CHƯƠNG TRÌNH "21 NGÀY MẦU NHIỆM GIÁNG SINH":
Ngày thứ mười hai: 12.12.2021 - Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca: Chương 13 và chương 14
CHƯƠNG 13: SỰ CỨNG LÒNG CỦA NGƯỜI DO THÁI.
Sự cần thiết của việc sám hối để được cứu độ và Lòng nhẫn nại của Thiên Chúa (c.1-9). Hai vấn đề người Do Thái đặt ra cho Đức Giêsu: Thứ nhất – Những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết. Như chúng ta biết, người Rôma rất khôn khéo trong việc cai trị, họ không can thiệp trực tiếp vào các lễ hội tôn giáo của người địa phương. Quân đội Rôma không ở gần những cơ sở của các tôn giáo, họ tôn trọng sự tự do tôn giáo và các cuộc tế tự. Tuy nhiên họ không chấp nhận việc nổi loạn và nhất là lợi dụng các lễ hội tôn giáo để chống lại Rôma. Trong trường hợp đó họ sẽ mạnh tay đàn áp, họ không thương tiếc. Qua đó Đức Giêsu muốn nói rằng việc những người bị Philatô giết chết không phải do tội của họ, nhưng vì họ bị coi là những kẻ nổi loạn chống Rôma.
Thứ hai – Câu chuyện 18 người bị thác Silôađổ xuống đè chết: Tháp Silôa được nhắc đến ở đây là tháp nào? Ở phía nam Giêrusalem, bức tường thành chạy tới tận giếng Silôa. Có thể ở đây có một cái tháp trên tường thành; người ta giả thiết rằng tháp này ngã khi Philatô cho làm công trình dẫn nước. Các thính giả của Chúa Giêsu nhớ lại tai hoạ làm 18 cư dân thành Giêrusalem bị chết. Tai nạn này là một thảm kịch mà con người không trực tiếp gây ra – ít ra là do sự cẩu thả của những thợ xây tháp. Lời dạy của Đức Giêsu: những nạn nhân của những vụ việc trên không phải vì họ tội lỗi hơn những người khác. Qua đó Đức Giêsu dạy rằng tất ccả mọi người đều là tội nhân, tất cả mọi người đều phải sám hối, phải hoán cải để không phải chết đời đời.
Qua dụ ngôn Cây vả, Đức Giêsu cũng cho thấy Thiên Chúa là Người Cha nhân hậu, Ngài yêu thương mọi người, nhẫn nại chờ đợi họ hoán cải để được sống chứ không phải chết. Thật là dễ dàng để đặt ra những câu hỏi về những bi kịch và thất bại của người khác để học lấy những kinh nghiệm cho bản thân! Vấn đề lớn ở đây không phải “Tại sao người ta chết trong bi kịch và trong những cách thức vô nghĩa như vậy?” nhưng hãy tự hỏi “Tại sao Thiên Chúa vẫn cho tôi được sống? Tôi có thật sự xứng đáng được như vậy? Tôi đang sinh trái hay chỉ chiếm một chỗ nhưng lại không sinh trái?”.
Giả hình (c.10-17). Mục đích giữ ngày Sa Bát? Ngày Sa bát, là ngày nghỉ hàng tuần để thánh hiến cho Đức Chúa (Xh 20, 8). Ngoài mục đích kể trên lệnh truyền nghỉ ngày Sa Bát còn nhằm mục đích nhân đạo. Như vậy việc giữ ngày Sa Bát không cấm người ta làm các việc lành. Những người đứng đầu trong hội đường này là những người giả hình, bởi vì họ đã đối xử với xúc vật tốt hơn là đối xử với con người. Ở đây, Đức Giêsu vì thương người phụ nữ tật nguyền đã 18 năm nên Ngài đã tự nguyện chữa lành bà này, chứ không do bà này van xin. Liệu có ai đó được Chúa gửi đến để bạn giúp đỡ và bạn đã có lý do chính đáng nào khước từ họ? Đâu là những lý do có thể làm cho bạn lo lắng những cái bên ngoài hơn một tấm lòng trắc ẩn trước nhu cầu người khác?
Cơ hội (c.18-35). Nước Trời vẫn đang hoạt động trong thế giới hôm nay, nhưng nhiều người đã thất bại khi đánh mất lợi thế trong những cơ hội được trao cho họ. Thay vì bước vào Nước Trời, một số người chỉ đặt ra những câu hỏi về nó. Ơn cứu độ không phải là một lý thuyết để thảo luận; đó là một phép lạ để chiêm nghiệm. Chẳng lạ gì khi Đức Giêsu khóc khi Ngài nhìn thấy những người tội lỗi bỏ qua cơ hội được cứu dành cho họ! Đừng đợi cơ hội đến; chúng đã đó đấy rồi! Tuân giữ các điều răn, thực hành tám mối phúc thật, mến Chúa yêu người quả không phải là việc dễ dàng, nhưng cần phải gắng sức và nhất là cần ơn Chúa tác động giúp đỡ. Ở đây Đức Giêsu cho thấy Nước Trời rộng mở cho tất cả mọi người, không phân biệt Do Thái hay dân ngoại, nhưng là tất cả những ai tin vào Đức Giêsu và thực hành những gì Đức Giêsu dạy. Bạn đón nhận cơ hội Thiên Chúa ban cho mình trong hiện tại theo sự khôn ngoan nào?
CHƯƠNG 14: NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN GIỮA ĐỨC GIÊSU VÀ NGƯỜI PHARISÊU.
Tôi có lợi dụng người khác không? (c.1-14) Khi chúng ta ăn với nhau, đó phải là một thời khắc của tình bạn hữu và sự biết ơn trong niềm vui dành cho Thiên Chúa; nhưng những người Pharisêu đã biến bàn ăn thành một cái bẫy và lợi dụng người ta. Họ sử dụng một người bị bại liệt để lấy cớ bắt Đức Giêsu; họ đến lễ hội chỉ để được nhận sự tôn vinh; và họ chỉ mời những ai có thể làm gì đó cho họ đến dự tiệc của họ. Hiếu khách trở thành một sứ sụ chỉ khi động lực của chúng ta là nhằm giúp đỡ người khác và tôn vinh Thiên Chúa. Bạn có danh sách những người bạn muốn ngồi chung, và danh sách những người bạn không muốn mời cùng bàn với mình? Tiêu chuẩn để được bạn mời là gì?
Tôi có mời ai không? (c.15-24). Qua đoạn Tin Mừng này đặc biệt là Thánh Luca nhấn mạnh đến ơn cứu độ phổ quát dành cho mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho người Do Thái. Điều đáng tiếc là những người Do Thái được ưu đãi đã không đón nhận tình thương và lời mời gọi của Chúa. Trong khi những dân ngoại khác thì lại sẵn sàng đáp trả vào dự tiệc Nước Trời. Ơn cứu độ là lễ hội, và Thiên Chúa muốn nhà của Ngài được đầy khách. Trong tư cách là những gia nhân của Ngài, bạn có đặc ân nói với thế giới: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn”!” (c.17). Cho dù nếu có ai từ chối lời mời, hãy tiếp tục chia sẻ với họ. Những ai nghĩ rằng mình bé nhỏ, họ là những người mà Ngài muốn đến dự tiệc với Ngài. Ai là người bạn mời đến bàn tiệc? Bạn có nghĩ rằng những người xa rời Thiên Chúa lại là những người mà Ngài muốn họ đến dự tiệc với Ngài nhất? Bạn nhận xét gì về cách thức của những người Công giáo đón tiếp những người không Công giáo khi họ đến tham dự Thánh lễ? Chúng ta có đón tiếp họ như cách mà Chúa Giêsu sẽ đón tiếp họ chăng?
Tôi có theo đám đông không? (c.25-35).Thật là dễ khi mình là một phần trong đám đông và theo một Đức Giêsu nổi tiếng, nhưng đó không phải là ơn gọi môn đệ đích thực. Ngài gọi bạn tách rời khỏi đám đông để mang lấy thập giá của bạn và theo Ngài. Đây là điều kiện của những người môn đệ Đức Giêsu, nếu muốn theo Người làm môn đệ Người thì phải dứt bỏ những gì cản trở cho ơn gọi theo Chúa và trung thành với trách nhiệm và bổn phận của những người theo Chúa. Tức là vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa. Khi nói về việc cứu những người lạc lối, Thiên Chúa muốn nhà của Ngài được lấp đầy; nhưng khi nói về ơn gọi người môn đệ, Đức Kitô cắt tỉa bớt và chỉ muốn những ai sẽ từ bỏ mình và sống cho Ngài. Điều gì bạn đang sở hữu và bạn nghĩ rằng nó thuộc về mình mà bạn hoàn toàn từ chối trao chúng cho Thiên Chúa? Từ kinh nghiệm cá nhân của bạn, giá của việc làm người môn đệ Giêsu bao nhiêu? Và tại sao nó lại cao như thế?