Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 11 Thường niên A và lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Cập nhật lúc 09:15 15/06/2023
CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN A
Suy niệm 1
Mt 9, 35 – 10,1.6-8
Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giêsu tất bật đi đến các làng mạc, các thành thị để loan báo Tin Mừng. Dĩ nhiên chúng ta phải hiểu rằng Tin Mừng Nước Trời là nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em. Đi đến đâu Chúa cũng thấy dân chúng bơ vơ như con chiên không có chủ chăn. Ở chỗ nào người ta cũng chỉ thấy Thiên Chúa là quan tòa chí công, chỉ biết sợ Chúa chứ không dám yêu và tin tưởng Chúa như một người Cha nhân từ. Đi đến đâu, ngoài việc rao giảng Tin Mừng, Chúa còn chữa lành các bệnh nhân và cổ võ mọi người biết đùm bọc và yêu thương người nghèo. Đặc biệt hơn nữa là Chúa kêu gọi người tội lỗi sám hối. Cụ thể là Matthêu, tác giả của bài Tin Mừng này. Bản thân ông là một người thu thuế, một tên phản quốc và phản đạo mà quay ngược để trở thành một môn đệ của Chúa.
Chúa đi rao giảng những gì và đã cứu nhân độ thế như thế nào, thì Chúa lại sai các tông đồ đi rao giảng và hoạt động công tác xã hội như Chúa đã làm. Chúa bức xúc quá, đến mức độ phải thở dài và than lên rằng: “Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít”. Nếu nói theo kiểu bình dân của ta thì phải là: “Lúa chín thì nhiều quá, tràn ngập cánh đồng mà thợ gặt thì ít”.
Chỉ cần nói bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng ta thấy và cảm nghiệm được cái tấm lòng của Chúa như thế nào. Và cũng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng ta thấy chúng ta phải làm gì cho Chúa được hài lòng.
Khi Chúa về trời, thì lời trăng trối của Ngài cũng chỉ là: “Hãy đi khắp trần gian để loan báo Tin Mừng.” Cảm nghiệm được cái tâm bức xúc của Chúa, cộng thêm ơn hỗ trợ của Chúa Thánh Thần, các tông đồ dốc hết khả năng để đi loan báo Tin Mừng. Đi liên tục, bất chấp mọi gian lao thử thách. Chỉ trong vòng một nửa thế kỷ thôi, Tin Mừng đã đến khắp các nước xung quanh Địa Trung Hải. Vào cuối thế kỷ 20, thì trên thế giới không còn một quốc gia nào mà không có nhà thờ, nhà mục vụ và linh mục quản xứ. Hai nước cuối cùng đón nhận Tin Mừng là Tây Tạng và Yemen Dân Chủ.
Đó là tin vui, nhưng bên cạnh cái vui vẫn có cái buồn. Đó là chúng ta có bức xúc như Đức Giêsu hay không? Chúng ta có ưu tiên loan báo Tin Mừng cho người nghèo, người bệnh tật và người tội lỗi như Đức Giêsu không? Chúng ta có thao tức đi như Đức Giêsu hay không? Riêng tại Việt Nam ta, Tin Mừng đã đến vào năm 1533. Dường như Tin Mừng còn đến với ta sớm hơn thế nữa. Đến nay thì kể như Tin Mừng đã được rao truyền gần năm trăm năm rồi. Năm trăm năm loan báo, mà chỉ có 7% nghe, còn 93% thì chưa nghe? Tại sao vậy?
Tại vì các vị thừa sai thì ĐI, còn các tín hữu thì không đi. Các tín hữu chỉ giữ đạo mà không truyền đạo. Giữ đạo nhưng có khi còn giữ sai nữa. Biết bao nhiêu người lương dân kể cả người trí thức vẫn hiểu sai về đạo một cách đáng tiếc. Cụ thể là cuốn Bách Khoa Tri Thức cho độc giả biết: Chúa Giêsu đi giảng đạo năm 18 tuổi; Đức Maria quê ở Nadarét gần Giêrusalem; thánh Phêrô tử đạo vào năm 64 hoặc 67 trước công nguyên; số Giám mục người Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 tăng lên đến con số hằng trăm… Đó là những sai lầm quá đáng. Những lỗi tại ai? Một phần là vì người tín hữu Công giáo không quan hệ mật thiết với người lương dân. Những sai lầm ấy chẳng có ai đính chính.
Đó là điều mà chúng ta phải thay đổi. Truyền giáo thì phải ĐI và phải đối thoại để hiểu nhau, rồi từ đó sẽ yêu nhau và tặng nhau những bông hoa đẹp của các tôn giáo bạn.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 2
LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG
Mt 9,36-10,8

Mở đầu bài Phúc Âm, thánh Matthêu cho biết Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương”. “Chạnh lòng thương” là từ mạnh nhất của tiếng Hy Lạp (Splagchnistheis), diễn tả về lòng trắc ẩn hay thương xót. Các sách Phúc Âm dùng từ này cho Đức Giêsu rất nhiều lần. Ngài động lòng trắc ẩn đối với người bệnh (Mt 14,14), người mù (Mt 20,34), người bị quỉ hành hạ (Mc 9,22), trước cảnh tang tóc của bà hóa Naim (Lc 7, 13),v.v… Ở đây, Đức Giêsu chạnh lòng thương, vì thấy dân chúng “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.
Ðạo Do Thái đã đào tạo nên biết bao tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, họ là những người hướng dẫn tinh thần, lãnh đạo tôn giáo. Sao lại có tình trạng như thế?Thế nhưng có cũng như không. Điều làm cho Đức Giêsu thổn thức trong lúc này là dân chúng đang tha thiết trông mong Thiên Chúa, nhưng những cột trụ của Do Thái giáo đã bị tha hóa, xuống cấp trầm trọng. Họ chỉ biết hành quyền, làm tiền, sống hưởng thụ và gian trá. Đức Giêsu đã từng công kích nhiều lần: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình” (Mt 5, 23-29). Những kẻ lãnh đạo chỉ lo sống cho mình, không màng gì đến những tình cảnh khốn khó của dân Chúa, mà trái lại, còn làm cho cuộc sống dânra nặng nề, do việc giải thích làm cho luật lệ trở nên ngặt nghèo.
Trong tình cảnh vất vưởng của dân Chúa như thế, trước tiên Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt ra gặt lúa về”. Cầu nguyện là cách dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ. Đó là một lời báo động và cũng là một lời kêu gọi khẩn thiết. Mùa màng sẽ không thể thu hoạch nếu không có thợ gặt. Để khơi mào cho một cuộc cách mạng tôn giáo và mở rộng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai và đào luyện họ trở thành những người nòng cốt để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về những bước khởi đầu của việc thiết lập Giáo Hội, mà tất cả chúng ta có bổn phận góp phần vào.
Không chỉ chọn gọi và sai đi, mà Đức Giêsu còn ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, có quyền năng chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, chính là phát triển đời sống tự nhiên và siêu nhiên. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành. Chức vụ đi đôi với sứ vụ, không ai có quyền ngồi đó để hưởng thụ, mà phải ra đi đến với mọi người để phục vụ và làm chứng cho Chúa.
Cách thức chọn lựa người tông đồ của Đức Giêsu cũng thật lạ. Ngài không chọn những thành phần ưu tú và trí thức trong xã hội thời đó, mà chọn những người dân lao động, đa số là dân thuyền chài, nghĩa là những người rất thường tình, không có gì đáng nói. Thế mà cuối cùng đã trở nên những con người có khả năng thay đổi thế giới. Đó là điều kỳ diệu mà Chúa đã làm nên từ những con người bé nhỏ nhưng dám quảng đại đáp lại tiếng gọi linh thiêng. Ðiều này khiến chúng ta phải thay đổi quan niệm của mình về cách nhìn người hay dùng người trong Giáo Hội, nhất là cách Chúa dùng chúng ta trong công việc của Ngài.
Nhìn vào cánh đồng truyền giáo rộng bao la bát ngát, Giáo hội hôm nay vẫn luôn có một ưu tư lớn lao làm sao để có nhiều thợ gặt? Nhưng điều cần không phải là số lượng mà là phẩm chất. Nếu chỉ là số lượng thôi thì tình trạng của Giáo Hội cũng giống như thời Đức Giêsu: không thiếu gì các tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, nhưng tình trạng tôn giáo vẫn thụt lùi và cứng đọng, dân chúng cũng vẫn “như bầy chiên không người chăn dắt”. Có thể có nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ, nhưng vẫn thiếu tông đồ, thiếu những mục tử đích thực để chăm lo cho đời sống dân Chúa. Có thể mọi hoạt động tôn giáo vẫn rầm rộ bên ngoài nhưng đời sống dân Chúa vẫn lầm than vất vưởng và đói khát. Không có những mục tử dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên, thì cũng là những kẻ “chăn thuê” hay những người làm “công chức” cho đền thờ, chẳng ăn nhập gì đến sứ mạng cao cả mà họ đã được trao ban.
Là Kitô hữu dù ở bậc sống nào, chúng ta cũng đã là người tông đồ của Chúa, có sứ mạng loan báo Tin Mừng, là đem Chúa đến với mọi người, là viên đá sống động để Chúa xây dựng Hội Thánh Ngài ở trần gian này. Như các Tông đồ, nhờ Thánh Thần, chúng ta phải trở nên những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo. Và cũng như các Tông đồ, chúng ta đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ.

Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.

Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.

Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.

Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.

Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
đời chúng con đã được Chúa cho không,
chúng con cũng phải cho không như vậy. Amen.
Lm. Thái Nguyên
==================
Suy niệm 3
THỢ GẶT TRÊN CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO

Trong một cuộc chuyện trò thân tình giữa các cha giáo với nhau, hầu hết cha nào cũng hỏi đại loại câu: Giáo phận cha còn ơn gọi không? Và rồi đâu đó nghe tiếng thở dài đáp lại: Vẫn còn, nhưng chẳng còn bao nhiêu!
Nhìn chung ơn gọi trên toàn thế giới, thì tại Châu Phi, Nam Mỹ và một số nước Châu Á vẫn còn khá nhiều ơn gọi; tuy nhiên, tại những nước Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương thì sụt giảm đáng kể, nếu không muốn nói chẳng còn ai tha thiết với việc đi tu.
Quả thật, việc thiếu hụt linh mục, ơn gọi ngày càng ít ỏi không chỉ diễn ra trong thời nay, mà đã xảy ra vào thời Chúa Giê-su. Chỉ vỏn vẹn mười hai Tông đồ được chọn và được sai đi đến với toàn dân Is-ra-el bấy giờ. Hơn thế, Đức Giê-su nêu rõ ra thực trạng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 37-38). Thực tế thiếu ‘thợ gặt’ là vậy, nhưng Người dạy thêm “anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Do đó, tiên vàn, ‘thợ gặt’ phải được ‘chủ mùa gặt’ gửi đến và sai đi. Nói cách khác, ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa. Người kêu mời, chọn lựa và sai đến với những cánh đồng truyền giáo bát ngát mênh mông.
Thế nhưng, chẳng phải vậy mà ‘thợ gặt’ thụ động đứng chờ, hoặc không làm gì cả! Với sự thương cảm, thấu hiểu sâu sắc, Đức Giê-su “chạnh lòng thương, vì thấy đám đông lầm than, vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (x. Mt 9, 36). Nhìn cánh đồng vàng óng, mà chẳng thấy thợ gặt đâu, tâm hồn ai mà không thổn thức, nhất là ‘Chủ mùa gặt’ - Thiên Chúa chúng ta. Quả vậy, “Người đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban chính Con Một Người chịu chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (x. Rm 5, 8). Hơn thế, “…chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra” (Rm 5, 9), và “…nhờ Người, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5, 11). ‘Chủ mùa gặt’ hằng liên lỉ mời gọi, thúc giục, và sai ‘thợ gặt’ ra đi đến với những cánh đồng bát ngát, cũng như vùng ngoại biên; nhưng ‘thợ gặt’ hoặc ‘ứng viên thợ gặt’ có khi từ chối, do dự bước theo Lời Người. Đôi khi, tinh thần ra đi rao truyền, lửa nhiệt huyết truyền giáo đang dần tắt lịm, dẫn đến thái độ an vị, hoặc chỉ lựa chọn những nơi thuận tiện mà đi, v.v…
Thực tế là thế, nhưng ân sủng làm chứng cho Chúa, sứ mệnh rao truyền Nước Trời lớn lao hơn nhiều. “Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10, 1). Được trao ban đặc sủng, ơn thánh để ra đi thực hiện sứ vụ, chứ chẳng phải để tích luỹ công trạng hay thanh danh. Cụ thể hơn, “anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8). Là thừa tác viên có chức Thánh, chúng ta can đảm nhìn nhận mình vẫn còn vô vàn thiếu sót, còn do dự trong việc chia san ơn thiêng, còn rụt rè đảm đương những thách đố hiện tại trên cánh đồng truyền giáo, còn chọn lựa nơi tiện lợi và chưa dám ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Đối với giáo dân, chúng ta cũng soi xét mình: từ trước tới nay, tôi đã hiểu thế nào về sứ mạng rao giảng Tin Mừng? Tôi vẫn đứng ngoài lề bàng quan, và xem đó không phải là bổn phận của mình? Tôi đã được Chúa ban cho rất nhiều (đơn cử: thời gian, tài nguyên, tài năng, sức khoẻ, khả năng vận dụng tâm trí, lý trí, tự do, phán đoán, lên kế hoạch, v.v…), mà tôi đã biết tận dụng để chia san, đóng góp, xây dựng cộng đoàn, Giáo hội và xã hội chưa?
Trên hết, là những ‘thợ đang gặt’ trên cánh đồng truyền giáo bát ngát hôm nay, xin cho lửa nhiệt huyết ngày càng bừng cháy, lan toả khắp nơi. Là những ‘thợ gặt tương lai’, xin cho họ ý thức sứ mạng làm chứng, trau dồi tâm-thể-trí lực dám đảm đương, chấp nhận mọi thách đố của thời đại mà dấn thân không ngừng, vì chưng “anh em đã được lãnh nhận nhưng không, thì cũng phải cho đi như vậy” (x. Mt 10, 8). Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==================
Suy niệm 4
Được chọn gọi 
và được sai đi
(Mt  9, 9- 13)

Chúa chọn dân Chúa
Thiên Chúa đã chọn dân Irael và nói với họ rằng: “Nếu các ngươi nghe lời Ta và giữ giao ước Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta được tách biệt khỏi mọi dân, vì cả trái đất là của Ta. Đối với Ta, các ngươi sẽ là  một vương quốc tư tế và một dân tộc hiến thánh” (Xh 19,).
Những lời thật rõ ràng và cương quyết cho thấy Chúa đã chọn dân Chúa là dân riêng của Chúa ở giữa các dân tộc, là gia sản độc đáo của Chúa, cho họ tham dự vào sự sống siêu đẳng của Chúa. Chúa sẽ đổ dồn tình thương và ân sủng xuống nơi họ, không phải để các dân tộc không còn được gì nữa, nhưng để mọi dân nước chỉ được chúc phúc với Abraham và dòng dõi ông.
Chúa chọn mười hai tông đồ và sai đi
Đoạn Tin Mừng hôm nay mô tả cảnh Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, giống như cánh đồng lúa chin vàng không thợ gặt. Chúa gọi mười hai môn đệ đến, tượng trưng cho tổ phụ của mười hai chi họ trong Dân Mới, cho họ quyền làm được công việc mà Môsê xưa đã làm một cách bề ngoài. Vì chúng ta biết, trước khi tập họp Dân đến dưới Sinai để đón nhận giao ước, ông đã làm lễ thanh tẩy cho Dân. Bây giờ Chúa Giêsu ban quyền cho mười hai môn đệ xua đuổi tà thần, chữa lành ngay cả những người phung và phục sinh kẻ chết.
Chúa chọn gọi chúng ta
Được Thiên Chúa tạo dựng trong yêu thương giống hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, con người được Thiên phú cho một sứ mệnh thể theo sự quan phòng của Thiên Chúa nhân hậu từ bi. Đây là ơn chung cho hết thảy mọi người. Bởi vậy, trong mỗi quyết định, chúng ta hãy tự hỏi: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ? Câu trả lời chắc chắn: Chúa muốn chúng ta, những người chịu phép Rửa tội hãy vâng nghe lời Chúa sai đi rao giảng rằng: " Nước Trời đã gần" (Mt 10,6).
Thiên Chúa cất tiếng ngỏ lời với con người, và mong một ngày nào đó con người đáp trả. Đây là tiếng gọi từ muôn thuở, từ khi chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao... Ngài gọi từng người, đặt vào một bậc sống nào đó và trao ban một sứ vụ. Lịch sử cứu độ minh chứng, Abraham được gọi để trở thành tổ phụ của một dân tộc. Chúa phán: “Hỡi Abraham, hãy bỏ quê hương bà con thân thuộc, bỏ nhà Cha ngươi để đến xứ mà Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ của một dân tộc” (St 12,1). Môsê, một con trẻ thuộc dòng dõi Lêvi được gọi để trở thành người giải phóng dân tộc Do Thái, dù ông viện cớ: “Tôi là ai mà dám đi gặp vua Pharaon... Xin lỗi Ngài tôi không có tài ăn nói. Miệng tôi thô sơ, lưỡi tôi nặng nề” (Xh 4,10). Samuel được gọi để trở thành ngôn sứ và thủ lãnh. David, cậu bé chăn cừu được gọi để trở thành vua một dân tộc. Giona bị gọi bắt làm ngôn sứ trong sự chối từ và giận dỗi. Chúa sai ông đi, nhưng ông: “lại chạy trốn sang Tarsis, xa Đức Giavê” (Gio 1,1-2). Maria, một thôn nữ được chọn gọi để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Mathêu, kẻ đang ngồi bên két bạc, Chúa đi qua và nói: “Hãy theo Ta” (Mt 9,9).
Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của Thiên Chúa, được Chúa Giêsu thi hành trước, rồi trao cho các Tông đồ và Giáo Hội qua lệnh truyền: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo” (Mc 16,15). Chúng ta phải lấy làm vinh dự được cộng tác vào sứ mạng cao quý này. Mỗi người là một sứ mạng.
Nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu, ngày nay hơn bao giờ hết, là loan báo Tin Mừng cho một thế giới bị thương tổn, không loại trừ ai, như là người chia sẻ niềm vui. Chúng ta hãy để cho lòng mình bừng cháy, nhanh chân tiến bước đi loan báo Tin Mừng. Tất cả chúng ta có thể đóng góp phần mình bằng những lời cầu nguyện và hoạt động, bằng những đóng góp vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta, và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta. Chúng ta cùng thưa với Chúa: Lạy Chúa, này con đây, xin sai con đi.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Suy niệm 1
Nhìn Ngắm Trái Tim Rực Lửa Tình Yêu

(Mt 11, 25 - 30)

Tiếp liền sau lễ của Chúa, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, thứ Sáu sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 19 ngày, ngày Chúa tỏ Trái Tim Tình Yêu của Người ra cho Thánh nữ Maria Margarita Alacoque (16/6/1675), phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành với lòng biết ơn lễ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu rất hay thương “dịu hiền và khiêm nhường” trong lòng. Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện. 
Hơn một năm qua, chiến tranh với danh nghĩa là (đặc biệt) do Ngai khai mào tại Ucraina khiến cả thể giới ngày càng mệt mỏi khi có gắng tìm giải pháp hòa bình. Khủng khiếp hơn là những cuộc xung đột về sắc tộc, tôn giáo, chính trị ở các cấp độ quốc gia và trên thế giới, nhiều người phải bỏ nhà cửa, quê hương, mong thoát khỏi cảnh áp bức với hy vọng tìm đến một nơi đáng sống hơn. Những cảnh nghịch lại với Tin Mừng đang gia tăng tại một số nơi. Người ta không ngừng tục hóa Giáo hội dưới nhiều hình thức. Thay vì nhắm đến sự canh tân theo Tin Mừng, qua việc huấn giáo, truyền giáo, chăm sóc mục vụ, giải thích mầu nhiệm các bí tích, người ta nhắm đến các đề tài khác, với hy vọng nhận được sự ủng hộ của dư luận quần chúng làm cho Giáo Hội đắng cay cực lòng. Đối mặt với tất cả những điều đó, chúng ta nhớ lại Lời Chúa Giêsu gọi mời: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, tôi sẽ cho nghỉ ngơi…” (Mt 11, 28-29). Trong lúc khó khăn này, chúng ta, những người đã chịu Phép Rửa tội và Thêm sức, phải mạnh dạn đem yêu thương vào nơi oán thù theo gương Chúa Kitô tình yêu, chú tâm vào biểu tượng của tình yêu từ bi của Chúa Kitô là Thánh Tâm Chúa Giêsu để chia sẻ tình yêu với đồng loại.
Trái tim là biểu tượng tự nhiên của tình yêu. Trái tim còn đập cho thấy mình còn sống. Thiên Chúa đã yêu con người bằng trái tim tình yêu: “Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa”  (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Quả Tim ấy được cụ thể nơi Trái Tim Chúa Giêsu (x. Ep  3,8-12.14-19). Trái Tim ấy yêu con người bằng một tình yêu bền vững, đáng tin cậy, thủy chung trọn đời.
Trái Tim của Thiên Chúa luôn rung động vì thương loài người và đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Trái Tim ấy không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, từ chối của con người.
Mỗi lần chiêm ngắm tượng, ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta thấy nổi bật hơn cả ngoài Trái Tim bị đâm thâu, là ngọn lửa bốc cháy, để « Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. » (Rm 5, 8). Còn có đôi bàn tay với những vết đanh. Chúng ta đặt mình trước Thánh Tâm Chúa và tự hỏi : Bàn tay con, lạy Chúa, đã làm những gì không phải, khiến bàn tay Chúa bị đanh đóng, và bàn chân con, đã bước đi những bước chẳng lành, để Chúa bị đóng đanh cả chân lẫn tay vào Thập giá? Câu trả lời, vì tội lỗi chúng ta, vì Chúa yêu thương loài người ta quá bội.
Biểu tượng tình yêu ấy đi xa hơn cái chết chính là cạnh sườn của Chúa bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Về điểm này, chứng nhân tận mắt là thánh Tông đồ Gioan đã quả quyết: « Một trong những người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, và tức thì máu cùng nước chảy ra » (x. Ga 19,34). Lưỡi giáo của tên lính đã mở cạnh sườn Chúa, để từ vết thương máu cùng nước chảy ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi. Còn tình yêu nào ngọt ngào êm dịu hơn đã được trao cho Hiền Thê ; đó chính là sự mở rộng vòng tay ôm chặt của tình yêu Chúa.
Trái tim Chúa Giêsu được miêu tả có vết thương và mão gai quấn quanh. Mão gai nhắc nhớ chúng ta về tình yêu đích thực, chung thủy, hoàn toàn tận hiến cho tha nhân, quên cả đau khổ của chính mình, ngụ ý nói, Tình yêu thực sự không thể tách rời khỏi mão gai.
Trái Tim Chúa Giêsu có Thánh Giá biểu tượng chính của Đức tin Kitô giáo, cắm ở phía trên, giúp chúng ta chiêm ngắm tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì chúng ta khi bị treo trên Thánh Giá. Chúa Giêsu, một con người vô tội bị thế gian kết án, đã lấy yêu thương tha thứ đáp trả hận thù khi thưa cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ đã làm” (Lc 23. 24). Người cũng dạy chúng ta phải yêu như Chúa yêu và tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Trái Tim Chúa Giêsu có ngọn lửa bao quanh. Đây là những ngọn lửa vinh quang, lửa tình yêu bừng sáng. Ngọn lửa ấy những ước mong chiếu sáng thế gian tội lỗi và tối tăm, sưởi ấm thế giới lạnh lùng. Đó cũng là ngọn lửa nhiệt thành, chiếu rọi trên các Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần.  
Ngón tay Chúa Giêsu chỉ vào Trái Tin Chúa, có ý mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28-29).
Tay kia dang rộng ra như tha thiết chào đón mọi người, vẫy mời chúng ta hãy uốn lòng nên giống Trái Tim Chúa để làm như vậy đối với tha nhân. Trái Tim Chúa Giêsu quả là một biểu tượng mạnh mẽ của tình yêu Thiên Chúa chúng ta, những người được trao cho sứ mạng yêu thương trên mặt đất này. Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay ngạo mạn cứng đầu, vơi cạn tình yêu đang rất cần đến tình yêu kín múc từ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.
Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 2
Hiền hậu và khiêm nhường

Mt 11, 25-30

Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11,25-26)
Đức Giêsu ca tụng đường lối của Cha, Ngài mặc khải  cho những người bé mọn. Những người “khôn ngoan thông thái” thường tự mãn cậy sức mình, nghĩ mình đã ngon cơm, lấy mình làm đủ đầy không cần người khác, “Tôi không như người thu thuế kia”…Một khi con người tự mãn vì sức riêng, cảm thấy đủ khôn ngoan hiểu biết, đủ nhân đức, đóng kín cửa lòng thì đâu cần đến Đấng Cứu Độ? Các ông kinh sư và Pharisêu ngày xưa như những chuyên viên Kinh Thánh, mà chẳng nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ đấy thôi!
Còn những “người hèn mọn” là người khiêm nhường thật, biết làm nhỏ đi cái tôi, nhận thấy thực trạng thế giá thật của mình.Đức Maria, người Nữ Tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa; bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng; các môn đệ ít học… Thánh Phanxicô Assisi, thánh Đaminh, thánh Têrêsa Hài Đồng dám buông mình trong tay nhân lành Chúa…Tất cả đều sẵn sàng mở rộng lòng mình, đón Chúa vào cuộc đời mình, phó thác tin tưởng, cậy dựa hoàn toàn nơi Chúa và lấy Chúa là niềm vui hạnh phúc ngập tràn của lòng mình. Càng mở rộng lòng ra ta càng đón nhận được ơn mặc khải của Chúa, càng thấy và “biết” nhiều hơn, trong khi những người “thông thái” có khi “trố mắt” nhìn mà chẳng thấy chi, lắng tai mà không nghe được gì. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 11,27). “Biết” ở đây là cái biết bên trong, biết bằng con tim chứ không phải thông hiểu kiến thức hay biết bề ngoài. Biết rõ và cảm nhận được trong tình yêu tha thiết và lòng muốn khát khao.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”(Mt 11,28-30). Đức Giêsu mời gọi tất cả những ai đời nhọc nhằn khốn khó hãy đến với Người, để tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hai nguồn mạch cung cấp sự nghỉ ngơi dưỡng sức này là Lời Chúa và Thánh Thể. Nếu ta biết khát khao tìm đến và “ở lại” sẽ tìm được sự an dưỡng thực sự. Mọi gánh nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng vì lòng yêu mến. Khi yêu người ta quên cả đớn đau, không lấy làm khó nhọc nặng nề nữa dù phải trải qua khó khăn vất vả. Hãy ở lại trong Chúa mà kín múc tình yêu, vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log