Chúa nhật, 24/11/2024

Suy niệm Lời Chúa ba ngày Tết

Cập nhật lúc 12:50 29/01/2022
THÁNH LỄ GIAO THỪA
Hãy sống hạnh phúc
(Mt 5, 1-12)
 
Năm cũ sắp giã từ. Năm mới sắp sang. Năm Tân Sửu sắp nhường chỗ cho năm Nhâm Dần. Nhìn lại năm cũ sắp qua, năm Con Trâu, có thể chúng ta lăn lưng ra làm vất vả để có được cuộc sống sung túc hơn và hạnh phúc hơn. Nhưng cũng có thể chúng ta mải làm ăn, quên luôn cả đời sống cầu nguyện. Dù năm cũ có thế nào chăng nữa, đêm sắp qua và ngày lại sáng, mùa đông sắp nhường chỗ cho mùa xuân. Mùa xuân của năm Nhâm Dần, năm “mạnh như hổ”. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được “mạnh mẽ” hơn về đời sống đạo trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa để chúng ta có được một NĂM MỚI HẠNH PHÚC! 
Hạnh phúc không ở trên trời cũng không ở dưới đất!
Có một thời gian người ta sử dụng bài Tin Mừng về “các mối phúc” để làm không có những cuộc nổi dậy của đám đông dân chúng:
- Những người nghèo cứ vui mừng không cần phải có gì ở trái đất này, vì nước trời đã thuộc về họ rồi.
- Những người bất hạnh cứ khóc, vì nước mắt họ báo hiệu một tương lai an ủi vĩnh cửu.
- Những người hiền lành đừng sợ người khác lấy mất đất đai của mình, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp
- Những người có lòng thương xót hãy tiếp tục tha thứ cho những kẻ hành quyết mình, vì hy vọng sau này sẽ nhận được phần thưởng bội hậu. 
- Những người có trái tim tinh tuyền, không tham lam, một ngày nào đó sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tốt lành. Vì thế, họ chẳng có gì mà phải phàn nàn ở trần gian này. Hạnh phúc của họ là người thợ xây dựng hòa bình, và hạnh phúc còn lớn hơn vào một ngày nào đó họ được gọi là con Thiên Chúa.
Người ta còn nói với nhau: Hãy chấp nhận làm việc trên trái đất này, hãy chịu đựng ngay bây giờ, sau này mọi thứ sẽ tốt hơn. Bây giờ chúng ta hãy chịu đựng đau khổ và cái chết, chúng ta sẽ có phần thưởng trên thiên đàng. Những gì là không thể trong thế giới này sẽ được ban cho chúng ta dư dật ở trên cao. Hãy kiên nhẫn: những gì quan trọng là thế giới khác, những gì quan trọng là trên trời. 
Đó là lối suy nghĩ cổ xưa: Vừa đúng lại vừa sai. Tốt hơn hết là chúng ta không suy nghĩ như thế nữa. Thời đại hôm nay người ta chỉ trích rất nhiều lối suy nghĩ như vậy. Thế giới hưởng thụ hôm nay coi các Kitô hữu là những người bạn đồng hành xấu, những kẻ đào ngũ và hèn nhát. Ngày nay người ta đánh mất ngôn ngữ của trời. Vì thế, chúng ta hãy học lại để yêu trái đất và làm việc trên trái đất này. 
Tất nhiên, sống trên trái đất này, ước muốn của chúng ta vẫn bị hạn chế. Chúng ta sẽ không bao giờ nhận được hạnh phúc hoàn hảo trên thế giới này. Tốt hơn hết!  Hãy làm những gì là có thể ngay bây giờ thay vì chạy trốn cuộc sống này để mơ về một hạnh phúc vô hạn chỉ có thể có ở đời sau
- Ngày xưa, người ta nói với chúng ta: "Điều quan trọng là trên trời". 
- Ngày nay, người ta tuyên bố: "Điều quan trọng là dưới đất! " 
- Ngày xưa, chúng ta mơ ước một hạnh phúc hoàn hảo trong thế giới bên kia. 
- Ngày nay người ta muốn đạt được một hạnh phúc khập khiễng trong thế giới này. 
 Dù sao, giữa trời và đất, bằng mọi cách, chúng ta phải lựa chọn
Nếu tại trần gian này, chúng ta không thể đạt được một hạnh phúc hoàn hảo, thì ít nhất chúng ta hãy làm những điều nhỏ bé góp phần vào hạnh phúc hoàn hảo trên trời mai sau!
- Giữa trời và đất, hôm qua chúng ta chọn bầu trời, hôm nay nhiều người thích trái đất. 
Giữa trời và đất, Chúa Giêsu không chọn. Ngài đề xuất cả hai cùng một lúc đối với các môn đệ của Ngài. Ngài nói: “Hỡi người Galile, sao anh em còn đứng nhìn lên trời? Anh em hãy đi tới muôn dân...Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày”. Sau khi lên trời, Chúa Giêsu đã nói với môn đệ rằng: Ngài càng không bỏ trái đất này, Ngài càng hiện diện trên trái đất này khi Ngài lên trời cao nhất. 
Điều quan trọng, là người kito chúng ta hãy luôn hy vọng “các mối phúc” đó sẽ mở ra cho chúng ta:
- Đối với những người khóc, là những người chọn sự ngọt ngào và tha thứ.
- Đối với những người thợ xây dựng hòa bình, Chúa Giêsu hứa hẹn một tương lai hạnh phúc...
Nhưng Chúa Giêsu không nói rõ liệu tương lai này sẽ ở trên trái đất hay trên thiên đàng. Đơn giản, Ngài nói về tương lai: "Họ sẽ được thỏa mãn, họ sẽ được an ủi, họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa..." Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ rằng hạnh phúc sẽ không có, nếu họ không bị bắt bớ hoặc không bị vu khống mọi điều gian ác.  Ngày mai sắp tới sẽ không phải là không có đau khổ trên trái đất này, nhưng nếu tin vào Chúa Giêsu, chính sự đau khổ này là tốt vì mong muốn được sống trong hạnh phúc của Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng.
Hạnh phúc có ở trên trời và có ở dưới đất
Chúa Giêsu đã thiết lập giao ước giữa trời và đất, giữa thực tại hữu hình và vô hình. Nhờ Ngài, điều không thể trở thành có thể: trời đã có thể truy cập được trên trái đất này và trái đất được gieo trồng ở trên trời. Chúa Giêsu mời các tông đồ theo Ngài làm điều đó: “Hỡi người Galilê, sao anh em còn đứng nhìn lên trời?  Chính trong thế giới này mà họ sống, họ tuân giữ các điều răn của Chúa và loan truyền điều răn đó cho thế giới. Chúa Giêsu đề nghị các tông đồ: một mặt, họ phải sống cụ thể và phải hoạt động cụ thể như chúng ta đã thấy trong sách “Công vụ tông đồ”; mặt khác, họ còn phải: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Hãy dạy họ tuân giữ các điều răn của Thầy”.
Chúa Giêsu mở rộng ước muốn của bạn bè Ngài về chiều kích Nước Trời. Ngài mời họ khao khát những điều không thể, nếm thử những điều không thể. Chúa Giêsu gắn cho họ một nhiệm vụ không thể theo cái nhìn của con người, đó là yêu cầu các tông đồ biến đổi tất cả các dân nước. Ngài mời gọi họ sống trên trái đất này như là trời hoặc như là chính Thiên Chúa với trái tim rộng mở. Ngài mời gọi họ sống nối kết trời và đất. 
Noi gương các tông đồ, chúng ta không lựa chọn giữa trời và đất. Chúng ta không có lựa chọn nào giữa việc chờ đợi rằng điều không thể sẽ hiện thực ở thế giới khác, hoặc chỉ làm những điều nhỏ bé có thể trong thế giới này. Ước muốn trời không phải chỉ cam chịu bất công trên trái đất, mà còn phải khao khát trái đất này không còn bất công tồi tệ nữa. Chúng ta đừng cam chịu chờ đợi trời, và cũng đừng cam chịu không thể làm được gì trên trái đất với khả năng của chúng ta đứng trước bất công..

Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
MỒNG MỘT TẾT
Ngày nào có cái khổ của ngày ấy
(Mt 6, 24-34)
 
Đầu năm mới, chúng ta cầu chúc cho nhau được hạnh phúc. Đó là điều tốt!  Nhưng hạnh phúc chúng ta cầu cnúc cho nhau trên trần gian này chỉ là tương đối mà thôi. Dù chỉ là tương đối, chúng ta cứ hãy sống hạnh phúc theo lời Chúa dạy để hướng tới hạnh phúc hoàn hảo và vĩnh cửu mai sau!
Quá nhiều “cái khổ”
Có một khu vườn mà người ta gọi là trái đất. Trái đất này có từ lúc thế giới bắt đầu.
- Có một ngày, Thiên Chúa dựng nên trời đất, chim trời và hoa đồng nội.
- Có một ngày, Thiên Chúa tạo dựng nhân loại trên trái đất này và trao cho nhân loại quyền làm chủ vũ trụ. Ngày đó Thiên Chúa thấy tất cả mọi thứ Ngài dựng nên đều tốt đẹp.
Nhưng cũng có một ngày khác. Đó cũng là lúc thế giới bắt đầu: 
- Ngày đó, người nam và người nữ thấy mình trần truồng.
- Ngày đó, Thiên Chúa công bố với con người rằng họ phải toát mồ hôi để kiếm sống.
- Ngày đó, Thiên Chúa công bố rằng nhân loại sẽ sinh ra trong đau đớn và phải trải qua cái chết.
- Và từ đó, con người sợ đau khổ và sợ chết. 
- Từ ngày đó, ngày nào cũng có nỗi sợ, nỗi sợ cả trong tương lai: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy
Có một ngày, vào lúc thế giới bắt đầu, tất cả mọi thứ đều hạnh phúc và đẹp cho nhân loại. Nhưng ngày đó đã qua. Có một ngày khác, con người biết được lo lắng là gì. Ngày đó vẫn chưa kết thúc. 
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn nuôi chim trời nhưng Ngài không làm điều đó thay chúng ta. Ngài luôn mặc áo cho hoa huệ ngoài đồng nhưng Ngài không thay chúng ta mua những bộ quần áo cần thiết cho con cái chúng ta. Như vậy, lời mời gọi của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay là đừng quá lo lắng.
Đừng lo lắng quá nhiều
"Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình"!  "Chớ áy náy lo lắng…lấy gì mà ăn… lấy gì mà mặc…Đừng lo lắng quá nhiều cho ngày mai ...". "Đừng lo lắng quá nhiều!".  Ba lần Chúa Giêsu nói như vậy như muốn đóng đinh vào đầu chúng ta. Nếu Ngài lặp đi lặp lại như thế, có thể vì Ngài biết rằng Ngài nói một lần, chúng ta không đủ tiếp thu và Ngài phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần để chúng ta nhớ được! Vậy chúng ta hãy cố gắng theo Ngài từng bước!
Chúa Giêsu không nói, đừng lo lắng về tất cả, nhưng Ngài nói, đừng lo lắng quá nhiều. Như vậy có hai thứ lo lắng: lo lắng chính đáng và lo lắng quá nhiều. Chúa Giêsu nói rõ: lo lắng quá nhiều là lo lắng cho tương lai: “Các con chớ áy náy lo lắng cho ngày mai., ngày mai sẽ lo cho ngày mai, ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy ",  Chúa Giêsu nói thế để chúng ta đừng mơ về thiên đàng trần thế.
- Nếu khó sống, đó là một dấu chỉ cho thấy thiên đàng trần thế là không có, mà chỉ là bước chuẩn bị.
- Đừng ảo tưởng: thế giới này không vất vả, không đau khổ, không tổn thương và không phải chết!
- Chủ nghĩa Mac-Lenin của thế kỷ XX với mộng tưởng xây dựng thế giới đại đồng, thiên đàng trần thế đã bị phá sản.
- Chúng ta đang sống trong thế ky XXI, nếu cứ sống theo chủ nghĩa hưởng thụ duy vật chất, thì “cái khổ” ngày càng nhiều hơn…Nói thế, không có nghĩa là thế giới này không có niềm vui…!
Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người
Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ cũng là nói với chúng ta: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy ", có nghĩa là chúng ta không thể thoát khỏi cái khổ trong đời sống hằng ngày. Nhưng Ngài cũng nói với chúng ta, mối quan tâm trước hết của chúng ta đó là tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người , còn các điều khác Người ban thêm cho”! Tuy nhiên, chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu đang sống trong một thế giới mà ngươi ta coi quyền hành và tiền bạc như là thần tượng, chắc chắn chúng ta cũng phải “ khổ” để “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Vì thế chúng ta phải có chọn lựa dứt khoát: “Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, lại vừa làm tôi tiền của được”!
Sự công chính của thế giới hưởng thụ mà người ta đang sống trước hết là mỗi người sống cho chính mình. Ngược lại, sự công chính của Nước Thiên Chúa nếu không có nhau thì không thể sống được. Vì thế, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta:
- Phải đặt sự công chính của nước Thiên Chúa lên hàng đầu.
- Phải đặt mối tương quan tình huynh đệ trước quyền sở hữu cá nhân.
- Sự tìm kiếm công chính nước Thiên Chúa không bao giờ được phép ngừng nghỉ.
- Bao lâu còn sống trên trần gian này, chúng ta phải liên tục tìm kiếm điều đó!
Đức Giáo hoàng Đức Giáo hoàng Phanxicô không ngần ngại nhắc các kito hữu trong việc tìm kiếm sự công chính của nước Thiên Chúa, ngài nói” "Không chia sẻ sự giàu có cho người nghèo là trộm cắp”. 
Chắc chắn chúng ta sẽ vất vả có “cái khổ” khi muốn xây dựng nước Thiên Chúa. Tốt nhất, chúng ta hãy thực hiện điều đó ngay hôm nay, đừng quá lo lắng ngày mai mình có làm được điều đó không. Khi lo lắng cho người khác, chúng ta sẽ không còn lo lắng quá nhiều cho bản thân nữa! Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ hạnh phúc, dù trần gian hôm nay vẫn có nhiều “cái khổ”!

Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
LỄ NẾN (MỒNG HAI TẾT NHÂM DẦN)
“Này con xin đến để thực thi ý Chúa”!
Lc 2, 22-40
 
Hôm nay chúng ta cử hành LỄ NẾN trùng hợp với ngày mồng hai Tết, ngày LỄ KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN theo truyền thống của Giáo Hội tại Việt Nam. Sự trùng hợp đó muốn nhắc nhở chúng ta rằng: để kính nhớ ông bà tổ tiên một cách tốt nhất, chúng ta hãy thắp lên ngọn nến đức tin của mình. Thật vậy, ngọn nến gợi lên khá nhiều điều huyền nhiệm: sự dâng hiến, ánh sáng chiếu soi, sự đau khổ và tiêu hao trong tâm hồn người kitô chúng ta.
Mầu nhiệm dâng hiến:
Đức Maria và Thánh Giuse vào đền thờ để dâng cho Thiên Chúa đứa con trai duy nhất mà Chúa đã ban cho các ngài. Theo nguyên tắc, hành động dâng hiến này được thực hiện để chuộc lại: vì từ khi ra khỏi Ai cập, tất cả các con trai đầu lòng của người Dothái đều thuộc về Thiên Chúa. Sách Luật nói: “Tất cả các con trai đầu lòng sẽ được dâng hiến cho Thiên Chúa”. Nhưng, các cha mẹ đều có thể chuộc lại đứa con đầu lòng của họ bằng cách dâng một của lễ đền bù vào đền thờ, trị giá khoảng 5 đồng là đủ. Tuy nhiên, Thánh Giuse và Đức Maria hôm nay hướng về Thiên Chúa để dâng đứa con trai duy nhất mà các Ngài biết rằng đứa con trai đó không thuộc về mình. Các ngài chấp nhận ý định và chương trình của Thiên Chúa về đứa trẻ này. Các Ngài dâng cả đời sống cho Thiên Chúa bằng cách phục vụ đứa con mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho.
Các ngài chấp nhận mọi hậu quả của việc dâng hiến này. Các ngài cam kết tôn trọng đứa trẻ này một cách sâu xa về nhân cách cũng như về sứ mệnh của đứa trẻ, sứ mệnh này sẽ dẫn đứa trẻ đến cái chết. Vì chưng vào một ngày không xa Đức Mẹ sẽ phải đứng dưới chân thập giá để hiến dâng đứa trẻ này cho thế giới. Lúc truyền tin, tiếng xin vâng của Đức Mẹ chỉ là bước đầu của lời cam kết. Tuy nhiên trong suốt cuộc đời, Đức Mẹ luôn trung thành với tiếng xin vâng đó.
- Hôm nay, lễ hiến dâng Con vào đến thờ, tiếng xin vâng đó đã dẫn đưa Mẹ đến đồi Can vê.
- Hôm nay Mẹ hiến dâng người con này cũng là người con mà một ngày nào đó mẹ sẽ dâng hiến cho Chúa Cha và ẵm người con đó chết trên tay.
Chúa Giêsu, chính Ngài không những đến trần gan để tuân hành những đòi hỏi của lề luật, mà còn canh tân.
- Từ đó về sau, chúng ta không còn phải dâng hiến những đứa con đầu lòng cho Chúa Cha nữa.
- Từ nay mà đi, đền thờ đích thực không là gì khác mà là chính Chúa Kitô chí thánh.
- Hôm nay, Chúa Giêsu canh tân của lễ của Ngài: của lễ căn bản của Ngài dâng lên Chúa Cha là đi vào thế giới ngay từ lúc nhập thể: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng không thích hy lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.”
Từ nay mà đi, liệu chúng ta có tiếp tục dâng lên Thiên Chúa những ngọn nến của sự tiêu hao hơn là những đòi hỏi của chúng ta không? Hôm nay, chúng ta đem đến cho Ngài điều gì khi dâng lễ? Hãy dâng cho Thiên Chúa lao công vất vả, vui buồn và cả những gì đôi khi chúng ta cảm thấy không tốt mà Ngài đã gửi đến cho chúng ta. Của lễ tốt nhất mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa phải chăng là nói với Ngài rằng: “Tất cả những gì mà Chúa ban cho con, như tài năng, tiền bạc, tuổi trẻ, tình yêu, và những phẩm chất, con muốn sử dụng tất cả những thứ đó theo ý Chúa muốn”.
Lễ Nến còn là ngày lễ của ánh sáng.
Ngọn nến, nhất là nến ngày lễ Phục Sinh là biểu tượng của Chúa Kitô là ánh sáng chiếu soi muôn dân. Những ngọn nến được thắp lên ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội, ngày chúng ta tuyên xưng đức tin hoặc ngày chúng ta phải vĩnh biệt cõi trần là biểu tượng ánh sáng đức tin sống động và hiện diện trong con tim chúng ta. Chúa Kitô là ánh sáng. Thật vậy, hôm nay Ngài được nhiều người biết đến, đặc biệt là những người nghèo, trong đó có Siméon. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Siméon nhận ra Chúa Kitô là ánh sáng cho mọi dân tộc và biết rằng ông sẽ không chết trước khi gặp thấy Anh Sáng đó.
Dâng Thánh Lễ “kính nhớ ông bà tổ tiên” hôm nay không phải là chúng ta chỉ nhớ đến những người đã qua đời trong gia đình, gia tộc chúng ta. Điều quan trọng đó là chúng ta hãy sống tốt ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta, những người theo Chúa Kitô, Chúa Kitô có là ánh sáng của chúng ta không? Và chúng ta có sẵn sàng trở nên ánh sáng cho anh chị em chúng ta không?  Chúng ta có để cho ngọn nến của mình trên giá cao và ngay trong gia đình chúng ta không?
Khi sáng tác bài hát ”Ba ngọn nến lung linh”, phải chăng nhạc sỹ Ngọc Lễ đã kín múc nguồn cảm hứng từ ngày lễ nến hôm nay: “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh, tháp sáng một gia đình….Lung linh, lung linh, tình me, tình cha. Lung linh, lung linh cùng một mái nhà”. 
Dù là nén vàng, nến xanh hay nến hồng, đều thắp sáng gia đình! Tuy nhiên, để thắp sáng thì ngọn đèn cần phải tiêu hao. Đức Maria, ngay sau khi được nghe lời chúc tụng: “Con bà sẽ là niềm vinh dự cho dân tộc Israel, là ánh sáng cho muôn dân,” đã phải đón nhận những lời mà mẹ không bao giờ quên được: “Một lưỡi gươm sẽ đâm qua trái tim bà”. Lúc đó, Đức Maria không còn biết điều gì đang chờ đợi mình, nhưng Mẹ đã hiểu ró nếu Con mình là dấu chỉ của sự chia rẽ, thì chắc chắn mình cũng phải hứng chịu sự đau khổ của con mình. Đúng vậy, lời tiên báo đó chỉ sau mấy ngày sẽ trở nên hiện thực. Mẹ đã phải vội vã lên đường lưu vong cùng với chồng và con mình bên Ai-cập để chạy trốn cơn giận dữ của Herode. Tất nhiên, lời tiên báo đó sẽ được thực hiện đầy đủ trên đồi Canvê. Trái tim mẹ bị đâm thư như trái tim Con Mẹ.
Để việc báo hiếu ông bà tổ tiên một cách tốt nhất, chúng ta hãy chấp nhận bị tiêu hao như những ngọn nến cháy sáng nơi  gia đình thánh: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse !
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log