Thứ năm, 26/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay năm C

Cập nhật lúc 15:31 03/03/2022
Suy niệm 1
Chúa Giêsu vào sa mạc và chịu cám dỗ
Lc 4, 1-13
Hãy bước vào sa mạc. Mùa Chay là thời gian đặt bước chân của chúng ta vào những bước chân của Chúa Giê-su. Đó là hướng cái nhìn sâu xa của chúng ta vào Ngài, như Ngài hướng nhìn Cha Ngài và được nghe Cha Ngài nói với chúng ta về Ngài: “Con là con rất yêu dấu của Ta”. Khi bước vào sa mạc, Chúa Giêsu muốn dành toàn bộ thời gian ở đó để làm cho cuộc gặp gỡ này với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trở nên sâu xa và thân mật hơn.
Từ cuộc gặp gỡ đó, Ngài sẽ sống trong suốt sứ mệnh của Ngài. Liên kết với sứ mệnh của Chúa Kitô, chúng ta hãy bước vào Mùa Chay với tinh thần giống như Ngài trong sa mạc. Chính niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, giống như của Chúa Giêsu tin tưởng vào Cha Ngài, làm cho chúng ta chiến thắng cám dỗ, được cứu độ và tham dự vào công trình cứu độ tất cả mọi người.
Ý nghĩa của bốn mươi ngày. Một vài khoảnh khắc không thể đủ để chúng ta đưa ra lựa chọn đúng đắn về cuộc sống. Tất cả những lựa chọn của con người xuất hiện trong suốt cuộc đời của chúng ta là kết quả của sự trưởng thành chậm chạp. Sự trưởng thành của đức tin không chỉ là sự suy tư hay huấn luyện, mà còn là thành quả của một cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.
Trong sa mạc, Chúa Giêsu không đối thoại với ma quỷ: Ngài vạch mặt hắn. Hắn tinh ranh quỷ quyệt muốn ngăn chặn Chúa Giêsu đưa ra những lựa chọn đích thực cho sứ mệnh của Ngài. Bằng mọi cách, mục tiêu chính của Sa-tan là phá vỡ thái độ hiếu thảo của Chúa Giê-su đối với Cha Ngài. Những cám dỗ, những lựa chọn sai lầm mà ma quỷ bày đặt ra cho Chúa Giêsu là gì? Và những cơn cám dỗ đó có đến với chúng ta không?
1- Đói. Trong sa mạc, với quyền năng Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể dễ dàng thoát khỏi cơn đói. Nhưng Ngài muốn sống thân phận của một con người trong giới hạn của cơn đói này, cũng như nhiều người thời nay đang đói khổ. Chúa Giêsu đói để cảm thông đối với những người thực sự đói về của ăn vật chất. Cũng xuất phát từ sự cảm thông đó, Ngài đã ban bánh cho nhiều người đói ăn. Ngài chia sẻ bánh cho chúng ta để biến đổi con tim chai đá của chúng ta trở nên con tim thịt biết yêu. Đồng thời, Ngài muốn làm rõ rằng cơn đói này không phải là để giảm cân, giảm mỡ máu trong cơ thể như nhiều người thời nay thực hiện. Ngài nói: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
2- Quyền bính. Cám dỗ thứ hai mà ma quỷ đặt ra cho Chúa Giêsu, đó là quyền bính. Trong suốt cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, người ta thường yêu cầu Chúa thực thi uy quyền của Ngài. Chính các môn đệ cũng muốn thế! Chúa không làm theo yêu cầu của họ. Hơn nữa, Ngài còn quở trách Phêro đồng lõa với Satan dưới hình thức cám dỗ này. Các môn đệ trên đường Emmaus đã thất vọng vì Chúa không sử dụng quyền bính.
Sự lựa chọn của Chúa Giêsu là sống trọn vẹn ơn gọi là "Tôi tớ" cho dù phải trả bằng mọi giá. Sự lựa chọn của Chúa Giêsu là trái ngược với tinh thần thống trị của người đời. Sự thống trị của người đời dễ làm cho người này chống lại người khác, làm cho dân tộc nọ chống lại dân tộc kia. Chúa Giêsu dâng hiến cả cuộc đời chứng tỏ Thiên Chúa toàn năng không phải là một Thiên Chúa độc đoán, mà là Thiên Chúa phục vụ. Điều này sẽ dẫn Chúa Giêsu đến Thập Giá. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng ý nghĩa của đời sống con người, là hạnh phúc, là con người trọn vẹn và là con Thiên Chúa trọn vẹn, là trở thành người phục vụ và không độc đoán.
3- Tôn giáo phục vụ cá nhân chúng ta. Cám dỗ cuối cùng là muốn Thiên Chúa và tôn giáo phục vụ cá nhân chúng ta. Tin mừng kể “Tên cám dỗ đặt Chúa Giêsu trên nóc Đền thờ và nói: Nếu ông là con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi...”. Và sau này những người Biệt Phái cũng yêu cầu Chúa làm những dấu hiệu phi thường để chứng minh Thiên Chúa đứng vè phe mình. Dưới chân Thập giá, họ còn hét lên “Nếu hắn là Đấng Kito của Thiên Chúa, thì cứu lấy mình đi”. Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ làm theo ý họ về điểm này. Ngược lại, Ngài nói: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Ngài quyết định chấp nhận tình trạng đến cùng của một con người, như lời thánh Phaolo: “Bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”.
Lạy Chúa, cuộc đời của mỗi chúng con cũng đầy dẫy cám dỗ. Lúc này, có thể chúng con không đói của ăn vật chất. Nhưng xin Chúa ban cho chúng con ơn biết đói: đói cảm thông với những người đói khổ trên khắp thế giới và đói tình thương của Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể giúp chúng con chiến thắng cám dỗ. Xin cho chúng con biết chọn lựa để chúng con hoàn toàn đặt niềm tin vào Chúa, Đấng cứu độ chúng con. Amen!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Mt 4, 1 – 11
Sau khi được thánh Gioan làm phép rửa trên sông Gio đan, Đức Giêsu lên núi ăn chay và cầu nguyện 40 ngày. Ăn chay 40 ngày không phải là chuyện phi thường. Mô sê, Ê li a và Đức Phật Thích Ca cũng đã ăn chay 40 ngày. Hôm nay người ta có thể tuyệt thực 100 ngày để trị bệnh. Nhưng cách ăn chay và cầu nguyện của Chúa khiến ma quỷ đặt vấn nạn: “Có lẽ ông này là Đấng Cứu Thế”. Chính vì thế mà hắn phải tìm hiểu. Tìm hiểu chứ không phải là cám dỗ. Cũng như người ta thử vàng chứ không cám dỗ vàng. Bởi vậy có hai vấn đề chúng ta phải suy gẫm để tìm hiểu và để thực hành.
Một. Người ta vẫn thường nói: ma quỷ thông minh như thiên thần; nó biết quá khứ và tương lai của ta; nó biết cả điều chúng ta đang suy nghĩ trong đầu. Thật không? Chắc là không. Phải khẳng định rằng mà quỷ cũng ngu lắm. Đây là bằng chứng cụ thể:
  1. Sứ thần Gáprien báo tin cho Đức Mẹ thụ thai Đấng Cứu Thế. Nó không biết.
  2. Sứ thần báo tin cho các mục đồng rằng Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong hang đá ở Bêlem. Nó không biết.
  3. Ông già Simêon ẵm Chúa Hài Nhi trong tay và gọi Ngài là “Ánh sáng soi đường cho dân ngoại”, tức là Đấng Cứu Thế. Nó cũng không biết.
  4. Suốt ba tháng Đức Mẹ và bà Êlidabéttâm sự với nhau về lịch sử Đấng Cứu Độ. Nó cũng không biết.
  5. Phải chờ mãi cho tới khi Chúa chữa một người bị quỷ nhập ở Caphácnaum. Chừng đó quỷ mới thú nhận rằng “tôi biết ông là ai rồi. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Đến bây giờ mới biết, như vậy có nghĩa là sau khi thử Chúa ba lần, quỷ vẫn chưa biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Thánh Luca nói rằng: sau ba lần thử, “quỷ bỏ đi và chờ đợi thời cơ”. Thời cơ ấy là hôm nay đấy. Ta cần phải đánh giá ma quỷ một cách chính xác như vậy và đừng sợ nó.
Hai. Ba lần ma quỷ thăm dò, Chúa đều giấu không cho nó biết. Ba lần Ngài đánh trống lảng sang chuyện khác, để dạy ta ba bài học:
  1. “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, mà phải sống bằng Lời Chúa” nữa. No cơm ấm áo chưa đem lại hạnh phúc cho đời đâu. Chỉ có hạnh phúc thật, khi người ta thi hành Lời Chúa. Biết bao nhiêu người lao đầu vào cuộc mưu sinh, vào việc tích lũy tiền bạc để thành tỉ phú. Nhưng cuối cùng chẳng thấy tỉ phú nào hạnh phúc cả.
  2. “Chỉ thờ một Chúa thôi”. Than ôi, người ta đua nhau thờ tiền, thờ danh và thờ thú. “Danh – lợi – thú” là ba mục tiêu mà biết bao nhiêu người đổ xô vào đấy. Rồi kết thúc là tuyệt vọng!
  3. “Không được thử thách Thiên Chúa”. Ở đời không tin nhau thì phải thử: cha mẹ thử con; vợ chồng thử nhau; bạn bè thử nhau. Nhưng đối với Chúa, thì phải tin tưởng tuyệt đối. Thử Chúa là xúc phạm. Chúa luôn luôn là Cha yêu thương. Còn cách yêu thương của Ngài, thì không giống chúng ta. Chúng ta chỉ thích bông hoa, mà không thích cây khổ giá. Nhưng Chúa lại muốn chúng ta chọn con đường “từ khổ giá đến vinh quang”. Đối với Chúa thì hạnh phúc ở đời này chỉ là phù hoa; hạnh phúc ở đời sống vĩnh cửu mới là hạnh phúc thật. Tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, thì hạnh phúc thật đến với ta không những ở đời sau, mà còn bắt đầu từ hôm nay.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

=================
Suy niệm 3
HÌNH THÁI CÁM DỖ THỜI NAY

Nhiều người trong chúng ta có thể đã hỏi ít nhất một lần trong đời rằng: Đức Giê-su vào hoang địa, chịu cám dỗ để làm gì? Ngài là Ngôi Lời, là Thiên Chúa, thì chắc chắn  sẽ chiến thắng mọi xúi giục, lôi kéo, cám dỗ của ma quỷ, điều này không đúng sao? Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời cách công khai, biến cố Đức Giê-su chịu cám dỗ có ý nghĩa gì? Hơn hết, cuộc chiến chống lại cám dỗ của Ngài có cần thiết và hệ trọng đối với chúng ta, đặc biệt trong đời sống đạo của mỗi người chúng ta chăng?
Thiết nghĩ đây chỉ là một số câu hỏi mà chúng ta đôi lần tự đặt ra cho mình, cũng như cho những ai có trách nhiệm giảng dạy, đào tạo và đồng hành thiêng liêng. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta không cố gắng tìm lời giải đáp cho tất cả mọi nghi vấn đặt ra; cho bằng, chúng ta đặt bản thân vào các bài đọc, nhất là đoạn Tin Mừng hôm nay, hy vọng sẽ tìm thấy và khám phá điều Chúa muốn nói với chúng ta trong Mùa Chay Thánh này: “Khi ấy,Chúa Giê-su được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Gio-đan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ” (Lc 4, 1-2).
Như chúng ta biết, sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Ngài được Thần Khí thúc đẩy đưa vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ, nơi đó Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày (x. Lc 3, 21-4, 2; Mt 3, 16 - 4, 2). Như thế, đây không chỉ là cuộc chiến chống lại cơn cám dỗ đơn thuần, mà đúng hơn, qua biến cố này, Đức Giê-su để lại tấm gương quý giá, và bộc lộ khả năng thần thiêng nơi con người, bởi lẽ con người được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài và theo hình ảnh Ngài (Imago Dei). Thật sự, con người đã sa ngã, phạm tội, không giữ lời hứa với Thiên Chúa (x. hình ảnh A-đam và E-và ăn trái cấm), nhưng tiềm ẩn trong con người vẫn không mất đi tính thần thiêng, cũng không mất đi khả năng chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ. Thánh Sử Mác-cô không kể chi tiết Đức Giê-su đã chịu cơn cám dỗ ra sao, và Ngài đã chiến đấu với những cơn cám dỗ thế nào; nhưng Tin Mừng theo Thánh Lu-ca và Mát-thêu cho chúng ta thấy rõ ba loại cám dỗ chính liên quan đến vật chất (tiền bạc), quyền lực và danh vọng (x. Lc 4, 2-13; Mt 4, 2-11). Đức Giê-su đã dùng Lời Chúa, dùng việc ăn chay cầu nguyện và sự tín thác kiên vững của Ngài mà chống lại sự xúi giục của ma quỷ. Đây chính là cách chúng ta soi vào, noi gương Ngài mỗi khi bị cám dỗ, hoặc có những xu hướng lệch lạc, khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa, hoặc đối nghịch với giáo lý Giáo Hội.
Giữa thời đại ngày nay, có quá nhiều kiểu cám dỗ, vô vàn loại hình lôi kéo chúng ta bỏ đàng công chính, sống buông thả theo lối ‘đến đâu hay đến đấy’. Một trong nhiều thứ cám dỗ mà chúng ta cảm nhận rõ rệt hôm nay, đó là: ‘chẳng sao đâu, anh (chị) vẫn còn nhiều thời gian/thời giờ mà!’, ‘để sau cũng được mà! Chứ vội vàng (xưng tội, ăn năn sám hối…) làm chi!’, ‘hôm nào tiện thì làm (ví dụ: chần chừ đi xưng tội, phạm hết tội nhẹ đến tội trọng, nhưng dự định gộp một lần rồi xưng tội) luôn một thể’, đặc biệt khi sống làm việc ở xứ người, vừa không biết ngôn ngữ vừa biếng nhác, chưa trưởng thành trong đời sống đạo. Ngoài ra, một loại cám dỗ khác cũng khá phổ biến thời nay, đó là: ‘hành vi/hành động sai/xấu, nhưng nếu chẳng ai ‘bắt được tận tay, day tận mặt’ thì xem như bình thường, như chưa có chi’, ví dụ: ăn cắp vặt, ăn trộm vặt, nếu không ai thấy thì hành vi sai trái ấy vẫn coi như chẳng có gì nghiêm trọng cả! Như chúng ta biết hành vi sai trái, tội lỗi ở bản chất của nó, nên khi thực hiện có ai đó bắt được hoặc có ai thấy hay không, thì hành vi đó vẫn sai trái, tội lỗi. Hơn thế, một thứ cám dỗ khác như thể ‘vàng thật vàng thau lẫn lộn’, ấy là: hành động sai ngay tại bản chất của nó, nhưng nếu nhiều người làm thì nó lại trở nên bình thường như ‘bình chân như vại’! Một hành vi xấu xa ở bản chất của nó, nên cho dù nhiều hay ít người làm đi chăng nữa, thì nó vẫn là hành vi sai trái. Tuy ba kiểu cám dỗ thời đại này tinh vi, và hầu như phải chiến đấu nội tâm không ngừng, nhưng ở mức độ nào đó, chúng vẫn liên quan đến tiền-tài-tình hoặc tiền tài-quyền lực-danh vọng-sắc dục.
Với tấm gương kiên định chống lại cám dỗ của Đức Giê-su, và trong niềm tín thác “Chúa Ki-tô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Ngài là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa” (1Pr 3, 18), thì chúng ta cũng được nâng đỡ vượt thắng mọi cơn cám dỗ. Nhờ vào lòng nhân từ Chúa, gia đình ông No-ê (gồm tám người) được cứu khỏi lụt đại hồng thuỷ (x. St 8-9) và Ngài đã ký kết giao ước với ông qua dấu chỉ ‘chiếc cầu vòng’ (‘cái mống’ hoặc ‘cây cung trên trời’ như một số bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt sử dụng), rằng: Thiên Chúa sẽ không trừng phạt như vậy nữa; thay vào đó, Ngài khoan dung, nhân từ, nhẫn nại, chờ đợi con người. Ngài thanh tẩy và ban cho con người một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa hằng sống (x. 1Pr 3, 21-22). Nhờ đó, chúng ta được thêm mạnh sức chống chọi với mọi cám dỗ, mọi xúi giục, mọi lôi kéo của ma quỷ hòng tách rời chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Với đời sống cầu nguyện liên lỉ bền bỉ, ăn chay hãm mình đền tội, và tận tâm làm việc bác ái yêu thương trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta sẽ luôn cảm nghiệm Chúa nâng đỡ và đồng hành qua Giáo Hội; chúng ta sẽ được thông phần vào mầu nhiệm Thương Khó-Tử Nạn-Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Giờ đây, chúng ta thành tâm dâng lời nguyện cầu:
Chúa đã chiến thắng cám dỗ thế nào
Xin cho chúng con chẳng nao lòng vậy
Kiên vững chống lại ma quỷ xấu thay
An chay, cầu nguyện, tháng ngày yêu thương. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 4

Một Nửa Sự Thật

Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.
Nói đến cám dỗ, chúng ta thường nghĩ rằng ma quỷ xúi giục, dụ dỗ mình làm một điều xấu. Thật ra nếu biết điều đó là xấu thì mình cũng phải phân định, xem xét cân nhắc trước khi làm chứ!. Chiến thuật cám dỗ ma quỷ thường là nó làm cho người ta lầm tưởng cái giả là cái thật, cái thật là cái giả, coi cái không có là cái có và coi cái có là cái không có. Khi cám dỗ, ma quỷ luôn quảng cáo trước mắt chúng ta những điều thật, điều tốt và có lợi. Nhưng thật ra đó chỉ là “bánh vẽ”, nếu có thật chỉ là một phần rất nhỏ. Nó làm cho người ta mù quáng và không nhìn thấy những mặt xấu. Đó là những “chiêu” tinh vi ma quỷ dùng trong chiến thuật cám dỗ con người. Trong vườn địa đàng, ma quỷ xúi giục Adam-Eva ăn trái cấm. Nếu ma quỷ cho thấy hậu quả của việc ăn trái cấm, chắc hẳn hai ông bà phải xét lại đề nghị của ma quỷ? Ma quỷ trưng dẫn những mặt tích cực, mặt có lợi cho hai ông bà như ăn vào “mắt ông bà sẽ mở ra và sẽ bằng Thiên Chúa” (St 3,5). Ma quỷ cũng sử dụng “chiêu thức” này đối với Chúa Giêsu như nó đã cám dỗ Adam-Eva.
1. Một nửa sự thật.
Đức cha Phêrô Nguyễn Khảm gọi “chiêu thức” ma quỷ dùng để cám dỗ Chúa Giêsu là chiêu “một nửa sự thật”.
Khi đọc trình thuật Chúa Giêsu bị cám dỗ, chúng ta dễ nghĩ đây là những cám dỗ về mặt luân lý, đạo đức cá nhân, chẳng hạn như tội kiêu ngạo, tham lam của cải…Những suy nghĩ ấy rất tốt và rất cần, nhưng ở đây thử nhìn tới một viễn tượng lớn hơn bằng cách đặt câu hỏi: Chúa Giêsu chịu cám dỗ vào lúc nào? Thưa, vào lúc Ngài bắt đầu thi hành sứ vụ công khai. Cho nên, những cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu đối diện không chỉ là cám dỗ về mặt đạo đức cá nhân, mà là những cám dỗ về sứ vụ cứu thế, về đường lối giải thoát nhân loại. Vậy đâu là đường lối cứu thế mà ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu và nó dùng chiến thuật nào để thuyết phục Người làm theo? Chiến thuật của ma quỷ là lấy chính Lời Chúa để đánh lừa và cám dỗ con người. Lời Chúa là lời Chân Lý, Lời sự thật nhưng ma quỷ chỉ trình bày một nửa sự thật để đánh lừa con người.
Trong cơn cám dỗ thứ nhất, sau 40 ngày không ăn gì cả, Chúa Giêsu thấy đói, ma quỷ nói với Người “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi”. Ấn trong lời đề nghị đó là quan niệm cho rằng cứ có tiền bạc, cứ có của cải vật chất là giải quyết tất cả. Điều đó có đúng không? Con người cần cơm bánh, cần của cải, cần được cung ứng những nhu cầu căn bản cho cuộc sống. Nhưng tiền bạc và của cải vật chất tuy cần thật nhưng không phải là tất cả. Trong thực tế đã có bao nhiêu gia đình giàu có nhưng lại tan nát và con cái là những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Biết bao gia đình giàu có, nhưng con cái trong gia đình lại vướng vào tệ nạn xã hội, gây đau khổ cho mọi người. Đó là những kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống, chưa nói đến những kinh nghiệm của lịch sử thế giới dạy chúng ta điều đó.
Ở cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ nói với Chúa Giêsu: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý. Nếu ông bái lạy tôi thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Hàm trong lời đề nghị đó là quan điểm cứ có quyền lực là có tất cả. Tiếc rằng, điều đó chỉ đúng có một nửa. Quyền lực là cần thiết cho người lãnh đạo, nhưng không phải là tất cả. Lịch sử thế giới làm chứng biết bao nhiêu người với quyền lực gần như tuyệt đối trong tay mà chỉ gieo sợ hãi, gieo đau khổ cho biết bao thế hệ.
Cơn cám dỗ cuối cùng mà ma quỷ đề nghị với Chúa Giêsu là lên trên nóc đền thờ gieo mình xuống… “vì có lời chép rằng Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên Chúa sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Ở đây xuất hiện một cơn cám dỗ đặc thù trong thời đại chúng ta, thời đại của khoa học kỹ thuật. Ngày nay người ta nói đến kỹ thuật trị hay kỹ trị, với ý nghĩ rằng kỹ thuật giải quyết được hết mọi sự. Đúng là con người cần đến khoa học và kỹ thuật, nhờ đó cuộc sống được đầy đủ tiện nghi, thoải mái, an toàn, bảo đảm hơn. Những chuyện ngày xưa tưởng chỉ có trong chuyện khoa học viễn tưởng như máy bay, tàu ngầm, điện thoại, internet…nay đều thành sự thật, làm cho cuộc sống con người phong phú hơn. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu kỹ thuật có giải quyết được hết mọi sự không? Con người có khả năng khám phá nguyên tử, nhưng từ ngày đó, nhân loại lại sợ hãi nghĩ đến chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ và tiêu diệt tất cả. Từ ngày internet phát triển đến nay, các phương tiện truyền thông bùng nổ, nối kết con người trong ngôi làng toàn cầu, thế nhưng tình trạng gian dối, lừa đảo, khủng bố trên không gian mạng cũng gia tăng, liệu nhân loại có cảm thấy bình an và hạnh phúc hơn chăng?
Phân tích những cơn cám dỗ này để thấy chiến thuật của ma quỷ là trình bày sự thật, nhưng chỉ là một nửa sự thật. Đấy chính là lý do khiến chúng ta dễ sa vào cơn cám dỗ vì nó xuất hiện với dáng vẻ rất ngọt ngào, đẹp đẽ, hấp dẫn. Ẩn trong dáng vẻ hấp dẫn và đẹp đẽ đó là sự chết, là tội lỗi dẫn đến sự chết mà nhiều khi mình không tỉnh thức và cảnh giác đủ. (x.Lời Chúa và cuộc sống năm 2022, ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm, suy niệm CN I Chay).
2. Trộn sự thật với dối trá

Linh mục Minh Anh (TGP Huế) gọi ‘chiêu’ cám dỗ của ma quỷ là “Trộn sự thật với dối trá”.
Thánh Maccô kể chuyện: “Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: ‘Ông là Con Thiên Chúa’” (Mc 3,7–12).
Thật bất ngờ, ma quỷ vừa bái phục Ngài, vừa nói cho biết; đúng hơn, nó tuyên xưng, “Ngài là Con Thiên Chúa!”. Thế nhưng, sẽ bất ngờ hơn, khi “Ngài nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Ngài”. Tại sao? Phải chăng Ngài biết, chúng là một chuyên gia ‘trộn sự thật với dối trá?’.
Chúa Giêsu ra lệnh cho các thần ô uế giữ im lặng về Ngài; bởi lẽ, lời chứng của chúng không đáng tin, nhất là một lời chứng về sự thật Ngài là ai. Điều quan trọng chúng ta cần hiểu ở đây là, ma quỷ thường lừa dối người khác bằng cách nói ra một số sự thật theo một cách thức pha lẫn dối trá. Vì thế, không thể tin chúng được; chúng luôn ‘trộn sự thật với dối trá’; chúng không xứng đáng để nói bất cứ một sự thật nào về Chúa Giêsu.
Ma quỷ tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng lại đi nghịch với Tin Mừng của Ngài; Nó bái phục, nhưng lại tìm mọi cách để cám dỗ Ngài đi theo đường lối nó. Đây là điều Ngài đã cảnh báo: “Dân này kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng thờ kính Ta cách giả dối”. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống sự thật, chọn sự thật và làm chứng cho sự thật.
Sống trong thời đại internet, thật không dễ để chúng ta phân biệt giữa sự thật và dối trá; giữa thế giới thực và thế giới ảo; đâu là ý kiến dẫn dắt con người, đâu là thao túng lương tri. Cách chung, Tin Mừng hôm nay sẽ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về việc lắng nghe. Được lắng nghe, được rao giảng là một điều tốt, nhưng không phải mọi điều chúng ta nghe, đọc hoặc xem…đều đáng tin cậy; vì lẽ, sẽ có vô số ý kiến, lời khuyên, thầy dạy mà đôi khi những người thuyết giảng sẽ nói một điều gì đó khá đúng; nhưng sau đó, vô tình hoặc cố ý, họ ‘trộn sự thật với dối trá’, dù thoạt đầu, những sai sót ấy xem ra rất nhỏ. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn và dẫn đến lầm lạc. Vì vậy, phải luôn lắng nghe, đọc và xem một cách cẩn thận, hầu phân biệt điều đó có hoàn toàn phù hợp với những gì Chúa Giêsu đã bày tỏ không. Đây là lý do mà chúng ta phải luôn dựa vào giáo huấn của Chúa Giêsu qua huấn quyền của Hội Thánh; Chúa Giêsu bảo đảm, chân lý của Ngài được nói qua Hội Thánh. Do đó, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, cuộc đời các thánh và sự khôn ngoan của Đức Thánh Cha và các Giám Mục phải luôn luôn được sử dụng làm nền tảng cho tất cả những gì chúng ta thụ huấn.
Thứ đến, trong mọi đấng bậc, chúng ta là những người rao giảng; chúng ta chịu trách nhiệm về điều mình rao giảng. Lời rao giảng của chúng ta phải đặt nền tảng trên thẩm quyền của Hội Thánh, cụ thể là đấng bản quyền; nội dung chúng ta rao giảng là Chúa Giêsu, Lời Ngài và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Nhờ hiệp thông với Hội Thánh và cầu nguyện, những gì chúng ta rao giảng phải được phân định và chiếu soi bởi Thánh Thần. Từ đó, chúng ta đọc, nghe và nói Lời Thiên Chúa trên ‘đầu gối’ của Hội Thánh và không được phép nhập nhằng ‘trộn sự thật với dối trá’ dù là vô tình; bởi lẽ, một phần sự thật, hoặc sự thật không toàn phần, không phải là sự thật.
Ngày kia, Satan đang đi cùng một trong những thuộc hạ của nó; cả hai nhìn thấy một người đàn ông đi trước nhặt một thứ gì đó bóng loáng. Thuộc hạ của Satan hỏi, “Không biết người ấy nhặt được cái gì?”; “Một mảnh của sự thật”, Satan trả lời. “Ngài không lấy làm tiếc và khó chịu khi người ấy chỉ tìm được một mảnh của sự thật sao?”, thuộc hạ hỏi. Satan trả lời, “Không! Ta sẽ giúp nó, ta sẽ ‘trộn sự thật với dối trá’ và tạo nên một tôn giáo mới từ mảnh chân lý quý giá ấy”.
Thật may mắn, Mẹ Hội Thánh của chúng ta không nhặt được một mảnh của sự thật, nhưng được trao ban một chân lý toàn vẹn bởi một Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; đó là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, vị “Thượng Tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời” như thư Do Thái hôm nay nói đến. Ngài là “Ánh Rạng Ngời Chân Lý” như tên của một thông điệp mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết; chân lý của Ngài không bao giờ ‘trộn sự thật với dối trá’.
Đang ở trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Giáo Hội Kitô, chúng ta cầu xin Thánh Thần ban cho các Giáo Hội được hiệp nhất trong đức tin, hiệp nhất trong chân lý vẹn toàn, hiệp nhất trong Lời Chúa và hiệp nhất với Thánh Thần trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. (Lm. Minh Anh, suy niệm ngày 20.1.2021).
3. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện
Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan bằng Lời Sự Thật và đời sống chay tịnh cầu nguyện, luôn tín thác vào Chúa Cha.
Lời Chúa là Sự Thật nguyên tuyền, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Mỗi lần ma quỉ đưa ra một chước cám dỗ, Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
- Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)
- Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)
- Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).
Dường như suốt cả cuộc đời, Chúa Giêsu luôn bị Satan tấn công : “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỹ bỏ đi, chờ đợi thời cơ ” (Lc 4,13). Nhất là vào những giây phút cuối đời của Người. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với khổ nạn và cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nỗi mồ hôi đổ ra như máu. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b) ; “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b).
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn, nhiều gian dối mưu mô lọc lừa, nhiều chiêu trò “một nửa sự thật” và “trộn sự thật với dối trá”, có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Thánh Phêrô dùng một hình ảnh đáng sợ để ám chỉ Satan: “Ma quỷ là thù địch của anh em, nó như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 3,8). Với lời trên, thánh Phêrô quả quyết Satan cám dỗ chỉ để làm hại con người mà thôi. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ".
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Sự Thật Lời Chúa.
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để ngưới tín hữu xét mình, để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mà sống đẹp lòng Thiên Chúa mỗi ngày.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

=================
Suy niệm 5
Phương thế để thắng Tên Cám Dỗ

(Lc 4, 1-13)

Hàng năm, cứ sau Lễ Tro khai mạc Mùa Chay Thánh chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ I Mùa Chay, những đoạn Tin Mừng Nhất Lãm tùy theo năm phụng vụ kể về những lần Chúa Giêsu bị cám dỗ trong hoang địa. Sở dĩ vậy là vì Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng, nếu Chúa Giêsu Con Thiên Chúa mà con bị cám dỗ, huống hồ người Kitô hữu chũng ta bước theo Chúa, khó hòng thoát khỏi những bẫy giăng của Tên Cám Dỗ. Chúa Giêsu đã sẵn sàng đối mặt với Tên Cám Dỗ và đã chống trả quyết liệt với vũ khí là ý Chúa Cha, Người đã đánh bại hắn, còn chúng ta thì sao?
Ma Quỷ với mưu mô, có khả năng hành động trên chúng ta với những cám dỗ của nó nhằm lôi kéo chúng ta về phía hắn và tìm cách đánh bại ta khiến chúng ta bị án phạt đời đời. Để chiến thắng, chúng ta phải ăn chay, cầu nguyện, sám hối và giục lòng tin, để cùng với ơn Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng.
Tuyên xưng niềm tin vào Chúa
Dân Israel, với những cám dỗ về củ hành củ tỏi, hồi tưởng và mơ ước sống lại kiếp thân nô lệ cho người Ai cập đã tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, xin Chúa ban ơn để có thêm nghị lực tiến bước trên hành trình về Đất Hứa, hay đúng hơn là được sống tự do làm con cái Chúa (x. Đnl 26,4-10). Dân thành Rôma, để được cứu rỗi thì cũng phải mở miệng cất lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Chúa và “tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại” (x, Rm 10,9). Nên dù Do thái và Hy lạp nếu cùng cầu khẩn, cùng tuyên xưng thì tất cả đều được cứu độ (x. Rm 8,13).
Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay trình bày cho chúng ta biến cố “Chúa Giêsu…được Thánh Thần đưa vào hoang địa  ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2). Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng dẫn đưa Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (x. Lc 4,1-13). Chúng ta tin rằng, cũng chính Chúa Thánh Thần ấy hướng dẫn đời sống chúng ta. Chúng ta được mời gọi đương đầu với cuộc chiến đấu hằng ngày nhờ đức tin và ân sủng Chúa Kitô nâng đỡ.
Tên cám dỗ tìm cách kéo Chúa Giêsu ra khỏi kế hoạch của Chúa Cha, khỏi con đường hiến tế và tình yêu để đảm nhận một con đường dễ dàng hơn của thành công và quyền lực. Cả Chúa Giêsu và Satan đều trích dẫn Kinh Thánh. Thực ra, để kéo Chúa Giêsu ra khỏi con đường thập giá, quỷ đã bày ra trước mắt Chúa Giêsu một niềm hy vọng sai lạc về Ðấng Messia: sung túc về kinh tế, trong lời xúi giục hóa đá thành bánh; một kiểu biểu diễn và phép lạ thành công ngoại mục, với ý tưởng gieo mình xuống từ nóc đền thờ Giêrusalem và để Thiên Thần cứu mình; và cuối cùng là đánh đổi quyền lực và sự thống trị với việc thờ phượng Satan. Các chiêu ma quỷ dùng để cám dỗ Ađam và Evà (x. St 3,1-7), nó cũng dùng để cám dỗ Chúa Giêsu và chúng ta ngày hôm nay nữa.
Ba chiến thuật tinh vi
Bốn mươi ngày chay tịnh, Chúa Giêsu không ăn uống gì, khi sắp hết thời gian ăn chay, Tên Cám Dỗ, Satan, đã xuất hiện với ba chiến thật tinh vi.
Chiến thuật thứ nhất là ham muốn thành công : Với lý luận xảo trá, Satan khởi đi từ những nhu cầu tự nhiên nuôi sống bản thân  “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho đá này biến thành bánh” (Lc 4,3). Từ « nếu » của Satan gợi lên sự không tin như khi cám dỗ Ađam và Evà ( x. St 3,1-7). Chúa Giêsu có thể hoàn tất các phép lạ mà không cần Chúa Cha. Nhưng Chúa Giêsu đã không làm thế, Người trích dẫn sách Đệ Nhị Luật “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa” (Đnl 8,3). Người khẳng định làm mọi sự theo ý Chúa Cha.
Chiến thuật thứ hai là vinh quang trần thế : Satan chỉ cho Chúa Giêsu thấy vinh quang của nước thế gian và nói: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông! " (Lc 4). Đâu có phải là của Satan mà nó nhận về nó, lại còn trao ban nữa. Đúng là chiêu trò ma quỷ, một khi quyền lực lên ngôi, tiền bạc và thành công bong bóng chế ngự đời ta, khiến ta tự phụ, Thiên Chúa không còn chỗ nhất để ta yêu mến và tôn thờ trên hết mọi sự trong lòng ta. Với chiêu cám dỗ này, Chúa Giêsu phán: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi" (Đnl 6,16).
Chiến thuật thứ ba là lợi dụng Thiên Chúa cho lợi ích của chính mình : Nó vừa nghe Chúa Giêsu trích dẫn Kinh Thánh, nó cũng làm như vậy: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá " (Tv 91,11). Điều này có nghĩa là bắt Thiên Chúa phải thực hiện ý Chúa Giêsu trong khi Chúa Giêsu luôn làm theo ý Chúa Cha.
Phương dược thắng Tên Cám Dỗ
Tên cám dỗ tìm cách kéo Chúa Giêsu ra khỏi kế hoạch của Chúa ChaCả Chúa Giêsu và Satan đều trích dẫn Kinh Thánh. Để chiến thắng Tên Cám Dỗ, chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa, chắc chắn Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương chúng ta và ban ơn Thánh Thần để chúng ta chiến thằng. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ cho chúng ta bí quyết: “Trong khi chịu cám dỗ, Chúa Giêsu không tham gia vào cuộc đối thoại với tên cám dỗ mà chỉ đáp trả thách thức bằng Lời Chúa. Ðiều này dạy chúng ta rằng với ma quỷ không đối thoại, chỉ trả lời nó với Lời Chúa” (x. PHANXICÔ, Kinh Truyền Tin, 10/03/2019). Tuyệt đối không thử sức với các chiêu trò của ma quỷ, thế gian và xác thịt.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết từ chối các điều xấu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 6
Bền gan chiến đấu đến cùng
Lc 4, 1 - 13

Vô vàn cám dỗ phát xuất từ tiền tài, danh vọng, địa vị chức quyền, lạc thú… vây bọc quanh ta và liên tục tấn công từ mọi phía.
Cám dỗ rất mạnh mẽ
Cám dỗ có thể từ bên ngoài thâm nhập vào con người qua các giác quan.
Cám dỗ cũng ẩn sâu trong cõi lòng và tác động từ bên trong như tham lam, kiêu căng, giận hờn, ghen ghét…
Cám dỗ xô đẩy con người xuống vực sâu tội lỗi bằng hai lực: lực kéo và lực đẩy, vừa lôi kéo từ bên ngoài vừa thúc đẩy từ bên trong; vì thế, con người khó lòng chống cự nổi.
Thế là con người phải luôn luôn đương đầu với vô vàn cám dỗ mạnh mẽ có sức hủy diệt nhân cách và phẩm chất của mình.
Cám dỗ rất đáng sợ
Cám dỗ có thể xui khiến con cái giết cha mẹ để chiếm đoạt tiền bạc, có thể khiến anh em một nhà chia rẽ xích mích vì tranh chấp đất đai tài sản, biến những công chức thanh liêm trở thành quan tham, thậm chí có thể biến những nhà tu hành thành người bất chính…
Cám dỗ có thể biến đổi người lương thiện trở thành những tên đạo tặc, cướp của giết người;
Cám dỗ có thể khiến nhiều tuổi thơ trong trắng sớm trở thành người hư hỏng sa đọa, biến người hiền lành trở nên độc ác…
Khủng khiếp nhất là cám dỗ có thể biến các lãnh tụ độc tài tham lam trở thành những tên xâm lược, sẵn sàng thí bỏ hàng triệu sinh mạng con người để củng cố quyền lực và xâm chiếm tài nguyên.
Cám dỗ không buông tha bất cứ ai
Cám dỗ không chừa bất cứ ai. Các môn đệ Chúa Giê-su ngày xưa cũng bị cám dỗ ngồi bên tả, bên hữu chiếc ngai vàng mà họ tưởng là Thầy Giê-su sắp chiếm lấy (Mc 10,37).
Ngay cả Chúa Giê-su cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ trong cuộc đời. Mặc dầu Ngài thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên "cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Do-thái 4,15).
Bài Tin mừng hôm nay đề cập đến ba cơn cám dỗ Chúa Giê-su phải chịu trong hoang địa.
Cám dỗ thứ nhất là sử dụng quyền lực thần linh để biến đá thành cơm bánh (Lc 4,3).
Cám dỗ thứ hai là làm vua toàn thế giới, “toàn quyền cai trị các nước thiên hạ cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này” (Lc 4, 5-7).  Cám dỗ nầy còn được lặp lại khi dân chúng muốn tôn Chúa Giê-su làm vua (Gioan 6,15).
Cám dỗ thứ ba là dùng quyền phép để thu phục nhân tâm, chẳng hạn như đứng trên “nóc Đền thờ Giê-ru-sa-lem rồi gieo mình xuống” an toàn, khiến cho mọi người khâm phục và tin theo (Lc 4, 9-11).
Dù bị cám dỗ về mọi mặt y như chúng ta, nhưng Chúa Giê-su không bao giờ thua trận. Ngài chiến thắng tất cả mọi thứ cám dỗ cách vẻ vang.
Tỉnh thức và cầu nguyện cho khỏi cơn cám dỗ
Vì cám dỗ có thể đến từ mọi phía nên chúng ta phải luôn tỉnh táo để không bị chúng bất thần xông tới hủy diệt chúng ta.
Vì cám dỗ có tính cách trường kỳ, chỉ chấm dứt khi con người tắt thở nên chúng ta phải thường xuyên rèn luyện để có thể bền gan chiến đấu đến cùng.
Vì cám dỗ có thể hủy diệt những phẩm chất cao đẹp của con người và biến người ta thành nô lệ cho dục vọng đen tối, cho bản năng hư hèn… nên chúng ta phải luôn cầu nguyện xin Chúa giúp sức, không để cho mình ngã gục.
Lạy Chúa Giê-su,
Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Chúa đã vận dụng lời Kinh thánh như một vũ khí lợi hại để chiến đấu và chiến thắng. Xin cho chúng con noi gương Chúa, siêng năng suy niệm Lời Chúa hằng ngày, để Lời Chúa trở nên vũ khí bảo vệ và che chở chúng con khi phải đối mặt với bao cám dỗ trong cuộc đời. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

================
Suy niệm 7
Chúa Chịu Cám Dỗ

Dnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13

Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đến chịu phép rửa tại sông Giođan, rồi được đầy Thánh Thần, Chúa vào hoang địa để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.
Là một vị Thiên Chúa, nhưng Người đã không ngần ngại chia sẻ thân phận con người. Suốt bốn mươi ngày, Người không ăn gì. Qua thời gian hơn tháng trời, với sức chịu đựng của phận người, Người rất đói. Lợi dụng lúc Người đang bị cơn đói hoành hành, quỷ tấn công mời mọc: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” (Lc 4, 3). Nhưng không, cả lời thử thách mời mọc và cơn đói dữ dội không thể làm Người lung lay, Người đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. (Lc 4,4). Cám dỗ này chỉ đúng một nửa. Ngày nay con người thường rơi vào cơn cám dỗ rằng cứ có tiền là giải quyết được hết mọi sự.
Tên quỷ bị thua Người chuyện ăn uống, hắn bày quẻ khác, cho xem tất cả các nước và cám dỗ Người về quyền hành danh lợi: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả thuộc về ông”. (Lc 4, 6-7). Ơ hay! Chắc hắn chưa biết Người là Thiên Chúa, nên mới dám lừa gạt để Người mắc bẫy về chuyện lợi danh. Đức Giêsu đáp lại minh nhiên như một Thiên Chúa đang nói với thụ tạo: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (Lc 4, 8). Đây là cơn cám dỗ đúng một nửa sự thật, đó là cứ có quyền lực là giải quyết được hết.
Hai lần thua như vậy mà hắn vẫn không chịu, còn dám “đặt”  Người trên nóc Đền Thờ, rồi đem Kinh Thánh ra để thách thức Chúa về chuyện kiêu ngạo: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn... và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn phải vấp chân vào đá.” (Lc 4, 9-11). Nhưng Chúa đã nghiêm giọng với hắn: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Lc 4,13). Trong thời đại kỹ thuật tân tiến hôm nay, đây là cơn cám dỗ cho thời đại khi chúng con nghĩ rằng nhờ kỹ thuật sẽ giả quyết được hết, kỹ thuật làm cho cuộc sống phong phú, nhưng chỉ đúng một nửa. Bởi nó có thể làm cho người ta xa nhau hơn.
Khi quỷ đã xoay hết cách, chiến thuật để cám dỗ Chúa, cả ba lần tấn công đều bị thua trắng. Mặc dù bỏ đi, nhưng hắn vẫn còn... “chờ đợi thời cơ”.
Ngày hôm nay Thánh Thần Chúa cũng mời gọi chúng con vào hoang địa là chính tâm hồn mình. Thường chúng con không muốn trở về với lòng mình, vì mải mê với những thú vui thế trần, những hưởng thụ dễ dãi mà không muốn phải sửa đổi những thói hư tật xấu, những “thú dữ” của sa mạc cuộc đời, những cám dỗ vây bủa xung quanh. Trước những cám dỗ ngọt ngào mời mọc, có thể thua lần đầu chúng con sợ hãi, lần sau ngã sa cũng áy náy bất an, rồi lần nữa không thấy sao và sẽ trở nên chai lỳ, ra mất ý thức về tội lỗi, thật là nguy nan.
Lạy Chúa! chính Chúa đã vào hoang địa để cầu nguyện, chiến đấu và đã chiến thắng, xin cho chúng con trong mùa chay biết thực sự trở về với lòng mình, để qua cầu nguyện, chúng con sống gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ sức mạnh trợ lực của Chúa, chúng con sẽ cùng chiến đấu, chiến thắng với Chúa. Bởi vì “có Chúa trong thành địch thù tan nát hết”. Amen.

Én Nhỏ

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log