Thứ năm, 26/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 5 Phục Sinh năm B

Cập nhật lúc 07:05 25/04/2024

Suy niệm 1

GẮN KẾT MẬT THIẾT KHÔNG RỜI
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Một trong những hình ảnh sống động mà Đức Giê-su dùng để mô tả về mối tương quan mật thiết giữa Người và chúng ta, đó là cây nho và nhành nho. Bởi lẽ, hình ảnh này gần gũi và quen thuộc đối với chúng ta.
Như vậy, dựa trên lời của Đức Giê-su hôm nay: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho…các con là nhành” (x. Ga 15, 1. 5), chúng ta học biết và sống mỗi ngày thế nào?
Trước hết, “nhành nho tự nó không thể sinh trái, nếu không dính liền với cây nho” (x. Ga 15, 4). Cũng vậy, nếu chúng ta không kết hợp với Thầy Giê-su, và không ở trong Người, thì chúng ta chẳng thể làm được gì, vì “không có Thầy, các con không thể làm gì được” (x. Ga 15, 5). Tuy nhiên, Đức Giê-su chẳng đợi chúng ta đến kết hiệp với Người; nhưng đúng hơn, Người đi bước trước, tiến tới chúng ta và trở nên một với chúng ta. Mỗi lúc chúng ta gắn kết với Chúa Ki-tô qua đời sống cầu nguyện thân tình, qua việc tham dự Thánh lễ tích cực, qua việc lãnh nhận các Bí tích, qua việc nghe-sống Lời Chúa, qua việc bác ái-tha thứ anh chị em, là khi chúng ta được đỡ nâng, được dưỡng nuôi nhờ nguồn dinh dưỡng vô bờ bến của Chúa, tựa như nhành nho hút lấy khoáng chất, nước từ thân cây nho, và cứ thế xanh tươi, trổ bông, rồi kết trái. Sự kết nối thân thiết này là một quá trình liên tục, thường xuyên, không ngắt quãng. Sự kết nối này phải luôn được bồi đắp mọi lúc, mọi nơi, trong mọi trạng huống của cuộc sống, khi vui cũng như buồn, khi thành công cũng như thất bại, khi hạnh phúc cũng như sầu khổ, khi vinh hoa cũng như nghèo khổ, khi được khen tặng cũng như bị chê bai, khi khoẻ mạnh cũng như khi bệnh hoạn, v.v…Như vậy, chúng ta đang sống như lời răn dạy của Thánh Gio-an Tông đồ được trích trong bài đọc II: “Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi (hoặc: đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi), nhưng bằng việc làm và chân thật” (1Ga 3, 18). Quả thật, chúng ta tin chắc Thiên Chúa ở trong chúng ta, nhờ Thần Khí Người ban tặng cho chúng ta, Thần Khí sự thật.
Tuy nhiên, “nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi” (Ga 15, 2). Có phải Chúa quá khắt khe với chúng ta? Xin thưa liền: Nếu Người khắt khe, thì chúng ta đã bị tiêu diệt như thời Cựu ước từ lâu rồi! Thế nhưng, Người luôn chờ đợi chúng ta, luôn ban cho chúng ta cơ hội ‘trở về’, và luôn tuôn đổ ơn cần thiết giúp chúng ta dám thay đổi bản thân, hoán cải trở về. Cảm nghiệm cải hối hoàn toàn này được minh chứng một cách hùng hồn nơi Thánh Phao-lô Tông đồ. Từ một người năng nổ bắt bớ, cấp cách đạo Chúa, trở thành một người đầy nhiệt huyết làm chứng cho Chúa, và mở rộng Giáo hội, đặc biệt cho những ai không phải Do Thái: “Từ đó, ngài ra vào Giê-ru-sa-lem vi các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại…Hội Thánh được bình an trong miền Giu-đê-a, Ga-li-lê-a và Sa-ma-ri-a, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an i của Thánh Thần” (Cv 9, 28.29.31). Nếu chúng ta thật sự ‘ở trong Thầy Giê-su’, chắc hẳn chúng ta để Người biến đổi con người chúng ta, và chúng ta mạnh dạn thay đổi bản thân, gan dạ để Người cắt tỉa. Biết rằng, khi bị cắt tỉa, chúng ta phải hy sinh, có khi đau đớn, mất mát, nhưng nếu so với hoa trái sau khi được tỉa sạch, thì tất cả những gì chúng ta bỏ ra hoặc bỏ đi chỉ là phần ít ỏi mà thôi. Ơn Chúa biến đổi chúng ta lớn lao hơn nhiều.
Sau cùng, “Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì c con muốn gì cứ xin, và sẽ được” (Ga 15, 7). Niềm tin tưởng giữa con người với nhau luôn khởi đầu từ mối tương quan chân thật và chân thành. Khi mối quan hệ bền chặt, đủ lớn thì lòng tin sẽ được sinh ra, rồi dần dần mạnh mẽ. Hơn thế, lúc chúng ta sống kết hiệp với Chúa Giê-su, giữ Lời Người, dĩ nhiên, Người sẽ ở trong chúng ta, và chúng ta thuộc về sự thật, vì Người là ‘chân lý’. Nói cách khác, chúng ta trở nên tín thác, cậy trông hoàn toàn nơi Chúa, phó dâng mọi điều cho Người, ngõ hầu để Người thực hiện kế hoạch yêu thương nơi chúng ta. Khi ấy, chẳng phải chúng ta xin những gì theo ý riêng nữa, mà luôn theo Thánh ý Chúa. Chẳng phải chúng ta nài van ơn này ơn kia để thoả mãn nỗi khát vọng của bản thân nữa, mà luôn biết đặt niềm tin trọn vẹn nơi Chúa, vì Người thấu tỏ mọi điều, và biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết ta.
Như nhành nho kết hợp với thân nho
Xin Ngài luôn nên một với con thơ
Để con thơ sống mãi trong tình Chúa
Và cuộc đời trổ sinh hoa trái lành. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 2
NHƯ CÀNH LIỀN CÂY
Ga 15, 1-8 
Với Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mối tương quan thân thương với Ngài như là mục tử với đoàn chiên. Chúa Nhật 5 Phục Sinh này, Chúa mời gọi chúng ta đi vào một mối tương quan sâu đậm hơn nữa với Ngài qua hình ảnh cây nho và cành nho.
Cây nho là biểu tượng bình an và thịnh vượng của dân Do Thái. Có lẽ vì thế mà hình ảnh cây nho đã được khắc trên đồng tiền Do Thái dưới thời Maccabê, thế kỷ II trước Công nguyên. Theo sử gia Josephus, vua Hêrôđê còn trang trọng gắn trên cửa Đền thờ một cây nho bằng vàng.
Trong Kinh Thánh, cây nho cũng từng được nhắc đến với tần xuất khá cao, để khắc họa dân tộc Israel, mà Thiên Chúa đã từng yêu thương giải thoát khỏi kiếp đọa đầy nô lệ ở Ai Cập: “Gốc nho này Chúa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng. Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu mà lan rộng khắp nơi.” (Tv 80, 9-10).
Isaia sáng tác một bài dân ca mừng vườn nho xinh tươi của người bạn (5, 1-2) để ám chỉ tình thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Còn Giêrêmia nói đến việc Thiên Chúa chăn sóc Israel như một khu vườn nho gia bảo; ai ngờ đâu Israel lại đền đáp lại bằng thái độ bất trung, bất nghĩa, khiến Thiên Chúa phải buồn trách: “Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hóa thành những cây nho tạp chủng?” (Gr 2,21). Dù sự việc tệ hại đã xảy ra, nhưng tác giả Thánh Vịnh vẫn xướng lên một bài ca với niềm hy vọng: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vươn trồng” (Tv. 80, 15-16).
Hôm nay, Đức Giêsu đã đến, Ngài xóa đi hình ảnh cây nho đã bị thoái hóa, lai tạo, và long trọng tuyên bố: “Tha là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho…, anh em là cành”. Như cành nho được thông phần sự sống khi gắn liền với thân nho, người tín hữu cũng nhờ gắn bó với Đức Kitô mà được thông dự vào sự sống của chính Thiên Chúa. Vì thế, “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Lời mời gọi lặp lại nhiều lần gần như nài van, nhưng làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện sự kết hợp thâm sâu này với Chúa?
Đức Giêsu cho chúng ta biết cách kết hợp với Ngài là để cho “Lời Thầy ở lại trong anh em”. Thực tế là chúng ta đang được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng việc tuân giữ giới răn và huấn lệnh của Ngài. Nhưng bản thân ta không phải lúc nào cũng có thể tiếp nhận dồi dào sự sống của Đức Kitô. Vì phận người hèn yếu, mà ma quỉ lại không ngừng gieo rắc những xấu xa trong tâm tưởng, là những con sâu đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn. Những con sâu của sự ích kỷ, kiêu căng, lười biếng, ghen ghét, hận thù… Cần nhận ra tình trạng của mình và tìm cách tẩy sạch những mầm bệnh đang khống chế bản thân.
Có thể cành lá không bị sâu xia mà lại mọc ra rất um tùm. Xem ra cây rất xanh tươi, nhưng Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái”. Vì thế, cây nào không sinh hoa trái thì Người chặt đi.  Nhưng muốn cây có hoa trái, thì phải để cho Người cắt tỉa lá cành. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào việc sinh hoa kết trái. Cành đã sinh trái, nhưng cũng cần phải cắt tỉa để sinh trái nhiều hơn. Cắt tỉa như vậy làm ta nhức nhối và đau đớn. Nhưng chỉ có như vậy, ta mới loại bỏ được những tệ hại đang xâm chiếm các năng lực, để đón nhận nhựa sống tràn đầy của Đức Giêsu.
Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau và cái chết để đem lại hoa quả là ơn cứu độ cho con người. Chúng ta cần để Chúa Cha cắt tỉa những kiểu sống hình thức bên ngoài, những um tùm của lòng tự ái, của bệnh sĩ diện, bệnh thành tích, tính phô trương và háo danh... Chúa để ta gặp những thống khổ như một cách thanh luyện. Nhận ra như thế để ta không lo sợ và buồn sầu, trái lại, càng bám sát lấy Chúa bằng chìm sâu trong cầu nguyện, và tận dụng mọi cơ hội để cải hóa bản thân.
Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Thất bại của Thiên Chúa là sự cằn cỗi của chúng ta. Không hề có sự xung đột giữa vinh quang Thiên Chúa và sự sống phong phú của con người. Bất cứ kết quả phong phú nào trong đời sống hay việc truyền giáo đều hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ chúng ta được liên kết với Đức Giêsu.
Chỉ trong Chúa, đời ta mới triển nở dồi dào. Một sự độc lập khờ khạo sẽ dẫn đến héo khô và tàn úa. Bất cứ sự toan tính nào nhằm đạt tới kết quả mà không cần tới sự hiệp thông với Chúa đều là một thất bại, “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. 
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Có những cành nho ra đầy hoa trái,
nhờ sức sống của thân cây mang lại,
muốn thế cành phải gắn chặt với cây,
để đón nhận dòng nhựa sống tràn đầy.

Cuộc đời con cũng phải y như vậy,
luôn ở lại trong Chúa mỗi phút giây,
tiếp nhận sự sống Chúa hằng tuôn chảy,
hầu sinh hoa và kết trái mỗi ngày.

Nhưng ở lại trong Chúa không phải dễ,
vì đời con luôn có những đam mê,
Bản thân con hay lỗi ước quên thề,
và những lời Chúa dạy dễ bỏ bê.

Nhưng con biết khi mình xa rời Chúa,
là đời con sẽ héo úa khô cằn,
chẳng còn mong tươi tốt và triển nở,
và mọi cái sẽ dang dở không thành.

Xin cho con luôn bám chặt vào Chúa,
dù nhiều khi bị cắt tỉa đau thương,
bởi đời con có những thứ tầm thường,
vẫn đeo bám làm tiêu hao năng lượng,
những vấn vương như cành lá rườm rà,
khiến đời con không sinh hoa kết quả.

Chúa vẫn mong có từng mùa thu lợi,
nhiều hoa trái con cống hiến cho đời,
xin cho con hằng ở lại trong Chúa,
hầu đón nhận dòng nhựa nguyên tươi mới,
là sự sống Phục Sinh vẫn rạng ngời,
để lan tỏa an bình đến mọi nơi. Amen.

Lm. Thái Nguyên

================

Suy niệm 3
Cành với cây
( Ga 15, 1 - 8 )
Cây với cành nho được Chúa Giêsu dùng để ám chỉ chẳng những kết hợp chặt chẽ giữa Thiên Chúa với Dân Người, mà còn thông truyền sự sống, cành sống nhờ cây, cây truyền nhựa cho cành, cả cây lẫn cành ngoài tùy thuộc vào đất, nước, khí trời, còn phụ thuộc vào người trồng nho nữa.
Khi Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái…” (x. Ga 15,4-8). Chúa nhấn mạnh đến sự « ở trong ». « Ở trong » là động từ chìa khóa của Tin Mừng Gioan, nghĩa là thiết định một chỗ ở. Ở nói lên sự ổn định ‘an cư lạc nghiệp’. Đây là kế hoạch đầy tình thương của Thiên Chúa: chúng ta là những thụ tạo bất xứng, tội lỗi, thế mà Chúa mời gọi chúng ta ở với Chúa.
Không ở trong Chúa Giêsu không thể không sinh trái được. Ai ở trong Chúa sẽ sinh nhiều hoa trái, là những trái tình yêu, tình yêu nảy sinh niềm vui. Chúng ta có thể nói mà không sợ lầm rằng niềm vui là hoa quả đích thực, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ cây nho chế ra rượu nho, rược làm hoan hỉ lòng người, dấu chỉ của niềm vui.
Cây nho thật sinh nhiều trái tốt. Và đương nhiên, cây nho “xấu” không có trái, có đi chăng nữa thì cũng chỉ là trái chat, trái chua.
Vậy nếu chúng ta ở kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có sự sống nơi Người, và chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái. Khi ở và kết hiệp với Người chúng ta tiếp tục công việc của người là trao ban sự sống và tình yêu cho tha nhân; khi tách lìa Người chúng ta phá hủy công việc của người và sinh ra hoa trái sự chết.
Vậy thì, ở trong Người như thế nào, gắn bó và kết hiệp với Người ra làm sao? Trước hết hãy cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta có thể “ở trong Người”, thiết lập tương quan Tình Yêu đối với Người. Nếu chúng ta không nài xin Tình Yêu, chúng ta không thể lãnh nhận được ân sủng và Tình Yêu.
Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết :”Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc “ở lại” cách thâm sâu và trung tín với Chúa” (Gesù di Nazaret, Milano 2007, 305). Ðiều quan trọng là luôn gắn kết với Chúa Giêsu, phụ thuộc vào Người bởi vì “nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho” (Ga 15,4). Chúa Giêsu nói rõ ràng, “các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy” (Ga 15,5). 
Chúng ta là kitô hữu, nghĩa là người có Đức Kitô, sinh nhiều hoa trái chứng tỏ chúng ta là môn đệ, là chi thể đích thực của Chúa Kitô. Chúa đã từng lên án những cây vả cằn cỗi chỉ có lá không có quả.
Hoa quả mà Chúa Cha hy vọng nơi chúng ta, là những việc lành phúc đức, là những công việc tốt chúng ta làm. Mang lại hoa trái không có nghĩa là làm những điều phi thường, nhưng là những điều bình thường. Hoa quả ấy là những việc lành phúc đức, là những việc tốt chúng ta làm.
Mang lại hoa trái là đưa ban tay ra giúp người ốm đau bệnh tật, thăm người già sống cảnh cô đơn, giúp đỡ những người khổ đau nghèo đói, an ủi và biết cách lắng nghe cũng như khuyến khích và tha thứ cho những người xúc phạm chúng ta, tích cực tham gia vào đời sống của giáo xứ, chia sẻ với mọi người.
Để có được nhiều hoa trái, chúng ta phải là những nhành cây duy trì mối quan hệ thường xuyên với Thầy Chí Thánh Giêsu là thân cây. Nếu các môn đệ gắn kết với Thầy cách thâm sâu, họ trở thành những nhành nho sai trái, làm cho vụ mùa bội thu. Thánh Phanxicô de Sale viết: “Cành liên kết với thân và sinh trái không bởi tự chính nó nhưng là nhờ thây cây: hiện nay chúng ta được gắn kết trong tình mến với Đấng Cứu Thế như chi thể với đầu. Vì thế, những việc lành phúc đức hưởng nhờ từ Người đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu” (Trattato dell’amore di Dio, XI, 6, Roma 2011, 601).
Thiên Chúa cần chúng ta để tái tạo một thế giới tốt hơn, một thế giới của sự tôn trọng, huynh đệ và yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết luôn gắn bó và kết hiệp với Chúa cho đến trọn đời ngõ hầu sinh được nhiều hoa thơm trái tốt như lòng Chúa mong ước. Amen.                                                               
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================

Suy niệm 4
HƯỞNG GIA NGHIỆP MUÔN ĐỜI

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 5 Phục Sinh, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ Đức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng ta, và nhận chúng ta làm nghĩa tử: xin Chúa lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn chúng ta, là những kẻ tin kính Đức Kitô, và ban cho chúng ta được trở nên những con người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời.
Hưởng gia nghiệp muôn đời là được tham dự vào tiệc cưới Con Chiên, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Đức Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng đã lên ngôi hiển trị. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền.
Hưởng gia nghiệp muôn đời là vui hưởng ánh sáng của Đức Kitô, Người là “ngày” không bao giờ tàn lụi, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Mácximô đã nói: Ánh sáng của Đức Kitô là ngày không có đêm, là ngày vô tận. Thật thế, chính Chúa Con là Ngày, vì Chúa Cha là Ngày hằng thông ban bí nhiệm thần tính của Người cho Chúa Con. Tôi xin nhắc lại: chính Chúa Con là Ngày, vì Người đã phán qua vua Salômôn: Ta đã làm cho ánh sáng không tàn lụi bừng lên trên trời.
Hưởng gia nghiệp muôn đời là ơn cứu độ phổ quát dành cho tất cả mọi người, vì thế, chúng ta phải rao truyền ơn cứu độ đó cho mọi người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phaolô và thánh Banaba đã nhiệt tình rao giảng Tin Mừng khắp nơi: Hồi ấy, trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.
Hưởng gia nghiệp muôn đời thì phải sống xứng đáng, và phải có cung cách hành xử giống như Đấng đã cho chúng ta được cùng hưởng gia nghiệp với Người, đó chính là phải biết yêu thương nhau, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 21, vịnh gia cũng nguyện giữ trọn điều khấn hứa cùng Chúa: Lạy Chúa, giữa lòng đại hội, con nguyện tán dương Ngài. Điều khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước mặt những ai kính sợ Người. Kẻ nghèo hèn được ăn uống thỏa thuê, người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng. Cầu chúc họ vui sống ngàn đời.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Cành nho sẽ không thể tự mình sinh trái, nếu không gắn liền với cây nho; nếu không ở lại trong Đức Kitô, chúng ta sẽ thể tồn tại được; nếu không chấp nhận bị cắt tỉa, chúng ta không thể sinh  hoa trái được. Hoa trái của Thánh Thần xuất phát từ thân nho Giêsu, không tháp nhập, không thông dự vào những đau khổ của Đức Kitô, chúng ta không thể sinh được những hoa trái tốt lành. Nhờ Đức Kitô, Chúa Cha đã thương cứu chuộc chúng ta, và nhận chúng ta làm nghĩa tử. Ước gì chúng ta biết ở lại trong Đức Kitô, để chúng ta được trở nên những con người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

================

Suy niệm 5
Ở LẠI
“Thầy là cây nho, các con là cành!”.
“Tôi cảm thấy rất tiếc cho những người không muốn già đi. Tôi say sưa với những năm tháng cuối đời của mình. Đây là những năm tháng đẹp nhất đời tôi, một đời gắn bó với Chúa. “Con người bên ngoài” của tôi đang hư mất, nhưng “con người bên trong” của tôi đang được đổi mới và tôi hân hoan mỗi ngày. Bởi lẽ, tôi không chỉ ‘ở lại’, nhưng sẽ ‘ở đời đời’ với Ngài, ‘Cội Nguồn tồn tại’ của tôi!” - Henry Durbanville.
Kính thưa Anh Chị em,
“Cội Nguồn tồn tại của tôi!”. Với Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là cây nho đích thực và chúng ta, những cành nho, không thể sống nếu không kết hợp với Ngài. Không cây nho nào mà không có cành và ngược lại. Cành không tự cung cấp nhưng phải gắn chặt - ‘ở lại’ - với thân nho, ‘cội nguồn tồn tại’ của nó.
Chúa Giêsu dùng động từ “ở lại” đến bảy lần! Trước khi rời bỏ thế gian, Ngài đã trấn an các môn đệ rằng, họ có thể tiếp tục hiệp nhất với Ngài bằng cách “Ở lại trong Thầy!”. Việc “ở lại” này không thực hiện cách thụ động, “ngủ quên” trong Chúa, mặc cho cuộc sống ru ngủ. Không! Việc “ở lại” Chúa Giêsu đề nghị là ‘ở lại’ cách tích cực và hỗ tương. Tại sao? Vì như cành lìa cây, không thể làm được gì, chúng cần nhựa để lớn lên và sinh trái, vì đó là ‘cội nguồn tồn tại’. Nhưng thật thú vị, cây nho cũng cần cành nho vì quả không mọc trên thân! Đây là một nhu cầu hỗ tương để sinh hoa trái. Chúng ta ở trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở trong chúng ta. Chúng ta cần Ngài, Ngài cần chúng ta!
Nói rằng, Chúa Giêsu cần chúng ta như thân cần cành. Điều này xem ra có vẻ táo bạo! Vậy Ngài cần chúng ta theo nghĩa nào? Ngài cần chứng tá của chúng ta! Như những cành nho, hoa trái chúng ta sinh ra là chứng tá cho đời sống Kitô hữu. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, nhiệm vụ của các môn đệ - của bạn và tôi - là tiếp tục loan báo Tin Mừng. Và chúng ta làm điều đó bằng cách làm chứng cho tình yêu Chúa. Hoa trái phải sinh ra là tình yêu. Bên cạnh đó, gắn bó với Ngài, chúng ta nhận được các ân huệ Thánh Thần, nhờ đó, có thể làm điều tốt cho người lân cận, cho xã hội và cho Giáo Hội. Xem quả thì biết cây! Qua 2.000 năm, các Kitô hữu thực sự đã làm chứng cho Chúa Kitô.
Anh Chị em,
“Thầy là cây nho, các con là cành!”. Để có thể thực sự là một cành sống động trên thân nho Giêsu, chúng ta hãy yêu mến việc cầu nguyện. Cầu nguyện là ‘ở lại!’. Sống bác ái yêu thương là ‘ở lại!’. Hãy sống cuộc sống của mình cách sáng tạo để người khác được hưởng lợi! Vì lẽ, những người khác chỉ đến được với Chúa Giêsu khi họ có thể nhìn thấy ảnh hưởng của Ngài trên cuộc đời chúng ta - qua lời nói, hành động và hành vi - của một lối sống Kitô trong một nền văn minh tình thương. Vậy “Đã có bao nhiêu người biết và tin Chúa Giêsu nhờ tôi? Có bao nhiêu người xin được rửa tội nhờ gương sáng của tôi?”. Chỉ qua cách sống của chúng ta mà mọi người mới được truyền cảm hứng để khám phá những gì chúng ta khám phá. Điều chúng ta khám phá là niềm vui được biết tình yêu của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con lo lắng và không muốn già đi. Cho con luôn ‘ở lại’ với Chúa hôm nay, và cả khi con đã ‘ở đời đời’ với Ngài, con cũng tiếp tục đơm hoa kết trái!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

================

Suy niệm 6
CHÚA LÀ CÂY NHO - CON LÀ CÀNH NHO
Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8
“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi”. Đức Giêsu khẳng định Người là cây nho thật và Chúa Cha là người trồng nho. Người là thân cây, dù là thân cây gầy guộc sần sùi, nhưng lại chứa đầy nhựa sống tình yêu để chuyển thông cho chúng con là cành. “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.” Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với thân cây là chính Chúa. Chúng con phải liên kết, “ở lại” với Người để sức sống của Thiên Chúa được chuyển thông đến chúng con. Chúng con phải “gắn liền” với thân cây trong thinh lặng, cầu nguyện, với Lời Chúa và Thánh Thể. Xin đừng để bất cứ thứ gì ngăn cản sự chuyển thông làm chúng con bị khô héo đi. Thánh Gioan cũng khẳng định trong bài đọc II: « Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta » (1Ga 3,24).
Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” Hoa trái ở đây là lòng mến yêu Thầy, yêu anh em nhờ được chuyển thông nhựa sống tình yêu, nhờ gắn liền, kết hợp với Thầy. Nhờ ở trong Thầy, “nghe” Lời Thầy thì đời sống chúng con sẽ lộ rõ những hoa quả của Thần Khí là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22-23). Hoa trái sẽ tỏ lộ trên nét mặt vui tươi hiếu hòa, tỏ ra đôi tay sẵn sàng thực thi bác ái yêu thương, phục vụ chăm sóc mọi người, từng người cách cụ thể. Ngành nào sinh hoa trái sẽ làm đẹp lòng Chúa, đây cũng là điều kiện cho ngành được tồn tại.
Cành nào sinh trái thì phải chịu cắt tỉa, để càng sinh nhiều hoa trái hơn. Nhưng khi chúng con “được” cắt tỉa thì ắt là đau đớn vì phải từ bỏ bao nhiêu cản trở, những thói hư tật xấu, mà nó trái ngược ý muốn của chúng con. Người trồng nho cũng xót xa khi phải tỉa bỏ đi những phần không sinh lợi, nhưng vì lợi ích là hoa trái nên không thể làm khác được. Nếu con thực sự ở trong tình yêu của Người, từ từ tình yêu Người cho con nhựa sống để con được sống và sống dồi dào, thì những uế tạp sẽ bị loại trừ vì nó không còn thích hợp với “sức sống mới” của Người đang luân chuyển trong con. Khi những bụi bặm uế tạp bị loại trừ, thì hoa trái tốt lành càng có cơ hội nảy nở, phát triển phong phú dồi dào trong con. Có sức sống của Chúa cùng làm trong chúng con, việc loan báo sẽ trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả vượt quá ước mong.
Lạy Chúa Giêsu là cây nho đích thực, xin cho chúng con luôn hiệp thông gắn chặt với Chúa, để được hưởng nguồn sức sống dồi dào từ Chúa. Chúng con biết rằng, một khi gắn chặt với Chúa, chúng con phải đón nhận sự cắt tỉa, hy sinh. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng cần phải có hy sinh để mang lại hoa trái dồi dào.
Chúa là cây nho, con là cành nho, cũng như muôn cành kết hiệp, kết hiệp cùng cây. Chúa muốn con hằng trổ sinh hoa trái thơm lành... Chúa muốn con hằng ở lại trong tình yêu Chúa. Chúa muốn con là từ đây như người bạn thân.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cần Kiệm: Đêm hoan ca và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Cần Kiệm: Đêm hoan ca và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Hòa chung niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh cùng toàn thể nhân loại, tối ngày 24/12/2024, tại quảng trường nhà thờ Thiên Lộc, giáo xứ Cần Kiệm đã tổ chức đêm hoan ca, diễn nguyện và Thánh lễ trọng thể kỷ niệm Con Thiên Chúa Giáng trần, với chủ đề: “NĂM SỰ VUI - CUỘC LỮ HÀNH HY VỌNG”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log