Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật lễ Chúa Hiển Linh

Cập nhật lúc 19:17 04/01/2024
Suy niệm 1
Mt 2, 1 – 12
Ngày xửa ngày xưa, lễ này được gọi là lễ Ba Vua. Mục đích của cách gọi đó là để nhấn mạnh một sự kiện lớn lao của lịch sử Do Thái, đó là các dân tộc trên thế giới cũng được biết có một Đấng Cứu Thế. Ý tưởng này được lưu truyền suốt 18 thế kỷ, tức là từ khi Ápraham được Chúa tuyển chọn làm tổ phụ một dân tộc để từ dân tộc ấy muôn dân cùng được biết có một Thiên Chúa là Cha.
Nhưng rất tiếc là dân Do Thái cứ vơ Chúa vào cho mình, mà không biết chia sẻ cho các dân tộc khác trên thế giới. Không những thế mà họ còn xin Chúa trừng phạt các dân tộc khác, rồi nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Những câu nói trong Cựu Ước như: “Chúa biến nguồn phú túc chảy về thành đô như thác vỡ bờ”; “Gốc nho ấy Chúa bứng từ Ai Cập. Đuổi chư dân đi lấy chỗ mà trồng”. Người Do Thái hiểu là Chúa sẽ nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Đế quốc của họ sẽ mở rộng về hướng đông tới sông Owphrat, tức là vùng Iran và Irắc hôm nay.
Người Do Thái đánh mất ơn gọi, đi lầm đường, đi lạc lối. Ngày nay ta gọi lễ này là Lễ Hiển Linh. Ý muốn nhấn mạnh ơn gọi của Giáo hội và của mỗi tín hữu là làm thế nào để mọi người trên thế giới đều nhận thức rằng có một Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muôn vật và là Cha chung của mọi người thuộc mọi thời, thuộc mọi nền văn hóa.
Sự kiện Đức Giê su là Con Thiên Chúa, hóa thân làm người, sống, rao giảng và thụ nạn để giải phóng loài người là một chân lý mà toàn thể Giáo hội phải bức xúc loan báo.
Nhưng đáng tiếc, hầu hết chúng ta chỉ lo giữ đạo, mà không lo truyền đạo. Nếu chỉ lo giữ đạo mà không lo truyền đạo thì là đánh mất bản chất người con của Chúa rồi.
Lễ Hiển Linh là một lời kêu gọi lớn tiếng yêu cầu mỗi người chúng ta phải nhận lỗi lớn, vì chưa bức xúc loan báo Tin Mừng và phải tìm mọi phương thế để những người bạn lương dân của ta được biết ông Trời là Cha nhân từ. Đức Giê su là ông Trời nhập thể sống với chúng ta, để ta và ông Trời là cha con thân thương nhau như ruột thịt.
Có những gia đình có sáng kiến hằng ngày cầu nguyện cho bạn lương dân, láng giềng lương dân. Trong gia đình thì từ cha mẹ đến con cái đều có tối thiểu một bạn lương dân, để tiếp cận thường xuyên và để nhớ cầu nguyện cho họ vào các buổi đọc kinh và dâng lễ.
Tin mừng phải đến với mọi người. Đó là ý nghĩa của Thánh lễ Hiển Linh hôm nay. Mong rằng mọi người đều cảm thấy bức xúc trong việc loan báo Tin Mừng  cho bạn lương dân.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 2
NIỀM TIN LÊN ĐƯỜNG
Mt 2, 1-12    
Tin Mừng Mátthêu cho biết Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì. Bêlem là một thị trấn cách Giêrusalem 10 cây số về phí Nam. Thời xưa nó được gọi là Épratha. Tên “Bêlem” có nghĩa là “nhà bánh”, vì nằm ở một vùng quê mầu mỡ nhiều lúa mì. Đó cũng là nhà và thành của Đavít (1Sm 16,1;17,12; 20,6). Chính từ dòng dõi Đavít mà Thiên Chúa ban Đấng cứu độ cho dân Ngài, như tiên tri Mikha đã loan báo:“Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen” (Mk 5,1). Vì vậy mà dân Do Thái luôn trông đợi.
Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng kể về các nhà chiêm tinh, gọi là Magi, từ phương Đông đi tìm kiếm Đấng cứu tinh vừa mới giáng sinh, mà họ phát hiện qua ánh sao lạ. Magi là một chi phái Mêđi, là một phần dân thuộc đế quốc Ba Tư. Ban đầu là một đảng phái chính trị, nhưng về sau trở thành chi phái tư tế. Họ là những người khôn ngoan và thánh thiện, rất giỏi về triết học, y khoa và khoa học tự nhiên. Vào thời đó mọi người đều tin vào khoa chiêm tinh, tin rằng có thể tiên đoán tương lai dựa vào các vì sao, và tin rằng số mệnh một người cũng được an bài bởi ngôi sao đã xuất hiện lúc người ấy sinh ra. Nếu thình lình có một vì sao sáng xuất hiện, thì phải chăng Thiên Chúa đang can thiệp vào chính trật tự của Ngài để tỏ cho con người biết một điều gì đó.
Điều quan trọng trong bài Tin Mừng là các nhà chiêm tinh như đại diện cho các dân ngoại. Matthêu viết theo lối văn khải huyền của người Do Thái, nên ta không thể hiểu mọi chi tiết theo nghĩa đen. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể dùng sự xuất hiện của một vì sao để báo hiệu cho các nhà chiêm tinh biết Con Ngài đã chào đời. Qua những dấu chỉ kỳ diệu hay đơn sơ trong vũ trụ, họ nhận thấy lời mời gọi lên đường để tìm kiếm vị Cứu Chúa của muôn dân. Chấp nhận lên đường là chấp nhận bỏ lại tất cả để bước đi trong đêm tối, chỉ còn dựa vào ánh sao của niềm tin khi tỏ khi mờ. Họ chỉ gặp được Chúa sau khi trải qua nhiều gian nan thử thách trên đường, và chỉ nhận ra Chúa với cái nhìn đức tin mạnh mẽ, nhất là khi đứng trước cảnh hang lừa tồi tàn. Thiếu đức tin, người ta vẫn thấy Chúa nhưng không nhận ra Ngài.
Các nhà chiêm tinh từ ngàn dặm xa xôi đã lên đường tìm Ðấng Cứu Thế, đang khi Hêrôđê và hàng lãnh đạo Do thái giáo cũng được báo tin, thì lại bình chân như vại. Bởi lẽ các luật sĩ hay biệt phái chỉ thao thức về lề luật; các thượng tế chỉ lo nghi lễ trong đền thờ; các kỳ lão chỉ bận tâm về truyền thống. Họ là những người lãnh đạo tôn giáo nhưng lại tự mãn và khép kín trong những cơ chế an toàn và cứng nhắc. Còn vua Hêrôđê thì toan tính để khai trừ vị vua mới sinh. Điều này không lạ gì vì ông là người đa nghi và tàn bạo, đã từng giết vợ, mẹ vợ, ba người con trai, và nhiều danh tướng khác. Phản ứng của Hêrôđê là ganh ghét và thù địch, nên cũng tìm cách diệt trừ Đức Giêsu.  
Thời nay vẫn có những triết gia chủ trương bất khả tri, coi Thiên Chúa chỉ là một phạm trù siêu việt, nếu Ngài có hiện hữu thì cũng không ăn nhập gì đến thế giới loài người. Vẫn có những nhà khoa học và những người chủ trương vô thần phủ nhận những gì là thần linh, họ cho điều huyền nhiệm cũng chỉ là huyền thoại. Vẫn không thiếu những kẻ có quyền thế tìm cách trù dập chân lý. Đối với họ, vũ trụ thiên nhiên như một đối tượng để nghiên cứu và khống chế, chứ không mang tính siêu nhiên, càng không như một dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng cũng trong thời đại này, dù không là Kitô hữu, vẫn có biết bao người đang rong ruổi tìm kiếm Thiên Chúa. Có ánh sáng nào đó soi chiếu trên đường đời của họ, khiến họ miệt mài phục vụ trong mọi lãnh vực, nhằm nâng cao đời sống tinh thần và góp phần kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn, hướng con người đến những giá trị tâm linh, vĩnh cửu.
Còn chúng ta thì sao? Nếu không tỉnh thức, ta dễ tự mãn với những điều mình biết về Thiên Chúa, chẳng còn thao thức kiếm tìm Ngài, nên cũng chẳng quan tâm gì đến những dấu chỉ hay thời điềm. Dường như đời sống đức tin của chúng ta đã được gói gọn trong các câu kinh và nghi thức. Những gì sâu xa nhất cũng đã được hệ thống hóa trong các cử hành phụng vụ, nên ta cảm thấy quá đầy đủ, không cần nhận ra Chúa nơi điều gì khác. Cần có lòng khao khát chân lý và sự thiện hảo như các nhà chiêm tinh, để ta can đảm ra khỏi mình, ra khỏi những an toàn và tiện nghi đang trói buộc mình hằng ngày, để thấy Chúa đang tỏ mình qua mọi biến cố của đời sống, từ thiên nhiên vạn vật đến con người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa là Thiên Chúa khắp vũ hoàn,
không chỉ tỏ mình cho Ít-ra-en,
mà còn cho tất cả mọi dân nước,
Chúa vẫn làm sáng lên những ánh sao,
không phải chỉ ở trên trời cao,
mà còn chính ở trong lòng người thế,
để thiên hạ được biết nẻo tìm về.

Chúa đặc biệt tỏ mình cho những ai,
có tâm hồn đơn sơ và ngay chính,
sống công bình và bác ái tận tình,
không ham mê bám víu vào trần thế,
không mơ hồ với cuộc sống lê thê,
không kiêu căng hay ích kỷ hận thù.

Như các nhà chiêm tinh đi tìm Chúa,
xin cho con dám đi ra khỏi mình,
khỏi định kiến và lười biếng tinh thần,
khỏi tiện nghi và tự mãn bản thân,
để nhận ra Chúa nơi từng tha nhân,
qua dấu chỉ của thiên nhiên vạn vật.

Xin cho con sống niềm tin lên đường,
luôn can trường và chấp nhận đau thương,
để sau khi vượt qua nhiều gai chướng,
được gặp Chúa ở cuối cuộc hành hương,
là niềm vui hạnh phúc chốn thiên đường,
mà lòng con vẫn hằng luôn mong ước.

Xin cho con nên dấu chỉ của Chúa,
là ánh sao giữa đời trong đêm tối,
để âm thầm luôn dẫn lối đưa đường,
là ánh sao hiền lành và khiêm nhượng,
trong phục vụ với tất cả tình thương,
để qui hướng mọi người về với Chúa. Amen.

Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 3
CHÚA TỎ MÌNH RA CHO MUÔN DÂN NƯỚC
Giáo Hội kết thúc phụng vụ mùa Giáng Sinh với Lễ Chúa Hiển Linh, lễ Chúa tỏ mình ra cho khắp mọi dân nước, cho hết thảy những ai tìm kiếm Người nơi từng trạng huống cuộc đời.
Chuyện kể rằng: Một cậu bé lần nọ quyết định đi gặp Chúa cho bằng được. Không cần ai nói, cậu biết chuyến đi này sẽ rất dài và đầy vất vả chông gai, nên chuẩn bị mọi thứ đầy đủ, cẩn thận, sẵn sàng bắt đầu cuộc hành trình.
Rảo qua ba khu phố đông đúc, cậu liền gặp một cụ bà đang ngồi trong công viên, ánh mắt hướng về những chú chim bồ câu xinh xắn. Chú bé đến bên cạnh và chợt nhận ra bà lão đang đói, cậu mở túi xách, lấy một chiếc bánh mời bà dùng. Với đôi tay sần sùi, cháy rạm, bà nhận bánh và cười tươi cám ơn cậu. Nụ cười dịu dàng đến nỗi chú bé muốn nhìn thấy nó được tỏ lộ lần nữa. Cậu lại mời bà nước uống. Nụ cười ấy lại hiện ra trên khuôn mặt tuy đầy nếp nhăn, nhưng rất phúc hậu của bà, khiến cậu bé cảm nhận được sự ấm áp khó tả giữa mùa đông lạnh giá. Hai bà cháu ngồi suốt cả buổi chiều ăn uống với nhau và không cần nói một lời nào. Mãi đến khi bầu trời chập choạng tối, cậu bé mới rời khỏi chỗ đó. Nhưng đột nhiên quay lại, chạy đến ôm từ biệt bà. Bà chẳng có gì tặng cậu ngoài món quà mà vật chất không thể mua được, đó là nụ cười rạng rỡ của mình.
Trở về nhà, cậu bé vừa mở cửa vào thì người mẹ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy nét rạng rỡ vui tươi còn đọng lại trên ánh mắt cậu, bà hỏi:
-     Điều gì khiến con hạnh phúc đến vậy?
Cậu bé nhanh nhảu đáp:
-     Con đã ăn trưa với Chúa đấy! Mẹ biết không, Chúa có nụ cười tuyệt đẹp, xinh nhất trên đời!
Trong lúc đó, bà lão cũng tập tễnh từng bước lững thững về nhà với niềm vui khôn tả. Đứa con trai liền nhận ra vẻ thanh thản trên gương mặt mẹ và hỏi:
-     Hôm nay, điều gì đã làm mẹ hạnh phúc như thế ạ?
Bà lão không ngần ngại nói:
-     Mẹ đã cùng ăn bánh với Chúa, bên cạnh những chú chim bồ câu bé nhỏ. Con biết không, Chúa trẻ trung hơn chúng ta tưởng tượng đấy!
Thuở xưa, qua ánh sao lạ, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho ba nhà đạo sĩ Đông phương từ nơi xa xôi, “chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (x. Mt 2, 2). Thời nay, Chúa vẫn tỏ hiện cho muôn dân nước bằng vô số phương tiện, cách thức, và con người. Thật vậy, nơi bà lão ngồi ngoài công viên, ngắm nhìn bầy bồ câu, qua nụ cười tươi tắn của bà, Chúa đã tỏ mình ra cho cậu bé trong câu chuyện trên. Và bà lão cũng nhận ra diện mạo, dung nhan của Chúa qua cử chỉ quan tâm chia sẻ, qua lòng nhân ái của cậu bé dành cho bà.
Tương tự như ba nhà Đạo sĩ “trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2, 10-11), chú bé và bà lão đã nhận ra diện mạo của Thiên Chúa nơi đời sống thường nhật, và họ đang trao tặng yêu thương, nụ cười tươi, sự quan tâm cho nhau; đồng thời, họ dâng cho Chúa tâm hồn đơn sơ mở rộng, biết đón nhận anh chị em, cử chỉ chia san. Ba nhà Đạo sĩ đã dâng tiến Chúa Hài Đồng của lễ quý giá nhất của họ: vàng, nhũ hương và mộc dược, như thể tượng trưng cho lòng mến nồng nhiệt, gói ghém trọn vẹn cả tâm tư, trí khôn, ý chí, sức lực của các ông và muôn dân mà các ông đại diện. Hơn nữa, của lễ ấy còn lột tả tâm tình thờ lạy Thiên Chúa, dâng lên Người lời kinh cầu như làn hương thơm ôm ấp những nguyện ước hèn mọn của các ông và hết mọi dân nước. Nhờ đó, bao nhiêu nỗi âu lo, buồn phiền cay đắng, nhọc nhằn, khốn khó của nhân loại được trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, ngọt ngào trong lửa kính yêu Người. Sau cùng, lễ dâng của ba nhà Đạo sĩ biểu lộ sự hy sinh hãm mình, ra sức tẩy xoá não trạng chạy theo các tà thần, chạy theo quyền lực thế gian (x. hình ảnh vua Hê-rô-đê). Đặc biệt các ông dâng lên Chúa Hài Nhi lòng biết ơn sâu xa vì biết bao công cuộc nghiên cứu truy tầm chân lý, cũng như thực thi bác ái của mình.
Nhìn vào bản thân, có lẽ chúng ta không có vàng, nhũ hương và mộc dược; nhưng chúng ta có lễ vật quý giá mà Chúa ưa thích, chính là tâm hồn rộng mở, tín thác, lòng cậy trông kiên vững sắt son, và tâm tình yêu mến dạt dào, biết sẵn sàng tha thứ, bao dung như Chúa hằng xót thương. Có thể chúng ta chẳng có vàng, nhũ hương, mộc dược, nhưng có con tim chân thành đón nhận Thánh ý Chúa, nhận ra điều Chúa muốn, đó là: “…trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3, 6).
Cầu nguyện:
Tạ ơn Chúa đã tỏ mình
Chẳng hề xem nhẹ, coi khinh muôn người.
Chỉ qua ánh mắt nụ cười
Lòng đầy cảm mến, khắp nơi chan hoà.
Vàng, bạc, nhũ hương con không
Nhưng dâng kính Chúa tấm lòng sắt son
. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 4
ÁNH SAO TOẢ CHIẾU, CHỨ KHÔNG VỤT TẮT
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta mừng kính lễ Hiển Linh (tên thường gọi là lễ Ba Vua). Như chúng ta biết, ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ gói gọn cho dân Do Thái, mà còn được biểu lộ cho toàn thể nhân loại: “…sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi” (x. Is 60, 1). Ba nhà chiêm tinh (hoặc Ba Vua) từ Đông phương xa xôi có lẽ khác biệt về tôn giáo, văn hoá và ngôn ngữ, nhưng họ được Thiên Chúa tỏ lộ dẫn đường qua ngôi sao lạ. Thật xúc động biết bao khi họ biết mở lòng đón lấy, nhận ra thánh ý Chúa qua tạo vật, qua sở trường hay chuyên môn…của họ.
Theo ngôi sao lạ, rảo bước lên đường như Ba Vua đến chầu Chúa Hài Nhi “…kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng…” (Mt 2, 9-10), chúng ta cùng nhau tự hỏi bản thân: Ánh sao đời mình là gì/là ai? ‘Ngôi sao’ đời tôi là gì/là ai?
Đối với một số bạn trẻ ngày nay, ‘ngôi sao’ của họ là những ca sỹ, diễn viên điện ảnh, nghệ sỹ trong giới nghệ thuật, cầu thủ nổi tiếng, các doanh nhân ‘ngân khoản đầy tiền, tiếng tăm nổi đình nổi đám’…đến mức khiến các bạn quên cả việc ăn uống - ngủ nghỉ - học hành, hầu chạy theo xu hướng thời thượng của thần tượng mình. Trong thời gian qua, trước khi đại dịch và kể cả sau thời gian bình thường mới, chúng ta chứng kiến biết bao cảnh fan cuồng khóc thét khi gặp “ngôi sao”, và vô số biến cố hy hữu xảy ra. Đơn cử một ví dụ cụ thể: vì mê muội nhóm nhạc K-pop (nhạc pop Hàn Quốc), cô gái trẻ đòi đi xem trực tiếp cho bằng được khi nhóm này đến Sài Gòn lưu diễn. Nghe vậy, ông bố không đồng tình; nhưng bất chấp điều ấy, cô tuyên bố dõng dạc với bố rằng: ‘Con cần ban nhạc này hơn gia đình mình!’ Câu trả lời này khiến ông bố buồn bã như thể chết lặng đi!
Quả thật, sở thích ban nhạc, mến mộ ca sỹ hoặc diễn viên không phải là xấu, nhưng nếu chẳng may tôn họ lên làm ‘chúa/thần’ của đời mình hay đánh đổi tất cả để chạy theo họ thì hành vi ấy chẳng tốt đẹp gì. Hơn nữa, đối với một số khác, ‘ngôi sao’ cuộc đời họ lại là tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền cao chức trọng, danh giá, đam mê thú vui, ‘cái bụng’, ‘cái tôi’ của họ! Dù biết rằng những thứ này chẳng phải là cùng đích tối hậu, nhưng trong thực tế, họ để chúng trở nên ‘ông chủ/thần/chúa’ chi phối, điều khiển mọi phương diện cuộc đời họ.
Trong đời người, qua các dấu chỉ thời đại, có biết bao ‘ngôi sao’ đang hiện diện bên cạnh mà chúng ta chẳng hề hay biết, hoặc không chút đoái hoài. Những ‘ngôi sao’ này có thể không sáng chói như chúng ta mường tượng, nhưng lại trợ lực, giúp sức và hữu ích cho cuộc đời chúng ta dường nào. Đó có thể là anh chị em trong gia đình, vợ chồng-con cái, bạn hữu, thầy cô, cha xứ, các sơ, hội đoàn cầu nguyện-bác ái, và hết thảy những ai đồng hành với chúng ta. Trong mối tương quan phu thê, đã bao giờ chồng nói với vợ: Em là ánh sao của đời anh!? Hoặc vợ nói với chồng: Anh là ngôi sao sáng của đời em!? Trong tương quan với cha mẹ, con cái đã từng nói: Bố mẹ chính là ánh sao của cuộc đời con!? Tương tự trong cộng đoàn, hội dòng, giáo xứ; hay chúng ta chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, sai phạm của nhau, những điều thiếu sót của nhau để chỉ trích, lên án…?
Một khi nhận ra ‘ngôi sao’ hay ‘ánh sao’ đời mình rồi, chúng ta được mời gọi trở nên ‘ánh sao’ trong đời, qua gương lành thánh thiện, qua cách sống hiền hoà, tử tế, bác ái, vị tha, qua lời ăn tiếng nói, cách hành xử, đối nhân xử thế, qua cử chỉ yêu thương, biết ơn, trân trọng anh chị em như lời trần tình của Thánh Phao-lô Tông đồ: “Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh (chị) em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết…” (x. Ep 3, 2-3). Sau cùng, ý thức mỗi người cũng được mời gọi trở nên ‘ánh sao’ trong đời, chúng ta phải luôn biết chiếu sáng. Vì chưng, ánh sao vụt tắt, không chiếu rạng thì sẽ chẳng có ích lợi gì. Cũng như ánh sáng, ‘ngôi sao’ phải toả chiếu; tương tự muối mặn để ướp, chứ một khi mất vị mặn thì chỉ bị đổ đi, hoặc bị vứt đi mà thôi.
Để kết thúc bài chia sẻ này, xin mạn phép mượn lời thơ của thi sỹ Tô-ma S. Ê-li-ốt (Thomas Stearns Eliot [1888-1965]) để cùng với quý cộng đoàn, chúng ta nguyện cầu:

‘Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng giữa trời,
thì hãy trở nên ánh lửa bập bùng trên non cao!
Nếu bạn không thể là ánh lửa bập bùng trên non cao,
Xin hãy làm ánh nến toả chiếu trong gia đình!’ Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 5
Dùng khả năng và khoa học để tìm kiếm Chúa
(Mt 2, 1-12)

Lễ Hiển Linh “Epiphaino” được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh, là một trong những lễ trọng lâu đời nhất trong niên lịch Kitô giáo. Được nhiều người biết đến với tên gọi là lễ Ba Vua, và do các truyền thống đi kèm, lễ này chủ yếu cử hành việc Đức Kitô Cứu Thế xuất hiện, tỏ mình cho thế gian, với tư cách là Thiên Chúa, Con Người và là Vua. Lễ Hiển Linh cử hành biến cố ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Hài Đồng (Mt 2, 1-12).
Lễ Hiển Linh “Epiphaino” có ý nghĩa quan trọng là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, tự làm cho mình có thể trông thấy được qua các Đạo Sĩ.
Lễ Hiển Linh cũng mạc khải cho nhân loại biết về thần tính của Đức Giêsu Con Thiên Chua làm người. Người là Vua, là Thiên Chúa được biểu lộ qua 3 lễ vật mà các Đạo Sĩ tiến dâng: Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược.
Các Đạo Sĩ đến quỳ gối trước vị vua mà quyền năng bao trùm vạn vật; không phải bằng quân đội và vinh quang cá nhân mà bằng tình yêu vô bờ qua việc phục vụ và tự hiến chính mình, dâng cho Chúa Hài Nhi Vàng. Khi dâng Vàng, các Đạo sĩ nhìn nhận vương quyền của Đức Kitô, hậu duệ cuối cùng của giòng dõi Đavít, như ngôn sứ Isai đã tiên báo: “Một chồi non sẽ trồi ra từ gốc Giesê, một mầm non sẽ mọc lên từ cội rễ ấy, Thánh Thần của Yavê sẽ ngự trên vị này …” (Is 11, 1-2).
Các Đạo Sĩ cũng dâng cho Chúa Trầm Hương là họ đã nhìn nhận thiên tính của Đức Kitô ngay từ khi hạ sinh. Hương Trầm bay toả lên cao ngụ ý muốn nói: Vương quốc của Chúa Kitô không thuộc về thế gian này, như Chúa Giêsu đã tuyên bố với Philatô trong cuộc thẩm vấn. Quyền lực mà Chúa Giêsu Kitô có được là do Chúa Cha ban cho và đó là ý nghĩa của lễ dâng trầm hương vì sản vật này dành riêng cho Thiên Chúa trong các nghi lễ tại Đền Thờ.
Thế còn Mộc Dược?  Mộc Dược, thứ hương liệu dùng để băng bó vết thương và tẩm liệm xác chết. Khi nhập thể, quả thật Con Thiên Chúa đã hoàn toàn thông phần vào kiếp con người, chia sẻ vận mệnh của mỗi người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, ngoại trừ tội lỗi, mà không cần sử dụng đến quyền năng Thiên Chúa. Nên khi dâng Chúa Hài Đồng Mộc Dược là họ tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Các Đạo Sĩ là ba người ngoài Do Thái, được coi là dân ngoại nhưng đã tìm hiểu và tin nhận Chúa Giêsu là Chúa của mình. Vì thế ngày lễ này được coi là ngày lễ của niềm tin.
Tin Mừng chẳng nói thêm gì về các Đạo Sĩ, ngoài việc nói họ đến từ phương Đông. Người ta thường cho rằng họ là các thành viên của một trong sáu giai cấp của xứ Ba Tư cổ xưa. Vừa là tư tế, nhà thiên văn và chiêm tinh, những người có học thức cao này không chỉ phục vụ cho tôn giáo mình mà họ biết rõ các nghi lễ và thực hành, nhưng họ cũng có kiến thức về khoa học rất rộng, nhất là thiên văn, chuyên giải thích các giấc mộng và những dấu hiệu thiên văn. Trong nhiều xứ sở, họ là cố vấn của triều đình.
Đối với các Đạo sĩ này, sự xuất hiện trên trời một hiện tượng thiên văn bất thường (như sao chổi hay sự giao nhau của các hành tinh) là dấu hiệu của một biến cố lịch sử quan trọng như ngày sinh của một nhân vật hàng đầu. Thật vậy, ý tưởng rất phổ thông trong thế giới cổ đại là có một sự tương quan giữa con người và vị trí của những vì sao nào đó ở trên trời.
Thánh sử Matthêu không nêu con số chính xác các Đạo sĩ, cũng không nói họ là vua. Trong các bức hoạ hay tranh ghép cổ thời, người ta vẽ hai, ba, bốn ông hay nhiều hơn thế nữa, các Kitô hữu ở phương Đông quen tính đến hơn chục ông. Con số ba theo truyền thống chắc chắn là do ba lễ vật dâng lên cho Chúa Kitô. Ta cũng có thể thấy sự lựa chọn con số này biểu trưng cho Ba Ngôi. Về việc trình bày các Đạo sĩ như là những vị vua, cưỡi trên lưng lạc đà, đầu đội vương miện, có cả đoàn tuỳ tùng đi theo, hình ảnh này là do ngôn sứ Isai đã loan báo rằng người ta sẽ thấy các vị vua lên đường đến thờ lạy Thiên Chúa thật tại Giêrusalem: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước (…) Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha; tất cả những người từ Saba kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Chúa” (Is 60, 1-6).
Mừng lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta, những con người ở thời đại công nghệ với sự phát triển đột phá về trí tuệ nhân tạo học ở nơi các nhà Đạo Sĩ. Họ là những người thông thái, học thức. Họ đã dùng khối óc và con tim, cùng với ơn Chúa ban và chuyên chăm học hỏi mà có được. Họ tính toán để khám phá ra Ngôi Sao xuất. Họ can đảm cất bước lên đường tìm đến đến Bêlem để thờ lạy Chúa Hài Nhi là Vua thật cả và trời đất, là Thiên Chúa thật và là người thật, đó là hành trình của các Đạo sĩ.
Việc các Đạo sĩ đến Bêlem để thờ lạy Chúa Hài Nhi dạy chúng ta phải biết kiếm tìm Thiên Chúa bằng cả khối óc lẫn con tim. Kiến thức của mình thôi chưa đủ. Như các Đạo Sĩ, họ còn dò hỏi các luật sĩ và tiến sĩ Luật, các nhà chuyên môn về Kinh Thánh là chính Mạc Khải của Thiên Chúa. Cũng thế, kiến thức của chúng ta không đủ để giải thích tất cả: chúng ta cần phải đọc Kinh Thánh, lắng nghe các ngôn sứ, cả thời xưa lẫn thời nay, để nhờ đó, chúng ta có thể nhận biết khuôn mặt thật của Thiên Chúa và tình yêu Ngài mang đến cho mọi loài thụ tạo. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 6
Lên Đường Tìm Thiên Chúa
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại hành trình của các nhà chiêm tinh, thành tâm đi tìm Hài Nhi Giêsu, vị vua Do Thái mới sinh. Họ từ phương đông lặn lội đến Giêrusalem tìm hỏi, chỉ nhờ một ngôi sao dẫn đường. Với sự kiện ba nhà đạo sĩ đi tìm và gặp Chúa Hài Nhi, chứng tỏ Thiên Chúa đã tỏ mình ra không chỉ cho các mục đồng trong ngày giáng thế, mà Chúa còn tỏ mình cho các dân ngoại, cho tất cả mọi người, không loại trừ ai, không phân biệt màu da sắc tộc.
Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2, 2b). Sự khao khát mãnh liệt được thúc đẩy từ bên trong, khiến các nhà đạo sĩ khao khát tìm kiếm, không gì ngăn cản được, họ quyết tâm mò mẫm lên đường theo dấu chỉ từ ngôi sao lạ. Họ trung thành đi theo ánh sao, dù khi trèo đèo lội suối, lúc gặp đường gai góc quanh co, chắc sẽ có lúc như ngõ cụt, bế tắc, hoặc bóng tối đêm đen, nhưng họ không chán nản, vẫn bền chí trung kiên, cho đến đích cuối cùng nơi Hài Nhi ở: “họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”. (Mt 2,10). Đây là bài học lớn cho chúng con trong hành trình tìm và bước theo Chúa. Lắm khi cuộc đời gặp sóng gió nổi trôi, thất bại, niềm tin bị lung lay... Nếu chúng con biết tìm đến với Chúa, ánh sáng của Chúa sẽ chiếu soi giúp chúng con biết đi theo đúng đường ngay nẻo chính.
Nhưng ngày nay đâu là ánh sao để chúng con dõi bước tìm theo? Trong Thánh lễ, nơi Lời Chúa và Thánh Thể, trong các Bí tích, giờ kinh Phụng vụ, giờ cầu nguyện riêng và cả những người có kinh nghiệm chỉ lối hướng dẫn, là như ánh sao để chúng con tìm về bước theo. Khi xưa ba nhà đạo sĩ đã phải nhờ đến các vị lãnh đạo tôn giáo, để tìm hiểu và nhận ra đúng địa chỉ mà sách ngôn sứ đã báo trước trong Kinh Thánh.
Lạy Chúa! ngày nay chúng con cũng được mời gọi lên đường tìm kiếm và gặp gỡ Chúa. Ba nhà đạo sĩ đã thờ lạy và dâng Chúa Hài Nhi những của lễ cao quý. Khi chúng con được gặp gỡ Chúa, xin cho chúng con biết hiến dâng tất cả những gì tốt đẹp, cao quý mà chúng con có được. Bằng cả đời sống theo ơn Chúa, chúng con sẽ trổ sinh những hoa trái tốt lành, khởi đi từ những nghĩa cử đẹp, lòng nhân hậu, quảng đại sẻ chia, để vinh quang Chúa được tỏ hiện rõ trong cuộc đời chúng con. Amen.
Én Nhỏ   
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log