Thứ tư, 25/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 23 Thường niên C

Cập nhật lúc 18:56 01/09/2022
Suy niệm 1
Lc 14, 25 – 33
Sau ba năm truyền đạo, uy tín của Đức Giê-su vọt lên tới tận trời mây. Lời giảng của Chúa được quần chúng đánh giá là có sức thuyết phục hơn tất cả các ông kinh sư. Phép lạ cứu nhân độ thế thì trùng trùng điệp điệp. Phép lạ vượt quy luật thiên nhiên được xếp vào loại khủng thì không nhiều, nhưng không ít: Phép lạ đầu tiên là biến sáu chum nước lã thành sáu chum rượu ngon, để cứu danh dự cho đám cưới ở Cana. Kế đó là phép lạ biến năm ổ bánh mì và hai con cá thành thực phẩm làm no bụng năm ngàn dân mày râu, không kể đàn bà và trẻ con. Kế đó nữa là Chúa cho một thiếu niên ở Nain đang được bà con đem đi chôn bỗng ngồi dậy do lệnh của Chúa.
Cuối năm thứ ba có tin đồn Đức Giê-su sẽ xưng vương, sẽ đánh gục đế quốc La-mã, sẽ nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền, đúng như lời tiên báo của Thánh Vịnh 80:
“Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập,
đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng,
Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng,
cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi.
Bóng um tùm phủ xanh đầu núi,
cành sum sê rợp bá hương thần,
nhánh vươn dài tới phía đại dương,
chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả.”
Một đế quốc Do Thái bao trùm từ Địa Trung Hải tới vùng Iran, Iraq bây giờ. Tin này phổ biến rộng tới mức độ một anh hành khất mù ở Giê-ri-khô cũng biết. Vì thế thay vì nói “lạy ông Giê-su” thì hắn nói: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương tôi với”.
Lòng dân thì nao nức chờ ngày Chúa phất cờ khởi nghĩa. Còn lòng Chúa thì buồn tê tái, vì Chúa đến trong trần gian không phải để làm chính trị, mà để quy tụ muôn dân tộc trở về tôn thờ Chúa là Cha và từ đó mọi dân tộc trên thế giới chỉ là anh em một nhà. Chính trị hóa lý tưởng cao siêu ấy là điều chống lại Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng. Chính vì thế Chúa phải đính chính cho quần chúng đang theo Ngài. Lời đính chính của Chúa được gói gọn trong câu: “Ai không vác khổ giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi được”.
Lời đính chính trên dành cho hết mọi người và đặc biệt là dành cho các Tông đồ, những người đã thoát ly gia đình để dành trăm phần trăm công, sức, thời giờ và mạng sống để phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng.
“Từ khổ giá đến vinh quang” đã trở thành một quy luật. Trước hết, Đức Giê-su đã trung thành với quy luật ấy. Ngài đã sống gian khổ, đã bị bắt, đã bị giết, nhưng Ngài sống lại vinh quang vào ngày thứ ba. Tất cả các thánh Tông Đồ cũng thi hành quy luật ấy. Thánh Phê-rô, thánh Phao-lô và các thánh Tông Đồ. Các thánh tử đạo sau này đều đã bị tù đày, đánh đập và giết chết. Nhưng chính vì thế mà đạo của Chúa đã loan đi đến tận cùng trái đất, trong khi các chế độ cấm đạo đều đã sụp đổ.
Một điều rất lạ là quy luật “từ khổ giá đến vinh quang” đã được áp dụng cho các vĩ nhân của loài người. Cụ thể là nhà bác học Thomas Edison. Ông chỉ học hết lớp bốn, rồi bị nhà trường đuổi học, vì chỉ giỏi môn toán, còn các môn khác thì quá tệ. Mười ba tuổi ông đi làm mướn cho ông tài xe xe lửa. Tiền thưởng của bác tài xe, Thomas Edison để dành để mua sách báo và hóa chất để thí nghiệm. Suốt đời chỉ biết học và nghiên cứu. Mỗi ngày làm việc 16 tiếng đồng hồ, có khi quên cả ăn. Cuối cùng ông đã trở thành một nhà bác học vĩ đại với 1093 bằng phát minh, trong đó có bằng phát minh đèn điện, máy ghi âm và máy quay phim. Đó là con đường “từ khổ giá đến vinh quang”.
Rất lạ lung là chậu mai ngày tết cũng đi vào quy luật “từ khổ giá đến vinh quang”. Hai tháng trước tết, chậu mai không được tưới và bón phân. Trước tết hai tuần bị ngắt hết lá. Chậu mai trở thành chậu cây trơ trọi. Đến tết hoa nở sặc sỡ bán được cả bốn năm chục triệu.
“Từ khổ giá đến vinh quang” là một bài học quý giá vô cùng Chúa đã ban cho ta. Ta cần ngẫm nghĩ và thực hành từ việc thánh thiện đạo đức xuống tới hành nghề.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
Từ bỏ là quy luật sinh tồn

Lc 14, 25-33

Phấn đấu để tăng thêm thu nhập, để vơ vét thật nhiều, để có thêm địa vị, công danh… là những quan tâm hàng đầu của nhiều người trong xã hội.
Thế mà qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi những ai theo Ngài, thay vì tìm mọi cách thu vào như bao người khác, thì hãy bỏ ra, hãy từ bỏ những gì mình có để dấn thân phục vụ. Ngài dạy: “Ai theo tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27).
Lời Chúa xem ra ngược đời, rất khó chấp nhận. Tại sao Chúa Giê-su lại yêu cầu như thế?
Chúng ta cùng tìm hiểu xem.
Mùa thu về, cây trút hết lá; mùa xuân đến, cây đơm lộc xanh tươi. Cây cối cần phải từ bỏ lá già, lá cũ để khoác lá mới; nhờ thế, cây được lớn lên.
Cây nho phải chịu cắt bỏ nhiều cành nhánh tốt tươi, mới có thể nẩy ra nhiều lộc non và sinh hoa kết trái. Loài rắn cũng phải từ bỏ bộ da cũ để thay da mới; có vậy rắn mới trưởng thành. Loài tôm cũng phải lột vỏ nhiều lần theo đà tăng trưởng để lớn lên... Nói chung, từ bỏ là quy luật sinh tồn, là điều kiện tối cần để cho muôn vật muôn loài được sống còn và tăng trưởng.
Con người là một sinh vật như bao nhiêu loài vật khác, nên muốn tăng trưởng và tồn tại, con người cũng không thoát ra ngoài quy luật đó.
Hằng ngày cơ thể ta loại bỏ hàng tỉ tế bào cũ để thay vào đó những tế bào mới, nhờ đó cơ thể được lớn lên và mạnh khoẻ. Nếu các tế bào cũ không chịu chết đi để nhường chỗ cho những tế bào mới, thì khối u sẽ xuất hiện và có nguy cơ dẫn đến ung thư và cái chết đau thương!
Trong mọi lãnh vực, muốn đạt tới những thành công tốt đẹp thì người ta cần phải từ bỏ không ngừng: Người lao động phải đổ nhiều mồ hôi, phải bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ mới kiếm đủ tiền cấp dưỡng cho bản thân và gia đình. Người lính chiến phải chấp nhận hy sinh thân mình mới bảo vệ được quê hương. Học sinh phải từ bỏ nhiều giờ vui chơi giải trí, giảm bớt giờ ngủ nghỉ để miệt mài đèn sách thì mới có cơ may bước vào đại học. Các nhà khoa học phải bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kiên trì mới có cơ may phát minh và sáng chế…
Muốn làm ăn lên, phải đầu tư bỏ vốn; muốn thu vào, phải phát ra. Ai không phát ra, không từ bỏ, thì không thể thu vào được điều gì đáng giá. Đó là quy luật của cuộc đời.
Hôm nay, Chúa Giê-su kêu mời chúng ta từ bỏ những gì?
Hiện nay, Chúa Giê-su chưa kêu mời số đông trong chúng ta từ bỏ cha mẹ, vợ con, họ hàng vì Chúa và vì Nước Trời đâu, Ngài chỉ mời chúng ta từ bỏ những điều nho nhỏ trước.
Khi có người đau yếu, Chúa mời chúng ta từ bỏ công ăn việc làm để viếng thăm, chăm sóc, chúng ta có đáp ứng không?
Khi có người lâm cơn túng thiếu, hoạn nạn, Chúa kêu mời chúng ta chia sớt tiền bạc và hy sinh thời giờ, công sức để cứu giúp, chúng ta có chấp nhận không?
Khi có người làm buồn lòng ta, làm tổn thương tự ái của ta, Chúa kêu mời chúng ta từ bỏ oán hận để cảm thông tha thứ, chúng ta có sẵn sàng không?
Thông thường hơn, mỗi tối, Chúa mời chúng ta từ bỏ giờ xem phim hay nghe ca nhạc trên các kênh truyền hình để dành ra mươi phút đọc kinh gia đình, thờ phượng, tạ ơn Chúa, chúng ta có từ bỏ được không?
Nếu chúng ta chưa từ bỏ mình để thực hành những điều tương tự như trên, chúng ta không xứng đáng là môn đệ Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa phán rằng: “Ai nâng niu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ giữ được mạng sống” (Mt 10, 39).
Xin cho chúng con chấp nhận hy sinh thời giờ, tiền của, công sức, khả năng… Chúa ban để cứu giúp người hoạn nạn, cứu chữa người đau yếu, đem lại an vui và hạnh phúc cho những người đang sống chung quanh, nhờ đó, chúng con được Chúa nhìn nhận là người môn đệ chính danh của Ngài. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

=================
Suy niệm 3
MÔN ĐỆ ĐÍCH THẬT CỦA CHÚA

Giáo Hội Việt Nam không thể nào không biết ơn công lao to lớn của những bậc Thánh nhân, các nhà truyền giáo xưa kia đã chẳng ngại nhọc nhằn, gian lao, rời bỏ quê hương thịnh vượng, văn minh của họ mà lênh đênh trên đại dương bao tháng trời, để đến vùng viễn xứ, ngõ hầu rao truyền Tin Mừng, thực hiện sứ vụ ‘trở nên môn đệ đích thật của Chúa Ki-tô’. Trong số đó, không thể không nhắc đến Hội truyền giáo Pa-ris (MEP).
Theo Hạnh tích các Thánh, cha Gio-an Cor-nay, một trong vô số linh mục thuộc Hội Truyền giáo Pa-ris (MEP) đã tình nguyện sang Việt Nam truyền giáo. Với quan niệm ngày xưa, đi truyền giáo đồng nghĩa với việc chấp nhận ra đi vĩnh viễn không mong ngày trở về xứ sở bản quốc. Chuyện kể rằng: trong lúc ngài ra ga xe lửa, bạn bè và nhiều người thân quen đưa tiễn, bịn rịn chia tay. Nhưng đặc biệt song thân ngài vì quá thương con, đã nằm ra giữa đường để cản lối, không nỡ để con trai mình ra đi như vậy. Tuy nhiên, cha Cor-nay đã dằn lòng, can đảm “từ bỏ”, nhất quyết bước theo tiếng gọi của Chúa, hầu trở nên môn đệ đích thật của Ngài. Vào ngày 20 tháng 9 năm 1837, ngài được diễm phúc lãnh nhận triều thiên tử đạo tại Sơn Tâyvà là một trong 118 vị Thánh Tử đạo tại Việt Nam. Thánh Gio-an Cor-nay chính là tấm gương sáng điển hình, đã sống triệt để và thực thi điều Chúa Giê-su khuyến khích mời gọi mỗi người chúng ta hôm nay.
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ ‘dứt bỏ’ không có nghĩa là ‘cắt đứt, đoạn tuyệt, tuyệt tình’, mà là “ít hơn”. Vì chưng trong ngôn ngữ Hy lạp không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả điều này,  người ta dùng lối văn đối ngẫu ‘yêu thương và ghét bỏ’. Vì thế, Thánh sử Mát-thêu đã viết: Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (x. Mt 10,37). Quả thật, để trở thành môn đệ đích thật của Thầy Giê-su, chúng ta phải đặt Chúa trước hết mọi sự, trên hết mọi sự, ưu tiên hàng đầu, kể cả hơn cả mối thân tình gia đình, thân bằng quyến thuộc, và thân hữu. Hơn nữa, theo Chúa phải biết từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng, biết đón nhận hy sinh và trung thành vác thập giá mỗi ngày, vì chưng Ngài khẳng định: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 27). Như lệ thường, con người chúng ta có xu hướng ‘lảng tránh thập giá’, ‘trốn chạy khỏi gian nan khốn khó’, dẫu biết rằng những vất vả, khổ đau này giúp chúng ta được thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, và sẽ đạt được hạnh phúc viên mãn.
Tuy nhiên, cũng không ít người dám sống Lời Chúa cách triệt để, từ bỏ tận căn ngõ hầu được trở nên môn đệ đích thật của Thầy Giê-su. Chẳng hạn chuyện Thánh Phan-xi-cô Át-si-zi. Khi còn thanh niên, ngài chơi bời lêu lổng, thường hay đi lễ Chúa Nhật muộn. Một lần nọ, khi vừa đến cửa nhà thờ, ngài nghe rõ linh mục chủ tế công bố Tin Mừng, trong đó có đoạn: “Nếu con muốn nên hoàn thiện thì hãy về bán hết gia sản, bố thí cho kẻ nghèo, rồi đến đây theo Ta”. Phan-xi-cô tin thật Chúa đang nói lời ấy với chính mình, bèn chạy về và thực hành đúng như lời mời gọi ấy: đem tơ lụa, vải vóc trong cửa hàng bề thế của gia đình đi phân phát cho người nghèo, sau đótiến bước theo Chúa và trung thành sống khó nghèo suốt cả cuộc đời dương thế. Đến nỗi bố ngài làm khó, đòi lại những tài sản đã cho ngài bấy lâu, ngài đã trả hết, thậm chí rủ cả chiếc áo thế giá trên mình, mà dứt khoát sống trọn vẹn sứ vụ người môn đệ thực sự của Thầy Giê-su.
Tương tự, Thánh Béc-na khi đến tuổi trưởng thành, ngài sớm nhận ra rằng: khó mà được rỗi linh hồn nếu sống ở thế gian, nên ngài đã quyết định từ bỏ, xin đi tu và còn kéo theo bốn người em nữa. Trước khi lên đường, năm anh em đã nói với người em útNi-va: “Vĩnh biệt em, các anh đi đây. Các anh để lại tất cả đất đai, nhà cửa và của cải cho em”. Ni-va bèn trả lời: “Các anh khôn quá à, các anh chọn trời và để lại đất cho em, em không bằng lòng đâu!”. Vì thế, sau này Ni-va cũng theo các anh vào tu viện, từ bỏ đất để chọn trời, từ bỏ thế gian để chọn Nước Chúa.
Còn rất rất nhiều người dám từ bỏ, theo chân Chúa đến cùng. Một cha Thánh Đa-mi-en bỏ mọi sự để hoà chung cuộc sống với những người phong cùi tại hòn đảo Mô-lô-kai. Một vị Thánh sống Ma-xi-mi-la-nô Kol-bê dám chấp nhận chết thay cho một anh bạn tử tù trong trại tập trung Đức Quốc Xã Au-schwitz trên lãnh thổ Ba-lan bị chiếm đóng thời Thế chiến II. Gần gũi chúng ta hơn hết có lẽ phải nói đến những vị Thánh Tử đạo Việt Nam, trong số đó, Thánh Mi-ca-e Nguyễn Huy Mỹ(quê quán: Ninh Bình, tử đạo: 12/8) trước tòa án Nam Định, các quan dùng tình nghĩa vợ chồng, con cái để làm lung lạc đức tin - tình yêu ngài, nhưng vị tử đạo dõng dạc đáp: “Vợ con tôi, tôi yêu thật, song tôi còn hy vọng sum họp với gia đình thân yêu trên thiên đàng!” Đúng như Lời Chúa Giê-su dạy: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 33).
Thế nhưng, làm sao chúng ta biết được ý định của Thiên Chúa, làm sao hiểu được Chúa muốn điều chi, như tác giả sách Khôn Ngoan thốt lên trong bài đọc I. Bởi lẽ, “chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững. Thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề” (Kn 9, 14-15). Nhờ Đức Khôn Ngoan chính là Thần Khí Chúa soi dẫn, mà chúng ta nhận biết đường lối công chính, biết từ bỏ để trở nên môn đệ đích thật của Chúa Giê-su, dám từ dấn thân theo Chúa đến cùng, vì “ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi Thần Khí Thánh?”  (Kn 9, 17)
Noi gương những bậc Thánh nhân
Can đảm từ bỏ, dấn thân theo Thầy.
Sống sao cao đẹp quý thay
Nhờ Thần Khí Chúa, vững tay con thuyền…Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 4
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐI THEO CHÚA

Sứ điệp Lời Chúa tuần 21: “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Chúa Giêsu đã đi con đường hẹp và Chúa cũng muốn chúng ta cùng đi với Ngài.
Nhưng làm thế nào để có thể đi trên con đường đó?
Sứ điệp Lời Chúa tuần 22 cho đến Chúa nhật áp chót của mùa thường niên, nói đến những điều kiện giúp chúng ta có thể đi trên con đường đó.
Chúa nhật 22, với điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện quan trọng nhất. Đó là sự khiêm nhường và đức bác ái.
Chúa nhật 23, chính là từ bỏ và vác thập giá đi theo Chúa.
1. Từ bỏ
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói lên một cách quả quyết, rõ ràng và dứt khoát là: muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ Ngài, phải sẵn sàng từ bỏ tất cả: người, vật, ý riêng, thậm chí những người thân yêu nhất như cha mẹ, vợ con, và ngay cả bản thân hay mạng sống mình nữa. Nhiều người hỏi rằng từ bỏ như thế làm sao mà sống được ? làm sao tránh được tiếng bất hiếu, vô tình, vô nghĩa ? Vậy thì phải hiểu chữ từ bỏ theo nghĩa nào? Từ bỏ ở đây hiểu theo nghĩa tinh thần nhiều hơn. Từ bỏ không phải là không quí những điều mình từ bỏ, mà là không quí bằng một cái khác quí hơn, nên sẵn sàng hy sinh cái quí nhỏ cho cái quí lớn hơn. Người theo Chúa cần có tinh thần từ bỏ, ưu tiên chọn Chúa trên hết mọi sự, xem Chúa và việc của Chúa là quan trọng hơn cả. Mạng sống, cha mẹ, vợ con, nhà cửa, ruộng vườn đều rất quý trọng, nhưng người theo Chúa chọn điều quý hơn là chính Chúa. Họ giống như người “tìm được viên ngọc quý, tìm được kho báu chôn trong ruộng, liền trở về bán tất cả để mua viên ngọc, mua thửa ruộng ấy”.
Chúa đòi buộc người theo Chúa phải từ bỏ, nghĩa là đặt tất cả dưới Người, yêu Người trên mọi sự. Đưa ra đòi hỏi này và biết đó là một chọn lựa khó khăn nên Chúa Giêsu căn dặn nên biết tính toán cẩn thận rồi mới chọn lựa dứt khoát. Muốn xây tháp cần tính toán có đủ tiền. Muốn thắng trận cần có lính. Muốn theo Chúa phải từ bỏ. Từ bỏ của cải bằng cách chỉ coi mình như người quản lý thôi; từ bỏ tình cảm, ngay cả với những người thân thiết nhất bằng cách không bao giờ ưu tiên cho họ hơn Chúa; từ bỏ chính bản thân, những ý thích cá nhân, từ bỏ ý riêng, từ bỏ sự tự do, từ bỏ những điều mình ưa thích khi những điều ấy đi ngược lại với lời dạy của Chúa hay làm cho bản thân xa cách Người.
Từ bỏ là quy luật của cuộc sống và sự phát triển.Thai nhi không thể ở mãi trong lòng mẹ cho dẫu nơi đó an toàn, êm ấm nhất. Đứa trẻ phải từ giã lòng mẹ để sinh ra làm người. Đứa trẻ không thể nào trưởng thành nếu nó cứ sống mãi bằng sữa mẹ, nó phải thôi bú, ăn cơm bánh mới lớn lên.
Cuộc sống đặt con người trước những sự lựa chọn. Chọn lựa là giới hạn. Chọn điều này phải bỏ điều kia. Sống là chấp nhận từ bỏ. Chọn những điều tốt loại bỏ những điều xấu. Có những điều xấu cần từ bỏ như cờ bạc, say sưa, ma tuý, truỵ lạc, trộm cắp…Cũng có những điều tốt phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn, chẳng hạn khi chọn trường học, chọn nghề nghiệp, chọn nơi ở, chọn bậc sống, chọn bạn bè, chọn vợ chồng. Thanh niên nam nữ khi tìm hiểu nhau thì có nhiều người nhưng khi chọn vợ chồng thì chỉ chọn một mà thôi. Từ bỏ đòi hỏi nhiều hy sinh. Mỗi sáng thức dậy đi lễ, bỏ lại chiếc giường êm ấm. Mỗi tối gia đình tắt tivi để cùng quy tụ đọc giờ kinh. Giữ ngày Chúa nhật, bỏ công việc làm ăn có nhiều lợi nhuận. Bỏ đi một tật xấu để tập một nhân đức. Cao cả hơn, bỏ đời sống hôn nhân để sống đời tận hiến cho Chúa…
Sự từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Khi yêu người ta cảm thấy nhẹ nhàng. Sự từ bỏ vì tình yêu là một niềm hạnh phúc. Cha mẹ tần tảo dãi dầu mưa nắng lo cho con cái ăn học. Học sinh, sinh viên thức khuya dậy sớm miệt mài học tập.
Sự từ bỏ như thế thật đáng trân trọng. Ai cũng ngại từ bỏ, nhất là từ bỏ những gì gắn liền với mình nhất, cam go hơn cả là chính con người mình. Bằng hy sinh và tình yêu ai cũng sẽ làm được tất cả để cuộc sống ngày càng đạt “chất lượng cao”. Từ bỏ giống như cuộc leo núi. Leo núi là một cuộc mạo hiểm, đó không phải là một cuộc dạo chơi nhàn hạ; nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai, tài khéo léo, lòng can đảm. Càng lên cao, người leo núi càng hưởng nhiều niềm vui, càng tắm mình trong ánh sáng chan hoà và được chiêm ngưỡng cảnh trời đất bao la hùng vĩ.
2. Vác thập giá
Hai yêu cầu được gói gọn trong hai động từ, đó là “từ bỏ” mọi sự và “vác” thập giá. Không chỉ dứt bỏ mọi sự, người môn đệ theo Chúa còn phải vác thập giá theo Chúa mỗi ngày trong đời sống của mình
Theo Chúa giống như đi leo núi. Thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc.
Nghe nói đến thập giá phải vác, người ta có thể cho đó là một đòi hỏi quá sức con người. Thật ra, thập giá đi liền với tình yêu. Phải nhìn thập giá Đức Kitô như một sự tốt lành thượng đẳng, nếu không chẳng thể chấp nhận nổi thập giá. Thập giá phát xuất từ một tình yêu của Đấng Cứu Độ. Thập giá là hy sinh của Chúa. Có tình yêu nào mà không cần đến ngôn ngữ của hy sinh?
Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một thánh giá.Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là đã tạo nên một thập giá. Do đó thập giá là biểu tượng của đau khổ.
Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Người.
Tình yêu như là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống trong một xác quyết: mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu đang khi hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến vời niềm vui. Thiếu tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn chán. Đức Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại. Cái chết của Chúa là một hiến lễ có giá trị cứu chuộc tội, đền tội và Người “chỉ dâng hiến lễ một lần là đủ”.
Hôm nay, nơi nào có bóng thập giá là nới ấy có dấu chân người Kitô hữu. Ba cây thập giá dựng lên chiều thứ sáu tử nạn, Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là Thánh giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Người đi vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên thánh. Sự thánh ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết và là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không là thánh giá.
Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu phải đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: tình yêu gia đình, bạn bè và bản thân mình.Thập giá của Chúa Giêsu là dấu chỉ cụ thể về tình yêu và sự trung thành vô điều kiện của Người đối với thánh ý Chúa Cha.
Mỗi ngày người Kitô hữu theo Chúa phải cố gắng từ bỏ rất nhiều và vác thập giá mỗi ngày. Người môn đệ luôn luôn đặt tất cả dưới Chúa và yêu Chúa trên mọi sự. Có tình yêu của Chúa trong mỗi hành vi từ bỏ, người môn đệ có thêm sức mạnh ơn thánh, để mọi thập giá trong đời trở thành thánh giá. Từ bỏ để có thêm. Thêm lòng mến Chúa, thêm thánh thiện, thêm niềm vui phục vụ tha nhân.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

=================
Suy niệm 5
Từ bỏ và vác thập giá mình

(Lc 14, 25-33)

Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca mô tả cảnh Chúa Giêsu ngoảnh cổ lại và tuyên bố với đám đông đang cùng đi với mình rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 26). Nghe những lời trên, chúng ta nghĩ sao và nói gì? Tiêu chuẩn để làm môn đệ Chúa gắt gao quá. Theo Chúa, phải từ bỏ không những của cải, người thân mà cả những tiện nghi, kế hoạch riêng, sự quyến luyến, những giao tiếp hợp pháp và thậm trí cả chính mạng sống mình nữa nữa (x. Lc 14, 25-26). Người yêu cầu phải “bỏ” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em.
Yêu Chúa trên hết mọi sự
Có người đặt câu hỏi: Phải chăng, Điều răn thảo cha kính mẹ, yêu thương người thân cận bị đảo lộn rồi hay sao? Nghĩa là để đi theo Chúa Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự từ bỏ đối với họ? Không phải thế, Chúa chẳng vô lý đòi chúng ta phải từ bỏ cha mẹ, bạn hữu, mạng sống và của cải. Con người ở đời phải có những sự ấy. Và nếu những sự ấy giúp chúng ta đến với Chúa và làm môn đệ của Người, thì sao ghét bỏ? Nhưng khi mà những sự ấy trở thành chướng ngại vật cho chúng ta trên đường đi theo Chúa, thì phải lựa chọn dứt khoát giữa Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa phải là nhất. Yêu cha mẹ và đồng loại, nhưng yêu Thiên Chúa hơn, vì Thiên Chúa là Đấng dựng nên cả cha mẹ chúng ta, nên Chúa Giêsu yêu cầu con người dành cho Thiên Chúa một vị trí đặc biệt và cao nhất. Chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc.
Như người muốn xây tháp, hay vua sắp đi giao chiến, phải suy tính kỹ lưỡng kẻo tháp xây không nổi, đánh trận sẽ thua, khiến không những bị cười nhạo mà cuộc đời cũng tiêu luôn. Người ta phải suy nghĩ trước khi đi theo Chúa. Theo Chúa không như theo bất cứ một ai.  Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, của cải … mà là cái tôi.
Từ bỏ mình
Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?
Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu đòi hỏi là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa.
Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không bắt chúng ta từ bỏ “điều chúng ta là”, nhưng bỏ điều “chúng ta đã trở nên”. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31). Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng là điều chúng ta lạm dụng quyền tự do trở nên kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng, cùng với ước muốn xấu, những lời chua cay, nóng nảy, giận hờn, tham lam, tội lỗi, xấu xa phủ trên hình ảnh của Thiên Chúa, Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là “ảnh dưới đất”, ngược với “ảnh trên trời”, giống như Chúa Kitô. Cụ thể là bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, giống Chúa.
Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác biệt yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói thứ ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói thứ ngôn ngữ Thần Khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.
Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để giao tiếp với Chúa. Chúa đã từ bỏ chính mình trước … trở nên giống chúng ta. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không khả năng nói “không” với chúng ta. Chúa Giêsu thêm : “Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 27).
Vác thập giá để theo Chúa
Thì ra con đường của ai theo Chúa bị đóng đinh là con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình” là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (x. BENECITO XVI, Đức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Hỏi: Đức Giêsu có thích khổ đau và thậy giá không?
Thưa: Không. Đức Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Người thích. Nhưng Người vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Ai muốn đi theo Đức Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa.
Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 27). Chúa Giêsu không muốn thập giá, Người muốn tình yêu, yêu đến tận cùng. Theo Chúa là chấp nhận thập giá của mình với lòng mến. Dưới con mắt người đời, chịu mất mạng sống là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận … chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Chúa nhật niềm vui 9/5/1975).
Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói: “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Điều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình, vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 6
Từ Bỏ

Kn 9,13-18b; Plm 1,9b-10.12-17; Lc 14, 25-33

Mở đầu bài đọc I hôm nay, sách Khôn Ngoan cho thấy đường lối Chúa khác tư tưởng loài người: “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.” (Kn 9, 13-14). Vâng, đường lối của Thiên Chúa thì khác xa tư tưởng của loài người. Đòi hỏi của Thiên Chúa thì không như sở thích của con người. Người ta mong ấm no hạnh phúc, hưởng thụ dễ dãi, Đức Giêsu  bảo phải chui vào con đường hẹp khó đi. Bình thường người ta yêu kẻ yêu và sống tốt với kẻ yêu mình thôi, đằng này Người  dạy phải yêu cả kẻ ghét mình. Giữa đám đông nườm nượp đang đi cùng, Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 26-27). Phải yêu Thầy hơn cha mẹ, anh em, cứ nhìn người đi tu thì rõ. Thế là người tin kẻ không tin, người chấp nhận kẻ chống đối, người theo kẻ chạy, bất đồng chia rẽ đối nghịch nhau thì khác gì có chiến tranh với chuyện kẻ thù, dù là sống trong một mái nhà với nhau.
“Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”. (Lc 14, 33). Trong khi trào lưu xã hội luôn cổ võ lối sống hưởng thụ cá nhân, thì người môn đệ phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa. Một khi đã tìm thấy kho báu thì sẵn sàng đánh đổi, tình nguyện chịu thua thiệt mọi sự. Vìngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm qua hôm nay, và ngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm nay tương lai”. Sách Khôn ngoan cũng dạy ta chọn lựa để đánh đổi, từ bỏ những gì thuộc hạ giới, bởi vì: “thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống, vì lo nghĩ trăm bề”. (Kn 9, 15).
Người môn đệ còn phải đón tiếp, yêu thương mọi anh em, người lớn cũng như kẻ nhỏ, hết tình yêu thương giúp đỡ người nghèo khó bệnh tật… Người quả quyết rằng “người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Sống “đẹp” dưới ánh mắt của Chúa mà thực hành chỉ thị huấn lệnh sẽ được trả cho cân xứng những việc mình làm. Sống đẹp theo huấn lệnh thì đẹp lòng Thiên Chúa, tâm tư luôn hạnh phúc bình an dù sống giữa “chiến tranh” đối nghịch của thế trần. Nếu sống ngược với chỉ thị của Người thì cuộc sống dù xem như hạnh phúc mà chẳng có bình an thực sự trong tâm hồn.
Chúa ơi! ngày nay được sống trong sự Hiện Diện của Chúa, chúng con luôn an bình thư thái trong ánh mắt yêu thương âu yếm dõi nhìn của Chúa. Chúng con vui, buồn, sướng khổ hay phải gắng sức lội ngược dòng có Chúa cùng phấn đấu, hay có sao nhãng lang thang thì Chúa vẫn nhìn và không ngừng yêu thương chăm sóc từng giây. Xin đừng để chúng con dại dột xa rời Vòng Tay yêu thương ấy. Dẫu đời hiện tại chúng con có nhỏ bé âm thầm thì nó vẫn có giá trị, ý nghĩa lớn lao trong Con Tim Yêu của Ngài.

Én Nhỏ
 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong bầu khí linh thiêng của đêm cực thánh, đêm mà nhân loại được đón chờ Ngôi Hai xuống thế làm người, như một sự an ủi, khiến con người ta tạm quên đi những lo âu thường ngày, giáo xứ Cát Ngòi đã long trọng tổ chức đêm hoan ca – diễn nguyện và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 24.12.2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log