Thứ năm, 26/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Cập nhật lúc 09:53 06/01/2022
Suy niệm 1
Trong sâu thẳm nhân loại
Lc 1, 15-16, 21-22
Chúa Giêsu hòa chung giữa đám đông. Vào ngày lãnh nhận phép Rửa, Chúa Giêsu hòa chung giữa đám đông những người đến lãnh nhận phép Rửa của Gioan. Ngài chỉ là một trong số tất cả những người khác. Ngài dìm mình vào sâu thẳm nhân loại mà không có gì có thể phân biệt được Ngài với mọi người. Tin mừng cho chúng ta biết “Tất cả dân chúng đã chịu phép Rửa và chính Chúa Giêsu cũng đã chịu phép Rửa”.
Chỉ mình Gioan Tẩy Giả nhận ra Ngài và thông báo cho đám đông biết rằng: “Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài”. Câu nói của Gioan chứng tỏ sự khiêm nhường của ông và cũng chứng tỏ ông không là gì trước Chúa Giêsu. Nhưng dù Chúa Giêsu là Chúa, Ngài đã nói với chúng ta rằng: “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng”. Trong bữa tiệc ly trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của Ngài.
Tin mừng hôm nay viết tiếp: Sau khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa xong và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con”. Gioan Tẩy Giả biết cách nhận ra Con Thiên Chúa trong nhân loại. Gioan là một trong những người đã nghe tiếng từ trời phán đó.
Tiếng từ trời phán muốn nói lên rằng Đấng thống trị lại là Đấng phân biệt với phần còn lại của đám đông, đó là:
- Cùng với đám đông dìm trong sâu thẳm của nhân loại, đến tận đáy sâu của những hốc bí mật nhất của nhân loại để khắc ghi vào đó Tình yêu của Chúa Cha cho tât cả mọi người.
- Làm đẹp lòng Cha, Chúa Giêsu không có dấu hiệu nào khác về vương quyền của mình hơn là xuống thấp hơn bao giờ hết, đánh mất mình trong đám đông nhân loại để ghi vào đó chiến thắng của tình yêu trên tất cả sức mạnh của thần chết.
Chúa Giêsu được nhận ra trong đám đông. Thánh Phaolo nói “Tất cả anh chị em đã chịu phép rửa trong Chúa Kitô là đã mặc lấy Chúa Kitô”:
- Những người được chịu phép Rửa là những người nhận ra trong Chúa Giêsu Kito một phẩm chất nhân tính đặc biệt, một chiều sâu trong nhân tính như vượt xa hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể biết hoặc quan niệm.
- Theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi sống trong chiều sâu của nhân loại này. Đó là chiều sâu trong con người chứ không phải các chức tước hoặc danh hiệu. Chiều sâu này giúp chúng ta nhận ra những môn đệ đích thực và phân biệt họ với những người chỉ có vẻ ngoài.
Như Gioan Tẩy giả và còn hơn cả Gioan Tẩy giả, chúng ta không những được mời gọi cúi đầu trước Đấng được Thần Khí ngự xuống trên đầu, mà còn trước cả những người để cho hơi thở của Chúa Thánh Thần tác động, cho dù những người đó là kito hữu hoặc không là kito hữu, người nam hoặc người nữ, người có văn hóa hoặc người không có văn hóa. Tất cả những người này đều được Thiên Chúa xót thương. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa ở giữa loài người, và chúng ta hãy vui mừng vì Ngài trao ban chính mình không phải cho người khôn ngoan và người uyên bác, mà là cho những người bé mọn.
Giáo Hội của Chúa Giêsu Kito ở đâu? Hôm nay cũng như hôm qua, Giáo Hội hòa chung trong đám đông những người có chiều sâu bản tính nhân loại, vui mừng vì được làm người, đơn giản là những con người đang sống trong niềm vui cũng trong thử thách. Những người theo Chúa Giêsu Kito chưa chắc tốt hơn những người khác. Đơn giản họ chỉ là những người đầu tiên cúi đầu và vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng nhập thể trong mọi không gian và thời gian, vượt lên trên mọi biên giới, văn hóa và cả Giáo Hội hữu hình trần thế.
Cần phải nhận ra rằng tôn trọng người khác không phải là đặc quyền của người kito. Phát biểu tại sự kiện được tổ chức ở Warsaw, Ba Lan hôm 15/10/2021, đánh dấu 30 năm thành lập Văn phòng Thể chế Dân chủ và Nhân quyền (ODIHR), của Tổ chức An Ninh và Hợp Tác châu Âu (OSCE), Đức ông Janusz Urbanczyk, đại diện thường trực của Tòa Thánh tại tổ chức này khẳng định rằng: nhân quyền là phổ quát, không thể chuyển nhượng và bất khả xâm phạm. Đức ông nói: “Toà Thánh tiếp tục nhấn mạnh, cần phải nhìn nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất cả các thành viên gia đình nhân loại, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo. Vì đây là nền tảng của tự do, công lý, và hòa bình trên thế giới”.
Vì thế, sống trong Chúa Thánh Thần, người kito chúng ta phải coi môi trường nhân loại mà chúng ta tắm gội là chính nơi chúng ta gặp Đấng vượt trên chúng ta.
Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hướng đến người thân yêu của chúng ta. Chắc chắn chúng ta không gặp khó khăn gì, khi thể hiện bản thân sống bí tích Rửa tội trước những người chúng ta yêu thương. Tuy nhiên, chúng ta sẽ sống như thế nào để chứng tỏ Chúa Giêsu được nhận ra trước mặt mọi người. Chúng ta cần phải từ chối trò chơi ganh đua mà chúng ta bị cuốn vào và dễ dẫn tới bạo lực. Chúng ta nói về hệ thống phân cấp chức năng và lương bổng. Tất nhiên, điều cần thiết là các chức năng phải đa dạng để chúng ta có thể sống cùng nhau, đừng quá phân biệt cấp trên và cấp dưới.
Ước gì trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, chúng ta hãy nhận ra sự vĩ đại đích thực nơi tất cả mọi người và nhất là nơi những người nghèo và khiêm nhường nhất.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2

Lc 3, 15-16.21-22
Gioan Tẩy Giả vào đời trước Đức Giê su chừng sáu tháng. Ông mời gọi dân chúng sám hối, đổi đời để tiếp đón Đấng Cứu Thế. Dân chúng hưởng ứng lời mời gọi của ông một cách nhiệt thành đến mức tối đa. Thậm chí cả các cô gái điếm cũng đến xin ông làm phép rửa, ngụ ý bỏ nghề để xứng đáng tiếp đón Đấng Cứu Thế.
Khi dân chúng đang ùn ùn đến xin ông làm phép rửa, thì ông giật mình, vì Chúa Giêsu cũng đến xin làm phép rửa. Ông khiêm tốn thưa với Chúa rằng: “Thầy phải làm phép rửa cho tôi chứ, làm sao tôi dám làm phép rửa cho Thầy!” Đức Giêsu góp ý với Gioan: “Việc tốt thì cứ làm đi”. Ông Gioan chịu thua, đành múc nước xối trên đầu Chúa. “Vừa xối nước xong, ông thấy một con chim bồ câu bay lượn vòng vòng trên đầu Chúa. Đồng thời, từ trời có tiếng của Chúa Cha vọng xuống: “Đây là Con Ta yêu dấu làm vui lòng ta trọn vẹn”.
Câu chuyện chúng ta vừa nghe cho chúng ta hai bài học.
Bài học 1. Gioan Tẩy Giả là người truyền giáo đầu tiến giới thiệu Đức Giêsu cho loài người. Ông yêu cầu loài người phải bỏ nếp sống xấu cũ. Cụ thể: ông bảo người thu thuế không được hà lạm; ông bảo người lính lê dương không được ăn hiếp dân; ông bảo cô điếm bỏ nghề… Nếu ngày nay dân xì ke, dân buôn ma túy… mà đến hỏi ngài, thì ngài cũng sẽ trả lời là: hãy cai nghiện và tuyệt đối không được buôn ma túy.
Đó là giáo huấn của Gioan Tẩy Giả “sống tốt để được Chúa cứu độ”. Ông là nhà truyền giáo đúng đắn nhất. Ông đem hết khả năng để đề cao Đức Giêsu. Thậm chí ông còn lui vào bóng tối để nhường chỗ cho Đức Giêsu. Ông hứng khởi tuyên bố: “Ngài phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ đi”.
Bài học 2. Đức Giê su là người là người Con tuyệt hảo của Chúa Cha. Mọi lời giáo huấn của Ngài đều bởi Chúa Cha mà ra. Thậm chí Ngài sẵn sàng hiến mạng sống để đền tội loài người, vì đó là ý của Chúa Cha. Trong vườn cây Dầu, đang lúc nỗi cô đơn và đau đớn lên tới tột cùng, đến độ mồ hôi đầm đìa trong đêm lạnh, Ngài vẫn tâm sự với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu được, thì xin cho Con khỏi uống chén đắng này, nhưng xin đừng theo ý Con, mà chỉ theo ý Cha thôi”. Vâng lời Chúa Cha tới mức đó là tận cùng rồi, là tự hủy mình trăm phần trăm rồi!
Người ta phải khẳng định rằng: mọi lời Đức Giêsu nói, mọi việc Đức Giêsu làm đều bởi Chúa Cha mà ra. Tất cả mọi môn đệ của Chúa Giêsu đều phải tìm hiểu lời, ý, tâm và tính của Đức Giêsu để sống theo y như thế. Sống như Đức Giêsu là sống như Chúa Cha. Noi theo kiểu của dân gian, thì sống như Đức Giêsu là sống đúng mệnh Trời. Sống như Đức Giêsu là tri thiên mệnh.
Một điều rất lạ là các triết gia, các bậc trí thức từ đông sang tây, từ cổ chí kim luôn luôn dành hết cuộc đời của mình để tri thiên mệnh, nhưng tất cả đều không đạt. Ngược lại có những tâm hồn bé mọn chỉ biết và yêu Đức Giêsu thôi, thì lại hiểu biết Chúa Cha. Đức Giêsu đã có lần hớn hở ngước mắt lên trời mà cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã giấu không cho các bậc hiền triết biết, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn”. Tuyệt vời!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
====================
Suy niệm 3
NGƯỜI KITÔ HỮU:  CHỨNG TÁ TUY KHÁC NHAU NHƯNG CHUNG QUY CHO TÌNH YÊU 
 
Hôm nay, Hội Thánh hân hoan bước vào Mùa Thường Niên, khởi đầu với lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa. Thoạt tiên, khi nghe đến thánh lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, có lẽ chúng ta không khỏi thắc mắc: phép Rửa Chúa Giê-su chịu có khác gì so với bí tích Rửa tội mà chúng ta được lãnh nhận hay không? Phép Rửa Chúa Giê-su chịu có gì liên quan đến bí tích Rửa tội hay chăng? v.v…
Một điều rõ ràng, hiển nhiên mà chúng ta có thể phân biệt được là Chúa Giê-su chịu phép Rửa, còn chúng ta thì chịu phép Rửa tội hoặc Thanh tẩy, vì mặc dù Người hoàn toàn giống với con người yếu đuối, mỏng dòn, nhưng khác với chúng ta là: Người không mang tội, Người không mắc tội. Tuy vậy, Người vẫn tự nguyện mặc lấy thân phận tội lỗi con người hầu gánh tội, cứu độ nhân loại.
Khi cử hành thánh lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, chúng ta hồi tưởng thời khắc ân sủng, thời điểm chúng ta được thanh tẩy tội Tổ Tông, được thánh hoá trở nên con của Thiên Chúa, con của Đấng Thánh, và được chung phần vào Mẹ Giáo Hôi – Nhiệm thể của Chúa Ki-tô, mà trong đó, chúng ta là chi thể của Thân thể mầu nhiệm ấy. Có lẽ, nhiều người trong chúng ta không còn nhớ ngày mình được nhận lãnh bí tích cao cả này?!!! Ngày chúng ta được giải thoát gông xiềng tội Tổ Tông, tội lỗi, hầu trở nên con người mới, con của Ánh sáng, con của Thiên Chúa nhân từ; ngày chúng ta được biến đổi từ chốn bùn nhơ, tối tăm bước vào đời sống mới, đời sống chân chính. Ngày chúng ta được cứu độ khỏi cảnh ‘không chốn nựa tương’, ‘không lối thoát thân’ vì bị tội lỗi gông cùm, và được mang vào ‘cung lòng ấm áp, sâu thẳm của Thiên Chúa’ qua lòng của Giáo Hội. Ôi, thời khắc hồng ân! Mầu nhiệm cao vời vượt quá lòng mong mỏi của con người, cao siêu, thẳm sâu hơn tâm hồn con người chúng ta! Chúng ta cùng dâng lời ngợi ca, tán tụng không ngơi lên Thiên Chúa vì ân sủng cao cả này; Người chẳng bỏ mặc con người tội lỗi nhưng đã mời gọi, thánh hoá và trao cho sứ mạng thiêng liêng như lời tiên tri I-sa-ia đã tuyên sấm “Ngưi không b gy cây lau b gip, không dp tt tim đèn còn khói,…, Ta đã gi con trong công lý, đã cm ly tay con, đã gìn gi con, đã đt con thành giao ưc ca dân, và nên ánh sáng ca chư dân...” (Is 42, 3. 6).
Ở điểm này, chúng ta được tháp nhập và liên kết chặt chẽ với sứ vụ của Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, đó là: trở nên tiên tri (người rao truyền Tin mừng), tư tế (thánh hoá, dạy dỗ, khuyến dụ) và vương đế (cộng tác điều hành cộng đoàn). Nói tóm lại, chúng ta được trao sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa, làm chứng cho Đấng đã rộng ban, thương yêu trao tặng cho chúng ta mọi thứ một cách nhưng không, kể cả chính mình Người qua Con Một yêu dấu. Hơn nữa, qua lời xác thật, công bố đầy yêu thương của Chúa Cha đối với Đức Ki-tô “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3, 22), chúng ta cũng được hiệp thông với Chúa Giê-su trong sứ mạng làm con cái Cha trên trời, Người Cha hằng dủ lòng thương xót đến tất cả mọi người, chứ chẳng thiên vị một ai như lời thánh Phê-rô chứng thực, giảng dạy tại nhà ông Cor-nê-li-ô được thuật lại một cách sống động trong thư Công Vụ Tông Đồ: “Thiên Chúa không thiên tư tây v, nhưng bt c x nào, ai kính s Ngưi và thc hành s công chính, đu đưc Ngưi đón nhn” (Cv 10, 34-35). Vì thế, ơn gọi, bậc sống tuy khác nhau, nhưng đều có một sứ mạng; trách nhiệm tuy khác nhau, nhưng cùng chung một sứ vụ; công việc, tính cách khác xa nhau, nhưng cùng chung một mục đích, đó là: đời sống làm chứng cho Tin Mừng, chia san những gì chúng ta được lãnh nhận một cách vô điều kiện từ Thiên Chúa, và nhất là sống làm gương sáng qua lời ăn, tiếng nói, hành vi của người mang danh Thánh Ki-tô (Ki-tô hữu – người thuộc về Chúa Ki-tô).
Để kết thúc bài chia sẻ này, xin quý cộng đoàn cùng tôi lắng đọng, trở về với lòng mình và trong giây phút thinh lặng sâu lắng của tâm hồn, lắng nghe tiếng Chúa thầm thỉ với mình qua câu chuyện làm chứng tá trong thời đại ngày nay như sau: Tờ báo Hoàn CầuĐêm Khuya xuất bản tại Hoa Kỳ thuật lại gương sống chứng tá Tin Mừng của ông Jewel Pierce tại Tiểu bang Alabama. Trừ ngày Chúa Nhật, mỗi ngày đều đặn một lần, ông đều thả 2 chai không xuống dòng sông Cô-sa; trong 2 chai đó, ông để lại một câu Kinh Thánh nói về tình thương hoặc sứ điệp tương tự, kèm theo lời đề nghị giúp đỡ hết tất cả những ai cần đến ông cả về vật chất cũng như tinh thần. Trong 40 năm ròng rã, ông đã gửi trên 27 ngàn sứ điệp Tin mừng, và hơn 2 ngàn người thuộc 30 quốc gia đã đọc, và liên lạc với ông. Có lẽ chúng ta không có đủ điều kiện, nhuệ khí như ông Jewel Pierce, nhưng thiết nghĩ, mỗi người chúng ta luôn có Chúa ở cùng, đồng hành, nâng đỡ, và cùng ta ra đi chia san những gì chúng ta đã, đang và sẽ được lãnh nhận. Chỉ cần qua cử chỉ thân thiện, yêu thương, lời nói chân thành, góp ý, xây dựng hay một hành động bình thường, nho nhỏ nhưng mang lại niềm khích lệ, động viên anh chị em ta…thì lúc ấy, chúng ta đang sống chứng tá cho Tình yêu rồi.
Xin Chúa đừng để những truân chuyên nơi cuộc sống này làm chúng con nhục chí, thu mình lại mà chẳng dám chia san. Xin đừng để những quyến rũ của trần gian cản lối chúng con dấn thân, làm chứng cho Chúa. Ước gì qua cuộc sống chúng con, mọi người sẽ nhận ra Chúa là nguồn Tình yêu. Amen.
Lm. Xuân Hy Vng
====================
Suy niệm 4
“Xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”
Tin mừng hôm nay kể chuyện: tiếp nhận đoàn người lũ lượt đến xin chịu Phép Rửa, bày tỏ lòng sám hối, thánh Gioan được nghe những lời bàn tán của dân chúng phỏng đoán ông chính là đấng Mêsia. Thánh nhân đã trả lời:“Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Câu trả lời của Gioan vừa bác bỏ tin đồn vừa cũng cố niềm hy vọng của dân chúng về Đấng Mesia đang đến.Gioan làm Phép Rửa trong dòng nước sông Giođan, còn Đấng Mêsia làm Phép Rửa trong Thánh Thần.Vậy Phép Rửa của Gioan và Phép Rửa của Chúa Giêsu khác nhau thế nào?
1. Phép Rửa sám hối
Đây là Phép Rửa bằng nước do Gioan thực hiện tại sông Giođan: "Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối ". Ai chịu Phép Rửa đều phải có một thái độ nội tâm cũng như bên ngoài, phải tin vào sứ điệp của Gioan, phải trở lại thực lòng, phải quay về với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Phép Rửa của Gioan chỉ có tính cách tượng trưng, tự nó không có sức xóa bỏ được tội lỗi mà chỉ là nghi thức nhắc nhở cho mọi người phải ăn năn sám hối và cải thiện đời sống.
Phép Rửa sám hối chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Gioan làm Phép Rửa sám hối để dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế. Như vậy gắn với hành động sám hối phải là niềm hy vọng được nuôi dưỡng bền chặt trong lòng. Sám hối vì hy vọng được tha thứ và được giải thoát.Sám hối để xứng đáng với niềm hy vọng.Thánh Gioan ngoài sứ mạng kêu gọi mọi người sám hối còn đảm nhận trọng trách đồng hành với dân chúng hướng về Đấng Mêsia đang đến.
Vai trò của Gioan đã kết thúc, nhưng trước khi Chúa Giêsu chính thức đảm nhận sứ mạng, Người đã xếp hàng đứng chung với hàng ngũ dân chúng, hiệp thông trọn vẹn với họ về niềm mong đợi thiết tha được Chúa đến cứu. Thật lạ lùng! Chúa Giêsu bước xuống sông Giođan. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối nay xin chịu phép rửa sám hối của Gioan. Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” đang đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy. Một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Đức Kitô được công khai tấn phong làm Đấng Mêsia.Thánh Thần ngự xuống, tiếng từ trời xác nhận: “Con là con của cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”. Đó là lời phong vương trong Thánh Vịnh 2,7. Chúa Giêsu đã được chính Thiên Chúa xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần.
2. Phép Rửa tái sinh
Phép rửa của Gioan là Phép rửa bằng nước mời gọi sám hối. Phép rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: "Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô" (Cl 2, 12-13).
Phép rửa của Chúa Giêsu là Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy chúng ta khỏi tội nguyên tổ và tội riêng chúng ta phạm. Đây là sự Thanh tẩy nội tại của Bí tích Thanh tẩy do ơn Chúa Thánh Thần. Nước có ý nói về nghi thức bên ngoài, thực hiện trên thân xác; còn lửa là biểu tượng diễn tả sự biến đổi bên trong tâm hồn. Trong khi nước chỉ đạt tới bề mặt của các sự vật, thì lửa thấm sâu vào, thanh luyện, soi sáng, đốt cháy. Trong phép rửa Đấng Mêsia thiết lập, người ta sẽ không gặp được thứ lửa nào ngoài thứ lửa của Thánh Thần, bởi vì chính Người thánh hóa các tâm hồn. Lửa nói lên sức thanh tẩy của Chúa Thánh Thần, như trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cvtđ 2,1-4), khi các Tông đồ đang cầu nguyện thì Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ngài và biến đổi các ngài trở nên những con người mới, những Tông đồ nhiệt thành, thông hiểu Lời Chúa để các ngài rao giảng cho dân chúng.
Như vậy qua Phép Rửa tái sinh, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa tội đời sống thần linh của Ngài. Đó là sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Người tín hữu trở nên thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào Sự Sống của chính Thiên Chúa hằng sống.
Bí Tích Thánh Tẩy chính là một phép lạ cả thể tác động trên một cá thể trong suốt chiều dài cuộc sống. Người ta được tắm gội trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô và được thần hóa một cách nhiệm mầu, để từ đó có thể phát biểu ngất ngây như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, hay đầy xác quyết như thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dưng con người cách lạ lùng và còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”.
Bí Tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).
Bí Tích Thánh Tẩy tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Thánh Tẩy cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí Tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí Tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG #263).
3.Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo Hội chọn làm khởi điểm cho Mùa Thường Niên là Mùa Phụng Vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần Khí và nước, giữa Tân Ước và Cựu Ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh trong của Chúa Giêsu nhờ ghi dấu ấn tín của Chúa Thánh Thần và được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.
Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.
Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.
Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Người Kitô hữu được hai hồng ân lớn nhất là được ơn sự sống và ơn làm con Chúa. Nhờ cha mẹ, mỗi người được sinh ra và hiện hữu trên đời này. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu được sống sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo. Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy chúng con biết sống ơn Bí Tích Thánh Tẩy để chúng con được xứng đáng được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
==================== 
Suy niệm 5
Phép rửa tội - ơn gọi làm con Chúa

(Lc 3, 15-6. 21-22)
Chúng ta vừa cử hành lễ Chúa giáng sinh: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta”. Liền sau đó, Giáo Hội cử hành lễ Hiển linh, lễ Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại mà ba nhà đạo sĩ tư Phương Đông đại diện cho chúng ta cất bước lên đường tìm đến. “Họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2,11).
Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Tức là sau ba mươi năm sống đời ẩn dật, nay Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai với phép rửa tại sông Giordan bởi tay Gioan. Như thế, từ lễ Giáng Sinh – Hiển Linh đến lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, nếu tính theo thời gian thì đúng 30 năm. Trong quãng thời gian này, chúng ta không biết nhiều về Chúa Giêsu, ngoại đời sống ẩn dật sống của Người trong gia đình, học tập và lao công, vâng phục Đức Mẹ và Thánh Giuse.
Câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại đến xin Gioan làm phép rửa?
Hòa mình với phàm nhân
Khi Gioan đang làm phép rửa cho dân chúng để giúp họ sám hối và cầu xin ơn tha tội. Chúa Giêsu đã hòa mình vào đám đông trong cùng dòng sông Giođan, với những con người có tội để sám hối thay cho loài người đang cần sám hối để được tha thứ.
Thánh Ghê-gô-ri-ô, giám mục Na-di-en cho biết : "Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người Ađam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Giođan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo". Nên dù Gioan làm phép rửa, ông cũng chỉ là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo. (Trích bài giảng của thánh -gô-ri-ô, giám mục Na-di-en).  
Thánh Phê-rô Kim Ngôn giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu  thì : "Tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gio-an đóng vai Đức Ki-tô ; ông đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để ban phát". Nên Gioan giảng: " Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần" (Mc 1, 8). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa ; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra: " Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình " (Mc 1,10). Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cho mình.
Ba ngôi hiển hiện
Tin Mừng mô tả,sau khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3, 21-22). Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần tự hiển hiện. Chúa Giêsu được Chúa Cha tuyên phán là Con. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người cho thấy Chúa Giêsu khiêm nhường hạ mình xuống với các tội nhân và trở nên Chiên gánh tội thế gian.
Chúa Giêsu bước lên khỏi nước lúc ấy trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Người. Vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính Ađam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.
Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời.
Phép rửa của Chúa Giêsu và Phép rửa của chúng ta
Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: “Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần” (Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh Sáng). Chúng ta hãy thanh tẩy mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy cho thanh sạch hoàn toàn và đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Kitô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ cách xứng đáng. Thiết nghĩ, thực hành và sống lời hứa khi chịu phép Rửa tội là việc phải làm trong đời sống người kitô hữu chúng ta.
Sống lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội tốt lành để đổi mới với lòng biết ơn và xác tín lời hứa trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, hãy dấn thân sống xác tín này trong đời sống hàng ngày. Chúa Giêsu cứu độ chúng ta không phải vì cộng trạng của chúng ta nhưng là để thực hiện lòng tốt vô biên của Cha với cả nhân loại. Vì thế, mỗi ngày chúng ta hãy cố gằng thực hiện những điều đã hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội là từ bỏ ma quỷ, xa lánh các dịp tội và tin vào Thiên Chúa, như thế chúng ta mới có thể đón nhận mọi ơn lành Thiên Chúa ban và sống xứng đáng là con Thiên Chúa.
Không phải cứ được rửa tội, cứ nói tôi tin Chúa Kitô, là được cứu rỗi để vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa. Rửa tội chỉ là bước đầu cần thiết cho việc cứu rỗi mà thôi. Bước tiếp theo quan trọng hơn, đó là thi hành những điều cam kết khi được rửa tội. Nếu không thi hành những lới hứa hay cam kết này thì Phép Rửa sẽ thành vô ích. 
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trung thành với lời hứa khi chịu phép Rửa tội trong suốt cuộc đời chúng con, nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Tẩy Giả. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
====================
Suy niệm 6
Sự Khiêm Hạ

Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22
Thuở xưa khi toàn dân đang trông ngóng một Đấng cứu thế, bỗng Gioan Tẩy Giả xuất hiện và làm phép rửa cho dân, trong thâm tâm ai cũng tự hỏi và suy nghĩ biết đâu ông ấy chính là Đấng Mêsia. Với cách sống chân thật và lòng khiêm hạ thẳm sâu, ông Gioan không để dân lầm tưởng mà suy tôn mình, ông phân bua: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3,16).
Khi toàn dân đang chịu phép rửa của ông Gioan, Đức Giêsu cũng hòa mình với dân, lội xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa của ông. Nhưng chuyện lạ xảy ra khi Người cầu nguyện: “thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.” (Lc 3,21b-22). Chính Chúa Cha phán ra từ trời, dân chúng và Gioan Tẩy Giả xác nhận rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” Chính Gioan ông nhìn thấy Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu. Mặc khải của Thiên Chúa khiến con mắt xác thịt của ông nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa tràn đầy Thần Khí. “Người đến sau tôi, nhưng có trước tôi”, vì Ngài là Thiên Chúa có từ thuở đời đời. Ông không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã hạ mình, liên đới với mọi người, dìm mình trong dòng nước sông Giođan với những người tội lỗi. Phép rửa Chúa chịu hôm nay đánh dấu cuộc đời công khai đi rao giảng của Người, sau 30 năm sống ẩn dật với hành động thật đơn sơ khiêm hạ, nêu gương cho mọi người.  Với cử chỉ ấy, Người hòa mình vào dòng đời với nhân loại, để chung chia và gánh vác thân phận, kiếp sống với con người.
Lạy Chúa! Chúa là Đấng vô tội mà đã khiêm hạ lội xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa như người tội lỗi. Để đổi lại, mỗi người tội lỗi chúng con nhờ lãnh Bí tích Rửa tội, lại được trở nên con Thiên Chúa. Xin cho mỗi Kitô hữu chúng con luôn biết sống xứng đáng là con Chúa, bằng đời sống yêu thương, hòa đồng sẻ chia, cảm thông và đón nhận những giới hạn của nhau, để tất cả chúng con cũng được trở nên con yêu dấu của Chúa. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log