Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ dân Chúa! Mỗi khi Giáng Sinh về, từng giáo xứ, nhà nhà bắt đầu dành thời giờ làm hang đá. Dù hang đá có hoành tráng hay đơn sơ, có lấp lánh ánh đèn bừng sáng hay chỉ lung linh huyền ảo, có to lớn hay nhỏ bé đi chăng nữa, thì không thể thiếu bộ tượng Thánh Gia Thất: Chúa Giê-su Hài Đồng nằm giang tay, Mẹ Maria và Thánh Cả Giu-se cung kính bái quỳ bên Con Chúa. Ngoài ra, đâu đó nơi hang đá có một dòng chữ “Em-ma-nu-el - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” nữa!
Chắc hẳn, trong mỗi chúng ta đều nghe đến và hiểu dòng chữ này, đặc biệt khi chờ trông, dọn lòng đón Chúa Hài Nhi giáng trần cứu chuộc nhân loại. Danh xưng “Em-ma-nu-el - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” không những xuất hiện trong Tân Ước mà đã được nhắc tới trong Cựu Ước khi nói đến một vị Thiên Chúa có tính nhân vị, hằng hữu và luôn ở cùng với Dân của Ngài. Tuy nhiên, danh xưng này được cảm nhận rõ rệt, cụ thể qua Con Một Thiên Chúa được sinh hạ bởi một người phụ nữ vẹn tuyền khiết trinh Ma-ri-a tại Bê-lem, quê hương Vua Đa-vít mà đã được tiên tri loan báo từ lâu “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-el” (Is 7, 14). Và lời tiên tri phán xưa đã được ứng nghiệm hầu hoàn tất Lời Chúa và chương trình Cứu độ của Ngài “…người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1, 22-23)
Nói như Thánh Phao-lô Tông Đồ, Thiên Chúa là người nhất quán, tín trung, thực hiện lời hứa cứu độ của Ngài. Thiên Chúa sống đúng với danh xưng “Em-ma-nu-en - Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài chẳng bao giờ bỏ quên chúng ta; Ngài chẳng loại chúng ta ra khỏi ý định cứu độ của Ngài; và như lời xác tín gửi cho giáo đoàn Rô-ma “…theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày…” (x. Rm 16, 25-26)
Thật vậy, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” trong mọi biến cố cuộc đời: vui mừng hay buồn tủi, thành công hay thất bại, tín thác hay nghi ngờ, thịnh vượng hay suy vong, hạnh phúc hay bất hạnh, mở lòng đón nhận hay khép kín cô độc, lúc mạnh khoẻ hay bệnh tật, khi thuận lợi hay bất lợi, những lúc được hẫu thuận hay bị chống đối…Về phần chúng ta, dường như chúng ta chưa cảm nhận sâu xa về điều này; hoặc vì nhiều nỗi lo toan cuộc sống, bôn ba công việc, kiếm kế sinh nhai, lo hoà nhập vào xã hội, hay đang đi tìm chỗ đứng trong xã hội, mà làm cho đôi mắt đức tin chúng ta trở nên mờ căm trước sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta!
Trong tinh thần Mùa Vọng - dịp thuận lơi, khoảnh khắc vô giá cho mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân, hết lòng ăn năn, sám hối, dọn lòng đón mừng Chúa Hài Đồng sinh lại nơi tâm hồn, nơi gia đình, nơi cộng đoàn, giáo xứ, xã hội và cả thế giới đầy những sự bất an này. Hơn nữa, đây cũng là thời cơ vắn vỏi cho mỗi người chúng ta đến với Chúa, sống cùng với Chúa trong mọi trạng huống cuộc đời. Con người chúng ta thường chỉ nhận ra sự cần thiết của việc chạy đến với Chúa mỗi khi gặp khó khăn, gian nan, hay gặp những nỗi buồn chán, mà quên trở về bên Chúa nép vào lòng Ngài những lúc vui tươi, thành công hay hạnh phúc! Chúng ta không quên noi theo gương Mẹ Ma-ri-a sẵn sàng đáp lời “xin vâng” với Chúa, ngay cả thời khắc sợ hãi, hay đứng trước nguy cơ rủi ro, khi chưa hiểu thấu chương trình và ý định của Ngài, “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (x. Lc 1, 38)
Hơn nữa, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” và Ngài cũng ở cùng với anh chị em chúng ta nữa. Vì thế, mỗi khi chúng ta sống trong sự hiện diện của Chúa, sống kết hiệp với Chúa mọi giây phút, thì chúng ta cũng được mời gọi sống với anh chị em trong gia đình, lối xóm, cộng đoàn giáo xứ nữa. Thiết nghĩ, chẳng ai sống kết hợp với Chúa mọi lúc mà lại xa lánh tha nhân, anh chị em mình mà chính nơi họ “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đang hiện diện cả! Hình ảnh “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” được bộc lộ cụ thể, rõ nét nơi mọi hành vi, lời nói, cử chỉ, tư tưởng của chúng ta; đặc biệt, trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta chọn cho mình một quyết tâm mà bấy lâu nay chúng ta chưa thực hiện được. Có thể chúng ta chọn tha thứ cho ai đó vì Giáng Sinh là mùa để thứ tha; hoặc chúng ta làm hoà với một ai đó vì Giáng Sinh là thời gian để giao hoà; và trên hết Giáng Sinh là Mùa hồng ân, nơi đó “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” tỏ hiện nơi xác phàm, ngõ hầu cứu độ chúng ta.
Giờ đây, chúng ta cùng lắng đọng ít phút trước Chúa Tình Yêu và thầm thỉ nguyện rằng:
Em-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Xin thương ân ban luôn được bên Chúa
Em-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Ra đi chia san, phó dâng trọn đời. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 4
Điều Chúa muốn
(Lc 1, 26 - 38)
Bước vào Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng, trước lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, bài đọc trích trong sách Samuen và đoạn Tin Mừng Luca (1,26-38) hé mở cho chúng ta thấy điều Chúa muốn (2 Sm 7, 1-5. 8b-12. 14a. 16).
Hỏi Thiên Chúa muốn gì?
Thưa: Thiên Chúa muốn sinh ra làm người. Ngài muốn đời sống con người thật đáng sống.
Chuyện Đa-vít muốn xây Đền
Đa-vít, từ một cậu bé chăn chiên ngoài đồng, được Thiên Chúa chọn, gọi và đặt lên làm vua chăn dắt dân Israel. Đến khi bình yên tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh, ở trong cung điện tráng lệ, ông nhìn thấy Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời ở trong lều vải thì ngỏ lời cùng tiên tri Na-than là muốn xây đền thờ, một nơi xứng đáng để Thiên Chúa ngự. Đa-vít có ý tốt nhưng đó không phải là ý muốn của Chúa. Điều Chúa muốn nơi Đa-vít là: ông trở nên người chăn trung tín chăn dắt Israel dân Chúa. Đa-vít muốn xây “một nhà” cho Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại muốn dựng cho ông “một cái nhà,” tức xây dựng triều đại Đa-vít. Nhà Thiên Chúa hứa xây cho Vua Đa-vít là một dòng dõi, một vương quốc đời đời, mối quan hệ cha con và tình yêu đời đời mà Ngài dành cho Vua Đa-vít và dòng dõi của ông (x. 2 Sm 7, 12-14). Ba lần Thiên Chúa phán: Nhà Đa-vít và vương quốc của ông sẽ bền vững đời đời (x. 2 Sm 7, 13. 16). Và qua tiên tri Na-than, Chúa cho biết Đa-vít không phải là người xây dựng đền thờ cho Chúa. Tại sao vậy? Thưa: Vì công việc chính của Đa-vít là hoàn thành việc chinh phục đất hứa mà ông Giô-suê đã bắt đầu từ nhiều năm trước; thứ đến, tay của Vua Đa-vít đã làm đổ máu nhiều nên không xứng hợp để xây đền thờ cho Đức Chúa Trời (1 Sb 22,8; 28,3). Hơn nữa, vấn đề xây đền thờ và khi nào xây là do Chúa quyết định chứ không phải Đa-vít hay bất cứ người nào. Như vậy, Thiên Chúa muốn đời sống con người thật đáng sống.
Chọn Đức Maria làm mẹ
Tin Mừng Luca đưa chúng ta về với biến cố truyền tin diễn ra nơi khung cảnh miền quê Nagiarét. Khởi đầu câu chuyện vĩ đại đã tồn tại trong lịch sử loài người bằng câu: “Khi ấy…”. “Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1 , 26-27).
Tin Mừng đề cập đến hình ảnh một người nữ tuyệt vời của nhân loại, Thiên Chúa đã chọn người nữ ấy làm Đền Thờ của Ngài, làm nơi ẩn náu của Ngôi Hai giáng trần, làm ngôi nhà của Thiên Chúa. Bài đọc một trong sách Samuen trở nên nền tảng giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng sâu hơn: Thiên Chúa muốn tấm lòng của mỗi người chúng ta, Thiên Chúa cần nơi chúng ta sự thành tín, thủy chung và thuộc về Thiên Chúa, chỉ mình Thiên Chúa mà thôi.
Xây đền thờ to lớn sẽ là vô ích nếu chúng ta không xây tâm hồn mình nên Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự, xây đền thờ sang trọng sẽ là vô ích nếu lòng ta không thủy chung với Thiên Chúa, không thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn.
Đức Maria, người thôn nữ khiêm hạ miền Nagiarét nghe những lời trên của Sứ Thần Gabriel đã không khỏi kinh ngạc. Maria còn đồng trinh mà nay Thiên Chúa lại muốn Maria làm mẹ, nên hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến người nam!” (Lc 1, 34). Trong sự đơn sơ, Maria không hoài nghi quyền năng của Thiên Chúa nhưng muốn hiểu ý định của Chúa hơn, hầu sống trọn ý Chúa. Băn khoăn của Maria được Sứ Thần giải thích, việc giữ mình khiết trinh với việc mang thai Đấng Cứu Thế không có gì là mâu thuẫn, lý do: “Không có việc gì mà Chúa không làm được”. Hiểu được ý Chúa, Maria đã mở lòng mình ra, sẵn sàng cộng tác vào công trình của Thiên Chúa và cất tiếng “xin vâng”. Lập tức “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Vậy, Thiên Chúa muốn sinh ra làm người.
Hãy là người xứng đáng để đón rước Chúa
Thiên Chúa muốn đến ở cùng chúng ta, Ngài đến để sống với con người, Ngài chọn cư ngụ trên trái đất để ở lại với con người, để sống tại nơi con người vẫn sống trong niềm vui hay nỗi buồn. Vì thế, Trái đất không còn là ‘thung lũng đầy nước mắt’ nữa mà là nơi Thiên Chúa đến cắm lều, gặp gỡ con người, là nơi Thiên Chúa liên đới với con người.
Khi sinh ra trong cảnh khó nghèo tại Bêlem, Chúa Giêsu đã muốn trở thành bạn đồng hành với mỗi người chúng ta, giúp chúng ta nhận thấy mình được yêu thương và được đón nhận; khám phá mình có phẩm vị quý giá và duy nhất trước nhan Ðấng Tạo Hoá.
Con Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé, đến độ vào được trong máng cỏ. Người trở nên trẻ thơ để dạy chúng ta yêu thương những trẻ thơ và những kẻ yếu đuối, những em đang đau khổ và bị lạm dụng trên thế giới, những em đã được sinh ra cũng như những trẻ không được sinh ra. Người dạy chúng ta nhìn đến những trẻ bị đưa vào trong thế giới của bạo lực, như làm lính, phải đi ăn xin, phải khổ vì nghèo vì đói, những trẻ em không được hưởng chút tình thương. Chúa Giêsu được sinh ra là minh chứng cho thấy Thiên Chúa đứng về phía con người, một lần và mãi mãi, để cứu chúng ta và nâng chúng ta lên khỏi bụi bặm của khổ đau, của khó khăn và tội lỗi chúng ta”.
Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa ở cùng, ấy là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khổ nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền...
Lạy Chúa là Chúa chúng con, chúng con hướng mắt nhìn về Chúa. Xin cho ý Chúa muốn thực hiện nơi chúng con. Amen.
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy niệm 5
Tiếng xin vâng của Mẹ
2Sm 7,1-5.8b-12.14a-16; Rm 16, 25-27; Lc 1, 26-38
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Sứ Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria chịu thai Đấng Cứu Thế. Nhờ lời thưa “xin vâng” của Mẹ như chìa khóa mở cửa nguồn ơn Cứu Độ. Từ đây, chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện, tiếng xin vâng của Mẹ thay đổi cả thế giới, ơn Cứu Độ được ban xuống cho nhân loại.
Mẹ quá ư tuyệt vời, chẳng vậy lời đầu tiên sứ thần Gabriel mang đến tặng Mẹ là: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Mẹ đơn sơ khiêm hạ, nên bối rối trước lời khen tặng ấy. Lúc đầu Mẹ cũng phản ứng cách tự nhiên theo lẽ thường mà thắc mắc theo sự hiểu biết của con người: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đã cắt nghĩa và chứng minh rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được. Mẹ là Đấng đầy ân sủng và luôn “có Chúa ở cùng”, nên Mẹ đã để Chúa làm chứ không nhìn vào sức mình, mà can đảm liều mình đáp lời với hai tiếng “xin vâng” làm đổi thay cho cả thế giới. Mẹ đã mềm lòng ra để cho Chúa “chiếm đoạt”: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà”. Ngày nay trước sứ vụ hay những công việc lớn nhỏ, chúng con thường chỉ nhìn vào sức mình nên sợ và chối đay đảy. Nhưng một khi có Chúa ở với thì “phận nữ tỳ” trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng vậy, dù là tạo vật hèn kém, bất xứng nhưng có Chúa ở cùng, chúng con sẽ thành chi thể, bạn hữu và anh em của Người.
Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng con cũng được Đấng Emmanuel ở với chúng con, chúng con phải làm sao để Đấng ấy được lớn lên trong chúng con. Ngày nay con vẫn luôn hát bài ca “Xin vâng” của Mẹ. Lúc hát thì có vẻ dễ dàng, hăng hái như “thuộc lòng” hai tiếng “xin vâng” tự bao giờ. Khi vui vẻ hạnh phúc thì cũng dễ dàng nói lớn hai tiếng “xin vâng”. Vậy mà trong những lúc gặp khó khăn, biến cố nghịch cảnh, thất bại… con lại thấy khó làm sao khi thưa lên hai tiếng ấy cách hăng hái thật lòng. Làm sao con học với Mẹ đây? Trọn cuộc đời Mẹ chỉ hai tiếng “xin vâng” trước mọi biến cố trong đời. Mẹ xin vâng trong biến cố Truyền Tin hôm nay, xin vâng khi đem con đi trốn, khi lạc mất con… nhất là khi đứng dưới chân thập giá.
Mẹ ơi! nhờ tiếng “xin vâng” của Mẹ mà nhân loại chúng con được phúc “đổi đời”! Con nức lòng biết ơn và cám ơn Mẹ, vì nhờ Mẹ mà nay con có Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng Emmanuel, để con mãi được “ở với” Ngài. Xin Mẹ dạy con sống với Chúa Giêsu Thánh Thể như Mẹ, nhờ Mẹ với Mẹ và trong Mẹ, giữa cuộc đời trần tục đầy sóng gió của con.
Én Nhỏ