Thứ sáu, 24/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 31 Thường niên A

Cập nhật lúc 09:37 02/11/2023
Suy niệm 1
Mt 23, 1 – 12
Các ông thượng tế, kinh sư và pharisêu là một tập thể lãnh đạo của Do Thái giáo. Họ được toàn dân kính trọng và đi đâu, ở đâu cũng được chào là sư phụ. Tại các nơi thờ phượng và các chỗ tiệc tùng, họ luôn được mời ngồi vào chỗ danh dự nhất. Phải thành thật công nhận rằng họ là một tập thể đáng kính, đến mức độ đáng tôn thờ. Họ ăn chay một tuần hai ngày, cầu nguyện một ngày năm lần, dâng cúng cho đền thờ mười phần trăm thu nhập hàng năm. Họ học thuộc lòng bộ Cựu ước.
Một tập thể đáng kính như thế mà hôm nay Chúa khuyên quần chúng đừng bắt chước họ. Chúa nói rằng: họ nói thì hay mà hành động thì ngược lại.
Đây không phải là lần duy nhất Chúa lột mặt nạ các vị lãnh đạo này. Đã có một lần khác Chúa tuyên bố tám câu nguyền rủa dành cho các ông pharisêu: “khốn cho các ông pharisêu giả hình”. Các ông kinh sư còn bị lột mặt nạ một cách trơ trẽn không còn một chút nể nang nào: “Khốn cho các ông kinh sư, các ông đọc kinh cho dài, để nuốt chửng tài sản của các bà góa”. Ghê quá, nói như tát nước vào mặt!
Tại sao Chúa nặng lời với các đấng bề trên của Do Thái giáo như vậy? Đây là điều chúng ta phải suy gẫm thật sâu và thật lâu, vì đây là mặc khải của Ngôi Lời.
Một. Giới lãnh đạo của Do Thái giáo vào thời ấy đã rơi xuống tận vực thẳm của hư hỏng. Họ đọc kinh, ăn chay, học Thánh Kinh và dâng cúng tiền của cho đền thờ… tất cả chỉ là một vở tuồng. Mục tiêu chỉ là danh và lợi. Đạo đức chỉ là phương tiện để đạt mục đích xấu. Chính Chúa và đạo của Chúa cũng bị họ coi như phương tiện để đạt mục đích danh và lợi. Họ biến cả Chúa thành đầy tớ phục vụ danh và lợi.
Hai. Chúa phải nặng lời như thế để mặc khải cho loài người thấy rằng lợi dụng Chúa để cầu danh và cầu lợi là một sự xúc phạm quá lớn.
Đền thờ Giêrusalem bị phá bình địa và cơ chế Do Thái giáo cũng bị giải thể cùng với đền thờ. Nhưng cái thói giả hình đạo đức để cầu danh cầu lợi thì vẫn tồn tại trong xã hội của loài người và cả trong tổ chức các tôn giáo.
Một học sinh cũng biết giả hình để được thầy cô cấp bằng khen. Một em bé nhỏ tuổi chưa đến lớp mầm non cũng biết giả hình để ông bà và bố mẹ cho ăn bánh kẹo. Một cặp vợ chồng cũng biết giả hình để che tội ngoại tình. Một vị cán bộ cao cấp cũng giả hình để giữ cái ghế và cái nồi, hoặc để mua cái ghế cao hơn và cái nồi to hơn. Thậm chí trong tôn giáo cũng có người giả hình để được bề trên cho vĩnh khấn.
Mong rằng mọi người chúng ta cùng với Chúa ghê tởm và kết án tính giả hình như Chúa đã làm. Sau đây là một cây chuyện giản dị có thật giúp chúng ta cảnh giác cao. Chuyện nhỏ chỉ là hạt giống nhỏ, nhưng hạt giống nhỏ có thể lớn lên thành cây to.
Một em bé mầm non ở chung nhà với bà ngoại. Vào thập niên 80 của thế kỷ 20, bà ngoại của bé phải đi Sài Gòn hơn một tuần lễ để lo thủ tục xuất ngoại. Khi bà về tới cổng, bé chạy ra xun xoe với bà ngoại: “Ngoại đi đâu mà lâu dữ vậy? Con nhớ ngoại muốn chết luôn!” Vừa nói xong câu ấy, bé kéo áo bà ngoại, nhỏng mỏ hỏi một cách rất dễ thương: “Ngoại ơi, ngoại có mua kẹo cho con không?”Chuyện rất nhỏ, rất dễ thương, những đã có dấu hiệu nịnh bợ để cầu lợi. Lòng bé vẫn yêu bà ngoại thật, nhưng tinh thần cầu lợi đã gieo hạt giống giả hình rồi đấy. Xin mời anh chị em vừa tủm tỉm cười bình thường, nhưng cũng nên cảnh giác hạt giống giả hình sắp nảy mầm.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
ĐỀU LÀ ANH EM
Mt 23, 1-12
Lời Chúa hôm nay nói về trách nhiệm hướng dẫn người khác. Trách nhiệm này nằm trong nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau, từ đời sống gia đình, hội đoàn, cộng đoàn, đến xã hội, Giáo Hội. Trách nhiệm hướng dẫn rất nặng nề và đòi hỏi rất nhiều, thiếu tình yêu và lòng đạo đức chân thật thì chẳng khác nào "mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố".

Bài đọc I (Ml 1,14 - 2,2.8-10), kể cho chúng ta nghe về các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái, thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, lúcĐền thờ đã được xây dựng lại. Họ chỉ quan tâm tổ chức các lễ nghi bề ngoài, không lo hướng dẫn tinh thần dân chúng.Từ đó phát sinh nhiều tệ nạn: các lễ vật dâng tiến cho Chúa là những con vật đui mù què quặt, thậm chí là những con vật ăn cắp; dung túng cho việc li dị, hôn nhân với người ngoại, trốn thuế thập phân; các nhà lãnh đạo đối xử với dân cách quan liêu, chỉ nhằm tư lợi.Thiên Chúa bảo ngôn sứ Malakhi nhắc nhở họ về cung cách lãnh đạo: làm cho dân biết tôn vinh Thiên Chúa, trung thành với giao ước, và đối xử với mọi người trong tình anh em con một Cha.
Qua bài đọc II (1 Tx 2,7-9.13), thánh Phaolô cho thấy ngài đã cư xử với các tín hữu thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Ngài nói rõ: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em…”.
Đến bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói về giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời của Ngài, tức là các luật sĩ và các người biệt phái:Một mặt, Ngài bảo mọi người phải tôn trọng chức vụ của họ, vì họ “ngồi toà Môsê”, và hãy làm theo những gì họ dạy.Nhưng mặt khác đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm, chất gánh nặng trên vai người ta bằng những luật lệ chi li mà họ không hề tuân giữ. Ngoài ra, họ còn là những kẻ giả hình: làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy mình đạo đức, như đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Tệ hơn nữa, họ còn là những kẻ háo danh: ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng, và ham được thiên hạ gọi là thầy.
Quả thật, những kẻ háo danh thường tìm đủ mọi cách để đưa mình lên, và hạ kẻ khác xuống… Tiếc thay không có nhiều chỗ nhất trong bàn tiệc cuộc đời, nên người ta phải dùng đủ mọi mánh khoé và thủ đoạn để tranh giành, loại trừ, như bêu xấu, bôi nhọ, chà đạp, hạ nhục kẻ khác. Đó là căn bệnh nan y muôn thuở của loài người, cũng là nguyên nhân chiến tranh và nhiều thảm hoạ trong xã hội xưa nay.
Đừng thấy cái bóng to của mình trên vách mà tưởng mình vĩ đại. "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống". Người thực sự có tài cao đức trọng bao giờ cũng "vô ngã vị tha", làm việc để cứu giúp chúng sinh mà không mong cầu danh lợi, là bã vinh hoa dễ biến thành thứ dơ bẩn luôn đeo bám con người ở mọi tầng lớp. Dơ bẩn không thể tránh hết được, có điều ta có muốn tẩy rửa không? Là những người được mời gọi tham gia phục vụ cộng đồng Dân Chúa, chúng ta có dám hạ mình xuống, ngồi ở chỗ cuối như Đức Giêsu đã dạy không? (x. Lc 14,10).
Lời Chúa muốn giải thoát ta khỏi những danh lợi hão huyền và rất đáng hổ thẹn của thế gian. Vì thật là dại dột và lố bịch khi người ta không biết rõ giá trị của mình, mà lại muốn chiếm địa vị cao, ham được những ưu đãi. Những thứ ấy chỉ khiến họ bị lợi dụng và trở nên trò cười cho thiên hạ. Vinh dựthật không khởi đi từ danh vị, nhưng được xác định qua những nỗ lực và khiêm tốn phục vụ. Cái đáng tin, đáng phục không phải ở lời nói, quyền hành, chức vụ, mà là ở cuộc sống phản ảnh sự chân thực, ở khả năng cống hiến và mức độ dấn thân để sống yêu thương.
Khi nhìn khuôn mặt của người Pharisêu với thói giả hình và kiêu căng, mỗi người chúng ta ít nhiều cũng thấy nơi mình thói háo danh, khoa trương, ích kỷ,dám “đốc” chứ không dám làm...Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta hãy sống thật với mình với người. Đừng cậy dựa vào thế giá, danh giá hay sáng giá của mình mà lên mặt với mọi người. Mọi sự đều do Chúa ban cho, và Chúa có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Hãy tận dụng mọi khả năng và ân banđể phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Vinh quang của chúng ta ở nơi Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên “tòa thập giá” của Chúa Giêsu để tìm những lời dạy chí lý, đồng thời khám phá ra những phương cách chia sẻ vinh quang đích thực và vững bền.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa phân biệt lời nói và hành động,
Ngài bảo con nghe điều hay lẽ phải,
nhưng không theo những hành động sai trái,
thiếu khôn ngoan sẽ gây nhiều hư hại.

Có những người chỉ nói mà không làm,
như kinh sư hoặc như người biệt phái,
nói một đàng nhưng lại làm một nẻo,
con chớ có dại dột mà sống theo,
nhất là lối sống phô trương,
ham mê danh vọng khinh thường anh em.

Ngoài ra chẳng ai thật sự là cha,
chỉ một Thiên Chúa là Cha trên trời,
cũng chẳng ai xứng đáng gọi là thầy,
chỉ có một Đấng là Thầy Giê-su,
tuy nhiên trong Giáo Hội đây,
Chúa vẫn đặt để cha thầy làm thay.

Biết rằng Chúa lập Giáo Hội nhiệm mầu,
nhưng không bỏ cơ cấu và phẩm trật,
vì là sự thiết yếu của toàn thân,
và Chúa mới là đầu của nhiệm thể,
để cho tất cả quy về,
một Cha một Chúa trọn bề uyên nguyên.

Dù có chức vụ gì trong Hội Thánh,
thì tất cả cũng chỉ nhằm phục vụ,
theo gương mẫu Thầy chí thánh Giê-su,
không phân biệt trên dưới hay cao thấp,
vì rằng chỉ có một Cha,
cho nên tất cả đều là anh em.

Xin cho con biết sống tình huynh đệ,
biết yêu thương và kính trọng mọi người,
đừng làm ra vẻ cha thầy,
nhưng luôn khiêm hạ vui vầy bên nhau. Amen. 

Lm. Thái Nguyên
=================

Suy niệm 3
VINH QUANG ĐÍCH THẬT

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Các bài đọc hôm nay có thể tóm tắt như sau:
Nơi bài đọc I, ngôn sứ Ma-la-khi rao giảng vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên khi Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã được tái thiết. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái bấy giờ chỉ quan tâm tổ chức các nghi lễ bề ngoài, mà chẳng để tâm hướng dẫn tinh thần cho dân chúng. Từ đó phát sinh nhiều tệ nạn như: lễ vật dâng tiến cho Chúa là những con vật đui mù què quặt, thậm chí đồ ăn cắp; hành vi dung túng cho việc li dị, hôn nhân với người ngoại, trốn thuế thập phân; các nhà lãnh đạo đối xử với dân chúng một cách quan liêu, chỉ nhằm tư lợi cá nhân…Vì vậy, Thiên Chúa sai ngôn sứ Ma-la-khi (x. Ml 2, 8-10) nhắc nhở họ về cung cách lãnh đạo, đó là: làm cho dân biết tôn vinh Thiên Chúa, trung thành với giao ước, và đối xử với mọi người trong tình anh chị em cùng một Cha.
Ở bài đọc II, chúng ta cảm nhận sâu sắc cung cách lãnh đạo của Thánh Phao-lô (x. 1Tx 2, 8-9): ngài trở thành kẻ bé mọn giữa anh em; đối xử với tín hữu như người vú nuôi nâng niu con cái mình; sẵn sàng hy sinh tất cả cho các tín hữu, ngay cả mạng sống mình; cố gắng tự lực cánh sinh để không trở thành gánh nặng cho giáo đoàn.
Còn trong bài Phúc Âm, Đức Giê-su nói về giới lãnh đạo tôn giáo Do thái (các luật sĩ và người Biệt phái) thời đó: một mặt, Ngài bảo mọi người tôn trọng chức vụ của họ, vì họ “ngồi trên toà Mô-sê giảng dạy” (x. Mt 23, 2), và hãy làm theo những gì họ dạy; nhưng mặt khác, đừng noi theo hành vi của họ, bởi lẽ hành động của họ lột tả những thói xấu như: chỉ tay năm ngón, hám lợi háo danh, kiêu căng, phô trương, v.v…
Chuyện kể rằng: một người đàn ông đi hành hương; mệt quá, ông bèn ngồi nghỉ trên một chiếc ghế đá, nhưng ông rất đỗi ngạc nhiên và dường như còn tỏ ra hãnh diện sung sướng vì thấy nhiều người qua lại trước mặt ông bỏ mũ cúi chào. Trong khi nghĩ ngợi thắc mắc, thì có một cụ bà cũng đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà nhìn lên và miệng thầm đọc nhiều lời gì đó mà ông không nghe rõ. Thế rồi bà cũng đi qua như bao người khác. Liền lúc ấy, ông chợt quay lưng lại, nhìn theo hướng cụ bà đã nhìn thì ông nhận ra có một cây Thánh giá sừng sửng đứng ở phía đằng xa. Nghĩ lại ông xấu hổ đứng lên tiếp tục cuộc hành hương!
Thật vậy, vinh quang đích thực không khởi đi từ danh vị, quyền thế, chức tước, nhưng được xác định qua những nỗ lực khiêm tốn phục vụ. Chuyện đáng tin đáng nể phục chẳng phải ở lời nói, hay quyền lực, mà chính ở nơi cuộc sống phản ảnh sự chân thực, khả năng cống hiến và mức độ dấn thân yêu thương, vị tha như Chúa dạy.
Dựa trên lời Đức Giê-su giáo huấn và gương lành của Ngài (x. Mt 20, 24-28; 23, 1-32; Mc 10, 43; Ga 13, 1-20, …), chúng ta thấy mô hình người lãnh đạo như lòng Chúa mong muốn là: tấm lòng của người lãnh đạo phải yêu thương hết mọi người mà mình được giao trọng trách hướng dẫn; phương châm của người lãnh đạo phải tự coi mình là đầy tớ, có bổn phận phục vụ những người mình được trao phó; và cung cách của người lãnh đạo phải hạ mình, hy sinh, làm gương tốt gương lành.
Mặc khác, thói xấu mà người lãnh đạo thường dễ mắc phải, đó là: lo tìm vinh dự cho bản thân, mà quên tìm lợi ích cho thuộc cấp; thái độ quan liêu, coi thường, xem nhẹ thuộc cấp; sai khiến người khác làm, còn mình thì đứng nhìn, chỉ tay năm ngón; quên phục vụ người khác, trái lại, bắt người khác phục vụ mình.
W. E. Biederwolf từng nói: ‘Có khi nào người ta dám bỏ những tờ giấy bạc không? Thưa có, lúc đó là tiền giả. Tương tự, nhiều người đã quăng bỏ Ki-tô giáo vì thấy những Ki-tô hữu giả hình’.
Để khép lại bài chia sẻ này, xin được mượn lời của Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta (28/8/1919 - 5/9/1997). Mẹ là Đấng sáng lập Dòng Thừa sai Bác ái, đã đưa ra tôn chỉ sống phục vụ truyền giáo: “Yêu là cho đi đến khi cảm thấy đau”. Hơn ai hết, mẹ đã duy trì sự quân bình tuyệt hảo giữa tình yêu và lề luật, giữa ngôn từ và hành động khi đề cập đến việc thực hành tôn giáo hoặc việc sống đạo, mẹ nói: “Nhiệm vụ của mỗi người là một nhiệm vụ yêu thương…Hãy khởi sự ngay nơi bạn đang ở, với những người gần gũi với bạn nhất. Hãy biến gia đình bạn thành các trung tâm đầy lòng trắc ẩn và tha thứ liên lỉ. Đừng để ai sau khi đến với bạn mà không trở nên tốt hơn và vui tươi hơn…Vì vào giờ chết, lúc chúng ta đối diện với Thiên Chúa, chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên tình yêu; chẳng phải hệ tại số lượng công việc mà chúng ta đã làm, nhưng lệ thuộc vào bao nhiêu tình yêu thương mà chúng ta đã biến thành hành động”.
Lm. Xuân Hy Vọng

=================

Suy niệm 4
Con đường vinh dự   
Mt 23, 1-12
Người đời thích tôn mình lên, muốn nâng cao giá trị của mình. Vì thế, người ta tìm mọi cách để đạt tới mục tiêu nầy.
Những phương thức sai lầm
Những luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giê-su muốn nâng cao giá trị bản thân bằng cách làm những việc đạo đức bề ngoài, cốt để cho người ta thấy; họ "đeo những hộp kinh lớn hơn người khác trên trán, mang những tua áo dài hơn mọi người chung quanh, ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm những hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và mong được thiên hạ gọi là thầy" (Mt 23, 5-7).
Ngay cả các môn đệ Chúa Giê-su cũng đôi lần tranh luận để xác định giữa các ông, ai là người lớn nhất (Mc 9,33-37. Lc 9,46-47).
Thế rồi một hôm nọ, tưởng rằng mai đây Chúa Giê-su sẽ được lên ngôi cao, hai anh em Gioan và Giacôbê nài xin Chúa Giê-su cho mình được ngồi bên hữu và bên tả ngai vinh hiển của Ngài trong tương lai, khiến các môn đệ khác tỏ ra bất bình, khó chịu… (Mc 10, 35-41).
Trong xã hội hôm nay cũng thế, ai cũng muốn được trọng vọng, được tôn vinh… bằng cách nầy hay cách khác.
Phương thức thực sự mang lại giá trị cho đời người        
Qua Công Đồng Vaticano II, Giáo hội nhận định rằng: “Giá trị con người không tuỳ thuộc những gì ta có, mà tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người.”
Biệt thự nguy nga hoành tráng, vàng bạc châu báu đầy dư hay địa vị lớn lao của ta… không thể làm cho ta nên cao cả, đáng trọng hơn những người khác; nhưng chỉ có phẩm chất cao đẹp và lòng đạo đức của mỗi người mới có thể làm cho người đó có giá trị hơn người khác mà thôi.
Về vấn đề nầy, Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ và cho chúng ta biết phương thế đích thực để làm cho mình nên cao trọng. Đó là khiêm tốn phục vụ người khác. Ngài nói: "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em" (Mt 23,11).
Lời Chúa dạy nghe ra có vẻ ngược đời, rất khó chấp nhận, nhưng đó là chân lý!
Cuộc đời mẹ Tê-rê-xa Calcutta minh chứng lời dạy nầy là xác đáng.
Mẹ đã hiến đời mình làm tôi tớ hèn mọn phục vụ những con người cùng khổ nhất trên thế gian, nên mẹ trở thành người phụ nữ được trọng vọng và yêu mến nhất thế giới.
Năm 1996, Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ phong tặng mẹ danh hiệu "công dân danh dự" của nước nầy. Mẹ là nhân vật thứ tư trên thế giới được ban tặng danh hiệu vinh dự nầy.
Ngày 10 tháng 2 năm 1979, mẹ được nhận giải Nobel Hòa bình vì sự nghiệp dấn thân phục vụ những người cùng khốn.
Ngày 5-9-1997, mẹ Têrêxa qua đời tại Calcutta. Chính phủ Ấn Độ tổ chức an táng trọng thể mẹ Têrêxa theo nghi thức quốc táng, một vinh dự từ trước tới nay chỉ dành cho các lãnh tụ hàng đầu của đất nước, có nhiều công trạng với quốc gia.
Vào dịp nầy, nhiều vị nguyên thủ quốc gia, các vị lãnh đạo tôn giáo cũng như các phương tiện truyền thông trên thế giới đã không tiếc lời ca tụng mẹ, vì tấm lòng yêu thương và nhiệt tình phục vụ của mẹ dành cho những người cùng khổ khắp nơi.
Và ngày 4 tháng 9 năm 2016, mẹ được Đức thánh Cha Phan-xi-cô tuyên thánh để được các tín hữu kính nhớ muôn đời.
Như thế, cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta minh chứng lời Chúa Giê-su dạy rằng “ai hạ mình xuống phục vụ sẽ được tôn lên” là xác đáng.
Lay Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con sống yêu thương phục vụ mọi người, đặc biệt là những người bất hạnh chung quanh như lời Chúa dạy; nhờ đó, chúng con trở nên người có phẩm chất cao đẹp và sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

=================

Suy niệm 5
Sai thì phải sửa
(Mt 23, 1-12)
Khi thấy sự cần thiết phải có một đại diện của dân lo cho các việc tế tự, Thiên Chúa đã chọn thầy Lêvi. Còn trước đó, người con trưởng của mỗi gia đình trong dân Israel được thánh hiến cho việc phụng tự của Thiên Chúa (x.Ds 3,11-41). Vì toàn dân không thể liên tục làm việc phụng tự được nên phải có một vài người được lựa chọn theo các chỉ dẫn của Thiên Chúa để đảm trách các công việc ấy. Như thế, các thầy Lêvi hay các tư tế là những người được tuyển chọn để phụng sự Thiên Chúa thay cho dân. Tuy nhiên, đã có một số tư tế bội ước, không giữ lời thề, sống vị nể và đi sai đường lối Chúa, làm cho nhiều người vấp phạm, Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Malakia để cảnh cáo họ.
Chúa khiến trách các tư tế
Ngôn sứ Malakhi cho thấy các tư tế bị khiển trách vì đã không hết lòng phụng thờ Thiên Chúa theo trách vụ được trao phó. Là những trung gian giữa Thiên Chúa và dân Chúa, một khi tư tế không chu toàn bổn phận phụng thờ Thiên Chúa cách đúng đắn, thì họ vừa bị Thiên Chúa trách phạt vừa bị toàn dân coi thường.
Cụ thể như, khi dâng lễ tế lên cho Thiên Chúa, các tư tế đã không dâng những con vật lành lặn, không tỳ vết theo như lệnh truyền của Thiên Chúa (x. Đnl 17,1), mà lại dâng những con vật mù, què hay bệnh tật, và như thế là điều ô uế trước mặt Thiên Chúa (x. Ml 1,7-8). Giữa muôn dân, Danh Chúa thật cao cả, vậy mà những người được đặt riêng để phụng thờ Thiên Chúa lại không hết lòng tôn vinh và phụng thờ Ngài.
Điều tệ hại hơn nữa là các tư tế đã “đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy” (Ml 2,8). Vì là những người được đặt lên cách riêng để lo việc phụng thờ Thiên Chúa và là gương mẫu cho dân trong việc giữ Lề Luật, sự “trệch đường” của họ không chỉ là tội của cá nhân họ mà còn ảnh hưởng trên nhiều người khác. Việc không tuân theo đường lối của Thiên Chúa và vị nể khi áp dụng Luật vừa làm cho các tư tế đáng trách phạt trước mặt Thiên Chúa, lại vừa làm cho họ “đáng khinh và hèn mạt trước mặt toàn dân” (Ml 2,9).
Chúa phê bình các kinh sư và Pharisiêu
Chúa Giêsu thấy các kinh sư và Pharisêu tự cho mình là đạo đức, là bậc thầy dạy dỗ dân chúng về cách sống đạo. Nhưng Đức Giêsu nhìn thấy trong lối sống đạo của họ có những biểu hiện lệch lạc làm hoen ố đạo thật. Họ là những người “ngồi trên tòa ông Môisê mà giảng dạy” Luật pháp Chúa Trời. Chúa Giê-su bảo người nghe : “Mọi điều họ dạy, anh em hãy làm theo, nhưng đừng hành động giống như họ vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2).
Rồi Chúa Giêsu đưa ra những ví dụ cho thấy sự đạo đức giả của họ, chẳng hạn “họ đeo những hộp kinh thật lớn” (Mt 23,5) và đeo nó như bùa hộ mạng. Một số người Do Thái đeo trên trán hoặc trên cánh tay những hộp nhỏ chứa các đoạn ngắn của Luật pháp. Người Pha-ri-si làm hộp kinh lớn hơn để tạo ấn tượng là họ rất sốt sắng theo Luật pháp. Họ cũng “mang những tua áo thật dài” (Mt 23,5). Dân Israel phải làm những tua áo, nhưng người Pharisiêu lại làm những tua áo dài hơn (x.Ds 15,38-40). Chúa Giêsu nói họ làm mọi điều này “để cho người ta thấy” (Mt 23,5).
Chúa Giêsu đã nghiêm khắc phê bình những người biệt phái và luật sĩ giả hình, vì họ đã sống khác xa với lời họ giảng dậy. Họ nói một đàng làm một nẻo. Chúa dạy các môn đệ "giữ và làm những điều họ dạy, nhưng đừng noi theo hành vì của họ" (x.Mt 23,3). Chúa Giêsu lên án những nhà lãnh đạo tôn giáo sống giả hình, vì việc làm của họ không nhằm tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ tôn vinh chính mình. Chúa không chối bỏ giáo lý mà họ giảng dạy theo thẩm quyền dành cho họ, nhưng lên án lối sống giả hình của họ vì họ nói mà không làm. Tất cả những gì họ làm không nhằm để tôn vinh Thiên Chúa mà để thiên hạ thấy mà tôn vinh họ. Nhân đó Người đưa ra mấy chỉ dẫn thiết thực cho đời các môn đệ.
Bài học cho chúng ta
Chúa Giêsu đề nghị các môn đệ và cả chúng ta, đừng tôn vinh ai, mà cũng không để ai tôn vinh mình như là “thầy”, là “cha”, là “người lãnh đạo”. Lý do đơn giản là vì tất cả đều là con của Cha trên trời, đều được hướng dẫn bởi Thầy Giêsu, và được lãnh đạo bởi Đức Kitô. Chúa Giêsu muốn các môn đệ sống tinh thần phục vụ cách khiêm tốn, theo gương của Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Mục đích của người môn đệ là sống theo gương mẫu Đức Kitô: Như Đức Kitô làm mọi việc để Thiên Chúa được tôn vinh (x. Mt 9,1-8; 15,29-31), các việc làm của người môn đệ cũng là để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà ngợi khen Chúa Cha.
Chúa nhắc nhở chúng ta nhìn lại lời nói và việc làm của chúng ta có đi đôi với nhau không? Trong phạm vi gia đình, thật không gì tai hại cho bằng nói mà không làm. Chúng ta bảo con cái phải biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau, nhưng mình lại cứ ăn thua đủ, không ai nhường ai. Chúng ta dạy con cái sống thành thật, nhưng mình lại quanh co, gian dối với người khác. Nếu sống như vậy, chúng ta hãy coi chừng, Chúa sẽ cảnh cáo chúng ta, người khác sẽ vào thiên đàng, còn chúng ta thì sao? Nếu sai thì phải sửa mau cho kíp.
Người môn đệ Chúa Giêsu không như thế, trái lại: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi” (Mt 23,11).
Xin Mẹ Maria dạy chúng ta biết sống và thực hành Lời Chúa như Mẹ. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

=================

Suy niệm 6
LÀM THẦY

Mt 23, 1-12

Thầy Giêsu liệt kê ra kiểu “làm thầy” của các ông kinh sư và Pharisêu: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”. (Mt 23, 2-7).
Các người Pharisêu ngồi trên tòa mà giảng dạy. Thầy bảo anh em hãy làm, hãy giữ những gì họ nói, nhưng không theo việc họ làm, vì họ chỉ nói lý thuyết ra oai, cho người ta nhìn thấy rõ bậc thầy, bằng những hình thức bên ngoài; còn phần thực hành, gánh nặng thì để cho người khác, họ không buồn đụng ngón tay vào.
Trải qua bao thế hệ, ngày nay những người Pharisêu đã chết, nhưng lối sống này vẫn còn nơi chúng con. Chúng con thích nổi, thích được người khác biết đến, muốn tỏ ra mình là thầy thợ, háo thắng, tìm cách thể hiện mình, bề ngoài cần nét… Được như vậy, là chúng con sẽ được tôn lên, được tán thưởng, hoặc tự tôn mình lên, đẹp mặt trước mọi người.
Ai cũng thích “làm thầy” trước mặt thiên hạ, nhưng Thầy Giêsu lại gõ vào tai làm chúng con sụ mặt: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”… Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống” có chết không cơ chứ! Phải thấy mình chưa là gì, kém cỏi thiếu thốn, còn phải học nhiều chứ không lên mặt “thầy thợ” với ai. Càng người làm lớn thì càng phải làm đầy tớ anh em, làm thế là tự hạ mình xuống, làm người “nhỏ” để phục vụ mọi người.
Nghe và theo đường lối của Thầy chúng con thấy thật khó để theo. Dân chúng thấy phép lạ bánh hóa ra nhiều và mọi người đều được ăn no nê nên họ muốn tôn Thầy Giêsu lên làm vua: “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.” (Ga 6,15). Lúc sắp chết Thầy lại nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Đường lối, kiểu làm thầy, làm người lãnh đạo của Thầy là tự hạ, hiền lành và khiêm nhường, hủy mình ra không để Chúa Cha được tôn vinh: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,” (Pl 2,6-11a).
Thánh Phaolô cũng nêu gương khiêm nhường phục vụ trong bài đọc II: “Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.” (1Tx 2, 9).
Chúa ơi! khi con hoán cải trở về, gặp gỡ và được sống trong Tình Yêu, sống gắn bó với Chúa như cành liền cây,  trong Chúa linh hồn con hãnh diện, con vui hưởng hạnh phúc dư đầy, mặc cho đời khen chê, dù có được tôn lên hay bị hạ xuống cũng chẳng có hề hấn gì với con.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log