Thứ bảy, 25/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 20 Thường niên A

Cập nhật lúc 10:47 16/08/2023
Suy niệm 1
Mt 15, 21 – 28
Bài Tin Mừng hôm nay gây cho chúng ta ba cú sốc cực kỳ.
Cú sốc một. Chúa là một sứ ngôn cao cả. Uy tín của Ngài đang vang dội, đến mức độ một người đàn bà ngoại quốc và ngoại đạo cũng biết và gọi Ngài là “Con vua Đavít”. Bà này là người đang trải qua một nỗi khổ cực kỳ. Con gái bà bị quỷ nhập. Đó là một nỗi nhục đối với láng giềng. Bà khóc lóc năn nỉ Chúa cứu giúp. Chúa phớt lờ như một người vô tâm vô tình. Không thèm giúp đỡ và cũng không có một lời an ủi nào. Các tông đồ cũng thấy ngượng.
Cú sốc hai. Chúa nhập thể làm người để cứu chuộc loài người từ Đông sang Tây, từ Ađam xuất hiện cho đến tận thế. Thế mà Chúa nói Chúa đến để chỉ cứu con chiên lạc nhà Ítraen mà thôi. Nói ngang như cua, chống lại chương trình cứu độ của Chúa Cha.
Cú sốc ba. Chúa so sánh dân Do Thái với các dân tộc khác trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam. Chúa gọi người Do Thái là con cưng và coi các dân tộc khác là bầy chó cún đang lẩn quẩn dưới bàn ăn: “Không nên lấy bánh của con cái trên bàn ăn mà ném cho bầy chó cún”. Một câu nói xúc phạm đến mọi dân tộc trên thế giới. Tại sao Chúa lại quá đáng như vậy? Một người đàn bà đau khổ và đáng thương như thế mà không thương không an ủi, lại còn nói một câu xúc phạm, y như đổ thau nước dơ vào mặt người ta. Tại sao vậy? Đó là những cử chỉ và lời nói mâu thuẫn với chính tâm ý của Chúa.
Trước hết chúng ta biết Chúa yêu thương người ngoại như thế nào. Trong dụ ngôn “Người Samari nhân từ, Chúa cho người ngoại đóng vai lý tưởng và kết thúc bằng lời dạy bậc thầy dân Do Thái: “Ông hãy về và làm như thế”. Nói như vậy có khác gì nói “Ông là bậc thầy Do Thái, hãy về và bắt chước người ngoại mà sống.”
Một lần khác Chúa tỏ thái độ yêu quý một người vừa là ngoại quốc vừa là ngoại đạo, vừa là quân xâm lược. Người ấy là một sĩ quan La Mã đã khiêm tốn thưa với Chúa: “Tôi không đáng Thầy vào nhà tôi. Xin Thầy chỉ phán một lời, thì đệ tử của tôi được khỏi.” Chúa khen ông ấy bằng một câu xúc phạm đến cả Đức Mẹ: “Tôi chưa thấy một niềm tin nào như thế trong dân tộc Ítraen!” Thương quá, quý quá, nên mới cường điệu như vậy.
Tại sao suốt đời Chúa yêu thương và đề cao người ngoại, mà hôm nay là khinh dể người ngoại đến như thế. Không có đâu, Chúa vẫn thương người ngoại mãi mãi. Hôm nay Ngài giả vờ khinh dể người ngoại để các tông đồ mở mắt ra mà thấy một người ngoại vừa có đức tin lớn, vừa có lòng khiêm tốn và dễ thương quá chừng như vậy. Giả vờ vẫn là một cái chiêu, một cái mẹo Chúa vẫn dùng để gây ấn tượng mạnh cho một bài học. Chắc chắn các tông đồ chưa yêu người ngoại như Chúa muốn đâu. Bài học hôm nay chắc là rất cụ thể rất thấm thía, nhưng cái tinh thần kỳ thị dân ngoại vẫn còn thấy trong thời Công vụ Tông đồ. Ông thánh Phêrô vào nhà một người ngoại tên là Cornêliô để giảng và ăn nghỉ luôn ở đấy. Khi ngài về Giêrusalem thì bị các niên trưởng xì nẹc “tại sao anh dám vào nhà người ngoại.”
Đây là một bài học quan trọng không những cho các tông đồ, mà cho cả chúng ta hôm nay nữa. Suốt năm trăm năm truyền giáo tại Việt Nam, anh em lương dân không được tín hữu Công giáo kính trọng đâu. Phải chờ mãi tới công đồng Vaticanô II, các tôn giáo khác ở Việt Nam mới được gọi là “tôn giáo bạn”. Đáng tiếc đến như vậy và điều đáng tiếc này đã được đền bù chưa? Một vấn đề lớn của sứ mạng truyền giáo đấy.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 2
SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN
Mt 15, 21-28
Qua bài đọc 1, Thiên Chúa muốn mở ra ơn cứu độ cho mọi dân tộc từ dân Israel. Bài đọc 2, Thánh Phaolô xưng mình là tông đồ dân ngoại. Qua bài Tin Mừng, sau khi thử thách đức tin của người đàn bà ngoại giáo, Chúa đã ban ơn chữa lành cho người con gái của bà bị quỉ ám như lời bà cầu xin. Cả 3 bài đọc đều nằm trong một chủ đề duy nhất là Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người không từ ai. Tuy nhiên để đón nhận ơn cứu độ hay sự sống mới, con người phải vượt qua thử thách.
Người đàn bà đến với Đức Giêsu là một người xứ Canaan, mà dân Do Thái lại khinh ghét người ngoại bang. Do đó, khi xin Ngài chữa bệnh cho con gái, chắc bà không ngạc nhiên lắm khi thấy Đức Giêsu im lặng, còn các môn đệ Ngài tỏ ra khó chịu. Có điều lạ là bà gọi Đức Giêsu là con vua Đavít: một tước hiệu mà chỉ có người Do Thái dùng để chỉ về Đấng Mêsia. Bà cầu xin tha thiết” “Xin thương xót tôi… con gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm”. Đức Giêsu không đáp lại lời nào. Còn các môn đệ thì bực bội,muốn Thầy nhậm lời bà cho xong, “vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”. Đức Giêsu liền lên tiếng:“Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”. Một câu nói từ chối rõ ràng, xem như bà không còn hy vọng gì.
Nhưng vì quá thương con, bà đã không bỏ cuộc, trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục khẩn khoản nài van: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”. Cuối cùng Đức Giêsu nói một câu nghe rất sốc: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Câu nói này của Đức Giêsu phản ánh cái nhìn của người Do Thái. Họ tự hào về tính ưu việt của mình trong tư cách là dân riêng của Chúa, nên họ coi khinh dân ngoại như lũ chó con. Câu nói nặng như thế mà bà không cảm thấy bị xúc phạm hay tổn thương. Trái lại, bà còn chấp nhận cái nhìn ấy và nói lên một tâm tình rất khiêm tốn: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.
Đức Giêsu đã từng ngạc nhiên trước lòng tin của viên bách quản (x. Mt 8,10-11), thì giờ đây Ngài lại chứng kiến lòng tin phi thường của một người mẹ vì thương con mà dám xóa mình hoàn toàn. Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin, khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp mọi cản trở, vẫn hy vọng trước một tình hình xem ra bế tắc. Tấm lòng người mẹ đã chạm đến trái tim Đức Giêsu, Ngài đáp lại ngay: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Chỉ bằng một lời nói từ xa, đứa con gái của bà hoàn toàn được chữa lành. Chúa Giêsu đã thử thách và bà đã vượt qua thật ngoạn mục.
Đúng là ơn cứu độ trước tiên chỉ dành cho Israel. Đức Giêsu đã từng căn dặn các môn đệ như thế khi sai họ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 10, 6). Thế nhưng Ngài không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao. Ngài vẫn lắng nghe và nhạy bén nhận ra ý Cha trong từng biến cố, để hành động đích xác trong từng thời điểm. Việc mở ra cho dân ngoại hôm nay là khởi đầu cho sứ vụ ngày mai. Vì thế mà Ngài đã đưa ra lệnh truyền cho các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Ta, làm phép rửa cho họ”. (Mt 28,19).
Tuổi trẻ rất mạnh mẽ, nhưng cũng dễ yếu đuối và buông xuôi trước những thử thách. Dường như chúng ta thiếu xác tín mãnh liệt về ơn gọi của mình để sống đến mức độ cuối cùng, và cũng không có cảm thức rằng số phận của người khác liên hệ đến cách sống ơn gọi của ta. Quả thật, chúng ta dễ rút lui khi bị từ chối. Người phụ nữ Canaan chứng minh cho ta thấy kiên trì là một nhân đức, vì nó lay chuyển được tấm lòng của Thiên Chúa. Bà cho thấy việc bày tỏ nguyện vọng tốt lành, nhất là để trợ giúp kẻ khác, thì không phải là chuyện yếu kém để mình phải mặc cảm, hay nổi lên tự ái và phản kháng,  nhưng là chuyện của trách nhiệm và tình liên đới trong đời sống nhân loại.
Thiên Chúa thường thử thách con người, nhất là những ai yêu mến Ngài, đến nỗi thánh Têrêsa Avila phải kêu lên: “Chúa đối xử với bạn thân của Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn thân là phải!”. Thật vậy, Chúa muốn là bạn thân với mỗi người, nhưng dường như con người rất sợ làm bạn thân với Chúa. Chính vì tình thân mà Chúa muốn thử thách lòng trung thành của chúng ta. Không phải để cho Chúa biết mà để cho ta và mọi người đều biết, hầu thấy những gì Chúa sẽ làm nên. Chính trong thử thách mà ta được thanh luyện để ngày càng lớn lên trong đời sống đức tin, một đức tin sống động bằng đức ái ngày càng rộng lan, để ta đáng được hưởng vinh quang với Chúa (x. Rm 8, 30).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Có những tình cảnh thật đáng thương,
Như người phụ nữ Ca-na-an, 
biết mình kẻ ngoại bang không đáng,
nhưng vẫn đến với Chúa nài van.
Xem ra Chúa có thái độ hững hờ,
bà đợi chờ mà Chúa vẫn làm ngơ,
thế nhưng người phụ nữ vẫn kiên trì,
cho dù Chúa ví bà như con chó,
không lấy bánh của con cái mà cho.
Bà cũng nhận thấy đó là hợp lý,
mà không hề có một chút tự ti.
vẫn kiên trì nói lên điều mình nghĩ,
dù chó con thì vẫn được hưởng dùng,
những bánh vụn rơi xuống từ bàn chủ.
Không ngờ câu bà nói quá tuyệt vời,
nhẹ nhàng và khiêm tốn với lòng tin,
nên Chúa đã cho bà được toại nguyện,
ban ơn cứu chữa như lời bà xin.
Có nhiều khi Chúa làm như thinh lặng,
để xem con có khao khát thật chăng?
hay cũng chỉ là được chăng hay chớ,
không thành tâm và tha thiết đợi chờ.
Có nhiều lần con tự ái kiêu căng,
không xứng với ơn lành mình lãnh nhận,
con quên rằng tất cả là hồng ân,
chứ bản thân con đâu có đáng gì.
Xin chocon luôn biết nhìn ngắm Chúa,
mở trái tim bằng hành động tự do,
để cho Chúa Thánh Thần luôn dẫn dắt,
không cứng nhắc trong nguyên tắc của mình.
Cho con biết linh động và thay đổi,
để ích lợi cho phần rỗi tha nhân,
để danh Cha được chiếu sáng cõi trần,
và Nước Cha lan rộng khắp muôn dân. Amen.
Lm. Thái Nguyên
==================
Suy niệm 3
LÒNG TIN VƯỢT THẮNG THỬ THÁCH
Một lần nọ, với biết bao nỗi niềm ôm ấp trong lòng, một chị đã ngoài 40 vội vã tiến đến sụp lạy trước tượng Lòng Chúa Thương Xót mà khẩn cầu, van xin và chuyện trò với Chúa rằng:
- Lạy Chúa, xin hãy cất khỏi những nỗi muộn phiền nơi con.
Lúc ấy, có tiếng thầm thì trong lòng chị nói: “Chính con phải từ bỏ chúng, chứ không phải Ta là người cất bỏ chúng!” Chị nhủ lòng mình và tiếp tục cầu nguyện: “Xin Chúa hãy chữa lành đứa con tật nguyền của con được bình phục hoàn toàn”.
Đáp lại lời nguyện xin ấy, tiếng nói nhỏ nhẹ trong lòng chị van lên: “Linh hồn của nó thì vẹn toàn, và thân xác của nó chỉ là tạm bợ mà thôi, con à!”
Đến đây, chị ngó ngang ngó dọc, chuyển mình qua lại dường như không còn hứng cầu nguyện nữa! Nhưng rồi chị quyết tâm không ngừng nài nỉ, van xin Chúa: “Thôi thì xin Chúa ban cho con biết kiên trì, nhẫn nại nhé!”
Từ trong cung lòng thẳm sâu, có tiếng trả lời rằng: “Không phải thế con à! Kiên nhẫn là kết quả từ gian nan thử thách, và con sẽ gặt hái được chúng nếu con vui vẻ chờ đợi”.
Chị tiếp tục: “Lần này, xin Chúa ban cho con sống hạnh phúc được không?”
Lúc này, chị vừa nhìn lên tượng Lòng Chúa Thương Xót, chị thấy Chúa lắc đầu trả lời: “À, Ta chỉ ban cho con hồng ân, còn để sống hạnh phúc hay không thì tuỳ thuộc vào thái độ đón nhận nơi con thôi!”
Chị vui quá vì vừa được chiêm ngưỡng Chúa, vừa được chứng kiến tận mắt Chúa nói chuyện với mình, chị nhanh nhảu thốt lên: “Xin giải thoát con khỏi mọi đau khổ đời này!”
Chúa đáp lời: “Ðau khổ làm cho con xa cách thế gian, nhưng đưa con lại gần Ta hơn đấy, con biết không?”
Chị thưa: “Thôi, cho con xin một lần nữa nhé! Cho con tất cả mọi thứ để con vui hưởng cuộc đời làm con Chúa”. Chúa mỉm cười đáp: “Ta đã ban cho con sự sống để con có thể vui hưởng được tất cả rồi đấy thôi!”
Lần này chị hơi nản lòng vì Chúa chẳng ban như lòng chị cầu xin. Chị thầm thỉ với bản thân rằng: “Kỳ này mà Chúa không nghe lời con van nài nữa, thì con sẽ ra về!!!” Nói thế thôi chứ vì lòng yêu mến Chúa, nên chị nán lại tiếp tục nguyện cầu: “Ôi lòng Chúa thương con vô bến bờ, xin hãy ghé tai lắng nghe con dù chỉ một lần nữa thôi. Xin Chúa đáp lời tôi tớ tội lỗi, mọn hèn này. Và lời cầu con kêu lên cùng Chúa là: xin Chúa nâng đỡ đức tin yếu hèn, mỏng dòn của con để rồi con biết yêu thương hết mọi người giống như Chúa đã yêu thương và chết cho con”.
Lúc này, đôi mắt chị khép lại, những giọt lệ tự nhiên lăn dài trên gò má; và vì vậy, chị không nhìn thấy Chúa dang đôi tay ra, ôm lấy chị vào lòng, nhưng có lẽ chị cảm được hơi ấm nồng nàn từ suối nguồn yêu thương, lòng lân tuất từ Chúa Thương Xót, và được nghe Người êm ái đáp lời: “Ah! cuối cùng, con cũng đã có được ý muốn này. Nếu con thật lòng yêu Ta, thì con hãy chia san tình yêu, lòng xác tín này cho hết mọi người, và mang tình yêu nồng cháy này đến với Ta nữa!”
Anh chị em rất thân mến! Lời cầu xin của người phụ nữ trên có lẽ cũng có phần nào giống như lời cầu xin của người đàn bà Ca-na-an trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Bà ta không ngần ngại vừa chạy theo Chúa Giê-su vừa nài nỉ, van xin Người chữa lành cho con gái bà. Và đứng trước thử thách mà dường như làm giảm lòng kiên trì, khiến bà chán nản bỏ cuộc! Hơn nữa, đối diện với lời khẳng khái, mạnh mẽ của Chúa Giê-su: “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15, 26), mà đức tin của bà chẳng chuyển dịch, đổi thay, một mực tin vào lòng nhân từ đoái thương của Chúa Giê-su, mặc dù bà là người ngoại (người Ca-na-an). Tuy nhiên, chính vì đức tin ‘như đinh đóng cột’ của bà, mà lòng khiêm nhường chấp nhận thân phận yếu hèn của mình, và niềm tín thác vào Thiên Chúa của bà được bộc lộ qua lời đối đáp vừa khiêm nhu, hiền hoà, vừa đầy lòng tin tưởng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mãnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15, 27) đã vượt qua sự im lặng, thử thách của Chúa Giê-su: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15, 28).
Nhìn vào tấm gương người phụ nữ Ca-na-an này, chúng ta cùng soi vào chính đời sống đạo của mình. Được đón nhận đức tin từ thuở bé, được dưỡng nuôi, lớn lên trong gia đình ‘đạo gốc’, nhưng đã bao lần đức tin ấy vượt thắng chướng ngại vật ngăn cản ta đến với Chúa, đến với hết mọi người, thậm chí cả những ai ta không ưa, không thích? Đã bao lần chúng ta làm chứng tá cho đức tin qua công việc bác ái, giúp đỡ, khuyến khích anh chị em trong cộng đoàn? Đã bao lần chúng ta tự hào, vui mừng thực sự vì được làm con Chúa, được lãnh nhận đức tin từ nơi Người? Đã bao lần chúng ta biểu lộ đời sống đức tin qua cuộc sống chân thật, hiền lành, khiêm nhường, ra đi đến với mọi người, đặc biệt những anh chị em đang bị ruồng bỏ, sống ngoài lề xã hội, những tâm hồn đơn côi, đang khát khao được yêu thương, quan tâm, để ý tới? v.v…
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta bừng tỉnh lại sau những cơn mê dài, đắm chìm trong vỏ bọc ‘người có đức tin vào Chúa, nhưng chẳng hề sống chứng tá đức tin’, ‘người được lãnh nhận đức tin sống động, nhưng sống tĩnh tại, vô can, bàng quan trước đau khổ của người anh chị em’, ‘người được tiếp nhận niềm hân hoan từ ân sủng đức tin, nhưng lại sống đau buồn, trói mình vào những lạc vui chóng qua của trần thế này’…Xin Chúa thương giúp đỡ mỗi người chúng con, thêm sức cho chúng con để mỗi người chúng con luôn hân hoan sống đức tin giữa đời. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 4
THỬ THÁCH DƯỜNG NHƯ QUÁ SỨC
Trong đời sống hằng ngày, một cách nào đó thách đố luôn diễn ra.Đặc biệt, tại những giai đoạn cột mốc, bước ngoặt cuộc đời, luôn có mặt của thách thức. Nó khiến chúng ta mạnh mẽ, quyết đoán, trưởng thành hơn; và ngược lại, nó cũng khiến chúng ta chùn bước, thất vọng với bản thân, có khi tự trách mình!
Đời sống đức tin cũng không nằm ngoài việc luôn có thử thách song hành. Nhiều người lớn tự mình muốn học đạo và theo đạo thường nghĩ: khi trở thành người Công giáo rồi, sẽ không có, hoặc ít đau khổ, gian nan hơn! Tuy nhiên trên thực tế, đôi lúc, họ lại gặp quá nhiều thử thách kể cả sầu khổ sau khi được gia nhập đạo. Một câu nói đâu đó khiến chúng ta cần suy nghĩ, và thật sự đánh động ‘con không xin Chúa cất hết khổ đau, thử thách, nhưng xin ban cho con sức mạnh vượt thắng’. Nếu là những người không có đức tin, họ sẽ không biết bám víu vào ai mỗi khi gặp khốn khó, có lẽ họ chạy đến ông thần này, bà bụt kia, vái lạy tứ phương tám hướng. Nhưng chúng ta tin thờ Chúa, thì chúng ta đã biết trông cậy vào ai và chạy đến với ai lúc gặp nguy nan, thử thách.
Trong Tin Mừng, hầu hết đức tin của những người không phải Do thái được Đức Giê-su khen ngợi, và một trưng dẫn điển hình được sử dụng như một lời tuyên xưng đức tin trước khi rước lễ, đó là lời tuyên tín của viên đại đội trưởng Rô-ma: “Lạy Thầy, con chẳng đáng rước Thầy vào nhà con, nhưng xin Thầy phán một lời thì tôi tớ tôi được lành mạnh” (x. Lc 7, 6-7). Đoạn Tin Mừng hôm nay vẫn nói tới đức tin của một người ngoại từ miền Ca-na-an (nghĩa là không phải người Do thái), tuy nhiên, thử thách cho bà dường như quá lớn. Lẽ nào Đức Giê-su thử thách quá sức chịu đựng của bà, với câu chữ đanh thét “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel” (Mt 15, 24), và có vẻ nặng nề “không nên lấy bánh dành cho con cái mà vứt cho lũ chó con” (Mt 15, 26). Ở đây, dân Do thái được ưu tuyển và được gọi là “con cái”, còn bà miền Ca-na-an, vốn là người không được ưu tiên như người Do thái, lại được ví như “lũ chó con” hoặc “cún con”. Nếu chúng ta thử đặt mình vào vị thế của bà ấy, có lẽ chúng ta khó lòng chấp nhận lời nói đầy ẩn ý thách thức của Đức Ki-tô. Như vậy, chúng ta sẽ bỏ cuộc, ra về với lời cầu xin chẳng được thành sự! Tuy nhiên, như đã tường thuật, bà ta không dễ dàng nản lòng nhục trí khi nghe lời có vẻ khó nghe của Đức Giê-su, bà đủ bình tĩnh, nhẫn nại và kiên định với lòng van xin Người ngay từ đầu. Sự kiên nhẫn này đã giúp bà đáp lời một cách khôn ngoan sáng suốt và không kém phần đơn sơ, khiêm hạ, tin tưởng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15, 27). Nói một cách rõ ràng hơn, lời bà ấy có thể được diễn giải chi tiết như: với thân phận không được ưu tuyển như con, mà cũng chẳng phải tôi tớ của ông chủ, đơn thuần chỉ là chú chó con thôi, thì dĩ nhiên sẽ không được ăn bánh nguyên phần dành cho con cái, nhưng chó con cũng được lượm lặt, ăn những mảnh vụn rơi từ bàn ông chủ một cách vô tình hay chủ ý.
Lời thưa của bà tuy ngắn ngủi, nhưng thiết nghĩ là một bài học lớn lao cho chúng ta - những người có đức tin và đang sống đức tin. Thật vậy, nếu đức tin chỉ tựa bằng hạt cải với kích cỡ nhỏ nhất trong các loại hạt, cũng trở nên cây cao lớn xum xuê rậm rạp, muôn chim đến làm tổ trú ngụ; nếu đức tin chỉ tựa bằng một đấu bột cũng làm dậy cả khối men. Vì lẽ, đức tin khiến chuyển núi dời non; đức tin chữa lành, làm cho người chết sống lại, trừ quỷ; đức tin sinh ra lòng kiên nhẫn, kiên định, hy sinh; đức tin đón nhận thử thách vui tươi, không hờn trách, đổ lỗi hay buông trôi cho dòng đời xô đẩy; đức tin chịu đựng, vượt thắng và cư xử khôn ngoan ngay cả khi cơ hàn, khốn khó.
Chúng ta có lẽ đôi lần thốt lên: thử thách dường như quá nặng, quá sức. Thánh giá của bản thân quá cỡ, quá lớn, quá mức chịu đựng…! Tuy nhiên, sự thật về những thử thách trong đời sống đạo của chúng ta không phải thế, mà được sáng tỏ hơn qua lời quả quyết của Thánh Phao-lô tông đồ trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người”; Ngài nói tiếp “Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (x. 1Cr 10, 13).
Nói như vậy, không có nghĩa Thiên Chúa là tác nhân của rủi ro, gian nan, đau khổ con người như chúng ta quen nói và tự hỏi: ‘Sao Chúa trao thánh giá cho tôi, cho gia đình tôi, cho vợ chồng tôi…nặng thế!’Làm sao như vậy được? Vì lẽ thường tình, chẳng ông bố bà mẹ nào lại muốn con cái mình vất vả, gian nan, huống chi trao khổ đau cho chúng! Còn đây, Thiên Chúa không những yêu thương chúng ta mà còn thương yêu chúng ta hơn cả tình yêu cha mẹ dành cho con cái và vượt trên hẳn hành vi yêu thương chính bản thân của chúng ta nữa.
Theo thánh ý trọn hảo (perfect will) của Thiên Chúa, mọi điều, mọi sự, mọi việc mà Người ban cho chúng ta đều tốt lành, nhưng Người vẫn cho phép (permissive will) sự vật, sự thể xảy ra theo nguyên lý của nó vì Người đã đặt để chúng từ thuở ban đầu. Hơn nữa, Người hằng tôn trọng những gì đã trao ban cho con người như: tự do, ý chí, nhân vị, tình yêu, lòng khao khát liên lỉ…, và cho cả tạo vật như: định luật xoay vần, nguyên lý chuyển động,…Người cho phép chúng diễn ra vì lợi ích cho chúng ta “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (x. Rm 8, 28) và “vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người  không hề hối tiếc” (Rm 11, 29).
Như vậy, thử thách cần thiết cho đời sống đức tin chúng ta không? Mục đích của các thử thách trong đời sống đạo là gì? Lời giải đáp rõ ràng và đầy thuyết phục được tìm thấy trong thư thứ nhất của Thánh Phê-rô tông đồ: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội - vàng là của phù vân hay hư mất chóng quá mà còn phải chịu thử lửa…” (x. 1Pr 7). Vàng thật hay giả còn cần đến lửa, huống chi đức tin chúng ta quý giá hơn mọi châu báu, kim cương, vàng bạc phù hoa, chắc hẳn cần đến lửa thử thách tinh luyện.
Sau cùng, không gì xác đáng hơn lời Thánh Gia-cô-bê nhắn nhủ chúng ta: “Đức tin có vượt thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo (thực thi bác ái, tha thứ, trông cậy, hy sinh…), để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (x. Gc 1, 3) và “phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách (đặc biệt trong đời sống đức tin, đời sống đạo), vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (x. Gc 1, 12).
Chúa mời con nên Ki-tô hữu
Chẳng muốn con sống khác Ki-tô.
Muôn vàn ân sủng Ngài không tiếc
Nhưng cần thử luyện với lửa thiêng
Cho con một lòng luôn kiên định
Vượt qua thử thách với đức tin. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 5

Yêu con, bà chấp nhận tất cả
(Mt 15, 21-28)
"Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi !" (Mt 15, 22). Lời van xin của người đàn bà xứ Canaan mới đẹp làm sao! Bà muốn Thiên Chúa thể hiện lòng nhân lành đối với con bà, nên bà đến tìm Chúa.
Chúa thinh lặng
Bà xin, Chúa im lặng, không trả lời, có phải bà bị miệt thị không? Chắc chắn là thế, nhưng bà xin mãi Chúa đành trả lời : "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel" (Mt 15, 24). Tưởng chừng được Chúa thương, ai ngờ lời cầu xin của bà khó có thế chấp nhận được, nhưng bản chất và tình thương của một người mẹ bảo bà cứ xin.
Chúng ta biết, giữa người Do thái và dân ngoại có một bức tường ngăn cách, thánh Phaolô gọi đó là "bức tường hận thù" (x. Eph 2, 14). Chính sự ngăn cách này mà Chúa Giêsu cũng bảo môn đệ đừng đi theo đường của dân ngoại, cầu nguyện "đừng có lải nhải như dân ngoại" (Mt 6, 7). Và nếu ai đó muốn nhục mà người nào trong dân Israel, thì hãy "đối xứ với họ như dân ngoại " (x. Mt 18, 17), nên không có lạ gì khi môn đệ ngạc nhiên thấy Thầy tiếp chuyện với người phụ nữ xứ Samaria dân ngoại. Thế mới biết người đàn bà xứ Canaan can đảm biết chừng nào. Bà đã vượt qua tất cả rào cản về tôn giáo, địa lý, niềm tin, nhất là về thân phận phụ nữ của chính bà. Vì ngay người nữ Do thái còn không được nhắc đến trong lời cầu nguyện, lời chứng của họ không có giá trị pháp lý, không giải quyết được gì ở nơi công cộng, huống hồ là đàn bà dân ngoại.
Chúa Giêsu không đề cập đến những vấn đề trên. Tuy nhiên, bà này vượt qua ranh giới dân ngoại, kêu xin một người Do thái với lòng kính trọng : "Lạy Ngài là con Vua Đavít(Mt 15, 22). Có lẽ bà đã nghe nói nhiều về Chúa Giêsu, trong lòng bà có điều không biết rõ, phải chăng là hồng ân của Thiên Chúa.
Nhưng bà biết, theo ý kiến của dân chúng, bà có thể xin được điều bà cần nơi Đấng được Thiên Chúa sai đến. Chúa Giêsu không chấp nhận, bà nhờ vả các môn đệ, khiến các ông phải thưa với Chúa Giêsu : "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi" (Mt 15, 23). Các ông muốn Chúa nhận lời ngay, Chúa càng từ chối, ngay cả bị miệt thị như chó, bà lại càng xin. Chúa bảo bà, "không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó" (Mt 15, 26) để giải thích lý do tại sao Người không thể nhận lời bà xin.  Bà năn nỉ nài van,  "vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống" (Mt 15, 27). Lời này đã thuyết phục được Chúa Giêsu, ma quỉ bị trục xuất, con gái bà được giải thoát.
Chúng ta tự hỏi : điều gì đã khiến cho bà dám làm tất cả? Thưa vì yêu. Với tình mẫu tử, bà không đành lòng ngồi nhìn đứa con mình bị ma quỉ hành hạ, bà đi khắp đó đây tìm thầy chạy thuốc, vượt qua cả những nơi bị xem là cấm kỵ. Yêu con, bà chấp nhận tất cả, không những đến với Chúa Giêsu là người Do thái, lại còn tin Chúa có quyền năng thống trị được ma quỉ, tin Chúa có lòng thương xót sẽ ra tay cứu chữa, tin Chúa có trái tim rộng mở để không phân biệt người ngoại, kẻ đạo. Đáng ngưỡng mộ cho một người mẹ.
Giao ước và đức tin
Dù bà đã công nhận kế hoạch của Thiên Chúa, cũng như vai trò cứu thế của Chúa Giêsu được sai đến với nhà Israel, nhưng bà hy vọng rằng sự quan phòng của Thiên Chúa Đấng Cứu Thế không chỉ liên kết chặt chẽ với Israel, mà còn trải dài đến mọi dân tộc, kể cả dân ngoại, "vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc" (Is 56, 7 ) ; để "hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài" (Tv 66). Bà cũng tin rằng, những rào cản ngăn cách giữa con người một ngày kia sẽ được rỡ bỏ, không còn trở ngại cho việc thi ân giáng phúc của Thiên Chúa. Bà tin, Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa sai đến như vị Cứu tinh dân ngoại, bởi bà tin Thiên Chúa đã hành động. Lời thánh Phaolô chứng tỏ điểu đó : "Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót" (Rm 11, 32). Tại Nagiaret, Chúa Giêsu đã không thể làm một phép lạ nào vì họ không tin vào Người, bởi vì họ cứng lòng tin. Người đàn bà này bằng đức tin đã đến gần Chúa Giêsu. Bà quả là một người mẹ có lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, bà đã được Thiên Chúa xót thương (x. Rm 11, 13-15. 29-32)
Bài học cho chúng ta
Nhờ đức tin của bà, Chúa Giêsu  hoàn thành phép lạ cứu con gái bà. Bà có chỗ trong bàn tình thương của Thiên Chúa như con cái Cha trên Trời.
Được trở nên con cái Thiên Chúa là ơn gọi của chúng ta! Chúng ta không bị tách rời khỏi Giao ước ban đầu. Chúa Giêsu đến để kiện toàn, vì : "Không còn Do Thái hay Hi lạp; không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ; vì hết thảy anh em là một trong Ðức Kitô Yêsu"(Gal 3, 28). Thánh Gioan nói với chúng ta rằng chúng ta có quyền là con. Tất cả những ai đón nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa (x. Ga 1, 12). Cả chúng ta nữa, chúng ta được Thiên Chúa Cha mời gọi vào dự tiệc cưới Con Chiên.
Bánh vẫn luôn luôn là nội dung của câu chuyện. Bánh được ban cho dân chúng ăn no nê, thỏa mãn sự thèm muốn. Bánh đã được ban tặng cho 12 chi tộc Israel, bánh ấy đã không được chấp nhận, nay Bánh ấy được ban cho dân ngoại. Chúa Giêsu là Bánh của con cái Thiên Chúa. Phẩm vị của những người làm con Thiên Chúa mới đẹp làm sao.
Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện, như: người bạn đến quấy rầy xin bánh, bà góa yêu cầu vị thẩm phán bất lương xử kiện, cụ thể người đàn bà xứ Canaan đã chiến đấu và đã chiến thắng. Thiên Chúa vui mừng vì đã có cơ hội để chịu thua một đức tin tuyệt vời. Trong đời sống của chúng ta, chúng ta cũng phải chiến đấu một trận chiến, ai có đức tin tuyệt vời sẽ là người chiến thắng. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 6
LÒNG TIN KIÊN NHẪN
Mt 15, 21-28
Đức Giêsu đang đi về miền Tia và Siđôn, bỗng gặp một người đàn bà Canaan ở đó đi ra kêu lên: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” (Mt 15,22). Bà này là người ngoại (kẻ thù truyền kiếp của người Do Thái), nên bà kêu xin khẩn thiết như vậy mà Người không đáp lại một lời. Ngày nay chúng con mà gặp thái độ miệt thị, dửng dưng, coi như điếc này thì bực ra mặt, đánh giá sau lưng hoặc thất vọng quay gót chẳng thèm phiền đến lần thứ hai. Đằng này bà cứ bám lì theo sau làm các môn đệ sốt ruột lên tiếng với Thầy: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” (Mt 15,23). Bà lắng tai nghe ngóng thì chỉ thấy Người trả lời phân ranh: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15,24). Khác nào bị đuổi khéo, nhưng bà không chùn bước mà tiếp tục tiến đến bái lạy, khiêm tốn xin Người cứu giúp. Chẳng ngờ Người buông thẳng một câu nghe thấy nhục nhã, rằng không nên lấy bánh dành cho con mà ném cho chó con. Vậy mà bà còn nhẫn nhục cãi lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27). “Của cố là của được”. Cuối cùng Đức Giêsu đã “thua” lòng tin mạnh mẽ và kiên nhẫn của bà. Kết quả từ giờ đó con gái bà được khỏi. Người khen bà có lòng tin mạnh thật, nên bà muốn sao thì được vậy. Ôi! con cái trong nhà chúng tôi xin bái phục bà Canaan! Đến xin Thầy cứu mà Thầy không tiếp, còn ví phận dân ngoại của bà với “chó con”, vậy mà bà vẫn đủ lòng tin lòng cậy ở vị Thầy “khắt khe” hôm nay, thì lòng tin của bà quả là mạnh thật. Chúng tôi mà bị xử như vậy thì ắt sẽ mất hết niềm tin và bỏ cuộc từ lâu. Một lòng tin mạnh mẽ vượt lên những kỳ thị chủng tộc, vượt lên thử thách đến tột cùng, sợ hãi và xấu hổ tủi nhục. Lòng kiên nhẫn không hề ngã lòng trước lời từ chối của bà đã đụng vào trái tim luôn chạnh lòng thương của Người. Sự im lặng và chối từ của Đức Giêsu đã đưa đức tin của bà vượt qua thử thách và mạnh lên. Ngày nay trong đời sống đức tin, nhiều khi chúng con cũng gặp những rào cản, thử thách nặng nề. Nhưng xem ra lúc gian nan chúng con hiểu phần nào chương trình của Chúa cho đời mình và được trưởng thành hơn trong đức tin.
Lòng tin của bà còn mạnh mẽ vì nỗi đau của con chính là nỗi đau của bà, nên bà xin Thầy dủ lòng thương “tôi”, van xin cho chính bà. Lúc Thầy ra như làm ngơ, thì các môn đệ lên tiếng làm Thầy lưu tâm giải quyết vấn đề. Ước gì ngày nay chúng con cũng trở thành cầu nối kết, để Chúa thực hiện những ơn lành cho người khác cần được quan tâm và nâng đỡ. Lúc đó mọi khó khăn được giải gỡ an ổn tốt đẹp, khi có động lực kéo ơn Chúa xuống trên con người.
Có lẽ Đức Giêsu muốn cho các môn đệ thấy lòng tin đáng nể nơi người ngoại và hiểu tình yêu thương đại đồng của Thiên Chúa dành cho hết thảy mọi người, kể cả dân ngoại mà họ đang muốn loại trừ. Dọc dài theo Tin Mừng, ta thấy Người vẫn luôn yêu thương thi ân, chúc lành, đề cao, khen ngợi những người ngoại.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng khiêm nhường, lòng tin mạnh mẽ vượt lên mọi thử thách gian nan, để chúng con có thể đi trọn con đường Chúa muốn, với lòng tin ngày càng vững mạnh hơn, để chúng con được hưởng trọn niềm hạnh phúc của những người sống trong niềm tin yêu Chúa. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log