=================
Suy niệm 4
BÌNH AN TỪ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Trải qua hai năm ròng rã chống trọi với cơn đại dịch khóc liệt, nhà nhà chứng kiến người thân ra đi đơn độc, chẳng thể viếng thăm, không thể tiễn biệt; người người nơi xa xôi chỉ biết liên lạc với nhau qua mạng truyền thông, và rồi khi thân bằng quyến thuộc từ giã cõi đời, cũng chẳng hề hay biết, mãi cho tới lúc trông thấy thông tin trên internet…Ôi vô vàn chuyện tan thương, bao nỗi đau đớn hằn sâu nơi con người giữa cơn dịch bệnh kinh hoàng này!
Giờ đây, tình hình đã khả quan hơn, ai cũng đành chấp nhận sống chung với dịch bệnh ở ‘trạng thái bình thường mới’, nhưng vẫn luôn khát khao, chất chứa nỗi niềm đau đáu trong lòng hầu có được sự bình an thâm sâu ngự trị nơi tâm hồn. Thiết nghĩ, đọc đoạn trình thuật Tin Mừng theo Thánh Gio-an hôm nay, chúng ta có thể hiểu được tâm trạng lo âu, bồn chồn của các Tông đồ khi chứng kiến Thầy mình bị đóng đinh, chịu chết nhục nhã trên cây thập giá. Họ sợ hãi, hoảng hốt bỏ trốn, duy chỉ Gio-an ở lại với Mẹ Ma-ri-a và một số người phụ nữ nhiệt tâm khác, can đảm đứng dưới chân thập tự hiệp cùng cuộc tử nạn của Đức Giê-su cho tới lúc mai táng Người trong mồ. Các ông đã lo sợ, bất an, thu mình, không dám ra ngoài. Thấu hiểu nỗi lòng này, Chúa Giê-su Phục Sinh hiện đến chào và chúc bình an cho họ: “Bình an cho các con” (Ga 20, 19. 21. 26).
Lời chào này đơn giản, vỏn vẹn năm từ, nhưng sự bình an này không đơn thuần chỉ an ủi, hay mang lại điều yên ổn cho các Tông đồ, mà còn chữa lành tâm hồn tan thương, bất an, u sầu, hoang mang của họ. Sự bình an này khởi nguồn từ lòng từ bi lân tuất, từ lòng xót thương không bờ bến, từ lòng bao dung tha thứ, đã cảm hoá con người yếu hèn, tội lỗi của các Tông đồ, và của chúng ta. Hơn nữa, sự bình an này được chính Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh trao ban. Người đã chiến thắng sự chết, huỷ diệt bóng tối vây quanh con người, đánh bại tử thần, và đập tan ‘bức tường’ sau hết mà ai trong chúng ta sớm muộn gì cũng phải đối mặt. Vì chưng, Người là “Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, là Đấng hằng sống; Người đã chết, nhưng đây vẫn sống đến muôn đời. Người giữ chìa khoá sự chết và địa ngục” (x. Kh 1, 17-18).
Cảm nghiệm sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn, đám đông dân chúng đã được chữa lành phần hồn và thân xác như Sách Tông đồ Công vụ thuật lại. Như lời truyền của Chúa Giê-su Phục Sinh: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con…Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21-23), các Tông đồ đã can đảm bước ra làm chứng cho Thầy mình, trở nên sứ giả bình an đích thực, trở thành khí cụ tình yêu, tha thứ, và làm máng thông ơn xót thương của Người. Chính vì vậy, “số những người nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng” (Cv 5, 14). Dừng ở điểm này, chúng ta thử nhìn lại bản thân, nhìn lại gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và tự hỏi: Liệu chúng ta đã-đang cảm nghiệm sự bình an này chăng, hay chỉ mới bám víu vào sự yên ổn, an toàn? Liệu chúng ta đã-đang trở nên chứng nhân của lòng thương xót Chúa, trở thành sứ giả tình yêu và bình an của Chúa Ki-tô Phục Sinh? Liệu chúng ta đã-đang sống lan toả niềm vui của người môn đệ hằng được ngụp lặn trong bình an xuất phát từ nguồn suối xót thương?
Sau cùng, sự bình an của Chúa Ki-tô Phục Sinh dập tắt nỗi sợ hãi sâu kín trong tâm tưởng các Thánh Tông đồ và chúng ta. Sự bình an này tuôn tràn chứa chan nơi tận đáy lòng, len lỏi trong mọi ngõ ngách đời sống chúng ta. Sự bình an mà Chúa Ki-tô Phục Sinh tặng ban, giúp chúng ta nhận ra lòng lân tuất vô biên của Thiên Chúa, chữa lành đức tin yếu hèn của chúng ta, và thúc bách mỗi người chúng ta ra đi trở nên chứng nhân hoà bình - yêu thương - xót thương - tha thứ, vì chưng mọi việc, mọi phép lạ Chúa Giê-su thực hiện không được ghi chép tất cả, nhưng “…các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người” (Ga 20, 31).
Lời cầu:
Lạy Chúa giàu lòng xót thương,
Mãi liên là chốn tựa nương cuộc đời.
Nơi Ngài suối nguồn nghỉ ngơi
An bình tắm mát, ca lời ngợi khen.
Giữa dòng chen chúc nhỏ nhen
Sẵn chờ tỉnh thức, ngọn đèn đức tin
Toả lan soi chiếu anh minh
Công bình chân chính, đăng trình chứng nhân. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 5
Bình an của Đức Kitô Phục Sinh
(Ga 20, 19-31)
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà nước mắt chưa vơi tình thầy trò chưa cạn, ngày mà các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ người Do Thái như Tin Mừng Gioan mô tả. Bỗng Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã phục sinh! Người đứng giữa những người đang thương tiếc Người, đang khóa mình sau những cánh cửa đóng kín, đầy sợ hãi, đau khổ và nói: "Bình an cho các con!" (Ga 20, 19-21). Người chỉ ra những vết thương ở đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi sống lại. Người không phải là ma; nhưng thực sự là Thầy của các ông đã chết treo trên thập tự giá và được an táng trong mồ. Trước con mắt ngờ vực của các môn đệ, Chúa lặp lại: "Bình an cho các con!".
"Bình an cho các con!" (Ga 20, 19-21). Ðây không phải là một lời chào, cũng không phải là một lời cầu chúc đơn sơ, nhưng là ơn quí trọng Chúa Kitô Phục Sinh cống hiến cho các mộn đệ sau khi đã trải qua cái chết thương đau. "Bình an cho các con!" (Ga 20, 19-21). Đây là hồng ân phát sinh từ những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Người trao ban bình an cho các môn đệ như lời Người đã hứa: "Thầy ban bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như kiểu thế gian ban" (Ga 14,27). Bình an này là chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh, hoa trái tình yêu của Thiên Chúa trên sự dữ và tha thứ. Các môn đệ hết sức vui mừng khi Chúa trao ban bình an. Sợ hãi cũng biến mất nơi các ông. Đúng thế, đây là bình an đích thực, bình an sâu thẳm đến từ trái tim xót thương của Thiên Chúa. Cùng với sự trao ban ơn bình an, Đức Kitô Phục Sinh cũng trao Thánh Thần cho các Tông Ðồ để các ngài chuyển cho thế giới ơn tha thứ tội lỗi, ơn mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban, vì nó đã được trả bằng giá Máu của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa (x. Ga 20,21-23). Bình an mang lại sự tha thứ cho các ông và qua các ông, người khác cảm nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa.
Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi. Tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an.
Không hiểu sao buổi chiều hôm ấy, Tôma đi đâu mà vắng mặt lúc Thầy viếng thăm, dẫn đến lời tuyên bố trước anh em rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin" (Ga 20,25). Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các ông, có Tôma ở đó. Chúa Giêsu nói với Tôma , mời ông nhìn các vết thương của Ngài và sờ vào chúng, Tôma kêu lên: "Lậy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi" (Ga 20,28). Chúa Giêsu nói: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin" (Ga 20,29). Chúng ta có thể gọi là mối phúc của lòng tin.
Những người đã không trông thấy nhưng đã tin đó là là các môn đệ, các người nam nữ khác của thành Giêsusalem, dù đã không gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh, nhưng đã tin vào chứng tá của các Tông Ðồ và các phụ nữ.
Chúa nhật hôm nay, Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.
Giờ kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28-3-2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả lời Phỏng Vấn 04-12-2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngày 18-10-2014).
Chúng ta tự hỏi: Thế giới đang cần gì ? Nước Việt nam cần gì ? Bản thân chúng ta cần gì ? Thưa: Lòng thương xót !
Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông báo chí, chúng ta vẫn nghe chiến tranh tại Ucraina. Vậy nhân loại cần gì? Thưa: Lòng thương xót, chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới cứu con người khỏi chiến tranh. Và lòng thương xót Chúa phải đi đôi với lòng thương xót của chúng ta. Tình yêu là tên gọi thứ hai của lòng thương xót. Nếu con người biết yêu thương nhau, thì con người mới xứng đáng lãnh được lòng thương xót của Chúa, và chiến tranh mới lui dần. Con người càng thương xót nhau, càng yêu thương nhau, thì chiến tranh càng bị đẩy lùi. Vì vậy chúng ta phải thành thật nhận lỗi của mình thì chúng ta mới có thể thể hiện được lòng thương xót của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin thương xót chúng con và ban bình an cho thế giới. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 6
Thánh Tôma và Lòng Thương Xót Chúa
Chúa nhật II phục sinh Giáo hội tuyên dương lòng thương xót Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: "Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đỗ một đại duơng hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta" (Tiểu nhật ký, số 699). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005). Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.
Lòng thương xót của Chúa được diễn tả qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài trên thập giá. Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo. Lòng thương xót ghi đậm nét nơi các vết thương trên thân thể Chúa. Vì thế, việc đầu tiên khi hiện ra với các môn đệ, sau khi trao sự bình an, là Chúa cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, các môn đệ vui mừng và bình an.
Lòng thương xót Chúa đối với con người trước và sau phục sinh không thay đổi, vì Chúa Giêsu vẫn là một để cho người ta nhận ra Ngài. Vết thương diễn tả lòng thương yêu của Chúa với con người không thay đổi. Ngài còn khoe và cho phép Tôma lấy tay kiểm tra vết thương.Chúa không che dấu, không tiếc xót dù Tôma có cứng lòng, đòi thực tế phải thấy mới tin.
1. Đức tin của Tôma
Chúa sống lại, các môn đệ không dễ dàng tin, thánh sử Luca kể: “Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này. Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẫn, nên chẳng tin” (Lc 24,11). Thánh Matthêu thuật lại: khi mấy người phụ nữ báo tin cho các môn đệ: Chúa đã sống lại rồi, các ông cũng hoài nghi. Rồi, “khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Riêng Tôma đã nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Đây là kiểu tin bằng lý luận kiểm chứng, chỉ tin khi thấy, khi đã có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên.
Tôma đại diện cho những người lý luận, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay. Chỉ tin những gì thấy được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói suông. Tôma không vội tin một cách dễ dàng như bao người khác. Ông là người có tính thực tế của khoa học phải qua kiểm chứng, kiểm nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe, tay chân sờ mó đụng chạm hẳn hoi thì mới tin. Đây phải chăng là thái độ khôn ngoan, cẩn thận trước một quyết định hết sức quan trọng của đức tin nơi Tôma? Cám ơn thánh Tôma, vì nhờ ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người.
Trước khi tin, Tôma phải hoài nghi đã. Tôma chỉ tin những điều hợp lý, những gì ‘thấy được, sờ được'. Đây không phải là thái độ cố chấp của Tôma mà ngược lại là thái độ không nhẹ dạ, không cả tin vội vàng bằng tai nghe. Đó là lối phân tích theo nhận định tự nhiên của con người và cũng là kinh nghiệm sống đức tin của nhiều người chúng ta. Dù sao, đây cũng là một khó khăn riêng tư của Tôma trong việc tin vào Chúa sống lại. Chúa Giêsu hiểu ông, nên đã đích thân đến và giúp cho ông dễ dàng hơn để tin vào Chúa. Ngài mời gọi ông hãy tin vững vàng. Và ông đã nói lên lời tuyên xưng đức tin thật đẹp đẽ, thật trang trọng 'lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi'. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ban cho Tôma sự bình an và đức tin mạnh mẽ qua sự hoài nghi, để ông tuyên xưng đức tin cá nhân của mình: "Lạy Thiên Chúa của con". Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Tôma đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Theo lưu truyền, ông đi rao giảng đức tin và lòng thương xót của Chúa ở Ba tư, Xyri rồi chịu tử đạo ở Ấn Độ.
Thần học gia Hans Kung nói: "người tín hữu không bao giờ nghi ngờ sẽ khó lòng hoán cải một người hoài nghi". Nhà thần học Paul Tillich nói: "sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh". Còn Thomas Merton bảo: "người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin". Jean Guitton, một nhà triết học người Pháp, nói: "Chính vì nghi ngờ thường trực mà tôi lại có thể tin vững". Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin, không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều ấy. Sự hoài nghi giúp chúng ta trưởng thành trong đức tin, thúc đẩy ta thắc mắc, tìm hiểu, học hỏi, cầu nguyện, nghiên cứu sách vở (Lm. Pet. Bi Trọng Khẩn).
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong bài giáo lý về Thánh Tôma Tông đồ có đoạn: “Trường hợp của Thánh Tông đồ Tôma với chúng ta có ít nhất ba điều quan trọng: Thánh Tôma mang lại niềm an ủi cho chúng ta trong những khi gặp hoài nghi; Thánh Tôma chỉ cho chúng ta, hoài nghi có thể dẫn đưa tìm đến ánh sáng giúp vượt qua sự bấp bênh mù mịt, và như Thánh Tôma, những lời của Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta đến ý nghĩa chính thật của đức tin. Đồng thời cũng giúp chúng ta can đảm, cho dù có những khó khăn hoài nghi, tiếp tục trung thành theo Chúa”.
2. Lòng mến của Gioan
Có hai mức độ tin: mức độ thấp là tin vì thấy,tin dựa vào bằng chứng; mức độ cao là tin mà không cần thấy, tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.Đây là mối phúc thứ 9 như lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,28). Không thấy mà tin không có nghĩa là tin một cách mù quáng, vu vơ, không có cơ sở, không có lập trường mà là bằng tình yêu nên đức tin vững mạnh hơn, truởng thành hơn.Thánh Gioan, “người môn đệ Chúa yêu”, bằng tình yêu, Gioan “đã thấy và đã tin” và nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra. Phúc âm kể: khi thấy một bóng người mờ mờ đi trên mặt biển, mọi người khác đều tưởng là ma, chỉ có Gioan là tức khắc nhận ra đó là Thầy mình. Khi Chúa Phục Sinh hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria, “các môn đệ không nhận ra” nhưng “môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” đã nhận ra và nói với Phêrô “Chúa đó” (Ga 21, 4-7)…Rõ ràng, con đường tình yêu đi đến niềm tin nhanh chóng hơn, nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn.
Tin mừng Phục Sinh cho thấy: có hai con đường dẫn tới đức tin, một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng, và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu thoạt xem có vẻ tầm thường nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc. Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.
3. Lòng Chúa Xót Thương
Nhân loại thời nay khát khao một “Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót” (1Ga 4,8; Ep 2.4) để họ tôn thờ, tựa nương và tìm được ý nghĩa cuộc đời. Lòng thương xót là tình yêu thương, là lòng trắc ẩn với người đau khổ, với người nghèo đói, với người bệnh tật, với người tội lỗi. Nhân loại thời nay cần tình yêu, đây là một dấu chỉ của thời đại.Vì thế, mỗi người tùy vào khả năng của mình hãy đặc biệt quan tâm đến việc thực thi lòng thương xót. Mỗi tín hữu được mời gọi trở thành nhân tố tích cực để sống và làm chứng cho lòng thương xót.
Điều làm nên nét độc đáo của người tín hữu là nhân đức thương xót, thể hiện bằng đạo yêu thương, được bộc lộ nơi bản thân và cuộc đời mỗi cá nhân. Mỗi người trong chúng ta, bằng cách thực thi bác ái, lòng thương xót và tha thứ, có thể trở nên dấu chỉ quyền năng tình yêu của Thiên Chúa có sức biến đổi tâm hồn, đem lại hòa giải và bình an.Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), ĐTC Phanxicô nói: “Thời đại ngày nay, khi Hội Thánh đang thực thi công cuộc Tân Phúc Âm hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và đổi mới các hoạt động mục vụ. Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót.Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12). Đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô, trong Thư gởi cộng đoàn Dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”.
Chúa Phục Sinh cho các tông đồ xem những thương tích cuộc khổ nạn nay đã thành sẹo như mời gọi các ngài chiêm ngắm chính nguồn mạch của Lòng Thương Xót không bao giờ cạn vơi.
Thánh Tôma Aquinô đã cầu nguyện rằng: "Chúa ơi, con không xin được xem thương tích Chúa như ông Tôma tông đồ, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con. Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông vào Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn nữa". Người kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến. Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc. Càng tin vững thì càng bình an. Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến. “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu trong những cái tầm thừơng để có khả năng chứng mình về tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
Thay vì “phải thấy mới tin”, thánh Tôma đã nhận ra rằng “phải tin mới thấy” trọn vẹn. Cùng với mầu nhiệm đức tin khi bánh rượu được truyền phép trong thánh lễ hôm nay, chúng ta sẽ yêu mến lặp lại lời tuyên xưng của thánh Tôma: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
==================
Suy niệm 7
Lạy Thiên Chúa của con!
Ga 20, 19-31
Sau cái chết như “một tử tội” của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không gặp gỡ giao tiếp với ai. Khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi (ban Thánh Thần) cho các ông. Người truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông. Có sự hiện diện với ơn bình an của Chúa Phục Sinh, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Lần trước Chúa hiện đến với các môn đệ thì ông Tôma vắng mặt. Các môn đệ khác nói lại nhưng ông không tin. Có lẽ nhiều người hôm nay chê trách Tôma quá cứng lòng. Nhưng thật ra, Chúa Giêsu đã chết rồi “tự sống lại” là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử, ông lại không nhìn thấy nên thật khó để tin. Ông đại diện cho những người không sống theo dư luận, không hùa theo đám đông khi chưa nhìn rõ sự việc gì hệ trọng, mà phải là mắt thấy, tai nghe và tay rờ. Tin Mừng hôm nay là chuyện tám ngày sau, hôm ấy ông Tôma cùng ở đó và đã nhìn rõ Thầy mình. Chắc chắn ông đã tin, nhưng biết lòng người môn đệ này, Chúa còn lấy tình thân thương mà “nhắc nhủ” riêng ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27). Lúc này ông vừa tin, vừa yêu, vừa kính sợ và chỉ còn biết kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Tình yêu và sự bình an của Chúa Phục Sinh đã tràn ngập tâm hồn ông, khiến ông cảm nhận thật rõ lòng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Hôm nay là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, vì tình yêu và lòng xót thương, Chúa đã chịu chết, chịu lưỡi đòng đâm thấu Trái Tim, để từ đây Máu và Nước đã tuôn trào như suối nguồn thương xót chúng con. Như thánh Tôma Tông đồ, xin Chúa cho chúng con luôn cảm nhận, tin yêu và tín thác trọn cuộc đời mình trong Trái Tim yêu thương của Chúa, để đời chúng con luôn sống trong sự bình an của Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Amen.
Én Nhỏ