=================
Suy niệm 3
CHỨNG NHÂN HIỀN LÀNH và KHIÊM NHƯỜNG
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Lời Chúa hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm và từ đó học hỏi gương sống và trở nên chứng nhân như con người hiền lành và khiêm nhường của Thánh Gio-an Tẩy giả. Đặc biệt, khi Ngài diện kiến Con Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, liền tuyên xưng đức tin “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1, 29). Câu kinh này chúng ta đều được nghe mỗi lúc tham dự Thánh lễ. Và cũng vì vậy, mà chúng ta có thể liên tưởng đến câu chuyện đã xảy ra tại ngôi làng nhỏ bé bên nước Đức.
Chuyện kể rằng: trên nóc nhà thờ Werden có một bức tượng hình con chiên được tạc bằng đá. Người ta truyền lại xuất xứ của bức tượng ấy như sau: một anh công nhân đang làm việc trên mái nhà thờ này thì bỗng nhiên dây an toàn bị đứt, thế là anh ta bị rơi xuống sân đang chất đầy những đống đá to. Ngạc nhiên là anh ta không bị thương nặng, nhờ lúc bấy giờ có một chú chiên đang gặm cỏ giữa hai đống đá. Anh ta may mắn rớt xuống trên người con chiên, đè nó chết, nhưng anh thì được sống. Để tưởng nhớ, anh ta đã chạm trổ một con chiên bằng đá, và được phép của cha xứ, anh đặt nó trên nóc nhà thờ. Anh nghĩ đây là một cách tốt nhất nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với con vật đã cứu mạng sống mình, mặc dù nó chẳng hề biết.
Đúng vậy, chú chiên ấy không biết mình đã chết để cứu anh chàng công nhân ấy, nhưng Con Chiên - Chiên Thiên Chúa - thấu tỏ và sẵn sàng tự nguyện chịu hiến tế làm giá chuộc cứu muôn người, trong đó có chúng ta. Dẫu chúng ta bất xứng đi chăng nữa, Ngài vẫn yêu thương, đón nhận và cứu độ chúng ta. Không những thế, Thiên Chúa còn “đặt [chúng ta] như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ngài tràn lan khắp địa cầu” (x. Is 49, 6). Ôi vui sướng dường bao khi được lãnh nhận ơn gọi và sứ mệnh lớn lao này! Nhưng cũng không khỏi lo lắng làm sao sống-thực hiện chúng một cách tròn đầy và trọn vẹn!
Tác giả Thánh vịnh cảm nhận và dạy chúng ta thưa rằng: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Tv 39, 8a. 9a.). Vì vậy, với tâm tình tín thác, cậy trông, chúng ta không ngần ngại cùng với ngôn sứ Sa-mu-el thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời” (1Sm 3, 9). Chính nhờ vào ân sủng “do thánh ý Chúa” (x. 1Cr 1, 1) và “bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giê-su Ki-tô” (1Cr 1, 3), chúng ta học biết khiêm nhường và trở nên hiền lành trong đời, đặc biệt mỗi lúc sống ơn gọi, tuyên xưng đức tin và thực hiện sứ mệnh làm chứng cho Chúa. Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện về Thánh Clê-men-tê thường đi khất thực, xin trợ giúp từ người khác để nuôi nấng các trẻ em mồ côi. Một hôm, thánh nhân bước vào quán ăn, tiến đến chiếc bàn có rất nhiều thanh niên đang ngồi ăn uống say sưa, mong sao xin được chút thức ăn thừa cho các em mồ côi, thì bị một thanh niên sỉ vả và nhổ đầy nước bọt vào mặt. Đối lại, ngài rất đỗi bình tĩnh đáp: “Cám ơn anh! Đây là cái anh cho tôi. Còn phần của các em mồ côi đâu?” Hết sức sửng sốt, anh chàng đó vừa cảm thấy xấu hổ, vừa không biết hành xử ra sao, bèn rút tiền từ hầu bao đưa cho thánh nhân, rồi chạy vội ra về với vẻ mặt rưng rưng muốn khóc.
Hiền lành và khiêm nhường vừa là các nhân đức nồng cốt giúp ta sống các nhân đức khác, vừa thúc đẩy ta thực thi ơn gọi-sứ mệnh của một chứng nhân trung thành, tin yêu. Cụ thể hơn, chúng ta cùng nhau dừng lại ít giây đọc lại lời dạy của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô (Kinh truyền tin, Chúa nhật 19/10/2014) gợi lên cho mỗi người chúng ta thế nào là sống hiền lành và khiêm nhường chân chính: “Làm chứng cho Chúa nghĩa là gì nếu không phải lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế vũ lực, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên, chúng ta không sống như một ‘thành trì bị vây hãm’, nhưng như một thành phố được đặt trên núi cao, rộng mở, đón nhận và liên đới - nghĩa là không được sở hữu thái độ khép kín, nhưng đem Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cả cuộc sống chúng ta, rằng: bước theo Đức Giê-su giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn”.
Để khép lại bài chia sẻ này, con xin mượn lời của cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, ngõ hầu cùng với quý cộng đoàn lắng đọng và nguyện cầu: “Thử thách cay đắng nhất là chấp nhận giới hạn của mình. Chịu đóng đinh vào một thánh giá hẹp, con càng đau đớn hơn. Nếu thánh giá rộng, con còn được thoải mái hơn phần nào!”
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 4
Người Tôi Tớ, Đấng xóa tội trần gian
(Ga 1, 29-34)
Phụng vụ Chúa nhật II thường niên A làm cho chúng ta nhớ lại chủ đề của tuần trước, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Nhưng Isaia trình bày về người Tôi Tớ cách mới mẻ hơn (Bài đọc I) và Phúc Âm cũng thế, Gioan chỉ rõ nghĩa khi hiểu Người Tôi Tớ là Ðức Giêsu Kitô. Và thánh Phaolô trong thư I gửi người Côrinthô cũng mời gọi chúng ta trở nên tôi tớ trung thành của Chúa. Vậy chúng ta hãy suy nghĩ về chủ đề Người Tôi Tớ nơi Cựu Ước, nơi Ðức Kitô và nơi mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu Kitô, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa.
Tiên tri Isaia muốn giới thiệu cho chúng ta biết Chúa Giêsu Kitô đích thực là Người là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa khi viết: "Này đây Tôi Tớ của Ta, Người Ta đã chọn và hồn Ta sủng mộ, Ta đã ban Thần Trí trên Người” (Is 53). Gioan Tẩy giả đã không trực tiếp giới thiệu Ðức Giêsu là Người Tôi Tớ. Ông nói Chúa Giêsu là "Chiên của Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian". Mặc dầu hình ảnh con chiên có thể gợi ngay đến ý tưởng về chiên vượt qua, chiên tế vật, nhưng liền sau đó, Gioan đã nói đến Ðấng xóa tội trần gian, Ðấng đến sau ông nhưng lại có trước ông và cao trọng hơn ông, nhất là Ðấng ấy lại được xức dầu bằng Thánh Thần, khi tuyên bố ông đã nhìn thấy Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên đầu Ðức Giêsu khiến chúng ta phải hiểu Gioan đã mượn lại mọi tư tưởng trong sách Isaia về Người Tôi Tớ là Chúa Giêsu.
Gioan đã nhìn thấy Ðức Kitô chính là Người Tôi Tớ trong sách Isaia. Bề ngoài, Người có vẻ thua kém ông, khi đến xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng khi Gioan thấy Thánh Thần xuống trên Người, ông biết ngay, đây là Ðấng mà mình có sứ mạng đi trước dọn đường như một người đầy tớ. Chính Người là Ðấng cao trọng, Ðấng mà Thánh Thần xuống ngự ở trên, tuy bề ngoài rất khiêm nhu, nhưng Chúa Giêsu chính là Người Tôi Tớ mà sách Isaia đã tiên báo. Và phép rửa mà Người mới chịu báo trước cuộc khổ nạn mà Người Tôi Tớ phải chịu để đưa nhà Israel về với Chúa và đem ơn cứu độ của Chúa đến tận cùng trái đất. Gioan đã thấy như vậy và ông tuyên chứng để chúng ta hết thảy tin Ðức Yêsu Kitô thật là Người Tôi Tớ và là Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa. Người đã đến thế gian, đóng vai trò Người Tôi Tớ để, như lời sách Isaia viết, Người giải án tuyên công cho nhiều người, hầu ý định của Thiên Chúa được nên trọn.
Đây là Chiên Thiên Chúa
Tin Mừng hôm nay trình bày nhân vật Gioan Tẩy Giả như sau: “Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình” (Ga 1, 29). “Thấy Chúa Giêsu tiến về mình”, đây là một hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả ‘ngày mai’. Nhưng tương lai này có sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Bằng từ ‘ngày mai’, chúng ta cử hành một ngày mới bắt đầu, Năm Phụng vụ mới bắt đầu. Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.”
Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là nhân loại chúng ta. Không những thế, Ngài còn phục hồi tất cả những người sống trên trần gian này và cứu chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người… Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi và đây là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con của Ngài tới làm giá chuộc tội cho toàn dân (Ga 3,16; Mc 10, 45), vì Người là đầu và tất cả mọi sự ở trong Người. Để tất cả chúng ta sống trong Người, Người đã vui lòng chịu chết và hiến tế vì chúng ta, Người đã chết thay cho chúng ta, và sống lại vì chúng ta. Ngài là Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.
Đấng xóa tội trần gian
Tội lỗi là nguồn gốc và là căn nguyên của sự chết, làm thế nào thoát khỏi cái chết đời đời? Chắc chắn phải hủy diệt sự chết. Con Chiên đã chịu chết và sống lại, mầm mống sự chết bị tiêu tan, tội lỗi được tẩy xóa, còn tội nào khiền chúng ta phải chết nữa không? Khi cử hành lễ hy sinh của Con Chiên trong niềm vui, thánh Phaolô nói rằng: “Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi sự chết, nọc đâu của người ở đâu? “(1 Cor 15,55 ; Os 13,14… ” Ðức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật” (Gal 3, 13), để chúng ta có thể thoát khỏi lời nguyền của tội lỗi.
Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Giêsu không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả đời sống mình. Ngài đã chỉ vào Chúa và nói với dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh hết mọi tội trần gian“. Ngài bước đi trên con đường khổ giá và làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng hiến mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ngày hôm nay chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng cần phải noi gương thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa để qua đời sống thánh thiện của mình khiến nhiều người nhận biết Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 5
Làm chứng cho Chúa
Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1, 29-34
Hôm trước Gioan Tẩy Giả làm chứng về mình hết sức khiêm tốn và chân thực. Trong Tin Mừng hôm nay, ông giới thiệu nhãn tiền, làm chứng thật cụ thể sống động về Đức Giêsu: “Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. (Ga 1,29-30). Ông nhắm đúng lúc Người đến để giới thiệu cho khán giả một cách chân thực và chắc chắn, đáng tin. Đây là cách để tôi học đem Chúa đến với những người bên tôi, những người tôi gặp gỡ trong cuộc đời.
Trước hết Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Ông đã mặc khải cho con người biết sứ vụ chính yếu của Chúa Giêsu khi đến trần gian: Ngài phải hy sinh, như một “con chiên” trong lễ Vượt Qua, chịu sát tế để đền tội cho trần gian. Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Ngài vừa là con người, vừa là Thiên Chúa, đó là mầu nhiệm trọng đại mà ta đã chiêm ngắm cách đặc biệt trong suốt mùa Giáng Sinh. Thiên Chúa đã trở thành một con người, đã sống trọn kiếp sống một con người, Ngài đã từng cảm nghiệm mọi niềm vui nỗi khổ của con người, cuối cùng Ngài đã chết như một con người. Mầu nhiệm nhập thể sẽ còn được chiếu qua đời tôi như thánh Phaolô quả quyết: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi.” Khi kết hiệp với Ngài qua Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, tôi được nên một, được mặc lấy chính tâm tình của Ngài để suy nghĩ và hành động như Ngài.
Thứ đến Gioan Tẩy Giả xác nhận rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1,32-34). Chính Gioan Tẩy Giả nhìn thấy Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu. Mặc khải của Thiên Chúa khiến con mắt xác thịt của ông nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa tràn đầy Thần Khí. “Người đến sau tôi, nhưng có trước tôi”, vì Ngài là Thiên Chúa có từ thuở đời đời. Ông không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Lạy Chúa! xin cho chúng con nhận ra và sống mầu nhiệm nhập thể của Chúa, khiêm nhường nhìn nhận, biết làm nhỏ đi chính mình, để Chúa được lớn lên trong chúng con mỗi ngày. Ước chi cuộc đời hiện tại của chúng con làm chứng rằng Người chính là Thiên Chúa đã đến và ở lại với chúng con, hôm nay và mãi mãi.
Én Nhỏ