CHƯƠNG TRÌNH "21 NGÀY MẦU NHIỆM GIÁNG SINH": NGHE VÀ XEM LỜI CHÚA THEO TIN MỪNG CỦA THÁNH LUCA
Ngày thứ mười lăm: 15.12.2021 - Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca: Chương 18
CHƯƠNG 18: GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC GIÊSU TẠI MIỀN GIUĐÊA.
Cầu nguyện là một phần thiết yếu trong đời sống của một người tín hữu, và Tin Mừng Luca cho chúng ta nhiều gương mẫu của Chúa Giêsu cầu nguyện. Chúng ta có thể học cầu nguyện từ Ngài và cũng có thể học được từ những mẫu gương cầu nguyện sau:
Lời cầu nguyện kiên trì với niềm tin mãnh liệt (c.1-8). Nếu người quan toà bất chính mà còn giúp người góa phụ, thì một người Cha khả ái sẽ càng đáp ứng nhiều hơn thế nữa những nhu cầu của con cái mình. Chúng ta có một lối mở để đi vào kho tàng của Ngài (Rm 5, 2) và có thể công bố những lời hứa độ lượng của Ngài (Lc 11, 9–10), vì thế chúng ta phải cầu nguyện với đức tin và lòng cậy trông. Không cần phải tranh luận, nhưng hãy đến! Đâu là những cách thức cầu nguyện của bạn: cầu nguyện như một cách thức để làm hài lòng Thiên Chúa, như một trách nhiệm tôn giáo, một cách thức để mong chờ được phần thường, hay như một người con, một người bạn để đến nghe tiếng của Thiên Chúa mình?
Lời cầu nguyện khiêm tốn, hạ mình (c.9-14). Lời cầu nguyện đích thực làm cho chúng ta trở nên khiêm tốn và yêu mến tha nhân. Cầu nguyện là trình bày lên Chúa những tâm tư ước vọng của mỗi người, chứ không phải là lúc để khoe công đức hay kể công với Chúa. Chúng ta nên giống như những đứa trẻ đến với Cha chứ đừng giống như một công tố trình bày một bản cáo trạng. Điều chúng ta xin trong cầu nguyện cho biết tình trạng đời sống thiêng liêng của mình; nhiều lúc điều ta xin có thể là một tổn thương đến Thiên Chúa; chúng ta xin những điều với mắt trần của mình về những khả thể hay cho bản thân, thay vì xin những điều cho tha nhân hay Đức Giêsu Kitô. Phải chăng điều này đang xảy ra nơi chính bản thân bạn?
Lời cầu nguyện ngây thơ (c.15-34). Đối với quan niệm của người Do Thái, phụ nữ và trẻ em là những thành phần bị khinh rẻ và coi thường. Đức Giêsu trái lại, Ngài yêu thương các trẻ em và tôn trọng nghững người phụ nữ. Tiếp đến, qua cuộc đối đáp giữa Đức Giêsu và một viên chức Do Thái giàu có, chúng ta có thể thấy người thủ lĩnh này chân thành hỏi Đức Giêsu ngoài việc tuân giữ các giới răn còn phải làm gì nữa. Đức Giêsu trả lời, ông còn thiếu một điều quan trọng là bán mọi sự cho người nghèo rồi đến theo tôi (để thành môn đệ tôi). Lời đề nghị này của Đức Giêsu không được ông chấp nhận và Đức Giêsu tôn trọng quyết định này.
“Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa” – Khó ở đây không có nghĩa là không có thể. Trong lịch sử Kitô Giáo, có nhiều vị vua thánh (Thánh Stêphanô Vua nước Hunggari, Thánh Luy vua nước Pháp) và có rất nhiều người giàu có đã được Giáo Hội tuyên phong. Như vậy sự giàu có không là một cản trở, nhưng có thể là một thách đố, một cám dỗ không nhỏ đối với nhiều người, nếu ta không biết sử dụng của cải một cách chính đáng. Người thu thuế đi về và được tha thứ (c.14) trong khi người thủ lãnh ra về trong u sầu (c.23). Điều gì xảy ra khi bạn kết thúc giờ cầu nguyện? Hãy nhớ rằng, Đối với những ai dám bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu (trở thành môn đệ của Đức Giêsu), họ sẽ được Thiên Chúa thưởng công trọng hậu và sự sống vĩnh cửu đời sau.
Lời cầu nguyện bền bỉ (c.35-43). Phép lạ Đức Giêsu chữa lành người mù tại Giêrikhô khiến cho nhiều người kinh ngạc, vì mù không phải là một thứ bệnh, mà là một thứ tật. Đối với khả năng con người, bệnh thì có thể chữa khỏi, nhưng tật thì không ai có thể chữa lành được, ngoại từ vị ấy là Đấng Thiên Sai. Người mù đã không dừng lại! Anh ta có một cơ hội lớn, và anh ta không để nó trôi qua. Chúa chúng ta đã dừng lại, xem, nghe-và chữa lành! Đức Giêsu không bao giờ quá bận rộn đến nỗi không nghe bạn. Ngài là Đấng Mêsia quyền năng, và Ngài có thể làm được mọi sự, chỉ cần bạn chắc chắn rằng bạn thật sự sốt sắng khi bạn cầu nguyện. Có điều gì mà bạn xin cùng Chúa cho đến giờ vẫn chưa thấy Ngài nhậm lời, và bạn đón nhận điều đó như thế nào?