Thứ bảy, 23/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 15 Thường niên A

Cập nhật lúc 10:41 14/07/2023
Suy niệm 1
Mt 13, 1 – 9
Trong ba năm truyền đạo, uy tín của Đức Giêsu bốc lên như diều gặp gió. Quần chúng ùn ùn đi theo Ngài. Họ chén lấn nhau để tới gần Chúa. Người thì đụng vào vai Chúa, người thì đụng vào tà áo của Chúa. Đụng vào Chúa để xin khỏi bệnh và để lấy lộc. Các bà mẹ bồng con thơ đến xin Chúa đặt tay chúc lành… Hàng ngàn người, hàng năm sáu ngàn người coi Chúa như siêu thần tượng. Chỉ nhìn thoáng qua thôi cũng thấy Chúa thành công tới mức độ nào. Nhưng thật ra thì không phải vậy. Cụ thể là hôm Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Thính giả là năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em. Chưa bao giờ có một nhà giảng thuyết mà số thính giả đông quá như thế.
Nhưng phân tích kỹ chúng ta sẽ thấy.
Một. Chúa giảng ở trên sườn đồi: không có loa phóng thanh. Vậy thì người nghe lời Chúa chỉ được chừng bốn, năm trăm.
Hai. Số người đi theo Chúa đâu phải chỉ là để nghe lời Chúa giảng và thi hành lời Chúa. Cụ thể là có người đi theo để bán bánh và nước uống. Không phải chỉ có một thằng cu tí có một rổ bánh và cá nướng. Phải có hàng trăm người bán bánh như thế. Chắc chắn có người đua nhau đi cho vui thôi. Họ ngồi nói chuyện với nhau thì nhiều hơn là vểnh tai nghe lời Chúa.
Chính Chúa đã nhận xét rằng thính giả của Ngài có bốn loại khác nhau. Có người nghe nhưng vô tâm vô tình. Có người nghe rồi quên bẵng. Có người nghe và thi hành được một thời gian rồi lại vẫn như cũ. Chẳng phải nói chuyện xa xôi làm chi: ngay trong đoàn Tông đồ cũng có một ông theo Chúa mà chỉ thờ tiền. Đó là Giuđa Iscariốt. Chính Chúa tuyển chọn và đào tạo Tông đồ, vậy mà kết quả chỉ là 91,70%.
Nhận xét của Chúa cho chúng ta hai bài học:
Một: Các nhà truyền giáo không thể thành công 100% đâu. Người tin theo không phải là 100%. Người tin theo rồi cũng không sống đức tin 100%. Ấy là chưa kể người rao giảng cũng chưa chắc là mình đã sống đức tin đúng như Chúa muốn đâu. Phải khiêm tốn nhìn nhận điều đó, để không kiêu ngạo và chủ quan về công tác của mình.
Hai: Những tân tòng phải thận trọng kẻo mình rơi vào số thính giả vô tâm vô tình; theo đạo như theo một phong trào nông nổi. Không những không được ích gì mà còn thêm tội. Người tân tòng đừng bao giờ theo Chúa chỉ để cầu danh cầu lợi, gặp khó khăn trong cuộc sống thì bỏ đạo và chống đạo.
Để có một niềm tin lớn và sống niềm tin ấy, người tân tòng nên khiêm tốn và can đảm. Có một người được coi là hạt giống rơi trên đất tốt đã được cày bừa và bón phân tưới nước. Ta nên noi gương bắt chước. Người ấy là bà Legrix. Khi mẹ bà mang thai bà thì mắc bệnh mất ngủ. Bà uống thuốc an thần quá lố, khiến bà đẻ ra một bé cụt tay cụt chân. Hai tay cụt từ cùi chỏ. Hai chân thì một chân cụt từ đầu gối, chân kia thì cụt hết cả đùi và mông. Bà là một nhà văn, một họa sĩ. Nhiều bức tranh của bà tham dự triển lãm và giành được nhiều phần thưởng. Năm 1953 có một nhà báo đến phỏng vấn bà:
- Thưa bà, trước hết tôi xin lỗi bà, vì báo chí chúng tôi gọi là quái thai, xin bà thông cảm. Bây giờ tôi chỉ xin hỏi bà một câu thôi: “Bà có khổ không?”
Bà Legrix cười như nắc nẻ, cười cho đã rồi bà mới trả lời:
- Tôi không khổ, vì tôi biết Chúa yêu tôi.
Câu chuyện giản dị chỉ có thế. Bà Legrix là người được Chúa xếp vào loại hạt giống thứ tư: rơi vào đất tốt mọc lên rồi trổ bông. Một hạt thành 30, 60, 100 hạt và có thể còn nhiều hơn thế. Chúng ta nên sống can đảm như thế. Rất khó, nhưng không khó quá đâu.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
HẠT GIỐNG LỜI CHÚA
Mt 13, 1 - 9
Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đứng bán ở quày hàng này.Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?
Chúa trả lời: Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.
Chị nói liền một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa.
Chúa mỉm cười và nói: Hỡi con yêu dấu, ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).
Trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay, Chúa không bán hạt giống, mà gieo hạt giống làLời Thiên Chúa. Đây là dụ ngôn nói lên niềm hy vọng và sự hào phóng của Thiên Chúa đối với con người. Hạt giống Lời Ngài đã được tung gieo cho hết mọi thế nhân, từ mảnh đất của những tâm hồn tốt lành đến những mảnh đất của những tâm hồn khô khan nguội lạnh. Dù là người tốt hay kẻ xấu, tất cả đều được Chúa yêu thương, đều được đón nhận hạt giống của Lời hằng sống, là chính Đức Kitô, niềm vui ơn cứu độ cho những ai đón nhận Ngài.
Chúa không chỉ là người gieo vãi hạt giống tốt nhưng Ngài còn sửa sang, dọn dẹp, chỉnh trang lại mọi mảnh đất tâm hồn. Thánh vịnh 64 đã nói lên điều này: “Chúa tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm. Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi”. Dù biết rằng có những tâm hồn như những mảnh đất hoang cày lên sỏi đá, nhưng Thiên Chúa không hề thất vọng về bất cứ một ai. Người vẫn luôn chờ đợi và hy vọng nơi loài thụ tạo của mình, đến nỗi hy sinh Con Một Người để cứu vớt mọi sinh linh. Điều này ngoài sức tưởng tượng của con người và vượt trên mọi kinh nghiệm tôn giáo. Tình yêu Thiên Chúa không chỉ là phổ quát cho mọi con người nhưng còn là tình yêu rất riêng cho mỗi tâm hồn.
Thiên Chúa quả thật là Đấng vô cùng tốt lành và đại độ trong cuộc đời của mỗi con người. Kinh nghiệm sống cho tôi thấy rằng có những lúc tôi không dám tin vào mình, và cũng nhiều khi tôi đã thất vọng về chính mình, nhưng Thiên Chúa lại dám tin tưởng và hy vọng vào tôi. Điều đó đã cho tôi một sức mạnh kiên cường để phấn đấu vươn lên và cải tạo tâm hồn của mình thành mảnh đất mầu mỡ, để hạt giống Lời Chúa có thể trổ sinh hoa trái dồi dào, làm đẹp cho cuộc sống con người.
Cũng vậy, điều Thiên Chúa hy vọng nơi tôi làm chấn động tâm hồn tôi, khiến tôi hoàn toàn đặt hy vọng vào chính Chúa, và đồng thời mời gọi tôi tiếp tục hy vọng vào đời sống của anh chị em mình, cho dù nhiều phen họ đã làm cho tôi thất vọng và đau khổ, cũng như tôi đã nhiều lúc làm cho những người khác phải thất vọng và khổ đau. Nhưng chính trong đau khổ mà tôi lại được lớn lên hơn trong niềm tin yêu và hy vọng vào Chúa, là Đấng đang kết dệt nên cuộc đời tôi và đang làm tươi mới cuộc đời anh chị em tôi từ những khó khăn và trắc trở.
Sứ điệp của dụ ngôn gửi đến mọi người tín hữu,để thấy mình vừa được cảnh giác vừa được trấn an: được cảnh giác hãy trở nên đất tốt và sinh hoa quả tối đa; được trấn an vìta biết Chúa Giêsu hoàn toàn làm chủ tình thế: Ngài có thể gặp thất bại, nhưng các thất bại này được tiên liệu trong chương trình của Thiên Chúa.Dù sao, dụ ngôn cũng cho thấy đời sống Kitô hữu sẽ gặp vô số nguy hiểm, đó là sự lôi kéo của Satan, gian nan, thử thách, bách hại, các lo lắng sự đời, và bã vinh hoa phú quý. Cần phải có sức mạnh và lòng can đảm để thắng vượt chúng, bằng sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô và kín múc ân ban từ Thánh Thể Ngài. Chỉ với ơn thánh Chúa, chúng ta mới có thể làm cho tâm hồn mình trở nên mảnh đất phì nhiêu bằng một tình yêu cao độ.
Quả thật, Chúa đang mong đợi và vui mừng về một mùa bội thu,khi đã gieo vãi Lời Ngài vào mỗi tâm hồn chúng ta. Hãy kiên trì cải tạo vùng đất tâm hồn mình để mỗi ngày sinh hoa kết quả dồi dào hơn:trước tiên là trong sạch hóa bản thân để sống cuộc đời ngay chính; tiếp đến là nỗ lực Phúc Âm hóa môi trường mà chúng ta có mặt, nghĩa là đem Lời Chúa, tinh thần của Chúa thấm nhập vào lối sống của những người chung quanh.Trong tin yêu và hy vọng, chúng ta hân hoan chờ ngày Chúa đến, để dâng Ngài một cuộc đời đầy hoa trái của tình yêu.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Đấng đã gieo Lời Chúa khắp mọi nơi,
để ban cho con người sự sống mới,
là niềm vui ân phúc của cõi Trời.

Nhưng Lời Chúa đòi con phải xét mình,
với cả tấm chân tình và đoan chính,
xem bao nhiêu hạt giống gieo vào lòng,
có được như tim Ngài vẫn khát mong?

Có hạt rơi như rơi trên vệ đường,
văng ra ngoài không đi vào tâm tưởng,
bởi Lời Chúa đòi con phải đổi hướng,
mà đời con còn những nỗi lụy vương.

Có hạt rơi như rơi trên sỏi đá,
con vui mừng vội vã đón lấy ngay,
nhưng vì sống cạn cợt nên sa sẩy,
thiếu rễ sâu nên mưa gió dập vùi,
có thể vì lòng con còn cứng cỏi,
nên Lời Chúa không thể đến chiếu soi.

Có hạt rơi như rơi vào bụi gai,
vì chuyện đời và đam mê của cải,
gai bóp nghẹt làm cây không sinh trái,
khiến đời con phải sống kiếp u hoài.

Nhưng có hạt đã rơi vào đất tốt,
vì con sống Lời Chúa thật say mê,
nên cây đời nhiều hoa quả xum xuê,
khiến cho ơn ơn thánh Chúa đổ tràn trề.

Hôm nay Chúa sai con đi gieo hạt,
hạt giống Tin Mừng hạt giống tình thương,
xin cho con luôn vững chí can trường,
dám đi trong đau thương và thử thách,
để ngày về tâm hồn con vui sướng,
tới miền quê hạnh phúc cõi thiên đường. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 3
Hai khu vườn

Mt 13, 1 – 9
Có hai khu vườn nằm cạnh nhau, tuy cũng thuộc dạng đất như nhau và cùng được gieo trồng bằng những hạt giống như nhau… Thế mà chúng lại tương phản nhau.
Vườn anh Nam thì đầy hoa thơm trái tốt, thu hút nhiều du khách đến xem: Họ đua nhau chụp hình bên những luống hoa xinh đẹp; họ trầm trồ khen ngợi những cành cây trĩu trái, họ thưởng thức những trái cây ngon lành…
Trong khi đó, vườn chị Nữ bên cạnh thì đầy gai góc, cỏ dại và sỏi đá… chẳng ai để mắt nhìn.
Chị rất buồn vì thấy vườn anh Nam tốt đẹp hấp dẫn đến thế, còn khu vườn của chị tệ hại như vườn hoang. Cùng được gieo trồng bằng những hạt giống như nhau, thế thì tại sao kết quả lại hoàn toàn trái ngược nhau?
Sở dĩ có sự khác biệt đáng tiếc nầy là vì anh Nam đã dọn sạch sỏi đá, cỏ dại và mọi thứ gai góc trong vườn trước khi gieo hạt; còn chị Nữ thì phạm phải một sai lầm tai hại là bỏ qua công việc hệ trọng nầy.
Hình ảnh hai khu vườn minh hoạ cho Lời Chúa Giê-su trong Tin mừng Mát-thêu được trích đọc hôm nay:
Người kia ra đi gieo giống. “Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không nhiều; nó mọc ngay… nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13, 4-7).
Tâm hồn chúng ta cũng như một khu vườn và Lời Chúa là những hạt giống tuyệt vời được Chúa Giê-su mang từ trời xuống gieo vãi trong tâm hồn chúng ta và Ngài mong sao cho hạt giống Ngài gieo được sinh hoa kết quả dồi dào. Tuy nhiên, nếu chúng ta không dọn sạch gai góc, cỏ dại và sỏi đá khỏi khu vườn tâm hồn mình thì Lời Chúa không thể nào bén rễ được.
Khi lời Chúa Giê-su dạy: Các con chia cơm, sớt bánh cho người đói khát là làm cho chính Ta… được gieo vào tâm hồn người ích kỷ thì lòng ích kỷ của người đó như những tảng đá lớn, làm chết nghẹt Lời Chúa ngay từ đầu.
Khi lời Chúa Giê-su dạy: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì” được gieo vào tâm hồn người tham lam, thì lòng tham nơi người đó y như những bụi gai rậm rạp, sẽ làm lụi tàn Lời Chúa ngay.
Như thế thì ích kỷ, tham lam, đam mê lạc thú… là những cụm gai lớn, là những đống sỏi đá ngổn ngang… sẽ chèn ép Lời Chúa ngay từ đầu, không để cho Lời Chúa mọc lên và bén rễ. Thế rồi, chỉ còn những cụm gai là thói hư tật xấu, những cây hoang dại là đam mê tội lỗi… sẽ chen chúc mọc lên, xâm chiếm hết thửa đất tâm hồn, biến tâm hồn ta thành bãi đất hoang phế.
Lạy Chúa Giê-su,
Thật là điều rất đáng buồn và đáng tiếc nếu tâm hồn chúng con trở nên như bãi đất hoang có nhiều cụm gai và ngổn ngang sỏi đá khiến nhiều người khinh chê, xa lánh.
Và thật là điều đáng mừng nếu tâm hồn chúng con trổ sinh nhiều hoa đẹp trái ngon nhờ có nhiều đức tính tốt, trở nên như khu vườn xinh đẹp được nhiều người yêu thích.
Xin cho chúng con không ngừng loại bỏ mọi thứ “sỏi đá gai góc” ra khỏi tâm hồn, tích cực vun xới cho hạt giống Tin mừng đâm chồi và tăng trưởng để làm cho cuộc đời nở hoa, tức làm cho mình trở thành người có văn hoá, có đạo đức và phẩm chất cao đẹp.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
NHỜ BÁC NÔNG DÂN KHÔNG CHUYÊN

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Đã là một người nông dân thực thụ thì trước khi xuống giống, họ phải chọn hạt giống tốt, chọn đất tốt để gieo hạt, rồi cần mẫn từng ngày chăm sóc cho đến mùa thu hoạch với kết quả mỹ mãn nhất có thể được.
Tuy nhiên, khi chúng ta nghe đoạn Tin Mừng hôm nay, điều đầu tiên dường như không ai trong chúng ta không khỏi thắc mắc: người gieo hạt giống trong đoạn dụ ngôn không phải là người nông dân chuyên nghiệp, cũng không thể nào là bác nông dân có kinh nghiệm trồng trọt được! Bởi chưng hạt giống tuy nhiều nhưng không rẻ chút nào nên không thể nào gieo rải tuỳ tiện được; thêm nữa, người gieo lúa này sao không gieo vào đất tốt để nắm chắc phần thắng bội phần vào mùa thu hoạch! Và một khi đã biết hạt giống mà gieo trên vệ đường, trên đá sỏi, trong bụi gai thì sẽ không đâm chồi nẩy lộc, sinh hoa kết trái, nhưng vẫn gieo là thế nào!
Đây chỉ là một loạt câu hỏi trong tâm trí của chúng ta khi được nghe hoặc đọc đoạn Tin Mừng này. Chắc chắn lời giải thích dụ ngôn của Chúa Giê-su ở đoạn cuối Tin Mừng quá ư rõ ràng, dễ hiểu hơn mọi cách chú giải khác, cho nên thay vì chúng ta giải thích nữa, thì chúng ta thử nhìn lại thuở ruộng tâm hồn bản thân, và thái độ cũng như tâm thế của ta khi đón nhận hạt giống ra sao.
Như đã nói trên, Thiên Chúa chính là người gieo giống trong đoạn dụ ngôn, và dĩ nhiên Ngài không phải là người nông dân chuyên nghiệp! Tuy vậy, nhờ lí do Ngài không là bác nông dân thực thụ cho nên tất cả mọi ruộng đất, muôn loại đất trồng đều được Ngài gieo hạt mầm. Vì lẽ, hình ảnh mảnh đất chính là tâm hồn chúng ta, chính là cuộc đời, chính là chặng đường đời chúng ta; và hạt giống Ngài gieo không khác hơn là sự sống, ơn sủng, Lời Chúa, ý định, đặc sủng, hồng ân, cơ hội, các giá trị Nước Trời như bình an, công bình, chân lý, thiện hảo, tốt lành…Chính vì thế, Ngài không loại bỏ những thuở ruộng cằn cỗi, khô cháy; Ngài cũng không khước từ những mảnh đất hoang tàn, bị bỏ quên; Ngài càng không chê bai vùng đất chẳng có một chút tiềm năng đơm hoa kết quả. Ngài vẫn gieo, vẫn ban phát, vẫn trao ban tất cả hạt giống cho mọi tâm hồn dẫu như là vệ đường rực nóng vào mùa nắng, dù là sỏi đá trơn nhẵn chen chúc, dù là bụi gai khát cháy, dành giật dinh dưỡng từ khí trời, mưa rơi, “như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55, 10 - 11).
Tạ ơn Chúa vì Ngài không chỉ gieo vào những thuở đất tươi tốt, có tiềm năng đơm hoa kết trái cho vụ mùa thu hoạch, mà Ngài đón nhận hết tất cả các mảnh đất tâm hồn của chúng con! Vì vậy, chúng ta cùng thử nhìn lại tâm hồn, cuộc đời của bản thân, cũng như thái độ, tâm tình hay tâm thế của chúng ta mỗi khi được đón nhận ‘hạt giống’ từ việc Chúa gieo trồng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua Giáo Hội, qua các thừa tác viên có chức Thánh, qua các biến cố trong đời…! Nhưng trước đó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một câu mà mỗi khi Chúa kết thúc chuyện dụ ngôn  đều được thuật lại: “ai có tai thì hãy nghe” (Mt 13, 9). Đây dường như là một lời nhắc nhở không quá dư thừa vì trong thời Cựu ước tiên tri I-sai-ah cũng đã tuyên sấm: “các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. Vì lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa lành cho chúng” (Mt 13, 14 - 15; x. Is 6, 9 - 10). Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta khi nghe câu nhắc nhở đại loại thế này thì thường phản hồi: ‘biết rồi khổ lắm nói mãi!’ hoặc ‘bổn cũ nghe mãi chán lắm rồi’, còn có nhiều câu hồi đáp ngây ngô như ‘ai mà chẳng có tai, mà đã có lỗ tai rồi thì nghe là chuyện miễn bàn. Cho nên không cần nhắc thế đâu hic hic’. Đúng thật, khó cho người giảng dạy và cũng không dễ dàng cho thính giả và học viên! Dù vậy, điều mà Chúa nhắc nhở mỗi người chúng ta ở đây là: không chỉ nghe bằng hai chiếc lỗ tai được gắn trên khuôn mặt cho cân, mà mỗi khi nghe thì hãy chú tâm (cho con tim tham gia), lắng đọng tâm hồn, chăm chú nghe hầu lãnh hội - đón nhận - thực hành, chứ không ‘nghe suông, nghe lấy lệ, nghe cho xong, nghe cho có, nghe từ tai này chạy qua tai kia rồi chạy mất không ngày gặp lại’. Hơn nữa, việc chú tâm lắng nghe này dường như nghe dễ dàng, nhưng thật sự lại gian nan, vất vả, cần rèn luyện nỗ lực mãi liên như thể cách diễn đạt “các đau khổ đời này có ghê gớm đến đâu, cũng chẳng thể nào sánh với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (x. Rm 8, 18).
Sau cùng, chúng ta tự hỏi và xem xét tâm hồn bản thân đang thuộc loại đất nào, có tâm tình, thái độ nào khi được ‘gieo hạt giống vào lòng’? Phải chăng ‘đất vệ đường’: nghe rao giảng Nước Trời mà không hiểu, không chịu tìm hiểu, không đâm rễ sâu trong lòng, dễ dàng để mất đi (x. Mt 13, 19); hay thuộc dạng ‘đá sỏi’: nghe Lời Chúa và vui vẻ đón nhận, nhưng đòi ‘tốt nghiệp sớm’, không đâm rễ sâu, lại nhất thời nữa, đặc biệt lúc gặp gian nan hoặc bị ngược đãi, bị bắt bớ vì Chúa thì vấp ngã và bỏ cuộc ngay? (x. Mt 13, 20 - 21). Nếu không rơi vào hai trường hợp trên, thì chúng ta có thể đang ở tình trạng ‘bụi gai’ chăng? nghĩa là được nghe Lời Chúa, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì (x. Mt 13, 22). Trái lại, loại đất tâm hồn ai cũng trông mong, ai cũng muốn trở thành, chính là thuở đất tốt tươi mầu mỡ, cụ thể: nghe Lời Chúa, hiểu và đón nhận hầu đem ra sống hằng ngày, nên đơm bông kết trái và được thu nhận bội phần khi đến mùa (x. Mt 13, 23).
Giờ đây, chúng con đặt mình trước Chúa mà cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho tâm hồn chúng con luôn trở nên mảnh đất tốt tươi để khi Chúa gieo hạt giống vào lòng, được trổ sinh hoa trái. Cho dẫu dòng đời cứ đổi thay, mọi thứ bị cuốn trôi để lại lo toan, khó khăn thử thách như thể không vượt qua nỗi, thì cho chúng con luôn biết mở rộng tâm tư, có thái độ khiêm nhu, chú tâm lắng nghe, khắc ghi trong lòng, hầu làm lẻ sống đời chúng con.
Tạ ơn Chúa vì không hề chê bỏ
Tâm hồn con dù bé nhỏ mong manh

Dù thuở ruộng đất trồng chẳng tươi xanh         
Chúa vẫn gieo, trông thức canh đêm ngày
         
Mãi vun trồng, hằng tra tay chăm bón                

Cho tới khi hạt chồi non mơn mởn         
Cây trổ sinh hoa trái, vươn cao lớn         
Mùa thu hoạch bội phần, ơn siết bao
. Amen! 

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 5
Hãy là đất tốt, để hạt giống Lời Chúa sinh nhiều bông hạt
(Mt 13,1-23)

Cho đến bây giờ, "mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta " (Rm 8, 22-23). Hỏi ai trong chúng ta lại không có kinh nghiệm sống ở đời về tương phản giữa khổ đau trong đời sống thường ngày và vinh quang cũng như hy vọng mà Thánh Phaolô nói đến trong thư gửi giáo đoàn Rôma (Rm 8 18-23)? Giữa "những đau khổ trong hiện tại " chúng ta mang trên mình, và "vinh quang mà Thiên Chúa sẽ tỏ lộ trong tương lai "(Rm 8, 18). Hiện tại chúng ta chưa có kinh nghiệm nhiều, nên chúng ta muốn nói như Đức Maria: " Việc đó xảy ra thế nào được ? " (Lc 1, 34) Phụng vụ hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Mặc khải cho biết, khổ đau đi vào thế giới như là hậu quả của tội lỗi "không thể tránh khỏi"; cũng như trái cấm trong vườn Êđen, vì một lời nói dối, khiến con người chống lại Lời sáng tạo, gây nên sự hỗn loạn, sau cùng cả và nhân loại bị hủy diệt. Chỉ có Thiên Chúa, Lời sáng tạo, mới có thể can thiệp để cứu chuộc con người (x. Rm 8) và tái lập trật tự hài hòa đã được thiết lập ngay từ thuở ban đầu. Chúa phán: " lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác "(Is 55, 11). 
Hỏi : Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra là gì vậy ?
Thưa : Là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Con một Ngài, Thiên Chúa như người gieo giống gieo Lời ( Con Ngài) vào thế giới chúng ta, "Người cho ứ nước luống cày, Mô đất đặt xuống phẳng phiu, Người cho mưa rào đảo nhuyễn, chúc lành cho giống trổ mầm" (Tv 64, 11) ; "Như mưa tuyết từ trời rơi xuống … làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn" (Is 55, 10). Nước ở đây là nước Thánh Thần tưới lên chúng ta để chúng ta sinh được gấp trăm. Chính nơi Chúa Giêsu phục sinh mà nhân loại được cứu, Người là "Đấng cứu chuộc thế gian ! nơi Ngài đã được mạc khải một cách mới mẻ và kỳ diệu hơn chân lý căn bản về thế giới thụ tạo, điều mà sách Sáng thế xác nhận khi lặp đi lặp lại nhiều lần: "Thiên Chúa thấy như thế là tốt lành" (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc con người, số 8. Ngày 4/3/1979). 
Nhưng nếu Chúa Giêsu là Đầu đã đạt đến chặng cuối của hành trình, thì Thân mình là " mọi tạo vật rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con " (Rm 8, 22) cũng được như vậy. Tuy nhiên, tiền đề sự phục sinh của Chúa Giêsu đã được trao ban : hạt giống sự sống đời đời đã ẩn tàng trong tâm hồn các tín hữu từ ngày họ chịu phép Rửa tội ; Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Lời tái tạo và biến đổi chúng ta. Thật hạnh phúc biết bao khi có Thiên Chúa là Cha vô cùng nhân hậu ; Ngài biết lòng dạ con người phức tạp và yếu đuối. Vì thế, Ngài gieo cách hào phóng, kể cả vệ đường, nơi bụi gai và sỏi đá. Chim trời sẽ đến ăn mất, nhưng đặt hy vọng vào hạt rơi vào đất tốt sinh hoa kết quả dồi dào, "có hạt được một trăm"(Mt 13, 23).
Thiên Chúa rất đỗi khoan dung, không những mạc khải cho chúng ta tình yêu của Ngài bằng cách hòa giải với chúng ta nhờ sự chết của Con Ngài khi chúng ta còn là kẻ thù (x. Rm 5, 10), Ngài gieo Lời cứu độ là chính Con Ngài xuống trên chúng ta, bất kể chúng ta thờ ơ, từ chối, nhưng chắc chắn sẽ có hạt đâm rễ và mọc lên.
Dụ ngôn này thật an ủi cho những kẻ cứng đầu cứng cổ như chúng ta, và cũng là lời khuyên an ủi những ai đang chịu trách nhiệm dạy giáo lý cho thiếu nhi và giới thành niên.
Còn nỗi khổ nào hơn đối với các bậc làm cha mẹ khi thấy con cái mình từ bỏ đức tin ! Nhưng đức tin không thể được truyền theo nhiễm sắc thể hay dòng sữa của mẹ nuôi con, chúng ta có thể trình bày cho trẻ em về tình bạn của Chúa Giêsu, nhưng không thể áp đặt đức tin cho chúng.
Thiên Chúa không đòi hỏi nơi chúng ta những điều không thể: chúng ta hãy vui lòng làm như Ngài, gieo cách hào phóng bằng lời nói và gương sáng, ngay cả trong sự khác biệt; hãy tin rằng sẽ luôn có cái gì đó thúc đẩy hạt giống mọc lên đúng thời vụ ; bởi vì Lời từ miệng Chúa phán ra sẽ không trở lại với Chúa nhưng theo ý Chúa mà sinh kết quả (x. Is 55, 10-11).
Chúng ta cần chuẩn bị một thửa đất tốt để đón nhận hạt giống, và chăm sóc để nó có thể đơm hoa kết trái. Có người không muốn mình bị thử thách hay gặp khó khăn, người ấy sẽ có ngàn lý do để từ chối. Nhưng ai " nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả "(Mt 13, 23).
Tất cả đều nghe dụ ngôn, nhưng người hiểu được là người mang nó về nhà, trân trọng như một tài sản quý giá. Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu chúng ta nghe những gì Chúa nói và nghiêm túc hoán cải theo tiếng Chúa gọi: Ngài sẽ chữa lành và làm cho chúng ta được sống, " giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa" (Rm 8, 21), chúng ta sẽ đơm hoa kết trái. 
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như bậc thầy của việc lắng nghe Lời Thiên Chúa cách sâu đậm và kiên trì. Xin Mẹ giúp chúng ta theo gương Mẹ, là "đất tốt", nơi hạt gống Lời Chúa có thể đem lại nhiều bông hạt. Amen. 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 6
HẠT GIỐNG SINH LỜI
Mt 13, 1-23

Hạt giống được gieo xuống đất sẽ mọc lên thành cây. Nhưng cây đó tươi tốt và sinh hoa kết trái được nhiều hay ít là tùy thuộc vào chất lượng đất trồng và công vun xới bón chăm. Đất tốt cây mọc lên tốt, đất xấu hay trơ đá sỏi thì cây không thể mọc và phát triển, thậm chí chỉ còn trơ lại đất đá mà thôi.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn để ví Lời Chúa như hạt giống nhà nông gieo vãi; chúng có thể bị cướp mất, có thể lớn lên tí chút rồi khô héo, có thể lớn lên mà chẳng sinh hoa kết quả, và có thể sinh hạt gấp trăm. Giữa đám đông ngút ngàn từ khắp các thành thị kéo đến, Đức Giêsu hô lên, như để kéo sự chú ý, chú tâm mà suy xét về điều quan trọng này: “Ai có tai nghe thì nghe” (Mt 13,9). Bởi vì nhiều người nghe mà như không, nghe như nước đổ đầu vịt, nước mà đổ trên “đá gạch hoa kim” thì càng vô hiệu, vì không thể thấm nước.
Hạt giống Lời Chúa có được mọc lên thành cây sinh hoa kết trái hay không là tùy thuộc thái độ đón nhận của mỗi người. Tâm hồn mỗi người như thửa đất sẽ đón nhận hạt giống Lời Chúa ra sao?
Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất (Mt 13,4). Khi nghe Lời Chúa người ta cũng nghe, nhưng nghe bỏ đấy, nghe mà không hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy, vào tai này ra tai kia, rồi chê Cha giảng dở, nói lạc đề. Họ không hiểu là vì họ không chịu chú ý nghe, không muốn nghe, hay không chịu suy nghĩ những gì Cha cắt nghĩa, chỉ còn là đất vệ đường.
Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô”       (Mt 13,5-6). Đây là trở ngại do ý chí, là những người có để ý nghe nhưng hời hợt, mát mình thì thực hành tí chút, gặp khó khăn là chán nản chạy mất, hay bị cám dỗ là ngã lòng bỏ cuộc buông xuôi, họ trở thành đất đá sỏi mà thôi.
Còn những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt” (Mt 13,7). Đây là trở ngại do tình cảm, những người nghe Lời Chúa, nhưng chiều theo thị hiếu thế gian, hay đòi hỏi của xác thịt, những thứ ấy làm đất tâm hồn như bụi gai, lấn át làm cho Lời bị bóp nghẹt không thể trưởng thành mà lớn lên được. Lời Chúa là chính Chúa thì đúng là làm cho Chúa bị “nghẹt” rồi, làm sao Ngài có thể lớn lên trong tôi?
Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. (Mt 13,8). Đất thuận lợi là nơi những tâm hồn biết lắng nghe, để tâm suy nghĩ và thực hành Lời Chúa. Không nhiều thì ít, Lời sẽ sinh bông hạt trong thửa đất màu mỡ ấy.
Chúa ơi! Chúa biết rằng tâm hồn chúng con luôn thay đổi: có lúc như vệ đường, như sỏi đá, như bụi gai, hoặc có khi như đất tốt, nhưng Chúa vẫn luôn kiên trì gieo Lời hằng sống của Chúa vào tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con biết hoán cải, mở lòng để đón nhận Chúa vào đời mình hằng giây, để chính Chúa sẽ cải tạo, làm mới thửa đất tâm hồn chúng con. Có Chúa trong cuộc đời, nỗi sướng vui ngập tràn. Lời Chúa được gieo vào lòng chúng con sẽ thành cây tươi tốt sinh nhiều hoa trái. Bởi vì: “gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí.” (1Cr 15, 42-44).

Én Nhỏ 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log