Chúa nhật, 24/11/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Thánh Phêrô, Phaolô và Chúa nhật 13 TN năm B

Cập nhật lúc 09:10 27/06/2024
Suy niệm 1
ĐỨC TIN CỨU SỐNG
Mc 5, 21-43
Chúa Giêsu đến trần gian không phải để làm nghề chữa bệnh, nhưng là để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người, để tất cả những ai tin vào Ngài thì được ơn cứu độ. Tuy nhiên, hiệu quả của đức tin không chờ đợi tới đời sau mới trọn vẹn, mà còn hữu hiệu ngay trong hiện tại, như trường hợp người phụ nữ bị băng huyết được chữa lành.
Băng huyết là thứ bệnh mà đối với người Do thái không chỉ ô nhơ về mặt thể lý mà họ còn coi nó là một thứ ô uế luân lý. Vì thế, có luật cấm những kẻ mắc bệnh đó không được chạm tới người khác, vì chạm tới ai thì người ấy cũng bị lây ô uế. Biết thế, nên người phụ nữ không dám công khai xin Đức Giêsu cứu chữa mình, nhưng chị âm thầm len lỏi vào trong đám đông, tìm cách lén chạm vào tua áo Ngài, vì tin rằng chỉ cần như vậy là được khỏi bệnh. Giữa đám đông chen lấn, có bao người chạm vào Đức Giêsu, nhưng cái chạm của người nữ này khiến Ngài cảm thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra. Vì đó là cái chạm của lòng tin mạnh mẽ, cái chạm này đã đụng tới sức thiêng, khiến người phụ nữ được giải thoát khỏi cơn bệnh ngặt nghèo đã 12 năm.
Tiếp theo là phép lạ thứ hai khi ông Giairô đến xin Đức Giêsu cứu chữa con gái ông bị bệnh gần chết. Ông là trưởng hội đường, một thành viên vị vọng thuộc hàng kỳ mục, thế mà ông lại sụp xuống dưới chân Đức Giêsu, dù Ngài chẳng có chức sắc gì, chỉ là một ông thầy giảng thuyết nay đây mai đó, mà còn bị giới lãnh đạo nghi kỵ và tìm cách loại trừ. Điều khá lạ lùng là ông đích thân đến với Đức Giêsu chứ không sai người nhà. Có lẽ ông ta phải đi vì chẳng còn ai khác chịu đi, khi thấy tình trạng cô bé đã vô vọng. Thế nhưng ông vẫn hy vọng và đến cầu cứu Đức Giêsu. Ngài đi với ông về nhà, bất ngờ người nhà đến báo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa ?". Thấy ông hốt hoảng, nên Đức Giêsu trấn an: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.".
Khi đến nơi, Đức Giêsu chỉ đưa riêng ba môn đệ thân tín vào nhà với Ngài. Thấy người ta khóc lóc kêu la ầm ĩ, Ngài nói: Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy !" Nghe vậy, họ chế nhạo Ngài. Rồi Ngài đến, cầm tay em bé và truyền cho em chỗi dậy. Em bé đứng dậy và đi lại trước sự kinh ngạc sững sờ trước sự chứng kiến của mọi người xung quanh.
Cũng như ba môn đệ thân tín, người Kitô hữu là người được Đức Giêsu tách riêng ra để trải nghiệm quyền lực của Ngài qua những hoàn cảnh gay go. Chắc chắn Đức Giêsu không muốn chúng ta nhắm mắt khi đứng trước các giới hạn của khả năng con người, hoặc chao đảo giữa ảo tưởng và thất vọng. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào trước những tình trạng ngặt nghèo? Mời gọi người ta bình tĩnh giữ vững niềm tin hay lại hùa theo số đông, buông xuôi theo hoàn cảnh như một định mệnh khắc nghiệt? Đừng quên, với Chúa mọi sự đều có thể. Dù không được ngay theo ý mình nhưng tình huống sẽ được xoay trở cách nào đó.
Cả hai phép lạ xảy ra nhờ lòng tin. Đức tin làm nên phép lạ. Thiếu đức tin, Chúa chẳng thể làm gì cho ta. Đức tin là ơn Chúa ban, nhưng cũng là nỗ lực của ta qua việc nối kết với Chúa từ chính trái tim mình, nhờ việc chạm đến: người phụ nữ chạm đến Chúa, và để Chúa chạm đến em bé. Trái tim tạo nên nhịp sống, và phép lạ là khơi dậy sự sống. Sự sống vốn là một phép lạ, từng hơi thở con người là một phép lạ, mỗi ngày là một phép lạ, mỗi phút giây là một phép lạ. Chỉ có đôi mắt sáng của tâm hồn mới cho ta nhận ra phép lạ liên tục. Ta sống đích thực và dồi dào khi biết tiếp nhận sự sống từ nơi Chúa như một phép lạ.
Thông điệp của bài Phúc Âm không chỉ mời gọi ta sống đức tin sâu xa vào Chúa mà còn mời gọi sống như Chúa. Nghĩa là hãy tiếp nối sự hiện diện của Chúa để xoa dịu những nỗi đau khổ cho anh chị em mình. Chúng ta không có quyền năng như Chúa, nhưng nếu chúng ta sống thân thiết với Chúa và có được tấm lòng của Chúa, thì chắc chắn Chúa sẽ hành động qua chúng ta để đem lại ơn phúc cho người khác.
Trong hành trình phục vụ, nếu ta tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, Đấng luôn khai mở và kiện toàn lòng tin của mọi người, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bước, dù con đường trước mắt có vẻ đã khép lại. Ngoài ra, trong trăm công ngàn việc nhằm phục vụ cho hạnh phúc của con người, chúng ta vẫn được mời học lấy cái nhìn tinh tế và ân cần của Đức Giêsu: “cho con bé ăn”. Ngài thấy nhu cầu nhỏ bé của từng con người trong những nhu cầu thực tế của họ. Ngài không bao giờ vì số đông mà quên từng cá nhân, để đem lại cho mỗi người niềm vui sống.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Nếu chỉ đặt hy vọng ở đời này,
thì con sẽ là người bất hạnh nhất,
vì cuối cùng cũng chỉ là bụi đất,
ngoài Chúa ra chẳng có gì hy vọng.
Xin cho con một đức tin sâu thẳm,
để thấy Chúa đang ẩn mình trong con,
đang ẩn thân trong mọi người mọi sự.
Xin cho con một đức tin sống động,
để thấy Chúa vẫn yêu thương hành động
đang chữa lành và giải phóng nhân tâm.
Xin cho con một đức tin vững vàng,
để chuyển thông một sức sống bình an,
khiến lo âu sợ hãi dần tan biến.
Xin cho con một đức tin vô chấp,
không động lòng cao thấp trước lợi danh,
không màng chi địa vị với quyền hành.
Xin cho con một đức tin tinh ròng,
để thấy được những gì Chúa ước mong,
và hiểu được những gì con phải sống.
Xin cho con một đức tin sáng suốt,
biết phân định và phán đoán khôn ngoan,
giữa sáng tối và vàng thau lẫn lộn.
Xin cho con một đức tin kiên cường,
dám can trường làm chứng tá tình thương,
không sợ gì những nhiễu nhương thế sự.
Xin cho con một đức tin lên đường,
dám đến với mọi người khắp bốn phương,
đi gieo rắc Tin Mừng về muôn hướng. Amen.
Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 2
N NGUYÊN SINH LÃO BỆNH TỬ’
Trong đời sống, chúng ta thường tự hỏi một số câu hỏi căn tính như: Sống để làm gì? Sự chết từ đâu mà ra? Chết rồi sẽ ra sao? Tại sao phải gian nan khốn khó?…Và nhất là ngay thời điểm dịch bệnh cô-vi hoành hành khắp nơi, mọi nghi vấn, vấn nạn lại trở nên gay gắt hơn!
Lắm lúc, là người Công Giáo, chúng ta cũng hiểu sai, hiểu lầm rằng: sự chết cũng được Thiên Chúa tạo dựng chăng? Mọi bất trắc, đau khổ do Thiên Chúa làm ra để thử thách chúng ta?…Tuy nhiên, khi đọc bài đọc I trích sách Khôn Ngoan, chúng ta dám khẳng định: Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết” (Kn 1, 13). Ý định nguyên thuỷ của Ngài chẳng phải những gì đang diễn ra, vì “Ngài tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian” (Kn 1, 14). Tác giả sách Khôn Ngoan đã xác tín, chỉ ra cho tất cả chúng ta thấy được Thánh ý của Chúa từ khởi nguyên: Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn” (Kn 2, 23). Dù là Thiên Chúa quyền năng, cao cả, giàu sang phú quý, nhưng Ngài muốn chia san chân-thiện-mỹ nơi mình cho con người, và đã tạo dựng phàm nhân theo hình ảnh của Ngài, đồng thời giống như Ngài, cụ thể: con người có tự do, mọi quyền căn bản, lý trí để truy tầm sự thật, tìm ra Chân lý tối thượng chính là Thiên Chúa; và con người được ban cho ý chí, ngõ hầu biết yêu thương, cảm nhận được yêu thương, để ôm trọn chính Tình yêu tuyệt đối (là Thiên Chúa).
Thế nhưng, hạnh phúc nguyên thuỷ ấy bị tan vỡ do sự khước từ, bất trung, tính kiêu ngạo muốn trở thành chúa của bản thân để quyết định thiện-ác, tốt-xấu, sống-chết,…vốn là quyền hạn của Thiên Chúa mà thôi. Do đó, tội lỗi đã xâm nhập vào thế giới thiện lành, con người tốt lành thuở ban đầu, và sự chết, đau khổ, bệnh tật…cũng không nằm ngoài hậu quả của tội lỗi, bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó” (Kn 2, 24). Thiên Chúa thấu hiểu sự yếu đuối, hay sa ngã của con người, nhưng Ngài vẫn tin tưởng con người vốn là hình ảnh của mình, nên đã không bỏ mặc họ, hoặc trao án phạt nhãn tiền muôn đời, như Ngài đã trừng phạt Lu-ci-phe và các thiên thần sa ngã một lần mãi mãi. Thiên Chúa trung thành với lời hứa ban Đấng Cứu Độ, và Ngài chuẩn bị một cách công phu chu đáo cho chương trình yêu thương, cứu rỗi con người, bằng cách “…o thời ấn định, Ngài đã sai Con Một đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ…” (x. Ga 3, 17). Với sứ mệnh đó, dù đi tới đâu, Đức Giê-su luôn mang niềm vui giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi bệnh tật, khỏi khổ đau, khỏi những gì con người phải chịu do tội lỗi gây ra: già cỗi, bệnh tật, đau khổ, cái chết. Vì vậy, khi Đức Giê-su làm phép lạ chữa lành, không vì mục đích cho bản thân nổi tiếng, hoặc mọi người biết tới, nhưng qua giáo huấn và phép lạ, Ngài muốn cho tất cả biết rằng: Thiên Chúa hằng yêu thương, hằng nâng đỡ, chở che, tha thứ, giải thoát, cứu độ con người, dù họ chẳng xứng đáng với tình yêu ấy, vì tôi tự trời mà xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi…Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (x. Ga 6, 38. 40).
Thưa anh chị em, hôm nay, điều này được minh chứng rõ ràng trong bài Tin Mừng: trên đoạn đường đến nhà ông trưởng hội đường Giai-rô, để chữa lành cho con gái ông đang nguy tử, Đức Giê-su chứng kiến lòng tin mạnh mẽ của một người đàn bà bị bệnh băng huyết mười hai năm, và Ngài đã chữa lành cho cả hai, mang lại sự sống cho họ, mang lại niềm vui khôn tả cho họ. Mở ra con đường biết tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa, thì mọi việc, dù vô vọng đối với con người, nhưng không có gì là không thể đối với Chúa” (x. Lc 1, 37). Con người chúng ta dường như tuyệt vọng khi đứng trước giới hạn của mình, của khoa học dù phát triển vượt bậc tới đâu! Tuy nhiên, nếu chúng ta biết tín thác, ký thác đường đời cho Chúa, thì vẫn hy vọng, cậy trông, chờ mong thực thi theo Thánh ý, theo thời điểm của Ngài. Cụ thể, ông trưởng hội đường Giai-rô chẳng tuyệt vọng như những người xung quanh tụ họp nơi nhà ông thốt lên rằng: Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa” (Mc 5, 35), và còn tệ hơn họ chế giễu Ngài” (Mc 5, 40) khi nghe Đức Giê-su nói: Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó” (Mc 5, 39). Ông đặt niềm tin tuyệt đối nơi Đức Giê-su, trông thấy Ngài, ông sụp lay và van xin: Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống” (Mc 5, 22-23). Còn bà bị bệnh xuất huyết ròng rã mười hai năm, tin chắc khi tự nhủ với bản thân rằng: Miễn sao tôi chạm tới áo Ngài thì tôi sẽ được lành” (Mc 5, 28). Dù phải chịu cực khổ đến nỗi thất vọng, tìm thầy thuốc chữa trị, tiền hết mà bệnh chẳng thuyên giảm chút nào, trái lại càng trầm trọng, nhưng bà vẫn một lòng tin tưởng vào Đức Giê-su. Khi nghe nói về Ngài, bà liền hoà mình trong đám đông, thầm ước chạm tay đến gấu áo Ngài thì sẽ được chữa lành. Đức tin vào Đức Giê-su đã khiến hai con người này vượt thắng tuyệt vọng, vốn dễ bị rơi vào khi đối diện với sự đau khổ tột cùng, bệnh tật hiểm nghèo và cái chết. Hơn nữa, lời xác quyết của Đức Giê-su khi nói với bà: Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh” (Mc 5, 34), và tiếng Ngài gọi khi chữa lành con gái ông Giai-rô đang hấp hối: Talithakum", nghĩa là: "Hi em bé, Ta truyn cho em hãy tri dy!” (Mc 5, 41) cho chúng ta thấy, khi chữa lành, Đức Giê-su không đòi hỏi bất cứ điều gì ngoài niềm tín thác và lòng cậy trông vào Ngài, đồng thời phải trở nên nhân chứng bác ái-tha thứ-chia san với tha nhân.
Hành động yêu thương này phải được chứng thực cụ thể qua việc sống quảng đại, thực thi phúc đức trong dịp lạc quyên như Thánh Phao-lô nhắc nhở giáo đoàn Cô-rin-tô: “…anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái ca anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong dịp lạc quyên này nữa” (2Cr 8, 7). Chẳng phải do sáng kiến rộng lượng của chúng ta mà thôi, nhưng tiên vàn vì Đức Giê-su, Chúa chúng ta đã nên thân phận nghèo khó, mặc dù giàu sang, để nhờ việc nghèo khó của Ngài, chúng ta nên giàu có, ngõ hầu chia sẻ với anh chị em khác. Sau cùng, kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu” (2Cr 8, 15) bắt nguồn từ bản chất ân ban-chia sẻ của Thiên Chúa đối với nhân loại, chứ chẳng giống như bao khẩu ngữ sáo rỗng của một số triết thuyết xã hội rêu rao. Thiên Chúa - Đấng rộng lượng, khoan nhân, Ngài hướng đến và chia san với con người; vì vậy, là những người tin vào Ngài, chúng ta cũng trở nên quảng đại cho đi với cả tấm lòng, và không mong đền đáp, vì “ai lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10, 8b). Ước gì, đức tin được lớn lên dựa trên đức cậy, và được biểu lộ sống động qua đức ái nơi đời sống thường nhật.
Cảm tạ Chúa với lòng tín trung
Cảm tạ Chúa với niềm trông cậy
Cảm tạ Chúa với cả yêu thương
Cảm tạ Chúa tận sâu thẳm hồn con. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 3
CON CÁI ÁNH SÁNG 
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật 13 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã rủ lòng thương nhận chúng ta làm nghĩa tử để chúng ta trở thành con cái ánh sáng, xin Chúa đừng để chúng ta sa vào cảnh tối tăm lầm lạc, nhưng gìn giữ chúng ta luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa.
Con cái ánh sáng, thì phải luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, không được thất trung cùng Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Samuen quyển I cho thấy: Vốn là một tín hữu trung thành của Chúa, Saun đã dùng quyền lực của một quân vương để phục vụ các xác tín của mình, nhưng, trong một tình trạng nguy kịch, ông sinh hốt hoảng và làm chuyện mê tín xưa ông đã tìm cách diệt trừ, là đi coi đồng bóng. Vua Saun chết vì đã thất trung với Đức Chúa, chẳng tuân giữ lời Đức Chúa truyền. Đức Chúa đã chuyển trao vương quyền cho ông Đavít. Vì ông Saun lại còn kiếm một mụ đồng bóng mà thỉnh vấn nữa.
Con cái ánh sáng, thì phải luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, phải khao khát làm cho mọi người được đến gần ánh sáng,  như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói: Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, vì tôi đã được chính Đức Kitô sai đi. Tôi là tông đồ và tôi cũng là chứng nhân. Mục đích càng xa, sứ mạng càng khó, thì tình yêu Đức Kitô lại càng thôi thúc tôi mạnh mẽ hơn. Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, và tất cả đều tồn tại trong Người.
Con cái ánh sáng, thì phải luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, nếu không, sẽ rơi vào cạm bẫy của Satan và sẽ phải chết, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Khôn Ngoan đã cho thấy: Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết. Con cái ánh sáng, thì phải luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, hãy vững tin vào Chúa, vì Chúa sẽ thương giải cứu, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 29, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con. Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống. Con cái ánh sáng, thì phải luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, bằng cách sống quảng đại và giàu lòng bác ái, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại việc Đức Giêsu cứu sống con gái ông trưởng hội đường. Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chính Người đã tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa vô hình, chính Người là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, và chính trong Người, mà tất cả tồn tại. Người là Thầy và là Đấng cứu chuộc nhân loại. Người là khởi nguyên và cùng tận, là Anpha và Ômêga, là nguyên lý nhiệm mầu và tối hậu giải thích lịch sử nhân loại và vận mệnh chúng ta. Chính Người là Đấng trung gian nối liền đất với trời. Vì chúng ta, Người đã sinh ra, đã chết và đã sống lại. Chính nhờ Người, mà chúng ta được nhận làm nghĩa tử và trở thành con cái ánh sáng. Ước gì đời sống của chúng ta luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
================
Suy niệm 4
Hãy vững tin và tha thiết nguyện cầu
(Mc 5, 21 – 43)
Thế giới nhìn chung đang có nhiều bất ổn về chính trị, an ninh, điển hình là chiến sự giữa Nga và Ucraina không những tiếp tục dai dẳng, mà còn gia tăng không khoan nhượng. Tiếp đó là cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông giữa Hamas và Israel vẫn ngày đêm bom rơi. Cả hai cuộc chiến này hiện nay vẫn vô cùng căng thẳng, và hiện chưa biết đến khi nào mới chấm dứt.
Động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, cháy nhà, nóng, lạnh bất thường xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống, chỉ tăng 3%.
Trí tuệ nhân tạo bùng nổ với công cụ ChatGPT được công ty OpenAI tung ra, mở màn cho làn sóng bùng nổ của AI trong năm qua. Sự xuất hiện của AI tạo sinh giúp xóa bỏ hình ảnh về các trợ lý trí tuệ nhân tạo tẻ nhạt, kém linh hoạt tồn tại hàng chục năm qua.
Khát vọng sống vui, sống mãi và sống hạnh phúc, nhất là chiến thắng bệnh tật, khổ đau và cái chết không chỉ trong tư tưởng nhưng là một khát vọng sâu xa nhất của con người ở mọi nơi mọi thời. Khát vọng ấy thật chính đáng và có thể, vì cái chết không phải là một phần trong sáng tạo, về nguyên lý là không thể đảo ngược, vì  “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Bởi vì Ngài sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, và mọi loài trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1,13-14).
Thiên Chúa là Đấng hằng sống, nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu, thì cũng được tự do chối từ tình yêu ấy. Con người đã chiều theo cơn cám dỗ của quỷ dữ để chối từ tình yêu Thiên Chúa, cắt đứt sự hiệp thông với Ngài là nguồn sống bất diệt nên con người phải chết cả xác lẫn hồn. Vạn vật vì liên đới với con người, nên cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người (x. Rm 8,20-23).
Lời Thánh Kinh nói rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24). Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết, chính tự do của con người khi cắt đứt với nguồn sống đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật. Chỉ có Thiên Chúa quyền năng mới đủ mạnh để phá đổ những rào cản của sự chết. Chúa “sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ” (Tv 16, 10). Chúa là Sự Sống: “Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết…” (Kn 1, 13).
Chúa Giêsu là đầu và là trưởng tử hoàn tất khi sống lại từ trong cõi chết. Sự chết dẫn Người xuống mồ, nhưng không tiêu tan. Người đã chiến thắng sự chết. Điều mà Giairô mong đợi nơi Chúa Giêsu là “đến đặt tay lên em bé để nó được khỏi và được sống” (Mc 5, 23). Thái độ của Giairô thật là ấn tượng. Đường đường là trưởng hội đường Do Thái, vậy mà ông “sụp lạy và van xin” Chúa Giêsu (x. Mc 5, 22), ông quên đi nhân cách, địa vị của mình trước đám đông nhiều người biết đến, ông tiên phong tin cậy vào Chúa. Tất nhiên, vì cô gái diệu, ông làm tất cả.
Chúng ta cũng thế, khi những đại hoạ nhân tai, thiên tai xảy đến khiến hy vọng tiêu tan nơi nhiều người, thì lòng tin và lời kêu cầu vang lên tới Chúa thật cần thiết. Lời van xin của người cha: “Xin Ngài đến… để nó được khỏi và được sống!“ không nhận được một lời đáp trả nào của Chúa Giêsu, lời trấn an Giairô cũng không. Đôi lúc Chúa vẫn im lặng đối với lời van xin của chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện. Nhưng Chúa vẫn luôn đồng hành và ở với chúng ta, ngay cả khi chưa nhận lời chúng ta. Vậy, chúng ta hãy giục lòng tin và cầu xin Chúa cứu giúp.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng, Chúa không tạo ra cái chết, Chúa cũng chẳng vui gì khi chúng con bị diệt vong, xin cứu giúp chúng con, lạy Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 5
CÁNH CỬA CUỐI ĐƯỜNG

“Hãy về bình an!”.
Calvin Coolidge, nổi tiếng là một người khó tiếp cận và kiệm lời. Lần kia, tại một bữa tiệc, một phụ nữ đến gần ông và nói, “Thưa tổng thống, tôi đánh cược với một người bạn rằng, tôi có thể khiến ngài nói ít nhất ba từ”. Calvin Coolidge nhìn cô ấy và nói, “Bạn thua!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy Chúa Giêsu không khó tiếp cận, cũng không kiệm ngôn như vị tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ. Trái lại, ai cũng có thể đến với Ngài, ai cũng có thể nói với Ngài. Kìa, hai con người ‘cùng đường’ đã đến với Ngài; một công khai, một chùng lén. Nhưng cả hai đã ‘chạm đến ân sủng’, mở cho mình một ‘cánh cửa cuối đường!’.
Giaia, một người thế giá, có một vị trí danh dự trong cộng đồng; ấy thế, ông đã tìm đến Chúa Giêsu, “sụp xuống” và van xin Ngài, “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống!”. Với văn hoá thời bấy giờ, những người vị vọng sẽ không bao giờ ‘ném mình’ dưới chân một người khác, đây là một hành động đáng sỉ nhục. Thế nhưng, mạng sống của con gái ông có ý nghĩa hơn so với danh tiếng của ông; ông đã làm tất cả những gì có thể để bù đắp cho sự bất lực của đứa con đang đợi chết. Lập tức, Chúa Giêsu cùng đi với ông. Và em bé đã chết thật, và Ngài không chỉ chữa lành nhưng đã cứu sống em, dù là cứu từ xa. Với Phaolô, đó là bổn phận cấp thiết đối với những người dễ bị tổn thương - bài đọc hai. Có điều gì cấp bách hơn việc cứu sống! Sách Khôn Ngoan hôm nay nói, “Chúa chẳng vui khi sinh mạng tiêu vong”.
Khi đang trên đường thì giữa đám đông, Chúa Giêsu bị cản lối, “Ai đã sờ vào tôi?”. Kìa! Thêm một người ‘cùng đường’ với căn bệnh ‘khá xấu hổ’, và điều này buộc cô phải chùng lén tiếp cận Ngài thật không giống ai. Cô không đủ can đảm gặp Ngài; những chỉ ước được chạm vào gấu áo Ngài với hy vọng không ai, kể cả Ngài biết. Việc chạm vào áo Chúa Giêsu là ‘bao nhiêu đó’ mà sức cô có thể làm được, “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa”. Vậy mà, sự chạm sờ chóng vánh đó ‘quá đủ’ để mở cho cô ‘cánh cửa cuối đường!’. Lập tức, huyết cầm lại; và Chúa Giêsu thì thầm với cô, “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh!”.
Anh Chị em,
“Hãy về bình an!”. Như hai nhân vật của Tin Mừng, chí ít một lần trong đời, ai trong chúng ta cũng đã trải qua một cảnh huống tương tự; hoặc cũng có thể ngay lúc này, bạn và tôi đang ở vào một ‘đường cùng, ngõ cụt’ nào đó. Một cơn bạo bệnh, một tang tóc, một tai nạn, một món nợ vượt sức, một đổ vỡ xem ra không thể hàn gắn, một tội lỗi cứ sa đi ngã lại… Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy đến ‘ném mình’ dưới chân Chúa Giêsu như viên trưởng hội đường, hoặc cố chạm cho được ‘gấu áo’ Ngài như người phụ nữ, ‘một sự chạm đến có tên là ân sủng’. Bấy giờ, ‘cánh cửa cuối đường’ cũng sẽ mở ra cho chúng ta. Trong nhà chầu Thánh Thể, Chúa Giêsu đang ở đó, đang đợi mỗi người chạm đến Ngài và để cho Ngài chạm đến chữa lành và cứu sống. Và này, tất cả chúng ta rồi sẽ ca lên tâm tình tạ ơn “Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con!” - Thánh Vịnh đáp ca.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết ‘ném mình’ dưới chân Chúa, ‘bấu’ Chúa mỗi ngày - cả ngày bình an cũng như chiều giông bão - nhất là những khi gặp phải ‘ngõ cụt, đường cùng!’”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
================
Suy niệm 6
ĐỨC TIN - SỰ SỐNG
Kn 1,13-15; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43
Tin Mừng hôm nay kể hai sự kiện cùng lúc, hai phép lạ hấp dẫn diệu kỳ, hai nhân vật đại diện cho hạng người ít được tôn trọng thời đó: em bé mười hai tuổi đã chết, người đàn bà mắc bệnh đã mười hai năm (sống mà như đã chết) đều được Đức Giêsu cứu sống nhờ lòng tin khiêm nhường, mạnh mẽ và chân thành của họ.
Đức tin là nhịp cầu dẫn tới sự sống. Đức Giêsu đã từng nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11, 25-26).
Một vị thủ lãnh, trưởng hội đường với hết lòng tin tưởng, gấp gáp chạy đến với Đức Giêsu khi con gái ông đã gần chết. Chắc ông đã tìm thầy, chạy hết thuốc chữa mà không qua khỏi. Ông vẫn hy vọng để cầu cứu với Ngài. Xem ra việc này là ngớ ngẩn vì hết đường, hết hy vọng rồi còn đâu? Rồi sau khi trở về nhà ông, đến cả đám đông còn chế nhạo Người nữa. Ông sụp lạy và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” (Mc 5,23). Ông tin nếu Ngài đến đặt tay (đụng chạm) con ông sẽ sống. Một niềm tin tuyệt đối mạnh mẽ, Ngài liền đi ra với ông ấy. Đến tận nhà ông đang trong cảnh khóc lóc tang tóc, Ngài cầm lấy tay bé và nói: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” (Mc 5,41). Lập tức cô bé dậy và đi lại được. Từ lòng tin mạnh mẽ của người cha, Đức Giêsu đã lấy quyền năng của Ngài mà trả lại sự sống cho cô bé.  
Còn người phụ nữ kia mắc phải căn bệnh nan y khó nói, xấu hổ khổ nhục vì bị coi là ô uế, bị “loại trừ” kẻo lây nhơ cộng đồng. Cuộc sống như vậy tuy sống mà kể như đã chết. Mười hai năm trường chịu bệnh chắc bà cũng đã chạy chữa nhiều thầy, tìm đủ loại thuốc mà vẫn tuyệt vọng. Hôm nay với cũng một lòng tin mạnh mẽ nhưng kín đáo, bà liều lĩnh, lén lút giữa đám đông để “sờ trộm” áo Ngài. Không chịu thua trước lòng tin mãnh liệt đến độ ngớ ngẩn của bà, Ngài cũng “bí mật” làm cho bà hết bệnh ngay lập tức. Cả đám đông nườm nượp theo Ngài thì có biết bao kẻ đã “vô tình” đụng chạm vào Ngài, nhưng chỉ có cái đụng chạm “hữu ý” phát xuất từ lòng tin của bà mới làm nên lịch sử. Chính Ngài đã xác nhận: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.” (Mc 5,34a). Niềm tin cần biết bao cho ơn cứu độ. Thánh Augstinô đã nói: “Dựng nên con, Chúa không cần con. Nhưng muốn cứu chuộc con, cần có con cộng tác”. Ngài còn đưa bà vào mối tương quan mật thiết mới: “này con”, Ngài cho bà thấy ngay cả khi bà không còn ai, bà vẫn có một người Cha nhân lành hay thương vô cùng, chẳng màng chi  đến cảnh “sạch dơ” của bà. Bà đã thực sự được “sống” trong vòng tay yêu thương của Cha.
Chúa ơi! ngày nay trong dòng người nghiêm trang lên rước lễ, tất cả đều đụng chạm vào Chúa đấy. Nếu không có lòng tin, họ nhẹ nhàng nhận lấy và ăn như ăn một tấm bánh, chẳng có chi. Nhưng có người thì không hiểu sao, cũng một tấm bánh ấy, ăn vào bỗng hai hàng nước mắt cứ lã chã, lộp tộp rơi xuống? Phải chăng với lòng tin, họ đang “đụng chạm” vào một Thiên Chúa? Chẳng biết họ thấy gì, nhưng rõ ràng có một Sức Sống Mới đang luân chuyển trong họ, làm con tim họ thổn thức, sợ hãi vì bất xứng, hoặc đang uống no say tình Ngài, hạnh phúc như thiên đàng. Lạy Chúa! xin thêm lòng tin cho chúng con. Amen.
Én Nhỏ
================
LỄ THÁNH PHÊRÔ & PHAOLÔ
Suy niệm 1
TRUNG THÀNH TUÂN GIỮ
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Phêrô và Phaolô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho chúng ta được vui mừng hoan hỷ, nhân ngày đại lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các ngài, mà Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, thì xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy. Thánh Phêrô và thánh Phaolô không giống nhau về tính khí, cũng không giống nhau về phạm vi hoạt động. Hoàn cảnh các vị gặp Chúa đã tạo nên nét đặc biệt cho sứ vụ tông đồ của mỗi vị. Rồi tài ba của thánh Phaolô quả là có một không hai trong Kitô giáo. Tuy nhiên, hai vị liên kết với nhau nhờ lòng tin sâu xa và lòng yêu mến nhiệt thành đối với Đức Kitô. Các vị đã đổ máu mình để làm chứng cho Chúa Kitô, tại Rôma: có lẽ thánh Phêrô năm 64 và thánh Phaolô năm 67.
Luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy, bởi vì, các ngài được Chúa tuyển chọn cách đặc biệt, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy, bởi vì, các ngài đã dùng chính cái chết của mình để làm chứng cho những gì các ngài giảng dạy, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Một khi các ngài đã đi theo đường công chính, vì tuyên xưng và chết cho chân lý, thì giờ đây, các vị tử đạo này được thấy: thể hiện điều các ngài đã rao giảng. Một ngày kính chung cuộc tử đạo của hai vị Tông Đồ: Thánh Phêrô đi trước, rồi thánh Phaolô theo sau, hôm nay là một ngày thánh, vì đã được ghi bằng máu của các Tông Đồ.
Luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy, cho dẫu, bị bắt bớ, bị bách hại, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy: Các Tông Đồ bị tống ngục, nhưng, Chúa đã giải thoát họ, như lời thánh Phêrô nói: Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Dothái mong muốn tôi phải chịu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 33, vịnh gia cũng cho thấy: Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng. Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi. Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn. Luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy, ắt sẽ được Chúa ban thưởng xứng đáng, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói với thánh Phêrô: Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên thánh Phêrô xứng đáng được nghe Chúa nói: Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khóa này. Do đó, địa vị nổi bật của thánh Phêrô được đề cao, vì chính ngài tiêu biểu cho đặc tính phổ quát, và duy nhất của Hội Thánh. Ước gì khi mừng lễ hai thánh Tông Đồ, chúng ta biết quý chuộng đức tin, đời sống, công lao khó nhọc và những khổ hình của các ngài, biết quý chuộng những lời các ngài tuyên xưng, và những điều các ngài rao giảng, hầu chúng ta có thể trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
================
Suy niệm 2
THỰC THI SỨ MẠNG
Cv 12, 1-11; 2Tm 4, 6-8; Mt 16, 13-19
Thầy Giêsu hỏi các môn đệ xem dân chúng nghĩ Thầy là ai? Người thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ. Rồi quay sang các ông Thầy lại kiểm tra bài: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Điều đặc biệt ở đây là Thầy muốn chính các ông nói lên ý nghĩ của họ. Ông Phêrô có ngay đáp án đúng nhất: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Ông đại diện cho các môn đệ tuyên xưng Thầy là Đấng Thiên Sai. Dù tuyên xưng nhưng ông chưa thể hiểu thấu. Thầy nghiêm giọng cấm các ông không được nói với ai về căn tính của Thầy. Đấng Thiên Sai đến không phải như cái nhìn của người Do thái cũng như các môn đệ, để thống trị bằng sức mạnh, nhưng bằng con đường yêu thương và vác thập giá như Người báo trước: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Phêrô không phải chỉ tuyên xưng với Thầy như vậy là xong, nhưng còn phải đi vào cuộc Thương Khó với Thầy mà theo Thầy. Nhưng sẽ có ngày vinh quang như Thầy đã phục sinh khải hoàn. Các ông giữ im lặng cho đến ngày lễ Ngũ tuần, Phêrô mới công bố: “nên Người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát...” Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2, 31.36). 
Để sống được như lời tuyên xưng ấy, trở nên giống Thầy mình, ông Phêrô phải trả giá rất cao. Nhưng nhờ sức mạnh Tình Yêu lãnh nhận từ Thầy biến đổi trở nên con người mới sẵn sàng đối diện mọi khó khăn đau khổ trên đường loan báo.
Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời...”
Nguồn ân sủng lớn lao kỳ diệu của Thiên Chúa có thể biến những con người yếu đuối, bất toàn thành đá tảng vững chắc để xây dựng một Hội Thánh luôn vững bền. Thánh Phêrô và Phaolô là hai vị đã minh chứng sống động cho điều kỳ diệu ấy. Hai quá khứ với những vấp phạm, lầm lỗi nhưng lại làm nên những vị tông đồ phục vụ Tin Mừng, đến hy sinh mạng sống và trở thành hai cột trụ của Hội Thánh. “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy... Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời” (2Tm 4, 7-8.17-18).
Lạy Chúa! chúng con biết Chúa là Cha hằng yêu thương chúng con trong từng phút giây. Mỗi chúng con dù là ai, xinh đẹp tốt lành hay bệnh tật xấu xí, đều có chỗ trong Trái Tim Chúa Yêu muôn đời. Dù chúng con có tội lỗi xấu xa thì Chúa vẫn yêu thương, lo lắng chăm sóc giữ gìn chúng con và muốn chúng con hạnh phúc. “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”. Như thánh Phêrô và thánh Phaolô, mỗi ngày trong âm thầm lặng lẽ, chúng con được “dìm” vào cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Chúa, cho đến khi được biến đổi cuộc đời trở nên nhân chứng sống động, họa lại bức chân dung của Đức Kitô. Chúng con sẽ trở nên những viên đá sống động trong tòa nhà Hội Thánh.
Én Nhỏ
Thông tin khác:
Ở cùng (26/05/2024)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log