Thứ bảy, 23/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 29 Thường niên C

Cập nhật lúc 15:57 13/10/2022
Suy niệm 1
Lc 18, 1 – 8

Trên đường truyền giáo, các môn đệ của Chúa còn vướng mắc nhiều tiêu cực, khiến các ông kinh sư chỉ trích và quần chúng đánh giá thấp. Có những tiêu cực nhỏ mọn như quên không rửa tay trước khi dùng bữa. Có những tiêu cực lớn như không biết cầu nguyện. Họ mang nặng mặc cảm tự ti. Có một lần họ năn nỉ với Chúa rằng: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện như Gioan dạy môn đệ của ông ấy. Một lần khác người ta đưa đến cho các ông một người bị quỷ ám để xin các ông giải cứu. Các ông lên tiếng đuổi quỷ, quỷ phớt lờ. Thế là các ông chịu thua và chịu nhục. Khi về nhà, họ hỏi Chúa: “Thưa Thầy, tại sao chúng con trừ quỷ, mà quỷ không tuân lệnh chúng con?” Chúa trả lời: “Với tên quỷ này, muốn trừ nó thì phải cầu nguyện.” Cầu nguyện là một vấn đề lớn mà họ vẫn không am tường và không thực hiện. Nhờ  những sự cố vừa kể, Chúa đưa ra cho họ ba nguyên tắc:
Nguyên tắc một là khi cầu nguyện, thì không được dài lời, mà phải tin tưởng tuyệt đối vào Chúa là một Người Cha yêu con, luôn luôn lo cho con những điều cần thiết, dù đứa con chưa biết và chưa ngỏ lời xin.
Nguyên tắc hai là phải bền chí tin tưởng, vì có nhiều trường hợp Chúa có trì hoãn trong việc ban ơn. Chậm trễ ban ơn để giáo dục và rèn luyện niềm tin của con cái.
Nguyên tắc ba là “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Đức Giê su đã để lại một tấm gương lớn cho tinh thần cầu nguyện này. Đó là lúc Chúa đang cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Chúa nghĩ đến cuộc thụ nạn sắp xảy ra, khiến mồ hôi vã ra đằm đìa, Chúa thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu được thì xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà chỉ theo ý Cha mà thôi.”
Cầu nguyện là thế, là không lải nhải không lắm lời. Đừng tưởng rằng cứ lải nhải nói mãi thì Chúa phải cho. Cho không phải vì thương, mà vì sợ điếc lỗ tai. Cầu nguyện như thế là làm nhục cho Chúa, coi Chúa như ông quan tòa đã giải cứu bà góa, vì bực quá chịu hết nổi.
Cầu nguyện là thế, nghĩa là cứ tin tưởng và chờ đợi. Nếu Chúa muốn thì Ngài sẽ ban ơn như lòng ta ước muốn. Có thể Ngài không ban ngay, vì ý Ngài cao hơn ý của ta. Nhẫn nại chờ đợi là nuôi dưỡng đức tin và bồi dưỡng đức mến.
Cầu nguyện là thế, nghĩa là luôn luôn xin cho ý Chúa được thực hiện, dù mình chưa hiểu ý Chúa là thế nào. Trong lịch sử cứu độ có một tấm gương tuyệt vời của Đức Giê su khi Ngài cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Ngoài ra lại còn một tấm gương tuyệt vời nữa, đó là Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Đời của Ngài đầy gian khổ, đầy thử thách, thế nhưng Ngài cứ thưa “Xin Vâng”. Tinh thần “Xin Vâng” của Đức Mẹ là một liều thuốc giải khổ chưa từng thấy trong lịch sử của loài người. Mong rằng chúng ta biết noi gương Mẹ mà cứ “Xin Vâng” mãi cho đến khi về thiên đàng với Ngài.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 2
PHẢI CẦU NGUYỆN LUÔN
Lc 18, 1-8
Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí". Phải kiên trì như Môsê cầu xin cho dân Do Thái chiến thắng quân Amaléc; như bà goá kiên nhẫn ngày qua ngày đi đến xin quan toà minh xét cho bà; như thánh Mônica ròng rã gần 20 năm nguyện xin cho Augustino trở lại. Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta:“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.”(Rm, 12, 12).Không phải khi ta cầu nguyện Chúa mới biết. Ngài thấu suốt mọi sự trước khi ta kêu cầu.Kiên trì trong cầu nguyện để giúp ta luôn sống gần gũi bên Chúa.
Qua bài Tin Mừng,Đức Giêsu cho chúng ta biết về một Thiên Chúa là Cha trên trời hằng quan tâm yêu thương lắng nghe lời con cái cầu xin. Một vị quan tòa bất chính và bạo ngược mà còn biết nghe lời kêu xin của một bà góa huống chi là Thiên Chúa. So sánh một người như thế với Thiên Chúa thì thật là quá đáng, nhưng xem ra lại phù hợp với thực tế, vì nhiều khi chúng ta có kinh nghiệm về một Thiên Chúa thinh lặng, Ngài như vô tâm hững hờ trước bao người chịu áp bức, bao tình trạng bất công. Đầy những tiếng than van và kêu gào như thế từ khắp nơi trên thế giới, mà rồi ngày qua ngày chẳng thấy Thiên Chúa ra tay hành động.
Khi táo bạo nêu lên dụ ngôn trên, Đức Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ thất vọng trước mọi tình trạng, cũng đừng nản lòng khi cảm thấy lời nguyện của mình như rơi vào quên lãng, nhưng hãy vững tâm và kiên trì trong cầu nguyện, vì chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người”.Không ai có thể sống đời Kitô hữu tốt mà thiếu cầu nguyện,nhưng cầu nguyện như thế nào để dễ lãnh nhận ân ban, thì ta cần nghe câu chuyện sau:
Có ba người bị kẹt trong một căn phòng tối tăm không biết làm sao để thoát ra. Người thứ nhất là một nhà văn, không có đức tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa bóng tối. Người thứ hai là một tín hữu, quỳ gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi chờ phép lạ chứ không làm gì khác. Người thứ ba cũng là một tín hữu, sau khi đã tha thiết cầu xin Chúa, anh ta tìm cách để phá bức tường, vừa làm cực nhọc vừa thì thầm xin Chúa giúp. Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả ba người đã thoát ra khỏi căn phòng.
Cầu xin điều gì thì phải cố gắng làm như điều mình xin. Chỉ ngồi đó để oán than buồn sầu, hay chỉ chờ đợi cách thụ động, mà không vận dụng những khả năng Chúa ban thì quá lười lĩnh và ỷ lại vào ơn Chúa. Thiếu sự góp phần của mình thì lời cầu xin thành vô hiệu. Thiên hạ ai cũng biết: “Có trời mà cũng có ta”. Không thể sống buông xuôi theo một quan niệm quá tiêu cực: Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. Hơn nữa, đời Kitô hữu được kêu gọi góp phần vớiChúa trong cuộc sống này, để làm mới lại đời sống của mình, gia đình và tha nhân. Chính cầu nguyện khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm để hành động với tất cả khả năng mình.
Hằng ngày đời sống chúng ta gặp biết bao khó khăn quẫn bách về thể chất cũng như tinh thần, làm sao chúng ta có thể đứng vững trong đức tin nếu không kiên trì cầu nguyện. Chúng ta dễ bị cám dỗ bỏ cầu nguyện, hoặc buông xuôi nản lòng vì thấy Chúa như bất động. Thật ra, Chúa luôn hành động nơi mỗi người chúng ta, luôn nhận lời chúng ta, tuy nhiên không phải lúc nào cũng theo cách thức hay hiệu quả mà chúng ta muốn thấy, nhưng theo cách thức và hiệu quả mà Chúa muốn ban.Nhiều khi chúng ta không biết rõ điều mình xin,chỉ nhắm vào cái lợi mà bất cập hại: “Lợi thì có lợi mà răng không còn”. Chỉ có Chúa mới thấy điều gì tốt nhất và ban cho chúng ta theo cách thức của Ngài.
Chúng ta đừng quan niệm về Thiên Chúa một cách quá sơ sài và cạn cợt theo kiểu người đời, hoặc cầu xin theo kiểu “được chăng hay chớ”. nhưng hãy căn cứ trên chính Lời Chúa để cảm nhận tình yêu sâu thẳm của Ngài. Cầu nguyện không phải là đòi Chúa hành động theo ý mình, mà để mình biết hành động theo ý Chúa. Cầu nguyện không phải là đặt ra những trường hợp éo le để bắt Chúa phải ra tay, cũng không phải là đòi thay đổi hoàn cảnh hay người khác, mà trước tiên là thay đổi chính mình, cái nhìn và lối sống của mình. Những trục trặc và bế tắc nhiều khi do chính tình trạng nội tâm của mình hơn là vì những lý do khác.
Điều chủ yếu trong cầu nguyện là để đời mình được bén rễ sâu trong tình yêu Chúa, để trong sự tin tưởng hoàn toàn vào Chúa, ta tiến hành và hoàn thành tốt nhất cuộc sống mình. Cũng nhờ đómà ta đạt tới chính Chúa là suối nguồn hạnh phúc trong cuộc sống vĩnh hằng.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa dạy con phải biết cầu nguyện luôn,
phải kiên trì đừng bao giờ nản chí,
cho dù có những khi chưa được gì,
có thể vì lòng tin con chưa đủ.

Có khi Chúa muốn con được thanh luyện,
thêm thánh thiện để xứng đáng ân ban,
thế nhưng con không hiểu cứ phàn nàn,
tâm hồn con xem ra quá nông cạn.

Cuộc sống con sẽ đi về đâu,
nếu đời con vắng Chúa?

Bao việc con làm có nghĩa gì đâu,
nếu lòng con xa Chúa?

Bao thành đạt có giá trị gì đâu,
nếu tâm con thiếu Chúa?

Bao thứ hiểu biết có ích gì đâu,
nếu trí con ngoài Chúa?

Bao danh giá địa vị đáng gì đâu,
nếu con không gặp Chúa?

Tất cả chỉ là trống rỗng,
nếu Chúa không ở trong con.

Mọi cái chỉ là hư vô,
nếu con không ở trong Chúa.

Trong Chúa mọi sự không trở thành có,
ngoài Chúa mọi thứ có trở thành không.

Với Chúa đời con đầy hy vọng,
không Chúa chẳng có gì để mong.

Xin cho con mỗi ngày kề bên Chúa,
nhìn ngắm Ngàiđể tâm con lắng dịu,
nghe Lời Ngài để con cảm mến nhiều,
và trong Ngài con no thỏa tình yêu. Amen.
Lm. Thái Nguyên
===================
Suy niệm 3
Nương tựa vào Chúa
Cuộc đời có vô vàn sóng gió, nhiều nguy cơ đe dọa cuộc sống con người, như những chứng bệnh ngặt nghèo vô phương cứu chữa, những thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ gây ra hay những tang tóc, đổ vỡ đau thương trong gia đình và nhiều nguy cơ nghiêm trọng khác, khiến con người cảm thấy lo âu, sợ hãi, đau buồn, thất vọng… mà chẳng biết trông cậy vào ai.
Một khi tâm hồn bị giày vò, bị tổn thương bởi những cảm xúc tiêu cực như thế thì sức khỏe thể xác cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Vì không vượt thắng được những đau thương trong cuộc đời, nhiều người phải tìm quên trong rượu bia, ma túy; có người mắc chứng trầm cảm nặng hoặc tự kết liễu đời mình cách đau thương!
Qua trích đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su trấn an chúng ta, giúp chúng ta vượt qua đau thương bằng cách tựa nương vào Thiên Chúa là Cha nhân lành; Ngài luôn yêu thương săn sóc nâng đỡ, giúp chúng ta vượt qua muôn vàn gian nan khốn khó.
Để thuyết phục chúng ta vững lòng nương tựa vào Thiên Chúa, Ngài dùng dụ ngôn sau đây:
Có ông quan tòa khắc nghiệt, không kính sợ Thiên Chúa, chẳng coi ai ra gì. Lại có bà góa cô thân yếu thế, lâm cảnh oan khiên, nhiều lần chạy đến van nài ông bênh đỡ cho khỏi bị người ta ức hiếp. Thế nhưng ông phớt lờ, chẳng đếm xỉa gì đến những lời van xin đó.
Thế rồi, vì bà góa nầy cứ van nài mãi, nên ông đành phải nhượng bộ, đáp ứng nguyện vọng của bà.
Qua dụ ngôn nầy, Chúa Giê-su dạy ta biết rằng: Cho dù ông quan tòa vô tâm và khắc nghiệt đến đâu đi nữa, vẫn đáp ứng nguyện vọng của bà góa cô thế cô thân. Lẽ nào Thiên Chúa là Cha nhân từ, đành ngoảnh mặt quay lưng trước lời nguyện cầu chúng ta dâng lên Ngài hay sao! Chắc chắn Chúa sẽ nhận lời, miễn là chúng ta kiên nhẫn cầu xin.
Và Ngài cũng dạy rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).
Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, có khi chúng ta cầu xin điều nào đó liên tục mà Chúa chẳng ban. Từ đó, nhiều người đâm ra giận hờn, oán trách, không còn yêu mến phụng thờ Chúa nữa.
Nên nhớ rằng, đôi lúc vì hạnh phúc của chúng ta, Thiên Chúa không ban điều ta xin nhưng lại ban tặng điều khác quý báu hơn nhiều, như người mẹ tốt lành từ chối không cho con bánh ngọt có hại, nhưng lại cho thức ăn lành mạnh và sách vở học hành.
Không cho cá nhưng lại cho chiếc cần câu
Có những người cha khôn ngoan, không muốn con mình trở thành kẻ ăn xin lười biếng, “nằm há miệng chờ sung” mà muốn tạo cơ hội cho con cái trưởng thành, nên khi đứa con xin cá, ông không cho cá mà lại cho chiếc cần câu. Thế là nhờ sở hữu chiếc cần câu, đứa con có được hàng trăm con cá mà chẳng phải ngửa tay xin ăn từng bữa, từng ngày.
Ý tưởng nầy đã được một tác giả diễn tả cách chí lý như sau:
“Tôi xin sức mạnh...
Và Ngài đã cho tôi gặp khó khăn để trui rèn tôi nên mạnh mẽ.
Tôi xin khôn ngoan...
Và Ngài đã cho tôi gặp những vấn đề (như những bài toán khó) để giải quyết, nhờ đó tôi trở thành người khôn ngoan.
Tôi xin tiền của...
Và Ngài đã cho tôi khối óc và bắp thịt để làm việc, nhờ đó tôi trở nên giàu có.
Thế là tuy không trực tiếp nhận được những gì tôi xin...
Nhưng tôi có được những thứ tôi cần.” (Khuyết danh)
Lạy Chúa Giê-su,
Chỉ có Chúa là nơi nương tựa vững chắc nhất trong cuộc đời. Xin cho chúng con biết hướng tâm hồn về Chúa, hết lòng yêu mến, cậy trông, phó thác vào Chúa. Nhờ đó, chúng con sẽ vượt qua mọi gian nan sóng gió trong cuộc đời và luôn được bình an, hạnh phúc vì có Chúa ở kề bên. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================
Suy niệm 4
CẦU NGUYỆN THẾ NÀO?

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Chúa Giê-su biết rõ sự yếu đuối của con người chúng ta, nhất là trong đời sống cầu nguyện. Vì thế, Ngài dạy các Tông đồ và chúng ta: Cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng. Cầu nguyện không ngừng và liên lỉ như bà goá cứ đến nài xin ông thẩm phán, dù ông được mệnh danh là người “không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta” (x. Lc 18, 2), nhưng bà đã kiên nhẫn cầu xin cho tới khi ông ấy giải oan cho bà.
Đọc kỹ dụ ngôn hôm nay, chúng ta biết rõ vì sao ông ấy lại thực hiện theo lời cầu xin của bà goá này. Chẳng phải vì bênh vực công lý hoặc đỡ nâng những ai ‘thấp cổ bé họng’ bị oan khiên, mà do ông ta “sợ bà ấy đến nài nỉ mãi làm ông ta nhức óc” (x. Lc 18, 5). Còn Thiên Chúa chúng ta thì sao? Ngài không mỏi mệt khi ta chạy đến kêu cầu. Ngài chẳng e ngại bị ta quấy rầy. Ngài không làm ngơ trước lời nguyện xin liên lỉ của chúng ta như lời Chúa Giê-su khẳng định: “Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Ngài tuyển chọn, hằng kêu cứu với Ngài đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao?” (Lc 18, 7). Điều này chứng thật rằng: Thiên Chúa hằng lắng nghe lời chúng ta nguyện cầu. Tuy nhiên, chúng ta cần cầu nguyện với tâm thế, thái độ ra sao?
Trước hết, cầu nguyện trong niềm tín thác. Cầu nguyện với lòng hân hoan, nâng đỡ nhau như hình ảnh tư tế A-a-ron và ông Hur nâng hai cánh tay của Mô-sê khi dân Is-ra-en chinh chiến với người A-ma-léc, vì chưng “khi ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Is-ra-en thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người A-ma-léc thắng thế” (Xh 17, 11). Đành rằng Thiên Chúa đánh người A-ma-léc cho Is-ra-en, nhưng Ngài muốn sự chuyên tâm, cộng tác của dân Is-ra-en qua ông Mô-sê, cũng như sự trợ lực đầy sáng kiến của hai ông A-a-ron và Hur. Với niềm tín thác vào Thiên Chúa mà dân Is-ra-en cuối cùng đã chiến thắng người A-ma-léc vẻ vang.
Kế đến, cầu nguyện với tâm tình đơn thành như con thơ, nhưng thấm đượm lòng tin tưởng, phó thác, cậy trông: “Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII kể lại một kinh nghiệm mà ngài không bao giờ quên. Thuở thiếu thời, ngài được đi tham dự một cuộc hành hương cùng với thân phụ. Giữa biển người đông đúc, chen chút nhau, ngài lại đứng dưới đất, vì còn bé nên chẳng nhìn được gì. Thấy vậy, thân phụ của Đức Thánh Cha bèn đặt ngài trên đôi vai rắn chắc của mình. Từ giây phút ấy trở đi, ngài được chứng kiến toàn bộ quang cảnh hành hương và hơn hết ngài cảm thấy rất tuyệt vời. Tương tự, khi chúng ta đến với Chúa mỗi khi cầu nguyện, Chúa ôm chúng ta vào lòng. Chúa đặt chúng ta trên đôi vai của Ngài. Và như vậy, chúng ta chẳng còn lý do gì để lo sợ, hãi hùng nữa cả, cho bằng đặt niềm tín thác, tin tưởng, cậy trông nơi Chúa mà thôi. Pascal từng nói: “Con người nhỏ bé và yếu ớt như cây sậy, nhưng sẽ trở nên vĩ đại khi chúng ta biết cầu nguyện”. Quả thật không sai chút nào!
Hơn nữa, với tâm tình đơn sơ tín thác vào Chúa, hân hoan trợ giúp nhau trong lời cầu nguyện, chúng ta cũng biết rằng: cầu nguyện giúp chúng ta “bền vững trong mọi điều con đã học hỏi và xác tín”, đặc biệt qua Sách Thánh, qua Lời Chúa (x. 2Tm 3, 14-15), vì “tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành” (2Tm 3, 16-17). Còn nữa, cầu nguyện hướng chúng ta biết đón nhận thánh ý Chúa trong đời, hơn là bắt Chúa thực hiện ‘chương trình nghị sự’ hoặc những gì chúng ta mong muốn. Cầu nguyện dạy chúng ta biết xoay quanh Chúa là trung tâm cuộc đời mình, hơn là muốn Chúa xoay quanh chúng ta hầu đáp ứng mọi nhu cầu, ước nguyện của ta!
Sau cùng, ơn ích của đời sống cầu nguyện khiến chúng ta sống những gì mà chúng ta nguyện gẫm-khẩn cầu, và thực hành theo thánh ý Chúa, sống ơn gọi-sứ vụ theo bậc sống của mình, đó là trở nên chứng nhân trong đời sống đạo, cụ thể: “Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lơi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên nhủ với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn” (x. 2Tm 4, 2). Đời sống cầu nguyện tự nó là một món quà, là một ân sủng; qua đó, Chúa Thánh Linh thúc bách chúng ta hân hoan sống ơn gọi làm chứng cho tình yêu Chúa một cách cụ thể và thiết thực; cũng như vui vẻ thực hiện sứ mạng chia san ơn ích cho tha nhân mà những ơn lành ấy chúng ta đã-đang-sẽ được lãnh nhận hằng ngày trong mọi trạng huống cuộc đời.
Lạy Chúa, mỗi khi nguyện cầu
Xin Chúa biến đổi chúng con
Hầu biết đón nhận thánh ý
Hân hoan thực thi trong đời.

Lạy Chúa, mỗi khi nguyện cầu
Xin Chúa thực hiện thánh ý
Trong mọi giây phút cuộc đời
Luôn thưa với Chúa: “Xin vâng”. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===================
Suy niệm 5
Đỉnh Cao Cầu Nguyện

Ngày xưa định nghĩa: cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa. Thời nay thời xa lộ thông tin, người ta định nghĩa: cầu nguyện là nối mạng với Chúa. Nâng tâm hồn lên hay kết nối với Chúa, cầu nguyện luôn là một cuộc đối thoại là quan hệ trực tiếp mỗi người với Chúa. Trong cuộc đối thoại ấy, con người lắng nghe Chúa nói và nói với Chúa.
Cầu nguyện giúp người tín hữu tin, cử hành đức tin và sống mầu nhiệm đức tin trong tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa hằng sống và chân thật. (GLCG 2558). Mọi thời gian đều thuận tiện để cầu nguyện. Dù vậy, Hội Thánh đề nghị các tín hữu nên dành thời gian cho việc cầu nguyện liên tục: Kinh sáng và kinh tối; kinh nguyện trước và sau khi dùng cơm, Phụng vụ các giờ kinh, cử hành Thánh lễ ngày Chúa nhật, chuỗi Mân côi, các lễ trong năm Phụng vụ.
Cầu nguyện giúp con người ý thức về chiều kích thiêng liêng. Cầu nguyện cần có hai yếu tố: thực tâm và bền bỉ. Lời Chúa hôm nay cho thấy hiệu năng của cầu nguyện, lòng kiên trì và sự khiêm tốn trong lời cầu nguyện.

1. Chúa Giêsu dạy cầu nguyện
Sách Tin Mừng Luca chứa nhiều giáo huấn về cầu nguyện hơn các sách Tin Mừng khác.Toàn thể thời thơ ấu của Chúa Giêsu trải ra trong cầu nguyện như tuổi thơ bồng bềnh trong tiếng mẹ ru: truyền tin, thăm viếng, giáng sinh, dâng trong Đền thờ, ở lại trong Đền thờ…Sau khi chịu phép Rửa, Chúa cầu nguyện, khi đi rao giảng thì sáng sớm Chúa ra nơi thanh vắng cầu nguyện; người ta tuôn đến để nghe giảng và xin chữa bệnh, Chúa cũng bắt chờ Chúa đi cầu nguyện (Lc 5,16); trước khi chọn nhóm Mười Hai, Chúa cầu nguyện thâu đêm; trước khi cho nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin, Chúa  cũng cầu nguyện; vinh quang của Chúa toả ra đang khi Chúa cầu nguyện; khi nhóm Bảy Mươi Hai đi rao giảng trở về hớn hở vui mừng, Chúa cũng lên tiếng chúc tụng Cha. Chúa luôn cầu nguyện một mình, dù các môn đệ vẫn ở bên cạnh.
Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện như Người hằng cầu nguyện (Lc 6,12); cầu nguyện cho các địch thù (Lc 6,28); vững tâm cầu nguyện đón chờ ngày Chúa đến (Lc 21,36); cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22,40.46)... Khi các môn đệ xin Chúa dạy cách cầu nguyện, Người dạy họ cầu nguyện với kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4). Chúa Giêsu mang theo cả nhân loại trong lời cầu nguyện của mình. Người nói chuyện với Chúa Cha, bàn bạc với Chúa Cha về những việc Người làm cho công cuộc cứu độ nhân loại.
Ba dụ ngôn chính về việc cầu nguyện đã được thánh Luca ghi lại:
Người bạn quấy rầy (Lc 11,5-13). Ý nghĩa dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa không thể không ban ơn cho những ai thành tâm và tha thiết kêu cầu Ngài“Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?" 
Bà góa phụ quấy rầy (Lc 18, 1-8). Dụ ngôn này dạy ta phải biết cầu nguyện luôn, kiên trì trong đức tin không mệt mỏi, và đừng bao giờ nản chí trước mọi tình thế.       
- Người biệt phái và người thu thuế  (Lc, 18, 9-14). Dụ ngôn này dạy ta phải khiêm nhường thật lòng khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. 
2. Cầu nguyện kiên trì
Chúa Giêsu dạy về sự cần thiết và hiệu năng của lời cầu xin. Phải cầu nguyện kiên trì, đừng bao giờ nhàm chán, đừng ngã lòng. Chúa dùng Dụ ngôn minh hoạ, ông quan toà bất lương gặp bà goá kêu nài.
Bà góa cô thân cô thế nhưng lại kiên trì cương quyết, bà tin chắc cứ kêu nài, cứ van xin, thế nào quan tòa cũng chịu xét xử. Quan tòa là người chẳng sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng cũng chịu thua bà góa. Ông minh xử cho bà goá không phải vì yêu thương, chẳng phải vì trách nhiệm mà là vì sợ bị quấy rầy. Một quan tòa vô đạo, bất công mà còn xét xử cho người van xin thì huống là Thiên Chúa, Đấng công minh chính trực, thưởng phạt công bằng, Đấng giàu lòng xót thương, luôn bênh đỡ những kẻ bé mọn kêu cầu Ngài!
Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giêsu không có ý nói phải cầu xin thật dai dẳng thì mới được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng Người muốn chúng ta tin tưởng vào hiệu lực của lời cầu xin, bởi vì “Có người cha nào, khi con mình xin cái bánh mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,9-11).
3. 
Cầu nguyện hơi thở của linh hồn 
Sống lời Chúa Giêsu dạy, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu cầu nguyện liên tục, không ngừng ngày đêm. Ngài nói lên sự cần thiết của cầu nguyện bằng những lời tâm tình mời gọi: “Hãy chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12); “Anh em hãy bền đỗ cầu nguyện, tỉnh thức cầu nguyện và tạ ơn” (Col 14,2), “Đừng ngớt cầu nguyện” (1Thes 5,7; Rm 8,26-27); “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4, 6). Như một người bạn thân tình, cầu nguyện là nói với Chúa bằng tâm nguyện, không cầu kỳ, không hoa mỹ. Lòng chân thành là cách tỏ bày tốt nhất có thể dâng lên Chúa.
Cầu nguyện thật cần thiết cho đời sống tâm linh. Thánh Gioan Kim Khẩu so sánh sự cần thiết của lời cầu nguyện với chuyện cá trong nước. Bao lâu cá ở trong nước, nó vẫn sống, hoạt động và tăng trưởng, nhưng nếu cá bị bắt ra ngoài, chắc chắn nó sẽ chết. Cũng vậy, con người muốn sống siêu nhiên cần phải cầu nguyện, nếu không cầu nguyện họ sẽ mất ơn Chúa giúp, rồi dần dà họ sẽ mất sự sống siêu việt không khác nào cá phải chết vì không có nước.
Thánh Bênađô cũng đã so sánh sự hô hấp cần thiết cho con người như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng cần thiết cho con người như vậy. Đối với linh hồn, cầu nguyện cần thiết cũng như hô hấp cần cho cơ thể con người. Nếu con người hô hấp khó khăn thì thân xác sẽ thành tiều tuỵ, và nếu hô hấp đình chỉ thì con người sẽ chết. Cũng thế, khi ta ít cầu nguyện, linh hồn biến thành bạc nhược, và khi ta không cầu nguyện tí nào, linh hồn ta sẽ chết đi trước mặt Chúa. Cầu nguyện cốt yếu ở việc thường xuyên.
Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của người Kitô hữu. Một đức tin không có cầu nguyện thì chỉ là một niềm tin vô ngã, vật chất.
Cầu nguyện là lẽ sống. Lời cầu nguyện có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động.
4, 
Cầu nguyện đỉnh cao
Phần đông người tín hữu chúng ta ít khi biết cầu nguyện trong thinh lặng. Hễ cầu nguyện là chỉ biết đọc kinh. Đọc kinh ở nhà thờ, đọc kinh ở nhà. Có khi đọc kinh nhiều mà cầu nguyện chẳng bao nhiêu. Nhưng phút giây thinh lặng là những phút giây quan trọng để lắng nghe Chúa nói. Đỉnh cao của cầu nguyện là thinh lặng kính thờ Chúa.
Cầu nguyện không phải là vấn đề của kiến thức hay kỹ thuật. Cầu nguyện luôn đi đôi với đức tin và lòng mến.Vì thế phải cầu nguyện trong Thánh Thần (Rm 8,1), đơn sơ (Lc 18,15-17), khiếm tốn (Lc 18,14), trong thầm kín (Mt 6,6).
Khi cầu nguyện tâm trí được nâng lên cùng Thiên Chúa hầu suy tôn, tán tụng, cảm mến, tạ tội, xin ơn. Trình độ cầu nguyện cao nhất là: xin đừng theo ý con mà theo ý Cha.
Trong một thế giới ồn ào náo động như hiện nay, một thế giới bị ô nhiễm về môi sinh và bị ô nhiễm về tinh thần, người Kitô hữu phải là chứng nhân cầu nguyện. Với nền công nghệ tiên tiến hiện đại, người ta “muốn là được”, chỉ cần một cái nhấp chuột là biết vô vàn thông tin cho nên con người ít kiên nhẫn và rất lười cầu nguyện, người Kitô phải nêu gương sáng trong đời sống cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện vì muốn nên giống Chúa Giêsu, Đấng hằng cầu nguyện liên lỉ với Cha và dạy chúng ta cách thức cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, chiêm ngắm Chúa cầu nguyện, lắng nghe Chúa dạy cầu nguyện, chúng con nhận thấy đời sống cầu nguyện thật cần thiết cho đời tâm linh. Xin cho chúng con luôn yêu mến đời sống cầu nguyện; xin cho chúng con xác tín rằng, tự sức riêng, chúng con không làm được gì cả, nhưng với ơn Chúa, chúng con làm được nhiều điều tốt lành trong cuộc sống hàng ngày. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

===================
Suy niệm 6
Cầu Nguyện Trong Tin Yêu

(Lc 18, 1-8)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho chúng ta ông Môisen chứng nhân sống động về sự cầu nguyện và bà góa đi kêu vị thẩm phán xử cho trong dụ ngôn do Chúa Giêsu kể, đồng thời nghe lời khuyên của thánh Phaolô cầu nguyện bằng Kinh Thánh, để lời cầu xin của chúng ta dễ được kết quả hơn.
Gương của ông Môisê
Môisen đã cầu cùng Thiên Chúa cho dân Israel trong trận chiến với người Amalec dòng giống Cain, là kẻ thù cha truyền con nối đối với con cái cháu Abel. Môisen cứ giơ tay lên cầu nguyện, thì dân Israel thắng trận, còn nếu mỏi mệt, ông hạ tay xuống, thì Israel thua trận (x. Xh 17, 12). Thực tế cho thấy sức mạnh và sự kiên trì cầu nguyện là chìa khóa để chiến thắng. Nhưng Israel chiến thắng là do tác động của Thiên Chúa chứ không chỉ bằng vũ lực của các chiến binh. Môisen đã thể hiện niềm tin của mình vào Thiên Chúa công bình, khi giơ cao tay cầu nguyện, và dân chúng thấy sức mạnh của  lời cầu nguyện. Sự kiên trì cầu nguyện của con người và sự đáp trả từ từ của Thiên Chúa không phải là mâu thuẫn. Ông Môisen chứng tỏ cho thấy cầu nguyện với niềm tin vào Thiên Chúa có thể đảo ngược những tình huống tuyệt vọng nhất.
Cầu nguyện trong tin yêu
Thiên Chúa không giống vị thẩm phán vô tâm; Ngài nhân hậu đối với mọi người. Chúng ta cũng không giống như một góa phụ, ít có giá trị trước mặt xã hội. Chúng ta là những người được Thiên Chúa yêu thương. 
Bà góa trong dụ ngôn có đủ  lý do để khiếu kiện và tin chắc vào vụ kiện của mình, vì các thẩm phán hành động không theo công lý, “họ không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta” (Lc 18, 3). Chúa Giêsu không ngại gọi ông là “vị thẩm phán bất lương” (Lc 18, 7), vị này không có ý định xử vụ bà góa kiện, ông chẳng thèm để ý đến vụ kiện của bà. May thay, câu chuyện kết thúc tốt đẹp: từ chối mãi, cuối cùng ông mất kiên nhận vì sự quấy rầy của bà, nên xét xử cho bà, để ông khỏi nhức óc.
Và Chúa Giêsu phán : “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương đó nói” (Lc 18,6). Vị ấy nói: “ Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ ” (Lc 18,4). Nguy cơ chán nản thất vọng, khiến chúng ta ngã lòng là vì Thiên Chúa nhân lành không nhận lời chúng ta ngay, nghĩa là Thiên Chúa có thể trì hoãn đáp lời chúng ta.
Khi kể dụ ngôn bà góa đi thưa kiện cùng vị Thẩm phán bất lương mà được xử kiện. Chúa Giêsu muốn chúng ta kêu cầu cùng Chúa trong tin yêu và đừng có ngã lòng. Điều đáng ngạc nhiên nhất Chúa Giêsu bảo chúng ta “phải luôn luôn cầu nguyện không ngừng”, cần phải kiên trì. Nếu quan hệ giữa người góa phụ và vị thẩm phán có tiếng là bất lương cuối cùng còn như xử như vậy, huống hồ chúng ta là con cái Chúa, chắc chắn sẽ được bội phần, miễn là chúng ta phải kiên tâm cầu nguyện trong tín thác vào Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã kết thúc bài giáo huấn hôm nay bằng một câu hỏi có vẻ não nuột nhưng rất chân thành: "Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa không?" (Lc 18, 8). Tức là những con người ưu tuyển có luôn giữ mãi lòng tín nhiệm với Thiên Chúa không? Thái độ nhàm chán của họ khi cầu nguyện không phải là dấu chỉ lòng trung tín của họ đã suy giảm rồi sao? Thế nên chúng ta phải tập kiên tâm cầu nguyện để nuôi dưỡng lòng tin yêu, hầu luôn nhận được lòng Chúa xót thương.
Cầu nguyện bằng Sách Thánh
Con cái Israel gặp thử thách về niềm tin khi giao chiến với Amalek. Khi ông Môi sen giơ tay lên thì quân Israel chiến thắng. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa vẫn hằng ở với với họ và bênh vực họ. Ấy vậy mà họ còn hỏi nhau: Thiên Chúa có còn ở giữa chúng ta nữa hay không? Niềm tin bị thử thách. Những kẻ thất tín sẽ rơi vào tay địch. Và ở trong tay họ có tin tưởng cầu nguyện mới được cứu thoát.
Timôthê thấy Phaolô thầy mình bị xiềng xích và giải sang Rôma. Thầy mà như vậy, thì trò sẽ thế nào? Timôthê cảm thấy chán nản rã rời. Thầy bị xiềng xích rồi, việc rao giảng Tin Mừng như thầy đã dạy bảo sẽ đi đến đâu? Niềm tin bị thử thách. Phaolô gửi thư ngay cho Timôthê và  khuyên: “Con hãy bền vững trong các điều con đã học... và hãy cứ rao giảng Lời Chúa!” (2 Tin Mừng 3,14).
Cả con cái Israel và Timôthê đều gặp thử thách về niềm tin và lòng trung thành. Chúng ta cũng không tránh khỏi đôi lúc cảm thấy nhàm chán trong việc cầu nguyện. Như Môsê đã đặt cây gậy tin tưởng vào quyền phép mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông giơ tay lên, mệt thị có người đỡ tay cho. Timôthê thì đọc lời Chúa. Để chống lại sự nhàm chán trong cầu nguyện, hãy nghe lời thánh Phaolô khuyên: “Hãy cầm lấy sách Thánh…Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành” (2 Tin Mừng 3,16-17).
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên trì cầu nguyện với Chúa không ngừng, và xin dạy chúng con cầu nguyện, để linh hồn, thể xác, trí khôn chúng con luôn hướng về Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 ===================
Suy niệm 7
CẦU NGUYỆN VỚI MỘT ĐỨC TIN KIÊN TRÌ
Xh 17,8-13 ; 2Tm 3,14-4,2 ; Lc 18,1-8

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 18,1-8
(1) Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. (2) Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. (3) Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi”. (4) Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì. (5) Nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”. (6) Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó ! (7) Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? (8) Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”
2. Ý CHÍNH: Tin mừng Lu-ca kể ra dụ ngôn của Đức Giê-su về bà góa và ông quan tòa nhằm dạy các môn đệ: “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Một người bất lương như ông quan tòa mà còn phải chịu thua lòng kiên trì nài xin của bà góa nghèo. Phương chi Thiên Chúa là Cha nhân lành lại không mau chóng bênh vực những kẻ hằng kêu xin Người đêm ngày hay sao? Tuy nhiên có nhiều kẻ vì thiếu kiên trì khi gặp phải gian nan thử thách nên đã sớm bị mất đức tin. Vì thế Đức Giê-su đã phải thốt lên lời than phiền như sau: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: +Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn…:Câu dẫn nhập này báo trước ý nghĩa của dụ ngôn: Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đến thái độ kiên trì và liên lỉ cầu nguyện để chuẩn bị cho ngày Người tái lâm. +Trong thành kia có một ông quan tòa: Ông này bị coi là bất lương vì ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng nể nang người đời. Những quan tòa như thế có nhiều trong dân Ít-ra-en và nhiều lần đã bị các Ngôn sứ lên án (x. Is 1,23; Gr 5,28; Am 5,7). +Trong thành đó cũng có một bà góa: Bà góa là một mẫu người nghèo thường được đề cập tới trong Thánh kinh. Các bà không có chồng bảo vệ nên dễ bị kẻ xấu chèn ép bóc lột. +“Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi”: Bà góa này xin quan tòa giúp minh oan trước kẻ đang kiện cáo mình.
- C 4-5: +Một thời gian khá lâu, ông không chịu…: Lúc đầu ông quan tòa hành động vì ích kỷ, nhưng cuối cùng ông cũng đành phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa nghèo để đứng ra bênh vực bà, hầu tránh khỏi bị bà quấy rầy mãi.
- C 6-8: +Rồi Chúa nói:Lu-ca nêu tước hiệu “Chúa” 20 lần trong các bài tường thuật. Qua đó ông muốn người đọc lưu ý đến vương quyền mầu nhiệm của Đức Giê-su. +“Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó: Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn…”: Mục đích so sánh Thiên Chúa với quan tòa bất chính là để làm nổi bật sự tương phản giữa lối hành xử bất lương của viên quan tòa với lòng nhân từvô biên của Thiên Chúa. Một con người ngang ngược ích kỷ vô tín mà còn biết bênh đỡ người yếu thế để tránh khỏi bị quấy rầy như vậy, phương chi Thiên Chúa nhân từ lại có thể nhẫn tâm từ chối lời cầu xin của những kẻ đầy lòng cậy tin vào Ngài hay sao? +Dù Người có trì hoãn: Chắc chắn Chúa sẽ can thiệp, nhưng theo cách thức của Người. Mỗi khi cầu xin mà chờ lâu vẫn không được như ý, chúng ta hãy nhớ lại trường hợp Đức Giê-su trong vườn cây Dầu: đã cầu xin Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng và không được Cha chấp thuận, nhưng nhờ vậy mà loài người chúng ta mới được cứu độ nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Trong thực tế, có nhiều điều chúng ta cố nài xin Chúa ban, vì tưởng điều đó tốt cho mình, nhưng thực ra nó lại có hại cho phần rỗi đời đời của ta. Nên vì thương ta mà Chúa đã không ban theo ý ta xin, nhưng lại ban ơn khác giúp ta được ơn cứu độ, như lời Đức Giê-su:”Có ngừoi cha nào đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ?….”. Trật tự thế giới này sẽ ra sao nếu các ước muốn ngông cuồng của mọi người đều được Chúa ban như ý tất cả ?  +Người sẽ mau chóng bênh vực họ: Ở đây cũng như ở nhiều nơi khác (x. Mt 9,1; 13,30). Đức Giê-sucho biết đến “ngày của Con Người”, những kẻ được tuyển chọnsẽ được Chúa ra tay bênh vực(x. Lc 17,22-37). +Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?: Trong cơn thử thách, những kẻ được tuyển chọn cũng vẫn có thể trở thành vô tín nếu không có sự kiên trì (x. Mc 13,20-22). Vì thế Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải tránh lối sống buông thả, nhưng luôn kiên trì cầu nguyện, giống như bà góa trong dụ ngôn đãvững tâm cầu xin trước sự thờ ơ của quan tòa bất lương. Trong thời gian dài từ khi Đức Ki-tôvề trời đến khi Người lại đến vào ngày tận thế, các tín hữu phải “tỉnh thức và cầu nguyện luôn,hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
4. CÂU HỎI: 1)Câu nào trong Tin mừng cho thấy bài học Đức Giê-su muốn dạy môn đệ về sự tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa ? 2)Phải giải thích thế nào nếu Thiên Chúa trì hõan không nhận lời cầu xin xem ra chính đáng của chúng ta ? 3)Câu nào cho thấy vào ngày tận thế nhiều người có thể mất đức tin vì đã không kiên trì cầu nguyện khi gặp gian nan thử thách ? 4)Chúa đã hứa:"Hãy xin sẽ được…", vậy tại sao tôi cầu xin hoài mà vẫn không được Chúa ban ơn như ý của mình?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng đến kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ?” (Lc 18,7).
2. CÂU CHUYỆN:
1) KIÊN TRÌ CẦU XIN SẼ ĐƯỢC CHẤP NHẬN:
Một nhân viên bưu điện phi ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng kín để phát thư. Ông gõ cửa nhưng không thấy ai ra mở cả. Ông biết trong nhà có người, vì đã thấy bóng họ thấp thóang qua khung cửa sổ. Do đó, ông vừa la lớn vừa đập mạnh vào cánh cửa. Sau khi ông đập cửa tới 5 lần thì một lỗ nhỏ trên cánh cửa được mở ra và có tiếng người trong nhà hỏi: “Ông muốn gì ?”. Ông trả lời: “Muốn gì ư ? Tôi đã kêu cửa mấy phút rồi mà không thấy ai ra mở cửa để lấy thư cả !” Bấy giờ người trong nhà mới vặn chốt mở rộng cửa ra và giải thích như sau: “Xin ông thông cảm cho. Mỗi ngày chúng tôi phải chịu đựng lũ trẻ hàng xóm đến phá quấy. Chúng cứ tới đập cửa ầm ầm, rồi khi chúng tôi ra mở thì lại chẳng thấy ai cả. Khi nãy lúc đầu chúng tôi cứ tưởng là lũ trẻ đến phá rối như mọi khi, nên không ra mở cửa. Nhưng về sau thấy cửa cứ bị đập hòai, nên chúng tôi biết là có khách đến thăm thực sự”.
2) LỜI CẦU XIN ỨNG NGHIỆM SAU NHIỀU NĂM:
Tạp chí Hướng Đạo có đăng một câu chuyện thú vị về một cô giáo trẻ. Câu chuyện được tóm tắt như sau: Cô giáo Me-ri được điều về dạy ở một trường nọ. Trong lớp cô phụ trách có một học sinh ngỗ nghịch tên là Bill. Em này thường gây cho cô giáo trẻ sự bực bội và làm cho lớp học thành một nơi bát nháo vô trật tự. Một buổi sáng kia, cô Me-ri đến lớp sớm hơn và ngồi ở bàn của thầy giáo hí hoáy viết tốc ký lên một trang giấy, thì bất ngờ Bill xuất hiện. Cậu bé tiến lại gần bàn cô giáo và nói: “Cô đang viết gì vậy?” Me-ri đáp: “Cô viết lời cầu nguyện với Chúa đó”. Bill chế giễu: “Chúa có thể đọc được chữ tốc ký hay sao?” Me-ri đáp: “Người có thể làm được mọi sự. Ngay cả việc nhậm lời cầu xin này của cô”. Nói xong, cô để mảnh giấy kia vào trong cuốn Kinh thánh, và quay lên viết bài học trên bảng cho cả lớp. Lợi dụng lúc cô giáo loay hoay viết, Bill đã lén lấy cắp mảnh giấy có ghi lời cầu nguyện của cô giáo và bỏ vào trong cuốn tập của cậu. Hai mươi năm sau, Bill đã trở thành giám đốc của một công ty lớn. Một hôm ông ta lục tìm một đồ vật cũ để trên gác xép ngôi nhà xưa của cha mẹ ông. Bill tình cờ cầm lên một cuốn sổ ghi bài học thuở nhỏ và đột nhiên thấy một mảnh giấy vàng ố rơi xuống sàn. Đó là mẩu giấy có ghi chữ tốc ký. Bill không hiểu nội dung những dòng chữ ấy. Ông gấp tờ giấy kia lại, mang đến văn phòng nhờ cô thư ký đọc giúp. Cô ta đã viết lời dịch vào một tờ giấy khác và đưa cho Bill. Ông nhận ra đó là lời cầu nguyện của cô giáo Me-ri năm xưa, nội dung lời cầu ấy như sau: “Lạy Chúa, xin đừng để con bị thất bại trong nghề giáo của con. Con không thể làm cho lớp con đang dạy vào khuôn khổ kỷ luật được, vì có một cậu học trò tên là Bill hay phá bĩnh. Xin Chúa hãy uốn nắn tâm hồn cậu bé này. Vì theo con nhận xét: Cậu bé ấy có thể trở thành một người hoặc rất tốt hoặc rất xấu sau này”. Câu cuối cùng như một nhát búa nện vào đầu Bill, bắt ông phải suy nghĩ. Thật ra chỉ vài giờ trước đó, Bill có dự tính lao vào một vụ làm ăn buôn lậu, hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty. Ông cầm tờ giấy kia lên gấp lại cho vào chiếc ví để trong túi quần. Rồi trong suốt tuầnkế tiếp, mỗi khi có dịp là ông lại lôi tờ giấy kia ra đọc đi đọc lại nhiều lần. Cuối cùng thì lời cầu nguyện của cô giáo được viết trước đó hai mươi năm đã phát huy tác dụng và làm thay đổi ý định buôn lậu của Bill. Mấy tuần sau, khi có dịp ngang qua nhà cô giáo cũ, ông đã tìm đến thăm cô và kể cho cô nghe về lời cầu nguyện của cô cách đây 20 năm đã có sức mạnh làm thay đổi cuộc đời hiện tại của ông ra sao.
3) CHÚA CÓ NHIỀU CÁCH ĐỂ THI ÂN:
Một bà cụ quê mùa nhưng rất có lòng đạo đức. Nhà bà quá nghèo phải ăn đong từng bữa. Một hôm trong hũ gạo nhà bà chẳng còn hạt gạo nào, nhưng bà không biết phải lo liệu cách nào. Bà đứng trước bàn thờ thành tâm cầu xin Chúa ban cho gia đình bà có lương thực hằng ngày. Một chàng thanh niên vô tín nhà kế bên nghe thấy bà cầu nguyện như thế, liền lấy một bịch gạo quẳng sang bếp nhà bà. Khi vừa trông thấy bịch gạo, bà liền dâng lời tạ ơn Chúa đã mau đáp lời bà cầu xin. Thấy vậy, chàng thanh niên liền nói vọng sang: “Bà ơi, không phải Chúa ban cho bà đâu, bịch gạo đó là của cháu đấy. Chẳng có Chúa nào đã ban gạo cho bà đâu”. Nghe vậy, bà cụ lại ngước mắt lên trời nguyện rằng: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã xui khiến anh chàng Giu-đa này đem gạo đến cho con. Chúa có nhiều cách để thi ân cho con. Con xin tạ ơn Chúa.” 
4) CHÚA KHÔNG TRỰC TIẾP NHƯNG THƯỜNG BAN ƠN QUA TRUNG GIAN:
Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ người nhận là  Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở thư ra đọc. Trong thư viết rằng: "Lạy Chúa. Con tên là Tommy, được sáu tuổi. Ba con đã chết cách đây mấy năm và mẹ con phải chịu vất vả cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho mẹ con số tiền 300 đồng để làm vốn bán hàng nhé”.
Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và dưa cho các bạn đồng nghiệp cùng xem. Rồi họ quyết định quyên góp để giúp đỡ cho gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng được 100 đồng được gởi tới địa chỉ của người gửi là nhà cậu bé Tommy.
Vài tuần sau, nhân viên bưu điện lại nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc bà thấy thư viết như sau: "Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con không? Vì gởi qua bưu điện, họ đã giữ lại của chúng con mất 200 đồng!"
Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng chúng ta cũng cảm thấy hổ thẹn vì xem ra mình cũng giống như cậu bé nói trên: Chúng ta thường muốn phải Chúa lập tức đáp lại lời cầu xin của chúng ta. Nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ yêu cầu, thì chúng ta cảm thấy khó chịu, và cũng quên nói lời cám tạ ơn Người.
3. SUY NIỆM:
Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã dạy các môn đệ: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Người muốn các tín hữu chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện để được Chúa ban ơn cứu độ. Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyên và phải cầu nguyện thế nào?
1. Mấy thái độ cầu nguyện?:
Trong một vụ động đất lớn khiến nhiều nhà cửa trong thành phố bị sụp đổ. Có ba người bị kẹt trong văn phòng một tòa nhà của một công ty xây dựng. Bấy giờ văn phòng bị tối thui vì cúp điện và cũng do một khối bê-tông lớn từ tầng trên rơi xuống chắn ngang cửa sổ và cửa ra vào văn phòng. Trước tình huống này, người thứ nhất là trưởng phòng không có đức tin và không đến nhà thờ từ lâu. Ông ta bực tức không ngừng chửi rủa viên kỹ sư thiết kế và là chủ thi công công trình tòa nhà này đã không chịu gia cố thêm sắt thép khi xây dựng chân móng và đà cột, khiến tòa nhà dễ bị sụp đổ khi có động đất mạnh. Anh thứ hai là nhân viên vệ sinh của công ty  có lòng đạo đức bình dân, khi bị kẹt trong văn phòng liền quỳ gối lần chuỗi kinh mân côi thật sốt sắng để xin Đức Mẹ thương ra tay cứu giúp. Anh thứ ba là nhân viên bảo trì máy móc của công ty là người có đức tin trưởng thành đã bình tĩnh khi gặp sự cố. Anh ta âm thầm đối thoại cầu xin Chúa như sau: “Lay Chúa, Chúa muốn con làm gì để thoát khỏi hoàn cảnh này?” Sau đó anh lấy ra búa và đục trong giỏ đồ nghề luôn mang theo và bắt đầu đục phá khối bê-tông bít lối ra vào kia. Cứ sau một lúc làm việc, anh dừng tay nghỉ mệt và lại thầm thĩ thưa chuyện với Chúa: "Lạy Chúa, xin giúp con đủ sức đục bể khối bê-tông này để cả ba người chúng con sớm thoát được ra bên ngoài". Cuối cùng anh ta đã phá được một mảng lớn bê-tông và cả ba người đã chui được ra ngoài an toàn.
2. Tại sao phải cầu nguyện ?
Câu chuyện trên cho thấy thái độ cầu nguyện của ba hạng người: người thứ nhất do mất đức tin, cho rằng cầu nguyện vừa mất thời giờ lại vừa vô ích, nên không cầu nguyện khi gặp khó khăn. Anh ta chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh và tha nhân, mà không tích cực giải quyết vấn đề. Người thứ hai có đức tin thụ động: Khi gặp sự cố chỉ biết khoanh tay đọc kinh để cầu xin phép lạ, thay vì chủ động giải quyết vấn đề.Có lẽ đại đa số các tín hữu chúng ta vẫn đang có lối cầu nguyện thụ động này, nhất là khi chúng ta cầu xin cho người khác. Người thứ ba có đức tin tích cực chủ động: tuy tin vào quyền năng của Chúa, nhưng đồng thời cũng ý thức cần phải sử dụng các phương tiện Chúa ban để chủ động giải quyết sự cố kèm theo việc xin Chúa ban ơn trợ giúp. Đây là cách cầu nguyện đúng đắn nhất và đẹp lòng Chúa hơn cả mà các tin hữu chúng ta hôm nay cần áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.
3. Ích lợi của sự cầu nguyện?
- Hiệu quả của cầu nguyện : Cầu nguyện sẽ giúp các tín hữu thêm lòng mến Chúa yêu người và tâm hồn sẽ được bình an hạnh phúc như có người đã nói : « Hoa trái của cầu nguyện là đức tin ; Hoa trái của đức tin là tình yêu ; Hoa trái của tình yêu là phục vụ ; Và hoa trái của phục vụ là tâm hồn an bình hạnh phúc ».
- Không nên đòi hiệu quả tức thời: Khi cầu nguyện, chúng ta tin chắc Chúa sẽ đáp lời cầu xin của chúng ta. Nhưng Ngài không ban ngay theo ý ta, mà sẽ ban vào thời gian thích hợp và ban những gì có lợi nhất cho phần rỗiđời đời của chúng ta.
4. Phải cầu nguyện thế nào để được Chúa chấp nhận?
- Cần cầu xin với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần: như lờiThánh Phao-lô: "Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta… theo đúng thánh ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).
- Cần kiên trì cầu nguyện: Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Người muốn các tín hữu kiên trì cầu nguyện noi gương ông Mô-sê xưa đã quì giang tay suốt cả ngày để xin Chúa cho quân Ít-ra-en được thắng trận (Bài đọc 1); Hay như bà goá bị kiện cáo oan ức đã kiên trì xin viên quan toà “không tin Chúa mà cũng chẳng kiêng nể người đời”, để nhờ ông ta minh oan. Nhờ sự kiên trì mà cuối cùng bà góa này đã được quan tòa minh oan (Bài Tin Mừng). Mỗi người chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện, cả những lúc xem ra Chúa im lặng không đáp ứng các yêu cầu chính đáng của chúng ta, như trường hợp một người đàn bà Ca-na-an kiên trì cầu xin Chúa chữa cho đứa con gái khỏi bị quỷ ám, (x Mt 15,21-28). Cầu xin với sự xác tín và cậy trông phó thác vào quyền năng và tình thương của Chúa thì sẽ được chấp nhận, như lời Đức Giê-su: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lc 18,7-8a).
- Cần kèm theo lễ vật hy sinh: Để lời cầu xin xứng đáng được Chúa chấp nhận, chúng ta cần kèm theo lễ vật, như dân Do thái xưa thời Cựu Ước đã dâng chiên bò làm lễ vật toàn thiêu lên Đức Chúa; Hoặc hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đã dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa và chuộc lại bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con như Luật dạy (x Lc 2,23-24). Hoặc các đạo sĩ đến thăm Hài Nhi Cứu Thế, đã sấp mình bái lạy kèm theo dâng tiến Chúa lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược (x Mt 2,11).
Nếu quá nghèo không thể mua sắm lễ vật, chúng ta vẫn có thể dâng lễ vật thiêng liêng là lời cầu nguyện chân thành, các việc  hy sinh hãm mình đền tội và việc bác ái khiêm nhường phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh.
TÓM LẠI : Cầu nguyện không phải là cầu xin cách vụ lợi cho chúng ta, cũng không phải là nêu ra những nhu cầu để xin Chúa ban theo ý ta muốn mà không cần phải cố gắng thực hiện, nhưng là thưa chuyệnvới Thiên Chúa, xin Ngài giúp chúng ta vâng theo thánh ý Ngài, noi gương Đức Giê-su trước cuộc khổ nạn: “Cha ơi! Nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Tuy nhiên vì biết loài người vốn yếu đuối dễ bị nản chí thất vọng buông xuôi, nên Đức Giê-su đã cảnh báo: "Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?” (Lc 18,8).
4. THẢO LUẬN: 1)Bạn cần đọc kinh dự lễ như thế nào để tránh bị lo ra chia trí và để lời cầu nguyện của bạn xứng đáng được Chúa chấp nhận ? 2)Ngoài việc đọc kinh dự lễ, bạn cần làm gì để biến đời bạn trở thành một lời cầu nguyện liên lỉ ?
5. NGUYỆN CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Điều làm cho Chúa đau lòng là có nhiều người đã bị mất đức tin, trong đó có thể có cả con nữa. Nhiều lúc chính con đã không tin vào hiệu lực của lời cầu xin : Khi gặp khổ đau hoạn nạn, con thường than thân trách phận, mà không biết mở miệng cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp. Cũng có những lúc con chỉ cậy vào sức riêng mình, dựa vào sức mạnh của tiền bạc hay thế lực của những kẻ đang nắm giữ chức quyền… mà không biết cậy dựa vào ơn của Chúa. Nhiều lúc con cảm thấy chán nản và thất vọng khi cầu xin mãi mà vẫn không được Chúa ban theo ý con xin. Xin giúp con biết kiên trì cầu nguyện và đừng bao giờ nản chí. Xin cho con ý thức rằng: Những ai tin cậy vào quyền năng và tình thương của Chúa, sẽ không bao giờ phải thất vọng hổ ngươi.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM

=================== 
Suy niệm 8
SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn một cách sâu xa vào sức mạnh của lời cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn mình lên Thiên Chúa, tỏ lộ tâm tư, lòng cảm mến, tạ ơn, tạ lỗi cũng như bộc lộ nỗi ưu tư, khó nói của ta với Thiên Chúa. Mặc khác, cầu nguyện chính là hơi thở của người tín hữu; mà đã là hơi thở, thì chúng ta phải hít thở như liên lỉ thực hành trong mỗi giây phút, mỗi hành vi, thái độ,v.v... của ta.
Thoạt tiên, cầu nguyện chính là sức mạnh tâm linh, vượt trên trí hiểu, nỗi kỳ vọng của con người. Qua lời nguyện đơn thành, dân Is-ra-en đã chiến thắng khi giao chiến với quân A-ma-lec tại Ra-phi-dim. Qua cử chỉ tín thác vào Thiên Chúa, với tâm đầu ý hợp của toàn dân với Mô-sê, và hơn nữa, qua việc chung sức, giúp đỡ nhau giữa dân Is-ra-en với người đại diện dân chúng – ông Mô-sê, Thiên Chúa đã thực hiện biết bao kỳ công, sức mạnh của Đấng Tạo Hoá được tỏ lộ qua lời cầu nguyện chân thành, đơn sơ nhưng với cả lòng thành tín, “khi ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Is-ra-en thắng trận” (Xh 17, 13). Trong đời sống cộng đoàn, làm việc chung với nhau, nếu chúng ta biết chung sức, chung lời cầu nguyện thì sức mạnh của lời nguyện ấy sẽ được tỏ hiện. Nếu chúng ta biết hiệp nhất với nhau, chung lòng, chung tay làm việc cho cộng đoàn, cho Giáo hội, thì sức mạnh của việc cầu nguyện sẽ thành hiện thực, vượt trên mọi ước ao, ước mong và kỳ vọng của chúng ta như Chúa Giê-su nói “nếu dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 19-20).
Hơn nữa, sức mạnh của lời cầu nguyện được bộc lộ qua lòng tín thác vào Thiên Chúa, Đấng biết trước khi chúng ta cầu xin. Kinh nghiệm sống đời cầu nguyện cho ta biết Thiên Chúa đáp trả lời khẩn cầu của ta bằng 3 cách thức: (1) ừ, Ta sẽ ban cho, (2) ừ, Ta sẽ ban cho, nhưng chờ một lát, và (3) không, Ta sẽ không ban điều đó, nhưng sẽ ban điều khác. Trong đời sống đức tin, chúng ta thường cảm nghiệm lời đáp trả thứ 2 của Thiên Chúa! Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta không đủ tính kiên trì, nhẫn nại, không đủ lòng tín thác vào Thiên Chúa, nên chúng ta thường có thái độ, lối suy nghĩ như: dường như Thiên Chúa không nghe lời cầu nguyện của ta! Dường như Chúa đi đâu xa xa rồi! Hình như Chúa mãi mê lo cho những người khác...Ôi thôi, sao kể hết nhưng ý nghĩ không dò thấu của con người chúng ta. Nhưng để vượt lên lối suy nghĩ tầm thường như vậy, chúng ta nên làm gì? Và làm như thế nào? Câu trả lời rất rõ ràng ngay lời mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay “Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1), và Chúa Giê-su nhấn mạnh “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (Lc 18, 7-8). Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu than, cầu xin, nài nỉ của chúng ta, nhưng Thiên Chúa không ban ơn cho ta xin theo cách chúng ta ước mong, mà hãy tin tưởng rằng: Thiên Chúa thấu hiểu điều gì là tốt nhất cho ta trong đời sống đức tin. Vì vậy, chúng ta phải liên lỉ kêu cầu với cả lòng tín thác nơi Thiên Chúa. Chúng ta nên PUSH (trong tiếng Anh, nghĩa là thúc đẩy, xô đẩy) là bốn chữ cái đầu của câu ‘Pray Until Something Happens’ (nghĩa là: cầu nguyện cho đến khi điều gì đó xảy ra). Chúng ta cầu nguyện không ngừng, đôi khi cảm thấy chán nản vì chẳng thấy Chúa trả lời; nhưng cứ tiếp tục cầu xin cho đến khi điều gì đó xảy ra trong Thánh ý của Chúa chứ không theo ý của chúng ta, trong thời định của Chúa chứ không theo thời lượng định sẵn của chúng ta, trong cách thức và kế hoạch của Ngài chứ không theo thể thức của chúng ta.
Sau cùng, cầu nguyện có sức mạnh phi thường được diễn tả qua lòng tín thác vào Thiên Chúa, và được duy trì, áp dụng trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh trong cuộc sống chúng ta. Qua việc đào sâu đức tin, sống Lời Chúa và loan truyền Phúc Âm, thánh Phao-lô đã nhắc nhở ông Ti-mô-thê “hãy giao rảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chú tâm dạy dỗ” (2Tim 4, 2). Ước gì chúng ta đừng rơi vào thái cực: cầu nguyện, đọc kinh thật nhiều, nhưng không để Chúa đánh động, hoán cải, đổi mới bản thân, và tệ hại hơn nữa là cuộc sống đức tin, bác ái dường như không có mối liên hệ gì đến đời sống cầu nguyện. Như lời mở đầu, nếu cầu nguyện là hơi thở, thì những hành vi, thái độ, cử chỉ đều được chi phối bởi đời sống cầu nguyện. Hơn thế, đời sống cầu nguyện sẽ được sinh hoa, kết trái qua đời sống đức, gương nhân đức, đời sống chứng nhân, yêu thương và tình bác ái cụ thể và thiết thực.
Nguyện cho lời con như hương trầm bay toả trước tôn nhan! Tuy lời cảm tạ Chúa của chúng con chẳng mang gì lại cho Chúa, nhưng đem ơn cứu độ, sinh ích lợi cho linh hồn chúng con. Xin Chúa đoái thương nghe lời chúng con cầu khẩn, để lời nguyện dâng lên Chúa trở nên thần dược nuôi sống chúng con trên bước đường lữ khách này, và luôn sống lời nhắc nhở đầy yêu thương của thánh Phao-lô: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12, 12).

Lm. Xuân Hy Vọng

===================
Suy niệm 9
Cầu Nguyện Luôn

Xh 17,8-13; 2Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8

Lòng trung thành đòi hỏi con người phải cố gắng, kiên nhẫn khi gặp khó khăn, gian nan thử thách. Trong mối tương quan với Chúa, nhiều người chỉ “sốt sắng có cơn” khi được hưởng những sự tốt lành may mắn. Còn khi ao ước cầu khẩn mãi sự gì mà không được như ý, họ chán nản bỏ cuộc, mất niềm tin và trở thành người khô khan nguội lạnh.
Qua câu chuyện bà góa và ông quan tòa trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy phải luôn trung thành, kiên nhẫn và cầu nguyện luôn, sẽ đạt tới điều tốt đẹp nhất. “Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.” Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (Lc 18, 4b-7). Thời đó người mồ côi góa bụa, người ngoại không được bảo vệ. Nhưng thái độ kiên trì của bà góa này cũng sẽ biến đổi được cách hành xử của quan tòa bất chính, dù chỉ vì một lý do là làm ta nhức đầu, huống là một Thiên Chúa nhân lành lại không minh xét cho con cái mình ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Nhưng làm sao để thực hành cầu nguyện ngày đêm, trong cơn lốc công việc của cuộc sống hàng ngày? Thưa có thể biến mỗi công việc mình làm trở thành hành vi cầu nguyện. Dù là ăn uống, làm việc hay nghỉ ngơi luôn hướng lòng về Chúa, làm việc với Chúa, nghỉ ngơi trong Chúa chính là cầu nguyện liên lỉ, gắn bó mật thiết với Chúa, biến cuộc đời mình thành một đời cầu nguyện không ngừng.
Nhiều người quan niệm cầu nguyện chỉ là xin xỏ, nài nỉ Chúa ban mọi thứ ơn, là đọc kinh thật nhiều… Cầu nguyện là trải lòng và mọi nỗi vui buồn sướng khổ với Chúa, trong mọi nơi mọi lúc, trong mối tương quan thân tình, gần gũi, gặp gỡ Chúa, chiêm ngắm trong niềm vui an bình khi được lòng bên lòng, như cô Maria “chọn phần tốt nhất” bên Chúa ngày xưa. “Trước thánh nhan, lạy Chúa! ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi.” Một khi tôi đón nhận Ngài vào nhà mình thì hạnh phúc ngập lòng và được no thỏa cõi lòng. Tôi sẽ không tìm kiếm, xin xỏ, nài nỉ nhiều chuyện nữa, không lo phải nói thế nào trong tình Cha yêu thương. Khi sống đức tin mạnh mẽ, một lòng phó thác tin cậy vững vàng như bé ngủ yên trong tay Chúa như mẹ hiền, sẽ vững dạ an tâm dù đời đầy sóng gió.
Dầu vậy, Đức Giêsu còn đặt câu hỏi: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,18b).
Chúa ơi! con vẫn trông cậy Chúa, lòng con tin tưởng nơi Ngài. Con hy vọng vào Ngài, đời con nương bóng Chúa thôi. Con xin trao về Chúa niềm tin và ước mơ này, được quên đi những âu lo, tìm vui theo bước chân Cha.” (Thánh ca).

Én Nhỏ 

                                                            


 
 
 
 
 
 

Linh mục Pi ô Ngô Phúc Hậu
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log