Chúa nhật, 26/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật V Phục Sinh năm A

Cập nhật lúc 10:28 04/05/2023
Suy niệm 1
Ga 14, 1 – 6
Đức Giêsu ngỏ lời an ủi các tông đồ: “Lòng anh em đừng xao xuyến.” Tại sao vậy? Tại các tông đồ đang đứng trước một sự cố khủng khiếp. Thượng tế ra vạ tuyệt thông tiền kết cho bất cứ ai tin và theo Đức Giêsu. Do đó suốt tuần lễ Vượt Qua, cả Thầy lẫn trò không dám ăn nghỉ ở gia đình bà Mác ta. Cứ ban ngày thì lên đền thờ dự lễ, ban đêm thì tập trung ở vườn Cây Dầu để ngủ, ngủ ngay dưới gốc cây.
Hơn thế nữa, trong bữa tiệc Vượt Qua, Đức Giêsu đã tiên báo những sự cố đau lòng đến mức độ không ai đủ khả năng chịu đựng. Đó là: có một kẻ phản bội bán mạng sống của Thầy để kiếm tiền; thứ đến là Chúa cho biết các đệ tử đều bỏ Chúa mà tháo chạy tứ tung; ông Phêrô thề dù chết cũng không bỏ Thầy, thì được Chúa báo trước: “Nội đêm nay khi gà chưa gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Sau những sự thật gây tự ái ấy, Chúa lại thẳng tuột là Ngài sẽ bị bắt, bị tra tấn và sẽ bị giết chết. Tuy Chúa có nói Ngài sẽ sống lại vào ngày thứ ba, nhưng chẳng ai hiểu thế nào.
Đầu óc các tông đồ rối mù lên, không biết xoay xở thế nào? Ba năm giã từ thân nhân, bỏ hết công ăn việc làm để theo Chúa, hy vọng Chúa làm vua thì mình làm quan. Ai ngờ - sự thật lại trớ trêu đến thế! Bây giờ chỉ còn một lối đi, đó là lấy mo bịt mặt trở về quê làm lại cuộc đời. Xấu hổ vô cùng!
Chúa thấy hết nỗi buồn và tuyệt vọng của các tông đồ. Ngài vỗ về an ủi họ và ngỏ cho họ thấy tất cả niềm vui lớn lao sắp đổ xuống chan hòa trên đầu các tông đồ. Niềm vui ấy là Chúa đi để dọn chỗ và Ngài sẽ trở lại đón các tông đồ. Nơi ấy là thiên đàng. Ở nơi ấy hạnh phúc vượt trội ngàn lần so với ước mơ tầm thường của các tông đồ là sẽ làm quan làm tướng trong đế quốc trần gian. Cứ nghe lời Chúa, cứ đi theo Chúa là sẽ có tất cả mọi sự an vui mà ở đời này không thể có và không thể hiểu được.
Chúa là Đường. Con đường Chúa đi là từ khổ giá đến vinh quang. Chúa Cha đã an bài cho Ngài như thế. Con đường ấy có thật, không mơ hồ. Con đường từ khổ giá đến vinh quang này được Chúa áp dụng cho không những Con của Ngài, mà còn cho cả loài người lẫn loài động vật và thực vật.
Cây mai của ngà tết đã nói lên sự thật ấy. Trước tết nhà làm vườn không bón phân, không tưới nước, lại còn ngắt lá trơ trụi. Chính nhờ cây khổ giá đấy mà vinh quang đã đến với cây mai vào các ngày tết. Nhờ bị đày đọa mà cây mai nở hoa rực rỡ, biến một chậu mai trị giá hàng mấy chục triệu.
Các nhà khoa học, các nhà hiền triết đã thành công lớn lao cũng nhờ cây khổ giá laođ ộng: quên cả ăn cơm, quên cả giải trí. Cụ thể là Thomas Edison: ông có 1093 bằng phát minh, trong đó có ba bằng phát minh lớn nhất, đó là: đèn điện, máy ghi âm và máy quay phim. Ông đã phải trả giá bằng một cây khổ giá khủng đó là từ năm 13 tuổi đã phải nghỉ học, đi làm đầy tớ cho một tài công xe hỏa, có đồng lương nào thì mua sách báo để học, mua hóa chất để thí nghiệm. Cứ khổ như thế mãi cho tới khi thành công. Từ khổ giá đến vinh quang là một sự thật không thể từ chối.
Ước mong rằng mọi người chúng ta hãy nghe lời Chúa dạy và thực hiện lời Chúa trong cuộc đời của mình.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

==================
Suy niệm 2
GIÊSU -
ĐƯỜNG DẪN TỚI CHÂN LÝ VÀ SỰ SỐNG MUÔN ĐỜI

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng Vụ! Chuyện xưa kể rằng: ‘một hôm Đức Phật dẫn các đồ đệ của Ngài ngắm trăng rằm đang treo lơ lửng xa xa ngoài chùa; Ngài chỉ tay lên mặt trăng và hỏi các đồ đệ: Các con có nhìn thấy gì chăng? Liền tức thời, các môn đệ không ngần ngại đáp: dạ, chúng con nhìn thấy mặt trăng to tròn! Nghe thế, Đức Phật liền nói: Ta chẳng phải là ánh trăng kia, nhưng ta chỉ là một ngón tay chỉ cho các con hướng nhìn về ánh sáng tuyệt diệu đó mà thôi!’
Thật sự, nhìn lại các nhà sáng lập tôn giáo trên thế giới, chưa một vị nào dám khẳng định: họ chính là đường, là sự thật và là sự sống, ngoài Đức Ki-tô là Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu khổ nạn, chịu chết và phục sinh như lời Người đã phán hứa cả.
Cũng trong niềm vui Phục Sinh nối tiếp trong đời sống của mỗi chúng ta, một lần nữa, Chúa Giê-su muốn chúng ta hãy xác tín vào Người như Người đã từng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, đặc biệt ông Tô-ma và Phi-lip-phê trong đoạn Tin Mừng hôm nay “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (x. Ga 14, 6), và “Thầy ở với các con by lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Phi-lip-phê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha” (x. Ga 14, 9). Chúa Giê-su trước khi từ giã, Người đã dặn dò với các Tông Đồ yêu dấu “lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy…Thầy đi để dọn chỗ cho các con…Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó” (x. Ga 14, 1-3). Lời căn dặn tha thiết trìu mến này luôn vang vọng trong đời sống đức tin, cầu nguyện của mỗi người chúng ta, đặc biệt những lúc chúng ta thất vọng, đối diện với đau khổ, tâm hồn xuyến xao, đối mặt với vấn nạn cuộc đời, v.v…Những lúc chúng ta nghĩ Thiên Chúa đang bỏ mặc, xa lìa chúng ta, ‘Thiên Chúa đi vắng, Thiên Chúa ngoảnh mặt làm ngơ, không đoái hoài đến nỗi niềm thổn thức, ưu tư lo lắng của chúng ta!’, nhưng chính thời khắc ấy, lời Người vang vọng trong tâm hồn chúng ta đó “…hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (x. Ga 14, 1). Vì chính Chúa Giê-su là chân lý, là sự sống viên mãn. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, là sự sống muôn đời như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính của Công Đồng Nicea-Constantinople. Và vì Người là nguồn mạch chân lý, và sự sống vĩnh hằng, nên chỉ duy mình Người có khả năng dẫn dắt, vạch đường chỉ lối cho chúng ta đến cùng Chân Lý và Sự Sống ấy. Hơn nữa, không những là người ‘quân sư’ chỉ lối, mà Người chính là ‘đường dẫn tới sự thật và sự sống viên mãn’ ấy.
Cuộc đời chúng ta có rất nhiều đường, vô số ngã rẽ, những đoạn đường quanh co dẫn ta đến thú vui, hạnh phúc chóng qua, thành quả phút chốc nhưng bị diệt vong đời đời! Cuộc sống chúng ta không luôn luôn là những thảm hoa hồng trải dài, lót chân ta đi trên đường phẳng phiu, tươi đẹp! Tương tự, trong mối tương quan xã hội, cộng đoàn, giáo xứ, gia đình, giữa người với nhau, giữa người với môi sinh xung quanh, chẳng phải lúc nào cũng suông sẻ, ‘thuyền êm trôi, xuôi mái chèo’, mà thiết nghĩ, những lúc này, thời khắc ấy, chúng ta có nhận ra Chúa Giê-su đang ‘trải rộng’ đường cho ta bước đến chân lý và sự sống, hay chúng ta lơ đễnh bước trên con đường ‘thảm đỏ’ của trần gian, của thú vui, của thói quen ươn hèn, biếng nhác dẫn đến chỗ diệt vong? Những lúc mất phương hướng trong đời, bị ruồng bỏ, bị thờ ơ, bị lãng quên, bị lạc lõng và lạc lối, chúng ta có tín thác, tin tưởng, quay về với Chúa Giê-su - chính là đường dẫn đưa chúng ta đến Chân Lý và Sự Sống vĩnh cửu, hay chúng ta cứ ương ngạnh trong cái tôi to tướng, nhỏ nhen, thói đời đi ngược với lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội?
Vì vậy, để lòng chúng ta luôn thức tỉnh, nến Đức tin chúng ta luôn cháy sáng, ta hãy xác tín ơn gọi của mỗi chúng ta, đặc biệt trong xã hội hôm nay, như Thánh Phê-rô đã nhắc nhở giáo đoàn: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế, vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người” (1Pr 2, 9). Chúng ta được Thiên Chúa ban tất cả đặc sủng này không phải bởi vì chúng ta xứng đáng lãnh nhận, cũng chẳng phải vì chúng ta có công trạng trước mặt Chúa; nhưng đơn giản chỉ vì lòng lân tuất, tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta mà thôi. Chính nhờ lòng thương xót vô bờ bến ấy, mà mỗi người chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn, được thông phần vào sứ vụ thờ phượng (tư tế), rao truyền và làm chứng (tiên tri), xây dựng tình hiệp nhất (vương giả). Mỗi lúc nhớ lại, khi chúng ta được rửa tội nhờ bởi Thánh danh Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta cũng được tháp nhập, tham dự vào 3 sứ mạng: tư tế (phụng tự, cầu nguyện, tham dự các Bí tích), tiên tri (giảng dạy, rao truyền, chứng tá) và vương đế (đóng góp, xây dựng cộng đoàn trong tình hiệp nhất, hiệp thông). Và sứ vụ này được thể hiện một cách rõ nét từ thời Giáo hội sơ khai (thời các Tông đồ) như sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại một cách sống động, rõ nét: “Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cu nguyện và phục vụ lời Chúa” (Cv 6, 3-4) Bảy ứng viên trong cộng đoàn được chọn để hỗ trợ, phụ giúp các Thánh Tông Đồ, phục vụ cộng đoàn; và nhờ đó “Lời Chúa lan tràn, số môn đồ ở Giê-ru-sa-lem gia tăng rất nhiều…đám đông tư tế vâng phục đức tin” (Cv 6, 7). Noi gương cộng đoàn Giáo hội tiên khởi, chúng ta hãy nhìn lại cung cách phục vụ, tinh thần xả thân, cộng tác với các chủ chiên, các linh mục trong việc mục vụ-làm chứng-rao truyền như thế nào? Là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, đặt Chúa Ki-tô Phục Sinh làm trung tâm đời sống, tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta chưa? Hay thay vì Chúa Ki-tô Phục Sinh là trung tâm, thì chúng ta lại muốn mọi người khác phải quay tròn quanh ta, muốn mọi người phải làm hài lòng cái tôi của ta?
Chúng ta cùng dành ít phút thầm thỉ trong lòng, thưa chuyện với Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh - là trung tâm đời sống của ta, của cộng đoàn, của gia đình ta. Người chính là đường dẫn đến sự thật và sự sống muôn đời:
Giê-su yêu dấu của lòng con
Xin giang đôi tay thương đón nhận
Dẫn dt con trên đường chân lý
Đưa con về sự sống trường sinh. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==================
Suy niệm 3
HÃY TIN

Ga 14, 1-12

Có biết bao điều làm cho con người xao xuyến : bệnh tật, tai ương, xã  hội suy đồi, sự dữ lan tràn… Ngay cả trong cộng đoàn Giáo Hội sơ khai vẫn có những bất công, và kêu ca.Cho đến hôm nay vẫn luôn có những tranh chấp và chia rẽ, đến nỗi có những cuộc khủng hoảng đức tin, khiến nhiều Kitô hữu đã đi theo các giáo phái hoặc gia nhập các tôn giáo khác. Giáo Hội xem ra đang thụt lùi và suy thoái. Đức Giêsu biết và thấy trước tất cả những điều đó, nhưng Ngài khuyên “Lòng chúng con đừng xao xuyến”, vì Ngài nhìn mọi sự từ trên cao, nên cái nhìn của Ngài bao quát hơn và trọn vẹn hơn: Ngài không chỉ thấy hiện tại đang bế tắc mà còn thấy cả một tương lai xán lạn.
Chúng ta có thể tóm gọn bài Phúc Âm bằng hai chữ: “Hãy Tin”. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài. Tin vào Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu, cũng là Cha đầy lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta. Tin vào Thiên Chúa chính là tin vào Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Là Đường để chúng ta an tâm vững vàng bước đi trong cuộc đời này. Là sự thật để chúng ta thoát khỏi những mưu mô và giả trá của thế gian. Là sự sống để chúng ta được sống dồi dào hôm nay, và sẽ sống viên mãn trong Chúa mai ngày.
Tin vàoĐức Giêsu cũng chính là tin vào Thiên Chúa, “vì ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Các môn đệ xưa thấy Chúa Giêsu bằng xương thịt, còn chúng ta thấy Chúa Giêsu bằng Lời Chúa. Qua Lời Chúa ta thấy rõ sự thật về con người Chúa Giêsu, không chỉ là Đấng quyền năng đem lại sự sống mới cho con người trên mọi phương diện, mà còn là Đấng đầy lòng thương xót, đón nhận chúng ta từ mọi tình trạng. Ngài là mẫu mực cho đời sống làm người của chúng ta. Tin vào Chúa cũng là tin vào chính mình, để biết xây dựng cuộc đời mình nên giống Chúa.
Tuy nhiên, ai không siêng năng đọc Lời Chúa, không thành tâm lắng nghe Lời Chúa, không sốt sắng suy niệm và sống Lời Chúa, thì không thể biết Đức Kitô và sống theo chân lý của Ngài. Chúng ta theo đạo không phải là theo một giáo thuyết, một mớ những hiểu biết, hay những giới luật cần thiết bên ngoài, mà là theo Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Chẳng có chủ nghĩa, triết thuyết hay giáo thuyết nào đem lại cho ta nguồn sống linh thiêng; cũng không có chế độ hay chính sách nào giải phóng ta khỏi nô lệ tội lỗi và chính mình ngoài Đức Kitô, vì Ngài là Đấng ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài. Biết bao người vẫn tìm kiếm chân lý và khao khát Thiên Chúa không ngừng, nhưngKhông ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.
Các nhà sáng lập tôn giáo chỉ đường cho ta đi tới chứ họ không phải là đường; họ giúp cho ta thấy sự thật chứ họ không phải là sự thật; họ dạy cho ta biết cách sống chứ họ không phải là sự sống. Họ có thể là những ngôi sao dẫn đường chỉ lối, nhưng vẫn không tránh được những thiếu sót. nhập nhằng, vì họ cũng chỉ là những con người. Chỉ có Đức Kitô là tất cả cho chúng ta trong mọi sự. Lời thánh Phêrô cho ta thấy được diễm phúc của cuộc đời Kitô hữu:“Vinh dự cho anh em là những người tin...anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa... Đấng đã kêu gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng huyền diệu.”(1Pr 2, 7-9).
Nhận ra sự diễm phúc của mình, nhưng tin không phải là một ý niệm hay một sự đồng thuận trong tư tưởng, mà tin là hành động: một hành động dấn thân bằng cả cuộc đời, tức là dám sống chết cho điều mình tin. Từ đức tin này, thánh Phêrô đã đề ra nguyên tắc để mọi người tham gia vào việc chung của Giáo Hội: “Anh em hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động xây nên ngôi đền thờ Thánh Thần”. Mỗi người là một viên đá, một thành viên độc đáo, một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo Hội. Vì thế mỗi người phải sống với tất cả trách nhiệm và lòng yêu mến thâm sâu của mình.
Nhưng ta nên biết rằng,đức tin ấy chứa đựng trong ta như trong bình sành dễ bể, vì thân phận người yếu đuối và mỏng giòn, dễ hướng chiều theo sự lôi kéo của ma quỉ, thế gian và xác thịt.Vì thế, mỗi ngày cần có giờ ở bên Chúa, đọc Lời Chúa, nghe tiếng Chúa. Thánh Thể phải là trung tâm của đời sống ta, và là cao điểm của sự kết hợp mật thiết với Chúa, để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh và sinh hoa kết trái.Ước chi mọi người xung quanh có thể nhìn thấy Đức Kitô Phục Sinh đang sống động nơi chúng ta qua đời sống chân thật và yêu thương phục vụ hằng ngày, và qua đó cũng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Giữa một thế giới duy khoa học,
duy thực nghiệm và duy tương đối,
mà tin vào một Thiên Chúa vô hình,
người ta thấy thật xa xôi mù mịt.

Giữa một thế giới duy nhân bản,
duy lý trí và duy thực dụng,
mà tin vào một Thiên Chúa làm người,
thì đúng là mông lung và liều lĩnh.

Giữa một thế giới duy vật duy cảm giác,
mà tin Chúa dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục mỏng giòn yếu đuối,
trong một Hội Thánh còn những bất toàn,
lại càng khiến người ta phải nghi nan,
vì trước mắt xem ra đầy giới hạn.

Giữa một thế giới văn minh vật chất,
đầy những lạc thú mà phải từ bỏ mình,
vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa,
xem ra có vẻ ngây ngô và dại dột,
vì trước mắt không thấy gì tươi tốt,
dễ khiến cho con người phải bôn chôn.

Nhưng nếu không có đức tin vào Chúa,
đời con vẫn đầy dẫy những hoang mang,
nếu chỉ đặt hy vọng ở đời này,
con sẽ thấy đời mình bất hạnh thay,
vì bản thân mọi người đều phải chết,
và cuối cùng là chấm hết hư vô.

Chẳng ai cứu độ con ngoài chính Chúa,
là đường là sự thật là sự sống,
ai đi nữa cũng chỉ là hư không,
mọi chủ trương cũng chỉ là trống rỗng,
xin cho con vững một lòng tin mến,
để nhờ Ngài mà đến với Chúa Cha. Amen.

Thái Nguyên

==================
Suy niệm 4
Gắn bó mật thiết với đoàn con
Ga 14, 1 – 12

Đứa con là kho báu quý nhất đời mẹ nên mẹ luôn sống khắn khít với con. Mẹ nào cũng muốn ôm ẵm vỗ về con trong vòng tay thân ái, nuôi con bằng dòng sữa tiết ra từ máu thịt mình, âu yếm con bằng những lời êm đềm thân ái, chăm sóc con từng li từng tí và không hề muốn lìa xa bé bao giờ.
Nếu có việc quan trọng phải xa nhà ít lâu, mẹ không đành để con thơ ở nhà, e rằng phải quay quắt nhớ con… Thế nên, bà phải ẵm con theo mình, dù phải vượt qua muôn dặm đường xa, để mẹ ở đâu thì con cũng ở đó.
Chúa Giê-su cũng gắn bó mật thiết với đoàn con của Ngài như vậy. Ngài muốn Ngài ở đâu thì chúng ta cũng ở đó. Ngài mong muốn sống cùng, sống với, chia sẻ mọi sự với đoàn con thân yêu. Ước vọng “ở với, ở cùng, ở lại…” với chúng ta được Chúa Giê-su bày tỏ nhiều lần qua Tin mừng.
- Mở đầu trích đoạn Tin mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời tâm huyết của Chúa Giê-su, trước khi từ giã các ông để chịu khổ nạn. Ngài an ủi các ông rằng:
 “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy… Thầy đi dọn chỗ cho anh em…. Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.”[1] Y như mẹ hiền gắn bó mật thiết với con thơ.
- Và khi cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con.[2]”, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Ngài muốn sống gắn bó mật thiết, không hề lìa xa đoàn con mà Chúa Cha đã trao cho Ngài. Như mẹ hiền không muốn rời con thơ.
- Rồi khi tạm biệt các môn đệ để về Trời, Chúa Giê-su cũng hứa với các ông: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”[3], như mẹ hiền khắn khít với con thơ.
- Và để thể hiện lời hứa ở cùng các môn đệ mọi ngày, Chúa Giê-su lập nên bí tích Thánh thể, để tiếp tục ở với, sống với… đoàn con của Ngài trên dương gian. Nơi bí tích cực thánh nầy, có Chúa Giê-su toàn vẹn, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, đang thực sự hiện diện dưới hình tấm bánh[4] để ở với chúng ta và trao ban chính mình Ngài cho chúng ta.
Thế là Chúa Giê-su sống đúng với danh hiệu của mình là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài sống mật thiết với đoàn con như hình với bóng, như mẹ hiền ấp ủ con thơ, luôn luôn gắn bó bền chặt với nhau trong tình thương mến.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa muốn sống với chúng con, thế mà nhiều lúc trong đời, chúng con không tưởng gì đến Chúa.
Chúa muốn ấp ủ chúng con như mẹ hiền bồng ẵm con thơ, nhưng chúng con muốn tách lìa xa Chúa để được tự do sống theo đam mê, dục vọng của mình.
Xin cho chúng con đừng bội bạc với tình thương Chúa, nhưng biết sống gắn bó mật thiết với Chúa qua từng phút sống mỗi ngày. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà 

[1] Ga 14,1-3
[2] Ga 17, 24
[3] Mt 28,20
[4] GLHTCG số 1374

==================
Suy niệm 5
THẦY LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG

Chúng ta trên cuộc lữ hành về nhà Cha, và trong niềm tin vui, tín thác vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta cùng nhau mở lòng đón nhận Lời Hằng Sống, yêu mến Lời ấy và hy vọng sống Lời Chúa qua từng hoàn cảnh trong mỗi mảnh đời của ta và bạn.
Có thể nói rằng: tất cả những bậc sáng lập tôn giáo, các đấng hiền triết, những bậc khôn ngoan xuất chúng trong trần gian này, không một ai dám thốt lên và khẳng định như lời Chúa Giê-su đã xác quyết trong bài Phúc Âm hôm nay, “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Quả thật, Thiên Chúa chúng ta vừa quá cao vời khôn thấu, vừa quá ư gần gũi với ta; Ngài vừa quyền năng, mà vừa khiêm hạ, mặc lấy thân phận yếu hèn của con người để thấu hiểu, chia san với chúng ta. Người chẳng ‘bố thí’ hay ‘thả rơi’ ơn cứu độ từ trời cao xuống gian trần cho ta, mà Ngài ‘tự huỷ giác thông’ xuống thế và nhập thể nơi cung lòng Trinh nữ Ma-ri-a, hầu dẫn lối, chỉ đường cho con người tiến đến Chân lý và Sự sống đời đời. Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta cùng suy gẫm Lời Chúa hôm nay.
Thầy là con đường” (x. Ga 14, 6). Trong chúng ta, những ai đã có kinh nghiệm lạc đường, hay lạc lối khi vận chuyển từ nơi khởi hành cho đến nơi dừng chân, chúng ta sẽ nghiệm ra ít nhiều về việc học biết đường đi, và nhất là đối với các bạn trẻ đang đứng trước ngã ba đường đời, không biết nên chọn con đường nào là chính lộ dẫn đến thành công trong cuộc sống! Cuộc sống ngày nay thiên hình, vạn trạng, đủ mọi con đường mở ra trước mắt chúng ta, nào là đường xa lộ điện toán, điện tử, internet; nào là đường ngắn và tắt; đường rộng thênh thang, đường gồ ghề; nào là con đường dẫn đến thư thái, bình an, mà cũng không ít con đường dẫn đến thú vui, trần thế và sau cùng dẫn tới diệt vong, v.v... Như vậy, đối với chúng ta – là những người tin vào Chúa, bước chân theo Chúa – hơn thế nữa, chúng ta là “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế, vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (x. 1Pr 2, 9) thì chúng ta nên chọn và dấn bước trên con đường nào đây? Hy vọng, chúng ta đều nhủ lòng mình chọn lựa và bước theo con đường Giê-su – con đường hẹp, con đường thập giá, con đường của sự từ bỏ cái tôi, con đường tử nạn dẫn đến phục sinh quang vinh. Con đường về nhà Cha chẳng có con đường nào vắn tắt, dễ dàng cả, ngoài con đường thập tự Giê-su. Vì vậy, con rất tâm đắc một câu nói vô danh mà rất có ý nghĩa đối với người Ki-tô hữu chúng ta, đó là ‘việc trở thành người Công giáo chẳng mang lại cho bạn và tôi cuộc sống an nhàn, dễ giải, mà là giúp chúng ta sống tốt đẹp và trở nên như Chúa Ki-tô hơn’.
“Thầy là Sự thật” (x. Ga 14, 6). Chúa Giê-su khẳng định một điều mà chẳng một ai dám thốt ra, đó là: “...Thầy là Sự thật...” (x. Ga 14, 6). Người là Chính lộ dẫn đến Chân lý, và Chân lý này chính là cùng đích tối hậu của đời chúng ta – diện đối diện với Thiên Chúa, Người là Chân, Thiện, Mỹ. Như ông bà ta có câu rất chí lý ‘sự thật mất lòng’. Quả là đúng thật! Khi ta đối diện với chân lý, với sự thật trong đời thường, chúng ta cảm thấy xốn xang, áy náy và thậm chí đau lòng nữa. Huống chi, khi đối diện với Đấng là Chân lý, là Cùng đích của sự thật, chúng ta sẽ nhận biết mình, nhận biết ta và rồi biến đổi tâm hồn ta như trong bài đọc trích Sách Tông Vụ Công Đồ. Sự thật đáng buồn trong cộng đoàn Giê-ru-sa-lem là việc bỏ mặc các bà goá, những người cô yếu cô thân. Nhưng khi các Tông đồ đối mặt, nhìn nhận vấn đề ấy trong thái độ khiêm tốn và cầu nguyện, các Ngài đã đối diện sự thật, cho dù sự thật ấy có phủ phàng đến thế nào đi chăng nữa, và vấn nạn ấy được giải quyết, được biến đổi dưới sự tác động của Thánh linh, thông qua việc chọn 7 người thừa tác viên đầy Thần khí và khôn ngoan để phục vụ các nhu cầu ích lợi cho cộng đoàn.
“Thầy là Sự sống” (x. Ga 14, 6). Chúa Ki-tô là Đường dẫn chúng ta đến Chân lý cùng đích và lãnh lấy triều thiên vĩnh cửu, sự sống vĩnh hằng trong Vương quốc của Người. Con đường Giê-su tuy chông gai đủ điều, chịu tử nạn, chết treo nhục nhã trên thánh giá, nhưng con đường ấy dẫn chúng ta đến phúc trường sinh. Đứng trên phương diện con người mà phản kháng, thì con đường thập giá của Chúa Ki-tô là một con đường thất bại ê chề, thảm hại và nhục nhã. Tuy nhiên, nếu nhìn với con mắt đức tin, chúng ta sẽ nhận ra được con đường của Chúa Ki-tô là con đường của tình yêu ‘thí mạng sống mình vì người mình yêu’, là con đường vượt trên sự khổ đau và cái chết, là con đường của sự vâng phục tột đỉnh, là con đường chiến thắng sự giả dối, bạo loạn, độc ác, cay nghiệt của bạo lực. Và sau cùng, đường Giê-su dẫn ta đến Chân lý dường như khó hiểu, đó là ‘sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa vượt thắng mọi hận thù, ghen ghét và thần chết’. Hơn nữa, Chân lý này chính là cuộc diện kiến giữa ta và Đấng Hằng Sống, giữa một loài thụ tạo yếu hèn với Đấng Tác tạo vô song, giữa con người tội lỗi biết hối cải trở về với một Thiên Chúa tinh tuyền, hằng yêu thương, mong chờ đứa con quay về....

Lm. Xuân Hy Vọng

==================
Suy niệm 6
Hãy vững tin vào Chúa

(Ga 14, 1-12)

Thế giới hiện nay chúng ta đang sống súng chưa ngừng nổ, đạn tiếp tục rơi, vũ khí giết người hàng loạt đang rình rập đe dạo con người, khiến cho lòng người xao xuyến, đức tin bị thử thách. Giống như các môn đệ, chúng ta thấy đức tin của mình bị lung lay vì chẳng những cá nhân mình mà cả thế giới đều lo âu, sợ hãi. Lo cho bản thân, lo gia đình, người thân, ông bà cha mẹ và con cái. Sợ loạn lạc, sợ đói khổ, sợ chết.
Lời Chúa Giê su nói: " Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy " (Ga 14, 1), đúng là một tiếng chuông vang thức tỉnh niềm tin của cả nhân loại và trấn an thế giới, một liều thuốc thần tiên giúp chúng ta bớt sợ hãi, an tâm, tin tưởng, phó thác và cậy trông vào Chúa. Lời ấy đã từng vang vọng bên tai các tông đồ khi tình thầy trò chuẩn bị đôi ngả đôi nơi. Từ giã Thầy yêu quí, tâm trạng các môn đệ không khỏi " xuyến xao", vì họ hiểu rằng con đường Thầy đi qua sẽ là cái chết ; họ lo cho sự sống của chính mình, Thầy chết thì trò chắc gì sống. Thấu hiểu lòng trò, Thầy trấn an: " Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy " (Ga 14, 1). Khi nói thế, Chúa Giêsu không chỉ quả quyết rằng cái chết không thể cầm giữ được Người nữa, Người còn cho các môn đệ biết Người sẽ làm một cuộc xuất hành với các ông để mở lối đi cho dân mới của Thiên Chúa.
Quả thật, Chúa Giêsu là Đường, là Chân Lý và là Sự Sống. Người chính là Con Đường dẫn đến Chân Lý và Chân Lý ấy dẫn đến Sự Sống đời đời. Đó là việc Chúa Giêsu đang làm cho chúng ta. Người không chỉ đưa ra những lời khuyên dạy, chỉ hướng đi mà thôi, nhưng Người nắm lấy bàn tay và dẫn chúng ta đi. Người cùng đi với chúng ta, đích thân Người thêm sức cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta mỗi ngày. Chính Người là Đường dẫn đến Chúa Cha, vì chính Người đã mạc khải Chúa Cha (x.Ga 12,45), tuy Người bởi Chúa Cha mà đến và về với Chúa Cha (x.Ga 7,29-33), nhưng Người lại là một với Chúa Cha (Ga 13,30) vì chính Người là chân Lý và là Sự Sống (x.Ga 3,15).
Chúng ta có thể tóm tắt điều Chúa Giêsu muốn nói: nếu không nhờ Thầy, không ai đến được với Chúa Cha. Chỉ một mình Thầy là Đường đến với Thiên Chúa. Chỉ trong Thầy nhân loại mới thấy được Thiên Chúa như thế nào, và chỉ một mình Thầy đưa chúng con đến với Thiên Chúa Cha mà thôi.
Chiến tranh leo thang bao nhiêu sinh mạng bị ngã xuống, vũ khí hạt nhân được nhắc đến, gây ra bao lo âu, sợ hãi, không biết rồi sẽ ra sao! Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa là Thiên Chúa của Israel, Đấng đã cứu dân Ngài vượt qua Biển Đỏ, nay hãy tiếp tục tin vào Ngài và tin vào Đấng Ngài sai đến là Chúa Giêsu Kitô, Người cũng sẽ cứu chúng ta vượt qua dòng nước của sự chết, bởi chính Người: " là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống " (Ga 14, 6).  Ai bước đi trên đường Giêsu, thì sẽ về được với Chúa Cha, vì không có con đường nào khác để về cùng Chúa Cha, để đạt tới mục cùng đích của kiếp người, ngoài con đường Giêsu, như Người tuyên bố : " Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy " (Ga 14, 6).
Chúa Giêsu là Sự Thật, là Chân Lý; Nhờ Chúa Giêsu chúng ta biết rõ Thiên Chúa đích thực là ai và con người là ai, sinh ra ở trần gian để làm gì và chết rồi sẽ đi đâu. Người mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu, ai yêu thương thì sẽ giống như Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là Sự Sống; Người đến thế gian trao ban sự sống cho con người, để con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Người là Đấng cứu tinh, Người đến giải thoát chúng ta khỏi mọi lỗi âu lo, khỏi sự dữ, khỏi tội lỗi, nhất là khỏi chết đời đời.
Thầy đi để dọn chỗ cho các con " (Ga 14, 2). Người đi chuẩn bị cho mỗi người một chỗ, đích thân Người sẽ trở lại đón chúng ta đi. Chúa Giêsu đến thế gian ấp ủ trong lòng sự khắc khoải là một ngày nào đó đón được chúng ta về nhà  " Cha của Người và cũng là Cha chúng ta, Thiên Chúa của Người cũng là Thiên Chúa của chúng ta " (Ga 20 , 17) để chia sẻ sự sống thần linh với Thiên Chúa và sẽ sống với Chúa Giêsu Kitô trong cung lòng Chúa Cha.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cứu chữa và giải thoát chúng con khỏi xuyến xao, lo âu, sợ hãi và cái chết hôm nay. Lạy Mẹ Maria, giữa bao nghịch cảnh của cuộc đời, xin giúp chúng con vững tin vào Chúa như Mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 7
ĐƯỜNG TÌNH YÊU TRONG QUỸ ĐẠO PHỤC SINH

Thú thật, để biết rõ chính mình, chúng ta phải dành cả quãng đời; vậy muốn thấu hiểu ai khác, có khi chúng ta dành hai cuộc đời ấy chứ. Nhưng không thể, vì mỗi chúng ta chỉ có một đời để sống, để tìm hiểu, và để tường tận thôi!
Do đó, khi hai Tông đồ Tô-ma và Phi-lip-phê hỏi Đức Giê-su về “conđường/đàng” (x. Ga 14, 5) và “Chúa Cha” (x. Ga 14, 8) thì cũng dễ hiểu, vì các ông chỉ được ở với Ngài vỏn vẹn ba năm không hơn không kém. Về phần Đức Giê-su, nhiều lần Ngài tỏ lộ về Chúa Cha, khiến các môn đệ hiếu kỳ muốn biết, và Phi-lip-phê mới đề nghị: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con” (Ga 14, 8). Nếu dùng ngôn ngữ con người vốn rất hạn hẹp để diễn tả mầu nhiệm cao vời về Chúa Cha thì chẳng khác nào lấy gang tay mà đo bầu trời mênh mông. Do đó, thay vì dùng lời diễn giải, Đức Giê-su dùng ngay phương pháp trực quan (nghe-nhìn) rằng Ngài chỉ cho Phi-líp-phê cũng như các môn đệ khác thấy chân dung, xem hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Cha. Chân dung và hình ảnh đó chính là Ngài: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha” (Ga 14, 9).
Về chân lý này, Thánh A-tha-na-si-ô đã diễn tả rất hay như sau: “Chúa Cha được tỏ lộ qua Chúa Con và Chúa Con được tỏ lộ qua Giáo Hội”. Nói cách khác, Chúa Con là hiện thân của Chúa Cha, còn Giáo Hội là hiện thân của Chúa Con. Đơn giản hơn, chúng ta có thể xác quyết: Chúa Con là hình ảnh trung thực sống động của Chúa Cha, còn Giáo Hội là hình ảnh trung thực sắc nét của Chúa Con; và là con cái của Giáo Hội, nên chúng ta cũng phải trở nên hình ảnh trung thực của Chúa Giê-su qua đời sống đức tin, đời sống bác ái yêu thương, phục vụ và trong đời sống thường nhật. Hơn nữa, chúng ta nhất quyết trở nên ‘một Ki-tô khác’ (alter Christus) chứ không phải ‘khác Ki-tô’ (alter a Christo), vì chưng chúng ta là “dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi anh em (chúng ta) ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Ngài” (x. 1Pr 2, 9). Cụ thể hơn, chúng ta sống hiệp nhất với nhau, cùng chung tay xây dựng cộng đoàn, ra sức phục vụ, nỗ lực thực hành đức ái, cộng tác chan hoà với cha xứ, với mọi người như lời căn dặn và chọn ra bảy phó tế/trợ tế “đầy Thánh Thần và khôn ngoan” (x. Cv 6, 3) vào thời Giáo Hội sơ khai, trong lúc nhu cầu phục vụ cộng đoàn ngày càng gia tăng: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh (chị) em, anh (chị) em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa” (Cv 6, 2-4).
Tuy nhiên, để được vậy, chúng ta không thể không nghe lời quả quyết của Đức Ki-tô: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Nghĩa là chỉ có một nẻo đường dẫn chúng ta đến cùng Chúa Cha, giúp chúng ta trở nên giống Thầy Chí Thánh, nâng đỡ chúng ta nhiệt tâm nhiệt thành trong sứ vụ phục vụ-rao truyền, đó là ‘nẻo đường Giê-su’ hoặc ‘con đường tình yêu’ không ai khác ngoài Đức Giê-su.Quả thật, Ngài là đường dẫn tới nhà Cha, là đường sự thật dạy dỗ-hướng dẫn chúng ta đến cùng Chân lý, là đường Phục sinh dìu dắt chúng ta đến sự sống viên mãn. Hơn thế, Đức Giê-su chính là con đường, là người mở đường và đích đến của con đường. Chẳng phải ai đó đã nói rằng: cuộc đời là những chuyến đi sao? Đúng vậy, cuộc đời bao gồm vô số hành trình lữ thứ, nào là chuyến đi thể lý, chuyến đi nhân ái, chuyến đi tâm linh. Nhưng trên tất cả, chuyến đi có Thầy Giê-su đồng hành, có Thầy Giê-su mở đường dẫn lối và dẫn dắt chúng ta đến cùng đích là nhà Cha, nơi đó bình an vô hạn, sự sống viên mãn, chẳng bao giờ cùng.
Truyện kể rằng: Đức Khổng Tử trong giờ phút lâm chung cho gọi thầy Tăng Tử (môn đệ được đặt nhiều tin tưởng) đến bên giường bệnh và nói lời sau cùng:
– Này con, Tăng Tử! Trước giờ thầy lìa đời, con còn điều gì thắc mắc về nhữnglời ta đã thảo luận cùng con không?
Tăng Tử liền quỳ gối bên cạnh giường và đáp:
– Thưa Thầy, Thầy quả là bậc chí nhân quân tử. Tất cả lời Thầy chỉ dạy chí lý biết bao, nhưng chúng khó thực hiện cho trọn vẹn ạ!
Khổng Tử nghe vậy mới thổn thức:
– Này Tăng tử, trong các điều ta đã giáo huấn có điều đúng, điều sai. Nhưng duy chỉ một cái mà ta chắc chắn không bao giờ sai, đó là điều ta không biết!
Đúng như lời Khổng Tử khẳng định: trong những điều ta giáo huấn có điều đúng, điều sai; vì lẽ Không Tử cũng chỉ là phàm nhân xác thịt. Tuy nhiên, tất cả ngôn hành của Đức Giê-su - Con người thật và Thiên Chúa thật - thì chẳng hề sai, vì Ngài chính là “con đường, sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6); và “Thầy với Cha là một” (x. Ga 10, 30). Để đi trọn nẻo đường tình yêu Giê-su trong quỹ đạo hân hoan Phục sinh, với đôi dòng kết, xin mượn lời thơ cầu nguyện của thi sỹ Charles Singer trong bài ‘La Cathédrale de ma vie’ (Ngôi Thánh Đường của đời tôi) khi ông ví von đời mình như một ngôi Thánh đường, mà ông cần phải đẽo gọt suốt bao năm tháng đoạn trường:
Lạy Chúa,
Ngôi Thánh Đường của đời con,
Không thể hoàn tất một sớm một chiều,
Cần phải vun đắp ít nhiều,
Muôn vàn biến dạng, bao nhiêu thời gian….
Dẫu còn vạn nẻo gian nan
Nhưng con tin tưởng, vững vàng cậy trông
Nơi Ngài hy vọng trong mong
Thánh Đường con sẽ trinh trong vẹn tuyền,
Trụ vững nhân thế đảo điên
Hiên ngang sừng sững, ngả nghiêng chẳng dời.
Con là thợ cả Chúa ơi!
Chính Ngài - Thiên Chúa - muôn đời, cánh chung
Ngài hằng kiến tạo kỳ công
Vô vàn tuyệt phẩm ngoài trong vũ hoàn.
(tác giả bài viết này chuyển ngữ sang thể thơ lục bát)

Lm. Xuân Hy Vọng

==================
Suy niệm 8
Anh Em Đừng Xao Xuyến

Cv 6,1-7; 1Pr 2,4-9; Ga 14,1-12

Khi Thầy Giêsu sắp từ giã các môn đệ mà trở về với Chúa Cha, lòng các ông u buồn xao xuyến. Chuyến đò nên nghĩa, làm sao các ông không khỏi buồn phiền hụt hẫng, vì sau ba năm theo Thầy chan chứa bao nghĩa tình, Thầy trò bên nhau, với bao là vui buồn sướng khổ, hạnh phúc chứa chan. Làm sao không lo âu khi chốn tựa nương ấy giờ đây sắp hết chẳng còn? Thời gian bên nhau càng dài với nhiều kỷ niệm, nhiều biến cố, người ta càng luyến tiếc không muốn rời xa…
Thầy dùng những lời tâm huyết mà an ủi dỗ dành: Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,1-4). Nghe những lời trấn an dịu dàng, đầy hy vọng và hứa hẹn một tương lai tươi sáng của Thầy cho các ông, chắc họ an lòng vui vẻ vì được Thầy mình vỗ về thương yêu. Nhưng dưới cái nhìn của “người trần mắt thịt”, chúng con thấy cả đời Thầy mãi… “ất ơ bập bênh”! “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Thầy nghèo khổ từ lúc mới sinh ra trong hang lừa hôi hám chật hẹp… cho tới lúc chết trần trụi trên cây gỗ, phải nằm nhờ mộ của người khác. Mọi điều Kinh Thánh đã chép về Đấng Thiên Sai phải được ứng nghiệm nơi Thầy. Sau khi Thầy Phục Sinh, các môn đệ mới “à ra” mọi sự.
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6). Chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện trong Thầy. Thầy là đường đưa chúng con đến với Chúa Cha. Con đường chúng con phải qua là con đường chật hẹp khó đi của Tin Mừng, là đường dẫn tới sự sống. Nhưng chúng con lại cứ thích đi trên con đường rộng rãi thênh thang, êm ru của xác thịt trần tục, theo ý riêng của chính  mình, đường dẫn tới diệt vong, dẫn tới “cái chết êm dịu”.
Đức Giêsu chứng minh cho các ông, rằng Ngài chính là Lời của Chúa Cha: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? (Ga 14,8). Rõ xấu hổ cho ông vì bị “kiểm tra kiến thức thực hành”, nhưng lúc đó chắc cả đoàn đều chưa “biết”. “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy”. (Ga 14,7a). Nhưng dù ở với Thầy bấy lâu, các ông vẫn chưa “biết”, không hiểu nổi Thầy mình, vì đầu óc còn mơ mộng danh vọng, chức quyền, địa vị, chỉ mong cùng “hiển trị” với Thầy sau này… đủ thứ lấp kín tâm trí. Trong bài “Viếng Thánh Thể”, thánh Alphongsô từng thốt lên: “Không dân tộc nào, dù hùng cường đến đâu, mà lại được Chúa họ thờ ở cùng họ, như Chúa Giêsu của chúng ta “ở cùng” chúng ta.”  
Ngày nay nếu chúng con mở lòng đón nhận và biết Chúa là con đường, để được đi vào bên trong, “ở với” và sống trong Chúa, chúng con sẽ nhận ra khuôn mặt của Cha, Thiên Chúa Tình Yêu trong anh em. Có Chúa ở trong, cuộc đời tầm thường của chúng con sẽ trở nên ý nghĩa, đáng sống và hạnh phúc ngọt ngào, đời thường hiện tại mà trở nên như Thiên Đàng thánh thiêng.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 23 tháng 01 năm 2025, tại Giáo xứ Mỹ Hưng, cha Giuse Chu Văn Khương – Quản hạt Nghĩa Lộ, cùng quý cha, quý thầy, quý dì, và đông đảo giáo dân trong và ngoài Giáo xứ Mỹ Hưng đã quy tụ để chúc mừng và chia sẻ niềm vui với cha Phêrô Nguyễn Duy Trường, người vừa được bổ nhiệm làm Linh mục Chính xứ Giáo xứ Mỹ Hưng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log