng cho Thầy; ông hoang mang và cố nói lên một điều gì đó ‘cho có ý nghĩa’. Nỗ lực của Phêrô có chủ đích tốt nhưng hoàn toàn trệch hướng! Hậu quả là ông nhận lấy một lời khiển trách khá tệ; Chúa Giêsu đi xa đến mức gọi ông là “Satan!”. Đúng, kế hoạch của Phêrô là kế hoạch của Satan, kẻ đã đề nghị Ngài đi con đường riêng của nó; con đường không khổ đau, không sỉ nhục. Để hiểu được điều này, chúng ta phải tin chắc, ‘lời mắng’ của Chúa Giêsu là những lời xót thương; nơi Ngài, không có một khả năng nào khác ngoài khả năng yêu thương! Nhưng đâu là ‘yêu thương’, đâu là ‘thánh khiết’ trong những lời ‘sửa dạy’ mạnh mẽ này?
Chìa khoá nằm ở vế thứ hai, “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!”. Nói lên điều ấy, Chúa Giêsu tiết lộ cho các môn đệ một bí ẩn sâu xa về sứ mạng của Ngài - chu toàn ý Chúa Cha - một sứ mạng chấp nhận bắt bớ, tủi nhục và chết đi. Ngài có ý mặc khải ‘một điều lành lớn hơn’ đến sau và sẽ không để những khổ đau ‘đông giá’ này xảy ra nếu sau đó không tiềm ẩn một ‘xuân rỡ ràng’ đang rình chờ. Ngài thách đố họ để họ có thể nhìn những tình huống bi thương này ‘từ một góc độ thần thánh’. Nói khác đi, họ phải nhìn những khổ đau này từ quan điểm của Chúa Cha, đừng nhìn nó dưới cái nhìn của nhân loại. Rõ ràng, Phêrô chưa vượt được cái nhìn thế tục của mình. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu phải trực tiếp thách thức ông!
Anh Chị em,
“Lui lại đàng sau Thầy!”. Chúa Giêsu quở Phêrô vì ông không hiểu rằng, sứ mệnh của Ngài không được hoàn thành trên những quan lộ thênh thang dẫn đến thành công, mà trên con đường khổ nạn của Người Tôi Tớ Đau Khổ - bài đọc một. Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta khiến chúng ta phản đối và nổi loạn. Có thể chúng ta không theo phe Thiên Chúa, mà theo phe Satan, phe loài người. Tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô không thể dừng lại ở lời nói, nhưng đòi hỏi phải được xác thực bằng những lựa chọn và cử chỉ thực tế, bằng một cuộc sống được đặc trưng bởi tình yêu của Chúa Cha; nó đòi hỏi một cuộc sống vĩ đại, tràn đầy tình yêu đối với tha nhân - bài đọc hai. Để theo Chúa Kitô, trở nên môn đệ của Ngài, chúng ta phải từ bỏ chính mình, từ bỏ những đòi hỏi của lòng kiêu hãnh, ích kỷ; vác lấy thập giá mình và nhìn nó từ một góc độ cứu rỗi.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con thấy Chúa hoạt động trong mọi sự, cả giữa những đau khổ của con. Xin biến nỗi đau của con thành nỗi đau của Chúa, để nó cũng có thể cứu độ!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
================
Suy niệm 5
Thầy là Đấng Kitô
Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35
Thầy Giêsu hỏi các môn đệ xem dân chúng nghĩ Thầy là ai? Người thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ. Rồi quay sang các ông Thầy lại kiểm tra bài: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29a). Điều đặc biệt ở đây là Thầy muốn chính các ông nói lên ý nghĩ của họ. Ông Phêrô có ngay đáp án đúng nhất: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29b). Ông đại diện cho các môn đệ tuyên xưng Thầy là Đấng Thiên Sai. Dù tuyên xưng nhưng ông chưa thể hiểu thấu. Thầy nghiêm giọng cấm các ông không được nói với ai về căn tính của Thầy. Đấng Thiên Sai đến không phải như cái nhìn của người Do thái cũng như các môn đệ, để thống trị bằng sức mạnh, nhưng bằng con đường yêu thương và vác thập giá như Người báo trước: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31). Phêrô không phải chỉ tuyên xưng với Thầy như vậy là xong, nhưng còn phải đi vào cuộc Thương Khó với Thầy mà theo Thầy. Nhưng sẽ có ngày vinh quang như Thầy đã phục sinh khải hoàn. Các ông giữ im lặng cho đến ngày lễ Ngũ tuần, Phêrô mới công bố: “nên Người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát...”. Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.” (Cv 2, 31.36). 
Để sống được như lời tuyên xưng ấy, trở nên giống Thầy mình, ông Phêrô phải trả giá rất cao. Nhưng nhờ sức mạnh Tình Yêu lãnh nhận từ Thầy biến đổi trở nên con người mới, sẵn sàng đối diện mọi khó khăn đau khổ trên đường loan báo. “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời...”
Nguồn ân sủng lớn lao kỳ diệu của Thiên Chúa có thể biến những con người yếu đuối, bất toàn thành đá tảng vững chắc để xây dựng một Hội Thánh luôn vững bền. Thánh Phêrô đã minh chứng sống động cho điều kỳ diệu ấy. Quá khứ với những vấp phạm, lầm lỗi nhưng lại làm nên vị tông đồ phụ vụ Tin Mừng, đến hy sinh mạng sống và trở thành cột trụ của Hội Thánh. “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy... Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời” (2Tm 4, 7-8.17-18).
Lạy Chúa! chúng con biết Chúa là Cha hằng yêu thương chúng con trong từng phút giây. Mỗi chúng con dù là ai, xinh đẹp tốt lành hay bệnh tật yếu đuối, đều có chỗ trong Trái Tim Chúa Yêu muôn đời. Cho dù chúng con có tội lỗi xấu xa gớm ghiếc thì Chúa vẫn yêu thương, lo lắng chăm sóc giữ gìn chúng con và muốn chúng con hạnh phúc. Như thánh Phêrô, mỗi ngày trong âm thầm lặng lẽ, chúng con được “dìm” vào cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Chúa, cho đến khi được biến đổi cuộc đời trở nên nhân chứng sống động, họa lại bức chân dung của Đức Kitô. Chúng con sẽ trở nên những viên đá sống động trong tòa nhà Hội Thánh. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log