===================
Suy niệm 3
THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ dân Chúa! Mỗi khi Giáng Sinh về, từng giáo xứ, nhà nhà bắt đầu dành thời giờ làm hang đá. Dù hang đá có hoành tráng hay đơn sơ, có lấp lánh ánh đèn bừng sáng hay chỉ lung linh huyền ảo, có to lớn hay nhỏ bé đi chăng nữa, thì không thể thiếu bộ tượng Thánh Gia Thất: Chúa Giê-su Hài Đồng nằm giang tay, Mẹ Maria và Thánh Cả Giu-se cung kính bái quỳ bên Con Chúa. Ngoài ra, đâu đó nơi hang đá có một dòng chữ “Em-ma-nu-el - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” nữa!
Chắc hẳn, trong mỗi chúng ta đều nghe đến và hiểu dòng chữ này, đặc biệt khi chờ trông, dọn lòng đón Chúa Hài Nhi giáng trần cứu chuộc nhân loại. Danh xưng “Em-ma-nu-el - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” không những xuất hiện trong Tân Ước mà đã được nhắc tới trong Cựu Ước khi nói đến một vị Thiên Chúa có tính nhân vị, hằng hữu và luôn ở cùng với Dân của Ngài. Tuy nhiên, danh xưng này được cảm nhận rõ rệt, cụ thể qua Con Một Thiên Chúa được sinh hạ bởi một người phụ nữ vẹn tuyền khiết trinh Ma-ri-a tại Bê-lem, quê hương Vua Đa-vít mà đã được tiên tri loan báo từ lâu: “Hỡi Bê-lem Éph-ra-ta, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giu-đa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Is-ra-el, và nguồn gốc Ngài có từ nguyên thuỷ” (Mk 5, 1). Và lời tiên tri phán xưa đã được ứng nghiệm hầu hoàn tất Lời Chúa và chương trình Cứu độ của Ngài “…người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1, 22-23), và Mẹ Ma-ri-a là người đầu tiên cảm nghiệm sâu sắc biến cố này. Tuy vậy, Mẹ không giữ cho riêng mình, mà ‘trỗi dậy, vội vã ra đi đến miền sơn cước, thăm viếng và chia sẻ niềm vui khôn tả này cho bà chị họ I-sa-ve’ (x. Lc 1, 39-40).
Nói như Thánh Phao-lô Tông Đồ, Thiên Chúa là người nhất quán, tín trung, thực hiện lời hứa cứu độ của Ngài. Thiên Chúa sống đúng với danh xưng “Em-ma-nu-en - Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài chẳng bao giờ bỏ quên chúng ta; Ngài chẳng loại chúng ta ra khỏi ý định cứu độ của Ngài; và như lời xác tín gửi cho giáo đoàn Rô-ma “…theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày…” (x. Rm 16, 25-26). Ngoài ra, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái cũng quả quyết điều ấy: “Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giê-su Ki-tô một lần là đủ” (x. Dt 10, 10).
Thật vậy, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” trong mọi biến cố cuộc đời: vui mừng hay buồn tủi, thành công hay thất bại, tín thác hay ngờ vực, thịnh vượng hay suy vong, hạnh phúc hay bất hạnh, mở lòng đón nhận hay khép kín chối từ, lúc mạnh khoẻ hay bệnh tật, khi thuận lợi hay bất lợi, những lúc được hậu thuẫn hay bị chống đối…Về phần chúng ta, dường như chúng ta chưa cảm nhận sâu xa về điều này; hoặc vì nhiều nỗi lo toan cuộc sống, bôn ba công việc, kiếm kế sinh nhai, lo hoà nhập vào xã hội, hay đang đi tìm chỗ đứng trong xã hội, mà lắm lúc đôi mắt đức tin chúng ta trở nên mờ căm trước sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta!
Với tinh thần Mùa Vọng là một dịp thuận lơi, một khoảnh khắc vô giá cho mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân, hết lòng ăn năn, sám hối, dọn lòng đón mừng Chúa Hài Đồng sinh lại nơi tâm hồn, nơi gia đình, nơi cộng đoàn, giáo xứ, xã hội và cả thế giới đầy những sự bất an này. Hơn nữa, đây cũng là thời cơ vắn vỏi cho mỗi người chúng ta đến với Chúa, sống cùng với Chúa trong mọi trạng huống cuộc đời. Con người chúng ta thường chỉ nhận ra sự cần thiết của việc chạy đến với Chúa mỗi khi gặp khó khăn, gian nan, hay gặp những nỗi buồn chán, mà quên trở về bên Chúa, nép vào lòng Ngài những lúc vui tươi, thành công hay hạnh phúc! Chúng ta không quên noi theo gương Mẹ Ma-ri-a sẵn sàng đáp lời “xin vâng” với Chúa, ngay cả thời khắc sợ hãi, hay đứng trước nguy cơ rủi ro, khi chưa hiểu thấu chương trình và ý định của Ngài, “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (x. Lc 1, 38).
Hơn nữa, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” và Ngài cũng ở cùng với anh chị em chúng ta nữa. Vì thế, mỗi khi chúng ta sống trong sự hiện diện của Chúa, sống kết hiệp với Chúa mọi giây phút, thì chúng ta cũng được mời gọi sống với anh chị em trong gia đình, lối xóm, cộng đoàn giáo xứ nữa. Thiết nghĩ chẳng ai sống kết hợp với Chúa mọi lúc mà lại xa lánh tha nhân, anh chị em mình, vì chưng, chính nơi họ “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đang hiện diện cách sống động và cụ thể nhất! Mầu nhiệm “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” được bộc lộ cụ thể, rõ nét nơi mọi hành vi, lời nói, cử chỉ, tư tưởng của chúng ta; đặc biệt, trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta nên chọn cho mình một quyết tâm mà bấy lâu nay chúng ta chưa thực hiện được. Có thể chúng ta chọn tha thứ cho ai đó vì Giáng Sinh là mùa để thứ tha; hoặc chúng ta làm hoà với một ai đó vì Giáng Sinh là thời gian để giao hoà; và trên hết Giáng Sinh là Mùa hồng ân, nơi đó “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” tỏ hiện nơi xác phàm, ngõ hầu cứu độ chúng ta.
Giờ đây, chúng ta cùng lắng đọng ít phút trước Chúa Tình Yêu và thầm thỉ nguyện rằng:
Em-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Xin thương ân ban cho con luôn được bên Chúa
Em-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Ra đi chia san, phó dâng trọn đời sống con. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===================
Suy niệm 4
Vui vì được Chúa thăm viếng
(Lc 1,39-45)
Lễ Giáng Sinh, lễ của tình yêu, niềm vui và chia sẻ, lễ kỷ niệm Thiên Chúa viếng thăm dân Người.
Lời của ngôn sứ Mikha lôi kéo chúng ta hướng nhìn về Belem và chung niềm vui với họ. Bởi Belem, châu thành bé nhỏ của nước Giuđa, một biến cố vĩ đại xảy ra không chỉ làm cho Israel nhảy mừng, mà cả thế giới mừng vui: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời” (Mk 5,1). Không mừng vui sao được, vì nói đến Belem, là người ta nghĩ ngay đến một thành nhỏ cách Giêrusalem chừng 30 dặm về phía Nam. Ðavít đại vương, tổ tiên của Đấng Mêsia đã sinh ra tại đây từ ngàn năm trước Chúa Kitô giáng sinh, chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và đem niềm vui cho Israel.
Niềm vui, tình yêu và sự sẻ chia ấy được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người tại Belem. Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng, Chúa Giêsu đã sinh ra tại Belem bởi vì ông Giuse, chồng của bà Maria, “thuộc dòng dõi Ðavít” phải trở về nơi ấy để kiểm tra dân số, và chính vào lúc đó Maria đã hạ sinh Hài Nhi Giêsu (x. Lc 2,1-7).
Cứ sự thường, để chọn nơi chốn cho con mình sinh ra, người cha sẽ chọn Giêrusalem, một kinh thành có đầy đủ tiện nghi và nổi tiếng. Thiên Chúa thì khác, Ngài đã chọn Giuđa một thị tộc nhỏ bé nhất Ephratha, giống như chọn David là đứa con nhỏ nhất trong gia đình của Giêse, để làm vua thay Saul.
Cách trích dẫn có tính lịch sử của Malaki giúp ta hình dung ra ra ngày Chúa đến gặp dân Ngài. Khi phải sống lưu đày xa Thiên Chúa, con người cảm thấy đau khổ. Nay “tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt” (Dc 2,11). Thiên Chúa chuẩn bị viếng thăm và ra tay cứu thoát.
Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ nơi gia đình Dacaria cho thấy, Thiên Chúa đã đến gần. Tin Mừng ghi lại: “Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabeth” (Lc 1,39-40), cuộc viếng thăm tưởng như là cuộc thăm viếng giữa người với người; nhưng thực tế, đây là cuộc thăm viếng lịch sử, Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Thiên Chúa đã chuẩn bị biến cố này từ lúc con người sa ngã trong vườn Địa Đàng. Từ đó, con người khao khát Thiên Chúa viếng thăm; vì nhờ Chúa viếng thăm, con người được Thiên Chúa đổi vận mạng: từ chỗ bị lưu đày đến chỗ được vào Đất Hứa, từ chỗ phải xa cách Thiên Chúa đến chỗ được đoàn tụ với Ngài muôn đời, từ chỗ phải chết đến chỗ sống muôn đời,.
Bà Elisabeth đại diện cho Dân Chúa đón nhận niềm vui Chúa ban : Thứ nhất, Bà đang chịu cảnh góa bụa đau khổ và mang tiếng là không con; nhưng Thiên Chúa đã thay đổi cuộc đời Bà, cho Bà được cưu mang và sinh hạ Gioan Tẩy Giả trong lúc ông đã già, bà đã lão. Thứ hai, Bà được Mẹ Thiên Chúa tới viếng thăm, vì Người Con Mẹ Maria sắp sửa sinh ra sẽ mang lại ơn cứu độ cho Bà và cho muôn người.
Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, bà Elisabeth nhận ra Người Con Đức Maria đang cưu mang là Đấng Cứu Thế, bà kêu lên : “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực” (Lc 1, 42-45) Bà Elisabeth và Gioan Tẩy Giả tượng trưng cho gia đình nhân loại trong Cựu Ước, vui mừng khi được Đấng Thiên Sai đến viếng thăm. Bà Elisabeth biết rõ lý do tại sao Đức Mẹ thật có phúc: “vì đã tin rằng Chúa phán cũng Bà sẽ được thực hiện” (Lc 1,45). Ông Dacaria, chồng bà Elisabeth, người đã nghi ngờ, không tin nơi lời hứa của Thiên Thần và vì thế ông bị câm cho đến khi Gioan sinh ra.
Đức Maria có phúc vì đã tin, ông Dacaria không tin nên đã bị câm điếc. Ðức tin được nuôi dưỡng trong đức ái. Đức Maria chỗi dậy và vội vã lên đường đến gặp bà Elisabeth. "Chỗi dậy" là một cử chỉ đầy ân cần. Lẽ ra Ðức Maria có thể ở lại nhà để chuẩn bị sinh con, nhưng trái lại Mẹ chăm lo cho những người khác trước khi lo cho bản thân. Qua những cử chỉ đó Đức Maria chứng tỏ mình đã là môn đệ của Đấng mà Mẹ mang trong lòng. Biến cố Chúa Giêsu sinh ra bắt đầu như thế, với một cử chỉ bác ái đơn sơ là viếng thăm, chia sẻ niềm vui, mang lại hy vọng cho gia đình Dacaria và Elisabeth.
Lễ Giáng Sinh đã gần kề, cuộc viếng thăm của Đức Maria nơi bà Elisabeth giúp chúng ta chuẩn bị sống tốt đẹp lễ Giáng Sinh, thông truyền cho chúng ta năng động của đức tin và đức ái nhờ tác động của Chúa Thánh Thần như ta thấy trong cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ, tất cả là một bài ca vui mừng hân hoan trong Chúa, Ðấng thực hiện những điều cao cả nơi những người bé nhỏ tín thác nơi Ngài.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp cho chúng con hướng về Chúa Giêsu Hài Nhi đang dang tay ra cần sự trợ giúp, ám chỉ tha nhân cần đến chúng con. Như thế chúng con mới có thể dành chỗ cho Ðấng là Tình Thương, ngày hôm nay muốn nhập thể và đến ở giữa chúng ta.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
===================
Suy niệm 5
Hiện diện bên nhau
Khi đang lâm bệnh ngặt nghèo, thập tử nhất sinh hay đang cơn hấp hối mà có người thân yêu ở kề bên chia sẻ cảm thông thì đó là niềm an ủi lớn lao không gì sánh được.
Khi gặp cô đơn sầu não không kẻ đoái hoài mà có một người bạn chân tình hiện diện bên cạnh thì không gì quý báu hơn.
Trong những trường hợp đó, người ta mới cảm nhận được nhu cầu có người thân sống-với mình hay hiện-diện-bên-cạnh mình cần thiết xiết bao!
Vì thế, Đức Cha Gaillot, một giám mục Pháp, đã nhận định rất xác đáng rằng:
“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn;
Việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh cần thiết hơn.”
Như thế, chấp nhận sống-với tha nhân, hiện-diện-bên-cạnh tha nhân, nhất là trong hoàn cảnh đau thương, thì tốt hơn mọi hình thức trao ban, giúp đỡ khác.
Thiên Chúa sống-với con người
Thiên Chúa là Người Cha nhân lành rất yêu thương nhân loại nên Ngài muốn sống với, muốn hiện diện bên cạnh nhân loại luôn mãi. Chính vì thế, Thiên Chúa tự xưng mình là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa hằng ở cùng chúng ta (Mat-thêu 1, 23).
Vì muốn ở cùng nhân loại nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách vô tận giữa trời và đất để đến ở với loài người.
Vì muốn ở cùng nhân loại nên Chúa Giê-su đã sống kiếp phàm nhân suốt ba mươi ba năm để chia sẻ vui, buồn, sướng, khổ của phận người.
Và khi đã sống lại, lên trời vinh hiển, Chúa Giê-su vẫn không rời xa các môn đệ. Ngài nói với họ:
“Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
“Thầy đi để dọn chỗ cho các con… Thầy sẽ trở lại để đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó” (Mt 14,3).
Vì mong muốn ở lại mãi với các môn đệ, nên Chúa Giê-su khấn nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Mt 17,24).
Thế rồi Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh thể để không những ở với, ở cùng, hiện diện bên cạnh mà còn ở trong chúng ta và nên một với chúng ta.
Mẹ Maria sống-với con người
Vì biết rằng nhu cầu được thăm viếng, được sống với, được hiện diện bên cạnh là rất cần thiết nên khi hay tin người chị họ cao niên của mình được Chúa đoái thương cho cưu mang quý tử, Đức Maria đã không quản ngại thân gái dặm trường, sẵn sàng băng rừng vượt núi tiến lên miền sơn cước để chúc mừng, để phục vụ và nhất là để sống - với, để hiện diện bên cạnh người chị họ cao niên suốt ba tháng trời (Lc 1, 39. 43. 56).
Về sau nầy, khi tâm hồn các môn đệ hoang mang xao xuyến sau biến cố Chúa Giê-su về trời, Mẹ Maria tiếp tục hiện diện bên các môn đệ, củng cố niềm tin đang chao đảo của các ngài.
Và rồi trong suốt dòng lịch sử Hội thánh, Giáo hội phải nhiều phen trải qua gian lao sóng gió, Mẹ Maria luôn có mặt trong những thời điểm khó khăn đen tối, để hiện diện và đồng hành với đoàn con cái trong lúc gian nan, để ủi an khích lệ họ trong cảnh u sầu như Mẹ đã thực hiện tại La-vang, Fatima, Lộ-đức và nhiều nơi khác.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con noi gương Chúa là Emmanuen, là Đấng hằng ở với loài người để chia sẻ ngọt bùi với bao người chung quanh; xin cho chúng con bắt chước Mẹ Maria là Đấng luôn hiện diện bên con cái mình để che chở ủi an họ trong những lúc gian truân khốn khó; xin giúp chúng con trở nên những Emmanuen khác, để viếng thăm, an ủi, để sống-với, để hiện-diện-bên-cạnh những người đang gặp hoàn cảnh đau thương.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================
Suy niệm 6
“Xin Cho Được Lòng Yêu Người”
Điều gì xảy ra trong lòng Đức Trinh Nữ Maria sau khi thiên sứ Gabriel từ giả? Để nói lên điều ấy, thánh Luca kể ngay việc Đức Trinh Nữ Maria vội vã lên đường đi viếng bà Êlidabet và sử dụng đoạn Cựu Ước kể chuyện Vua Đavit trước Hòm Bia Giao Ước về Giêrusalem (x.2Sm 6). Cuộc viếng thăm là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ diễm phúc, hai người con đang được cưu mang đồng thời là giữa hai giao ước cũ và mới trong niềm vui ơn cứu độ.
1. Hòm Bia Giao Ước và Đức Maria
Vua Đavit sai người đi rước Hòm Bia về trên một cỗ xe mới do bò kéo, theo sau một đoàn rước với đầy đủ mọi thứ nhạc cụ. Nhưng khi xe đi tới một sân lúa thì bò trượt chân, Hòm Bia bị nghiêng. Ông Útda vội đưa tay đỡ lấy Hòm Bia. Nhưng Útda không phải là tư tế nên lẽ ra không được chạm tới Hòm Bia thánh, vì thế nên bị phạt chết. Nghe tin đó, Đavit sợ không dám đem Hòm Bia về Giêrusalem nữa, mà phải gửi lại nhà ông Ôvết Êđom. Chúa đã giáng phúc cho ông này cùng cả nhà ông. Khi Đavit biết được điều này thì ông không sợ nữa và lại sai người rước Hòm Bia về Giêrusalem. Thời gian Hòm Bia ở lại nhà ông Ôvet Êđom là ba tháng (2 Sm 6,1-12).
Khi viết bài tường thuật việc Đức Maria đi thăm bà Êlidabet, thánh Luca muốn cho thấy những nét song song với câu chuyện trên.
===================
Suy niệm 7
Mang Tình Yêu Lên Đường
Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1, 39-45
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Maria vừa hay tin bà chị họ ở xa, đã già mà diễm phúc có thai được sáu tháng, Mẹ liền vội vã khăn gói, tức tốc vượt đường xa xôi thăm chị. Có lẽ lúc ấy Mẹ chẳng kịp chuẩn bị quà cáp và cũng chẳng có gì. Nhưng đây lại là “chuyến bác ái để đời” cho người Kitô hữu qua mọi thời gẫm suy, câu chuyện hai bà bầu gặp nhau.
Trong chuyến viếng thăm này, Mẹ mang theo gì mà xảy ra chuyện lạ lùng quá? Mẹ chưa hề nói cho chị họ biết những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho Mẹ. Vậy mà bà Êlisabét vừa nghe tiếng Mẹ chào, thì em bé trong bụng bà “nhảy” lên vui sướng. Sau biến cố Truyền Tin, Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa và hôm nay đem đến cho gia đình Dacaria, Thánh Thần “rợp bóng” trên Mẹ tràn sang, làm bà chị bỗng kêu lên mà nói toàn những “thứ tiếng mới lạ”: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,43-45). Lạ lùng thay! cuộc gặp gỡ gây… “chấn động” cả hai thai nhi, là vì có sự Hiện Diện của Thiên Chúa trong Mẹ và lan tỏa đến cả người đối diện nữa.
Không chỉ đem niềm vui, bằng tình yêu, đem Chúa đến cho gia đình Dacaria, “tưng bừng” ngay hôm đó mà thôi, Mẹ còn ở lại đó ba tháng. Không chỉ đến chia sẻ niềm vui, Mẹ biết chị họ đang cần gì và Mẹ sẵn sàng ở lại chăm sóc, phục vụ việc nhà tận tình, trong lúc bà chị mang thai những tháng cuối, lúc người phụ nữ cần giúp đỡ hơn bao giờ hết. Thánh Phaolô khuyên tín hữu thành Rôma: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình… Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà… vui với người vui, khóc với người khóc”.
Mẹ ơi! Mẹ là mẫu gương sống bác ái yêu thương phục vụ, bằng tình yêu hy sinh thật tuyệt vời! Xin Mẹ dạy con biết sống bác ái yêu thương, sẻ chia tấm lòng, biết đem niềm vui, nhất là biết đem Chúa đến với mọi người mà chúng con gặp gỡ trong cuộc sống mỗi ngày.
Én Nhỏ