Thứ tư, 25/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIV Thường niên  Năm C

Cập nhật lúc 16:47 30/06/2022
Suy niệm 1
Thiên Chúa giữ gìn
Lc 10, 1-12. 17-20
Chúng ta nói rất nhiều về truyền giáo.Nhưng nên nhờ rằng: Truyền giáo là trình bày tình yêu của Thiên Chúa qua đời sống của Chúa Giêsu, nhất là qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Vì thế, dù thành công hay thất bại trong công cuộc truyền giáo, chúng ta hãy sống theo gương Chúa Giêsu và những lời giảng dạy của Ngài, cụ thể lầ trong bài tin mừng hôm nay. Và nếu có thành công, thì cũng đừng tự hào và quảng cáo. Cha Dagens đã nói: “Nếu bạn tính những thành công của bạn trong công cuộc truyền giáo thì Thiên Chúa không tính”.
Những chỉ dẫn khôn ngoan. “Anh em hãy ra đi! Này Thầy sai anh em đi như con chiên đi vào giữ bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép, cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”.
Theo cách khôn ngoan thông thường,
- Khi phải ra đi để hoàn thành một nhiệm vụ nguy hiểm, chúng ta khôn ngoan trang bị những cách thế bảo vệ cần thiết để đối phó với kẻ thù.
- Không ai tham chiến nếu không có vũ khí hay đạn dược,
- Không ai đi săn thú rừng nếu không có súng hoặc bẫy,
- Không ai sống giữa nhiều người mà không có chút tiền trong túi để đảm bảo nuôi sống mình.
Nhưng đối với công việc truyền giáo thì sao?Anh em hãy ra đi! Này Thầy sai anh em đi như con chiên đi vào giữ bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép, cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”.
Chúa Giêsu chỉ dẫn các môn đệ phải khôn ngoan trên con đường truyền giáo.
- Thật không khôn ngoan! Nếu chúng ta được Thiên Chúa sai đi tham chiến truyền giáo, mà lại dựa vào đạn dược của chính mình.
- Thật không khôn ngoan! Nếu chúng ta nhân danh Chúa Giêsu đem bình an đến mà lại mang đi đủ thứ để nuôi sống mình hoặc dựa vào các mối quan hệ riêng tư.
- Thật không khôn ngoan! Nếu chúng ta loan báo Triều đại Thiên Chúa đã đến gần mà lại mang tiền trong túi.
Tuân theo chỉ dẫn!. Nhóm bảy mươi hai môn đệ trở về hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. Họ tuân theo những chỉ dẫn khôn ngoan đó và họ đã thực hiện đúng.
- Vui chừng nào khi khám phá ra rằng làm theo những chỉ dẫn đơn giản này, ma quỉ phải rút đi, sự bình an ngự trị và Thần khí Chúa đến giữa con người!
- Vui chừng nào, khi khám phá tất cả những điều tốt đẹp có thể được thực hiện cho nhân loại khi nhân danh Chúa Giêsu,
- Thật khôn ngoan, khi đến nơi mà không cần phòng thủ và đạn dược trong nhà!
- Vui chừng nào, khi khám phá ra rằng sự ngọt ngào của Thiên Chúa ngự trong chúng ta có thể xua tan sự ngờ vực và mở cánh cửa ra cho chúng ta!
- Vui chừng nào, khi thấy trái tim mọi người mở ra như mở cánh cửa một ngôi nhà!
- Thật khôn ngoan khi đến giữa mọi người như con chiên, không có sự bảo vệ và không nghi ngờ.
- Thật khôn ngoan khi ở lại trong một ngôi nhà khá lâu miễn là chủ nhà mở cho một chỗ nghỉ.
- Thật khôn ngoan khi rời đi mà không có ác cảm đối với những người đuổi mình đi
- Thật khôn ngoan khi tin rằng: dịu dàng đòi hỏi dịu dàng, tin tưởng tạo nên tin thưởng và sự bình yên mang lại hòa bình.
Chính nhờ khôn ngoan như vậy mà khi các môn đệ đi truyền giáo về, lòng đầy hớn hở vì đã thoát khỏi sự phàm ăn của những con sói...
Được gìn giữ trong đức tin. Anh em chớ vui mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”. Họ vui mừng vì đã nhìn thấy ma quỷ rút, nhưng Chúa Giêsu báo cho họ một niềm vui không thể đo lường được so với niềm vui vì ma quỷ rút lui. Bởi vì ngày hôm đó, các môn đệ chỉ biết một sự phản ánh nhợt nhạt về những gì đang xảy ra trên bầu trờiHọ chỉ nhìn thấy rõ sự sụp đổ hoàn toàn của ma quỷ khi họ được ở trên trời."Tên của họ đã được ghi trên trời". Tên của họ được viết trong sách sự sống. Họ được đặt tên, được Thiên Chúa gọi, được Thiên Chúa gìn giữ cẩn thận.
Chính Thiên Chúa gìn giữ chúng ta khi chúng ta đi truyền giáo như con chiên vào giữa bầy sói! Thái độ này là sự điên rồ trong mắt người đời. Để bước vào một cuộc phiêu lưu như vậy, điều cần thiết là Thiên Chúa giữ giữ chúng ta trong đức tin chống lại tất cả. Lúc đó, chúng ta sẽ có thể khám phá ra rằng sự điên rồ của Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của con người...Chính Thiên Chúa giữ gìn chúng ta để chúng ta tiếp tục tin tưởng. Có những lúc bầy sói như muốn nuốt chửng chúng ta, chúng ta cứ hãy chứng tỏ mình không vũ trang trước họ, Thiên Chúa sẽ giải trừ bạo lực của họ...
Câu chuyện về thánh Phanxicô Assisi và con sói tên là Gubbio: Ngài biết cách thuần hóa sói và làm cho nó dịu dàng như một con chiên. Nhưng tất cả chúng ta không phải là thánh Phanxicô Assisi..Vì thế tốt nhất là hãy thực hiện từng bước về vấn đề này bằng cách cầu xin Thiên Chúa giữ gìn chúng ta trong đức tin để dần dần thực hiện những bước tiếp theo...
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=============
Suy niệm 2
Lc 10, 1-12.17-20
Đức Giê su mở một chiến dịch truyền giáo thật lớn. Số người được sai đi là 72, nhóm truyền giáo thì là 36. Angelo Alberti đã nghiên cứu và trình bày công tác truyền giáo này như sau:
1. Chiến dịch được khởi sự từ Bêtania, bên kia song Giođan.
2. 36 nhóm truyền giáo từ Bêtania tiến thẳng lên phía bắc qua các làng mạc của tỉnh Pêrê, bờ bên tả ngạn sông Giođan. Vùng đất này được người Do Thái gọi là vùng đất dân ngoại.
3. Mỗi nhóm có 2 người. Theo văn hóa Do Thái, thì nếu sự cố nào có hai người thấy, nghe và làm chứng, thì đó là sự thật. Chúa chọn hai người cho một nhóm truyền giáo là một cách “Hội Nhập Văn Hóa”.
4. Chiến dịch này được thực hiện vào lúc thời tiết không nóng như mùa hè, không lạnh như mùa đông. Nông dân lúc đó rất rảnh rỗi, vì mới thu hoạch lúa hè - thu xong. Ai nấy đều đang thư thái, vì lúa nhà nào cũng đầy bồ. Ai nấy đều hân hoan sung sướng vì Lễ Lều sắp tới. Lễ Lều không long trọng bằng lễ Vượt Qua, nhưng lại vui hơn lễ Vượt Qua nhiều. Y như ngày nay: lễ Phục sinh thì long trọng nhất. Nhưng lễ Giáng sinh thì vui hơn nhiều.
5. Đức Giê su mở chiến dịch truyền giáo lớn vào thời gian và thời gian ấy được đánh giá là tuyệt vời. Nếu nói theo kiểu ngày nay thì là “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”.
Những chi tiết trên đây là bối cảnh của chiến dịch truyền giáo. Sau đây là nội dung và bài học của chiến dịch:
Trước khi đoàn truyền giáo lên đường, Đức Giê su nói một câu, mà ai nghe cũng phải thất vọng: “Thầy sai chúng con đi như những con chiên con đi vào giữa bầy sói”. Nói như vậy có khác gì “đem con bỏ chợ”, “từ chết đến chết”. Thế nhưng sau chuyến đi khủng này, các đệ tử phấn khởi báo cáo, khiến Chúa phải thốt lên: “Thầy thấy Sa tan sa xuống như một làn chớp!” Điều đó chứng tỏ công việc truyền giáo đem lại kết quả là do Chúa Thánh Thần chứ không phải do tài đức của các nhà truyền giáo. Đây là một bài học quan trọng mà các nhà truyền giáo không bao giờ được quên.
Về tư cách của người truyền giáo, Chúa dặn dò tỉ mỉ, y như bà mẹ dạy bảo đứa con tuổi mầm non. Nào là không được giắt tiền vào đai lưng, không được mang hai áo, không được mang bị, không được mang giày dép. Đó chỉ là cách Chúa cường điệu chứ không cần áp dụng trăm phần trăm. Chúa còn dặn dò vào nhà nào thì cứ ăn những món người ta dọn cho mà không mặc cảm ăn bám, vì người làm công thì được trả lương. Ý Chúa chỉ muốn rằng người truyền giáo phải dành hết tâm, sức, thời giờ và tiền bạc vào sứ mạng truyền giáo. Thậm chí Chúa còn bảo: “Đừng chào ai trên đường”. Nghĩa là “chào ông, chào bà” thì cứ chào, nhưng đừng chào kiểu rủ nhau kiếm gốc cây nói chuyện phiếm rồi nhậu nhẹt lai rai. Điều này vẫn thường xuyên xảy ra. Đàn ông đi đường thường đem theo bầu rượu. Gặp bạn thân thì cùng ghé một gốc cây nào đó để nhậu.
Công tác của người truyền giáo thì phải lấy người nghèo, người bệnh tật, người lầm đường lạc lối làm đối tượng yêu thương và giúp đỡ.
Truyền giáo là một công tác mà Đức Giê su rất bức xúc. Người truyền giáo phải coi tiền bạc là chuyện nhỏ và phụ thuộc. Đó là điều Đức Giê su nhấn mạnh, vì tiền đã làm hư một vị Tông Đồ mà chính Chúa chọn và đào tạo. Tâm và Ý của Chúa là vậy. Chúng ta phải ngẫm nghĩ và thực hành.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=============
Suy niệm 3
Trao tặng kho báu Tin mừng
Lc 10, 1-12; 17-20
Sứ mạng loan báo Tin mừng cho muôn dân là sứ mạng hàng đầu của Chúa Giê-su và cũng là sứ mạng tối thượng của Hội thánh.
Hội thánh là một Thân thể huyền nhiệm gồm có Chúa Giê-su là Đầu và mỗi một tín hữu là một chi thể trong Thân thể nầy. Do đó, bất cứ ai là chi thể của Chúa Giê-su đều phải tham gia vào sứ mạng cao quý, trọng đại nầy.
Chính vì thế, trước hết, Chúa Giê-su tuyển chọn 12 Tông đồ; sau đó, Ngài chọn 72 môn đệ khác và sai các ngài ra đi loan báo Tin mừng.
Hôm nay, trong thế kỷ 21 này, Ngài tuyển chọn thêm nhiều môn đệ khác, trong số đó phải kể đến một tỷ ba trăm triệu người Công giáo và hơn một tỷ người khác thuộc các Giáo hội của Chúa Ki-tô, để tham gia vào công việc loan Tin mừng cho gần tám tỷ người trên thế giới.
Hôm xưa, khi sai bảy mươi hai môn đệ ra đi, Chúa Giê-su căn dặn các ông rằng : "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về."  Lời căn dặn nầy hôm nay cũng được lặp lại với mỗi người chúng ta.
Đáp lời Chúa mời gọi, chúng ta sẵn sàng cầu xin có thêm thợ gặt, nhưng vấn đề là chúng ta sẽ cầu cho ai đi làm thợ gặt đây?
Ai là thợ gặt của Chúa?
Khi cầu xin cho được bình an, sức khoẻ và may mắn… thì chúng ta cầu cho bản thân mình trước; còn khi cầu cho có người làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa, thì chúng ta cầu Chúa ban ơn đó cho những người khác, ngoại trừ ta!
Nhưng, dù muốn dù không thì chúng ta đã là thợ gặt chính danh ngay từ khi được lãnh Bí tích Thánh tẩy. Nhờ Bí tích nầy, chúng ta trở nên chi thể của Chúa Giê-su và được thông dự vào chức vụ ngôn sứ, tức sứ vụ loan Tin mừng của Ngài. Vậy thì trách nhiệm loan báo Tin mừng là trách nhiệm của chúng ta, của từng chi thể Chúa Giê-su, không thể thoái thác được, trừ phi chúng ta tự tách lìa mình khỏi Thân thể Chúa.
Trao tặng kho báu Tin mừng
Người ta chỉ có thể tặng ban cho người khác những gì mình đang có. Không ai có thể cho điều mình không có.
Vì thế, người đi loan báo Tin mừng cho người khác không thể thiếu thốn Tin mừng.
Tiếc thay, nhiều tín hữu còn ‘nghèo thiếu’ Tin mừng, vì chưa đọc và nghiền ngẫm Lời Chúa dạy hằng ngày, chưa khám phá kho tàng khôn ngoan chứa đựng trong đó và đời sống của họ chưa thấm đẫm Tin mừng!
Nếu Tin mừng của Chúa Giê-su chưa sáng lên trong cuộc đời ta, chưa bừng cháy trong tim ta… thì làm sao chúng ta có thể đem lửa ấy thắp lên cho người khác được? Không ai có thể cho điều mình không có.
Thế nên, việc quan trọng nhất là chúng ta phải đọc và suy niệm Tin mừng hằng ngày rồi mới có thể ban tặng cho người khác được.
Lạy Chúa Giê-su,
Sau khi sống lại, Chúa hiện ra với các môn đệ và phán: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21). Thế là từ hôm đó, Chúa chuyển giao trọn vẹn sứ mạng loan báo Tin mừng mà Chúa nhận lãnh từ Chúa Cha cho các môn đệ cũng như cho chúng con là chi thể trong Thân mình Chúa.
Xin cho chúng con luôn ý thức sứ mạng thiêng liêng cao cả Chúa trao và ra công gắng sức thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, để muôn người khắp nơi được đón nhận Tin mừng và ơn cứu độ của Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà 
=============
Suy niệm 4
SỨ GIẢ BÌNH AN

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta ý thức hơn về ơn gọi và sứ vụ được mời gọi trở nên chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Trước hết, chúng ta được kêu mời trở nên chứng nhân của sự hân hoan. Qua lời ngôn sứ I-sai-ah, chúng ta biết rõ Thiên Chúa hằng chăm sóc, nâng đỡ dân Is-ra-en, và được thấu hiểu đường lối của Ngài, “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sống, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ…Các ngươi sẽ được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối” (x. Is 66, 12). Vì thế, lí do gì phải than khóc, lí do gì mà sầu buồn một khi được Thiên Chúa hướng dẫn, chở che, an ủi, nâng đỡ như vậy! Ngài hằng vỗ về dân Is-ra-en như người mẹ nâng niu con cái mình. Cảm nhận điều này trong đời sống, chúng ta xác tín hơn bước đường theo Chúa thấm đượm niềm vui, hân hoan. Người Ki-tô hữu hoan hỉ vì luôn nghiệm thấy sự ân cần nâng đỡ của Thiên Chúa trong cuộc sống, trong mọi sinh hoạt. Hơn thế, được làm con cái Ngài là niềm hạnh phúc, trổi vượt hơn cả ước mong, “các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa” (Is 66, 14).
Thứ đến, chứng nhân Thập giá Chúa Giê-su Ki-tô: Đã là con người yếu đuối, mong manh, thấp hèn, thì chẳng ai lại tự hào về thập giá khổ đau bao giờ! Tuy nhiên, với con mắt đức tin, chúng ta tin thờ Thánh giá, nhờ Thánh giá Chúa Giê-su Ki-tô, mà chúng ta được Ngài cứu chuộc, được giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi. Vì vậy, noi gương Thánh Tông đồ Phao-lô, chúng ta chẳng giấu niềm tự hào hoặc che lấp Thập giá Chúa Giê-su Ki-tô, “ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về Thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Gl 6, 14). Mỗi lần chúng ta tuyên xưng đức tin qua việc làm dấu Thánh giá trên mình, tuy đơn sơ nhưng mang lại ơn cứu độ; tuy giản đơn, nhưng sinh hoa kết trái dồi dào nơi cuộc sống thường nhật: sống chứng tá, sống tin yêu, sống bênh vực chân lý, sống vị tha, sống bác ái.
Kế đến, chứng nhân/sứ giả của sự bình an Chúa: Khi các cha, sơ, thầy được gửi sang nước ngoài tu học, du học, và hoặc được cho phép đi nghỉ/thăm gia đình, họ hàng bên nước ngoài, hầu hết ai ai cũng háo hức trông chờ ngày lên đường. Tuy nhiên, có một điều nên phân biệt rõ ràng rằng: tất cả các biến cố này đều sẽ diễn ra ở nước ngoài, nhưng đi tu học, đi du học, đi thăm bạn bè, đi mục vụ đều khác biệt với từng mục đích của mỗi phận vụ! Tương tự, khi Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng từng hai người một, Ngài biết rõ sự yếu hèn, chóng quên của họ. Vì thế, Ngài căn dặn kỹ càng trước khi sai họ đi. Trước tiên, Ngài lột tả hiện trạng “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người” (Lc 10, 2), nghĩa là đừng quên cầu nguyện, khẩn khoản nài xin Chủ ruộng, và không bao giờ quên tín thác vào Ngài. Thậm chí phải mang những vật cần thiết khi đi rao giảng chăng nữa, thì cũng không bao giờ bám víu vào chúng, mà quên phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Lời căn dặn của Chúa Giê-su “…đừng chào hỏi ai dọc đường” (x. Lc 10, 4) thoạt nghe, trông như bất lịch sự! Chào người đi đường thì đâu có mất nhiều thời gian, mà sao lại tiếc lời chào! Chẳng lẽ, Chúa Giê-su là người bất lịch thiệp, bất lịch sự vậy ư! Không, không phải vậy; Ngài chỉ muốn dạy các môn đệ, dạy chúng ta: đừng lo chào hỏi, nói vài lời xã giao, rồi chuyện nọ xọ chuyện kia, chẳng bao giờ ngưng, và quên đi phận vụ của mình là rao truyền Nước Trời, làm chứng cho Tin Mừng. Ngoài ra, Ngài còn dặn dò tỉ mỉ “các con đừng đi nhà này sang nhà nọ” (Lc 10, 7). Quả thật, mục vụ - truyền giáo tại nước ngoài, khác xa với việc đi du lịch ở nước ngoài. Đi thưởng ngoạn, đi xem thắng cảnh này đến thắng cảnh kia, đi thăm quan nơi này đến nơi khác thì chắc chắn khác với việc làm mục vụ và truyền giáo. Sau cùng, các môn đệ và chúng ta được sai đi rao giảng Tin Mừng, trở nên sứ giả bình an của Chúa, như Ngài nói: “vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’” (Lc 10, 5). Quả thật, lắm lúc chúng ta trở nên người gieo rắc sự bất an hơn là chia san sự bình an! Nhiều lần chúng ta thông truyền tin buồn thay cho việc loan báo Tin Mừng! Lắm lúc, chúng ta đưa tin vịt, tin đồn thổi, tin rêu rao, tin thất thiệt hơn là tin thật, tin đúng đắn, tin vui!
Nhìn lại ơn gọi và sứ vụ của mỗi chúng ta dù ở bậc sống nào chăng nữa, chúng ta cũng được Chúa mời gọi dấn thân trong tác vụ của mình, hầu trở nên chứng nhân của niềm hân hoan làm con cái Chúa, trở nên chứng tá của Thập giá cứu đời, và trở nên sứ giả bình an của Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con đáp lời
Cất tiếng thưa một đời ‘xin vâng’!
Trở nên chứng nhân ân cần,
Sứ giả an bình, Tin Mừng truyền rao. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=============
Suy niệm 5
“Hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”

Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai. Ngài hiệp hành đào tạo các môn đệ, cho các ông hiệp thông vào tham gia vào sứ vụ cứu độ của mình. Sau đó, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi làm nhiệm vụ thu hoạch vì mùa màng đã nở rộ “lúa chín đầy đồng”. Công việc gặt hái lúa đồng là đem bình an đến với muôn người. Chúa Giêsu căn dặn những lời thiết thực cho sứ vụ các môn đệ. Sứ vụ đó là: lời rao giảng làm rộn lên niềm vui: Nước Thiên Chúa đã đến gần anh chị em; lời chào thân thiện: Bình an cho nhà này; hành trang nhẹ tênh: không túi tiền,không bao bị,không giày dép; việc phải làm: chữa lành những người ốm đau; thái độ phải có: khiêm tốn và siêu thoát, đón nhận những gì người ta cung cấp cho, không tìm kiếm tiện nghi, dễ chịu.
1. Hành trang
Hành trang đi đường chỉ là:  cây gậy, đôi dép, không mang hai áo. Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.Chúa Giêsu còn trao cho các môn đệ những quyền năng của Ngài: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ. Với những hành trang như thế, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động Tông đồ không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa.
2. Sứ vụ
Trao "Sứ vụ” cho các môn đệ, Chúa Giêsu không bảo các ông “phải giảng điều gì". Ngài chỉ căn dặn các ông những chi tiết "phải sống". Đối với Chúa Giêsu, ra đi làm chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.
Trong Tông huấn "Loan báo Tin Mừng", Đức Thánh Cha Phaolô VI quả quyết ít nhất hai lần rằng, phương thức thứ nhất để rao truyền Phúc Âm chính là làm chứng bằng một cuộc sống Kitô hữu đích thực.
Có ba cách làm chứng: nói, làm và sống. Hiệu năng nhất là cách thứ hai và thứ ba. Ai cũng biết nói thì dễ, làm khó hơn, và sống như mình nói lại càng khó hơn nữa. Chính việc làm và đời sống làm cho lời mình nói đáng tin hơn. Nhưng cả khi người ta chưa nói hay không thể nói, chưa làm hay không thể làm một số điều nào đó, thì người ta đã có thể sống điều mình xác tín và muốn chia sẻ. Vậy để loan báo Tin Mừng thuyết phục, người Kitô hữu phải sống thế nào cho cuộc đời mình trở thành đáng tin. Đời sống đáng tin thì tự nhiên lời nói cũng đáng tin. Làm tông đồ, rao giảng Phúc Âm đặc biệt thích hợp cho ngày nay là làm cho đời sống Kitô hữu đáng tin. Như vậy toàn bộ cuộc sống của chúng ta đều phải "làm chứng": lời ăn tiếng nói, cách cư xử, giao tiếp, trong gia đình, ngoài xã hội, khi làm việc, khi vui chơi giải trí... Đối với người có ý thức sứ vụ thì việc gì, khía cạnh nào của đời sống, họ cũng có thể là lời loan báo.
3. “Hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”
Chúa muốn các môn đệ đem đến mọi nhà sứ điệp này: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: bình an cho nhà này!”.Bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với mọi người. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Ngài.
Họ ra đi, mang hạt giống vãi gieo, lúc trở về, reo vui hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125, 6). Tác giả thánh vịnh diễn tả thật đúng tâm trạng của 72 môn đệ về những gì các ông đã thực hiện khi vâng lệnh Chúa ra đi loan báo Tin mừng. Các ông vui mừng hớn hở vì thành quả do sứ vụ rao giảng mang lại. Đồng thời các ông còn cảm nghiệm hiệu quả nhiệm lạ từ quyền năng của Thầy: “Nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng khuất phục chúng con”. Có thể đối với các ông, thành quả của những chuyến “ra khơi”, và những ơn ích do Chúa ân ban mà mắt các ông được chứng kiến là niềm hạnh phúc tột cùng rồi. Thế nhưng, với Chúa Giêsu, đó chưa phải là đỉnh điểm của hạnh phúc. Chúa Giêsu tiếp tục giúp các ông nhận thức tầm quan trọng sâu xa từ những gì các ông đã làm vì danh Chúa cho tha nhân. Đồng thời Ngài cũng khai mở cho các ông biết nguồn gốc quyền năng mà các ông đã có dịp cảm nghiệm, tất cả đều do ân huệ nhưng không của Thiên Chúa muốn qua các ông ban tặng cho con người. Chúa Giêsu còn cho các ông biết rằng, niềm hạnh phúc vĩnh cửu, niềm vui của các ông chính là “tên của anh em được ghi trên trời”. Còn hạnh phúc nào hơn hạnh phúc này, còn thành quả và ân phúc nào hơn đặc ân vô biên mà Thiên Chúa đã ban tặng khi các ông đã chu toàn lệnh truyền của Chúa, đến với muôn dân loan báo Tin mừng cứu rỗi.
Niềm vui không phải là cuộc chiến thắng kẻ thù, đè bẹp được kẻ chống đối, hay loại trừ được những kẻ bị hoài nghi…mà niềm vui của môn đệ Chúa Giêsu là một đời đã thi hành thánh ý Chúa với trọn tâm tình yêu mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, nay được quay về cội nguồn tình yêu, được về Nhà Cha, được về với Chúa.
“Hãy vui mừng vì tên anh em được ghi trên trời”, anh em có một chỗ ở trong cõi vĩnh hằng. Niềm vui không phải chỉ thoáng qua rồi sau đó là những hoài niệm của một thời vang bóng đầy nuối tiếc như ở trần gian. Hạnh Phúc Nước Trời là hạnh phúc vĩnh cửu. Vì chỉ có Thiên Chúa hằng sống mới có thể trao ban hạnh phúc vĩnh cửu. “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3). “Hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”. Đó mới là đích điểm của cuộc đời kitô hữu.
Ngày xưa được khắc tên vào bia đá trên lưng rùa ở Văn Miếu là một vinh dự chỉ dành cho các tiến sĩ, trạng nguyên. Ngày nay được có tên trong tự điển danh nhân thế giới, hay ca sĩ, nhạc sĩ có tên ca khúc nằm trong bảng sắp hạng Billboard, topten là cả một niềm vui lớn… Thường thường bậc trung như phần đông chúng ta thì có lẽ tên chỉ được ghi trên bìa vở, bìa sách cho biết sở hữu chủ, và trong sổ rửa tội, thêm sức, hôn phối, trong sổ hội viên hội đoàn, rồi sổ tử của giáo xứ và cuối cùng, được ghi khắc nơi bia mộ là xong một đời! Lời Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng tên chúng ta còn được ghi trên trời, trong sổ hằng sống của công dân Nước Trời, nhất là được ghi khắc nơi con tim của Thiên Chúa. Hãy reo vui, hãy phấn khởi vì tên của chúng ta đã được ghi ở trên trời, và ngay từ bây giờ rồi! Còn vinh dự nào lớn hơn! Hãy nhớ rằng để tên mình được ghi trên trời thì phải sống như những công dân Nước Trời, với tư cách là chứng nhân môn đệ Đức Kitô, với hiến pháp là Tám Mối Phúc thật, với kim chỉ nam hướng dẫn là Tin Mừng Đức Kitô. Mỗi ngày tôi sẽ xét mình để biết xem ngày hôm nay tôi đã sống xứng đáng là công dân của Nước Trời chưa. (x. tongdosongdao.org).
Hình ảnh tiên trưng được sách Khải Huyền mô tả viễn tượng cánh chung về tên của những người được đóng ấn và ghi vào Sổ Trường Sinh (x. Kh 5,9 và 20, 12.15). Đó là niềm vui vĩnh cửu được Chúa Giêsu chuộc về cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cần vui mừng hơn vì mình được ghi danh trên Trời, Chúa muốn hướng các môn đệ vui mừng hạnh phúc vì được làm con Thiên Chúa.Mầu nhiệm thứ hai năm sự Mừng: “Thứ hai thì ngắm Đức Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Khi hướng lòng về trời cao, chúng ta sẽ biết cách sống thế nào cho phải lẽ khi còn ở dưới đất. Khi nhìn về trời cao chúng ta mới nhận ra giá trị đúng đắn của mọi thực tại trần gian này, và đi đến hành động thế nào cho phải đạo.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con được làm công dân Nước Trời khi chúng con được gia nhập vào Giáo hội của Chúa, xin cho chúng con sống xứng đáng với ân huệ đó, để ngày sau chúng con được Chúa gọi tên trong Sổ Hằng Sống trên Nước Chúa. Amen
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
============= 
Suy niệm 6
Loan báo - làm chứng và nguyện cầu
(Lc 10, 1-12. 17-20)
Loan báo tin vui
Sứ mệnh của Giáo Hội là rao truyền Tin Mừng và niềm vui an ủi. Bài đọc I trích tư sách ngôn sứ Isaia nói tới niềm vui của sự an ủi. Ngôn sứ nói với một dân tộc đã trải qua một thời kỳ đen tối của kiếp lưu đầy, bị thử thách cam go, nhưng giờ đây đã tới thời ủi an cho Giêrusalem; sự buồn sầu và nỗi sợ hãi phải nhường chỗ cho niềm vui (Is 66,10). Lý do là vì Chúa sẽ đổ tràn đầy trên Thành Thánh và dân cư của nó một "thác" của sự ủi an, tràn đầy ủi an, mốt thác của hiền dịu mẫu tử: "Các ngươi sẽ được bồng ẵm trên tay và được vuốt ve trên đầu gối. Như bà mẹ để con thơ trên đầu gối và vuốt ve nó, Thiên Chúa cũng sẽ làm như vậy với chúng ta" (Is 66,12-13).
Làm chứng
Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô khẳng định rằng: "Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta!" (Gl 6,14). Và thánh nhân nói tới các dấu tích, nghĩa là các vết thương của Chúa Giêsu Bị Ðóng Ðanh như là dấu ấn đặc biệt trong cuộc sống của người là Tông Ðồ của Tin Mừng. Trong sử vụ của mình thánh Phaolô đã sống kinh nghiệm khổ đau, yếu đuối và thất bại, nhưng cũng sống kinh nghiệm niềm vui và sự an ủi. Ðây là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu: mầu chiệm của cái chết và sự sống lại. Chính việc để cho mình trở nên đồng hình dạng với cái chết của Chúa Giêsu khiến cho thánh Phaolô đã tham dự vào sự phục sinh và chiến thắng của Chúa mà Phaolô đã làm chứng.
Ngày 06/01/2022, Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2022 với chủ đề: "Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy" (Cv 1,8). Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu loan báo sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô trong mọi chiều kích của đời sống hàng ngày của chúng ta.
Đức Thánh Cha nói tiếp: "Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn là sứ mạng của Ðức Giêsu. Ðây cũng chính là sứ mạng của Giáo hội và của tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa trong Giáo hội…Là một Kitô hữu cũng chính là một nhà truyền giáo. Rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, mà trước hết là bằng chính đời sống, là mục đích chính yếu mọi thành phần dân Chúa, cần phải đến gần với người nghèo, phục vụ họ, và thực hiện tất cả những điều này trong danh Ðức Kitô với Thần Khí của Ðức Kitô, vì Người chính là Tin Mừng của Thiên Chúa" (x. Sứ điệp truyền giáo 2022).
Mọi Kitô hữu được mời gọi trở thành một nhà truyền giáo và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta thực hiện sứ vụ truyền giáo trong Giáo hội, vì được Giáo hội sai đi nhân danh Chúa Kitô loan báo Tin Mừng "cho đến tận cùng trái đất". Chúng ta cũng nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần và được Thánh Thần hướng dẫn để làm chứng đầy đủ và chân thực cho Chúa Kitô là Chúa đã đến trong thế gian. Vì thế, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, không có động lực hoặc bối rối, chúng ta hãy cầu nguyện.
Cầu nguyện
Tin Mừng hôn nay mô thuật lại Chúa Giêsu sai nhóm 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. COn số 72 được Sách Sáng Thế mô tả muốn nói tới các dân tộc khác nhau (x. St 10, 1-13). Nên khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít" (x. Lc 10,2), Người vạch ra một viễn tượng và đề nghị chúng ta cầu nguyện, tức là xin chủ mùa gặt sai thợ mang gặt lúa về (x. Lc 10,2). Đây là yếu tố để đảm bảo cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu đã không muốn hành động một mình. Người đến trong thế giới là để đem tình yêu thương của Thiên Chúa đến cho con người và muốn phổ biến nó với kiểu cách của sự hiệp thông, của tình huynh đệ. Vì thế Người thành lập ngay một cộng đoàn môn đệ, một cộng đoàn truyền giáo với mục đích cấp bách là loan báo Tin Mừng.
Các người thợ đã không được chọn qua các chiến dịch quảng cáo hay kêu gọi phục vụ quảng đại, nhưng được Thiên Chúa "chọn" và "sai đi". Chính Người tuyển chọn, chính Người sai đi, chính Người ban sứ mệnh. Vì thế cầu nguyện quan trọng. Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto XVI đã ngỏ lời với Hồng Y đoàn vào ngày ngài thoái vị rằng: "Giáo Hội không phải của chúng ta, mà là của Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta, những người được thánh hiến, chúng ra nghĩ rằng nó là của chúng ta, phải không? Chúng ta làm... cái gì đến trong trí... Nhưng mà Giáo Hội không phải của chúng ta, mà là của Thiên Chúa; cánh đồng trồng tỉa là của Người".
Như thế sứ mệnh truyền giáo là ơn thánh. Và nếu việc tông đồ là hoa trái của lời cầu nguyện, thì nó sẽ tìm thấy trong đó sức mạnh cho hoạt động của nó. Thật thế, sứ mệnh của chúng ta không phong phú, còn hơn thế nữa tắt lịm, chính trong lúc chúng ta ngưng việc kết nối với suối nguồn là chính Chúa. Đức Benedicto XVI nói rõ: "việc truyền giáo phải làm trên đầu gối". Vì thế, cầu nguyện là cần thiết. Chúng ta phải tay chắp gối quì mà xin ơn truyền giáo.
"Các con hãy đi". Lời Chúa Giêsu ngày hôm nay vẫn còn rất cấp bách. Xin cho con người hôm nay mau mắn đáp lại sự sai đi của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
============= 
Suy niệm 7
Được sai đi loan báo Tin Mừng

Is 66, 10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10, 1-12
“Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10, 1-2).
Đức Giêsu chỉ định và sai đi các ông đi trước, vào “những nơi mà chính Người sẽ đến”. Chi tiết này chứng tỏ Người sẽ ở đó mà đồng hành với các ông dù đó là nơi nao. Con số bảy mươi hai diễn tả tầm rộng lớn của nhóm truyền giáo, tương ứng với danh sách bảy mươi hai dân tộc trên mặt đất (St 10,2-31). Không phải là tình cờ mà Người sai các ông cứ từng hai người một, bởi vì mọi lời nói phải căn cứ theo hai hoặc ba nhân chứng trong trường hợp có tranh chấp (Đnl 19,15). Người chỉ thị cho các ông: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”. Đây là những thứ cản trở việc rao giảng Tin Mừng. Làm thợ thì đáng lĩnh công, lo lắng quá nhiều về phương tiện sinh sống sẽ ngăn cản các ông dành mọi cố gắng cho việc rao giảng Tin Mừng. Chúa coi nghèo khó và thanh thoát là nét chính yếu của người  tông đồ. “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Người chỉ muốn cho các ông biết tính khẩn cấp của việc rao giảng Tin Mừng, không đắn đo, trò chuyện dọc đường sẽ mất thời gian, khó hoàn thành sứ vụ quan trọng này. Người môn đệ cũng “đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” để tìm lợi nhuận vật chất hay chỗ ăn ở sung sướng hơn, nhưng phải tín thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa.
Từ khi được lãnh Bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu chúng ta cũng được Chúa Kitô mời gọi thi hành một sứ vụ. Chúa sai tôi đi vào ngay chỗ tôi đang đứng, trong hoàn cảnh địa vị mỗi người. Tôi làm mọi việc theo khả năng, chức vụ, bổn phận cùng với lòng nhiệt thành của mình. Có khi chỉ đơn giản như ngồi đó tĩnh lặng mà suy niệm, gõ vào máy tính rồi gửi email, post lên facebook...  là Tin Mừng được “thổi loa” khắp nơi, góp phần cho “Lời” được vang xa. Người tông đồ được sai đi, dọn đường mở lối cho Chúa, đem Chúa đến cho người mình gặp gỡ. Không thể cho ai điều mình không có, cho nên lòng tôi phải có Chúa đầy tràn, lúc đó tôi mới có thể từ từ đem Chúa cho người khác bằng lời, bằng hành động và chính cuộc sống của tôi.
Chúng con sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng, vì giá trị này đi ngược lại với những giá trị của thế gian. Nhưng với niềm phó thác, có Chúa cùng đi với con trên mọi nẻo đường, con sẽ gặt mùa vàng.
Lạy Chúa! xin cho con biết nhìn lại và ý thức hơn nhiệm vụ cao cả Chúa trao, mà đáp lời mời gọi của Chúa. Xin giúp con hăng hái nhiệt thành ra đi loan báo, đem Chúa đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc bằng mọi phương tiện Chúa cho và bằng chính cuộc sống hằng ngày của con.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong bầu khí linh thiêng của đêm cực thánh, đêm mà nhân loại được đón chờ Ngôi Hai xuống thế làm người, như một sự an ủi, khiến con người ta tạm quên đi những lo âu thường ngày, giáo xứ Cát Ngòi đã long trọng tổ chức đêm hoan ca – diễn nguyện và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 24.12.2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log