Hôm nay, Giáo hội cử hành trọng thể Mầu nhiệm đã được thiết lập trong bữa Tiệc Ly là Mình Máu Thánh Chúa. Đây là một trong 5 lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Nếu hằng năm được nhớ đến vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, thì hôm nay được biểu lộ cho tất cả, được bao bọc bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội bằng việc cử hành lễ của Chúa, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu với cao điểm là Rước Kiệu Mình Thánh, người Công Giáo tham gia vào một cuộc rước qua các đường phố của một khu phố dân cư gần giáo xứ của họ, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể. Ngoài ra, trong ngày Lễ Mình và Máu Thánh Chúa, nhiều giáo xứ trên thế giới cho các em nhỏ được lễ Rước Lễ lần đầu.
Bánh rượu Menkixêđê dâng tiến
Nói đến Mình Thánh Chúa Giêsu là nói đến bánh dưới dạng « lương thực ». Từ « bánh thánh » có nghĩa là « hy sinh » : từ này được dùng để chỉ các lễ hy sinh Cựu Ước như : lễ vật của Aben tôi trung của Chúa, hy lễ của Abraham, và lễ vật tinh tuyền của Menkixêđê, thượng tế của Chúa.
Bài đọc I trích sáng Sáng Thế (14,18-20) đề cập đến bánh và rượu của Menkixêđê vua thành Salem mang đến xin Chúa chúc phúc. Menkixêđê là ai vậy ? Ông là một nhân vật hơi huyền bí, không cha, không mẹ; đột nhiên xuất hiện rồi lại biến mất, những người bà con họ hàng cũng không hay biết về nguồn gốc, ông khác biệt bởi nhân đức cao vời nên người ta gọi ông là « Menkixêđê » vua Công Chính.
Một ngày kia ông xuất hiện trên núi sau này là núi Sion (Giêrusalem) và vạch ra những danh giới cho một thành gọi là « Salem », thành hòa bình. Ông sống ở đó trong thinh lặng và an bình, phụng sự Thiên Chúa, Đấng sáng tạo trời đất và dạy người ta ca tụng Danh Thánh Chúa. Ông không chỉ là người tôn thờ vị Thượng Tế Tối Cao, mà còn dâng bánh và rượu, lễ vật hy sinh và những hoa quả đầu mùa lên Chúa.
Thánh lễ này, chúng ta dâng lên Chúa bánh rượu "là hoa màu ruộng đất và lao công vất vả của con người" để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Và như vậy, Thánh lễ đã bắt nguồn từ xa xưa và kiện toàn mọi lễ dâng từ thời Abel qua Melkisedek cho tới nay. Menkixêđê là hình ảnh báo trước về Chúa Kitô sau này.
Bánh rượu của Chúa Giêsu
Cựu Ước có rất nhiều dấu chỉ và biểu tượng về Bí tích Thánh Thể được hoàn tất trong Tân Ước. Các hình ảnh tiên trưng về Bích tích Thánh Thể như: lễ vật của Abraham, Menkixêđê, Manna trong sa mạc, bánh trưng hiến trong Đền Thờ Giêrusalem, đặc biệt là chiên Vượt Qua.
Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu làm dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Người nơi trần gian. Bánh và rượu do vị thượng thế Menkixêđê dâng tiến (Ga 14, 18) báo trước về bánh và rượu do Chúa Giêsu, Thượng Tế Tối Cao, Vua muôn thủa dâng tiến ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Vì Chúa Giêsu « đã trở thành Thượng tế cho đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê » (Dt 6,20).
Tối hôm trước ngày chịu khổ hình, sau bữa Tiệc Ly Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ và nói : « Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta ». Đoạn, cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn, trao cho họ và họ uống cạn chén ấy. Và nói : « Chén này là Tân Ước trong Máu Ta » (1 Cr 11, 23-26). Chỉ trong mấy câu vắn tắt, Phaolô đã thuật lại toàn bộ lịch sử tình yêu cứu độ của Thiên Chúa với con người. Không chỉ là quá khứ mà còn được dự đoán trong tương lai.
Dưới hình bánh rượu, Chúa Giêsu đã tự trao ban chính mình cách hoàn toàn, chứ không phải chỉ một phần. Chúa Giêsu hiện diện thực sự ở đó trót Mình và Máu Người, để dâng lên Chúa Cha một hiến lễ không đổ máu và trở nên lương thực cho linh hồn tín hữu. Bánh rượu của Chúa Giêsu mang thêm ý nghĩa lịch sử và giao ước cũ. Ðây không chỉ là hoa màu ruộng đất nhưng còn là công lao của con người. Thiên nhiên và con người đều phải trở nên tạo vật mới nhờ mầu nhiệm Chúa Giêsu nơi Bí Tích Bánh Rượu mà chúng ta tiếp tục dâng trên bàn thờ để cho thế gian được sống (Ga 6,51).
Bước theo Bánh Giêsu
Ở mọi nơi mọi thời, Chúa Giêsu muốn gặp gỡ con người và mang đến cho họ sự sống của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dùng bánh và rượu, một thứ lương thực đơn giản gồm một ít nước và bột, giống như thức ăn của người nghèo. Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa, một cử chỉ đầy ý nghĩa.
Khi đi kiệu và thờ lạy, chúng ta hướng nhìn vào Bánh Thánh đã được truyền phép là chính Chúa Giêsu và bước theo Bánh ấy, đưa Bánh Thiêng từ Trời xuống vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta; với ước muốn xin Chúa Giêsu cùng đi với chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta đi, và sống bất cứ nơi nào chúng ta sống.
Trong lễ của Chúa, chúng ta tuyên xưng rằng Bí Tích Thánh Thể thuộc trọn về mình, là chính sự sống của mình, là nguồn mạch tình yêu chiến thắng sự chết. Từ sự hiệp thông với Chúa Kitô Thánh Thể, phát sinh tình bác ái có sức biến đổi cuộc đời chúng ta và nâng đỡ cuộc hành trình của tất cả chúng ta đang tiến về quê trời vinh phúc.
Khi rước kiệu, chúng ta bước theo Bánh Giêsu và cầu xin Bánh chỉ cho chúng ta đường phải đi đến với Giáo hội. Nhìn vào nhân loại đau khổ, lang thang bấp bênh giữa ba đào, đang bị cái đói về thể lý và tâm lý hành hạ. Xin Chúa ban cho nhân loại bánh để nuôi dưỡng xác hồn. Xin cho họ có công ăn việc làm. Xin tẩy rửa và thánh hóa chúng ta trong mọi sự, giúp chúng ta hiểu rằng phải qua Khổ Nạn, qua lời "xin vâng" trên cây Thập Giá, với sự từ bỏ mới đạt tới vinh quang. Xin Chúa qui tụ những ai tản mác khắp nơi về một mối. Xin Chúa hiệp nhất chúng ta với Giáo hội, đoàn kết chúng ta với anh em bị chia rẽ. Và nhất là xin Chúa ban cho chúng ta ơn cứa độ đời đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy niệm 5
Hy tế của Đức Ki-tô còn tiếp diễn
Trong giờ giáo lý, đến bài Thánh lễ và Mình Máu thánh Chúa, giáo lý viên đề nghị học sinh so sánh giá trị của hai lễ tế sau đây:
Một là Hy tế của Đức Ki-tô, tức là việc Chúa Giê-su dâng hiến Thân mình Ngài trên thập giá trên đồi Can-vê cách đây 2.000 năm;
Và hai là Thánh lễ được cử hành hằng ngày trong Hội thánh;
Rồi nêu lên câu hỏi: Trong hai lễ tế nầy, lễ nào cao trọng hơn?
Các học sinh đều trả lời là hy tế của Đức Ki-tô trên đồi Can-vê ngày xưa cao trọng hơn Thánh lễ hôm nay nhiều lần.
Giáo lý viên cho rằng trả lời như vậy là sai. Đáp án đúng là cả hai đều cao trọng như nhau.
Tại sao lại cao trọng như nhau?
Vì cả hai lễ tế nêu trên chỉ là một.
Hy tế của Chúa Giê-su trên đồi Can-vê và Thánh lễ hôm nay chỉ là một
Sách Giáo lý Hội thánh dạy rằng: Thánh lễ hôm nay “hiện tại hoá hy tế Thập giá của Chúa Giê-su”, có nghĩa là hy tế thập giá của Chúa Giê-su trên đồi Can-vê ngày xưa đang thực sự diễn ra mỗi khi Thánh lễ được cử hành.
Nói khác đi, “Hy tế của Chúa Giê-su năm xưa và Thánh lễ hôm nay chỉ là một. Một Lễ vật duy nhất là Đức Ki-tô, xưa kia, chính Ngài tự dâng trên thập giá, còn nay được dâng lên nhờ linh mục.” (GLCG số 1366 và 1367).
Thế là mỗi lần Thánh lễ được cử hành, Chúa Giê-su tiếp tục hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ và thực sự dâng hiến chính Mình Ngài làm lễ tế cho Thiên Chúa Cha, để đền tội cho muôn dân.
Vì thế, đây là lễ tế cực kỳ thiêng liêng và cao trọng, chứ không chỉ là một nghi lễ tưởng niệm mà thôi.
Vì thế, khi chúng ta tham dự Thánh lễ là đang hiệp thông vào hy tế Thập giá của Chúa Giê-su như Mẹ Maria, như thánh Gioan tông đồ năm xưa, nối gót Chúa Giê-su trên đường thương khó và cùng chịu đau khổ với Ngài.
Khi chúng ta tham dự Thánh lễ là cùng vác thập giá với Chúa Giê-su như ông Si-môn Ky-rê-nê đã vác trên chặng đường thương khó, để thông hiệp vào cuộc thương khó của Chúa và góp phần với Chúa để đền tội cho các linh hồn. Cao quý biết bao!
Hồng ân Thánh lễ
Hiệu quả trước tiên của Thánh lễ là mang lại ơn tha tội.
Hy tế của Chúa Giê-su trên đồi Can-vê hôm xưa mang lại ơn tha tội cho muôn dân thế nào, thì Thánh lễ hôm nay, vì là một với hy tế Can-vê, cũng mang lại ơn tha tội cho muôn người như thế (GLCG số1366).
Vậy thì khi chúng ta tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn và sốt sắng, chúng ta sẽ nhận được ơn tha thứ tội lỗi từ hy tế của Chúa Giê-su.
Ngoài ra, nhờ rước lấy Mình Máu Chúa Giê-su trong Thánh lễ, chúng ta được nên một với Ngài, như giọt nước hòa trong chén rượu, như bàn tay nối liền cơ thể. Nhờ đó, sự sống đời đời của Chúa Giê-su sẽ được thông truyền cho chúng ta, châu lưu trong huyết quản chúng ta, giúp ta được sống đời đời với Chúa, như lời Ngài nói: “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,54).
Lạy Chúa Giê-su,
Để tha thứ tội lỗi chúng con, để cứu chúng con khỏi trầm luân đời đời trong hỏa ngục, Chúa đã hy sinh chịu khổ nạn và chịu chết rất đau thương.
Hôm nay, Chúa còn tiếp tục dâng hiến Thân mình làm lễ tế trong mỗi Thánh lễ hằng ngày để hiến ban Mình Máu thánh Chúa cho chúng con; nhờ đó, chúng con được hiệp thông nên một với Chúa và được sống đời đời với Chúa.
Xin cho chúng con tham dự Thánh lễ thường xuyên, để tôn sùng Mình Máu thánh Chúa và đón nhận ân sủng cao quý Chúa ban qua Bí tích cực trọng nầy. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===============
Suy niệm 6
Thánh Thể, Mầu Nhiệm Đức Tin
Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã có một sáng kiến lạ lùng là lấy chính Thịt Máu của Ngài làm của ăn của uống để nuôi sống chúng ta. Chúa Giêsu đã khẳng định: Ngài là của ăn và của uống ban cho nhân loại hoàn toàn khác với manna và mạch nước trong sa mạc: “Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Chúa Giêsu không nhằm thoả mãn cái đói cái khát thể xác. Thế nên, Ngài xác quyết: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống”. Vậy Bánh mà Ngài ban chính là Thịt Máu Ngài. Cụm từ “Thịt Máu” ở đây không những bao gồm tất cả những gì nuôi sống linh hồn con người để đưa đến sự sống vĩnh cửu, mà còn ám chỉ đến Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã nhập thể mang lấy xác phàm trong thân phận con người và đã đổ máu ra trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã chấp nhận trở thành của ăn của uống là những cái thường tình nhất của cuộc sống chúng ta để đưa chúng ta đến sự sống vĩnh hằng.
Thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể là kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, nên giống Ngài trong tư tưởng, ngôn ngữ và cuộc sống: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu tôi, người ấy sẽ ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy”. Không bí tích nào giúp chúng ta sống “với Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa” bằng bí tích Thánh Thể. Từ đó, Thánh Phaolô dám khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
1. Phép lạ Thánh Thể tại Lanciano
Phép lạ Thánh Thể xảy ra tại Lanciano (Ý), năm 700 (sau công nguyên), đã được Giáo hội công nhận bằng sắc lệnh của giáo hoàng (Papal Bulls). Đây là phép lạ Thánh Thể đầu tiên được Giáo hội công nhận.
Trên Đồi Sọ, sau khi Chúa Giêsu trút hơi thở, một người lính La Mã đã lấy ngọn giáo đâm thủng trái tim Chúa Giêsu để cho Nước và Máu chảy ra. Người lính này đến từ Thành phố Lanciano. Lanciano có nghĩa là “lưỡi giáo” (lance). Máu và Nước từ Thánh Tâm Chúa Giêsu chảy theo lưỡi giáo xuống tay người lính này. Anh ta có thị lực yếu, khi anh ta lấy tay dụi mắt thì mắt sáng trở lại. Lòng Thương Xót bao la của Chúa Giêsu đã chảy trào vào anh ta, dù chính anh ta mới vừa đâm vào ngực Chúa Giêsu. Người lính đó tên là Longinô (Longinus). Anh ta đã được chữa lành và gia nhập đạo. Anh đã rời quân ngũ, rồi tới Cappadocia và chịu tử đạo vì đức tin. Ngày nay chúng ta tôn kính Thánh Longinô, lễ ngày 15 tháng Ba.
Linh mục đa nghi
Tại Lanciano, nơi xảy ra phép lạ Thánh Thể là Nhà thờ Thánh Domitian, nhà thờ này do các tu sĩ Dòng Basilian coi sóc. Có một tu sĩ linh mục Dòng Basilian, tên là Thomases, đã nghi ngờ sự hiện hữu thật của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thời đó có nhiều tà thuyết nổi lên đã làm lung lay đức tin của Lm Thomases.
Một buổi sáng nọ, Lm Thomases dâng Thánh lễ mà vẫn nghi ngờ. Đến phần truyền phép, có điều lạ xảy ra trên đôi tay khiến toàn thân Lm Thomases rung động: Bánh biến thành Thịt thật, Rượu biến thành Máu thật. Lm Thomases lặng người một lúc rồi từ từ đưa lên cho mọi người thấy và nói: “Ôi chứng cớ hữu hình của Chúa để xóa bỏ sự nghi ngờ của tôi, Ngài muốn mặc khải chính Ngài trong bí tích Thánh Thể hoặc để chúng ta nhìn thấy tỏ tường. Anh chị em hãy đến chiêm ngưỡng phép lạ của Chúa. Đây là Mình Máu Thánh Đức Kitô”. Mọi người tận mắt chứng kiến phép lạ nên sững sờ, kêu than, xin tha thứ và xin xót thương. Đức tin của linh mục Dòng Basilian đã được biến đổi. Biết tin, cả thành phố và mọi người khắp nước đã tuôn về Lanciano để chiêm ngưỡng phép lạ Thánh Thể. Đức tin của mọi người đối với bí tích Thánh Thể đã được tái sinh.
Khoa học công nhận phép lạ tại Lanciano
Qua nhiều năm, nhiều cuộc xét nghiệm đã được thực hiện để xác định phép lạ Thánh Thể tại Lanciano. Đây là kết quả khoa học được thực hiện năm 1970, với các dụng cụ tân tiến nhất:
Chứng cớ khác thường
Nhiều người Công giáo đã biết Khăn liệm Turin (Shroud of Turin) vẫn còn cho tới ngày nay, trên tấm khăn có hình một đàn ông chết sau khi bị đóng đinh. Truyền thống Công giáo công nhận đó là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu.
Năm 1978, một nhóm khoa học gia thuộc cơ quan không gian NASA (National Aeronautics and Space Administration) đã khám kỹ tấm khăn liệm Turin bằng các dụng cụ tân tiến nhất của cơ quan không gian thời đó. Họ đã phải công nhận đó là tấm khăn liệm Chúa Giêsu thật. Phát hiện quan trọng là có những vết máu trên tấm khăn liệm. Máu đó cũng là loại máu AB+, giống như máu trong phép lạ Thánh Thể tại Lanciano.
Tình yêu vĩ đại của Chúa Giêsu
Ngay từ đầu, Giáo hội địa phương đã công nhận phép lạ này là dấu chỉ thật từ trời, và tôn kính Mình Máu Thánh được thể hiện qua cuộc rước vào ngày lễ này - Chúa Nhật cuối tháng Mười.
Trong phép lạ Thánh Thể tại Lanciano, Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta chính Thánh Tâm và Máu Ngài. Điều này giúp chúng ta hiểu được sự hy sinh cao cả và tình yêu bao la của Chiến Thiên Chúa trong mỗi Thánh lễ. Ngài trao chính Mình Máu Ngài để chữa lành và nuôi dưỡng linh hồn chúng ta hằng ngày (x. Bài giảng Thánh Lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh 2022, Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng).
2. Bí tích Thánh Thể là xa lộ đưa Carlo Acutis về thiên đàng.
Trong cuộc đời 15 năm ngắn ngủi,Carlo Acutis đã khiến hàng ngàn người cảm động vì đức tin và lòng sùng kính sâu sắc của Carlo đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi còn là một cậu bé, đặc biệt là sau khi Rước lễ lần đầu, Carlo không ngày nào bỏ Thánh lễ, lần chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể.
Thiếu niên Carlo Acutis được Giáo Hội phong Chân Phước vào ngày 10 tháng 10 năm 2020. Cậu là đứa trẻ ngoan đạo, tham dự thánh lễ hàng ngày, thường xuyên lần chuỗi Mân côi và đi xưng tội hàng tuần.
Carlo Acutis có biệt tài về máy tính. Cậu có nhiều lập trình có lợi cho đời sống con người và cho Hội Thánh. Đặc biệt, Carlo Acutis gầy dựng một trang web sưu tầm tất cả các phép lạ về Thánh Thể trên toàn Thế giới.Cậu cũng từng tổ chức một triển lãm quốc tế trình bày những sự kiện, những phép lạ liên quan đến bí tích Mình Máu Chúa Kitô.
Vì lòng yêu mến và sùng kính đặc biệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, mà ngày phong chân phước cho Carlo được Tòa Thánh công bố ngay trước ngày mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa.
Carlo Acutis cho biết, sống kết hợp với Chúa Giêsu là kế hoạch trong cuộc đời của cậu. Cậu hạnh phúc vì đã cố gắng không làm mất lòng Chúa, không lãng phí thời gian nhưng luôn tìm cách kết hiệp với Chúa.
Carlo cũng cho hay, cùng đích của con người là sự vĩnh cửu, chứ không phải là hữu hạn. Vĩnh cửu là quê hương thật. Loài người luôn chờ mong được về Thiên đàng, và Bí tích Thánh Thể chính là con đường dẫn tới thiên đàng…Cậu quan niệm: Lúc bạn thực sự có một trái tim trong sạch, bạn sẽ dễ dàng cảm hóa và đụng chạm đến trái tim của tha nhân…Carlo thực sự mang Chúa Giêsu trong tim và sống rất đơn sơ, vô tội. Đức Tổng Giám Mục Sorrentino, Tổng giáo phận Assisi, nói: Cậu Carlo có một tình yêu trổi vượt dành cho Bí tích Thánh Thể, đó là xa lộ đưa cậu về thiên đàng.
3. Bí Tích Thánh Thể là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại.
Tất cả mầu nhiệm Đức Kitô đều hội tụ trong Bí tích Thánh thể. Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang; Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha và ban lương thực thần thiêng đều hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Người mà không hội tụ trong Bí Tích Thánh thể.Bí tích Thánh thể là một sáng kiến của tình thương Thiên Chúa.Của ăn vật chất chỉ dừng lại ở việc nuôi dưỡng, bảo tồn sự sống hữu hạn của con người.Để sống đời đời, con người được mời gọi ăn và uống Thịt Máu Chúa, nguồn ơn cứu độ nhân loại.
Thánh Thể là trung tâm qui tụ Dân Chúa. Thánh Lễ là nguồn mạch và là chóp đỉnh của đời sống đức tin người Công giáo. Lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Chúa Ba Ngôi.
Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, bạn nên quỳ gối trước Thánh Thể, bạn sẽ học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
Thánh lễ cần được nối dài trong cuộc sống thường ngày. Khi cánh cửa nhà thờ khép lại, thánh lễ giữa lòng cuộc đời mở ra. Sống đạo trong nhà thờ, thực hành đạo ngoài cuộc đời. Mỗi người tín hữu phải trở nên muối ướp cho xã hội khỏi ươn thối, phải trở nên men làm cho xã hội dậy lên hương thơm thánh thiện, phải trở nên ánh sáng phá tan bóng tối đang bao phủ xã hội. Và như vậy, cuộc đời chính là thánh lễ nối dài. Bài hát quen thuộc của cha Thành Tâm: "Ta về thôi vì Thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, mang tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để thành chứng nhân!". Thánh lễ nào cũng kết thúc và mọi người ra về bình an, nhưng Thánh lễ sẽ không tạm biệt, không chia tay với cuộc sống đời sống. Hoa quả của Thánh Lễ, hoa quả của Bí Tích Thánh Thể chính là lối sống, hành vi, lời ăn tiếng nói, cách cư xử của mỗi người tín hữu với tha nhân.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, "Nữ Vương Thánh Thể", xin Chúa cho chúng ta được lòng yêu mến Thánh Thể thực sự, biết tập dành thời gian đến với Thánh Thể và đến với tha nhân qua việc yêu thương phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và siêng năng tham dự Thánh lễ, rước Mình và Máu Chúa cách xứng đáng; đồng thời luôn xác tín Bí tích Thánh Thể chính là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội và nơi mỗi người chúng con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===============
Suy niệm 7
Bánh Hóa Nhiều
St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17
Đám đông dân chúng lũ lượt đi theo Đức Giêsu, bởi họ được chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm cho những kẻ đau ốm. Thấy đám dân đông đảo theo mình mệt mỏi đói khát, Ngài chạnh lòng muốn nuôi sống họ, Ngài chuẩn bị thực hiện một phép lạ cả thể. Các môn đệ của Ngài lúc bấy giờ chỉ chứng kiến Ngài rao giảng, dạy dỗ, cắt nghĩa chuyện tâm linh, chứ đâu Thầy Giêsu lại đi lo nuôi ăn đám đông ngút ngàn. Nên các ông muốn Ngài giải tán cho xong. Các ông thì nại lý do không có tiền, xem lại “tầm tay” chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, thấm gì khối người đông ùn ùn thế kia? Không cầm lòng trước cơn đói khát của dân chúng, Đức Giêsu “biết mình sắp làm gì” nên vẫn ra lệnh bảo cho họ ngồi xuống “đồng cỏ” thành từng nhóm khoảng năm mươi người một mà chuẩn bị giờ ăn. Đó là hình ảnh thật đẹp trong tình thương yêu, đoàn chiên được vị mục tử nhân lành cho nghỉ ngơi, nuôi ăn trên đồng cỏ xanh tươi. Ngài dùng uy quyền làm bánh hóa ra nhiều, với cử chỉ “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra cho môn đệ để họ dọn ra cho đám đông.” (Lc 9, 15). Đây là hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sẽ lập Bí tích Thánh Thể để ở lại và nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày. Ngài là Đấng ban bánh, chính Ngài là bánh trao ban cho mọi người. Dưới cái nhìn của các môn đệ và dân chúng ngày xưa, chỉ nhìn vào thực lực sẵn có, họ không ngờ Đức Giêsu thực hiện được phép lạ bánh hóa nhiều nuôi năm ngàn người ăn no nê, lại còn dư mười hai thúng, nên cứ nại vào những khó khăn trước mắt. Ngày nay cũng vậy, sự Hiện Diện của Chúa, làm của ăn nuôi dưỡng các Kitô hữu mỗi ngày mãi mãi trong Bí tích Thánh Thể là điều khó tin. Một khi Thiên Chúa muốn, thì chẳng có điều gì là không thể, và thật diễm phúc cho những ai không thấy mà tin. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài làm cho ngàn ngàn người ăn dư thừa. Với Bí tích Thánh Thể, Ngài nuôi mọi người mọi thời cho đến tận thế là điều hoàn toàn có thể với cặp mắt đức tin, chỉ cần tôi biết tìm đến mà tận hưởng thần lương cao quý này. Cũng cử chỉ hôm nay Đức Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly và truyền hãy làm như vậy để nhớ đến Người: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. (1Cr 11, 23-24).
Chúa ơi! chính Chúa đã dâng hiến chính mình làm hy tế trên Thập Giá cho nhân loại. Chính Chúa đã trở thành của ăn nuôi sống con từng ngày. Xin cho con biết tìm đến, mãi “đi theo” Chúa, để được tận hưởng no say, được dưỡng nuôi, được lớn lên, được tăng sức mà vượt qua hành trình trần thế đầy khó khăn vất vả hôm nay.
Én Nhỏ