Thứ năm, 26/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VI Thường niên C

Cập nhật lúc 08:45 10/02/2022
Suy niệm 1
Ngày mai các ngươi sẽ phải đói
Lc  6, 17. 20-26
Bước vào đời sống công khai trong sứ vụ truyền giáo, Chúa Giêsu đi tham dự tiệc cưới. Ngài chia sẻ rượu tiệc cưới tại Cana và tiếng cười của bữa tiệc. Ngài ăn uống với các bạn bè đến nỗi một số người cho rằng Ngài cũng là tay ăn nhậu. Ngài rất vui khi Phero và một số môn đệ nhận ra Ngài. Những lúc đau khổ nhất, Ngài không bao giờ cho rằng đó là bất hạnh tột độ.
- Ngài đã gặp gỡ nhiều người trong tình trạng đau buồn và nước mắt.
- Ngài gặp các bệnh nhân, người khác tôn giáo và người bị người ta khinh bỉ.
- Ngài đã bị coi như là cặn bã xã hội và đã chịu đựng cuộc khổ nạn.
- Ngài đã cảm nhận nỗi thống khổ và cái chết, nhưng không bao giờ Ngài công bố nỗi khổ này là đỉnh cao hạnh phúc cho chính Ngài và cho người khác.Trước đây Ngài chưa bao giờ nói điều đó và sau này Ngài cũng không lặp lại.
Chúng ta có thể đăt ra những câu hỏi:
- Nếu vậy hạnh phúc của Ngài là thế nào và vào thời điểm nào?
- Tại sao Ngài lại ám chỉ những người đói khát, bị hiểu lầm và nghèo khó lại là những người được hạnh phúc?
- Tại sao Ngài  ám chỉ những người vui cười, no đủ...lại bị chôn vùi trong bất hạnh?
- Tại sao Ngài lại tìm mọi cách để đưa người nghèo thoát khỏi tình trạng bế tắc của họ?
- Tại sao hôm nay Ngài lại dạy ngược thế?
- Ngài nói về hạnh phúc và bất hạnh nào?
Tin Mừng hôm nay mô tả: Ngài xuống núi cùng nhóm 12 và dừng lại ở đồng bằng. Tại đó có đông đảo môn đệ của Ngài và đoàn lũ dân chúng đến từ khắp nơi. Đám đông này là nhiều người bất kể nam nữ già trẻ trai gái trên đường hành trình đến với Ngài, có thể họ đang sống hạnh phúc hoặc bất hạnh..
Ngài nói với họ: “Khốn cho các ngươi là những người giàu, vì các người đã được phần an ủi của mình rồi...Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói...Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế”. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài con đường hạnh phúc và con đường sống. Ngài nguyền rủa chỉ là để dạy họ không rơi vào cạm bẫy và không quay lưng lại với con đường mà họ đã đi.
Ngài nói với các môn đệ: người vô phúc là người luôn ở trong tình trạng sợ sự mới lạ. Tất cả những người giàu có rất sợ tương lai. Đúng thế, đối với người giàu, người đã có tất cả, điều mới duy nhất đối với họ là mất. Chúa Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi...vì các ngươi sẽ phải đói”. Đối với một người giàu, đối với người muốn đặt hạnh phúc vào cái mà họ có, tương lai đầy lo lắng và hiện tại của họ đều bất chắc, họ luôn luôn sợ mất những thứ đó.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: anh em hãy học sống hạnh phúc. Sống ở nơi mà tương lai không phải sợ hãi, nơi mà anh em có mọi thứ để hy vọng vào ngày đã được loan báo. Hạnh phúc đã có ngay trong sự thiếu thốn mà anh em cảm thấy ngày hôm nay: hạnh phúc đó làm cho anh em không kìm nén cuộc sống vào những gì mà anh em có và điều anh em có đích thực là tin tưởng vào toàn bộ cuộc sống. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng...Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười”.
- Hạnh phúc của người nghèo, người đói hay người đau khổ không phải là vui mừng vì thiếu một cái gì đó và sự thiếu thốn này không phải là một nhân đức
- Hạnh phúc của họ chính là sự thiếu thốn đó làm cho họ thăng tiến lên trong cuộc sống!
- Hạnh phúc của họ là tin rằng họ có tương lai, ngày mai... Họ sẽ no thỏa và hạnh phúc. Họ không có nguy cơ làm cho cuộc sống của họ dừng lại ở những cái mà bây giờ họ có và cái mà hôm nay họ phải chịu đựng. Chỉ những người này mới có thể hiểu được rằng cuộc sống mà Thiên Chúa hứa vượt quá lòng mong đợi. Chỉ mình họ mới có thể nhận được ngay lúc này những gì vượt trội hơn mọi hy vọng!
Hạnh phúc không nằm ở những gì chúng ta có. Hạnh phúc đứng về phía sự thiếu thốn vì giúp chúng ta mở ra cho cuộc sống triển nở. Nếu chúng ta theo Chúa Giêsu cho đến lúc chúng ta giống như Ngài, chúng ta sẽ có thể thưởng thức khoảnh khắc trôi qua mà không cảm thấy đau khổ, vì hạnh phúc hiện tại không kéo dài và tương lai không phải là nỗi buồn.
- Với Ngài, và như Ngài, chúng ta có thể trải nghiệm niềm vui chia sẻ rượu cưới và tiếng cười của bữa tiệc, niềm vui ăn uống với bạn bè và được những người thân yêu quý mến. 
- Với Ngài, nước mắt, đói nghèo và buồn bã có thể được chúc phúc, một dấu hiệu cho thấy có hy vọng tốt hơn. Chúng ta có thể vui vẻ nếm trải cuộc sống nếu chúng ta tin rằng cuộc sống mà Chúa Giêsu nói sẽ luôn tràn đầy hơn những gì có thể làm chúng ta thất vọng hoặc thỏa mãn chúng ta ngay lập tức. Tương lai không còn đáng sợ, ngay cả trong chính cái chết, bởi vì tin vào Chúa Giêsu, cuộc sống sẽ không bao giờ ngừng phát sinh. Ngài muốn nói với chúng ta: "Hạnh phúc cho anh em, bất kể tuổi tác hay điều kiện sống của anh em, anh em có thể tin rằng trước mắt anh em, cuộc sống sẽ mở ra”.
Nguyện xin Chúa thương xót niềm tin nhỏ bé của chúng con và dạy chúng con tin điều đó và vào lúc đó!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Lc 6, 17.20 – 26
Về vấn đề nghèo, thánh Mátthêu ghi lời Chúa rành rẽ như sau: “Phúc thay người có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ”. Trong khi đó, thánh Luca lại chỉ nói vắn tắt: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em”.
Phải thành thật mà nói rằng có rất nhiều người nghèo dễ thương, nhưng cũng không thiếu gì người nghèo thương không nổi, vì họ gian tham, lừa gạt và trộm cắp. Ngược lại có những người rất giàu, nhưng lại có tinh thần nghèo. Họ sẵn sàng mở rộng lòng để giúp người nghèo có cơm ăn, áo mặc, có công ăn việc làm.
Như vậy, phải chăng là không cần phải có tinh thần nghèo, mà chỉ cần cứ nghèo thật là được Chúa chúc phúc và là xứng đáng để vào Nước Trời? Không phải vậy đâu. Phải có tinh thần nghèo, thì mới được chúc phúc. Sở dĩ thánh Luca bỏ qua câu “tinh thần nghèo”, vì đời sống thực tế vào thời ấy, thì người giàu là người bóc lột. Giới nô lệ bị khinh dể và đàn áp một cách bất công.
Vả lại cách nói rành rẽ của thánh Mátthêu và cách nói thiếu sót của thánh Luca vào thời đó không làm cho người ta hiểu sai ý của Chúa. Cả hai câu nói ấy đều cho thấy tấm lòng Chúa yêu thương người nghèo như thế nào. Chúa rất bức xúc khi thấy người nghèo thì đông quá và phải sống cực quá. Để động viên lòng thương xót loài người đối với thân phận người nghèo, những người dường như luôn luôn chiếm ba phần tư dân số thế giới. Chúa có cường điệu trong cách nói, khiến người ta có cảm tưởng Chúa ghét người giàu. Cụ thể là có lần Chúa nói: “Người giàu vào nước thiên đàng khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Sau khi quá cường điệu như thế Chúa có sửa lại một chút bằng cách nói rằng: “Với loài người thì không được, nhưng với Chúa thì vẫn được”. Chúa lại còn cường điệu nữa, khi nói về ngày phán xét chung, ngày ấy Chúa chỉ thưởng người thương giúp người nghèo và chỉ phạt người không giúp người nghèo. Ngài phán quyết: “Ngày xưa ta đói, các ngươi cho ăn”. Thế là cứ vào thiên đàng. Còn người phải xuống hỏa ngục thì chỉ vì: “Ngày xưa ta đói, các ngươi không cho ta ăn…”
Tất cả những chi tiết được nêu lên cho ta thấy tấm lòng của Đức Giê su. Ngài yêu thương người nghèo một cách tha thiết. Ngài cũng tha thiết kêu gọi mọi người phải rộng tay giúp đỡ người nghèo. Ngài vận động mạnh mẽ tới mức độ tinh thần ấy thấm vào cả tâm hồn một người chưa gặp Chúa lần nào. Đó là ông Gia kêu, trưởng cục thuế vụ của thành phố Giêrikhô. Ông chỉ nghe người ta nói về Chúa thôi, thế mà khi được Chúa đến ở trọ nhà ông, ông xin hiến ngay một nửa gia tài cho người nghèo.
Có nhiều người nghèo không có tinh thần nghèo và rất khó mà thương họ. Nhưng vẫn cứ phải thương. Thương giúp cải đổi đời sống vật chất và cải đổi đời sống tinh thần của người nghèo.
Giáo hội đang cố gắng chấm dứt tình trạng nghèo trên thế giới, vì nghèo xúc phạm đến nhân phẩm và còn làm nhục cho Chúa. Lập trường của Giáo hội là vậy. Chúng ta cũng phải có lập trường như thế và phải quyết tâm cùng Giáo hội yêu người nghèo như Đức Giê su đã yêu.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
====================
Suy niệm 3
TÍNH THÀNH và PHÚC ÂN

Đối với con người có thể nghịch lý, nhưng đối với Chúa chẳng có gì nghịch lý cả. Cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay, mọi thứ dường như đảo lộn, nếu đặt vào tư tưởng của con người và lối sống xã hội thực dụng.
Vì thiết nghĩ chẳng ai nói: “Phúc cho những kẻ nghèo khó…Phúc cho những ai bây giờ đói khát…Phúc cho những kẻ bây giờ phải khóc lóc…Phúc cho các ngươi vì Con Người mà bị thù ghét, trục xuất và phỉ báng…” (x. Lc 6,20-22)? Đáng lẽ phải thay ‘phúc cho…’ thành ‘khốn thay…’ chứ! Và cũng không ai nói: “Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có…Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ…Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười…Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng…” (x. Lc 6,24-26)? Đúng ra phải thay ‘khốn cho…’ thành ‘phúc thay…’ chứ!
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Đối với con người có thể là hoạ, nhưng đối với Thiên Chúa là ân phúc, và ngược lại. Chúng ta biết Bài giảng trên núi (Tám Mối Phúc Thật/Bát Phúc) của Đức Giê-su (x. Mt 5,1-12) cũng được gọi là Hiến Chương Nước Trời. Như vậy, để vào Nước Trời, chúng ta nên tuân phục và sống theo những gì Chúa dạy, hơn là đáp ứng tiêu chuẩn của con người hoặc của xã hội trần thế này.
Hơn nữa, để lý giải điều trên, chúng ta cùng suy gẫm bài đọc I trích sách Ngôn sứ Giê-rê-mi-a, rồi chắc hẳn chúng ta sẽ hiểu phần nào về đoạn Tin Mừng dường như nghịch lý này. Lời Chúa vang vọng qua tiên tri Giê-rê-mi-a: “Khốn thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Thiên Chúa” (Gr 17,5), và “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Chúa, và Ngài sẽ làm chỗ nương thân” (Gr 17,7). Phải chăng đây là lí do tại sao Đức Giê-su lại tuyên bố trong trình thuật Tin Mừng hôm nay? Những ai có thể được khen ngợi, ca tụng, chúc phúc trước mặt người đời, lại không được Thiên Chúa ân ban, vì chưng họ chỉ tin ở trần gian, cậy dậy vào sức phàm nhân, vào tài cán, quyền lực bản thân, còn con tim thì lại rời xa Chúa, xa lìa Lời Hằng Sống. Tuy nhiên, những người chẳng hề được xã hội đoái hoài nhìn tới, lại được Thiên Chúa dủ thương chúc phúc dường bao, bởi lẽ họ chỉ biết tựa nương vào Chúa, đặt niềm tin tưởng, phó thác vào Ngài.
Chuyện kể rằng: Trong giờ nghỉ giải lao, vị giáo sư người Công Giáo bèn đặt ra cho tất cả các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường một câu đố dường như quá dễ dàng, đó là: làm sao cho thêm nước vào 1 chiếc cốc/ly đầy nước? Vừa nghe câu hỏi xong, hàng trăm cánh tay giơ lên, đưa ra câu trả lời; nhưng hầu hết, trong vô số câu giải đáp ấy, chẳng một ai muốn đổ hết nước trong chiếc cốc/ly ra, rồi từ từ cho nước mới vào cả!!!!
Liên tưởng đến tâm hồn chúng ta là nhữung chiếc cốc/ly nước đầy, toàn là ý nghĩ cậy dựa vào sức mình, bám víu vào vật chất, quyền thế, danh vọng, đam mê, thú vui chóng qua, v.v…thì làm sao mà còn chỗ cho Chúa đi vào đời sống chúng ta, còn chỗ nào cho Chúa đứng trong cuộc đời mình, còn chỗ nào để Chúa bước vào mọi ngõ ngách tâm can chúng ta nữa! Như thế, không có Chúa trong đời ta, chẳng phải là điều tồi tệ, và tương đương với từ ‘khốn thay’ hay sao? Hơn nữa, như Thánh Phao-lô Tông đồ bộc bạch: “Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Ki-tô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ” (1Cr 15,19). Thật vậy, nếu chúng ta chỉ tin vào cuộc đời chóng qua này, mà chẳng tin vào sự Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô thì “lòng tin của chúng ta cũng là hão huyền” (x. 1Cr 15,17), và thay vì được ‘chúc phúc', lại trở nên ‘vô phúc’.
Tuy nhiên, suy gẫm thật kỹ, chúng ta có thể nhận ra mấu chốt của vấn đề không hệ tại sự nghèo khó hay giàu có, đói khát hay dư đầy, khóc lóc hay vui cười, bị ghét bỏ hay được khen ngợi, mà trong những hoàn cảnh này, tâm thế và tâm trí chúng ta đặt nơi đâu, hướng về ai mới là điều đáng chú ý cần quan tâm. Vì nếu được Chúa ban cho giàu có, biết làm lụng, vẫn tin tưởng vào Ngài, luôn khiêm tốn chia san với tha nhân, đặt niềm tín thác vào Chúa, thì chắc hẳn họ sẽ được chúc phúc, thay vì bị vô phúc. Ngược lại, nếu không mấy dư giả, làm lụng vất vả mà vẫn nghèo, suốt ngày than thân trách phận, chẳng tin vào Chúa, thì hẳn không được chúc phúc rồi! Do đó, nếu biết đặt niềm tin vào Chúa, chẳng cậy dựa vào sức người đời, và hằng tựa nương vào Chúa, thì cho dù chúng ta nghèo khó hay giàu có, cho dù chúng ta đói khát hay đầy dư nhưng vẫn biết chia san với tha nhân, cho dù chúng ta đang sầu buồn vì tội lỗi mình, hay hân hoan với niềm vui của mỗi ngày sống, biết “vui với người vui, khóc với người khóc” (x. Rm 12,15), cho dù chúng ta bị bách hại, bị ghen ghét vì chính đạo, hay được người khác khen tặng vì đã sống ‘tốt đời đẹp đạo’ một cách đúng nghĩa, thì chúng ta vẫn được chúc phúc “như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17,8); còn không, chúng ta sẽ “như bụi cây trong hoang địa, chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ; hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người” (Gr 17,5).
Lạy Chúa, xin con luôn biết tin cậy vào Chúa
Dẫu đời khó nhọc vất vả, hay dư đầy sung túc
Cho con hằng nương tựa vào Ngài, hơn cậy nhờ sức của phàm nhân
Cho dù đói khát thiếu thốn, hay no đủ
Không lời than thân trách phận, nhưng biết chia san theo khả năng
Cho dù đang khóc lóc đớn đau, hay hân hoan vui sống
Hằng biết cảm thông, yêu thương với tha nhân
Cho dẫu bị ganh ghét vì chính đạo, hay được tán dương, cảm kích
Vẫn mãi tín trung, trông cậy vào Chúa,
Ngõ hầu danh Ngài rạng ngời vinh quang khắp nơi! Amen.

Lm. Xuân Hy Vọng

=====================
Suy niệm 4
Họa và Phúc

(Lc 6,17.20-26)
Trong Tin mừng thánh Luca hôm nay dìu chúng ta về với các Mối Phúc để sống và và tránh các mối họa. Trước khi nói đến phúc thì Chúa Giêsu nói đến họa “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” Quả thật, nghèo khó là trung tâm của Tin Mừng: “Phúc cho những ai có tình thần nghèo khó” là mối phúc đầu tiên trong các mối phúc và là sứ mạng khi Chúa Giêsu tự giới thiệu về mình với dâng làng Nagiaret tại hội đường: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo, tin vui cho người nghèo”.
Vấn nạn từ mối phúc
Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt. Khi công bố trong đoạn Tin Mừng (Lc), Chúa Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với sự đánh giá khác. Người cho các môn đệ biết rằng: họ là những người có phúc, khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Người, khiến người nghe những mối họa và phúc không khỏi thắc mắc : Thế nào là giàu, thế nào là nghèo ? Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lỗi thời khi cổ súy cái nghèo? Hơn nữa, Người lại còn mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ cũng phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?
Nếu Chúa Giêsu tuyên bố: “Phúc cho anh em là những người bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,21). Vậy ai là người đói khát và ai là người no thỏa ?
Chẳng những Chúa Giêsu từ ngàn xưa đã công bố như thế, mà ngay chính Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thời hiện đại khi kể chuyện về giây phút cái danh hiệu PHANXICÔ đi vào lòng ngài, ngài diễn tả chương trình hành động của ngài, không phải bằng một lời tuyên bố long trọng, nhưng bằng cách bộc lộ  một nỗi khao khát: “Ôi, tôi mong ước biết bao có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”.  Nhưng khi nghe đến “một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”, có người hỏi: “Thế còn người giàu thì sao?” Phải chăng một “Hội Thánh nghèo” là một Hội Thánh gồm toàn những người nghèo?
Phúc cho kẻ nghèo
Câu chuyện về một vị ẩn tu sống rất nghèo do Đức Cố Hồng Y Carôlô Maria Martini viết trong một cuốn sách, giúp chúng ta hiểu phần nào về  người giàu có thể có tâm hồn nghèo khó, người nghèo lại không.
Chuyện kể rằng, vị ẩn sĩ này chỉ có một tấm áo rách trên mình và một cái vò đựng nước đã bể… Một hôm ông hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con có phải là người nghèo nhất trên thế gian này chưa?” Chúa sai thiên thần đưa ông đến trước một lâu đài sang trọng và bảo: “Người sống trong lâu đài này mới là người nghèo nhất trên thế gian”. Vị ẩn sĩ rách rưới ngẩn người hỏi Chúa: “ Sao lại như thế được?” Chúa trả lời: “Người sống trong lâu đài sang trọng này có đủ mọi thứ, nhưng lòng không dính bén chút gì, còn con, con dính bén với chính cái áo rách và cái vò đã bể của con”.
Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất thật cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người đặt con người làm chủ và hưởng dùng mọi sự trong vũ trụ. Nhưng của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Người nghèo là người biết sống cho những giá trị ấy, cho dù giữa những vất vả lo toan, miếng cơm, manh áo, họ vẫn luôn tìm kiếm Nước Trời, họ sẽ là người hạnh phúc nhất, vì biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu.
Khốn cho người giầu
Tại sao Chúa Giêsu lại nặng lời với những người giầu? Có lẽ vì của cải là ngẫu tượng hấp dẫn, nó cuốn hút chúng ta và đẩy xa Thiên Chúa ra khỏi lòng chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã từng tuyên bố : “Anh em không thể làm tôi hai chủ, hoặc ghét chủ này yêu chủ nọ”. Liên hệ trực tiếp, chúng ta chỉ có thể làm tôi Thiên Chúa, hoặc làm tôi tiền của, chứ không thể làm tôi cả hai được. Vì thế, nếu xem tiền của là chủ đời ta, thì tiền của sẽ túm lấy ta, phá vỡ sự hòa hợp giữ con người với nhau, hủy hoại cuộc sống và linh hồn khiến ta không còn yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn nữa, và như thế là đối nghịch lại với điều răn thứ nhất là thờ phượng Một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.
Nếu Chúa ban cho ta của cải giàu có thì chính là để trao tặng cho người khác, để nhân danh Chúa làm nhiều điều tốt cho tha nhân. Nhưng của cải có khả năng cám dỗ chúng ta và chúng ta bị sa ngã, trở thành nô lệ của sự giàu có. Đã có lần Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta cầu nguyện một tí và hy sinh một tí, không phải cho người nghèo, nhưng cho người giàu. (REI 24/05/2018)
Một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo
Một Hội Thánh nghèo không phải là một Hội Thánh gồm toàn người nghèo. Hội Thánh không phải là Bang Hội của Cái Bang (ăn mày). Hội Thánh gồm tất cả những ai tìm kiếm và tin nhận Thiên Chúa là hạnh phúc duy nhất và vĩnh cửu và “Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2). Chính khi kêu gọi các tín hữu quyên góp để chia sẻ với cộng đoàn Giêrusalem đang lâm cảnh khó khăn mà thánh Phaolô nại đến gương Chúa Giêsu: “Quả thật anh em biết Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của minh mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cor 8,9). “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…”(Pl 2,7) để cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Như vậy, Một Hội Thánh nghèo là một Hội Thánh sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, không dính bén với của cải vật chất, không chạy theo thói thế gian, không đặt của trọng hơn người.
Sống lời Chúa dạy
 Việc đầu tiên phải làm cho người nghèo, là chiến thắng sự lãnh đạm, vô cảm, những viện cớ này khác để xa tránh những họ. Biết quan tâm đến những cảnh ngộ lầm than, đáng thương quanh ta. Giảm thiểu khoảng cách bất công giữa người giầu và người nghèo một vùng miền nào đó.
Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta trở nên những khí cụ tình thương hải hà của Chúa đối với anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
====================
Suy niệm 5
Những Mối Phúc Của Thánh Luca
Gr 17,5-8; 1Cr 15,12.16-20; Lc 6, 20-26

Ở đời người ta có nhiều nhận xét về hạnh phúc. Một cô nàng lấy được chồng giàu, con cái khỏe mạnh, có nhiều tiền tha hồ mua sắm đủ thứ tiện nghi thoải mái, mọi nhu cầu được thỏa mãn, ấy là hạnh phúc. Một anh chàng có vợ đẹp con khôn, nghề nghiệp ổn định là giấc mơ của nhiều người. Khao khát tìm kiếm danh vọng, địa vị đến khi đạt được mong muốn là niềm hạnh phúc cho những người dầy công cố gắng bấy lâu…
Còn trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại quảng bá những mối phúc nghe có vẻ ngược đời:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…” (Lc 6, 20). Có nhiều thứ nghèo: nghèo tiền của vật chất, nghèo sức, thấp cổ bé miệng, số phận hẩm hiu, ít học… Bình thường người khó khăn thiếu thốn sẽ không còn cậy vào sức riêng, mà đặt niềm trông cậy nơi Chúa. Người giàu có, tiện nghi đầy đủ thường thấy an thân không cần đến Chúa, chỉ tìm hưởng thụ và chẳng bao giờ thấy thỏa mãn đủ. Đức Giêsu không cổ động lối sống nghèo nàn đến độ không có những cái căn bản ổn định, để phát triển tinh thần. Ngài nhấn mạnh người có tâm hồn nghèo khó là người không bám víu nặng lòng với của cải vật chất đang có, không hưởng thụ ích kỷ mà sẵn sàng sẻ chia; hay khó nghèo mà không than van, nhưng biết tin tưởng cậy trông vào Chúa quan phòng, họ sẽ được hạnh phúc vì luôn có Chúa hiện diện yêu thương chăm sóc.
 “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6, 21). Đường lối của Thiên Chúa thì khác xa với cái nhìn của con người, như trong lời kinh ngợi khen của Đức Maria: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư”. Những người cùng khốn đang phải khóc lóc sẽ được Thiên Chúa an ủi. Người chịu đau khổ thử thách sẽ được Chúa nâng dậy, ủi an. Họ vẫn tin tưởng vào lời Chúa hứa, Ngài sẽ biến nỗi buồn của họ trở thành niềm vui. Bởi vì chính Ngài là Đấng sẽ lau sạch nước mắt họ.
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6, 22-23). Khi gặp đau khổ thử thách vì sống công chính, ta không than thân trách Chúa hay mất niềm tin tưởng nơi Ngài, nhưng biết liên kết đau khổ với Chúa thì sẽ được hưởng vinh quang với Ngài. Chính Đức Giêsu đã sống triệt để mối phúc này trong cuộc đời bôn ba rao giảng, bị chống đối, loại trừ, sỉ vả và lên án tử trên thập giá đau thương nhục nhã. Nhưng Người đã chiến thắng khải hoàn trong vinh quang. Các thánh tử đạo cũng theo bước chân Người mà chịu muôn cực hình để minh chứng đức tin và giành được phúc tử đạo.
Thánh sử Luca đưa ra bốn mối phúc và bốn điều họa. Những điều họa ngược với các mối phúc ở trên, như là những lời cảnh báo sẽ bị mất hạnh phúc nếu sống tinh thần ngược lại với các mối phúc đó. Bởi vì cửa hẹp dẫn tới vinh quang, đường rộng thênh thang đưa tới diệt vong, nhưng rất nhiều người lại thích đi qua đó.
Chúa ơi! chỉ một mình Chúa mới lấp đầy khao khát hạnh phúc của chúng con. Tiện nghi vật chất không phải là đích điểm cuộc đời. Hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. Chúng con chỉ bất hạnh, mất hạnh phúc khi xa rời Chúa mà thôi. Xin cho chúng con luôn tìm gặp và được sống hạnh phúc sung mãn tràn đầy trong Chúa, để dù sống giữa những khó khăn thiếu thốn, sầu khổ gian truân, chúng con vẫn đang tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào trong Chúa, ngay hôm nay và mãi mãi.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log