Ngày xưa, có một vị đạo sĩ kia dạy cho các môn sinh bí quyết để tìm tới hạnh phúc. Ông giảng dạy rất uyên bác và sâu sắc. Bỗng một thanh niên khá bặm trợn từ đâu đến tìm gặp ông và thách thức: ‘Thưa thầy, thầy giảng dạy rất thâm thúy, nhưng tôi chỉ xin hỏi thầy một câu: Trong tay tôi đang có một con chim, đố thầy biết nó là con chim còn sống hay đã chết?’ Câu hỏi ma mãnh của chàng trai nhằm gài bẫy vị đạo sĩ vì trong tay anh ta, con chim đang còn sống sẽ bị anh ta bóp chết, nếu vị đạo sĩ trả lời đó là con chim sống. Nhìn nét mặt quỷ quyệt của chàngtraiấy, vị đạo sĩ nói thẳng rằng: ‘Con chim này sống hay chết là do anh’. Ông bèn tiếp tục: ‘Tương tự, hạnh phúc có đến được với chúng ta hay không còn tùy thuộc vào tự do lựa chọn của mỗi người’.
Quả thật, nỗi khát khao đi tìm hạnh phúc đích thật luôn hiển hiện nơi sâu thẳm cõi lòng con người. Lắm lúc, chúng ta ước gì biến thành cánh chim đại bàng bay đi thật xa để tìm hạnh phúc đích thật của đời mình! Bao phen chúng ta như người phụ nữ Sa-ma-ri-a kia ra giếng múc nước hằng ngày, nhưng vẫn còn khát - không chỉ khát nước, mà khát khao hạnh phúc, khát khao được lấp đầy. Nỗi niềm khao khát này khiến biết bao người điên đảo, tốn giấy mực miêu tả về nó. Chẳng hạn, ông Scho-pen-nau-er, triết gia người Đức, đã khám phá ra và thốt lên rằng: ‘Những lạc thú mà thế gian bày ra cho con người cũng chỉ tựa như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, nhưng rồi ngày mai lại đói'. Tương tự, cha An-tô-ny đờ Mê-lô cũng từng nhận định: 'Khao khát thoả mãn dục vọng chẳng giải thoát chúng ta khỏi nó, nhưng tạo thêm dục vọng khác mãnh liệt hơn, để rồi cái vòng luẩn quẩn: khát khao - thoả mãn, thoả mãn - khát khao…cứ mãi tiếp diễn không chấm dứt’. Và như vậy, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì ngọn lửa khao khát trong tâm khảm mình.
Trước cuộc gặp gỡ không hẹn, không báo trước giữa Đức Giê-su (người Do thái) và người phụ nữ Sa-ma-ri-a (‘dân ngoại’ - không phải người Do thái), chúng ta nhận thấy người mở lời xin nước (Đức Giê-su) lại trở thành người ban nguồn nước (không chỉ nước uống bình thường từ giếng Gia-cóp, mà là nước hằng sống); còn người được xin nước hoặc người dự định cho nước (phụ nữ Sa-ma-ri-a) lại trở thành người xin nước: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4, 10)! Cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su Ki-tô khiến người phụ nữ này giác ngộ nỗi niềm khao khát sâu thẳm trong cõi lòng mình: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy…” (x. Ga 4, 15), và cũng khiến con người chúng ta biết rõ thân phận, biết nỗi lòng khát khao hạnh phúc đích thật nơi mỗi người cần được lấp đầy. Hơn nữa, cuộc trần tình giữa Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri-a hoá giải những tập tục không thể (như sự giao tiếp giữa người Do thái và người Sa-ma-ri-a, mà đây giữa người nam Do thái với người nữ Sa-ma-ri-a lại càng không thể) thành có thể và mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn, đó là: cô ta sống chân thật khi được hỏi về hiện trạng đời sống hôn nhân-gia đình, cô ta và những người trong làng tin nhận Đấng Cứu Thế và xin Đức Giê-su ở lại với họ.
Nỗi khao khát chân lý, khao khát nước hằng sống, khao khát hạnh phúc đích thật của người phụ nữ Sa-ma-ri-a và dân trong làng dường như được lấp đầy nhờ cuộc gặp gỡ với Đấng Cứu Độ, và được thoả mãn nhờ sự hiện diện của Con Thiên Chúa, “khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri-a xin Ngài ở lại với họ, và Ngài đã ở lại đó hai ngày” (Ga 4, 40). Cảm nghiệm sống động này không ai khác ngoài Thánh Phao-lô đã trải qua như ngài khẳng khái tuyên xưng trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5). Và gương trở về của Thánh Âu-gus-ti-nô làm chúng ta bàng hoàng và càng tin tưởng vào Thiên Chúa hơn. Thánh nhân vốn dĩ mải mê tìm kiếm lạc thú trần gian suốt nhiều năm trường, nhưng chẳng có gì nơi cõi trần này có thể lấp đầy trái tim khát khao của ngài. Mãi đến tuổi 33, nhờ ơn thánh và lời cầu nguyện liên lỉ với nước mắt của Thánh Mô-ni-ca mẹ ngài, Âu-gus-ti-nô được ơn trở lại và tìm được duy chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng đem lại cho ngài niềm hoan lạc vô biên, là Đấng lấp đầy nỗi niềm khao khát hạnh phúc đích thật nơi sâu thẳm tâm hồn ngài. Do đó, ngài từng thốt lên trong tác phẩm ‘Confessio’ (‘Tự Thuật’): ‘Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho tới khi được nghỉ yên trong tay Ngài’.
Suốt Mùa Chay thánh này, chúng ta được mời gọi trở về với lòng mình, trở về hầu gặp gỡ - trần tình với Đức Giê-su, vì duy chỉ có Ngài mới thoả lấp nỗi khát khao hạnh phúc đích thật đang hừng hực cháy bỏng nơi tâm hồn mỗi người. Và chúng ta cũng nên học đòi đặt niềm tín thác - cậy trông nơi Chúa như dân làng cùng người phụ nữ Sa-ma-ri-a kia, “…họ bảo người phụ nữ: “Không phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4, 42).
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 4
KHÁT VỌNG
Ga 4, 5-42
Khi đi trong sa mạc khô cháy, trên đầu là nắng lửa, dưới chân là cát nung, đoàn dân Chúa xưa trong hoang địa mới cảm thấy cái khát hành hạ người ta đến độ nào, và nhu cầu được uống nước mới bức xúc làm sao. Chính khi bị cơn khát dày vò mà họ vùng lên nổi loạn, đổ lỗi cho Môsê đã đưa họ vào nơi hoang địa khô cháy, và đòi đem vị lãnh tụ nầy ra mà ném đá (x. Xh 17, 3-7). Ngoài những cơn khát tự nhiên, con người còn có một khao khát siêu nhiên, là một khát vọng vô biên, mà không có gì làm cho no thoả. Dù có được tất cả thế gian này, thì cũng chỉ là bụi bay trong phút chốc. Mọi sự chỉ là phù vân.
Người phụ nữ xứ Samari trong Tin Mừng cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự. Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng, nhưng rồi phải lần lượt chia tay, để ở tiếp với người thứ sáu. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi lấy nước. Ngày nào cũng phải lặn lội đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát. Ông tổ triết hiện sinh là Arthur Schopenhauer (1788-1860) cho rằng: “Những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói”. Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao - thoả mãn, thoả mãn - khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng”, càng về sau lại càng tăng “đô” hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì ngọn lửa khao khát trong lòng mình.
Bất ngờ một ngày giữa trưa nắng cháy, người phụ nữ này gặp được Đức Giêsu đang ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacóp. Ngài xin chị: “Cho tôi chút nước uống!”. Chị ta rất ngạc nhiên: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?”. Lời chị nói nhắc lại cuộc bất hòa giữa hai dân tộc Do Thái và Samari đã có từ hơn 400 năm, nhưng vẫn ngấm ngầm gây oán ghét và hận thù. Đức Giêsu đã xóa bỏ sự bất hòa này bằng một thái độ khiêm tốn và bằng cách mở ra một cuộc đối thoại chân thành. Ngài còn phá bỏ sự chia rẽ khi tiếp xúc riêng tư với một người phụ nữ Samari giữa nơi công cộng, mà lại là người không tốt đẹp gì. Hành động của Đức Giêsu là một cuộc cách mạng, nhằm phá vỡ các hàng rào ngăn cách giữa các quốc gia, đồng thời phá vỡ các lề thói chính thống của Do Thái giáo, bằng tình yêu thương và lòng kính trọng giữa người với người.
Câu chuyện đột nhiên xoay chiều, khi Đức Giêsu cho chị ta biết, Ngài có một thứ nước lạ lùng, uống vào không còn khát nữa.
Người phụ nữ vội vã xin Ngài thứ nước kỳ diệu đó. Cũng như Nicôđêmô hiểu sai về việc tái sinh, người phụ nữ này cũng hiểu câu nói của Đức Giêsu hoàn toàn theo nghĩa đen. Cũng có thể lời nài xin của chị mang tính khôi hài, như muốn giễu cợt về nước hằng sống. Nhưng khi Đức Giêsu bảo: “Chị hãy gọi chồng chị lại”, thì lúc đó chị mới sững sờ nhận ra một sự thật là Đức Giêsu đã biết tất cả tình cảnh của chị, và chị thốt lên: “Tôi thấy ông thật là một ngôn sứ…” Chị biết là mình đã gặp được người của Thiên Chúa, nên đã trút hết nỗi lòng mình cho Đức Giêsu, không còn nghi ngại gì, và chị cũng nói lên vấn đề việc thờ phượng Thiên Chúa ở đâu mới là chính đáng?
Đức Giêsu đã trả lời rõ ràng: sự thờ phượng Thiên Chúa không còn giới hạn vào một nơi chốn nào cả. Tâm hồn con người chính là nơi quan trọng nhất để Thiên Chúa ngự trị, vì thế “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”. Chị còn nói về một Đấng Kitô, khi Ngài đến sẽ loan báo cho họ biết rõ mọi sự. Đức Giêsu liền trả lời:“Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Quá vui mừng, chị chạy về loan báo cho dân làng là mình đã gặp Đấng Kitô. Khi dân chúng ra gặp Ngài, họ cũng cảm nhận và xác tìn rằng: “Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian”.
Qua người phụ nữ Samari, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta: Ngài là Mạch Nước trường sinh. Thánh Augustinô sau những năm dài mê man tìm kiếm danh lợi và lạc thú trần gian, rồi cũng đến lúc chê chán, và biết bao người khác cũng thế. Cuối cùng, ngài mới khám phá ra Thiên Chúa là suối nguồn hạnh phúc của đời mình. Ai cũng mang trong mình một khát vọng vô biên, mà không gì trên thế gian này có thể lấp đầy ngoài một mình Thiên Chúa. Đúng như lời nguyện của thánh Augustinô:“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên hồn con luôn băn khoăn thao thức, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Tâm hồn con vẫn có những khát khao,
nhưng mấy khi hiểu điều mình khao khát,
có ý nghĩa và giá trị gì không,
hay vùi mình trong bùn sâu danh vọng,
vì không nghe tiếng Chúa tự cõi lòng,
đang khơi nguồn cho khát vọng vô biên.
Con chỉ muốn chiếm ngay điều trước mắt,
bằng mọi giá để nắm bắt thành công,
nên biến những khát vọng thành tham vọng,
chứ không thành điều tốt như Chúa mong.
Ít khi con đối diện với chính mình,
để thấy điều đang diễn biến trong tâm,
và khi thiếu những giây phút lặng trầm,
con làm thành cuộc đua không đích điểm.
Nội tâm con không thiếu những rẽ phân,
những nhập nhằng và bon chen sân hận,
con xấu hổ nên che lấp bản thân,
nhưng rồi ánh sáng Chúa đã phơi trần.
Xin Chúa làm mới lại đời con,
biết được điều con phải trở bước,
hiểu được điều con phải trở về,
nghe được điều con phải trở nên,
thấy được điều con phải trở thành.
Cho con vượt lên khao khát tầm thường,
đừng lụy vướng vào tình trường thế tục,
mà lo đạt tới Chúa nguồn tình thương,
Đấng cho con được no thỏa miên trường. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 5
Chúa Nhật Nước
(Ga 4, 5 - 42)
Phụng vụ lời Chúa hôm nay từ bài đọc I trích sách Xuất hành đến bài Tin Mừng đều nói về Nước, ám chỉ Nước Rửa tội. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô cũng giúp chúng ta hiểu về Bí tích Thánh Tẩy, nên Chúa nhật này có thể gọi là Chúa nhật Nước giúp chúng ta suy nghĩ về Nước trong Cựu Ước nơi Tân Ước và tại Giếng Rửa tội.
Lộ trình tới Nước Đêm Vọng Phục Sinh
Trong sách Nghi Thức Khai Tâm từ số 133 đến số 135 ghi: “Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay cử hành nghi thức “Ghi Danh” hay “Tuyển Chọn” các dự tòng. Các số từ 152 đến 180 ghi là: “Chúa Nhật hôm nay (tức Chúa nhật III, IV, V Mùa Chay) cử hành Nghi Thức Khảo Hạch Các Dự Tòng lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cho những người lớn sẽ lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm vào đêm Vọng Phục Sinh sắp tới (Nghi Thức Khai Tâm, số 152-166). Như vậy, lộ trình phụng vụ Mùa Chay năm A từng bước dẫn đưa chúng ta sống con đường của anh chị em dự tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội, làm sống dậy trong chúng ta ơn Thánh Tẩy chúng ta đã lãnh nhận.
Giáo Hội luôn kết hợp lễ Vọng Phục Sinh với việc cử hành bí tích Rửa tội, hiện thực hóa mầu nhiệm cao cả của đời sống người kitô hữu là: chết đi cho tội lỗi, tham dự vào sự sống mới trong Chúa Kitô Phục Sinh và nhận lấy Chúa Thánh Thần, Ðấng đã cho Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại (x. Rm 8,11). Thế nên, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay gọi là Chúa Nhật cám dỗ. Chúa Nhật thứ hai gọi là Chúa Nhật của tổ phụ Abraham và Chúa Nhật Chúa Biến Hình. Bí Tích Rửa tội là bí tích của đức tin và thiên chức làm con Thiên Chúa: theo Abraham tin tưởng vào Chúa và ra đi để trở nên con cái Chúa.
Bước vào Chúa Nhật thứ ba, kể về cuộc đối thoại nổi tiếng của Ðức Giêsu với người thiếu phụ Samaria bên giếng nước cổ xưa có từ thời của tổ phụ Giacóp. Và ngày hôm ấy, chị gặp Ðức Giêsu đang ngồi trên bờ giếng, mệt mỏi sau một chặng hành trình (x. Ga 4,5-42). Chúa Giêsu chính là Nước Hằng Sống, Người làm cho con người đỡ khát, Nước Chúa Thánh Thần.
Nước trong công trình của Chúa
Sáng Sáng Thế mô tả, Nước đã có trong công trình sáng tạo thế giới và vũ trụ muôn loài (x.St 1,1-2). Chúa đã tạo ra nước để làm cho ruộng đất phì nhiêu. Nước tưới vườn Êđen địa đàng trần gian. Nước làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở (x.St 1, 6 - 9), cho thân xác con người được mát mẻ sạch sẽ. Chúa còn tạo ra nước như dụng cụ của lòng từ bi Chúa: Chúa đã làm cho Nước Biển Ðỏ và Nước sống Giorđan dựng lên thành tường để Dân Chúa thoát ách nô lệ và đi vào Đất Hứa. Và lời Chúa hôm nay minh chứng nhờ nước Chúa đã làm dịu cơn khát của Dân Chúa trong sa mạc (x. Xh 17,3-7); các tiên tri đã dùng hình ảnh nước mà loan báo giao ước mới Chúa sẽ thiết lập với loài người; sau hết nhờ nước mà Đức Kitô đã thánh hóa trong sông Gioađan (x. Mt 3,13-17; Mc 1,7-11; Lc 3,15-16.21-22), Chúa đã đổi mới bản tính hư hỏng của ta con trong giếng nước tái sinh.
Chúa đã dùng Nước để sửa phạt Dân Chúa, như cho Nước lụt Đại Hồng Thủy phủ lấp toàn cõi địa cầu tội lỗi (St 7,17-24), hoặc không cho mưa rơi để dân tội lỗi ăn năn thống hối. Chúa đã dùng Nước để cứu sống khi truyền cho Môsê cầm cây gậy đập Nước Biển Ðỏ để nó rẽ ra cho Dân đi qua, rồi sau khép lại giết hết quân quốc Aicập (x. Xh 14,15-31). Trên núi Horeb, Chúa cũng bảo Môsê đập đá để Nước chảy ra cho Dân uống.
Cây gậy Môsê cầm đập vào đá, Nước ở đá chảy ra để Dân uống cho khỏi khát nhắc cho những người uống nước hôm nay nhớ đến cây gậy Môsê cầm đập Nước Biển Ðỏ rẽ ra thành hai bên tả hữu để Dân Chúa đi qua ráo chân ngày Chúa đã giải thoát họ khỏi đất nô lệ. Vậy nếu cuộc vượt qua Biển Ðỏ thường được dùng để nói về Ơn Nước Rửa tội trong mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, thì câu chuyện Môsê đập đá để có Nước chảy ra cho Dân uống, cũng thích hợp để đưa tâm trí chúng ta nghĩ tới Ðức Giêsu Kitô là Môsê mới sẽ ban Nước cứu sống và cứu độ cho những ai đến gần Người.
Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống
Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Các Giáo phụ đã sớm nhận ra nơi "Nước Hằng Sống" biểu tưởng của phép Rửa tội, mà Đức Kitô chính là Nguồn Nước ấy. Chúa Giêsu xin người đàn bà xứ Samaria nước uống, không phải lý do khát về thể lý cho bằng khát đức tin, khát sự sống đời đời, khát một linh hồn khô héo. Đấng Cứu Thế giả vờ khát nước đến xin người đàn bà nước để trao ban thứ nước ân sủng khỏi khát đời đời. Đó chính là nguồn nước mà Tin Mừng nói tới khi Người xin nước của người đàn bà xứ Samaria… Thực ra, nguồn nước ấy không bao giờ cạn, Đấng là Nước Hằng Sống không thể uống nước bị ô nhiễm ở vùng đất này.
Đức Kitô, Đấng ngồi nghỉ trên miệng giếng chính là Nguồn Nước, từ cạnh sườn bên phải Người, tuôn trào dòng nước xót thương; một phụ nữ có sáu đời chồng đã được tẩy sạch bằng dòng Nước Hằng Sống ấy. Một người phụ đến giếng Samaria kín nước, bà lấy nước từ dòng Nước Giêsu ! Tìm được Nước, bà ra đi với sự tiết hạnh. Ngay lập tức bà xưng thú các lỗi mà Chúa Giêsu ám chỉ, bà nhận ra Đức Kitô và loan báo Đấng Cứu Thế. Bà để vò nước xuống, mang ơn sủng vào thành ; vai nhẹ bớt, bà trở về tràn đầy sự thánh thiện… Đúng là ai đến trong tội lỗi sẽ trở về với sứ mạng tiên tri.
Nước hằng sống này đối với chúng ta là nguồn suối dâng trào sự sống đời đời, nước này là nước hòa với Máu Chúa Kitô, đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu trên cây Thánh giá. Nước tuôn chảy từ tảng đá do Môsê đập ra (Xh 17, 3-7) là hình ảnh tiên trưng của Nước chẩy ra từ cạnh sườn Đấng Cứu Thế bị đóng đinh.
Lạy Chúa Giê su, xin ban cho chúng con chính Chúa là Nước Hằng Sống, để chúng con khỏi còn khát Nước Chúa ơi.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 6
Một Lần Gặp Gỡ
Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42
Hôm nay thánh Gioan kể rành rọt cuộc gặp gỡ giữa chị Sammari với Đức Giêsu bên bờ giếng thật là hay và “ấn tượng” để đời: Giờ cao điểm giữa trưa nắng cháy, Đức Giêsu mệt, đói bụng, khát nước… Đang tay không, giếng thì sâu, bỗng có một phụ nữ đẩu đâu gánh vò gầu ra. Đức Giêsu khẽ “ngỏ lời”: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4,7b). Chao ôi chị ấy… “bật” lại: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (Ga 4,9). Đàn bà con gái gì mà… gớm ghiếc! “Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari” (kẻ thù truyền kiếp). Quên cả cơn khát thể xác Đức Giêsu bảo: “Nếu chị nhận ra ân huệ Chúa ban, và ai là người nói với chị… thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. (Ga 4,10). Chị cãi lại: “ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi...” (Ga 4,11-12a). Nhưng Đức Giêsu bảo: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga 4, 13-14). Bắt đầu thấy “lợi” chị đổi ý: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” (Ga 4,15). Hay quá! sau một hồi “lắng nghe” Chúa giải thích, chị biến đổi khác trước một trời một vực: người xa lạ thành “fan” hâm mộ, danh giới hận thù giữa người Samari và Do Thái bị phá bung, người sẵn nước thành kẻ ăn xin, người xấu thành đẹp, là người tội lỗi (năm đời chồng bất hợp pháp) bỗng chị trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng. “Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: ‘Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.” (Ga 4, 28-30). Kết quả là một mùa vàng bội thu: “Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.” (Ga 4, 39-42).
Chúa ơi! từ cái cơn khát giữa trưa (mười hai giờ) thật đáng nhớ bên bờ giếng hôm ấy, cho đến cơn khát Chúa kêu trên đỉnh cao Thập Tự: “Tôi khát!” (Ga 19,28). Và cho đến hôm nay Chúa vẫn “khát”, Chúa khao khát các linh hồn, Chúa khát con! Chúa chỉ no thỏa khi Thánh ý Chúa Cha được thực hiện: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy”. (Ga 4, 34). Lâu nay con ngu ngơ tưởng mình khập khễnh đi tìm Chúa, nào ngờ chính Chúa tìm con. Xin cho con biết chớp lấy cơ hội ngàn vàng để gặp, để nghe, để thân thưa với Chúa, để trong Chúa con được no thỏa nước hằng sống. Cùng Chúa con lạị “thi hành ý muốn của Cha” trong anh em, những người Chúa cho con gặp trong đời. Amen.
Én Nhỏ