Thứ bảy, 23/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XV Thường niên C

Cập nhật lúc 22:33 06/07/2022
Suy niệm 1
Một bệnh viện dã chiến
Lc 10, 25-37

Về phía người chăm sóc
Đức Giáo hoàng Phanxicô thường suy niệm bài Tin mừng hôm nay để mời người tín hữu, đặc biệt là hàng giáo phẩm  theo gương người Samari nhân hậu:
- Ngài nói: những người phục vụ Đền thờ - tư tế và Lê-vi., đó là các giáo sỹ. Phải chăng vì họ quá bận rộn với thể chế Giáo Hội,  mà quên chăm sóc người gặp nguy hiểm trên đường chăng?.
- Ngài mời gọi người tín hữu chúng ta phải làm cho Giáo Hội thành một "bệnh viện dã chiến", nơi mà tất cả những người bị thương tích có thể tìm chỗ ẩn náu và được chăm sóc.
- Ngài yêu cầu chúng ta phải là người thân cận của những người đó. Tình yêu dành cho những người đau khổ hoặc những người bị loại trừ phải được ưu tiên trên tất cả.
Đây là việc thờ phượng đích thực mà Thiên Chúa mong muốn. Không ai có thể tuyên bố yêu Thiên Chúa mà lại không thương xót người thân cận đang trong tình trạng đau khổ. Việc thờ phượng này tốt hơn tất cả các việc phục vụ bàn thờ, tất cả các lễ vật và tất cả các hy tế.
Chúng ta hãy vui mừng vì Giáo Hội ngày nay được mời gọi trở thành một “bệnh viện dã chiến” và không còn là một Tòa Thánh cố định, đóng khung trong việc thờ phượng và luật pháp. Giáo Hội được mời gọi đứng về phía các bác sỹ và thầy thuốc chăm sóc các bệnh nhân để họ được sống.
Tuy nhiên, các Kitô hữu, cũng là  giám mục, linh mục, tu sỹ và giáo dân, nên nhớ rằng chính họ cũng đã, đang và sẽ là người bị đánh nhừ tử bên đường như  tại một số quốc gia trên thế giới
Về phía người bị thương tích
Một luật sỹ đến gặp Chúa Giêsu và hỏi thử Ngài: “Tôi phải làm gì để được sự sống làm cơ nghiệp?”. Chúa đáp lại: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào”? Luật sỹ đó thưa: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa và người thân cận như chính ngươi”. Và luật sỹ đó hỏi tiếp: “Nhưng ai là người thân cận của tôi”? Để trả lời câu hỏi này, Chúa Giêsu kể câu chuyện về người Samaritano tốt lành. Sau đó Ngài hỏi luật sỹ: "Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp”?
Trong câu chuyện này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đứng về phía người bị đánh nhừ tử bên lề đường.. Ngài nhắc nhớ rằng một ngày nào đó chúng ta cũng có người tốt lành giúp chúng ta khi chúng ta gặp rắc rối.
Chúa Giêsu nói với luật sỹ: "Anh hãy đi, và cũng làm như vây"! Chúa Giêsu đặt tiến sỹ luật này trở lại vị trí của mình: không phải của người Samari tốt lành, mà là của một người bị đánh trọng thương. Ngài có thể nói với anh: "Thay vì sử dụng Luật để gài bẫy tôi hoặc đối với người khác, hãy nhớ ngày mà chính anh bị tổn thương sẽ có người yêu anh, cứu giúp anh trong ngày đó”.
Qua câu chuyện về người Samari nhân hậu hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta về tình yêu đối người thân cận, nghĩa là lòng trắc ẩn chúng ta phải dành cho nhau…
Thánh Vincent de Paul nói: "Chúng ta không được đòi hỏi những người mà chúng ta giúp đỡ biết ơn chúng ta, mà phải xin lỗi họ vì họ là nạn nhân của sự bất công”. Đối với Chúa Giêsu, Ngài mời gọi chúng ta yêu thương người đã giúp đỡ chúng ta một ngày nào đó như một người thân cận gần gũi nhất. Ngài mời gọi chúng ta nhớ rằng nếu hôm nay chúng ta mạnh khỏe thì chúng ta cũng đã có hoặc sẽ có một ngày đứng về phía người bị tổn thương.
Người chăm sóc cũng là người bị thương!
Không ai có thể là một người Samari nhân hậu, nếu người đó không nhận ra mình ngày hôm nay được khỏe mạnh là do sự giúp đỡ của ngày hôm qua khi mình gặp nguy hiểm. Tất cả chúng ta đều được Tin Mừng hôm nay mời gọi nhớ tới những người đã giúp đỡ chúng ta. Chúng ta được Chúa Giêsu yêu cầu phải biết ơn họ. Như thế, chúng ta có thể bắt đầu yêu người thân cận như chính chúng ta.
Nếu vậy, những người chưa bao giờ bị đánh bất ngờ hoặc luôn mạnh khỏe có nguy cơ không thể yêu nhau chăng? Có lẽ mức độ tình yêu của họ không được cao hơn những người khác, trừ khi họ nhận ra vận may của họ. Nếu, không gặp nguy hiểm lớn, họ nghĩ rằng họ tốt hơn những người khác thì họ sẽ không bao giờ yêu ai.
Phải chăng những người không bị tổn thương nặng nề, không cần phải biết ơn nhiều hơn đối với những người đã yêu mình ? Phải chăng chúng ta là người kito hữu, chúng ta lại không nên biết ơn Thiên Chúa nhiều hơn, vì tình yêu của Ngài luôn luôn đi trước chúng ta đó sao?
Như vậy, chỉ có Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài luôn là một bệnh viện dã chiến, nơi có những người chăm sóc,  cũng có những bị tổn thương. Ca dao Việt Nam chúng ta thường nói: “Làm phúc nhưng phải tội”!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
=================
Suy niệm 2
Lc 10, 25 – 37

Ông Môsê dạy dân Do Thái rằng: “Hãy yêu thân nhân như chính mình”.
Ở Việt Nam, ông cha chúng ta dạy con cháu rằng: “Khôn ngoan đối đáp người  ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Gần như mọi người trên thế giới đều nghĩ rằng: sống được như thế thì cũng tốt rồi. Nhưng Đức Giêsu cho rằng như thế thì chẳng có gì đặc biệt. Chúa bảo rằng người tội lỗi cũng biết yêu người thân của mình. Chúa khẳng định rằng: “Phải yêu và chúc lành cho kẻ thù mới xứng đáng là con của Cha trên trời, Đấng cho mặt trời mọc lên để soi cho người lành và người dữ bằng nhau”. Nói như thế, Chúa cũng chưa hài lòng, vì LỜI ấy chỉ là Ý của Chúa. Chúa còn muốn dùng dụ ngôn “Người Samari nhân từ, để nói lên hết cả TÂM lẫn Ý. Chúng ta cần phan tích dụ ngôn này, để cảm nghiệm được tấm lòng của Chúa.
Chúa cố tình cho người Samari đóng vai lý tưởng. Mà người Samari, dưới con mắt của người Do Thái chỉ là người đáng nguyền rủa. Người Samari dù là đồng đạo, đồng bào, mà vẫn bị người Do Thái coi như người ngoại đạo và ngoại quốc. Hơn thế nữa, người Do Thái còn ra vạ tuyệt thông tiền két cho cả người lẫn đất Samari. Giao tiếp với người Samari là mắc uế. Đặt chân lên đất Samari cũng bị mắc uế.
Cho người Samari đóng vai lý tưởng, thì đồng thời cho hai nhân vật đáng kính Do Thái là ông tư tế và ông trợ tế đóng vai ích kỷ. Hai nhân vật này của xã hội Do Thái tương đương với linh mục và thầy phó tế của chúng ta hôm nay. Sau khi cho hai nhân vật đáng kính đóng vai ích kỷ, Chúa kết thúc dụ ngôn bằng một câu nặng như búa bổ, đó là Chúa bảo ông sư phụ của dân Do Thái rằng: “Ông hãy về và làm như thế”. Một bậc thầy của dân Do Thái mà bị bắt phải bắt chước một người bị vạ tuyệt thông. Đau và nhục ngoài sức tưởng tượng.
Tại sao Chúa nặng lời quá như vậy? Đó là cái TÂM của Chúa. Chúa quá bức xúc thấy loài người ghét nhau nhiều quá. Ghét nhau giữa các quốc gia tạo nên chiến tranh trên suốt dòng lịch sử của loài người và của mỗi quốc gia. Người ta giết nhau và còn ca tụng các chiến thắng, rồi quên thưởng những người chiến bại.
Đó là chuyện chiến tranh giữa các quốc gia, còn có cả cuộc chiến tranh về tôn giáo về ý thức hệ. Ngoài những cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các quốc gia, giữa các tôn giáo, giữa các ý thức hệ, lại còn có cả chiến tranh trong nội bộ các gia đình. Giận nhau, đánh nhau và không thèm nói chuyện với nhau cũng là chiến tranh, mà nạn nhân hầu hết là bé thơ.
Biết bao nhiêu người, ngay cả những người nhớ thuộc lòng dụ ngôn “Người Samari nhân từ” này vẫn thở dài và rên siết rằng: “Thù này là thù truyền kiếp, không tha được”; “Thà là xuống hỏa ngục, chứ tha thì không”; “Chúa bảo tha, nhưng tôi không tha. Chúa khác, tôi khác”… Những câu thở dài như thế vẫn diễn ra hằng ngày trong xóm làng, trong giáo xứ…
Vậy chúng ta thử nghĩ xem, Chúa thao thức biết chừng nào khi nghe những lời như thế. Vậy mà chúng ta vẫn cứ nghe và vẫn cứ tỉnh bơ. Buồn ơi là buồn. Chúng ta nên âm thầm cúi mặt xin lỗi Chúa và quyết tâm làm sao cho Chúa giảm buồn, thôi buồn.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Để được sống đời đời
Lc 10, 25-37

Được sống đời đời là khát vọng sâu thẳm, mãnh liệt và tha thiết nhất của con người. Đã là người thì ai cũng khát khao được sống, không chỉ là sống lây lất trên cõi đời nầy, nhưng là được sống trong hạnh phúc mãi mãi đời sau. Nếu chiếm hữu được cả thế gian làm cơ nghiệp mà không được hưởng sự sống đời đời thì cũng chẳng đến đâu!
Do đó, từ thâm tâm mỗi người phát sinh một câu hỏi quan trọng: Tôi phải làm gì để được sống đời đời?
Câu hỏi nầy cũng đã được thầy thông luật đặt ra với Chúa Giê-su hôm xưa: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”
Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp. Ngài gợi ý cho ông tự tìm kiếm câu trả lời. Ông đáp: Muốn được sống đời đời thì: “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi và hãy thương mến anh em như chính mình.”
Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống."
Qua đối thoại nầy, Chúa Giê-su trao cho chúng ta chìa khóa để vào thiên đàng, đó là kính mến Chúa hết lòng và yêu thương người khác như bản thân mình.
Điều đáng lưu ý là trong hai bổn phận nầy, việc nào trọng hơn?
Nhiều người cho rằng: Chúa là trên hết, là Đấng tạo dựng trời đất muôn vật muôn loài và sinh ra chúng ta… nên phải hết lòng kính mến thờ phượng Ngài; còn những người chung quanh chỉ là người phàm hèn mọn, nên không cần phải yêu thương phục vụ, miễn là đừng làm điều ác cho người khác là được rồi.
Vì thế, họ cho rằng chỉ cần giữ tròn luật mến Chúa, chủ yếu là siêng năng tham dự Thánh lễ, đọc kinh lần hạt… Còn việc yêu thương phục vụ người khác là thứ yếu, làm được thì tốt, không thực hành cũng chẳng sao. Thế là người ta lơ là, không quan tâm giúp đỡ những người bất hạnh chung quanh.
Sống đạo như thế là thiếu sót, không đúng với giáo huấn của Thiên Chúa và Hội thánh.
Không cứu giúp người bất hạnh là trọng tội
Thờ ơ, vô cảm, không ra tay cứu giúp người bất hạnh là trọng tội. Tại sao?
Bởi vì Hội thánh dạy rằng: “Chúa Giê-su đồng hóa mình với những người cùng quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những kẻ trần truồng, đau yếu và những kẻ bị tù đày...[1]” Nói khác đi, Chúa là một với những người khốn khổ cũng như với mọi người chung quanh.
Và Chúa Giê-su cũng khẳng định rằng: "Mỗi lần các ngươi làm điều gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25, 40).
Như vậy, hai điều răn mến Chúa và yêu người trở thành một. Thiên Chúa hiện diện nơi mỗi người, trở nên một với mỗi người… Do đó, phục vụ con người là phụng sự Thiên Chúa; lơ là, vô cảm với người bất hạnh là bỏ rơi chính Chúa.
Chúa Giê-su cũng nghiêm khắc cảnh báo rằng: Những ai lơ là, không quan tâm phục vụ người bất hạnh thì phải mang hậu quả tai hại về sau. Đến ngày phán xét, Ngài sẽ nói với những người đó rằng: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời… vì xưa Ta đói, các ngươi chẳng cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; … Ta đau yếu, các ngươi chẳng viếng thăm” (Mt 25, 41).
Lạy Chúa Giê-su,
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con quy luật mến Chúa yêu người như là chìa khóa mở cửa thiên đàng, giúp chúng con được sống đời đời với Chúa trên thiên quốc.
Xin giúp chúng con biết vận dụng chìa khóa nầy để tiến vào cõi phúc bằng cách tôn trọng, yêu mến và phục vụ Chúa đang hiện diện nơi những người chung quanh. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà 

[1] Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” số 22 của Đức Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô
=================

Suy niệm 4
NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI LÀ AI?

Lắm lúc, cụm từ ‘người thân cận’ khiến chúng ta chỉ liên tưởng đến ‘người thân của ta’ và ‘người gần gũi hoặc người cạnh bên ta’! Đặt trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay ‘dụ ngôn người Sa-mi-ri-a nhân hậu’, thì hạn từ ‘thân cận’ vượt lên trên ý nghĩa Hán từ hẹp này.
Như chúng ta biết, người Do Thái và người Sa-ma-ri-a không ưa nhau. Có thể nói họ như ‘mặt trời với mặt trăng', chẳng bao giờ giáp mặt, và không muốn giao thiệp hoặc không muốn tiếp xúc. Trong một trình thuật khi Chúa Giê-su đến xin người phụ nữ Sa-ma-ri-a nước uống tại giếng Gia-cóp ngay giờ ngọ, thì phản ứng đầu tiên của cô ta: hết sức ngỡ ngàng “ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một người phụ nữ Sa-ma-ri-a, cho ông nước uống sao?” (Ga 5, 9). Đã chẳng giao thiệp với nhau, thì không thể nói đến việc ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ nhau khi hoạn nạn! Tuy nhiên, người Sa-ma-ri-a tốt lành đã vượt thắng định kiến, quy tắc ấy, mà cứu giúp người bị cướp đánh nửa sống nửa chết trên đường đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-kô. Qua đây, Chúa Giê-su lột tả định nghĩa ‘người thân cận’ là ai, hầu đáp lời người thông luật, mặc dù ông ấy hỏi thử Ngài (x. Lc 10, 25), cũng như chứng tỏ ông ta có lý (x. Lc 10, 29).
Trong dụ ngôn, Thánh sử Lu-ca không cho biết người bị nạn là người Do Thái hay người Sa-ma-ri-a, nhưng cho dù là người Do Thái chăng nữa, người Sa-ma-ri-a đi đường tận mắt thấy tha nhân bị nạn, liền bỏ hết mọi suy nghĩ đố kị, não trạng định kiến, tư tưởng so đo tính toán, v,v…, chỉ tập trung cứu giúp người bị rơi vào tay kẻ cướp. Rõ ràng, người Sa-ma-ri-a này sống điều răn ‘mến Chúa, yêu người’ không chỉ trên đôi môi, hoặc bằng lời nói, ngôn từ, mà chắc hẳn đã thực hành giới răn “yêu tha nhân như chính mình” (x. Lv 19, 18; Mt 5, 43 và 22, 39). Đúng như lời tác giả sách Đệ Nhị Luật xác quyết trong bài đọc I “…mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành’” (Đnl 30, 11-12). Giới răn yêu thương Chúa dạy chẳng xa xôi, chẳng phải trên chín tầng trời, vạn tầng mây, mà nó trước mắt chúng ta, ngay trong lòng chúng ta. Vì vậy, “miễn là anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Ngài, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ” (Đnl 30, 10). Tắt một lời, thực hành giới răn bác ái cách cụ thể trong suốt cuộc đời của mình!
Thứ đến, định nghĩa ‘ai là người thân cận của tôi’ mà Chúa Giê-su giải đáp rất ư rõ ràng, không chút mơ hồ hay khó hiểu, rằng: người thân cận của tôi là người cần đến sự giúp đỡ của tôi. Họ có thể là những người tôi chẳng hề biết, hoặc chưa bao giờ gặp, nhưng họ cần đến sự giúp đỡ của tôi, thì họ là người thân cận của tôi. Vì thế, người thân cận của tôi có thể là người tôi biết hoặc không biết, có thể là người bên cạnh tôi hoặc người ở xa tôi, có thể là người thân của tôi hoặc không thân, miễn là họ đang cần đến sự giúp đỡ của tôi, “người thân cận của tôi chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp” (x. Lc 10, 37). Vì thế, giáo huấn “hãy yêu thương kẻ thù, và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con” (Mt 5, 44) cũng là một phần trong giới răn yêu thương và ‘kẻ thù, kẻ ngược đãi, người không ưa mình hoặc mình không ưa’ có thể là ‘người đang cần đến chúng ta, đang cần sự giúp đỡ của chúng ta’, và như vậy, họ là ‘người thân cận của ta’. Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh ‘kẻ thù, người chẳng ưa’ thì quá khó cho chúng ta ‘yêu thương họ và cầu nguyện cho họ’! Thế nhưng, nếu nhìn với lăng kính theo dụ ngôn Sa-ma-ri-a nhân hậu, thì chúng ta có thể tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho những ai theo thói thường chẳng thể nào tha thứ, yêu thương hay cầu nguyện cho!
Bên cạnh người Sa-ma-ri-a tốt lành, chúng ta cũng không thể nào bỏ qua hai nhân vật vĩ vọng, có thế giá trong dân Is-ra-el, đó là: thầy tư tế (lo việc tế tự, phụng tự trong Đền thờ, người đại diện dân chúng dâng hương cho Thiên Chúa trong nơi Cực Thánh), và thầy Lê-vi (dòng dõi được tuyển chọn chuyên lo việc tế tự). Nhìn vào chức vụ của họ, chúng ta cũng biết: họ đang trên đường lên Đền thờ để thực thi việc phụng tự, cho nên họ phải giữ gìn bản thân sạch trong kể cả tâm hồn lẫn ngoài thể xác. Tuy nhiên, Chúa “muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Mt 9, 13). Ngài mong chúng ta thực thi bác ái, sống giới răn yêu thương, chứ đâu cần lễ tế! Ngài nào muốn chúng ta viện dẫn những quy định, lề luật để không sống mến yêu! Ngài nào muốn chúng ta lấy trách vụ làm cớ tránh thực hành đức ái! Ngài nào muốn chúng ta lệ luật hòng biện minh, lấy cớ không sống yêu mến người thân cận! Ngay cả Chúa Giê-su dạy: “khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với mình, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (x. Mt 5, 23-24). Việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa là điều hết sức quan trọng, nhưng cho dù vậy đi chăng nữa, ‘hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ’, mà tiên vàn ‘đi làm hoà’, sống thực thi đức ái, sống giới răn yêu thương, trợ giúp người thân cận đang cần giúp đỡ, rồi sau đó ‘trở lại dâng lễ vật của mình’. Trên thực tế, không ít người trong chúng ta rơi vào tình trạng như thầy tư tế và thầy Lê-vi! Chúng ta nại vào phận vụ hoặc dựa vào lối suy nghĩ ‘tôi không giúp thì ắt có người khác sẽ giúp!’ hoặc ‘tôi cũng đang cần giúp mà có ai giúp tôi đâu’, hay tệ hơn ‘tôi không giúp được họ vì ngoài khả năng’, nhưng thực chất ‘dư khả năng!’ Lắm lúc, chúng ta viện dẫn rằng ‘không có thời gian’, hoặc ‘bận rộn với công việc’ mà không trở nên ‘người Sa-ma-ri-a nhân lành’!
Để kết thúc, xin mượn lời xác quyết của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi giáo đoàn Cô-lô-xê: “Nhờ máu Thánh Tử (Đức Giê-su Ki-tô) đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (x. Cl 1, 20) một lần nữa khẳng định: chúng ta được cứu độ nhờ bửu huyết châu báu của Con Một Thiên Chúa, chứ chẳng bởi chức vụ, vai vế, trọng trách, điều lệ, tài năng, thành quả bản thân, tiền tài, danh vọng v.v…! Chính vì vậy, chúng ta được mời gọi sống bác ái cách cụ thể, trở nên người Sa-ma-ri-a nhân lành, vượt lên mọi rào cản hay vách ngăn do não trạng, đầu óc cục bộ, định kiến, lề thói, tập tục, thói quen, ngỏ hầu nhận ra người thân cận, những ai đang cần giúp đỡ ngay trong đời sống hằng ngày nơi gia đình, cộng đoàn, hội dòng, giáo xứ, giáo phận, và ngoài xã hội, như lời Chúa Giê-su nói với người thông luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy (làm như người Sa-ma-ri-a tốt lành)” (x. Lc 10, 37).
Lạy Chúa, bao lần con tự hỏi:
Người thân cận của con là ai?
Ngài xoa đầu, đáp lại nhỏ nhẹ:
Bất kể ai đang cần giúp đỡ!
Nào dang rộng đôi tay thương yêu
Chia san lòng trìu mến lân ái
An ủi cõi lòng với tâm can. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 5
“Yêu Bằng Việc Làm”.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là câu chuyện đẹp về tình yêu thương. Người Samaritanô nhân hậu đã sống đức yêu thương cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”.
“Ai là anh em tôi?”. Khi đặt câu hỏi như thế, vị tiến sĩ luật hy vọng rằng, Vị Thầy sẽ đưa ra cho ông một phẩm trật giữa những người gần gũi phải giúp đỡ và những người xa lạ, không cần quan tâm, không cần để ý đến. Câu trả lời của Chúa Giêsu đã quay ngược hoàn toàn câu hỏi. Người anh em, chính là người có lòng thương cảm, ra tay nâng đỡ, cứu giúp những ai đang gặp khó khăn, thử thách, đau khổ, thất vọng. Chúa nói với vị luật sĩ: “Ông hãy đi và làm như vậy”; Ông cứ quảng đại nhân hậu và chạnh thương với mọi người, ông sẽ trở thành người thân của mọi người và mọi người sẽ là người thân của ông.Tấm gương người Samaritanô nhân hậu đã được Đức Thánh Cha Phanxicô đề cao trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
1. Vô cảm và quan tâm
Chúa Giêsu kể dụ ngôn: một người ở Giêrusalem xuống Giêricô, giữa đường bị bọn cướp trấn lột, đánh cho nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Thầy Tư Tế đi qua, thấy vậy liền lãng tránh. Thầy Lêvi đi tới cũng chẳng ngó ngàng, bỏ mặc nạn nhân. Họ “tránh qua” một bên để đi, thật lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, họ vẫn tự cho mình là những người đạo đức, không dám sờ chạm đến người bị nạn vì sợ bị nhiễm uế. 
Một người ngoại đạo Samari đi ngang, thấy người lâm nạn nên đã quan tâm, liền cúi xuống băng bó, đặt lên lưng lừa đưa về quán trọ, nhờ chủ quán săn sóc rồi trả hết mọi phí tổn. Người Samari “tới gần” nạn nhân nửa sống nửa chết. Ông “chạnh lòng thương” nên đã đi vào nếm cảm cảnh khốn cùng “bị tước đoạt, bị cướp bóc” như nạn nhân; chạnh lòng thương là cùng đớn đau nỗi khổ ải bất lực “nửa sống nửa chết” của người ấy. Đây chính là điều bất ngờ và làm thành ý nghĩa độc đáo của dụ ngôn. Người Samari đã sống luật yêu thương một cách trọn vẹn, không chỉ là lòng thương cảm mà “yêu bằng việc làm”,  làm với hết khả năng của mình.
Đạo của Chúa Giêsu là Đạo Thiên Chúa làm người, rất gần gũi với con người. Vì con người là con đường của Giáo hội (Thánh Gioan Phaolô II). Người Đông Phương lấy chữ nhân mà định nghĩa con người: nhân là người, nhân là nhân ái là lòng thương người.
2. Tình yêu và lề luật.
Qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể, tôi thấy rằng, cái khác biệt sâu xa giữa Kitô giáo và Do thái giáo, đó là: một bên là đạo của tình yêu, một bên là đạo của lề luật. Tư Tế và Lêvi tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước. Người Samari tượng trưng cho những người sống tình yêu. Những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật thành văn. Thấy người bị nạn, người Samari tốt lành đã động lòng xót thương. Lương tâm và tình thương đồng loại thúc đẩy anh cứu giúp người bị nạn đến nơi đến chốn bất chấp nạn nhân là người Do Thái thuộc dòng tộc có hiềm khích với dòng tộc của anh. Cung cách hành xử đầy tình thương này mới làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Nhìn từ lăng kính luật pháp Do thái, hai ông Tư Tế và Lêvi đã không sai. Luật Cựu Ước dạy rằng, Tư Tế không được đụng vào thây người chết vì sợ bị ô uế. Nếu ô uế thì không được phục vụ trong đền thờ. Nạn nhân dở sống, dở chết, tức là có thể chết. Hai người Tư Tế và Lêvi không dám chạm đến người có thể chết. Họ lựa chọn lề luật. Sách luật (Lv 21) ghi rõ điều khoản luật này khi nhắc đến Tư Tế và người chết.
Người Samari lựa chọn bác ái. Ông không ngại chạm đến người dở sống dở chết này. Ông chăm sóc, lo lắng cho bệnh nhân như người thân và đã vượt quá giới hạn lề luật để sống theo bác ái. Khi phải lựa chọn giữa lề luật và bác ái, người nhân hậu lựa chọn bác ái dù biết các ràng buộc của lề luật. Người ấy không bỏ qua lề luật, không đả phá lề luật nhưng vượt trên lề luật nên đã làm trọn lề luật.
Chúa Giêsu hỏi người thông luật: “Ai là người thân cận của nạn nhân đã sa vào tay kẻ cướp?”. Người ấy đáp: “Người đã đem lòng từ bi thương nạn nhân”. Chúa Giêsu đã khéo léo lái vấn đề từ câu hỏi người thông luật: ai là người thân cận của tôi? sang gợi ý tuyệt vời của Ngài: tôi là người thân cận của ai? Trả lời câu hỏi này có lẽ phải đi từ cuộc sống cụ thể của mình. Khi tôi đến gần ai để phục vụ với tình yêu thì tôi trở thành người thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy thành người thân cận với tôi. Ai cũng có thể trở thành người thân cận của tôi nếu tôi yêu thương họ bằng tình yêu mà Chúa đã thương yêu tôi. Chúa Giêsu nói với người thông luật: “Ông hãy đi và hãy làm như vậy”. Ông cứ quảng đại nhân hậu và chạnh thương với mọi người, ông sẽ trở thành người thân của mọi người và mọi người sẽ là người thân của ông.
Luật bác ái vượt trên mọi lề luật khác.Mến Chúa và yêu người là cốt lõi của Kitô giáo. Chúa Giêsu dạy rằng: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ Lời Thầy”. Đạo của Thầy Giêsu là Đạo Tình Yêu. Yêu Chúa, Yêu Người là hai mặt của một tình yêu duy nhất. Yêu Chúa đích thực thì phải yêu người. Thánh Gioan viết: “Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối”. Đối với Thánh Phaolô: “Yêu thương là giữ trọn lề luật”. Lề luật không phải được lập nên cho người có tình yêu mà cho người không có tình yêu. Nếu không có tình yêu thì việc làm theo lề luật có tốt đến đâu cũng vô giá trị: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”. Thánh Augustinô khuyên nhủ: cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Tình yêu sẽ cho biết ta phải làm gì.
3. Luật “Good Samaritan”
Theo tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc (Úc): “Dưới ảnh hưởng của Phúc Âm Luca, chữ “Samaritan” trở thành biểu tượng của sự từ ái nói chung. Và từ thế kỷ 17, nó nhập vào kho từ vựng tiếng Anh, với nghĩa là người có thiện tâm, biết đồng cảm với nỗi đau của người khác và không ngại cứu giúp người khác. Không phải chỉ giới hạn trong văn chương. Nó còn biến thành luật. Trong thuật ngữ luật pháp, có chữ luật “Good Samaritan” rất phổ biến, với ý nghĩa là “một người nào đó sẵn sàng cứu giúp một kẻ khác đang bị thương hoặc có nguy cơ bị thương chỉ vì thiện chí và không hề tính toán đến chuyện được đền đáp hay bất cứ một phần thưởng nào khác”.
Nội dung khái niệm luật “Good Samaritan” thay đổi theo từng nước. (Xem bài: “The Good Samaritan Law Across Europe” của The Dan Legal network trên https://www.daneurope.org). Ở một số nơi, luật ấy chỉ quy định miễn thuế trên số tiền người dân cống hiến cho các quỹ từ thiện cũng như miễn tội cho những thiệt hại hay những sai phạm có tính kỹ thuật mà những người muốn cứu giúp người khác có thể mắc phải trong lúc khẩn cấp. Ở một số nước, như Pháp hay Đức, luật “Good Samaritan” còn buộc tội bất cứ ai thấy người gặp nạn cần cứu giúp mà không cứu giúp, từ những người gây ra tai nạn (ví dụ tài xế), đến thân nhân nạn nhân (bố mẹ, anh em trước những nguy hiểm của người thân trong nhà) đến cả những người đi qua đường.
Tại Úc, luật “Good Samaritan” chỉ giới hạn trong việc miễn truy tố những thiệt hại do người có thiện chí cứu giúp người khác gây ra (nếu có) nhưng lại không kết tội những kẻ bàng quan vô cảm (trừ đối với những kẻ gây ra tai nạn). Gần đây, đối diện với hiện tượng dửng dưng trước những người gặp tai nạn cần được cứu giúp, nhiều người, đứng đầu là Giáo hội Công giáo tại Úc, đề nghị thêm vào luật “Good Samaritan” một điều khoản mới, về bổn phận giúp đỡ người khác (duty to aid). Nội dung của điều khoản này là: việc cứu giúp người bị nạn không phải chỉ là một vấn đề đạo đức mà còn là một vấn đề pháp lý; không phải chỉ là chuyện thuộc lương tâm mà còn là bổn phận của mọi công dân. Theo luật này, ai thấy người khác đang gặp nạn mà không ra tay cứu giúp có thể bị truy tố và phạt tội. Dĩ nhiên, cái gọi là “cứu giúp” ở đây còn tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của từng người. Nhưng ít nhất, có một điều tối thiểu mà ai cũng làm được: kêu cứu (gọi người chung quanh, báo cho cảnh sát hoặc sở cấp cứu). (x. https://en.wikipedia.org/wiki/Good_Samaritan_law).
Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai tại nguyện đường Thánh Mácta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng về dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Đoạn kết, ngài nói: Một số nhà Thần Học cổ đại nói rằng, dụ ngôn người Samariatanô nhân hậu chứa đựng “toàn bộ Tin Mừng”. Mỗi người trong chúng ta đều là một người bị thương nằm ở đó và người Samariatanô chính là Chúa Giêsu. Ngài đến gần chúng ta. Ngài chăm lo cho chúng ta. Ngài thanh toán phí tổn cho chúng ta. Ngài chữa lành những vết thương của chúng ta. Và Ngài nói với Giáo hội của Ngài rằng: “Nếu cần nhiều hơn, thì xin bạn cứ ứng ra dùm, khi nào tôi trở lại thì tôi sẽ trả cho bạn. Anh chị em hãy suy nghĩ cho thật kỹ nhé: Toàn bộ Tin Mừng đều nằm trong đoạn này”. (Theo Vatican News – gs – 08.10.2018).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là những người Samaritanô của thời đại này, biết “yêu bằng việc làm” để chúng con trở nên dấu chỉ hữu hiệu cho Tin Mừng Tình Yêu của Chúa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
================= 
Suy niệm 6
Hãy làm như người Samaritanô

(Lc 10, 25-37)
Hôm nay, chúng ta tự hỏi: "Ai là anh em của tôi?" (Lc 10,29).
Chuyện kể rằng, một số thầy người Do thái thấy một thầy Do thái kia hay vắng mặt vào giờ cầu nguyện Thứ Bẩy hằng tuần. Các thầy kia nghi ngờ người anh em có gì bí mật với Thiên Chúa, nên bàn bạc với nhau cử một thầy ta theo dõi người anh em… Thế là, ông thầy được cử tò mò tìm kiếm, nhưng thật xúc động vì thấy người anh em mình vào chiều Thứ Bẩy đến một khu phố nghèo trong thành dọn nhà cho một bà đang bị bại liệt, và phục vụ giúp bà, chuẩn bị bữa cơm cho bà. Khi điệp viên trở về, những thầy Do thái ở nhà đã hỏi: "Ông ấy ở đâu? ở trên trời, trên các tầng mây hay giữa các vì sao ?". Thầy được sai đi trả lời: "Không, người anh em của chúng ta đã được đưa lên nơi rất cao".
Yêu bằng hành động
Yêu người thân cận thể hiện bằng hành động cụ thể là cao cả nhất; vì đây là lúc mà tình yêu được thể hiện. Chỉ có mình Chúa Kitô kêu lên, “thấy người nghèo, đừng bỏ đi qua” để thức tỉnh lòng bác ái nơi các môn đệ. Công đồng Vatican II trong một tài liệu đã chép: Làm "người Samaritanô" có nghĩa là thay đổi kế hoạch của mình ( "đến gần anh ta"), dành thời gian để ("chăm sóc anh ta")... Điều này cũng là chúng nghĩ đến các nhân vật của quán trọ, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: "Người Samaritanô đã có thể làm mà không có chủ quán? Thật vậy, người chủ quán, người vô danh ấy, đã thi hành nhiệm vụ cách cao cả. Tất cả chúng ta cũng có thể hành xử như ông ta, hoàn thành nhiệm vụ của riêng mình với tinh thần phục vụ. Tất cả chúng ta đều có cơ hội, nhiều hay ít trực tiếp hay gián tiếp, để giúp đỡ những người cần giúp. Trung thành thi hành sứ vụ là yêu mến mọi người.
Hãy vứt bỏ sau lưng cái chưa cần thiết để đón nhận người đang cần đến chúng ta, (người Samaritanô nhân hậu) và ông chủ quán đã làm việc của mình với tình yêu, cả hai đều thể hiện tình yêu bằng việc làm cụ thể. Chúa Giêsu đã hỏi nhà thông luật: "Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rời vào tay bọn cướp?" Và Chúa bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy " (Lc 10,36-37).
Chúa Giêsu chính là người Samaritanô
Chúa Giêsu Kitô tự nhân mình là người Samaritanô đi ngang qua, khi những người Pharisiêu xúc phạm Chúa và nói: "Ông là một người Samaritanô và là người bị quỷ ám" (Ga 8,48 )... Vậy người hành hương Samaritanô là chính Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu thực sự là một lữ hành đã gặp con người bị thương do tội lỗi, do ma quỷ, thế gian tra tấn, đang nằm sõng soài trên mặt đất. Chúa đã không bỏ qua, bởi vì mục đích cuộc hành hương của Chúa nhằm để "viếng thăm chúng ta" (Lc 1,68.78). Người đã từ trời lữ hành xuống thế và cư ngụ giữa chúng ta. Người không chỉ "xuất hiện trên đất, nhưng còn sống và trò chuyện với con người" (Br 3,38)...
Người đã đổ rượu, rượu của Lời Chúa trên các vết thương của chúng ta, và như mức độ nghiêm trọng của vết thương không thể chịu được, Người đã pha trộn rượu với dầu là sự êm dịu của Người và "tình yêu Người dành cho nhân loại" (Tit 3 4)... Sau đó, đưa con người đến quán trọ. Quán trọ ở đây là Giáo hội, Giáo hội đã trở thành nơi ở và nơi ẩn náu của toàn dân... Chính Chúa Kitô ở trong Giáo hội, Người trao ban hồng ân... Quán trọ ở đây còn là nhà chầu có chủ quán là Chúa Giêsu đón mời. Các Thánh Tông Đồ và Các Mục Tử, Các Tiến Sĩ và những người kế vị tượng trưng cho chủ quán trọ… Các ngài chăm sóc bệnh nhân là chúng ta bằng Lời Chúa, Cựu Ước và Tân Ước, bằng Lề luật Thánh và các tiên tri.
Hãy đi và làm như vậy
"Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37, đó là lời của Chúa Giêsu dành cho nhà thông luật khi xưa. Hôm nay, Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta "Hãy đi và làm như vậy".
Có người hỏi: Hãy đi và làm như vậy là thế nào ? Là làm như người Samaritanô nhân hậu đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaritanô nhân hậu bên cạnh những người chúng ta gặp và chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: Ai là anh em tôi? Nhưng hãy đi và tỏ ra mình là anh em của mọi người. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không có đạo. Nhưng hãy đi và làm như người Samaritanô kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, gặp người đau khổ phải cứu giúp. Cần vượt qua quan niệm hẹp hòi, đi đến tình huynh đệ phổ quát.
Thánh Gioan Phaolô II giáo hoàng nói : "Người Samaritanô nhân hậu là bất kỳ ai nhạy cảm với nỗi đau khổ của người khác, là người "cảm động" trước bất hạnh của người lân cận mình. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng sự nhạy cảm của trái tim, vì nó làm chứng cho lòng trắc ẩn của ta đối với những người đau khổ".
Lạy Chúa, mỗi lần chúng con thấy người anh em mắc nạn, xin giúp chúng con biết hành động thương xót anh em như Chúa đã thương xót chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 7
YÊU  NGƯỜI  THÂN  CẬN

Dnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10, 25-37
Nhà thông luật hôm nay đứng lên chất vấn để “thử” Đức Giêsu về điều kiện để được “sự sống đời đời”. Còn Đức Giêsu lại trắc nghiệm cho ông thấy điều kiện để được sống đời đời là “làm”, là thực hành đúng nghĩa, chứ không phải chỉ thuộc lòng thông thạo, hay nắm chắc lý lẽ của giới luật yêu thương.
Phần lý thuyết ông đã “thông” lắm rồi, nhà thông luật cơ mà! ấy là mến Chúa hết lòng hết sức, yêu người thân cận như chính mình. Nhưng mà cái “khung trời yêu thương” của ông có ranh giới hạn định, nên ông thắc mắc vặn lý: “Nhưng ai là người thân cận của tôi”? (Lc 10,29). Đức Giêsu trả lời bằng câu chuyện ba người gặp nạn nhân bị đánh nửa sống nửa chết nằm đó. Hai thầy tư tế và thầy Lêvi không muốn dây dưa nên tránh qua bên kia mà đi an phận. Còn người Samari vô danh kia đi qua thấy thì “chạnh lòng thương”, ông gác lại công việc để cúi xuống, xắn tay sẵn sàng lo hết cho một người lạ không hề quen biết. Thật rõ ràng người Samari đã trở thành “người thân cận”, thành ân nhân số một của nạn nhân, vì đã “thực thi” lòng thương xót đối với người ấy, nên vấn đề chỉ còn là hãy đi và “làm như vậy”, tôi sẽ có cơ man là người thân cận ấy chứ!
Người thân cận là những người sống bên ta dưới cùng một mái nhà, người anh em họ hàng ruột thịt, bạn bè lối xóm… Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta đi xa hơn, vượt khỏi ranh giới kia để trở thành người thân cận của nhau, bất cứ ai mà ta gặp trên đường đời. Ta được mời gọi trở nên người thân cận với bất cứ ai cần đến ta, để thực hành giới răn yêu thương với đức ái trọn hảo. Dù họ là ai, hèn hạ khó khăn không có khả năng đền đáp, người tội lỗi, thậm chí kẻ thù… Nếu ta thực hành đức ái với họ, sẽ biến đổi từ thù thành bạn, người xa lạ thành anh em gần gũi. Ngược lại có lúc ta lại “làm phúc nơi nao” mà để “cầu ao rách nát”, vì ngoảnh mặt làm ngơ với người ngay bên cần ta giúp đỡ, thì dù có gần bên thì vẫn như người dưng kẻ lạ với nhau. 
Yêu thương là chu toàn lề luật. Yêu thương để được “sống” đời đời, nếu không yêu thương thì tuy sống mà kể như đã “chết” vậy. Ai mến Chúa thì tất sẽ yêu người, vì yêu thương cứu giúp người là thể hiện rõ lòng tin mến Chúa. Thánh Giacôbê nói: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18). Đúng vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”.
Lạy Chúa! vì yêu nên Chúa bỏ trời xuống cứu chúng con, ngay khi chúng con là những tội nhân. Chúa rộng tình yêu thương mà cứu giúp hết thảy mọi người, bất kể họ là ai. Tình yêu của Chúa là tình không biên giới. Chúa còn sẵn sàng “ở trong” con người hèn mọn chúng con nữa. Xin Chúa thực hiện trong con người giới hạn này tình yêu đó, bằng con tim và đôi tay của Chúa, để dù khác biệt mọi sự, tất cả chúng con đều trở thành người nhà, thành con một Cha dấu yêu, bây giờ và mãi mãi. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log