Thứ sáu, 22/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 15 Thường niên năm B

Cập nhật lúc 10:51 11/07/2024
Suy niệm 1
KÊU GỌI VÀ SAI ĐI
Mc 6,7-13
Chính Chúa Giêsu chọn gọi và thiết lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Ngài và được sai đi để chia sẻ sứ mạng của Ngài. Các ông “được sai đi từng hai người một ”, để hỗ trợ và nâng đỡ lẫn nhau. Để ra đi thi hành sứ mạng, Chúa Giêsu ban cho các ông quyền trừ quỷ, và được căn dặn rõ ràng là không mang lương thực, bao bị, tiền bạc… Không lương thực để khỏi phải bận tâm để dành; không bao bị để tránh việc gom góp của cải; không tiền bạc để không toan tính theo ý riêng; chỉ trừ mang theo cây gậy. Cây gậy tượng trưng quyền năng của Thiên Chúa. Với cây gậy nhỏ bé, Môsê làm nhiều dấu lạ điềm thiêng trước mặt vua Pharaô (x. Xh 4,2), xẻ đôi Biển Đỏ (Xh 14,16) và làm cho nước tuôn chảy từ một tảng đá (Xh 17,5). Các môn đệ của Đức Giêsu chỉ cầm một cây gậy: cây gậy của niềm tin, để có thể bức phá mọi giới hạn của con người, nhờ cậy dựa vào quyền năng của Lời Chúa mà thôi.
Hành trang lên đường của các Tông đồ xem ra không có gì. Ra đi mà không có một chút bảo đảm, không cảm thấy an toàn. Điều đó đòi các ông phải hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, Đấng luôn quan phòng mọi sự khi các ông hết lòng với sứ vụ. Chúa muốn tránh cho các ông tất cả những kiểu cách mang lại lợi lộc cho bản thân, cũng như mọi lệ thuộc và trói buộc làm mất tự do của người loan báo Tin Mừng. Các ông cũng không được bỏ nhà này đến nhà kia để tìm kiếm tiện nghi và thoải mái. Cũng không cố thủ một nơi hay đóng đô một chỗ, sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi, sẵn sàng đón nhận và cũng sẵn sàng buông bỏ: một tâm thế thanh thoát không vướng lụy. Chắc chắn các ông rất vui mừng, vì từ những người đánh cá, nay trở thành nhà rao giảng.
Các Tông đồ loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, nhưng đòi người ta phải sám hối và hoán cải. Đây là điều không ai ưa, nhưng các ông phải can đảm nói lên những điều phải nói: không được giảm bớt những đòi hỏi của Tin Mừng; không dùng Tin Mừng để “chiêu mộ” tín đồ; không mị dân hay vuốt ve dư luận để thu phục tình cảm. Người tông đồ phải chấp nhận mọi hình thức đón tiếp: chân thành nồng hậu hay dửng dưng lạnh nhạt. Ai không đón tiếp thì giũ bụi chân ra đi, không có nghĩa là tỏ sự khinh bỉ, nhưng cho thấy có một sự tách biệt quyết liệt giữa sự lành và sự dữ, giữa tin và không tin, giữa chấp nhận và từ chối. Từ chối sứ giả là từ chối sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa.
Ơn gọi và sứ mạng của các Tông đồ cũng là ơn gọi và sứ mạng đời Kitô hữu. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay không khác với nhiệm vụ của Nhóm Mười Hai: đó là loan báo Tin Mừng để giảm thiểu ảnh hưởng của sự dữ. Để chu toàn được sứ mạng này, chúng ta cần phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu, khởi sự từ Ngài và quy chiếu về Ngài. Cũng như các Tông đồ, chúng ta được sai đến với mọi người không trừ ai, cũng không ngồi đó mà chờ người ta đến với mình. Quyền Đức Giêsu ban cho các ông không phải là quyền điều khiển người khác, nhưng là quyền để xua trừ ma quỉ, để giải thoát loài người khỏi tay chúng. Đó là một ân ban để chúng ta phục vụ, chứ không phải để được phục vụ, càng không được tạo nên một uy thế để thống trị.
Làm chứng bằng lời nói là một khía cạnh của sứ mạng tông đồ. Tuy nhiên, sứ mạng này sẽ khiếm khuyết nếu việc làm chứng bằng lời nói không được biểu hiện bằng việc làm, bằng chính đời sống mình. Chẳng ai tin người nói suông, người ta chỉ tin vào nhân chứng. Cũng như Đức Giêsu yêu cầu các Tông đồ phải chu toàn sứ mạng trong sự nghèo khó. Đời Kitô hữu cũng không thể để cho mình bị ràng buộc hay bị nô lệ cho tiền bạc của cải hay danh vọng, là những thứ dễ làm tha hóa đời sống mình, đánh mất bản chất của người môn đệ Đức Kitô.
Cần thoát ra khỏi những ham mê vật chất và tiện nghi sung sướng, để sống lý tưởng đời Kitô hữu. Ngày nay, chúng ta có thể mang theo nhiều đồ trang bị hơn xưa, phải có những phương tiện cần thiết để phục vụ cách hiệu quả hơn, nhưng chủ yếu vẫn là cậy dựa vào Chúa. Đừng chạy theo toan tính của mình cũng như cách thức của người đời, kẻo xa lạc với đường nẻo và cách thức của Chúa. Hãy để mình trở nên khí cụ trong bàn tay Chúa, để Ngài cứu chữa thế giới ngày càng có nhiều bệnh tật và đau khổ, do tội lỗi và sự u mê lầm lạc của con người.
Cuộc đời ta cao đẹp biết bao và vinh hạnh biết mấy, vì được góp phần với Chúa để Phúc âm hóa thế giới này. Phúc âm hóa không chỉ là “giảng dạy” hay đem Lời Chúa thấm nhập vào môi trường sống, nhưng còn là “giải thoát”, là “cứu trợ”, là chia sẻ cảnh ngộ của người khác.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chính Chúa đã chọn gọi các Tông đồ,
để họ được sống cận kề bên Chúa,
và để Chúa sai đi giảng Tin Mừng,
dùng chính cuộc đời mình làm nhân chứng.

Chúa đã ban quyền năng cho các ông,
trừ ma quỷ và chữa lành bệnh tật,
nhưng không được cậy dựa vào vật chất,
mà phải sống niềm phó thác cậy trông,
càng không dựa vào thế lực người đời,
để luôn sống sáng ngời tình yêu Chúa.

Chúng con cũng được gọi và sai đi,
loan báo Chúa nơi nào mình có mặt,
cũng với niềm cậy trông và phó thác,
để mình luôn thanh thoát trên đường đời,
dám sống Tin Mừng Chúa ở mọi nơi,
đem lại cho mọi người sự sống mới.

Hằng ngày con vẫn dâng lời kinh nguyện,
cầu xin cho
Nước Cha được trị đến,
nhưng vì tự lòng con chưa yêu mến,
nên chẳng thiết tha đến với mọi người,
đã quen sống ươn lười và khép kín,
nên khiến con xa lạc với lời kinh.

Con cho rằng giữ Chúa Nhật là xong,
rồi ra về với tâm hồn trống rỗng,
không thao thức đem sớt chia sự sống,
mà con đã hiệp thông với Mình Ngài.

Xin cho con từ nay biết hối cải,
đừng sống theo thứ quan niệm đã sai,
nhưng hăng hái loan báo Tin Mừng Ngài,
để Chúa là niềm vui con luôn mãi. Amen.

Lm. Thái Nguyên
===============
Suy niệm 2
ĐẶT NIỀM XÁC TÍN VÀO ĐẤNG HẰNG TRUNG TÍN VÀ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA

Quý ông bà, anh chị em rất thân mến! Hôm nay, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta nhớ lại giao ước được Thiên Chúa ký kết với chúng ta trong Máu Đức Ki-tô. Giao ước mới này được diễn tả một cách tuyệt diệu và cụ thể nhất qua bí tích Tình yêu, bí tích Thánh thể mà chúng ta được tham dự mỗi ngày. Hơn nữa, nơi giao ước mới này, chúng ta được múc lấy ân sủng dồi dào từ nguồn thánh ân vô biên và ước mong sao đời sống đức tin của mỗi người ngày càng trưởng thành, kiên định vào Đấng hằng trung tín, yêu thương chúng ta vô bờ bến.
Thật ra, chúng ta chẳng phải là người chọn Thiên Chúa, yêu Ngài và đặt hết niềm tin nơi Ngài trước tiên; ngược lại, chính Thiên Chúa đã đi bước trước, Ngài yêu thương, tin tưởng vào chúng ta và mời gọi chúng ta thông phần vào sứ mạng loan truyền Tin mừng cho mọi dân nước. Lòng thành tín này được diễn tả thật hùng hồn qua gương chứng tá của tiên tri A-mốt trong bài đọc I. Dưới thời vua Giê-rô-bô-am đệ nhị (k. 786-746 TCN), Thiên Chúa sai một người chăn chiên thành Tê-kô-a tại Giu-đê-a tên là A-mốt (theo tiếng Híp-ri, A-mốt có nghĩa là “vô danh”) đến cùng dân Is-ra-en, nhắc nhở họ hãy sống vâng phục, thực thi giao ước đã ký kết với Thiên Chúa. Mặc dù, A-mốt đơn thuần là một kẻ chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung; A-mốt cũng chẳng phải là một tiên tri “chuyên nghiệp” theo đúng nghĩa ngôn sứ; mà A-mốt đơn giản chỉ là một người vô danh, tiểu tốt; nhưng Thiên Chúa đã để mắt tới ông, yêu thương ông, đặt niềm tin nơi ông và mời gọi ông trở nên “sứ giả” của Ngài. Và để đáp lại lòng thành tín vô biên ấy, A-mốt đã vâng phục, tín thác vào Thiên Chúa, ra đi thực hiện sứ vụ ngôn sứ, nhắn nhủ dân Is-ra-en lời cam kết đã được ghi tạc trong tâm khảm họ, đó là: Thiên Chúa - Đấng tín trung và công bình. 
Hơn nữa, lòng từ bi của Thiên Chúa vượt trên sự chờ mong của con người, thậm chí vượt trội hơn đức công bình của Ngài. Chính vì lòng nhân ái, yêu thương nhân loại không thể diễn tả hết bằng ngôn từ, mà thánh Phao-lô đã vận dụng nét đặc trưng ngợi ca của thánh thi mà tán tụng Thiên Chúa qua dòng lịch sử cứu độ nhân loại (x. Ep 1, 3-14): 
 Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã tạo dựng nên ta,
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế 
hầu giải thoát con người đắm chìm trong vòng tội lỗi, nô lệ của sự chết;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa rộng lòng từ bi 
       đón nhận và cho ta làm con cái của Ngài;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa ban cho ta ân sủng, sự khôn ngoan
       hầu biết thiên ý và kế hoạch yêu thương của Ngài trong Đức Ki-tô;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa quy tụ mọi loài 
       dưới quyền thủ lãnh của Đức Ki-tô, qua sứ vụ của Mẹ Giáo Hội;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân;             
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa ban Thánh Thần xuống
       ngõ hầu chúng ta được sống trong ân tín với Ngài;
Và vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Qua hình ảnh tiên tri A-mốt và lời ngợi khen Thiên Chúa mà thánh Phao-lô mời gọi giáo đoàn Ê-phê-sô cùng với thánh nhân chung lời tán tụng Đấng hằng trung tín, công bình và hết mực yêu thương nhân loại. Hơn hết, lòng thành tín này được diễn tả cụ thể trong bài Phúc Âm hôm nay. Đức Giê-su gọi Mười hai Tông đồ, và sai từng hai người một ra đi rao truyền nước Thiên Chúa, giới thiệu khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa, chương trình cứu độ của Ngài cho mọi loài thụ tạo khắp cùng bờ cõi trái đất. Mười hai Tông Đồ được mời gọi, được chọn, được Đức Giê-su đặt niềm tin và được sai đi tiếp tục sứ vụ “sứ giả”, sứ vụ “môn đệ”. Vì vậy, bước theo chân Giê-su, giống như các Tông đồ, mỗi người trong chúng ta được Người căn dặn chớ lo lắng nhiều sự trần đời, xao xuyến với cuộc sống bon chen từng ngày. Chớ mang nhiều thứ mà quên đi phần cốt yếu của sứ mạng làm người môn đệ của Thiên Chúa, đó là: đặt hết niềm tin tưởng nơi Ngài  —  Đấng luôn luôn thành tín, trung tín với sứ vụ loan truyền Tin mừng Cứu độ, sống trong bình an của Thiên Chúa và sẵn sàng chia san bình an ấy cho hết mọi người, mọi dân nước. 
Để kết thúc bài chia sẽ này, con xin kể một câu chuyện thực sự đã xảy ra tại thành phố Ta-gay-tay, nước Phi-luật-tân. Được biết dòng họ của quý bà này rất được kính nể, và được trọng vọng từ thời Nhật Hoàng đô hộ Phi-luật-tân, kể cả đến bây giờ. Được biết quý bà này hết mực lo cho công cuộc truyền giáo, đặc biệt cho trẻ mồ côi và các bà góa bụa. Khi bà nhận được tin từ Đức Giám Mục Giáo Phận I-mus: Luis Antonio G. Tagle (hiện tại là Hồng Y, Chủ tịch Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân tộc) hoan nghênh đón tiếp các sơ dòng Nữ Tử Bác Ái Truyền Giáo (dòng do Thánh Tê-rê-sa Cal-cu-ta sáng lập) đến giáo phận làm việc và các sơ đang tìm cơ sở để có thể phục vụ, hầu đóng góp vào công cuộc xây dựng Giáo hội nói chung và giáo phận I-mus nói riêng; bà đã không ngần ngại dâng hiến hết gia sản, đất đai cho quý sơ dòng Nữ Tử Bác Ái Truyền Giáo, không kèm theo điều kiện nào cả. Còn phần bà, bà chỉ giữ lại cho mình một phòng nhỏ để sinh hoạt như bao nhiêu nữ tu khác. Thưa quý cộng đoàn, khi được nghe câu chuyện này, chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng: thật không dễ dàng chút nào để đi đến một quyết định táo bạo như vậy. Nhưng thiết nghĩ, quý bà này đã cảm nghiệm được lòng thành tín, tin tưởng và yêu thương của Thiên Chúa trong đời sống thường nhật. Và chính vì thế, bà đã không ngần ngại dâng hiến tất cả cho công cuộc truyền giáo; bà đã đặt hết niềm thành tín vào Đấng hằng yêu thương, đồng hành với bà. Trong sự trung tin ấy, bà đã sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, là: hãy trở nên môn đệ tín thác vào Ngài, trở nên sứ giả của Đấng yêu thương và khí cụ bình an cho hết mọi người, đặc biệt những ai đang trải qua với muôn vàn bất an trong cuộc sống ngày nay.
Lm. Xuân Hy Vọng
=============== 
Suy niệm 3
THEO ĐUỔI NHỮNG GÌ XỨNG HỢP

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 15 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để họ được trở về nẻo chính đường ngay, xin Chúa ban cho những người xưng mình là Kitô hữu, biết tránh mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình.
Theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình, bởi vì, chúng ta là con cái luôn được Chúa xót thương nuôi dưỡng, cho dù, ta có bội tín, thất trung với Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách các Vua quyển I cho thấy: Vua Akháp vốn chẳng đạo đức gì, lại chịu ảnh hưởng của vợ là bà Ideven thờ tà thần. Ngôn sứ Êlia báo trước cho vua một cơn hạn hán lớn, như hình phạt người có tội và dấu chỉ quyền tối thượng của Thiên Chúa dân Ítraen, nhưng không phải vì vậy, mà Thiên Chúa quên thương xót. Nếu Người thẳng tay trừng trị dân phản bội, thì lòng thương xót của Người vẫn dưỡng nuôi những đứa con hèn mọn nhất của Người. Ông Êlia đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa; rồi ông cầu xin thì trời liền mưa xuống. Ngôn sứ Êlia xuất hiện chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời. 
Theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình, bởi vì, chúng ta đã được Chúa thanh tẩy, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Một khi đã được đổi mới nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, anh em biết sống xứng hợp với đời sống của những người đã được thanh tẩy… Xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, buông theo các đam mê của tính xác thịt. Bẩm sinh chúng ta là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. 
Theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình, bởi vì, tất cả chúng ta đều được Chúa trao sứ mạng: ra đi loan truyền tình yêu và lòng thương xót của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Amốt nói: Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta. Cũng như, trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 84, vịnh gia cũng đã kêu xin: Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con. Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta. 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Xin Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại: Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Chúa đã ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Các thần ô uế làm cho con người ra nhơ uế, ngược lại với hoạt động của Thiên Chúa là thanh tẩy làm cho con người trở nên thanh sạch. Xatan là cha của sự dối trá, luôn tìm cách làm cho con người ra tối tăm, lầm lạc, đánh mất niềm hy vọng mà Chúa mang lại cho chúng ta. Chúa dùng các ngôn sứ để giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng chân lý, mà trở về nẻo chính đường ngay. Ước gì ta biết nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Chúa, để ta biết quảng đại đáp lại ân tình của Người bằng cách: xa tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
===============
Suy niệm 4
Ơn gọi của Amos, của Các Tông Đồ và của mỗi chúng ta

(Mc 6, 7 – 13)

Tiên tri là người được Thiên Chúa soi sáng và sai đến nói cho người ta nhân danh Thiên Chúa, truyền đạt các mệnh lệnh của Ngài, có thể là lời cảnh cáo hay lời hứa cho dân.
Không ít lần Thánh Kinh đã nhắc đến cảnh dân Do thái bị lưu đày, sầu khổ, và các ngôn sứ được phái tới để loan báo cho dân một niềm hy vọng hay niềm vui cứu thoát. Tiên tri Êgiêkien, Isaiah, Giêrêmia đã loan báo về lòng thương xót cảm thông của Thiên Chúa đối với nỗi khổ của dân, và Chúa ra tay cứu thoát.
Thế nhưng không ít lần các tiên tri cũng vạch trần nỗi thống khổ của dân là do họ đã bỏ Thiên Chúa. Các ngài can đảm lên tiếng phê phán, cảnh cáo lối sống sai lạc, và báo trước một hình phạt sẽ sảy đến hoặc sẽ kéo dài nếu người ta không đổi mới cuộc đời. Tiên tri Amos là một bằng chứng.
Ơn gọi của Amos
Tên Amos có nghĩa là “gánh nặng” hay “người gánh vác nặng nhọc”. Ông quê làng Tekoa, một xóm nhỏ phía Nam Giêrusalem, nay đã hoang phế và không còn lưu lại một dấu vết nào, làng này cách Bethlehem chừng vài dặm. Chính ông cho biết ông sống bằng nghề chăn súc vật, trồng cây sung. “Lời của Amos. Ông là một trong những  người chăn cừu tại Tơcôa …” (Amos 1,1). Lời Amos trả lời ông Amátgia: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung” (Amos 7,14). Mặc dù ông đang chăn cừu, nhưng Chúa đã túm lấy ông, Chúa lôi ông đi và bắt ông làm tiên tri, với sứ mệnh nặng nhọc đúng với tên của ông.
Ông đâu muốn làm ngôn sứ vì ông an phận với cương vị một nông dân. Ông bị bắt làm ngôn sứ: “Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta” (Am 7, 15). Amos thổ lộ cho biết: ông không muốn được người ta xưng tụng là ngôn sứ, mà chỉ là một nông dân thi hành những gì Thiên Chúa truyền dạy ông phải làm, là “đi tuyên sấm cho Israel dân Chúa”.
Ơn gọi và sứ mạng của Amos bị khinh khi, chế giễu, nghĩa là không gặp thuận lợi từ phía những người xung quanh. Như lời Amasia nói với Amos: “Hỡi nhà tiên tri, hãy trốn sang đất Giuđa mà kiếm ăn và nói tiên tri. Ðừng ở Bêthel mà tiếp tục nói tiên tri nữa. Vì đây là nơi thánh của vua, là đền thờ của vương quốc” (Am 7, 12-13). Điều vốn không do mình nghĩ ra và chọn lựa, chỉ nghe và làm theo vì vâng phục thiên ý, lại dẫn đến tình trạng mình bị chống đối và tẩy chay, với bao nhiêu phiền phức! Đó là kinh nghiệm của Amos.
Chúng ta biết những ngôn sứ chân chính, ngôn sứ thật bao giờ cũng bị ghen ghét. Thời Amos, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng khó chịu và không muốn thấy Amos hiện diện tại miền đất của họ nữa.  Đứng trước nền đạo đức xuống cấp và nền luân lý suy đồi, ngôn sứ Amos tố cáo mọi cấp bậc trong dân Chúa đồng thời cảnh báo họ sẽ bị phạt nếu không thay đổi đời sống. Amos đã làm tốt các công việc Chúa muốn: ông không tự mình nói gì và làm gì ngoài lệnh của Thiên Chúa.
Ơn gọi của Các Tông Đồ
Tin Mừng Marcô thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu sai mười hai Tông Đồ cứ từng hai người một đi loan báo Tin Mừng. Tin Mừng ấy là Thiên Chúa Cha đã yêu thương loài người bằng tình yêu vô hạn, Ngài ban tặng sự sống cho chúng ta để chúng ta sống và hạnh phúc luôn mãi. Tin Mừng này dành cho tất cả mọi người, không một ai ở ngoài lời mời gọi cứu chuộc của Thiên Chúa, và cũng không một ai bị loại trừ khỏi Tình yêu của Chúa. Tin Mừng này phải được loan đi đến tận cùng thế giới. Chúng ta phải công bố niềm vui và ơn cứu rỗi phổ quát của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã tái tạo con người, đã chết và sống lại để cho con người được sống.
Những người được sai đi, Chúa trao cho “quyền trên các thân ô uế” (Mc 6, 7) và một hành trang “hầu như không có gì”. Người còn ra lệnh cho họ “đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo” (Mc 6,8) để cho họ thấy rằng, hiệu quả của việc rao giảng Tin Mừng sẽ không đến từ sự ảnh hưởng của con người hay vật chất, mà là từ quyền năng của Thiên Chúa, như lời Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: ” Thiên Chúa được truyền cảm hứng trong lòng người ta do ân sủng của Chúa Thánh Thần“.
Ơn gọi của mỗi chúng ta
Lời Chúa hôm nay cũng nói đến ơn gọi của mỗi chúng ta, đặc biệt là những ơn gọi tận hiến. Chính Chúa là Đấng sáng kiến và chủ động gọi. Chúa chọn, gọi mỗi người để trao sứ mạng trong công cuộc của Chúa. Đáp lại tiếng gọi và thi hành sứ mạng ấy, chúng ta có thể gặp những khó khăn, thử thách trên đường. Nhưng với xác tín, nhẫn nại và trung thành trong ơn gọi và sứ mạng của mình, chúng ta sẽ sinh hoa quả.
Vào buổi bình minh của thế kỷ XXI, Tin Mừng còn chưa đến mọi nơi, rất cần đến lòng nhiệt thành truyền giáo.
Chúng ta đã nhận được Tin Mừng, chúng ta có biết giá trị thực sự của Tin Mừng không? Chúng ta có ý thức về điều đó không ? Chúng ta có biết ơn không? Chúng ta hãy xem xét chính mình, người đã lãnh nhận Phép rửa tội, chúng ta có loan báo Tin Mừng bằng gương mẫu của chúng ta chưa?
Chúng ta hãy khám phá ra vẻ đẹp đích thực của sứ giả loan báo Tin Mừng qua những nét đặc trưng liên quan đến Nguồn gốc ơn gọi, nội dung rao giảng, mục đích hướng tới và cả thách đố.
Không ai tự mình trở thành sứ giả Tin Mừng do địa vị, tài năng, công trạng… Chính là “do lòng thương xót và được tuyển chọn” (Thánh Bêđa Khả kính), được Chúa thương tha thứ và đưa vào sứ vụ của Người (Missio Dei).
Lạy Chúa, này con đây, xin sai con đi.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy niệm 5
SỨ GIẢ NIỀM HOAN LẠC

Nhìn lại thời khắc được thụ phong chức linh mục hay thời gian được khấn trọn, chắc hẳn ai trong chúng ta đều cảm nghiệm sự bất toàn, không xứng đáng của bản thân trước ơn cao cả, nhưng không của Thiên Chúa. Hơn nữa, anh chị giáo dân, gia đình, bạn bè còn trầm trồ khen tặng hết lời, và ra công cầu nguyện liên lỉ cho ứng viên luôn được trung tín với ơn gọi-sứ mạng thánh hiến. 
Tuy vậy, quả thật Thiên Chúa không chỉ mời gọi một số người ‘đi làm vườn nho truyền giáo cho Ngài’ mà thôi, nhưng Ngài còn kêu mời mọi người – những người mang danh Ki-tô hữu, được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy – dấn thân lên đường, ra đi trở nên sứ giả của Niềm hoan lạc, của sự bình an đã được Thiên Chúa ban tặng, như thánh Phao-lô xác tín trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô “...Đng đã chúc lành cho chúng ta bng mi phúc lành thiêng liêng trên tri, trong Đc Kitô. Như Ngài đã chn chúng ta trong Ngưi trưc khi to dng thế gian, đ chúng ta đưc nên thánh thin và tinh tuyn trưc mt Ngài trong tình yêu thương” (Ep 1, 4). Với lòng cảm tạ ơn Chúa sâu xa, và quyết tâm trở nên sứ giả của Người, chúng ta nên có ít nhất ba tâm tình: Tín thác, Đơn sơ, và Trung thành (TĐT) được rút ra từ đoạn Phúc Âm ngày hôm nay (x. Mc 6, 7-13). 
Đầu tiên, tâm tình Tín thác được diễn tả rõ rệt qua đời sống đức tin, niềm cậy trông, lòng phó thác vào Chúa, và vào chương trình của Người, “…không mang lương thc, túi tin, hai áo, mang b…” (x. Mc 6, 8-9). Nhưng thử hỏi: Sao Chúa lại quá khắt khe như vậy? Những thứ này không mang theo thì làm sao mà sống, làm sao mà an tâm để chia sẻ niềm vui được? Dĩ nhiên, những gì cần thiết cho cuộc sống của con người thì không thể thiếu; nhưng dù có như vậy đi nữa, người hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa thì cho dẫu một lời than phiền, ỉ ôi hay trách móc cũng không đọng lại trên môi miệng họ. Người mà biết cậy trông, tín thác hoàn toàn vào Chúa thì chẳng bao giờ bồn chồn, lo lắng quá mức như câu danh ngôn này chỉ ra: ‘Nếu đã tin tưởng thì không lo âu, than phiền; nhưng nếu lo âu, phiền muộn thì không thể tin tưởng vào ai’. Mặc khác, người sứ giả có tâm tình Tín thác, biết phân định những gì cần thiết, không thể thiếu với những gì mình muốn sở hữu nhưng chưa hẳn là cần kiếp! Là con người, chúng ta có vô vàn ước vọng ‘bất thành văn’ và mong muốn ‘miễn bàn luận’! Vì thế, để rõ ràng nhận ra điều này, chúng ta phải chìm sâu trong đời sống thân mật với Chúa, và qua tâm tình cầu nguyện, phó dâng, Người sẽ gạn đục khơi trong tâm hồn, ước vọng chồng chéo, chất chồng nơi cùng lòng sâu thẳm của ta. 
Thứ đến, người sứ giả Tin mừng phải mặc lấy tâm tình Đơn sơ, chân thành, giản dị khi ra đi rao truyền, sống chứng tá, “…đi dép…đến đâu các con vào nhà nào thì li nhà đó cho đến khi ra đi” (x. Mc 6, 9-10) Ở đây, chúng ta không nên nhìn theo nghĩa từ ngữ mà so sánh như: thời nay, các Dì, các Thầy, các Cha, v.v… toàn là mang giày thời trang, giày cao cấp, hàng đắt tiền, chứ chẳng thấy họ ‘mang dép’!? Hình ảnh ‘đi dép’ này lột tả sự giản dị, lối sống giản đơn, không cầu kỳ, yêu sách, đòi hỏi được trả công. Và khi đi rao truyền, thăm viếng tha nhân thì hãy ân cần, chăm chú gia cảnh, trạng huống, môi trường sống, v.v… của họ, chứ không ‘đứng đồng xanh này, mà trông bên đồng xanh rì kia’, vì “nhng ai lãnh nhn nhưng không, thì hãy cho nhưng không” (x. Mt 10, 8). 
Sau cùng, tâm tình Trung thành được diễn tả qua việc đáp trả lời mời gọi, ghi khắc lời dạy, và rao truyền sứ điệp Chúa trao. Là người sứ giả Tin Mừng, không ai trong chúng ta phủ nhận tầm quan trọng của việc đào sâu, trải nghiệm, nếm mùi vị của Tin Mừng. Và khi gặp gỡ Chúa, đọc Kinh Thánh, chúng ta biết để Lời Chúa biến đổi con người yếu đuối, mỏng dòn của ta; chứ đừng chỉ lấy thông tin để loan truyền, hay uốn nắn Lời Chúa theo ý riêng ta! Hơn nữa, lòng trung thành với sứ điệp loan truyền này đòi hỏi sứ giả của Niềm Vui khắc ghi, sống trọn cốt lõi của lời mời gọi “rao ging s thng hi, tr qu, xc du bnh nhân” (x. Mc 6, 12-13), nghĩa là trở nên sứ giả của niềm hoan lạc, bình an, an ủi đích thực từ chính Chúa. Trong bậc sống thánh hiến, đời sống hôn nhân gia đình, nhiều lần chúng ta trở nên sứ giả của sự ganh ghét, thay vì trở nên sứ giả của lòng yêu thương; nhiều lần chúng ta trở nên sứ giả của tin buồn, thay vì tin mừng vui; nhiều lần chúng ta trở nên sứ giả của sự hiềm tị, ganh đua, thay vì xây dựng tình hiệp nhất, đỡ nâng; nhiều lần chúng ta trở nên sứ giả của sự chia rẽ, bất an, thay vì vun trồng tình huynh đệ, mang lại sự bình an, v.v…
Để kết thúc bài chia sẻ này, con kính mời tất cả quý cộng đoàn cùng con dâng lên Chúa lời nguyện ước chân thành sau: (Ra Đi Rao Truyn, thơ Lm. Xuân Hy Vọng)
Chúa mời con lên đường san sẻ
Đáp lời Người, nhanh nhẹn bước đi
Đơn sơ, chân thành, con phó thác
Giữ trọn câu thề, mãi sắt son.
 
Bình an cõi lòng con xin nhận
Nung nấu tâm hồn người khắc ghi
Trần đời này chỉ tựa bóng câu
Vùn vụt trôi, tháng ngày xa vắng.
 
Ra đi gieo rắc lòng hoan hỉ
Người người tề tựu ngợi khen Cha
Tâm hồn ngập tràn bao hạnh phúc
Lòng thành này, ngàn lời tán dương.
 
Chặng đường dài dẫu ngàn nguy khó
Chúa cùng con nên chẳng ngại chi
Vai mang thập tự, lòng suy gẫm
Triều thiên vinh phúc lấp lánh chào.
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 6
MỘT TRUNG TÂM, MỘT KHUÔN MẶT

“Chúa Giêsu gọi nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi”.
Một nhóm du khách Công Giáo thăm Trung Đông, họ tìm thăm một nhà ẩn tu đạo hạnh nổi tiếng. Đến nơi, họ phát hiện ông sống trong một túp lều đơn sơ. Tất cả những gì bên trong là một chiếc giường thô sơ, một chiếc ghế, một cái bàn và một chiếc lò cũ kỹ. Họ đã sốc khi thấy vị ẩn tu có ít tài sản đến mức nào. Một số buột miệng hỏi, “Ồ, đồ đạc của ngài đâu?”. Vị ẩn sĩ hỏi lại họ, “Đồ đạc của các bạn đâu?”. Họ lắp bắp, “Tất nhiên là ở nhà. Chúng tôi đang đi du lịch!”; “Tôi cũng vậy!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tôi cũng vậy!”. Vị ẩn sĩ đang sống nguyên tắc căn bản của Tin Mừng: Kitô hữu phải tập trung tình cảm của mình vào Chúa Kitô, chứ không vào những điều tạm bợ trên trần gian này. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay chỉ ra phong cách của người truyền giáo vốn có thể tóm tắt ở hai điểm: sứ mệnh truyền giáo ‘có một trung tâm’, có ‘một khuôn mặt’.
Trước hết, người môn đệ có một trung tâm để quy chiếu là Chúa Giêsu. Trình thuật chỉ ra điều này bằng cách sử dụng một loạt các động từ mà “Chúa Giêsu” làm chủ ngữ: “Ngài gọi nhóm Mười Hai, sai đi”; “Ngài ban quyền” và “Ngài chỉ thị”. Ngài chủ động tất cả để việc ra đi của nhóm Mười Hai hầu như phải toả ra từ ‘một trung tâm’. Điều này chứng tỏ rằng, các tông đồ ‘không có gì’ để công bố, cũng ‘không có khả năng’ để công bố; đúng hơn, họ nói và hành động như những “sứ giả” của chính Ngài.
‘Trung tâm’ này áp dụng không chỉ cho các Linh mục mà còn cho tất cả những ai đã được rửa tội để làm chứng cho Tin Mừng trong nhiều lĩnh vực. Thật vậy, sứ mệnh này chỉ đích thực khi có ‘một trung tâm’ không thay đổi của nó là Chúa Giêsu; vì lẽ, đó không phải là sáng kiến của các cá nhân hay cộng đoàn và thậm chí, của các sự kiện tụ họp lớn. Đó là sứ mệnh của Giáo Hội vốn không thể tách rời khỏi Chúa của mình. Vì thế, không Kitô hữu nào “tự rao giảng”, mà chỉ được sai đi bởi Giáo Hội trong Chúa Kitô.
“Đồ đạc của các bạn đâu?”. Thứ đến, phong cách của người truyền giáo còn có ‘một khuôn mặt’: nghèo khó! Trang bị của Chúa Giêsu chỉ đáp ứng tối thiểu những gì họ cần, “Chỉ trừ cây gậy!”; “Được đi dép, nhưng không được mặc hai áo!”. Ngài không muốn chúng ta dựa vào những nỗ lực cá nhân, những công nghệ tiên tiến hay yếu tố nào khác để bảo đảm an toàn hoặc thành công. Ngài là ‘nguồn mọi thành công’ và chỉ có Ngài mới mang lại sự an toàn thực sự trong cuộc đời mỗi người. Ngài bảo các tông đồ đừng mang theo gì trong hành trình rao giảng của mình, ‘ngoại trừ Ngài!’.
Anh Chị em,
“Đồ đạc của các bạn đâu?”. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài tự do và không bị cản trở, cũng không vướng bận với bất cứ thứ gì, với bất cứ ai; một chỉ quy về trung tâm - chính Ngài - và tín thác vào tình yêu quan phòng của Đấng sai họ đi, cũng là Đấng củng cố họ bởi Lời của Ngài mà họ loan báo. Trong cuộc sống, chúng ta không thường gặp những đám đông dễ tiếp thu, cởi mở và háo hức muốn nghe về Chúa Kitô. Thành công hay thất bại, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài và nhớ rằng, bạn và tôi được kêu gọi trung thành, không nhất thiết phải thành công theo quan điểm con người.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con lệch tâm khi không còn lấy Chúa làm trung tâm; đừng để con mang theo gì trong hành trình rao giảng, ngoại trừ một mình Ngài!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
===============
Suy niệm 7
Đi rao giảng Tin Mừng
Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6, 7-13
Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai, sai đi từng hai người một và chỉ thị rằng: “không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;  được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ. Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 8-13).
Thầy chỉ thị cho các ông đi rao giảng, chỉ kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Nội dung không có bài vở soạn sẵn, không được tập luyện cách truyền đạt, làm sao để thu hút đám đông, nghe không dễ thực hiện. Thầy dạy vào nhà nào thì cứ ở đó cho đến lúc ra đi. Nhà nào không đón tiếp và nghe lời thì rũ bụi chân lại... Nếu ngày nay mà chúng con đi rao giảng như vậy liệu có kết quả? Người môn đệ không mang bao bị, tiền đồng giắt lưng, thể hiện tinh thần khó nghèo, thanh thoát, không lệ thuộc vào của cải vật chất, nhưng một niềm phó thác cậy trông sự trợ giúp của Chúa, để thực thi sứ mạng được trao phó.
Khi Đức Giêsu đến trần gian thì Người thiết lập Vương Quốc Tình Yêu, là Nước Trời ngay tại trần gian này. Chúng con có bổn phận mau mắn làm cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, làm cho Nước Trời được viên mãn ngay trong đời sống hiện tại. Nước Trời là chính Chúa, Chúa đã đến gần, sát ngay bên. Nhưng còn tùy thuộc vào lòng con người, có mở lòng đón nhận hay không. Việc rao giảng không phải chỉ bằng lời, nhưng bằng đời sống. Một đời sống đạo hạnh, yêu thương tha nhân, luôn đem niềm vui và hy vọng đến cho người khác, là phản chiếu một tâm hồn luôn có Chúa ở cùng. Nước Trời hiện diện ngay giữa thế trần và trong tâm hồn có Chúa ở cùng.
Lạy Chúa! dù là ai mỗi người trong chúng con cũng được Chúa kêu gọi thi hành sứ mệnh với Chúa, tuy mỗi người một ơn gọi khác nhau: người thì được gọi trong đời sống tu trì, người thì sống độc thân hay bậc hôn nhân giữa đời để làm chứng nhân. Có lãnh nhận là có phân phát, vì con đã được lãnh nhận nhưng không, xin cho con cũng biết cho đi nhưng không, sẵn sàng phân phát tất cả. Ước gì qua cuộc sống của con mà người khác được đón nhận tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết quý trọng sự tín nhiệm của Chúa mà luôn kết hợp cộng tác với Chúa, để Chúa thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong mỗi chúng con cách hiệu quả nhất. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:
Ở cùng (26/05/2024)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log