Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 4 Mùa chay năm B

Cập nhật lúc 08:32 07/03/2024
Suy niệm 1
Thiên Chúa toàn năng sau khi sáng tạo một vũ trụ vô biên, đầy huyền bí, thì sáng tạo loài người và trao cho con người quyền làm chủ vũ trụ. Chúa thì lớn lao là vậy. Con người thì bé nhỏ là vậy. Thế mà tình Chúa yêu loài người lại gần gũi thân thương như cha mẹ yêu con. Sáng thế ký kể rằng: Cứ mỗi buổi chiều, khi gió hiu hiu thổi, thì Chúa hiện hình. Ađam và Eva chạy ra đón. Chúa toàn năng và con người bé nhỏ: tay trong tay; đi dạo trong vườn Địa Đàng. Một tình yêu gần gũi và thân thương quá chừng.
Thế mà Ađam và Eva lại nghe lời xúi dại của ma quỷ, hái trái cấm để ăn. Ăn để làm Ông trời Bà Trời. Phản bội một cách trơ trẽn.
Tưởng là Chúa tiêu diệt loài người, ai ngờ Ngài vẫn cứ yêu thương. Ngài cho Ngôi Lời nhập thể làm người, mang thân phận con người, sống với và sống như loài người, chỉ trừ tội lỗi mà thôi. Cuối cùng Ngôi Lời ấy đã chết đau, nhục và oan khiên trên cây khổ giá, để ai tin vào Ngài thì được cứu độ, được sống đời hạnh phúc vĩnh cửu.
Thay vì tin vào Đấng Cứu Thế, để được cứu độ, thì dân Do Thái lại  phản bội: họ không tin Ngài. Họ muốn tin vào một Đấng Cứu Thế chiêu mộ quân đội, mua sắm vũ khí để nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Đế quốc ấy phía bắc là Xyria, phía nam là Êthiopia, phía đông là sông Ơphát (ngày nay là Irăng và Irắc) phía tây là Địa trung Hải.
Đức Giê su đã không làm Vua, mà chỉ rao giảng chân lý.
Dân Do Thái còn từ chối, không tin vào Đức Giê su, vì tin vào Ngài, thì phải đổi mới cuộc đời 180 độ. Tin vào Đức Giê su thì phải quên Danh và Lợi, để hướng về người nghèo. Tin vào Đức Giê su thì phải yêu thương mọi dân tộc trên thế giới như anh em con cùng một cha. Đó là điều người Do Thái không thể làm. Họ coi mọi dân tộc trên thế giới là kẻ thù. Họ khinh dể người ngoại quốc tới mức độ cấm đồng bào không được đặt chân vào nhà người ngoại. Ai bất tuân thì mắc uế, tức là mắc tội.
Sai lầm của người Do Thái vẫn còn đó. Chúng ta hôm nay phải quyết tâm tin theo Đức Giê su. Tin theo Đức Giê su thì phải yêu Chúa Cha bằng một tình yêu thân thương gần gũi. Yêu tha thiết, không biết sợ Chúa và coi việc sợ Chúa là làm nhục cho Chúa. Tin theo Đức Giê su thì phải yêu mọi người như anh em con cùng Cha. Tin theo Đức Giê su thì phải dành tình yêu đặc biệt cho người nghèo, người tội lỗi, người ngoại quốc, người ngoại đạo và yêu kẻ thù. Nếu chưa yêu được như thế, thì vẫn giống người Do Thái, vẫn không yêu ánh sáng, mà chỉ yêu bóng tối.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 2
CHUỘNG BÓNG TỐI HƠN ÁNH SÁNG

Ga 3, 14-21
Ánh sáng và bóng tối của trời đất là điều mà ta chứng kiến mỗi ngày, và phân biệt dễ dàng. Thế nhưng ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn ta thì quả là phức tạp. Ta thường mệt mỏi khi phải đối diện với những xung đột bên trong, với những giằng co của ánh sáng và bóng tối. Trong tâm hồn ta có những lúc đầy ánh sáng, là niềm vui, hạnh phúc, những ước mơ đơn sơ ngay lành, nhưng vẫn có những lúc và những vùng đầy bóng tối: bóng tối của buồn sầu chán nản, của ích kỷ tự mãn, của những mưu mô, ghen ghét, hận thù, của cả những thói quen xấu, khiến ta cứ kéo lê cuộc đời mình vì không đủ can đảm để dứt bỏ.
Bóng tối đây không chỉ là một tình trạng cứng đọng của đời sống con người mà còn là một thế lực của sự dữ luôn bao quanh đời sống con người. Thế nên thánh Phêrô căn dặn chúng ta: Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Ánh sáng đây cũng không chỉ là một tình trạng đầy sinh khí và hoan lạc cho đời sống con người, mà còn chính là biến cố Đức Giêsu xuất hiện giữa trần gian. Ngài là “Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1, 78-79).
Thật vậy, cuộc giáng sinh của Ngài được trình bày như cuộc chiến thắng của ánh sáng (Lc 2, 9), định mệnh của Ngài là “ánh sáng chiếu soi muôn dân” (Lc 2, 32). Khi định nghĩa Đức Giêsu là ánh sáng “thật” (Ga 1, 9), Tin Mừng thứ tư nhấn đến tính cách duy nhất và chung cuộc của Ngài đối với thế gian. Như vậy, ánh sáng và bóng tối đều kệ cận với chúng ta, nên ta có thể để cho mình chan hòa ánh sáng, hoặc có thể vùi mình trong bóng tối. Đức Giêsu trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô đã cho chúng ta thấy rằng: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng”.
Nói đến chuộng bóng tối có vẻ khó nghe, nhưng lắm lúc lại đúng với lòng mình. Có những lúc ta thấy mình cần chút bóng tối để nương náu, nhất là những lúc thất bại ê chề, những lúc hổ ngươi bẽ mặt, những lúc sai lầm lỗi phạm… Dường như bóng tối che chở ta và cho ta cảm giác an toàn. Ta thấy dễ chịu hơn khi bước đi trong bóng tối. Có những lúc bóng tối là môi trường thuận lợi để ta tự do làm điều mình muốn, sống điều mình thích. Điều nguy cơ là ta dễ bị nghiện bóng tối. Sống càng lâu trong bóng tối, ta càng ngại bước ra ánh sáng. Ánh sáng khiến ta có cảm giác bị phơi trần, bị dò xét, bị phân xử.
Đức Giêsu giải thích việc người ta chuộng bóng tối là vì các việc họ làm đều xấu xa. Thật thế, ánh sáng bắt ta phải đối diện với sự thật, mà sự thật thường cay đắng và chua chát. Ánh sáng chất vấn ta, đòi ta đặt lại nhiều vấn đề trong đời mình. Ánh sáng làm bại lộ những điều ta muốn giữ kín, nên ta thấy mất an toàn và bị đe dọa. Nhưng có một sự thật hiển nhiên mà ta không muốn nghĩ tới: là không phải không có đe dọa trong bóng tối, nhưng là vì trong bóng tối, ta không thấy mình bị đe dọa.
Hãy nhớ rằng, dù có bước đi với cảm giác an toàn trong bóng tối, ta vẫn là một nạn nhân bị chộp giữ. Ta tưởng mình được tự do, nhưng thực ra là đang tránh né và cuộn tròn mình lại. Ta tưởng mình được bình an, nhưng thực sự đang bất an. Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối luôn là cuộc chiến không khoan nhượng, hoặc là ta thuộc về ánh sáng, hoặc là ta bị bóng tối kiềm giữ. Ánh sáng làm tươi đẹp cuộc đời nhưng ai cũng muốn núp trong bóng tối để thỏa mãn cái tôi của mình.
Cuộc sống con người không tránh được những nhập nhằng giữa ánh sáng và bóng tối. Nhưng phúc cho ai quay về với ánh sáng:Quay đầu trở lại là trăm năm cơ đồ”. Chỉ có một cách ra khỏi bóng tối là quay lại và ngước nhìn lên con rắn đồng như dân Israel xưa. Rắn đồng là hình ảnh tiền trưng cho Đức Giêsu, Đấng cứu độ. Khi Ngài được treo lên, chính là lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa đổ tràn xuống. Ta được cứu độ là nhờ tin tưởng nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên thập giá.
Là Kitô hữu, chúng ta“không còn bước đi trong bóng tối nữa” nhưng có một đích nhắm là ánh sáng của Đức Kitô (Ep 5,14; 2Cr 4,6). Ngày xưa Israel không thể thực hiện được điều đó vì chỉ cậy dựa vào Lề luật, nhưng bây giờ Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu: trong Ngài “Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1,13). Chúng ta hãy hân hoan bước theo ánh sáng Đức Kitô đang dọi chiếu trên cuộc đời mình. Ngoài ra còn phải nhớ rằng, mỗi người chúng ta cũng là ánh sáng, là con cái của ánh sáng, mỗi người chúng ta phải ở trong ánh sáng và phải chiếu tỏa ánh sáng ra bên ngoài (Mt 5, 14-16; Ga 9, 4-5).
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Đời người là một hành trình vượt qua,
qua bóng tối để vươn tới ánh sáng,
ánh sáng chân lý, ánh sáng tình yêu,
ánh sáng sự sống chiếu soi muôn đời,
là chính Chúa Đấng rạng ngời muôn kiếp.

Nhưng bóng tối vẫn bàn bạc mênh mang,
bóng tối gian dối và ích kỷ bạo tàn,
bóng tối thù hằn và kiêu căng ngạo mạn,
b
óng tối bên trong và bóng tối bên ngoài,
khiến lòng con vẫn u hoài thổn thức,
đã bao lần làm đau nhức tâm can.

Có vẻ như bóng tối che chở con,
và cho con được cảm giác an toàn,
nhưng đời con vẫn cảm thấy bất an,
có nguy cơ cạm bẫy đang rình chờ.

Khi nhìn lại đời sống con mới thấy,
những chỗ tối tăm chưa được khai sáng;
còn cảnh mù mờ chưa được khai quang;
còn bao hỗn mang chưa được khai phóng.

Để đón nhận và bước đi trong ánh sáng,
con phải dẹp tan mọi bóng tối âm u,
dù nhức nhối và tội lỗi bị phơi trần,
nhưng lại an vui trong tinh thần chân thật.

Chúa biết là tình trạng con không tốt,
nhưng rồi vẫn đặt con là ánh sáng,
soi chiếu vào nơi tăm tối trần gian,
con thấy mình thật bất xứng muôn vàn.

Xin tinh luyện tâm con nên trong sáng,
và tình Chúa nơi con mãi hòa chan,
cho bao người trong tăm tối hoang mang,
được ánh sáng bình an luôn soi chiếu. Amen.

Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 3
MÙA HỒNG ÂN – MÙA ÂN SỦNG

Như chúng ta đều biết: Mùa Chay Thánh là mùa hồng phúc, mùa ân sủng mà Thiên Chúa giàu lòng xót thương, nhẫn nại đợi chờ, chậm bất bình và hết mực khoan nhân đến chúng ta là những người đáng phải chết vì tội lỗi. Các bài đọc Phụng Vụ trong ngày hôm nay đều hướng đến lòng từ bi, ân sủng và tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với chúng ta. Vì vậy, với tinh thần ăn năn sám hối từ sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta cùng quay bước trở về với cội nguồn Tình Yêu, mặc lấy con người mới được tràn đầy lòng cảm thông, yêu thương và thứ tha.
Trong Sách Sử Biên Niên ghi lại sự bất trung của dân Chúa từ các đầu mục cho đến dân thường, họ đã sống theo thói đời ghê tởm của dân ngoại mà làm ô uế, dơ bẩn đền thờ Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Trước cảnh đời chớ chêu như vậy, Thiên Chúa không ngừng tỏ lòng từ bi của Người qua việc đêm ngày sai sứ giả, các tiên tri đến chỉ dẫn dân chúng bỏ con đường tội lỗi, quay về với Thiên Chúa cha ông của họ; nhưng họ lại nhạo báng, coi thường các sứ giả, tiên tri của Chúa. Tuy cơn thịnh nộ của Chúa giáng xuống trên dân Người, nhưng lòng lân tuất của Người vẫn trường tồn mãi mãi, và lòng ái tuất này được tỏ bày qua sự lưu đày – giải thoát dân Chúa (x. 2Sb 36, 14-16). Nhìn vào dân Is-ra-el, chúng ta soi lại, xét lại thái độ của riêng mình trước lòng thương xót vô bờ bến của Chúa, chúng ta xem lại lối sống, thói quen, cung cách sống của mình đối với những ‘sứ giả’, những người được Chúa chọn và sai đến hướng dẫn chúng ta bước trên con đường thánh thiện; ngược lại, các ‘sứ giả’ của Chúa cũng cần nhìn lại vai trò, trách nhiệm, ơn gọi, sứ mạng của mình trước Chúa và mọi người!
Cuộc đời con người chúng ta là một chuyến đi dài, một cuộc cải hối không ngừng nghỉ vì như Thánh Phao-lô khẳng khái dạy rằng: “Anh (chị) em chết bởi vì tội lỗi, nhưng được cứu rỗi nhờ bởi ân sủng” (Ep 2, 5. 8). Điều này được ghi lại trong Thánh Vịnh 130 “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130, 3-4). Một lần nữa, nhờ vào lòng từ bi, lòng yêu thương cao cả mà Thiên Chúa dành cho chúng ta qua cuộc khổ nạn – phục sinh của Con Một Người, mà chúng ta được cứu rỗi khỏi tội lỗi đáng phải diệt vong. Chúng ta thường có xu hướng cho rằng: chúng ta được nên Thánh, được cứu độ nhờ bởi các việc lành phúc đức, sự hy sinh, v.v...! Thật ra, những việc đạo đức, việc bác ái, kinh nguyện chỉ là phương thế giúp chúng ta được gần Chúa hơn, được trở nên giống Chúa hơn; mặc khác, nó giúp chúng ta ý thức được sự yếu đuối, mỏng dòn của con người chúng ta, và nó trợ giúp đức tin yếu hèn của chúng ta. Còn chúng ta được cứu rỗi ‘chính do ân sủng và nhờ đức tin..., không phải bởi sức (công việc, kể cả việc lành phúc đức) của anh (chị) em, mà là do ân huệ của Thiên Chúa’ (x. Ep 2, 8). Vì vậy, chúng ta không nên kiêu hãnh, tự cao tự đại khi làm được biết bao điều lớn lao, thậm chí việc nhiệt thành phục vụ anh chị em, rồi lòng tự kiêu ấy vô hình dung đưa đẩy chúng ta đến một thái độ xem thường, chê bai anh chị em khác như Thánh Phao-lô đã nhắc nhở ‘...cũng không phải bởi việc anh (chị) em làm, để không ai có thể hãnh diện’ (x. Ep 2, 9).
Sau cùng, Mùa Chay hướng tâm hồn chúng ta đến suối nguồn xót thương, dẫn chúng ta đến tâm điểm, cùng đích của cuộc sống này, đó là: tháp nhập vào ‘tình yêu hiến dâng mạng sống mình cho người mình yêu’ như Thánh Sử Gio-an đã chép “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16). Đây chẳng phải một câu hô ngữ, một lời sáo rỗng, khuếch trương hay cổ động, nhưng thật sự đây chính là kim chỉ nam của đời sống Ki-tô hữu, chính là tâm điểm của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. “Người không sai Con Một đến trần gian để lên án, luận phạt”(x. Ga 3, 17) như chúng ta thường suy nghĩ hoặc quy chụp cho Thiên Chúa, nhưng “Người sai Con Một đến thế gian này để nhờ ân sủng của Người qua Con Một mà thế gian được cứu độ” (x. Ga 3, 17). Thông thường, chúng ta hay có xu hướng đổ lỗi cho xã hội, thời đại, ngoại cảnh hay người khác, nhưng xét cho cùng, hầu hết, do lối suy nghĩ, thái độ tiêu cực, tư tưởng chủ quan của chúng ta làm cho chúng ta sầu khổ! Những yếu tố bên ngoài kia không phải không chi phối, ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng nó chẳng thể nào là nhân tố quyết định cho hạnh phúc cuộc đời của chúng ta, và ơn cứu độ của chúng ta. Thiên Chúa luôn yêu thương, kêu mời, chờ đợi chúng ta để chúng ta quay trở về với Người, và được cứu rỗi, nhưng lắm lúc tư duy, suy tưởng từ ‘thuở tạo thiên lập địa’ của chúng ta là Thiên Chúa sẽ lên án, phán xét làm chúng ta thu mình trong vỏ bọc cá nhân, tránh xa tha nhân, biếng nhác việc bác ái, thậm tệ hơn, dần dần ù lì, mê muội trong thói quen xấu và xa lìa Thiên Chúa!
Đọc lại Lời Chúa hôm nay, chúng ta không ngần ngại đấm ngực bản thân thú nhận tội lỗi của mình trước Chúa và anh chị em, trước tình yêu vô bờ bến và lòng lân tuất hải hà của Thiên Chúa. Để nhờ ơn Chúa trong Mùa Chay Thánh này, chúng con biết hoán cải tự tâm, biết nỗ lực không ngừng bước từng bước nhỏ một trở về với Suối Nguồn Tình Yêu – Thiên Chúa của lòng con.
Dù bao phen đời con bất xứng
Chúa dủ tình, trông đứng chờ con
Quay trở về này hồn thơ dại
Ẩn nương Cha ngày dài ấm êm
Bước theo Cha, bóng đêm xa khuất
Mãi một đời ngây ngất lòng Cha. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================

Suy niệm 4
Con rắn đồng và Con Người trên thập giá

(Ga 3,14-21)
"Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành ! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan." (Ca nhập lễ)  Hay lời của Thánh vịnh gia : "Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi : Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào…... ".
Những lời trên dẫn chúng ta bước vào Chúa nhật  IV Mùa Chay (Lætare), Chúa nhật của niềm vui. Vui vì được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Vì tội lỗi của dân mà đền thờ Chúa bị quân thù đốt cháy, tường thành Giêrusalem bị phá huỷ, các lâu đài và mọi đồ vật quý giá bị hỏa thiêu. Nay họ "được kêu gọi tái thiết đền thờ Giêrusalem, được mời gọi đón nhận lại Thiên Chúa đến ở giữa họ, đón nhận sức mạnh của tình yêu và tha thứ" (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23). Tột đỉnh của tình yêu là được Thiên Chúa cứu độ như thánh Gioan viết : "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài... để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ" (Ga 3,16-17).
Phụng Vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng, màu của bình minh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối, nay tạm dừng để chuẩn bị tốt hơn niềm vui Phục Sinh, nghỉ để nhìn lại những gì đã làm trong ba tuần đầu của Mùa Chay, lấy thêm can đảm bước tiếp những chặng đường tới.
Khi sánh ví mình như con rắn được Môse giương lên trong sa mạc, Chúa Giêsu gợi cho chúng ta nhớ tới con rắn trong vườn địa đàng (St 3, 1-5).
Rắn trong vườn địa đàng
Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra” (St 3,1). Như vậy, rắn là loài vật do Chúa tạo nên và con người đặt cho nó một tên gọi (x.St 2,20). Nhưng nó không chỉ gian trá và xảo quyệt mà còn là “xảo quyệt nhất”. Chính nó đã tấn công con người bằng cách nhắc đến những giới hạn của con người.
Trái với những con vật khác, con rắn không có chân, nó là con vật bí ẩn và xuất hiện bất ngờ. Nơi nhiều nền văn hoá, rắn được gán ghép với mầu nhiệm sự sống và sự chết. Chính vì thế mà sách Sáng Thế chương 2 nói có hai cây trồng trong vườn Địa Đàng, một cây ban sự sống và cây kia đem lại sự chết. Con rắn hứa mang lại sự hiểu biết (x.St 3,5) và sự sống (x.St 3,4), nhưng rủi thay chỉ đem lại một sự nhận biết quá thô thiển là biết mình trần truồng (x.St 3,7) và sự chết (x.St 3,22).
Rắn trong sa mạc
Nếu con rắn trong vườn Địa Đàng xuất hiện đang lúc con người đang ở đỉnh cao hạnh phúc, thì con rắn đồng trong sa mạc xuất hiện giữa cảnh cơ cực của những người tha hương vừa thoát khỏi kiếp nô lệ cho người Aicập (x.Ds 21,4-9).
Nếu con rắn trong Địa Đàng là hiện thân của tội lỗi và sự dữ, thì con rắn đồng trong sa mạc là “tin mừng” cho những kẻ ngước nhìn lên nó.
Nếu con rắn trong Địa Đàng hủy diệt mọi tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, thì con rắn đồng trong sa mạc mang lại niềm hy vọng vì nhận ra lòng thương xót của Chúa.
Và nếu con rắn trong Địa Đàng gieo sự chết vào thế giới loài người, thì con rắn đồng trong sa mạc lại có khả năng trao ban sự sống.
Như vậy, hình tượng của hai con rắn Cựu Ước hoàn toàn trái nghịch nhau. Tuy nhiên, dù trái nghịch, hai con rắn Cựu Ước chẳng những không mâu thuẫn nhau, mà hậu quả do con rắn trong Địa Đàng gây nên, sẽ được con rắn đồng trong sa mạc báo trước ngày chữa trị. Bởi hậu quả của con rắn thứ nhất gây nên chỉ toàn đổ vỡ, mất mát, ô nhục, sẽ được con rắn thứ hai bổ túc bằng cách cho thấy sự sống bắt đầu phát sinh, hạnh phúc bắt đầu ló dạng và niềm vui cứu chuộc bắt đầu tỏa sáng. Bởi do con rắn trong Địa Đàng, nhân loại đã phạm tội. Vì tội, nhân loại đáng được “Đấng Cứu độ đời đời” (bài ca Exultex – đêm Phục sinh), thì con rắn đồng trong sa mạc làm trọn vai trò của mình là báo trước ơn cứu độ đời đời ấy.
Con rắn đồng và Con Người trên thập giá
Khi nhắc lại: “Như Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người mà được sống muôn đời” (Ga 3, 14). Chúa Giêsu ám chỉ lúc mình được giương cao trên thập giá, ai đang ở trong hiểm nguy của tội lỗi, nhìn lên Người với lòng tin thì sẽ được cứu độ như Gioan viết: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ ” (Ga 3,17).
Niềm tin và sự sống đời đời liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự sống đời đời không do công con người “nhìn lên”, hay do công trạng của vật họ nhìn, nhưng chính là do ân sủng ban nhưng không của Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan viết: “Bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16,6-7).
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh con rắn để làm nổi bật nhiều ý nghĩa của các hành động. Hành động “treo lên”, hay “giương lên cao” để ám chỉ cách chết của chính Chúa cũng bị treo lên cây gỗ (x. Lc 23,33; Mt 27,33-35). Con Thiên Chúa đã mang vào trong mình tội lỗi của nhân loại mà đóng đinh tất cả vào thập giá, nhờ đó ơn cứu độ được ban cho muôn người.
Ngày xưa trong sa mạc, ai nhìn con rắn với niềm tin vào Đức Chúa cứu thì họ sẽ được cứu độ, nhưng hôm nay, họ không cần nhìn vật trung gian như nhìn vào con rắn đồng nữa, mà là nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, họ sẽ được cứu (x. Ga 3,16).
Khi so sánh mình với con rắn đồng. Chúa Giêsu muốn cho nhân loại biết rằng, xưa dân Do thái vì tội mà bị rắn cắn, biết vâng lời nhìn lên con rắn đồng, hối hận và nhờ Môsê xin thì được Chúa tha cho. Ngày nay, con người với lòng thành tâm đích thực, khi nhìn thánh giá Đức Giêsu, “tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 14). Ngoài ra, con rắn đồng bị treo vì tội của dân, nên họ bị rắn cắn. Đức Giêsu chịu treo trên Thập giá là vì tội lỗi nhân loại. 
Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (x.Ga 3, 15). Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (x.Dt 13, 8).
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 5
HÒA GIẢI VỚI THIÊN CHÚA

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 4 Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hòa giải với Chúa. Xin Chúa ban cho toàn thể Dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động mà hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. 
Con người được hòa giải với Thiên Chúa qua trung gian các tư tế. Các tư tế cầu thay nguyện giúp cho Dân Chúa và chuyển phúc lành của Thiên Chúa đến cho Dân của Người. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Lêvi tường thuật lại nghi thức tấn phong các tư tế trong Cựu Ước, đồng thời cho ta thấy vai trò quan trọng của cơ cấu này trong lịch sử Dân Chúa. Tư tế không chỉ là người dâng hy lễ, nhưng trên hết, tư tế là người giữ kho tàng hiểu biết về Thiên Chúa, là tôn sư dạy người ta giữ Giao Ước. Trong dòng tộc Lêvi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ chức vụ đó mãi. Còn Đức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi. 
Con người được hòa giải với Thiên Chúa qua cái chết của Đức Kitô. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh đã nói: Đức Kitô đã chết để giải thoát chúng ta khỏi cái chết. Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án chúng ta, nhưng để chúng ta nhờ Con của Người mà được cứu độ. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy. Ta hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng đã chịu khổ hình thập giá. 
Con người được hòa giải với Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Người giận trong giây lát, nhưng yêu thương suốt cả đời. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sử Biên Niên quyển thứ hai cho thấy: Thiên Chúa đã dùng vua Kyrô để giải cứu Dân của Người và cho tái thiết Đền Thờ Giêrusalem. Do đó, trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 136, vịnh gia đã kêu gọi: Dù cho có bị đày ải, cực khổ thế nào, thì hãy cứ cậy trông vào Chúa, đừng lãng quên Giêrusalem, đừng lãng quên Lòng Thương Xót của Chúa: Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm. Bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xion; trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn. 
Con người được hòa giải với Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa đi bước trước đến hòa giải với con người, tuy nhiên, con người phải tin vào Đấng mà Chúa Cha sai đến. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô rằng: Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 
Con người được hòa giải với Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa luôn đi bước trước đến với con người, Người không tiếc gì với con người, ngay cả, ban Con Một cho con người, như câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì được sống muôn đời. Thiên Chúa: Người tình vĩ đại nhất; yêu: hành động vĩ đại nhất; thế gian: con số vĩ đại nhất; đến nỗi: mức độ vĩ đại nhất; đã ban: sự trao hiến vĩ đại nhất; Con Một: quà tặng vĩ đại nhất; để: mục đích vĩ đại nhất; ai: người yêu vĩ đại nhất; tin vào: sự tín thác vĩ đại nhất; Con của Người: Ngôi Vị vĩ đại nhất; thì khỏi phải chết: sự giải thoát vĩ đại nhất; nhưng: sự khác biệt vĩ đại nhất; được: sự đảm bảo vĩ đại nhất; sống muôn đời: gia nghiệp vĩ đại nhất. Ước gì chúng ta luôn biết quảng đại đáp lại.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 
================

Suy niệm 6
CƠ HỘI SỐNG TỐT HƠN

Con người chúng ta dù tốt lành đến mấy, cũng chỉ cho người khác cơ hội ‘làm lại cuộc đời’ không hơn không kém ‘quá tam ba bận’ mà thôi!!! Tệ hơn, trong chúng ta có khi còn khắt khe, đóng hết mọi cánh cửa ‘sửa đổi’ hay ‘cải thiện’ hoặc ‘lấy công chuộc tội’ của anh chị em mình nữa!
Quả thật, nếu Chúa cũng cư xử như vậy với chúng ta, có lẽ ‘chẳng ai đứng vững trước thiên nhan Chúa’ được! Dĩ nhiên, Ngài là Thiên Chúa bao dung, chậm bất bình và rất mực khoan nhân, nên Ngài luôn luôn ban cho chúng ta nhiều cơ hội đổi mới, canh tân, hoán cải, quay về với Ngài.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta nghiệm thấy rõ lòng từ bi Chúa trước thói bất trung, thất tín của dân Ngài: “Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giê-ru-sa-lem” (2Sb 36, 14). Dù rất thịnh nộ, nhưng lòng nhân hậu và thương xót Ngài vượt trên ‘sự khinh thường, nhạo báng của dân Is-ra-el, giết hại các sứ giả, ngôn sứ của Chúa’ (x. 2Sb 36, 15-16). Tuy dân Is-ra-el phải lãnh hậu quả đi đày do hành vi bất xứng của họ như lời tiên tri Giê-rê-mi-a: “…họ sẽ không giữ được ngày Sa-bát trọn bảy mươi năm trường” (Sb 36, 21; x. Gr 25, 1; 29, 10). Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ, nhưng Ngài chẳng nỡ bỏ rơi dân Ngài. Lòng nhân hậu của Chúa được bày tỏ cách lạ lùng qua sự lưu đày và giải thoát dân Is-ra-el dưới triều đại Sy-rô, vua xứ Ba-tư: “Chúa là Thiên Chúa trời đấy đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Ngài đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Ngài một đền thờ ở Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đê-a. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên” (2Sb 36, 23). Thiên Chúa hằng trung tín, và luôn ban cơ hội cho dân Ngài được hoán cải quay về, được cứu thoát khỏi khổ đau cơ hàn.
Hơn thế, cảm nghiệm này càng được tỏ hiện rõ nét hơn qua lời của Thánh Phao-lô trong thư gửi cho giáo đoàn Ê-phê-sô: “…vì lòng yêu thương cao cả mà Ngài đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Ngài làm cho chúng ta sống lại trong Đức Ki-tô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi” (Ep 2, 4-6). Thiên Chúa không chỉ ban cho chúng ta cơ hội ‘đổi đời’, mà còn cứu rỗi chúng ta, mang chúng ta ra khỏi vũng nhơ nhớp của tội lỗi, và giúp chúng ta bước ra khỏi bóng đêm của sự lầm đường lạc lối, “vì chưng, bởi ơn Chúa, anh (chị) em được cứu rỗi nhờ đức tin. Điều đó không phải do anh (chị) em, vì đó là ân huệ của Chúa” (x. Ep 2, 8-9). Tại sao, chúng ta được ơn phúc lớn lao nhường vậy? Chẳng phải bởi vì công trạng, tài năng, thành đạt, thành tựu, thành công, hay kể cả công ơn đạo đức của chúng ta, mà chúng ta được lãnh nhận ân huệ cao quý từ Thiên Chúa đâu! Nhưng trên hết, nhờ lòng từ bi lân tuất của Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô, mà chúng ta có phúc, được hưởng ơn đổi mới, canh tân, và được cứu chuộc. Hơn nữa, do lòng thương xót không bờ bến của Chúa, mà “chúng ta cùng được sống lại, đồng ngự trị trên nước trời trong Đức Giê-su Ki-tô” (x. Ep 2, 7). Ôi diễm phúc, cao quý khôn cùng! Con nào biết cảm tạ thế nào cho cân, Chúa ơi!
Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta không dừng ở đó, mà Ngài còn “ban chính Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16). Vì muốn ban cho chúng ta cơ hội được ăn năn, hoán cải, sống tốt hơn, và được cứu rỗi, Thiên Chúa chẳng tiếc gì, ngay cả ban chính Người Con duy nhất cho chúng ta, “không phải để luật phạt thế gian, nhưng nhờ Con Ngài mà thế gian được cứu độ” (x. Ga 3, 17). Tình yêu này càng đến mức tận cùng qua việc Ngôi Lời nhập thể, sinh hạ trong thế gian, mặc lấy xác phàm, ngoại trừ tội lỗi, chịu khổ hình, chịu tử nạn trên Thánh giá, rồi Phục sinh. Ngài hằng trao ban sự sống thần linh, hiến thân mạng sống mình cho chúng ta qua hy tế tình yêu, Bí tích Thánh Thể, trong mỗi Thánh lễ. Còn gì bằng lòng mến tự hiến mà Thiên Chúa bao dung trao ban cho chúng ta thế này! Ước gì chúng ta năng chạy đến Bí tích Tình yêu, năng lãnh nhận Bí tích giao hoà, đón nhận thời gian ân sủng, thời cơ thuận tiện này, hầu trở về nương tựa mãi nơi suối nguồn xót thương! Ước gì chúng ta hành động trong sự thật, làm việc nơi sự sáng, và sống trong Thiên Chúa luôn!
Giờ đây, chúng ta dành ít phút thinh lặng trước Chúa, thầm thỉ dâng lời nguyện xin:
Tình Chúa hằng ấp ủ con
Dù đời con nhiều nỉ non khôn xiết.
Ngài vẫn bên con mải miết
Tuôn đổ hồng ân tha thiết chan hoà.
Chờ con tiến bước trở về
Trong niềm hoan lạc tràn trề thánh ân. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 7
HƯƠNG THƠM SỚM

“Mừng vui lên Giêrusalem hỡi! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu thành!”.
Một cô gái trong bệnh viện bị tai nạn và chỉ còn khứu giác. Mẹ cô muốn truyền đạt sự hiện diện của mình nên đã sử dụng loại nước hoa mà cô gái sẽ nhớ là của mẹ mình. Giờ đây, nước hoa không phải là cái gì thiết yếu của người mẹ mà là ‘sự mở rộng’ con người thật của bà để giao tiếp ở cấp độ con gái của bà. Thiên Chúa thực chất không phải là một thân xác, nhưng Ngài trở thành người. Ngài đã ‘mở rộng’ chính Ngài để giao tiếp ở cấp độ của chúng ta để chúng ta có thể hưởng ‘hương thơm sớm’ của chính Ngài.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay mang đến cho chúng ta ‘hương thơm sớm’ của niềm vui Phục Sinh. Phẩm phục hồng mời gọi chúng ta đến với niềm vui thanh thản. Ca nhập lễ hát, “Mừng vui lên Giêrusalem hỡi! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu thành!”.
Tâm lý cho chúng ta biết, một người không hạnh phúc, cuối cùng sẽ mắc bệnh cả thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, niềm vui và hạnh phúc phải có cơ sở, nó phải là biểu hiện của sự thanh thản khi sống một cuộc sống ý nghĩa. Không được như thế, niềm vui sẽ thoái hoá, hời hợt và điên rồ. Têrêxa Ávila phân biệt chính xác giữa “niềm vui thánh thiện” và “niềm vui dại khờ”. Loại thứ hai chỉ ở bên ngoài, tồn tại trong thời gian ngắn và để lại dư vị đắng; loại thứ nhất cho chúng ta hưởng nếm ‘hương thơm sớm’ của thiên đàng.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy thử thách cho đời sống đức tin, nhưng đó cũng là những khoảng thời gian thú vị. Cách nào đó, chúng ta trải nghiệm những cuộc lưu đày tận Babylon mà Thánh Vịnh Đáp Ca nhắc đến. Vâng, cả chúng ta nữa, cũng có thể trải qua những cuộc lưu đày “Bên bờ sông Babylon, ta ngồi ta khóc ta nhớ Sion”. Những khó khăn bên ngoài, bao giằng co bên trong mà trên hết là tội lỗi có thể đưa chúng ta đến gần các dòng Babylon. Vậy mà bất chấp mọi sự, chúng ta vẫn có lý do để hy vọng, vì không chỉ chúng ta thở than mà chính Thiên Chúa cũng tiếp tục than thở chính những lời đó, “Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm!”.
Chúng ta luôn có thể sống hạnh phúc trong niềm vui vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta điên cuồng đến nỗi đã ‘mở rộng’ chính Ngài, “đã ban Con Một của Ngài” - Tin Mừng hôm nay. Hãy sớm đồng hành cùng Giêsu trên con đường tử nạn và phục sinh; đồng thời, chiêm ngắm tình yêu của Đấng hiến thân mình vì bạn và vì tôi. Và chúng ta sẽ cảm nhận ‘hương thơm sớm’ của niềm vui Phục Sinh, một niềm vui mà không ai có thể lấy đi được.
Anh Chị em,
“Mừng vui lên Giêrusalem hỡi!”. Để Giêrusalem có thể mừng vui, bạn hãy trở về với nó; nghĩa là hãy trở về với Chúa! Hãy rời xa các bờ sông Babylon thì niềm vui đích thực sẽ đến! Nó sẽ thắp sáng cuộc đời bạn và tôi. Tuy nhiên hãy biết rằng, niềm vui đó không đến từ nỗ lực của chúng ta! Phaolô nhắc nhở, nó là một món quà đến từ Thiên Chúa, “Đấng tỏ lòng nhân hậu của Ngài đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu” - bài đọc hai. Vậy, hãy để cho mình được Chúa yêu thương, yêu mến Ngài, và niềm vui của chúng ta sẽ thật lớn lao trong Lễ Phục Sinh sắp tới cũng như trong suốt đời mình. Muốn được vậy, hãy để Chúa ôm ấp và đổi mới bằng cách đến với toà giải tội ngay trong Mùa Chay này!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đã mở rộng chính Ngài theo cấp độ của con; dạy con ‘mở rộng’ chính mình ‘theo cấp độ của Chúa’ hầu con hưởng ‘hương thơm sớm’ của thiên đàng!”, Amen.
Lm. Minh Anh

================

Suy niệm 8
Con Người sẽ phải giương cao

2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21
Câu chuyện con rắn đồng trong sách Dân số ngày xưa, hôm nay được Đức Giêsu nhắc lại băng lời khẳng định: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 13, 14-15). Con người không thể hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa uy quyền lại muốn con mình đi qua con đường Thập Giá để cứu chuộc con người. Đức Giêsu đã chết, là giá cao nhất vì yêu con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm cho con người hiểu mầu nhiệm này. Vâng, chỉ có niềm tin nơi Chúa Thánh Thần mới ban cho con sự hiểu biết ý nghĩa trọn vẹn, một cuộc sống không hạn hẹp trong cõi đất, nhưng được bắt nguồn từ cõi trời cao.
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16). Quả vậy, Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi ban Con Một mình, để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời. Người tin thì sẽ sống với, sống cùng và sống trong Người. Được sống muôn đời không có nghĩa là sau khi chết đi mới được sống, mà là có “sự sống” mới ngay hôm nay lúc ta đang sống. Thật đáng sợ khi tôi đang sống mà như đã “chết”.
Vì yêu thế gian, Thiên Chúa sẵn sàng ban tặng Người Con duy nhất để cho thế gian được sống muôn đời. Người Con đã hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên thập giá là bằng chứng tận cùng của tình yêu đó. Nhưng buồn thay thế gian lại không cảm nhận và thấy hạnh phúc vì được ban cho Người Con duy nhất, nên khi thì nhạt nhẽo, có khi không cần chi đến Người. Chuyện cơm, áo, gạo, tiền lấp đầy cõi lòng tâm trí rồi thì đâu còn chỗ để liên đới mật thiết với Người Con được ban tặng. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).
Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian tội lỗi nhờ Ngài mà được cứu độ. Nhưng để đáp lại, thật ngược đời, thế gian lại lên án Người và làm cho Người phải chết trên thập tự. Có khi ngày nay nhiều người vẫn tiếp tục lên án Chúa. Trước bệnh tật rủi ro, đau khổ hoạn nạn, tai ương... đều đổ cho Chúa định, Chúa gửi thánh giá... Oan cho Chúa quá! làm sao để đổi mới cái nhìn mà nhận ra giữa cuộc đời ánh sáng và bóng tối lẫn lộn bao trùm này?
Thập giá vẫn mãi chỉ là thập giá khi con người vác một cách miễn cưỡng hoặc buông trôi. Nhưng nhờ cuộc tử nạn tự hiến và phục sinh của Chúa Kitô đã làm thập giá trở thành thánh giá Tình Yêu:
“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 8-9).
Lạy Chúa! trên cuộc đời chúng con với biết bao nhiêu thập giá, bao đau khổ gánh nặng chất chồng, bao nỗi sầu buồn trĩu nặng tâm tư, nếu cùng vác với Chúa Kitô, nhờ Người và trong Người, thập giá có Chúa bước đi, những thập giá ấy sẽ trở thành nhẹ nhàng, thập giá sẽ nở hoa tươi. Ước gì chúng con biết đón nhận mọi thập giá trong cuộc sống hằng ngày, để nhờ ơn Chúa biến đổi thành thánh giá đem ơn cứu độ cho chúng con. Amen.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log