Thứ ba, 28/01/2025

Suy niệm Tin Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Chúa nhật 33 Thường niên C

Cập nhật lúc 15:50 10/11/2022
SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Suy niệm 1
LÀM CHỨNG
Mt 10, 17-22
Chúa Giêsu không ngần ngại cảnh báo cho các môn đệ biết một thực tế rất phũ phàng và cay đắng, là họ sẽ bị bách hại, và có thể kết thúc một cách bi thảm, để những ai muốn theo Ngài phải cân nhắc. Một khi đã quyết định chọn lựa thì phải dấn thân đến cùng, và “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.Chúa Giêsu đã đi bước trước, Ngài là vị tử đạo đầu tiên vì Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Ngài là con đường dẫn đến sự sống đích thực, nhưng thế gian lại yêu sự tối tăm hơn ánh sáng. Các môn đệ cũng đồng số phận với Thầy, bị khinh khi, bị lăng nhục và thù ghét vì danh Thầy”; cuối cùng cũng là sự hiến mạng vì Thầy để trở thành lời nhân chứng cho sự thật.
Không một tôn giáo nào bị bách hại nặng nề, lâu dài và thảm thương như Kitô giáo. Cho dù có những thế lực thù địch quyết loại trừ Kitô giáo bằng mọi cách, nhưng đạo thánh Chúa vẫn không bị tiêu diệt, mà trái lại còn tăng trưởng mạnh mẽ cả về phẩm chất lẫn số lượng. Đó là những bí ẩn của lịch sử không thể lý giải bằng lý lẽ tự nhiên, nhưng chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng đức tin. Ngay từ những năm tháng đầu tiên loan báo Tin Mừng, Hội Thánh đã trải quagần 300 năm bị bách hại dưới thời các hoàng đế La-Mã. Rồi từ đó, Phúc Âm được rao giảng ở đâu, thì ở đó sớm muộn gì các Kitô hữu cũng bị bách hại.
Lịch sử Hội Thánh là một lịch sử đầy những cuộc tử đạo, ở khắp mọi miền trên thế giới, vào hết mọi thời kỳ trong lịch sử. Ngay trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, 118 vị thánh đã được phúc tử đạo. Dĩ nhiên đây chỉ là con số tiêu biểu cho khoảng 130.000 các tín hữu đã phải chết vì đạo. Đó là chưa kể bao nhiêu tín hữu phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vì cuộc bách hại trảiqua 7 thời kỳ cấm đạo,từ năm 1625-1885, nghĩa là kéo dài đến 261 năm. Điều này vừa cho thấy sự ác liệt và thảm khốc của những cuộc bắt đạo, vừa cho thấy sức chịu đựng kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin của cha ông chúng ta, những vị tiên phong hào hùng nêu gương cho con cháu.
Thật khó hiểu đối với những người không có đức tin. Vui tươi trước những may lành và thành công thì ai cũng muốn làm; hãnh diện vì giàu sang sung sướng thì ai cũng muốn được, nhưng vui tươi và sẵn sàng lãnh nhận gian nan, thử thách, đau khổ và cả cái chết là một điều hết sức kỳ lạ, khác thường, không thể hiểu được. Nhưng những điều này lại rất dễ hiểu đối người Kitô giáo, vì nó phát xuất từ một đức tin mãnh liệt với tình yêu mến sâu xa đối với Thiên Chúa và con người. Thật ra, cuộc sống trong mọi chiều kích nhân sinh, vẫn luôn là một cuộc chiến ác liệt giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối.
Chết vì đạo chính là chết vì tình yêu, vì sự thật, vì sự thiện, nên phải có một sức mạnh của ơn thánh Chúa chứ không do sức riêng của con người. Chết mà không hận thù oán ghét, không than trách buồn phiền hay bất mãn. Trái lại, vẫn hân hoan vui sướng vì Chúa, vẫn đầy tình thương và tha thứ đối với những kẻ hành hình mình. Tử đạo như thế khác xa với mọi thứ tử đạo khác: do sự cuồng tín tôn giáo; do sự cuồng ngạo văn hóa; hoàn toàn khác với những thứ anh hùng liệt sĩ phát xuất từ các phe nhóm chính trị, xã hội hoặc đảng phái.
Ngày nay, tuy không còn phải chịu những bách hại như trong quá khứ, nhưng chúng ta đang phải đối diện với một cuộc tấn công khác còn nguy hiểm gấp bội, đó là sức mạnh của tiền bạc, địa vị, khoái lạc, tự do buông thả, nhất là trong những xã hội mà người ta muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi đời sống con người. Những sức mạnh này đã làm cho nhiều tín hữu gục ngã, mất đức tin và xa rời Hội Thánh. Không nói chi bên ngoài màngay trong lòng Giáo Hội, ngày càng có nhiều giáo phái, nhiều chia rẽ và bất đồng, khiến mất đi sự hiệp nhất dần dần. Tuy nhiên, cũng là những cuộc thanh lọc đức tin cần thiết để thấy được mức độ chín chắn và trưởng thành của đời Kitô hữu, nhưng xem ra,đó lại là hậu quả của những cuộc bách hại tinh thần không thể tránh khỏi.
Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết.Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Trong một xã hội còn nhiều bóng tối và mây mù giăng mắc, những khuynh hướng và những trào lưu đi ngược với đời sống đức tin, nên việc làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi,vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian tội lụy.Làm sao cho tất cả mọi hành vi, thái độ và ứng xử của chúng ta luôn tỏa chiếu ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng, tạo nên một sức hấp dẫn đối với những người chung quanh, để Chúa ngày càng được nhận biết và yêu mến.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Bao người công chính đã bị bách hại,
bao người chân thật đã phải tù đày,
chỉ vì dám đấu tranh cho công lý,
dám liên đới và thực thi trách nhiệm.

Sống công chính đòi con dám xả thân,
dám hành động vì ích lợi của tha nhân,
dám coi thường quyền lợi của bản thân,
và luôn biết hành động trong sự thật.

Trông nhìn lại thời Giáo Hội sơ khai,
các tín hữu phải chịu những họa tai,
vì theo Chúa trên con đường làm chứng,
là yêu thương và tha thứ không ngừng.

Bách hại đâu phải chuyện của quá khứ,
mà nay vẫn tiếp diễn bằng nhiều thứ,
như vu khống, chế giễu và phỉ báng,
biến tín hữu thành hạng người lố bịch.

Không hẳn chúng con chết vì đức tin,
nhưng sẽ bị chế giễu vì danh Chúa,
bị coi là mê muội và yếu đuối,
nên Chúa cần con sống hơn là chết,
để người ta thấy tình yêu là trên hết,
và cũng chính là sự thật luôn vững bền.

Xin cho con dám vượt lên chính mình,
để con sống một niềm tin chân chính,
theo gương cha ông anh hùng tử đạo,
dám hiến thân vì Chúa đổ máu đào.

Xin cầu cho chúng con là con cháu,
biết can trường trong thử thách đau thương,
biết làm chứng cho Chúa giữa đời thường,
để mọi người đón nhận Chúa tình thương. Amen.
Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 2
TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT

Mt 10,17-26

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 10,17-26
(17) Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các Hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. (18) Và anh em sẽ bi điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. (19) Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. (20) Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. (21) Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết. Cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. (22) Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (23) Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến. (24) Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. (25) Trò được như thầy, tớ được như chủ đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà. (26) Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ. Không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. (27) Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày. Và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.
2. Ý CHÍNH: Khi sai mười hai Tông đồ đi giảng, Đức Giê-su tiên báo cho các ông biết những sự bách hại vì Danh Người đang chờ đón các ông. Tuy nhiên chính khi bị bách hại lại là cơ hội tốt để các ông làm chứng trước tòa án Do thái và các chính quyền ngoại đạo. Các ông sẽ gặp những sự bất hòa ngay trong gia đình và sự thù ghét nơi người đời. Nhưng ai giữ vững đức tin và trung thành với Chúa đến cùng thì sẽ được cứu độ. Các ông cũng cần phải khôn ngoan để tránh bị bắt bớ. Dù gặp hoàn cảnh bất lợi nào đi nữa, cũng đừng sợ hãi, nhưng hãy can đảm làm chứng cho Chúa. Hãy vững lòng trông cậy vì các ông đang nắm giữ chân lý là điều luôn có sức chinh phục lòng người.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt Vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,18).
2. CÂU CHUYỆN: THÁNH NỮ I-NÊ ĐÊ.
Trong số 117 vị thánh Tử đạo tại Việt nam, chỉ có một phụ nữ là thánh nữ I-NÊ LÊ THỊ THÀNH (hay cũng gọi là bà thánh I-NÊ ĐÊ). Bà là mẹ của 8 người con. Trước khi trở thành thánh tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. Cô con gái út của bà đã khai về mẹ mình trước tòa phong thánh rằng: “Thân mẫu chúng tôi rất quan tâm giáo dục con cái. Người dạy chúng tôi học chữ và học giáo lý. Về sau còn dạy chúng tôi cách thức dự lễ và xưng tội rước lễ”.
Bà Đê đã dùng căn nhà của mình làm nơi trú ẩn cho các linh mục thừa sai, để tránh sự ruồng bắt của vua quan. Vào buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, tổng đốc Nam Định đã sai quân đến nhà bắt giữ bà. Bấy giờ bà đang trong tuổi lục tuần. Bà đã bị tra khảo tàn nhẫn để buộc phải khai báo nơi trú ẩn của các linh mục thừa sai. Nhưng bà tỏ ra kiên cường, không hề hé môi nói nửa lời. Sau đó bà lại bị bắt ép khiêng qua cây Thánh giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái bà đến thăm và tỏ vẻ đau lòng thấy quần áo của mẹ mặc bị loang lổ những vết máu đỏ tươi, thì bà đã an ủi con rằng: “Con ơi, đừng khóc nữa. Mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ chịu khổ vì Danh Chúa Giê-su thì sao con lại phải khóc?” Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người đàn bà kiên cường ấy đã từ giã cuộc đời, để lại cho hậu thế một tấm gương anh dũng trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.
3. SUY NIỆM:
1) Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những ai?
+ Các ngài là hằng trăm ngàn giáo dân Việt Nam không rõ danh tánh, đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Chúa. Các Ngài đã bị giết hại dưới thời chế độ phong kiến, do các phong trào Cần Vương và Văn Thân thực hiện. Câu chuyện sau đây cho thấy điều đó: Một người đàn ông nọ bị quân lính bắt giải đến cho quan tòa xét xử. Quan tòa truyền lấy một chiếc dùi nung đỏ khắc lên đôi gò má của ông bốn chữ: “Gia-Tô Tả Đạo” rồi tống giam vào ngục. Ngồi trong tù suy nghĩ lại, ông cảm thấy áy náy vì lúc bị khắc dấu đã không dám can đảm nói lên quan điểm của mình, vì “Gia-Tô” đâu phải là “tả đạo”. Ngay trong đêm hôm ấy, ông đã yêu cầu bạn tù dùng dao rạch bỏ hai chữ “tả đạo” trên má, chỉ để lại hai chữ “Gia-tô” là thánh Danh Chúa Giê-su. Sáng hôm sau, ông lại bị điệu ra trước tòa án với khuôn mặt còn loang lổ máu, ông đã can đảm bênh vực đức tin và sau đó đã bị khép tội phản nghịch và được chết vì đạo.
+ Các ngài cũng là phụ nữ: Có một bà nọ bị bắt vì đã theo đạo và bị tòa kết án bị “voi giày”. Hai ngày trước khi ra pháp trường, bà viết thư cho người nhà yêu cầu gửi cho bà bộ quần áo cưới mà bà đã mặc khi trước, vì bà nghĩ rằng: “Ngày tôi bị chết vì đức tin chính là ngày tôi được gặp gỡ vị Tân Lang là Chúa Giê-su”. Hôm bị xử tử, khi ba hồi chiêng trống vang lên, người ta thấy quân lính dẫn ra một thiếu phụ mặc áo như cô dâu trong ngày cưới. Sau đó bà đã bị voi dùng vòi quấn ngang thắt lưng tung lên cao, rồi khi bà rơi xuống đất thì nó dẫm đạp lên người cách tàn bạo.
+ Các ngài thuộc mọi lứa tuổi: Có một cụ ông 80 tuổi như linh mục Lê Bảo Tịnh, có một bà lão 60 như bà thánh I-nê Đê, một thiếu niên 14 tuổi như Phao-lô Bột, một trẻ nữ 12 tuổi như Lu-xi-a Liễu, một cậu bé lên 10 như Phao-lô Đạm, một em bé mới 9 tuổi như Gio-an Túc...
+ Các ngài đủ mọi ngành nghề trong xã hội: Có người làm linh mục như cha Phi-líp-phê Minh, làm thầy giảng như thày An-rê Phú Yên, làm nữ tu như 270 dì phước dòng Mến Thánh Giá, làm chủng sinh như chú Tô-ma Thiện, làm quan chức triều đình như Hồ Đình Hy, làm quân lính như Trần Văn Trông, làm trùm họ như Nguyễn Đích, làm công chức như Nguyễn Huy Mỹ, làm lái buôn như Lê Văn Gẫm, làm nông dân như Đa-minh Ninh... Hầu như mọi thành phần, lứa tuổi hay nghề nghiệp đều có đại diện. Người ta đã thống kê được 58 các vị giám mục va linh mục thừa sai, 25 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 270 nữ tu và khỏang trên 100 ngàn giáo dân đã chết vì đạo. Trong số đó, vào ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong lên bậc hiển thánh 117 vị và sau đó tới lượt thày giảng An-rê Phú Yên được phong lên bậc Chân Phước hay Á thánh. Đây là những vị có đầy đủ hồ sơ chứng minh đã anh dũng chịu chết vì đức tin. Còn hằng hà sa số các tín hữu đã bị giết chết với nhiều cách khác nhau, nhưng do thiếu hồ sơ cụ thể để xin phong thánh, nên vẫn còn chờ sẽ được tôn phong sau này.
2) Phương cách hữu hiệu nhất để làm chứng cho Chúa hôm nay là gì ?
+ Về sự bách hại đức Tin thời nay: Ngày nayma quỷ không dùng cực hình đau khổ thể xác để bắt buộc người tín hữu bỏ đạo như vua chúa xưa, nhưng chúng dùngtiền bạc và đầu độc người tín hữu nhất là giới trẻ bằng những băng đĩa phim ảnh đồi trụy, các video games bạo lực dâm đãng, hút chích ma túy, rượu chè bài bạc… khiến các thanh thiếu niên chán ngại đọc kinh lần hạt, bỏ dự lễ Chúa Nhật... Rồi do không được nghe giảng Lời Chúa và thiếu ơn Chúa nên họ chỉ còn biết tìm kiếm tiền bạc và lao đầu vào việc hưởng thụ mà không nghĩ đến đời sau… và cuối cùng sẽ mất đức tin lúc nào không hay.
+ Ý nghĩa của tử đạo trong cuộc sống hôm nay: Tử đạo trước hết là sống Đức Tin bằng sự hy sinh quên mình phục vụ, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt, kể cả hy sinh mạng sống của mình noi gương các thánh Tử Đạo. Sứ mệnh của người tín hữu là phải trở thành muối mặn ướp cho người đời khỏi hư hỏng, thành nắm men tin yêu làm cho thúng bột xã hội dậy lên men tình yêu của Chúa (x. Mt 5,13), nên đuốc sáng chiếu soi cho u tối trần gian như lời Chúa dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
+ Tử đạo chính là làm chứng cho Chúa: Đức Giê-su đã sai các Tông đồ đi rao giảng Tin mừng và tiên báo các khó khăn sẽ gặp phải như sau: “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,18). Người cũng truyền cho các Tông đồ phải làm chứng nhân cho Người: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Các thánh Tử đạo Việt Nam đã chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa bằng việc chấp nhận chịu chết vì đức Tin. Con chúng ta hôm nay tuy không có cơ hội chịu chết vì Danh Chúa như xưa, nhưng chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Chúa bằng một lối sống hy sinh quên mình, khiêm nhường vị tha và luôn yêu thương phục vụ tha nhân vô vụ lợi.
+ Phải làm chứng cho Chúa như thế nào ?: Hôm nay nếu ta chọn làm theo ý riêng ích kỷ là chúng ta đã gián tiếp chối bỏ đức tin; Khi ta chọn làm những việc xấu xa, lỗi phép công bằng và đức bác ái, là ta đang chối Chúa cách gián tiếp và bước qua Thánh giá Chúa bằng chính cuộc sống không tốt của mình. Trái lai, nếu ta năng cầu nguyện dự lễ, kèm theo lối sống công minh chính trực, sẵn sàng dấn thân quên mình và khiêm tốn phục vụ tha nhân vô vụ lợi là ta đang làm chứng cho Chúa noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam.
4. THẢO LUẬN: Người ta thường nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Bạn quyết tâm sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa tại nhà trường, công sở, nhà máy, các tụ điểm giải trí vui chơi... để xứng đáng là con cháu các thánh Tử đạo Việt nam?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay chúng con mừng kính các thánh Tử đạo Việt nam, là tổ tiên chúng con. Xin cho chúng con biết luôn sống đức tin noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin cho chúng con biết nhiệt thành làm chứng cho Chúa, bằng một lối sống hy sinh quên mình và khiêm nhường phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các thánh Tử đạo đã thắp lên sẽ được chúng con tiếp tục làm bùng sáng trên quê hương Việt nam thân yêu. Ước gì máu các ngài đổ ra sẽ làm phát sinh thêm nhiều Ki-tô hữu vừa có lòng nhiệt thành mến Chúa lại vừa yêu mến xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng tăng tiến tốt đẹp.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
================
Suy niệm 3
Cuộc bách hại đạo hôm nay
Bách hại đạo không phải là chuyện ngày xưa nhưng bất cứ thời nào, những người con Chúa cũng bị thôi thúc, bị lôi kéo, bị ép buộc bỏ đạo.
Hôm xưa, các thánh tử đạo tại Việt Nam đã bị vua quan bắt bớ, xiềng xích, tống giam vào tù ngục, buộc phải bỏ đạo. Dầu vậy, các ngài vẫn kiên trung, anh dũng chấp nhận tù đày, chết chóc chứ không bỏ đạo, không chối Chúa.
Hôm nay, chúng ta cũng bị những quyền lực mạnh mẽ thúc đẩy từ bên trong, xô đẩy chúng ta từ bỏ Đạo yêu thương.
Trước hết, cần nhớ rằng Đạo Chúa là đạo yêu thương.
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì thể hiện tình yêu thương là cốt lõi của Đạo Chúa.
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì yêu thương là điều luật quan trọng nhất, là quy luật trung tâm của mọi lề luật, như Thánh Phao-lô dạy: “Ai yêu thương là chu toàn mọi điều luật dạy” (Rm 13, 8).
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì mục tiêu hàng đầu của đạo là xây dựng thế giới nầy trở thành thế giới yêu thương, huynh đệ, mọi người yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà.
Và hơn hết, Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì chỉ có ai có lòng yêu thương mới là môn đệ Chúa, ai không yêu thương thì tự loại trừ mình ra khỏi hàng ngũ những người môn đệ, như lời Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Chúng ta vừa đề cập đến chuyện hiện nay có nhiều quyền lực hết sức mạnh mẽ lôi cuốn, xô đẩy chúng ta từ bỏ Đạo yêu thương. Vậy đó là những quyền lực nào?
Đó là những thế lực nằm ngay trong lòng ta, thống trị tâm hồn và cuộc sống của ta, hằng thôi thúc ta bỏ đạo: chủ yếu là bệnh vô cảm, lòng giận ghét, tham lam…
1. Vô cảm: Người vô cảm thờ ơ, dửng dưng, không quan tâm đến những người chung quanh, không cảm thông với những nỗi đau thương, bất hạnh của người khác...
Khi ta vô cảm, không thương xót người hoạn nạn, đau khổ… là đã từ bỏ điều cốt lõi của Đạo yêu thương…
2. Lòng giận ghét: Lòng giận ghét sôi sục trong lòng người, làm chủ hành vi lời nói của họ, xui khiến họ chửi mắng, đánh đập, nói hành nói xấu, gây thiệt hại cho người khác…
Nếu để lòng giận ghét làm chủ tâm hồn là ta tự loại trừ mình ra khỏi hàng ngũ những người môn đệ Chúa.
3. Tham lam:
Lòng tham lam thái quá đã thúc đẩy rất nhiều người gây ra tội ác, như tham ô, cướp của, giết người… gây ra vô vàn thiệt hại cho đất nước, cho đồng bào, cho cả những người ruột thịt thân yêu trong gia đình dòng họ.
Ngoài ra, còn rất nhiều quyền lực khác, tuy vô hình, nhưng có sức mạnh lớn lao, đã hoặc đang xâm chiếm tâm hồn ta, làm chủ cuộc sống ta, luôn tìm cách lôi kéo, xô đẩy ta ra khỏi Đạo yêu thương của Chúa.
Đây là những cơn bách hại lâu dài, mạnh mẽ… còn tiếp tục kéo dài suốt cuộc đời ta và suốt dòng lịch sử nhân loại. Nếu không quyết tâm chiến đấu chống lại, chúng ta phải thua trận và trở thành người bỏ Đạo yêu thương lúc nào không hay biết.
Hậu quả khủng khiếp mà người bỏ Đạo yêu thương phải gánh lấy, là đến ngày phán xét, sẽ bị Chúa Giê-su lên án: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó"… vì ngươi không có lòng yêu thương, cứu giúp những người chung quanh (xem Mt 25, 34. 41).
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con luôn chiêm ngưỡng tấm gương kiên trung anh dũng của các thánh tử đạo tại Việt Nam.
Các ngài thà chết chứ không thà dẫm đạp lên thập tự giá và không chối bỏ đạo Chúa.
Xin cho chúng con biết noi gương các ngài, thà chấp nhận thua thiệt và đau khổ chứ không chà đạp lên tình người, lên danh dự người khác, không làm thiệt hại ai… vì làm như thế là chúng con đã chối bỏ Đạo yêu thương và đánh mất hạnh phúc thiên đàng. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
================
Suy niệm 4
Tôn vinh – Hiệp Thông – Sống đời nhân chứng

(Lc 20, 27-38)
Tôn vinh
Hàng năm cứ đến ngày này, những người con dân Việt từ khắp muôn phương cùng với Giáo hội hoàn vũ hướng tâm hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam.
Ðọc lại tiểu sử Các Ngài, chúng ta không thể giấu nổi niềm vui và hãnh diện, cũng như lòng cảm phục đức tin kiên cường của tổ tiên ngàn đời yêu quí. Vì trung thành với Chúa, Các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng, nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì Đức tin.
Trong hân hoan vui sướng và hãnh diện, chúng ta tôn vinh, tri ân Các Ngài đồng thời hô vang: « Vạn vạn tuế các Thánh Tử Đạo Việt Nam, vạn vạn tuế các Thánh Tử Đạo anh hùng ».
Hiệp thông
Giảng trong thánh lễ tuyên phong 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19-6-1988 Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói với con dân Việt Nam như sau : « Tôi biết anh chị em vui mừng phấn khởi vì ước mong tôn vinh các vị tử đạo đồng hương, nhưng còn vì khi quây quần để tưởng nhớ các vị tử đạo, anh chị em cảm nhận nhu cầu xây dựng lại tình huynh đệ, tình bằng hữu, tình thân ái đang tràn ngập trong tâm hồn do bởi tất cả anh chị em đều có chung một quê hương. Trong khi sống lại ký ức về các ngài, anh chị em hướng về quê hương mình bằng tình yêu, sự nhung nhớ, và ước mong được sống một khoảnh khắc hiệp thông chứa chan hi vọng» (x. JEAN PAUL II, Bài giảng Lễ Phong Thánh).
Dịp khai mạc Năm Thánh 2010, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong sứ điệp gửi các Giám mục Việt Nam có viết : « Việc cử hành Năm Thánh trùng với ngày lễ kính 117 vị thánh Tử đạo hiển vinh của đất nước Đức Cha. Việc nhớ lại chứng từ cao quý của các ngài sẽ giúp toàn thể dân Chúa tại Viêt Nam kích động đức mến, gia tăng đức cậy và củng cố đức tin mà đôi lúc bị thử thách bởi chính đời sống thường ngày » (x. BENEDICTO XVI, Sứ điệp gửi các Giám mục Việt Nam dịp Năm Thánh 2010). Thư của Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, lúc đó là Tổng Giám Mục Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN gửi cộng đoàn Dân Chúa nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày tôn phong 117 Hiển Thánh Tử đạo Việt Nam có đoạn : « Đây là cơ hội giúp Dân Chúa Củng cố đức Tin qua đức Cậy nhờ đức Ái (số 1) ; Giúp cho Giáo hội Việt Nam sống chan hòa trong tình hiệp thông và hiệp nhất (số 2) ; Thúc đẩy chúng ta hăng say hơn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng (số 3) ; là dịp để cháu con noi gương các Ngài sống xứng đáng những người con thảo của Cha trên Trời (số 4) ».
Sống đời nhân chứng
Câu hỏi được đặt ra: Các Thánh Tử Đạo làm chứng cho Chúa bằng cách hy sinh tính mạng. Vậy, trong thời đại hôm nay, người kitô hữu phải sống đời nhân chứng như thế nào ? Làm sao để người ta dễ có cảm tình với Đạo Chúa ?
Nguyên ngữ của chữ Tử Đạo (Martyr) có nghĩa là “Người làm chứng”. Ngày hôm nay, có lẽ không còn những cuộc bách hại đẫm máu, những tra tấn, gông cùm, tù tội…, hoặc ít ra là không gắt gao như thời của các Thánh Tử Đạo. Tuy nhiên, người tín hữu sống Đạo hôm nay, vẫn phải đối mặt với muôn vàn thử thách.
Văn hóa thực dụng và lối sống hưởng thụ thời nay, cách nào đó, đã và đang cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin Mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được nhiều thuận lợi, biết đâu, có khi chúng ta lại dễ dàng chối bỏ niềm tin của mình? Sống ích kỷ, lỗi lời thề ước của hôn nhân; phá thai; sống buông thả; bỏ đọc kinh, lười đi nhà thờ, bỏ lễ Chúa nhật ; sống gương mù gây chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn...là chúng ta chẳng những bỏ Đạo mà còn bách hại Đạo nữa.

Làm sao để chúng ta có thể vẫn ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, là điều không hề đơn giản. Sẽ khó có thể nói được rằng Tử Đạo ở thời nào hay nơi nào khó hơn. Bởi vì, mỗi thời, mỗi nơi, đều có những khó khăn thử thách riêng. Các vị Tử Đạo cha ông chúng ta, đã phải hứng chịu những cuộc bách hại, đặc biệt là những gian khổ về mặt thể lý, như đòn vọt, gông cùm, tù tội… còn chúng ta ngày hôm nay, mặc dù không chịu những thử thách tương tự, thế nhưng để giữ đạo và sống đạo cho đúng với ơn gọi làm người Kitô hữu của mình, chúng ta đã phải tử Đạo mỗi ngày, mà người ta vẫn gọi là “những người tử Đạo mà không phải chết”.
Người Kitô hữu sống đạo hôm nay được kể như người đang “lội ngược dòng đời”. Đang khi thế gian chạy theo tiền bạc và hưởng thụ, tìm mọi cách để vun vén cho bản thân, chúng ta lại được mời gọi sống cho tha nhân, và mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Đang khi cuộc sống hôm nay đầy dẫy những lọc lừa, gian dối, chúng ta lại được mời gọi sống ngay thẳng và làm chứng cho sự thật. Đang khi thế gian coi nhẹ phẩm giá con người, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự sống và bảo vệ những mầm sống đó ngay từ những giây phút đầu tiên trong thai bào. Đang khi mối quan hệ gia đình, sự thủy chung trong đời sống vợ chồng ngày một trở nên lỏng lẻo, chúng ta lại được gọi mời sống trung thành với nhau cho đến chết… Và mỗi lần sống như thế, là mỗi lần chúng ta tử đạo.
Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô qua đời sống yêu thương phục vụ. Nhờ đó, Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô sẽ được lan tỏa đến tận cùng trái đất.
Kính lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================
Suy niệm 5
Kn 3,1-9;1Cr 1,17-25; Mt 10,17-22
Thầy Giêsu sai các môn đệ ra đi làm chứng cho Thầy và dặn trước rằng:“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại.”Nghe những lời này ai cũng cảm thấy sợ hãi muốn chùn bước chân. Chính Thầy Giêsu là lá cờ đầu tiên phong, là vị Tử Đạo đầu tiên đã bị nộp, đánh đập và bị đóng đinh chết nhục nhã đau thương. Kế đến các tông đồ, theo sau là các thánh Tử Đạo cũng đã bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền. Các ngài đã trải qua bao nhiêu cấm cách, bắt bớ, đánh đập giết chóc đau thương với nhiều cách ghê sợ. Những hình ảnh đó thật đúng là chiên đi vào giữa “bầy sói”.
Nhưng ngày nay Thầy sai chúng con đi vào thế gian, giữa thời đại 4.0, không có sói. Nhưng nhiều khi mạnh ai nấy sống, người ta mải mê kiếm tìm lợi nhuận hưởng thụ, của cải, danh vọng, tìm cách vươn lên làm giàu, chứ chẳng tìm bắt bớ, bách hại lẫn nhau. Không thấy ai nộp chúng con cho hội đồng, không bị đánh đập trong hội đường hay điệu ra trước nhà chức trách vì Chúa. Nhưng cũng chính trong thời đại bon chen xô bồ này, chúng con bị thách thức, bắt bớ bởi những cám dỗ đam mê, tiền, vàng, đôla, nhà đất… Chúng làm lé mắt, lôi kéo trói buộc, chúng con thật khó để chiến đấu mà giải thoát gỡ mình ra khỏi.Vì bản năng con người lại thích “sự êm dịu” của nó. Cũng chính vì những lợi lộc trần gian này, vì tiền của, nhà đất, ruộng vườn mà người ta bon chen giành giật, vu oan kiện cáo đưa nhau ra tòa không phân biệt thân sơ. Từ đây có cảnh “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” Báo chí cập nhật đăng tải bao cảnh bê bối tang thương ngay từ giữa gia đình.
Phải đối xử làm sao, chiến đấu ra sao với những thử thách gian truân nơi đường trường dương thế này? Lúc ấy “không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Chính Thầy Giêsu đã đi bước trước và thực hiện trong các vị Tử Đạo. Mọi khó khăn đau khổ sẽ được trả lại bằng vinh quang. Nhưng với điều kiện phải trung thành trong mọi hoàn cảnh khó khăn, cho đến giây phút cuối cuộc đời:“kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”
Lạy Chúa! Chúa sai con đi vào giữa cuộc đời đầy khó khăn thử thách và đủ thứ cám dỗ gọi mời. Xin ban cho con sự khôn ngoan cần thiết, để con nói năng, hành động theo Thần Khí Chúa. Được đồng hình đồng dạng, nên một trong Chúa, con được trở nên thụ tạo mới. Nếu được như vậy, con luôn vững tâm, can đảm khi đối diện với những khó khăn. Bởi vì “không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Có thể con sẽ lãnh phần thua thiệt trong cuộc sống, nhưng nhờ “bền chí đến cùng” con sẽ được hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban. Amen.
Én Nhỏ
================
CHÚA NHẬT 33 TN
Suy niệm 1
LÀM CHỨNG CHO THẦY

Lc 21, 5-19 
Nhiều người Do thái nhìn ngắm và khen ngợi đền thờ Giêrusalem nguy nga tráng lệ, được xây cất bằng đá cẩm thạch nguyên khối, mỗi cây cột cao hơn 12 mét. Mặt tiền đền thờ được dát bằng vàng lá, mỗi khi mặt trời lên, nó phản chiếu ánh sáng chói loà rực rỡ. Nhìn từ xa, đền thờ trông như một núi tuyết khổng lồ vì màu trắng toát của đá cẩm thạch. Chính vẻ huy hoàng lộng lẫy của đền thờ mà người ta tưởng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã đánh đổ quan niệm sai lầm đó. Người loan báo đền thờ sẽ bị tàn phá hoàn toàn, không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Quả thật, tiên báo này đã hoàn toàn ứng nghiệm năm 70 sau Công nguyên, khi tướng Titô đem quân bao vây, tàn sát dân chúng, bắt tất cả tù binh và thiêu huỷ đền thờ.
Mọi người kinh hoàng sợ hãi khi nghe Chúa Giêsu tiên báo. Họ xin Ngài cho biết thời gian và điềm báo trước. Ngài không nói rõ ràng về ngày đó, nhưng dùng những hình ảnh khải huyền để nói về ngày thế mạt. Điều quan trọng là Ngài cảnh báo cho các môn đệ biết sẽ có những thử thách đức tin: có những ngôn sứ giả hiệu, mạo danh Chúa để mê hoặc tín hữu, làm gãy đổ niềm hy vọng;có những cuộc bách hại và sự chia rẽ loại trừ nhau ngay trong gia đình, bà con, bạn hữu. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”. Nhưng Ngài bảo đừng lo sợ, cứ kiên trì, vì Thiên Chúa luôn quan phòng che chở. Bách hại và thử thách “là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy”.
Kitô hữu là người làm chứng cho Đức Kitô: Đấng là ánh sáng giữa thế gian tăm tối; Đấng là sự thật giữa cảnh đời gian dối; Đấng là tình thương giữa xã hội hận thù; là Đấng giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi, đau khổ và sự chết…Cách riêng là trong thời đại văn minh hưởng thụ này, người ta lo chạy theo vật chất, chỉ quan tâm đến đời này. Một bầu không khí thờ ơ và lãnh đạm với tôn giáo xem ra ngày càng lan rộng. Nói thế không phải chúng ta coi thường những tiến bộ và tiện nghi vật chất, nhưng nhấn mạnh đến đời sống tinh thần. Kitô giáo luôn tôn trọng các giá trị trần thế, luôn góp phần lớn lao cho việc xây dựng một thế giới thịnh vượng, an vui, hòa bình cho con người.
Tuy nhiên, mọi sự đều tương đối, tất cả là vô thường, như bông hoa sớm nở chiều tàn (Tv 89, 6). Sách Giảng Viên coi mọi sự là phù vân: “Vanitas vanitatum, et omnia vanitas.” (Gv 12, 8).  Chỉ có Thiên Chúa là tuyệt đối, là niềm hy vọng cánh chung của con người. Đừng ai “ngốc” như người phú hộ trong Phúc Âm chỉ lo thutích của cải cho mình. Bao lâu con người còn sống ích kỷ, còn vô tâm trước tình trạng bất công và nghèo đói, còn thờ ơ, xa lánh hoặc loại trừ Thiên Chúa, thì cuộc đời này sẽ đi vào ngõ cụt. Những công trình văn minh hiện đại rồi cũng chỉ là một đống gạch vụn mà thôi. Có những khi chính những sản phẩm do taycon người làm ra lại quay đầu chống lại con người.
Bởi đó, trong bầu khí những ngày cuối của năm phụng vụ, Giáo Hội muốn chúng ta ý thức rằng: vạn vật sẽ qua đi; đừng để mình bị nô lệ của cải vật chất; đừng bị vong thân hoặc đánh mất chính mình nơi các tạo vật. Trong ngày Chúa đến, chỉ còn lại những gì chúng ta đã góp phần xây dựng trong đức tin và tình mến, là những điều có giá trị vượt thời gian.Chúa muốn lòng tin mến của chúng ta phải biến thành hành động, dám tín thác tuyệt đối vào Ngài, dám dấn thân hy sinh cho tha nhân, dù phải chịu thử thách đau thương, kể cả sự chết. Đức cha Fulton Sheen có viết: “Để trắc nghiệm đức tin của ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc thuận buồm xuôi gió”.
Tiếp nối các các tông đồ qua bao thế thế hệ, hàng vạn Kitô hữu đã anh hùng làm chứng cho Đức Kitô, trong đó có sự góp phần lớn lao của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là các Thánh tử đạo mà chúng ta mừng kính. Các ngài gồm đủ mọi thành phần, đủ mọi tầng lớp.Thiên Chúa đã làm nên điều phi thườngnơi những con người yếu đuối như phụ nữ, thiếu niên, người già yếu. Nhờ sức mạnh của Thánh Thần, họ bình thản, khôn ngoan và can đảm chịu mọi cực hình để làm chứng cho Chúa.
Chúng ta không bị hành hình và đổ máu như các vị tử đạo ngày xưa, nhưng cũng như các ngài, chúng ta phải chết cho chính mình, nghĩa là phải hy và từ bỏ tất cả những gì không nói lên được một đời sống yêu thương, chân thật, hiền lành, trong sạch… Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa,trước thập giá của Ðức Giêsu. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thứgây ra những cuộc bách hại tuy êm ả nhưng đầy chết chóc. Cần làm một cuộc “vượt qua” mỗi ngày để tuyên xưngvà loan truyền đức tin của mình cho những người chung quanh.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Đời này chẳng có gì là vĩnh viễn,
vì tất cả mọi sự đều vô thường,
Bao nhiêu chuyện xảy ra rồi cũng qua,
giống như cánh hoa sớm nở chiều tàn.

Chỉ có Chúa là trường tồn bất biến,
và tình yêu là thiên thu bất diệt,
nên đời con cương quyết mãi trung kiên,
không để cho lòngmình phải ngả nghiêng.

Cuộc sống này luôn có nhiều thách đố,
đòi hỏi con phải lựa chọn mỗi ngày,
giữa thập giá và cuộc sống hôm nay,
giữa đời này và tương lai vĩnh cửu.

Nếu con chọn mình mà không chọn Chúa,
đó là những lúc con thất bại ngã sa,
đã liều mình mà bước qua thập giá,
do ham muốn và chạy theo thiên hạ.

Vẫn có những bách hại thật êm ả,
là tiền bạc tiện nghi và khoái lạc,
nên đời con dễ rơi vào sa lạc,
muốn thoái thác để được sống yên hàn,
không dấn thân và chia sẻ trao ban,
những lúc ấy con thấy mình bệ rạc.

Xin cho con một đức tin kiên cường,
luôn can trường trong thử thách đau thương,
là nhân chứng trên khắp mọi nẻo đường,
cho dù phải mất mát thiệt hại nhiều,
nhưng con vui và sẵn sàng nhận chịu,
để chân lý tình yêu chiếu sáng ngời. Amen.
Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 2
LÀM GÌ ĐỂ
CHUẨN BỊ ĐÓN CHỜ CHÚA LẠI ĐẾN ?

Ml 3,19-20a ; 2Tx 3,7-12 ; Lc 21,5-19.

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 21,5-19
(5) Nhân có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: (6) “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. (7) Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra thì có điềm gì báo trước?” (8) Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt. Vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần”. Anh em chớ có theo họ. (9) Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước. Nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. (10) Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. (11) Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém. Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”.(12) Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. (13) Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. (14) Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. (15) Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”. (16) Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. (17) Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. (18) Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. (19) Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay mở đầu "diễn từ chung luận" (x. Lc 21,5-36). Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là Đức Giê-su loan báo việc đền thờ Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy và liên kết với việc tàn phá đền thờ, Đức Giê-su đề cập đến ngày tận thế. Trong khi chờ  đợi “Ngày của Chúa” tức là ngày Chúa đến lần thứ hai, các tín hữu sẽ phải trải qua nhiều gian nan thử thách, phải qua một thời kỳ bị bách hại. Nhưng họ đừng sợ, hãy cứ kiên trì vì sự bách hại sẽ là một cơ hội để họ làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa sẽ giúp họ chiến thắng với điều kiện họ phải luôn kiên trì giữ vững đức tin và trung thành với Chúa cho đến cùng.
3. CHÚ THÍCH:
- C 5-7: + Có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng: Đền thờ nói đây đã được vua Hê-rô-đê Cả trùng tu vào năm 19 trước Công nguyên và bốn mươi sáu năm sau mới hoàn thành (x. Ga 2,20). Vì Đền thờ vừa được xây xong nên rất đẹp. +Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”: Nhiều ngôn sứ đã tiên báo Đền thờ thứ nhất sẽ bị tàn phá (x. Mk, Gr, Ed), tượng trưng cho Giao ước sẽ bị phá hủy, vì dân Do thái đã bất trung với Giao ước ấy. Hôm nay Đức Giê-su lại tiên báo Đền thờ mới này cũng sẽ trở nên hoang tàn vì tội của dân Ít-ra-en đã từ chối Đấng Thiên Sai. Lời tuyên bố này về sau sẽ trở thành lý do khiến Đức Giê-su bị kết án (x. Mt 26,61). Tuy nhiên lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào năm 70 sau Công Nguyên, khi Đền thờ bị quân Rôma đốt cháy và đã sụp đổ thành bình địa. +Vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”: Nghe Đức Giê-su tiên báo về sự sụp đổ của Đền Thờ, mọi người đều sợ hãi. Họ muốn biết đích xác ngày giờ xảy ra cùng những điềm báo trước để chuẩn bị.
- C 8-9: + Đức Giê-su đáp: Anh em hãy coi chừng...: Đức Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi về thời gian và dấu chỉ tiên báo Đền Thờ sắp bị phá hủy, nhưng dựa vào đó Người mặc khải về ngày tận thế sẽ xảy ra giống như vậy. +Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc thì đừng sợ hãi, vì những việc đó xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu: Đức Giê-su cảnh giác các môn đệ là đừng tưởng chiến tranh loạn lạc là dấu chỉ của ngày tận thế. Những điều đó sẽ xảy ra, nhưng chưa phải là dấu tiên báo ngày tận thế đã đến.
- C 10-11: + Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia...: Chiến tranh và những thiên tai như động đất, ôn dịch, đói kém, cùng những điềm lạ trên trời cũng không phải là những dấu chỉ của ngày tận thế, vì nó luôn xảy ra và hầu như thời nào cũng có. Nó chỉ cho thấy vũ trụ này sẽ không tồn tại mãi mãi.
- C 12-15: + Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em....: Đức Giê-su tiên báo về một thời kỳ lịch sử, trong đó các môn đệ phải chu tòan sứ mệnh làm chứng cho Người giữa những cơn bách hại. Nhưng như Đức Ki-tô phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang (x. Lc 24,26), thì các môn đệ cũng phải trải qua thử thách giống như Thầy mình. + Nộp cho các hội đường và nhà tù: Tại mỗi hội đường địa phương đều có nơi dành riêng cho việc xét xử và phạt tù các tội nhân vi phạm các tội thông thường về tôn giáo. Còn các tội nghiêm trọng sẽ được xét xử trước Thượng Hội Đồng tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. + Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy: Trong Tin mừng Lu-ca, việc làm chứng cho Đức Giê-su là sứ mệnh của Nhóm Mười Hai (x. Lc 24,48) và của Phao-lô (x. Cv 22,15). Làm chứng là công bố Đức Giê-su đã chết, đã sống lại và được đặt làm “Chúa”. Sau này làm chứng còn có nghĩa là tử vì đạo. + Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan: Đức Giê-su hứa chính Người sẽ trợ giúp các chứng nhân của Người (x. Ga 14,21), và sẽ sai Thánh Thần đến giúp đỡ các ông (Lc 12,11-12).
- C 16-19: + Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em... bắt nộp:Sự thử thách của các tín hữu xảy ra từ gia đình, nơi được coi là an toàn nhất. + Họ sẽ giết một số người trong anh em: Một số tín hữu sẽ bị giết, một số khác sẽ bị bắt bớ (x. Lc 11,49). + Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét: Kiểu nói bị mọi người thù ghét không có ý nói theo nghĩa tuyệt đối là hết mọi người, nhưng chỉ muôn nói là: Những kẻ chối bỏ Thiên Chúa sẽ thù ghét các môn đệ Đức Giê-su. + Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu: Đây là lời động viên các tín hữu hãy can đảm và tín thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. + Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình: Trong bất cứ cơn thử thách nào, nếu biết kiên trì, trung thành với đức tin thì chắc chắn các tín hữu sẽ được vào Nước Thiên Chúa (x. Cv 14,22).
4. CÂU HỎI: 1) Như các ngôn sứ xưa, Đức Giê-su đã tiên báo thế nào về số phận của Đền thờ Giê-ru-sa-lem ? Tai họa của Đền thờ tượng trưng cho điều gì sau này ? 2) Theo Đức Giê-su thì chiến tranh lọan lạc và các điềm lạ cả thể trên trời có phải là dấu hiệu của ngày tận thế đã đến hay chưa ? 3) Đức Giê-su tiên báo về số phận của các tín hữu sẽ như thế nào ? 4) Người dạy họ phải có thái độ ra sao khi bị bách hại?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19).
2. CÂU CHUYỆN: MỌI SỰ XẢY RA ĐỀU HỮU ÍCH CHO PHẦN RỖI CỦA TÔI:
Một người kia có đức tin mạnh vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào dù may hay rủi, anh ta cũng đều cầu nguyện: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa về điều Chúa mới để xảy ra cho con, vì con tin rằng điều đó hữu ích cho phần rỗi đời đời của con”. Một hôm, anh ta mua vé tàu sang nước Anh. Sáng hôm ấy vì thức dậy trễ, nên anh vội leo lên tắc-xi yêu cầu tài xế lái thật nhanh đến bến tàu cho kịp giờ tàu chạy. Nhưng khi xe chở anh tới bến cảng thì cũng là lúc con tàu bắt đầu nhổ neo khởi hành. Anh vội chạy ra bến và hét gọi thật to, vẫy tay ra hiệu cho con tàu dừng lại. Nhưng dường như thuyền trưởng không nhìn thấy anh ta và con tàu vẫn từ từ rời khỏi bến cảng ra khơi. Trong lúc chạy theo con tàu, chẳng may anh vấp chân vào một mấu sắt trồi lên ở cầu tàu và bị té ngã. Chiếc va-li nặng đang cầm trên tay đè lên làm gẫy một chân của anh. Mọi người đổ xô đến giúp đỡ và chở anh đến bệnh viện gần nhất cấp cứu. Sau khi hồi tỉnh và được các phóng viên hỏi cảm tưởng khi bị trễ tàu và bị gẫy chân, thì anh đã trả lời rằng: “Tôi cảm tạ Chúa vì Người đã ban cho tôi bị trễ chuyến tàu này”. Họ lại hỏi: “Bị trễ tàu và gãy chân như thế mà là ơn lành của Thiên Chúa sao?” Anh ta trả lời: “Tôi không biết lý do tại sao, nhưng tôi tin rằng Chúa quan phòng biết rõ điều đó có ích cho tôi. Đối với tôi như thế đã là đủ lắm rồi”.
Quả thật, chỉ mấy ngày sau, báo chí đã đồng loạt đăng lên trang nhất tin một con tàu rời bến cảng vào đúng buổi sáng ngày anh bị trễ tàu, và sau đó đã đụng phải đá ngầm ở ngòai khơi và bị chìm khiến tất cả hành khách trên con tàu ấy đều bị chết chìm ! Bấy giờ anh chàng bị què chân kia lại càng thêm xác tín rằng: chính Chúa quan phòng đã thương gìn giữ anh tránh được một cái chết thê thảm, bằng cách để anh bị trễ tàu và còn để anh bị té gẫy chân nữa. Qua câu chuyện trên, chúng ta cũng có thể rút ra bài học này là: Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành cho những ai biết cậy trông phó thác trong tình thương quan phòng của Ngài.         
3. SUY NIỆM:
Tin mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại lời Đức Giê-su tiên báo về sự hủy diệt Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về giờ chết của mỗi người chúng ta và về ngày tận thế chung của toàn thể nhân loại. Đồng thời chúng ta biết nên làm gì để chuẩn bị cho ngày ấy.
1) TIÊN BÁO VỀ ĐỀN THỜ BỊ PHÁ HỦY VÀ NHỮNG ĐIỀM BÁO TRƯỚC:
Tin mừng Lu-ca ghi lại lời Đức Giê-su tiên báo về sự hủy diệt của Đền thờ Giê-ru-sa-lem như sau: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6).
Nghe Đức Giê-su tiên báo về sự sụp đổ của Đền Thờ như vậy, mọi người đều kinh hãi và muốn biết rõ hơn về thời gian và dấu chỉ báo trước cho biến cố ấy. Đức Giê-su đã cho biết một số điềm báo về ngày này, ám chỉ ngày tận thế của nhân loại, khi Người sẽ tái lâm trong vinh quang để phán xét chung như sau:
-Sẽ có nhiều người sẽ mạo danh Người đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần”.
-Sẽ có chiến tranh loạn lạc: Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.
-Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém.
-Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.
-Nhưng trước khi các sự ấy xảy ra, các tín hữu sẽ trải qua thời kỳ bị bắt bớ ngược đãi, bị nộp cho các hội đường và nhà tù, bị điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Đức Giê-su.
2) PHẢI ỨNG PHÓ THẾ NÀO ?:
- Hãy kiên trì và đừng nản chí:
Đức Giê-su đã khích lệ các môn đệ như sau: ”Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19). Kiên trì là dù gặp phải những gian truân thử thách, họ cũng không được chùn bước, không nản chí bỏ cuộc, nhưng phải luôn kiên trì giữ vững đức tin và quyết tâm đi theo con đường của Đức Giê-su là: “Qua đau khổ vào trong vinh quang” (x. Lc 18,32). Cụ thể là “Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).
- Làm chứng cho Chúa bằng lòng tín thác cậy trông:
Đối với Đức Giê-su, bách hại và thử thách không đáng sợ, nhưng là cơ hội để các môn đệ "làm chứng" choChúa, dù phải chịu thử thách đau khổ kể cả sự chết, như thánh Phao-lô đã quả quyết như sau: “Tôi tin chắc rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Đây cũng là thời gian thuận tiện để các tín hữu chúng ta làm chứng đức tin về sự hiện hữu của một thế giới mới đây ánh sáng và tình thương, trong đó mọi người đều tin thờ một Thiên Chúa là Cha và đối xử với nhau như anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa.Thế giới ấy bắt đầu từ Hội Thánh hôm nay và sẽ biến thành “Trời Mới Đất Mới” là thiên đàng mai sau (x. Kh 21,1-4).
3) CHUẨN BỊ THẾ NÀO CHO GIỜ CHẾT VÀ NGÀY TẬN THẾ:
- Đừng sợ hãi lo lắng trước cái chết: Đức Giê-su dạy các môn đệ "Đừng sợ !" không có nghĩa không được sợ, nhưng phải biết làm chủ cảm giác sợ ấy và chiến thắng nó như Đức Giê-su trong vườn Cây Dầu: tuy lo sợ đổ mồ hôi máu khi đối diện với cái chết đang tới gần (x. Lc 22,44), nhưng Người đã can đảm thưa với Chúa Cha: “Đừng theo ý con mà xin vâng ý Cha” (Mt 26,38-39).
- Chu toàn việc bổn phận: Thời thánh Phao-lô có nhiều tín hữu ở Thê-sa-lô-ni-ca tưởng lầm ngày tận thế đã đến gần, nên bỏ bê công việc làm ăn rồi chỉ biết ăn bám vào người khác. Ngài đã cảnh cáo họ như sau: ”Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân“ (2 Ts 3,10-13). Cũng vậy, trong khi chờ đợi giờ Chúa đến, mỗi người chúng ta cần phải chu toàn các việc bổn phận của mình. Phải luôn kiên trì giữ vững đức tin dù gặp phải bất cứ khó khăn ngược đãi nào để được hưởng ơn cứu độ như lời Chúa: ”Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19).
- Dọn mình chết lành: Hiện naycó nhiều người sống như không bao giơ phải chết. Họ không biết mình sống để làm gì và không biết chết rồi sẽ ra sao ? Do đó, họ chỉ lo hưởng thụ các đam mê lạc thú bất chính và không làm gì để chuẩn bị cho đời sau. Còn các tín hữu hôm nay cần ý thức về ngày giờ chết của mình để chuẩn bị chết lành, bằng việc thực hiện những việc như sau: Thanh toán nợ nần sòng phẳng, hồi tâm sám hối mỗi tối và năng lãnh bí tích Hòa giải, dọn mình dự lễ rước lễ mỗi ngày. Thực hành các việc bác ái cụ thể như kinh “Thương Người có mười bốn mối” và “Kinh Hòa Bình” (của thánh Phan-xi-cô) đề ra. Ngoài ra còn phải chu toàn công việc bổn phận như: học tập, nội trợ, lao động trí óc chân tay… Làm được như vậy thì khi giờ chết đến gần, chúng ta sẽ  không cảm thấy bồn chồn lo lắng, nhưng sẽ vui mừng chờ đón Chúa đến trong niềm tin tưởng cậy trông sẽ được Người thương đón nhận vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau.
4. THẢO LUẬN: 1) Câu chuyện bị trễ tàu và thoát chết cho thấy đức tin của nhân vật chính thế nào ? 2) Đã bao giờ bạn gặp hoàn cảnh “rủi biến thành may” như anh chàng này chưa ? 3) Bạn quyết tâm làm gì để chuẩn bị giờ chết bất ngờ có thể đến với bạn ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chính tiền tài, danh vọng, quyền lực và những đam mê lạc thú bất chính làm cho tâm hồn chúng con luôn cảm thấy bất an. Xin cho chúng con biết sáng suốt xác định cùng đích đời mình là Nước Trời đời sau. Xin cho chúng con biết luôn chu toàn các việc bổn phận và sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào trong giờ chết để xứng đáng nhận được ơn cứu độ của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM
================
Suy niệm 3
BỀN ĐỖ TÍN THÁC VÀO ĐẤNG HẰNG TÍN TRUNG
 
Cuộc đời lắm gian truân, trớ trêu, hết tai ương này đến tai hoạ khác! Và cũng không thiếu niềm vui, hạnh phúc đọng lại và tồn tại vững bền trong lòng chúng ta, đặc biệt là những ai biết đặt niềm tin tưởng, tín thác của mình vào Đấng hằng trung tín và hết mực yêu thương chúng ta. Năm Phụng Vụ chu kỳ C gần kết thúc, Mẹ Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta lắng nghe, suy tư, tin tưởng vào Thiên Chúa – Đấng làm chủ thời gian và thông biết mọi sự.
Đã bao lần, chúng ta nghe tin đồn về ngày tận thế, và lắm lúc nhiều người Công giáo cũng lung lay, cả tin vào những ‘tin tức’ ấy. Họ chạy đôn chạy đáo chuẩn bị hết thứ này đến thứ khác! Nhưng chúng ta có biết rằng, Chúa Giê-su đã nhiều lần khuyến cáo các Tông đồ, và kể cả chúng ta nữa, rằng: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng: ‘chính ta đây và thời giờ đã gần đến’. Các con chớ đi theo chúng” (Lc 21, 8). Ngày cánh chung hay ngày tận thế chắc chắn sẽ đến, nhưng như Chúa Giê-su khẳng định “khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu” (Lc 21, 9).
Đối diện trước nhiều hiện tượng kinh hoàng như chiến tranh, xung đột, bắt bớ, đàn áp nhân quyền và tôn giáo, thiên tai khắp nơi, tai hoạ do con người gây ra (nhân tai), động đất rung chuyển, sóng thần, ôn dịch đói khát, đại dịch, những sự kiện kinh khủng ngày ngày đe doạ nhân loại, thử hỏi là con người, sao chúng ta lại không sợ hãi được chứ? Sao chúng ta không bất an được? Đúng là như thế, nhưng chúng ta–những Ki-tô hữu, những người biết đặt niềm tin tưởng hoàn toàn của mình vào Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương dựng nên vũ trụ này, Đấng hằng săn sóc, quan tâm hết mực đến con người cách đặt biệt, Đấng trung tín với lời Ngài phán hứa “...đừng sợ hãi, Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28, 20), và là Đấng đã chiến thắng sự chết, chiến thắng thế gian, chiến thắng tội lỗi, sống lại từ cõi chết và lên trời trong vinh quang, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha (x.Ga 16, 33).
Lời sấm ngôn của tiên tri Ma-la-ki đã được ứng nghiệm một cách hùng hồn qua chính Con Một Thiên Chúa, Đấng đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14), được ghi lại trong bài đọc I: “Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người” (Ml 3, 20). Mặt Trời công chính ấy chính là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Ngài sẽ sưởi ấm lòng băng giá, nỗi sợ hãi, tâm hồn nao núng, bất an, xao xuyến của chúng ta. Ngài sẽ mang nguồn ánh sáng vô biên, soi chiếu vào con tim đầy ắp bóng tối, chìm đắm trong tội lỗi và Ngài sẽ thực hiện những gì Ngài căn dặn chúng ta “các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con” (Lc 21, 17-19). Phàm những ai kính sợ thánh danh Thiên Chúa, bền đỗ, tín thác trọn vẹn vào Ngài, người ấy sẽ được cứu độ. Trong tâm tình ấy, người Ki-tô hữu chúng ta nên làm gì, nên sống ra sao?
Lời giải đáp rất hiển nhiên trong thư thứ hai của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xê-lô-ni-ca: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn. Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Đối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giê-su Ki-tô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra” (2Tx 3, 10-12). Lời khuyến cáo đanh thét và dứt khoát của thánh Phao-lô gửi cho cộng đoàn Thê-xê-lô-ni-ca cũng như mỗi người dạy chúng ta: trước hết, hãy làm việc để nuôi sống mỗi cá nhân về mặt thể lý, mưu cầu lợi ích chung của cộng đoàn; thứ đến hãy năng nỗ sinh hoạt, đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn trong tình liên đới, hiệp nhất. Và trên hết, hãy lao động vất vả cho của ăn tinh thần, tâm linh, đạo đức; làm việc hết mình vì những lương thực thiêng liêng, chẳng hề hư mất và mang lại niềm an ủi, lòng cậy trông, bình an cho tâm hồn như Chúa Giê-su dạy “...hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn mang lại phúc trường sinh” (Ga 6, 27).
Đối diện với Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng nhau nhìn lại mình trong giây lát và cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa hằng hữu, xin hãy xua tan lòng u mê, bóng tối tội lỗi, tâm hồn bất an, ánh nhìn ảm đạm của mỗi người chúng con, hầu chúng con biết bền đỗ sống trọn vẹn niềm tin tưởng, tín thác vào Chúa – Đấng làm chủ thời gian và mọi loài. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 4
Luôn sống và hành động

(Lc 21, 5 – 19)
Chu kỳ Năm Phụng vụ một năm với ngày tháng dần trôi đang từ từ khép lại. Chúng ta đang ở Chúa nhật áp chót của năm. Nếu khởi đầu Năm, Giáo hội đã kêu gọi con cái mình chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Kitô đến lần thứ nhất mang ơn cứu độ là chính Người đến cho nhân loại, thì Chúa nhật thứ XXXIII thường niên C này, Giáo hội lấy lại lời Chúa Giêsu báo trước về ngày Chúa sẽ đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết, giúp chúng ta nghĩ về những thực tại mai hậu của con người là: sự chết, sự phán xét, thiên đàng và luyện ngục. Nhưng trước khi những việc ấy xảy ra thì sẽ có các tiên tri giả, nên lời Chúa mời gọi chúng ta cảnh giác và sống trong tỉnh thức cũng như hy vọng, nhất là bền đỗ đến cùng trong niềm tin cậy vào Chúa (x. Lc 21, 5 – 19). Chúa Giêsu Kitô vẫn mãi mãi là tâm điểm, vì Người là Con Thiên Chúa nhập thể làm người, chịu chết rồi sống lại, lên trời và sẽ đến trong vinh quang như lời Người đã phán.
Ngày Chúa đến
Muốn được bình an trong ngày Chúa đến, người kitô hữu phả sống niềm tin và hy vọng vào Chúa, nhất là trung thành với Đức tin đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Còn khi nào Chúa đến là một câu hỏi không dễ có câu trả lời. Chắc chắn sẽ có ngày cả thế giới và vũ trụ này biến đổi, nhưng bao giờ, thế nào và có những dấu chỉ nào báo trước là những câu hỏi mà ai cũng muốn biết?
Người ta thường quan niệm rằng, ngày tận thế là ngày tất cả thế giới và vũ trụ này đều biến đổi. Ðó cũng là ngày Chúa Giêsu Kitô trở lại để làm cuộc chung thẩm.
Khoảng 450 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh ; quãng chừng 40 năm sau khi con cái Israel lưu đày ở Babylon trở về. Malaki nói về ngày Chúa đến tiêu diệt, trừng phạt kẻ dữ như lửa đốt cháy rơm rạ và cành khô. Malaki không trực tiếp nói về ngày chung thẩm như chúng ta thường hiểu là ngày tận thế. Nhưng là ngày Chúa viếng thăm cứu độ dân Người qua sự sinh hạ của Con Một Chúa... Chính việc Người đến, cùng với giáo huấn và công việc của Người đã xét xử người dữ cũng như kẻ, phân biệt kẻ tin người không tin rồi. Lời của Malaki và các tiên tri khác nói về "Ngày của Thiên Chúa" cuối cùng vẫn áp dụng được cho ngày Chúa Giêsu Kitô lại đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Những dấu chỉ
Nếu như Malaki tiên báo về ngày Chúa đến viếng thăm với những dấu chỉ như "lò lửa bừng cháy: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi nào” (x. Mal 4,1),  thì Luca cũng loan báo những dấu chỉ tương tự về cảnh trời long đất lở, lửa cháy phừng phừng, thưởng người lành, trừng phạt kẻ dữ. Sẽ có các tiên tri giả đến lừa gạt tín hữu; và sẽ có những tin tức về chiến tranh và nổi loạn. Chưa hết, Luca còn thêm: “Sẽ có dân này chống lại dân kia; sẽ có động đất, ôn dịch, đói kém và nhiều điều kinh khủng trong trời đất... "Nhưng chưa phải là cùng tận ngay đâu" (x. Lc 21, 9-10). Có điều chắc chắn là khi ngày tận cùng chưa đến, thì sẽ có bách hại Đạo. "Người ta sẽ tra tay trên các ngươi vì Danh Ta". Chúa Giêsu còn tiên báo cảnh Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy, xuất hiện các tiên tri giả, các dân nước chống lại nhau, nạn ôn dịch xảy đến… Dĩ nhiên người ta hỏi Chúa: Khi nào thì điều ấy xảy ra? Ðâu là những dấu hiệu? Nhưng Chúa Giêsu chuyển sự chú ý của họ đối với những khía cạnh cụ thể bao giờ xảy ra, sẽ như thế nào, sang những vấn đề đích thực là, đừng để mình bị những tiên tri giả đánh lừa, và bị tê liệt vì sợ hãi. Nhưng phải kiên trì đợi chờ và sống đời nhân chứng cho đến giờ Chúa đến "(x. Lc 21, 5-19).
Sống và hành động
Chắc chắn Chúa sẽ đến. Người Kitô hữu sống và mong chờ Chúa đến, nhưng không thụ động ngôi chờ như các tín hữu ở Thessalonica. Họ tưởng rằng sắp đến ngày Chúa Giêsu Kitô trở lại nên chểnh mảng việc bổn phận, kể cả việc làm ăn sinh sống... để lấy lẽ "lo việc phần hồn và việc đạo". Hậu quả là xảy ra tình trạng bất ổn về tư tưởng, dẫn tới sự xáo trộn về đời sống thực tế. Thánh Phaolô khuyên chúng ta đừng có sống như họ, nhưng: "Noi gương ngài, làm lụng vất vả ngày đêm... không ăn bám của ai… để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em" (x. 2 Ts 3, 7-12).
Ở chỗ khác người nói: để Tin Mừng người rao giảng được sáng giá. Quả thật, hăng hái lao động sản xuất cũng là chuẩn bị Ngày Chúa trở lại, cũng là ngày biến đổi cả thế giới và vũ trụ này. Vậy, chúng ta hãy chuẩn bị ngày Chúa Kitô trở lại đem thế giới và vũ trụ này vào trong hạnh phúc vinh quang muôn đời.
Lời Chúa nói : “Các con cứ bền đỗ đến cùng, các con sẽ giữ được linh hồn các con” (Lc 21,19). Lời trên như tiếng mời gọi chúng ta sống hy vọng và kiên nhẫn. Chúa là chủ tể lịch sử, ngài hướng dẫn mọi sự đến chỗ viên mãn. Dầu có những xáo trộn và tai ương làm chao đảo thế giới, nhưng kế hoạch từ nhân và thương xót của Thiên Chúa sẽ viên mãn. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con tin cậy vào Chúa.
Lm.  Antôn Nguyễn Văn Độ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log