Thứ sáu, 22/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật I Mùa vọng năm B

Cập nhật lúc 19:33 30/11/2023
Suy niệm 1
Sẵn sàng đón Chúa
(Mc 13, 33 – 37)
Chúa cho loài người biết trước nhiều điều.
1. Người làm ruộng biết trước ngày nào lúa chín vàng. Anh chuẩn bị liềm hái để thu hoạch, sân sạch và khô để phơi lúa, bồ và cót để chứa lúa.
2. Bà bầu biết trước ngày cho con ra chào đời. Bà chuẩn bị nôi, khăn, tã để chăm sóc con.
3. Bà hậu cần biết giờ nào cơm, canh chín, để báo cho mọi người trong nhà đến ăn cơm cho ngon miệng.
4. Nhà khoa học đoán trước được thời tiết, để báo cho người đánh cá ngoài khơi biết khi nào nên ra khơi, khi nào không nên ra khơi, để đánh cá và để tránh chìm tàu.
Nhưng có một điều rất lạ, là Chúa không cho ta biết ngày nào, giờ nào sẽ nhắm mắt lìa đời. Bác sĩ giỏi nhất chữa được bao nhiêu bệnh. Nhưng giờ chết của bất cứ người nào, bác sĩ giơ tay đầu hàng.
Chúa không cho ta biết giờ chết, nhưng yêu cầu ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng thế nào là sẵn sàng đón Chúa?
Sẵn sàng đến lớp là phải thuộc bài.
Sẵn sàng nấu cơm là phải có gạo, rau, cá, thịt…
Còn sẵn sàng đón Chúa, tức là chết thì:
  • Một là luôn luôn sống tốt: ăn tốt là ăn cho đàng hoàng, ăn để sống khỏe; chơi cho tốt là chơi cho giỏi, cho đẹp;…
  • Nhưng đặc biệt là luôn luôn làm việc thiện: giúp người nghèo, an ủi người buồn phiền, người thất bại…
Như vậy, dù chết lúc nào cũng là được trở về với Chúa, sống hạnh  phúc muôn đời.
Một câu chuyện vui về việc sẵn sàng cho ngày Chúa đến.
Mẹ Têrêsa Calcutta được thế giới tôn vinh là người đàn bà vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Do đâu mà có một mẹ Têrêsa vĩ đại như thế? Có người ngẫm nghĩ và điều tra đã trả lời rằng: vì mẹ Têrêsa Calcutta có một người mẹ tuyệt vời.
Khi Têrêsa còn bé, mỗi buổi sáng được mẹ trao cho một mớ tiền với lời dặn tha thiết: “mẹ cho con tiền, nhưng khi vào căng tin uống nước và ăn bánh, con phải rủ một bạn nghèo cùng ăn, cùng uống với con”. Lời dặn của mẹ ghi sâu vào tâm não của bé Têrêsa. Têrêsa đã thi hành lời dặn ấy của mẹ suốt đời. Lớn lên Têrêsa tha thiết yêu người nghèo. Suốt đời chỉ biết lo cho người nghèo.
Thế là thế giới có một người đàn bà vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Đó là người sẵn sàng đúng nhất mà Chúa hằng mong ước.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 2
TỈNH THỨC
Mc 13, 33-37
Cuộc sống có nhiều điều chúng ta phải chờ đợi. Có những chờ đợi nặng nề, căng thẳng, và làm ta lo âu, sợ sệt, vì không biết sẽ ra sao, có những hệ quả như thế nào? Nhưng cũng có những cuộc đợi chờ đầy thú vị và rất ý nghĩa trong đời, như đợi người yêu trở về từ nơi xa; như cha mẹ chờ con sớm đỗ đạt thành tài. Tuổi trẻ là tuổi của ước mơ và đợi chờ. Mơ ước càng cao càng phải phấn đấu; đợi càng lâu càng phải kiên trì. Sống là biết chờ đợi, và chờ đợi làm thành cuộc sống.
Mùa Vọng, mùa sống với tâm tình chờ đợi Chúa đến. Thật ra, Chúa đã đến và vẫn đang đến trong mọi nỗi vui buồn, trong mọi biến cố lớn nhỏ của đời sống ta. Nhưng ở đây, việc vô cùng hệ trọng là Chúa sẽ đến trong vinh quang mai ngày. Có lẽ ít ai ý thức về điều này, nhất là giới trẻ, vì thấy ngày giờ Chúa đến quá thiêng liêng, xa xăm, nên chỉ quan tâm những điều thiết thực và cấp bách mà mình đang mong đợi ngay trong cuộc sống này. Khi sống quá thực dụng, nên ta dễ đánh mất mục đích sống của đời mình, không biết mình đang sống cho ai vì ai? Đang đi đâu, về đâu? Chính vì vậy, mà Kitô hữu cần tỉnh thức, canh thức, để đón đợi giờ Chúa đến, vì Ngài đến bất thình lình.
Bổn phận người đầy tớ là phải tỉnh thức thâu đêm để chờ đợi chủ trở về. Chờ đợi không phải là ngồi khoanh tay bó gối một cách thụ động, vô hồn, nhưng là thái độ và tính cách của người đang thi hành sứ mạng được giao phó: sứ mạng là con cái Thiên Chúa, là môn đệ Đức Kitô.Để chu toàn sứ mạng này, thái độ cơ bản là đừng để mình bị ngủ mê trong những lo toan và bon chen danh lợi. Ngoài ra, cuộc sống vẫn đầy những thứ gây nghiện. Ma túy là mối đe dọa giới trẻ hôm nay, nhưng ma túy đâu phải chỉ là bạch phiến, hay cần sa,mà còn là tiếng tăm danh giá, tiền bạc của cải và đam mê lạc thú. Những thứ đó dễ gây nghiện nặng nề và biến con người thành nô lệ cho chính mình.
Từ ngữ tỉnh thức được lập lại 12 lần trong Tân Ước, tượng trưng cho con số thập toàn của 12 tháng trong năm, mời gọi ta hãy cảnh giác mình trong từng ngày, trong từng tư tưởng, lời nói, việc làm, để sống thiện hảo bằng tình yêu mến. Như vậy, tỉnh thức là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, là chính bổn phận của mình trong mọi tương quan. Mà tương quan trước tiên là mối liên hệ mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện, để từ đó ta có thể kín múc được sức sống thần linh, và đem lại sự an lành cho những người chung quanh mình hằng ngày.
Tâm trí ta thường lơ đãng, lo nghĩ về nhiều thứ, xác một nơi hồn một nẻo, nên tâm không yên, trí không ổn. Cứ mong cho mọi sự theo ý mình, buồn lòng vì người này, khổ tâm vì người kia, chán nản vì điều nọ. Sống như vậy thì khó mà tỉnh thức, vì đã đánh mất tập trung vào hiện tại, khiến cho nguồn lực trong ta bị phân tán, năng lực bị phát tán. Những xáo trộn ngổn ngang sẽ kích hoạt trí tưởng tượng mạnh hơn, các sung năng sôi động hơn, tâm hệ bị lay chuyển nguy hại hơn, không còn khả năng cảm nếm hay nghe thấy điều gì khác hơn. Khổng Tử nói lên tình trạng đó như sau: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” (tâm không yên thì có nhìn cũng không thấy, có nghe cũng không hiểu, có ăn cũng không biết mùi vị). Và như vậy ta không hề sống cuộc đời mình, và có thể đánh mất chính mình.
Hiện tại (present) là một món quà (present) Chúa ban tặng. Đức tin luôn ở thì hiện tại (Dt 11,1), vì Thiên Chúa là Đấng luôn ở trong hiện tại. Vì thế, “Đây là lúc thuận tiệnhôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6,2b). Nếu ta đón nhận toàn tâm, toàn ý, thì hiện tại mở ra cho ta chân trời mới, khả năng mới, sức sống mới. Hiện tại có thể là vui hay buồn, may hay rủi, hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại… Những điều đó không quan trọng; quan trọng là nhận ra Chúa đang đến, đang có mặt. Hiện tại dù có cam go, khốn khó, ta vẫn cảm nhận nét bút kỳ diệu của Thiên Chúa trên những đường cong của cuộc đời. Nhờ đó ta không u mê trước mọi tình cảnh, nhưng sáng suốt trong mọi tình trạng.
“Có hai ngày trong năm ta không thể làm gì cả. Một là ngày hôm qua, hai là ngày mai. Hôm nay chính là ngày bạn hãy yêu, tin, làm, và chủ yếu là sống” (Đạt-lai Lạt-ma).Cuộc sống vật chất ngày càng cao và càng cung ứng cho ta nhiều thứ để hưởng thụ, càng dễ ru ngủ và đưa ta vào cơn mê mà không hay không biết. Là Kitô hữu, chúng ta luôn sống tỉnh thức: là giữ tâm hồn mình sạch tội, say mê phục vụ và sống cao độ tình yêu thương bác ái. Nhờ vậy, lòng trí chúng ta luôn bình an và hân hoan đợi chờ ngày Chúa đến, ngày hoàn tất những gì mà chúng ta đã tận lực sống cuộc đời mình cho Chúa và tha nhân.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa dạy con phải biết tỉnh thức luôn,
để nhận ra Chúa Đấng thường hay đến,
Đấng cao xa nhưng vẫn ở gần bên,

chính là điều mà con dễ hay quên.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới sáng suốt trong mọi tình thế,
biết xử khôn ngoan trong mọi tình trạng,
biết sống vững vàng trong mọi tình huống,
và biết linh động trong mọi tình hình.

Chỉ trong tỉnh thức,
con mới phát hiện ra Chúa trong đời,
qua mọi người và mọi lúc mọi nơi,
qua vui buồn và sướng khổ hôm nay,
qua đổi thay và biến chuyển từng ngày.

Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thoát sa lầy và cạm bẫy,
thoát cám dỗ trói buộc của thế gian,
thoát nguy nan và sự ác
lan tràn,
để con sống vững vàng và trung tín.

Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thật vui mừng bắt gặp Chúa,
đang âm thầm đến với cuộc đời con,
làm mới lại cuộc sống đã hao mòn,
để cho lòng tin mến con nên trọn.

Nhưng thực tế con lại dễ ngủ mê,
nhắm tương lai mà quên đi hiện tại
dễ lê thê với những chuyện trần thế,
theo đam mê đến quên mất nẻo về.

Chúa biếtthân con nặng nề yếu đuối,
đừng để con lầm lũi trong mê muội,
nhưng tập trung vào Chúa Đấng sẽ tới,
Đấng lòng con khao khát mãi khôn vơi. Amen.

Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 3
TỈNH THỨC và THỨC TỈNH

Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Hôm nay chúng ta cùng với Mẹ Giáo Hội bước vào Mùa Vọng, khởi đầu một năm phụng vụ mới. Khi đến thời gian này, chúng ta thường được nghe qua Lời Chúa, qua các bài giảng huấn, cũng như trong những cuộc tĩnh tâm dọn lòng đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh nơi cộng đoàn, giáo xứ, là: Hãy tỉnh thức và hãy sẵn sàng! Nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình: Thế nào là tỉnh thức? Thức tỉnh để làm gì?Thế nào là sẵn sàng và sẵn sàng cho điều gì? Hai thái độ và hành viấy có liên quan gì đến đời sống đạo, đời sống đức tin và đời sống cộng đoàn của tôi?
Trước hết, chúng ta nên biết rằng tỉnh thức không có nghĩa là thức trắng đêm không ngủ, ngồi chờ bình minh để rồi ngày hôm sau ngủ bù! Cũng không có nghĩa là: chẳng làm gì mà cứ thức chờ ai hoặc điều gì đó! Và khi nói đến thái độ và hành vi tỉnh thức này, không ít người trong chúng ta mong muốn, vì chúng ta thích ở lại trong những cơn mê muội, chìm đắm trong thói đời, dục vọng của chính mình, ngày ngày đê mê trong cơn say cho quên đi bao nỗi oán than, cơ cực của cuộc đời này!
Đây không phải là hành vi thể lý thuần tuý, mà cho bằng là một thái độ đúng đắn của đời sống đức tin, một hành vi đạo đức của việc cải hối trường kỳ, tự suy xét mình trước Chúa và mọi người tất cả bản thân chúng ta, lời ăn tiếng nói, động thái, tư tưởng, hành động cũng như những điều nên làm mà chúng ta sao lãng, thiếu sót hoặc cố ý tránh né. Lời Chúa hôm nay đánh động, thúc giục mỗi một người chúng ta, dù sống ở địa vị, bậc sống nào, hay lứa tuổi nào, v.v… thì chúng ta cũng được mời gọi tỉnh thức luôn trước tất cả những gì đi ngược lại với Lời Hằng Sống, giáo huấn của Hội Thánh, đời sống đức tin, ‘anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến’ (Mc 13, 33). Không những chúng ta được kêu mời tỉnh thức trước giờ nhắm mắt xui tay, trước ngày Cánh chung, mà chúng ta cũng phải tỉnh thức trong giây phút hiện tại, tỉnh thức trong đời sống đạo đúng nghĩa, tỉnh thức trước những thái độ khiến chúng ta xa rời Chúa và anh chị em, tỉnh thức trước hành vi vô luân, dửng dưng, xem thường đạo lý, giới răn yêu thương. Hơn nữa, tỉnh thức trước thói quen không tốt như dèm pha, xét đoán, kết án, chia rẽ, ngồi lê đôi mách, làm chứng gian, hiềm tị, ghen ghét, tự kiêu, tự mãn, khinh thường anh chị em, v.v…Người tỉnh thức và sống tỉnh thức là những ai bước đi trong ánh sáng Chúa (x. Is 2, 5) và biết mặc lấy cung cách, thái độ, hành vi, con người của chính Chúa Giê-su Ki-tô (x. Rm 13, 14; 1Cr 1, 9). Cụ thể hơn, họ là những người sống chân thật, chân thành, yêu mến, đón nhận mọi người, khiêm nhu, hạ mình và cầu tiến, không vui thoả với lời khen tặng, tâng bốc và cũng chẳng buồn khi đối diện với con người yếu hèn của chính bản thân! Họ chẳng bao giờvui thích trước những người trót lưỡi đầu môi, và cũng chẳng buồn phiền khi nghe lời nhận xét, đánh giá. Họ đặt Lời Chúa là nền tảng sống, soi chiếu vào những ngõ ngách tâm hồn họ, và để Chúa thánh hoá, biến đổi, cũng như nỗ lực sống nhân đức, sống theo đường lối của ánh sáng (x. 1Cr 1, 5-7).
Khi chia sẻ về thái độ tỉnh thức sống đạo với các anh chị em giáo dân ở những vùng thường xuyên hứng chịu cảnh thiên tai, nhân tai như các nước Châu Phi, Trung Đông và tại đất nước Nhật Bản đây, hầu hết họ không thể hiểu được, và thường có thái độ ‘sống tới đâu hay tới đó’, ‘chẳng cần biết ngày mai ra sao’ hay cứ sống cho thoả dục vọng, ước muốn của bản thân vì dường như lối suy nghĩ ‘có tỉnh thức cũng đâu tránh được thiên tai’! Một trong những xu hướng thế tục ngày nay là loại bỏ Thiên Chúa, và cung phụng chính cái tôi của mình, và với thái độ như vậy dễ đưa chúng ta rơi vào cám dỗ: chẳng còn ai mình ta, và ta cứ sống cho thoả thích. Điều này không chỉ xuất hiện ở thời đại này, mà đã nhen nhúm từ trước kia, đến nỗi Thánh Phao-lô đã khuyến cáo mạnh mẽ các tín hữu thuộc giáo đoàn Rô-ma “đêm sắp tàn, ngày gần đến…bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng…đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị” (x. Rm 13, 12-13) và Ngài khuyên răn hãy tỉnh thức trước thói đời, lối suy nghĩ trần tục ấy; hãy trở về với ân sủng, đời sống làm con Thiên Chúa, con cái ánh sáng.
Sau cùng, thái độ sống sẵn sàng, luôn chuẩn bị mỗi giây phút trong ơn thánh Chúa mọi ngày, để rồi chúng ta có thể đứng vững trước mặt Con Người, “anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng…kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc 13, 35-36). Chẳng phải khi ta không còn khoẻ nữa, ta mới lo về phần rỗi, đời sống thiêng liêng, mối tương quan với Chúa và với anh chị em! Không phải khi ta không thể nói được, không thể đi được, không thể kiểm soát được những hành động bình thường, thì ta mới tìm đến lòng vịtha, đến sự bao dung, tha thứ của Thiên Chúa, hoặc trở nên xót thương, thứ tha cho anh chị em, hay đi tìm dịp để nói lời xin lỗi, giải hoà v.v…! Chẳng phải khi ta ‘gần đất xa trời’, ta mới chạy đôn chạy đáo lo đời sống đức tin của mình! Và cũng không phải khi ta không còn thời gian nữa, thì lại hối hả, thúc bách, chạy đến cầu xin Chúa thương! Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy sống sẵn sàng trong mọi giây phút, dù vui hay buồn, dù thành công hay thất bại, dù được khen ngợi hay bị chê bai, dù thời tiết đẹp hay khắc nghiệt, dù được hậu thuẫn hay bị chống đối, dù khi hy vọng tràn trềhay rơi vào thất vọng ê chề, dù giàu có hay nghèo khó, dù vinh hoa hay tủi nhục, dù được yêu thương hay bị ghét bỏ, dù được để ý hay chẳng được đoái hoài, v.v…Trong mọi lúc, Thiên Chúa muốn chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng bước theo đường lối Ngài, thực thi Lời Ngài, mặc lấy con người Chúa Giê-su Ki-tô, đón nhận tất cả với trọn tâm hồn tín thác.
Giờ đây, chúng ta cùng nhau dành ít giây phút ngắn ngủi đặt mình trước nhan Thánh Chúa để nhìn lại cách sống, thái độ, hành vi của mỗi chúng ta hầu ta được tỉnh thức sau cơn mê dài xa rời ơn Chúa, và sẵn sàng sống đạo đức trong ân sủng Chúa giữa bao thăng trầm, trào lưu, triết thuyết hưởng thụ, những thói đời, tiêu chuẩn chóng qua của xã hội ngày nay.
Giữa thế sự trôi nhanh vội vã
Dòng đời xô đẩy ngã xa Chúa ơi!
“Hãy tỉnh thức và giữ Lời”
Sẵn sàng nghênh đón gọi mời thiết tha.
Bao lâu nay vẫn mải mê
Thức mà không tỉnh, lê thê sầu buồn.
Tỉnh nhưng chẳng thức buồn hơn
Chạy theo phù phiếm, cô đơn một mình
Giờ đây thức tỉnh hy sinh
Kiên tâm tín thác, an bình yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================

Suy niệm 4
Bắt đầu lại việc mong chờ Chúa đến

Mc 13, 33-37
Năm phụng vụ mới được bắt đầu bằng Mùa Vọng. Mùa mong chờ Chúa đến. Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mang tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.
Tâm tình của dân Cựu Ước
Các bài đọc Thánh lễ trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo.
Isaia họa lại cho chúng ta cảnh Dân Chúa sau thời lưu đày với kinh nghiệm ê chề của những năm tháng sống kiếp nô dịch nơi đất khách quê người. Họ ý thức về tội của mình. Nay họ ngước mắt trông lên Chúa và thốt lên những lời khẩn nguyện tha thiết : "Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Đấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại. Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống" (Is 63,16-64,7).
Tâm trạng thống hối ăn năn và tha thiết nài xin ơn cứu độ đã giúp Dân Chúa nhìn lại ơn gọi của mình để sống trọn vai trò chứng nhân trung thành giữa muôn dân qua thân phận mỏng dòn và hèn yếu của cuộc sống con người. Thật vậy, ngay giữa đêm tối của thử thách, nghi ngờ, phấn đấu, tội lỗi, Dân Chúa đã cùng nhau thú nhận những lỗi phạm của mình, quyết tâm sống trung kiên mong chờ ngày Chúa đến trong niềm tin tưởng với thái độ tỉnh thức.
Chờ đợi Chúa trở lại
Chúa Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Con Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa viếng thăm vào chặng cuối đời của mỗi người chúng ta (x. Mc 13, 33-37).
Qua thật, từ khi Chúa Giêsu về trời và ngày Người trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”. Chúng ta có một khoảng thời gian mong đợi, nên có thể nói, tỉnh thức là thái độ cần phải có của Giáo hội, của toàn Dân Chúa và của mỗi người chúng ta.
Lời Chúa nói với các môn đệ: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào" (Mc 13, 33), cũng nói với chúng ta: "Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!" (Mc 13 37). Chúa mách bảo chúng ta phải luôn trong tư thế của người được chủ: "Đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành … và căn dặn …lo tỉnh thức" (Mc 13, 34). Vì chủ về bất ngờ nên “coi chừng và tỉnh thức” là thượng sách.
Vậy để gặp được Chúa Giêsu ngự đến trên mây trời, Người thấy chúng ta đang ở tư thế sẵn sàng, đứng thẳng, không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê, nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ ngày Chúa đến, chúng ta phải tỉnh thức.
Tỉnh thức
Tại sao phải tỉnh thức?
Phải tỉnh thức, vì đó là ý muốn, là mệnh lệnh của chủ nhà. Ðể bảo vệ nhà an toàn, nhiệm vụ của người canh cửa không phải chỉ lo bảo vệ ngôi nhà, mà còn phải lưu tâm đến những người sống trong đó.
Ngoài ra, tỉnh thức còn là thái độ của một gia nhân trung thành đối với người đã tín nhiệm, ủy thác trách vụ cho mình. Và chắc chắn niềm vui của ngày tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu chủ nhà gặp được gia nhân trong tư thế đợi chờ và sẵn sàng.
Hơn thế nữa, tỉnh thức cũng là để khỏi rơi vào giấc ngủ! Mà thường người ta chỉ ngủ lúc ban đêm, trong bóng tối! Theo nghĩa Thánh Kinh, ban đêm, bóng tối, gợi lên cho chúng ta hình ảnh một môi trường đầy nguy hiểm và thử thách. Bóng đêm đối nghịch lại ánh sáng ban ngày. Ðó là chiều kích thử thách của cuộc sống. Nó đưa đến tội lỗi, đau khổ, sự dữ, thậm chí sa ngã, nản chí, nghi ngờ. Người canh cửa có thể bội phản người thân xa vắng, để chạy theo những quyến rũ của kẻ khác, của ngẫu tượng đồng lõa với bóng đêm.
Vậy phải tỉnh thức như thế nào?
Phải chăng là cứ thắp đèn ngồi đó mà chờ, là sống trong tâm trạng viển vông? Không. Ðọc lại Thánh Kinh và lịch sử Dân Chúa, chúng ta thấy việc tỉnh thức đợi chờ không phải là một thái độ thụ động, nhưng là một hành vi ý thức của người hiểu biết lý do.
Vì thế, tỉnh thức của chúng ta phải sống động và đầy tính chất sáng tạo, không ngừng chiến đấu để sinh tồn, để trung thành với Lời Chúa. Sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối tạo nên trong tâm hồn mỗi người và trong đời sống Giáo hội một sự giằng co căng thẳng. Ðể tỉnh thức gặp được Chúa đến, chúng ta phải nhẹ lòng đối với của cải trần thế và dứt khoát với những quyến rũ của các ngẫu tượng. Khi làm như thế, chúng ta mới thực sự đang cầm đèn trong tay sẵn sàng đón Chúa trở lại, cho dù Chúa có đến bất ngờ. Phải, hãy tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ. Điều chắc chắn là Ngài sẽ đến.
Trong lúc này đây, con tim ta đang hướng về điều gì? Chúng ta có tỉnh thức không? Hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Chúa ngự đến lần thứ hai, Người thấy chúng ta đang tỉnh thức vì đã không uổng công trông đợi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ “đầy ân sủng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, xin giúp chúng con sẵn sàng đón Chúa Giêsu Con Mẹ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================

Suy niệm 5
ĐỢI CHỜ KHÔNG LẮNG LO

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Mùa Vọng, mùa đợi trông, mùa ân sủng tỉnh thức-đợi chờ-cầu nguyện.
Lời Chúa nhắn nhủ mỗi người chúng ta nhiều lần: “Anh em hãy tỉnh thức, bởi vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13, 33). Quả thật, người biết sống tinh thần tỉnh thức không ai khác hơn là người nhạy bén với sự hiện diện của Chúa nơi đời sống, nơi mọi trạng huống cuộc đời. Người sống tỉnh thức là người đơn sơ, vâng phục, làm theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh. Người sống tỉnh thức là người luôn sẵn sàng thực thi Thánh ý Chúa và quảng đại giúp đỡ anh chị em, cũng như sống giới răn yêu thương trọn vẹn. Vì chưng, Thánh Phao-lô Tông đồ khẳng định: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, anh (chị) em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Ngài” (1Cr 1, 5).
Lịch sử dân tộc Việt Nam kể lại biết bao biến cố diễn ra trong khi chờ đợi, hy vọng vào tương lai đầy ánh sáng, điển hình như Nguyễn Trãi đã quyết tâm tìm đường cứu quốc, và trở thành ‘Đệ nhất khai quốc công Thần’. Còn Cao Bá Quát chứng kiến cuộc đời này lắm cảnh phù vân, mong đợi, chờ trông đến nỗi ông kêu to: “Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ. Mảnh hình hài không có, có không”. Đời là thế! Chúng ta sống trong thế gian này, nhưng chúng ta không thuộc về thế gian này (x. Ga 15, 19). Chúng ta trông chờ Chúa đến trong vinh quang với tất cả niềm tin, lòng cậy trông và phó thác. Mặc khác, chúng ta đợi chờ ngày Chúa lại đến với tâm thế sẵn sàng, chuẩn bị tâm hồn, tỉnh thức, cầu nguyện và hướng tới việc thăng tiến trên con đường sống đạo.
Truyện kể rằng: Một bà lão kia, rất đạo đức, được Chúa hứa đến viếng thăm vào ngày bà khẩn xin. Sáng sớm hôm đó, trời vừa hừng đông, bà đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng thật khang trang, rồi vừa ngồi chờ Chúa, vừa thầm thỉ lần chuỗi. Lát sau, nghe tiếng gõ cửa, bà tin là Chúa đến, vội vã hớn hở ra mở cửa; nhưng đó lại là người hành khất qua đường. Nét mặt bà buồn bã, rồi đóng sầm cửa lại. Trở lại ghế ngồi một lúc, thì có tiếng gõ cửa mạnh, bà vội mở cửa nhanh hơn vì nghĩ chắc là Chúa đến; nhưng hoá ra là một người khiếm thị. Và y như lần trước, cửa được đóng lại.Mấy giờ đồng hồ trôi qua, lại có ai đó gõ cửa. Bà nghĩ bụng lần này chắc chắn Chúa đến thăm mình, vả lại ‘nhất quá tam’, nên chạy nhanh mở cửathì thấy một người ăn mặc rách rưới. Bà vừa buồn vừa giận mà nói: ‘Tôi bận đón Chúa rồi, tôi không giúp anh được đâu!’ Và cứ thế, ngày sắp khép lại, màn đêm dần buông mà bà vẫn chưa thấy Chúa đến thăm, bà rủ rượi than ôi: ‘Chẳng biết Chúa bận việc chi mà lại quên lời hứa với con’. Mòn mỏi đợi trông, bà ngủ thiếp đi và trong mơ thấy Chúa đến bên cạnh, thầm thỉ với bà: ‘Cha đã đến thăm con ba lần, nhưng cả ba lần đều bị con mời đi!’
Chúa đến với chúng ta với mọi hình hài, trong mọi trạng huống cuộc sống, nơi tất cả anh chị em. Chúa hiện thân trong sự đau khổ cũng như niềm vui hằng ngày. Chúa viếng thăm chúng ta ‘lúc chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết’ (x. Mt 25, 13); vì thế, mang lấy tâm tình tỉnh thức, mặc lấy lối sống chuẩn bị sẵn sàng, chúng ta cùng ngẫm suy lời khuyên nhủ của Thánh Charles de Foucault: “Bạn hãy sống như thể bạn sẽ chết vào tối nay”. Tuy nhiên, thái độ chủ động tỉnh thức, ‘tay cầm chong đèn rực sáng’ chưa đủ, mà tâm tình tỉnh thức phải dẫn đến việc cầu nguyện không ngừng. Thật vậy, tỉnh thức luôn luôn đi đôi với đời sống cầu nguyện, đời sống thiêng liêng, đời sống tu đức như Chúa Giê-su hằng kêu mời: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14, 38). Cuộc sống hiện đại thường ngày khiến chúng ta ngủ quên trong những thành tích hảo huyền, thành công hư ảo, khiến chúng ta ngủ vùi trên vô vàn tiện nghi dễ dãi, khiến ta say mê các thực tại trần thế chóng qua, mà quên đi ngày giờ Chúa lại đến và giây phút chúng ta lìa cõi đời này.
Noi gương lời Thánh Phan-xi-cô de Sales: “Sự chờ đợi đích thật nghĩa là đợi chờ mà lòng không lo lắng chi”. Lo liệu cho đời sống phần rỗi, lo toan cho đời sống thiêng liêng, hơn là lo lắng quá đỗi, mà quên đi tâm tình tỉnh thức-đợi chờ và cầu nguyện luôn.
Lạy Chúa, xin hãy đến, và đừng trì hoãn! Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 6
Phải canh thức

Is 63,16b-17.19b; 1Cr 1, 3-9; Mc 13, 33-37
“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.” (Mc 13, 33). Đức Giêsu cảnh báo ngày Người đến lần thứ hai, chắc chắn sẽ xảy ra. Vậy thì tôi phải chuẩn bị thật sẵn sàng để chờ đón ngày giờ Chúa đến. Ngày Chúa đến lần thứ hai sẽ xảy ra bất ngờ nhanh chóng, con người sẽ không còn giờ để chuẩn bị, lo cứu mạng sống mình cho kịp. Dù đã được cảnh báo, nhưng sẽ có rất nhiều người coi thường không chịu chuẩn bị cho đến giây phút cuối. Khi người ta mải miết ngụp lặn trong những lo lắng trần tục, thì sẽ dễ dàng quên mất Thiên Chúa, quên đi chuyện hoán cải, đổi mới con người ngay từ hôm nay, lúc này, trong từng phút giây hiện tại, không cảm nghiệm được sự ngọt ngào khi gặp gỡ Chúa.
Trước sau gì rồi ta cũng gặp Chúa thì hãy tìm gặp Chúa ngay từ đời này cho cuộc sống vui tươi hạnh phúc. Luôn tỉnh thức đáp lại tiếng Chúa gọi khi Ngài đến: này con đây đã sẵn sàng. Sẵn sàng chờ đợi Chúa đến không phải là thụ động ngồi đó mà chờ đợi, nhưng luôn sống trong Chúa và dấn thân phục vụ anh em. Với thái độ sẵn sàng đón chờ Chúa đến, phải loại bỏ những cản trở như danh vọng, đam mê, những thứ khác ràng buộc, khiến ta mất tự do, không hoàn toàn thuộc về Chúa, để sẵn sàng ra đón tiếp Người đến cách chung hay riêng. Người Kitô hữu phải có thái độ luôn tỉnh thức. Canh thức còn là luôn ở trong tình trạng “đang làm nhiệm vụ”. Tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết mình đang làm gì. Sự lựa chọn trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận trong cuộc đời vĩnh hằng. Tỉnh thức là dấu hiệu của người đang sống đức tin sống động, kết hợp mật thiết với Chúa, sẽ có tâm hồn bình an hạnh phúc.
Ai mà biết được giờ nào thì Chúa đến? Chỉ có cách tốt nhất là luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Nếu lúc nào chúng con cũng “có Chúa ở cùng”, sống mật thiết với Chúa thì dù có bất ngờ, chúng con sẽ được vui vẻ ra đón rước Người, chứ không phải giật mình sợ hãi.
Thực ra Chúa luôn có đó, bên ta, trong ta mà ta không thấy, vì bị nhiều thứ trần gian che mờ con mắt, nên chẳng nhận ra và khó mà thấy được. Sống canh thức là luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ở trên mọi nẻo đường đời, trong sâu thẳm cõi lòng, cả khi cô đơn. Sống như vậy thì lúc Người chợt đến, có chi là bất ngờ hay phải giật mình hoảng sợ? Canh thức như vậy thì Chúa đến bất cứ giờ nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Chúa rất hài lòng và sẽ ban thưởng quá lòng ước mong.
Lạy Chúa! xin dạy chúng con biết sẵn sàng canh thức để đón Chúa qua việc tiếp xúc, cư xử tốt lành với tha nhân, để chúng con được hưởng hạnh phúc của người con tín trung, ngay từ bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log