Thứ ba, 14/01/2025

Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Giáng Sinh

Cập nhật lúc 10:57 22/12/2021
Suy niệm 1
Niềm vui của người nghèo
Lc 2, 1-14
Đi trong đêm. Nỗi buồn bao trùm lên thế giới hôm nay như một tấm áo tang trong màu đêm. Nhiều xáo trộn lớn đang diễn ra:
- Dịch bệnh Covid ngày càng tăng.
- Các vụ tự tử xẩy ra như cơm bữa vì nhiều lý do khác nhau.
- Nhiều người không nơi nương tựa và khoảng cách giữa người với người ngày càng xa.
- Nhiều tín hữu không sống đạo nữa vì bị ảnh hưởng của thế giới hưởng thụ.
- Hành tinh bị tàn phá: các loài sinh vật khác nhau biến mất, các sông băng tan chảy, nuốt chửng nhiều thành phố. Hỏa hoạn lớn cũng thường xẩy ra.
- Bạo lực rất lớn xẩy ra ở nhiều quốc gia. Vũ trụ sẽ đi về đâu? Nhân loại đang chìm trong bóng tối. Đúng vậy, Hôm nay, tiên Tri Isaia nhắc nhở chúng ta: "Dân tộc đang bước đi trong u tối".
Vậy Thiên Chúa có đem niềm vui cho người nghèo không? Một cặp vợ chồng đang tiến vào trong đêm ở Giuđêa, dưới triều đại Hoàng đế Augusto. Vào giờ đen tối nhất, cách xa thành phố, ẩn trong một chuồng trại, khuất tầm nhìn, một sự thật đã xảy ra không ngoạn mục chút nào. Maria, Giuse, đôi vợ chồng nghèo phải xa nhà của họ... Chính lúc đi trong đêm lại là thời điểm Chúa Giêsu sinh ra, không có chỗ cho họ trong căn phòng tiện nghi. Một hang đá lạc lõng ở một góc quê, trong những ngày đông giá rét ấy: nơi trú ẩn duy nhất mà Giuse tìm được để đón hai mẹ con.
Một số người chăn chiên trong vùng lân cận nhận được Tin Mừng. Những người này thuộc tầng lớp thấp, hay nói đúng hơn, là thành phần mà xã hội Do-thái coi thường, họ đến để tỏ lòng tôn kính trẻ mới sinh. Trẻ thơ -Thiên Chúa sinh ra giữa những người nghèo. Ngài làm cho họ vui mừng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”, cho những người nghèo mà Thiên Chúa yêu thương. Đó là Giáng sinh !
- Đêm nay, cũng có các cặp vợ chồng, gia đình nghèo mừng lễ Giáng sinh mà không có tiền để tặng quà hoặc mua thực phẩm khác thường.
- Đêm nay, một đám đông người nghèo sẽ cảm thấy đau khổ biết bao, khi không có ngôi nhà khang trang và bị loại khỏi bữa tiệc.
- Đêm nay, các tù nhân, trẻ em trong chiến tranh, trẻ em mất cha mẹ vì cơn đại dịch covid, những người không gia đình, không bạn bè, cảm thấy niềm vui của tất cả những người khác đối với họ như một vết thương lòng.
- Đêm nay, đó là Giáng Sinh, nhưng Thiên Chúa có đem niềm vui cho những người nghèo khổ trên trái đất này không?
Thiên Chúa, sự giàu có của người nghèo. Maria, Giuse, cặp vợ chồng nghèo như bao người khác, nhưng lại là cặp vợ chồng giàu hơn bất kỳ người nào khác! Cái hang đá không thoải mái này, cái lạnh và đêm có ý nghĩa gì đối với họ ? Và ở đó họ thấy một máng cỏ rơm, con bò và con lừa… Thật ra, những người nghèo này không thiếu gì.
- Họ thích hang đá này hơn tất cả các phòng tiện nghi.
- Họ thích sự tĩnh lặng của ban đêm hơn là tiếng ồn ào của những vị khách đang ngồi bàn tiệc.
- Họ thích ánh sáng của mặt trăng và các vì sao, hơn ánh sáng của những chiếc đèn mờ.
Maria, Giuse, các ngài có ý thức mình nghèo trong đêm Giáng sinh này không?
- Trẻ thơ ở đó. Họ rạng rỡ niềm vui khôn tả! Trẻ thơ -Thiên Chúa vừa sinh ra!
- Họ quên đi những mệt nhọc trên con đường dài. Họ quên tất cả mọi thứ!
- Đấng mà Thiên thần loan báo sắp đến, Đấng được hình thành trong cung lòng Đức Maria, Đấng có tên là “Thiên Chúa Cứu Độ” đã được ban cho họ!
Maria và Giuse sở hữu chính sự giàu có của Thiên Chúa. Họ ôm trong vòng tay Đấng Mê-si-a mà cả thế giới luôn khao khát. Họ có Sự sống của Thiên Chúa. Họ là gia đình, là những người thân nhất của Thiên Chúa  Đó là sự giàu có đặc biệt của Đức Maria và thánh Giuse. Thiên Chúa làm giàu cho những người nghèo! Thiên Chúa là sự giàu có duy nhất của Maria và Giuse; và họ sẽ không đánh đổi sự giàu có đó đối với bất kỳ ai khác!
Chúng ta cũng hãy là sự giàu có cho người nghèo!
- Đêm nay,Thiên Chúa đã sinh ra trên trái đất! Chúng ta là gia đình của Ngài, những người thân nhất của Ngài! Đó là Giáng sinh!
- Đêm nay, Thiên Chúa là sự giàu có duy nhất của chúng ta!
- Đêm nay, Thiên Chúa mang xác thịt, Ngài có một thân thể. Ngài nhập thể trong đời sống chúng ta và Ngài giúp chúng ta đến với nhau. Chúng ta có trong tay sức mạnh của Thiên Chúa để đánh đuổi mọi chủ nghĩa cá nhân và phân biệt chủng tộc, mọi chia rẽ và bè phái.
- Đêm nay, Thiên Chúa ban cho chúng ta Trái Tim của Ngài để yêu thương.
- Đêm nay Thiên Chúa ban cho chúng ta chính sự sống của Ngài và qua tay chúng ta, chúng ta chia sẻ tấm bánh hằng ngày cho người nghèo trên thế giới. Đó là sức mạnh của Thiên Chúa đi qua chúng ta khi chúng ta cố gắng đẩy lùi nỗi khổ đau của những người bạn đồng hành.
- Đêm nay Thiên Chúa ban cho nhân loại sức mạnh để yêu thương. Sức mạnh để hy vọng vào sự chiến thắng của Tình yêu trên mọi thế lực hủy diệt.
- Đêm nay Thiên Chúa thúc giục chúng ta tin rằng Tình yêu là sự giàu có duy nhất của chúng ta và không thể đánh đổi bằng bất kỳ thứ gì khác!
Chính nhờ đôi tay chúng ta, Thiên Chúa muốn mang lại niềm vui cho tất cả những người nghèo trên trái đất. Điều đó tùy thuộc vào chúng ta mà ngày qua ngày, niềm vui của Thiên Chúa luôn đến với những người nghèo và đau khổ.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Lc 2, 15 – 20
Qua bài Tin Mừng thánh Luca kể cho chúng ta nghe: “Đức Maria ghi khắc tất cả những kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.” Vậy, những kỷ niệm ấy là gì?
Kỷ niệm một. Đức Maria sinh con đầu lòng, lẽ ra phải được mẹ ruột, hoặc mẹ chồng chăm sóc. Thế mà không có một nữ thân nhân nào giúp đỡ. Cô đơn đến tột cùng. Đấng Cứu Thế ra chào đời lẽ ra phải ở trong cung điện hoành tráng. Thế mà ngược lại, phải sinh trong một cái hang đá lạnh lẽo và dơ dáy, không có một tiện nghi tối thiểu. Thay vì nằm trong nôi màu sắc sặc sỡ, thì phải nằm trong cái máng như máng heo. Thay vì nệm vừa êm vừa ấm, thì chỉ là mớ cỏ khô, đồ ăn bất đắc dĩ của chiên, dê, bò. Một sự cố mà Đức Maria không thể hiểu nổi. Còn thán Giuse thì mang mặc cảm tội lỗi quá sức. Mình là cha nuôi của Đấng Cứu Thế mà không lo cho Thánh Nhi được một mái ấm. Chạy chọt mãi mà không được. Nhà trọ thì hết chỗ rồi. Nhà dân thì không dám cho đàn bà đẻ trong nhà mình, vì sợ bị mắc uế, do máu me chảy dầm dề khi sinh con. Khổ ơi là khổ!
Kỷ niệm hai. Đức Mẹ và thánh Giuse đang buồn sầu đến tê tái cõi lòng, thì bỗng nghe có tiếng hát véo von trên bầu trời vắng lặng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Tiếng hát của thiên thần từ trời cao rót xuống khiến hai quả tim bắt đầu đập rộn ràng. Bao nhiêu nỗi buồn tê tái bỗng biến thành niềm vui tuyệt vời. Niềm vui của cả thế giới, vì Đấng Cứu Thế đã ra chào đời. Một sự cố vĩ đại làm lịch sử loài người phải sang trang. Đức Mẹ và thánh Giuse hai tay chắp trước ngực, hai cặp mắt nhìn ngắm Thánh Nhi mà lòng tràn ngập niềm vui. Bao nhiêu tủi buồn đều tan biến theo gió hiu hiu nhẹ nhàng của màn đêm đầy sao.
Kỷ niệm ba. Đức Mẹ và thánh Giuse đang xuất thần trước Ngôi Lời Nhập Thể, thì bỗng có tiếng ồn ào của bầy đàn ông chăn chiên từ ngoài tràn vào. Họ đua nhau kể cho Đức Mẹ và thánh Giuse về việc họ được sứ thần báo tin là Đấng Cứu Thế đã ra chào đời. Sứ thần dặn là khi nào thấy một bé thơ, quấn tã và nằm trong máng cỏ, thì đó là Đấng Cứu Thế. Họ đua nhau kể chuyện, đua nhau nhìn ngắm và đua nhau rờ bàn tay và bàn chân của Thánh Nhi. Hãnh diện quá! Sau đó họ chạy về báo tin động trời này cho bà con xóm làng biết. Bà con lại đua nhau bao vây hang đá, chen nhau vào để nhìn ngắm Thánh Nhi, để rờ ngón tay vào Thánh Nhi, lòng âm thầm xin ơn bình an…
Đó là những kỷ niệm Đức Maria ghi khắc trong lòng và gẫm suy gần một nửa thế kỷ, rồi kể lại cho Luca để ngài kể lại cho chúng ta nghe. Còn chúng ta thì rất hãnh diện vì được biết Đấng Cứu Thế đã sinh ra như thế để dạy chúng ta yêu thương và giúp đỡ người nghèo. Ngài cũng cho chúng ta một niềm kiêu hãnh, vì sự cố Chúa Giáng sinh này đã trở thành mốc tính lịch sử cho toàn thế giới. Năm nay là năm 2021 nghĩa là Đức Giêsu đã sinh ra được 2021 năm rồi.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
====================
Suy niệm 3
Thế giới đang cần Chúa
(Lc 2, 1-14)
"Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta" (Lc 1,11).
Từ 21 thế kỷ qua, lời rao giảng vui mừng trên vang lên từ con tim Giáo Hội. Trong đêm thánh này, Thiên Thần Chúa lặp lại với toàn thể nhân loại trên thế giới những lời như sau: "Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Vua Ðavít" (Lc 2,10-11).
Câu "Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi ", gợi lên cho chúng ta những câu hỏi: Con người là gì và làm sao mà phải cứu độ? Tại sao Thiên Chúa làm người? Tại sao Thiên Chúa làm điều đó?
Con người là gì?
Có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng: Con người là con vật thượng đẳng đã đạt tới chặng cuối cùng trong quá trình tiến hóa ( Đác- Uyn). Có ý kiến khác cho rằng: Con người là cây sậy biết suy tư. Trước sự bao la của vụ trụ, sức mạnh của thiên nhiên, thân phận con người chỉ như một cây sậy, nhưng là một cây sậy có lý trí. Thiên nhiên có thể đè bẹp con người, nhưng không biết mình thắng, ngược lại con người bị thiên nhiên quật ngã, nhưng con người ý thức được mình thua. Những ý kiến đó không nói lên đầy đủ về phẩm giá và định mệnh con người theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo con người giống hình ảnh Chúa (St 1, 26).
Vì không biết đầy đủ về giá trị con người nên nhiều kẻ sống không xứng đáng với phẩm giá của mình, và xúc phạm đến phẩm giá người khác một cách bất công và tàn bạo, quyền con người bị tước đoạt, kể cả quyền sống, người nô lệ trở thành con vật trong tay chủ nhân ông. Ngày nay chế độ nô lệ được bãi bỏ, nhưng cảnh người bóc lột người vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau, mà nạn nhân luôn là kẻ yếu người thua. Mãi đến năm 1948, Liên Hiệp Quốc mới công bố bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, trong đó nói: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng có quyền bất khả xâm pham: như quyền sống, quyền cư trú, quyền làm việc, quyền đi lại, quyền tự do tôn giáo…" Tuyên ngôn thì như thế, nhưng trong thực tế thì nhân phẩm và nhân quyền luôn bị chà đạp ở nhiều nơi và dưới nhiều hình thức.
Thiên Chúa làm người vì yêu
Để trả lời cho câu hỏi được đặt ra xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử kitô giáo: Tại sao Thiên Chúa đã làm người? Tại sao Thiên Chúa đã làm như vậy?
Thưa vì yêu thương con người, tất cả vì yêu, tình yêu là lý do cuối cùng Thiên Chúa Nhập Thể. Về điểm này, H.U. von Balthasar đã sau: "Thiên Chúa, trước hết, không phải là một quyền lực tuyệt đối, nhưng là tình yêu tuyệt đối, " (Trích Mầu nhiệm Vượt Qua I,4). Thiên Chúa mà các mục đồng gặp thấy nằm trong máng cỏ, có Mẹ Maria và thánh Giuse ấy là Thiên Chúa Tình Yêu (x. Lc 2, 16). Vì yêu thương nhân loại: "Người đã đến nhà các gia nhân Người" (Ga 1,11).
Noel Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta; Người đến và ở lại với chúng ta, vì yêu chúng ta như Kinh Tin Kính chúng ta vẫn đọc “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta "; " Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14) ban cho những ai tiếp nhận Người "quyền trở nên con cái Thiên Chúa"(Ga 1,12).
Hiện nay, con người đã lên tới Mặt Trăng và Sao Hoả, sẵn sàng chinh phục vũ trụ. Con người đang không ngừng khám phá những bí mật của thiên nhiên và giải mã thành công cả những điều kỳ diệu nơi tế bào "gen", đi vào trong đại dương ảo của internet, nhờ những kỹ thuật truyền thông tân tiến, biến trái đất, ngôi nhà chung to lớn thành một làng nhỏ toàn cầu, thử hỏi Ðấng Cứu Thế có còn cần thiết cho con người nữa hay không?
Thế giới cần Thiên Chúa
Chúng ta phải khẳng định rằng: trong thời đại hiện hôm nay, con người có lẽ cần đến Ðấng Cứu Thế hơn bao giờ hết, bởi vì xã hội trong đó con người sinh sống đã trở nên phức tạp hơn, và những hăm dọa xúc phạm đến sự toàn vẹn bản thân và luân lý. Ai có thể bênh vực con người, nếu không phải Ðấng yêu thương con người cho đến mức độ trao ban chính Con Một làm giá chuộc muôn người.
Đại dịch xảy đến chỉ cho con người biết mình thật sự mong manh và nhận ra sự giới hạn của chính mình. Nhân loại đang rất cần Chúa, thế giới quần quại vì đại dịch càng cần Chúa hơn. Để cất lên những tiếng kêu cầu, con người khiêm nhường cúi đầu quỳ gối xuống xin Chúa đến chữa lành cho. “Thế Giới Cần Chúa” làm một thông điệp gửi đến tất cả mọi người trên thế giới này, giữa lúc mà nhân loại đang hoang mang dường như không còn dựa vào sức riêng của mình được nữa, thế giới đang cần Chúa hơn bao giờ hết. Chỉ có Chúa mới mang bình an, ơn cứu độ đến cho nhân loại.
Thiên Chúa đã làm người trong Chúa Giêsu Kitô, sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ Maria, mang đến cho chúng ta tình yêu, bình an và hạnh phúc của Chúa Cha trên trời gửi tặng nhân loại nhân ngày mừng sinh nhật Con Chúa. Chính Người là Ðấng cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng con tim để Chúa ngự vào, và hãy đón tiếp Người, ngõ hầu Vương Quốc tình yêu và an bình của Người ngự trị trên toàn thế giới.
Xin chúc tất cả Giáng Sinh an lành!
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
====================
Suy niệm 4

Đánh mất cơ hội ngàn vàng
Có một thái tử vào rừng săn bắn, tình cờ gặp một cô gái quê đang kiếm củi một mình. Không hiểu Trời xui đất khiến làm sao mà hai con người có địa vị cách biệt quá xa lại tỏ ra tâm đầu ý hợp và hai bên lại yêu nhau tha thiết ngay từ phút gặp mặt đầu tiên.
Sau đó, hoàng tử quay về triều như kẻ mất hồn, ngày đêm tương tư cô gái nghèo mà anh đã đem lòng thương mến. Thế rồi, do lòng yêu thương thúc đẩy, anh khẩn khoản nài xin vua cha cưới nàng cho bằng được.
Để tìm hiểu xem cô gái có thực sự yêu thương con trai mình bằng tình yêu chân thực, hay chỉ yêu vì gia tài, địa vị, quyền thế của chàng, vua cha truyền dạy hoàng tử cải trang làm nông dân để thử lòng cô gái.
Thế là vị hoàng tử quyền quý, hoá trang thật khéo, y hệt người nông dân quê mùa chất phác, đến dựng lều gần nhà cô gái, ngày ngày vác cuốc ra đồng làm lụng, làn da cháy nắng, đôi tay chai sần. Anh lân la làm quen với cô gái trong hình hài nông dân.
Mặc dù cô gái vẫn thầm yêu và khát mong được kết hôn với vị hoàng tử mà cô đã gặp trong rừng, nhưng trớ trêu thay, cô ta không nhận ra vị hoàng tử nầy trong hình hài người nông dân nghèo khổ nên đã đối xử với anh rất lạnh nhạt và cuối cùng đã xua đuổi anh đi, trong khi lòng cô vẫn thổn thức nhớ thương chàng hoàng tử hào hoa mà cô đã gặp trong rừng!
Tiếc thay, cô đã đánh mất cơ hội vô cùng quý báu: mất một người yêu lý tưởng, mất luôn cả vinh dự trở thành công nương, thành hoàng hậu tương lại.
Như vị hoàng tử rời khỏi hoàng cung, hoá thân thành nông dân đến dựng lều bên cạnh nhà cô gái, Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ bỏ ngai trời, hoá thân thành người phàm và đến ở giữa chúng ta. Ngài là Em-ma-nu-en, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài tự đồng hoá mình với những người láng giềng đang sống quanh ta.
Chúa Giê-su khẳng định rằng mỗi người đang sống chung quanh ta cũng chính là Ngài. Những ai cho người đói khát cơm ăn, áo mặc thì Ngài nói là họ đang cho Ngài ăn, mặc. Những ai chăm sóc người đau bệnh là đang chăm sóc Chúa. Tóm lại, bất cứ điều gì chúng ta làm cho người chung quanh là làm cho chính Chúa… Vì những người đó là phần thân thể của Chúa Giê-su (Mt 25, 34 - 40).
Thật trớ trêu, đang khi chúng ta vẫn yêu mến, suy tôn chúc tụng Thiên Chúa ngự trên cõi trời cao hoặc cung kính bái lạy tượng ảnh Ngài trên bàn thờ, thì chúng ta lại tỏ ra thờ ơ hờ hững và thậm chí còn đối xử tồi tệ với tha nhân là những chi thể sống động của Ngài, là hiện thân của Ngài đang hiện diện chung quanh.
Hôm nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đóng vai người nông dân, người cùng khổ, người láng giềng, người bạn đồng nghiệp và cả những người nhà, để sống với chúng ta. Thế nhưng chúng ta không nhận ra Chúa nơi những người đó, nên chúng ta thường đối xử tệ bạc với họ. Thế là bi kịch cô gái nghèo hết lòng yêu thương chàng hoàng tử hào hoa nhưng lại phụ bạc anh ta dưới lốt nông dân nghèo khổ vẫn còn đang tiếp diễn từng ngày. Thế là "Ngài đã đến nhà của Ngài mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài" (Gioan 1, 11).
Thật vô cùng đáng tiếc cho cô gái trong câu chuyện trên đây vì đã đánh mất cơ hội ngàn vàng: Cơ hội trở thành công nương chốn cung đình, cơ hội được hạnh phúc trăm năm bên hoàng tử giàu sang phú quý!
Và cũng vô cùng đáng tiếc cho chúng ta khi chúng ta tiếp tục lặp lại bi kịch ấy trong cuộc đời mình.
Lạy Chúa Giê-su,
Thánh Phanxicô Assisi nhận ra người phong cùi là một phần chi thể đang bị ung nhọt của Chúa nên ngài đã ôm hôn người phong ấy với tình yêu thắm thiết.
Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta cũng đã nhận ra những người bệnh tật, hấp hối là những phần chi thể bị tổn thương của Chúa Giê-su nên mẹ đã dành phần lớn đời mình yêu thương chăm sóc họ.
Xin soi sáng cho chúng con biết rằng Chúa và những con người mà chúng con gặp gỡ hằng ngày chỉ là một, để rồi chúng con biết tôn trọng, yêu thương và phục vụ Chúa nơi những anh chị em đó.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 5
Chuyện tình Emmanuel
Một Trinh Nữ thụ thai, sinh con, đồng trinh trọn đời, một giáo lý độc đáo nhất chỉ có trong Kitô giáo. Đức Maria nhận được một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa. Mẹ đón lấy quyền năng sáng tạo của Thánh Thần.Vì thế Đấng Mẹ sinh ra được gọi là Con Thiên Chúa. Ngôi Hai làm người là "Con Thiên Chúa" theo nghĩa viên mãn chưa từng có.
Chúa Giêsu Kitô là Con của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa; Ngài là Lời của Thiên Chúa (x.Ga 1,1-18). Ngài đã nhập thể làm người, trở thành xác thịt và ở giữa loài người. Thánh sử Matthêu đã trích dẫn sách Ngôn sứ Isaia (7,14) để cho biết tên Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. EL (Thiên Chúa) và NU (chúng ta) trở nên một. Thiên Chúa làm người để nâng con người lên làm con Thiên Chúa: “Mầu nhiệm về con người thực sự được sáng tỏ qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể” (CĐ Vatican II, GS 22).
Thiên Chúa xuống thế làm người “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”Kinh Tin Kính Công đồng Nicêa năm 325). Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã đưa ra 4 lý do : là để cứu độ chúng ta, là để giúp chúng ta nhận ra tình thương của Chúa, là để trở thành mẫu mực thánh thiện cho chúng ta và là để chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (GLCG số 457-460).
Thánh Phanxicô Assissi quỳ bên hang đá, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh, ngài tự hỏi: tại sao Thiên Chúa quyền năng lại trở nên một em bé thấp hèn? Tại sao Thiên Chúa cao sang lại sinh ra trong hang lừa nghèo khó? Từ đó, ngài cảm thấy tâm hồn tràn ngập lòng yêu mến và không thể kiềm chế cảm xúc, ngài chạy ra các đường phố Assisi và kêu lên: “Anh chị em hãy yêu mến Chúa Hài Đồng, hãy yêu mến Chúa Hài Đồng”.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thốt lên lời thán phục: “Thiên Chúa quá cao cả đến nỗi Người có thể trở nên bé nhỏ, quá toàn năng đến nỗi có thể trở nên yếu kém và để gặp gỡ ta như một đứa trẻ không có bảo vệ để ta có thể yêu mến Người”.
Thiên Chúa siêu việt đã trở thành một con người.Thiên Chúa vĩ đại, quyền uy đã hiện thân nơi một đứa trẻ bé bỏng mong manh, bọc tã, nằm trong máng cỏ.Thiên Chúa làm người vì yêu thương con người, một tình yêu thật lạ lùng vượt quá trí hiểu.
Nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ chiêm niệm tình yêu kỳ diệu ấy và viết ca khúc thật trữ tình ‘Chuyện tình Emmanuel’: “Emmanuel, một chuyện tình kỳ lạ nhất trần thế, một chuyện tình say đắm muôn thế hệ, làm nhỏ bao châu lệ, làm đui mù muôn lý trí. Emmanuel, một cuộc tình chẳng môn đăng hộ đối, một cuộc tình gây chấn động đất trời: Thiên Chúa yêu con người, hạ sinh xuống cõi đời”. Mời quý vị nghe ca sĩ Như Ý hát với trọn tâm hồn yêu mến (https://www.youtube.com/watch?v=hP-g3WGEJu0).
Các Thiên thần báo tin cho các Mục đồng tại Bêlem: “Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, cũng là tin mừng cho cả toàn dân : hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi trong thành vua Đavít” (Lc 2,10-11). Thánh Gioan tông đồ viết : “Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng Cứu Độ thế gian” (1Ga 4,14).
Từ nay,Thiên Chúa không còn đến với con người qua trung gian mà là Con Một được tặng ban cho nhân loại. Tình yêu Thiên Chúa không chỉ là lời hứa mà bằng chính nghĩa cử cao đẹp Ngôi Lời nhập thể. Từ nay, lời hứa cứu độ đã được thực hiện nơi Một Hài Nhi đã sinh ra. Lời hứa ngọt ngào từ thưở địa đàng khi Nguyên Tổ sa ngã đánh rơi khỏi tầm tay trái táo hạnh phúc (St 3,15). Rồi trải qua hàng ngàn năm bằng sự loan báo của các Ngôn sứ, Thiên Chúa vẫn mãi lời hứa tình yêu cứu độ.
Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định : “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai thấy được và do đó con người cũng khó nhận ra tình yêu của Người. Vì thế thánh Gioan viết tiếp : “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến trần gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9).
Nếu tội tổ tông gây tác hại là làm mất tình trạng ơn phúc và để cho tội lỗi lẻn vào thế giới, từ đó đau khổ và sự chết mặc sức hoành hành. Hài Nhi Giêsu sinh đến trong xác phàm lại là khởi đầu một mùa giải thoát. Khi xuống thế, Thiên Chúa đã đem thiên đàng vào cõi trần gian, để mối tình trời đất bị cắt đứt bao đời lại được kết nối một cách mầu nhiệm cho vinh danh trời cao và cho an bình dưới thế.
Tình yêu Thiên Chúa được Chúa Giêsu thể hiện qua đời sống nhân hậu, bao dung vô bờ của Ngài. Lời nói việc làm của Ngài chính là lời nói việc làm của Chúa Cha (Ga 14,10). Toàn bộ cuộc đời của Ngài được Chúa Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt phản chiếu khuôn mặt và trái tim Chúa Cha.
"Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Người đã thông tri" (Ga 1,18). Con người có thể biết Thiên Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ, nhưng chưa ai thấy khuôn mặt Ngài. Chính Chúa Con tỏ bày cho nhân loại biết sự thật sâu xa của Thiên Chúa "Ai thấy Thầy là thấy Cha". Qua cuộc sống và lời giảng dạy, Chúa Giêsu đã chỉ cho nhân loại thấy Chúa Cha nhân hậu giàu lòng xót thương. 
Thiên Chúa là Đấng chí thánh. Chúa Giêsu đã dạy con người phải sống thánh thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Chúa Giêsu, một con người thánh thiện không có một dấu vết tội lỗi nào. Chính Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống đã làm người, giống chúng ta mọi phần, chỉ trừ tội lỗi (Dt 4,15). Ngài dạy cho nhân loại con đường thánh thiện, và nêu gương thánh thiện. Vì thế, Ngài đã có thể nói : “Hãy học cùng tôi” (Mt 11,29). Khuôn mẫu thánh thiện mà Ngài để lại cho chúng ta được biểu lộ một cách rõ ràng qua tình yêu của Ngài đối với chúng ta, vì tình yêu là cốt lõi của lề luật. Vì thế Ngài dạy rằng : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Nơi Thiên Chúa, tình yêu và sự thánh thiện là một, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu và đồng thời cũng là Đấng Thánh.
Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: "Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người" (GH 11,3).Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu.
Trước Máng Cỏ Bêlem, thật ngạc nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra tình thương bao la của Thiên Chúa. Lời hứa từ thuở ban sơ, hôm nay đã được thực hiện. Thiên Chúa tỏ bày tình thương bằng cách trao ban chính Con Một của Ngài cho nhân loại.Thánh Phaolô diễn tả: Thiên Chúa bước xuống phận con người, để con người được thông phần bản tính Thiên Chúa.
Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Ngôi Lời làm người mang lấy bản tính nhân loại và làm cho bản tính ấy được thông phần bản tính Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa, Ngài đã tự nguyện sinh ra làm con loài người để loài người trở thành con Thiên Chúa nhờ kết hợp với Ngài. Từ khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa đã tự đồng hóa mình với mỗi người trong nhân loại. Từ đây, phẩm giá của con người được nhìn nhận không chỉ vì họ là con người vượt trên mọi loài, nhưng còn vì họ là con Thiên Chúa.
Tin Mừng Giáng Sinh nâng cao phẩm giá con người ngay từ khi được cưu mang trong dạ mẹ và vừa mới sinh ra. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chúng ta sẽ học được nhiều bài học về Sự Thật, Tự Do, Công Lý, Hoà Bình và Tình Thương. Hài Nhi Giêsu đã mở ra triều đại của Công Lý Tình Thương trên “nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,5-6). Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.Giáng Sinh trở thành một đại lễ của nhân loại.
Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ, câu chuyện tình Emmanuel. Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau. Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 6
Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta
Ga 1, 1-18
Biết nói gì với nhau hôm nay đây khi chúng ta ta cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, làm người và sinh ra? Thi sỹ Paul Valery mặc dù không phải nhà một tiến sỹ của Giáo Hội, nhưng nói một câu rất đúng: “Từ ngữ tình yêu chỉ sát với Thiên Chúa từ khi Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và sinh ra”. Đúng vậy, hôm nay tình yêu Thiên Chúa được mặc khải nơi trẻ thơ Giêsu tại hang đá. Vì chưng khuôn mặt của Chúa Giêsu là khuôn mặt của Thiên Chúa, một Thiên Chúa tự hiến cho mỗi người và tất cả chúng ta.
Nhưng tại sao Thiên Chúa lại làm người?
1- Trước hết, Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta. Thiên Chúa Chúa cùng chịu đau khổ với con người để phục hồi phẩm giá con người. Thiên Chúa đã tạo dựng con người, và vì thế chỉ một mình Ngài mới có thể thay đổi và cứu độ con người. Không có cuộc giải phóng bên ngoài nào, cũng không có sắc lệnh của quốc gia nào có thể thay đổi được nền văn minh, và cũng không có mưu mô tự nhiên nào có thể cứu được con người. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm được điều đó.
2- Hôm nay Thiên Chúa làm người để mặc khải cho chúng ta tình yêu của Ngài và Ngài thực hiện điều đó bằng cách trao nộp Con Yêu Dấu của Ngài cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho chúng ta”:
- Nhận biết Thiên Chúa trước hết không phải là có những khái niệm về Thiên Chúa qua những bài học giáo lý hoặc thần học.
- Nhận biết Thiên Chúa là phải đi vào trong tương quan mật thiết với Ngài. Chúng ta chỉ biết rõ điều mà chúng ta có thể tiếp cận. Để chúng ta không còn sợ Thiên Chúa nữa, Thiên Chúa trở nên như một trẻ thơ ở gần chúng ta. Vậy thì ai là người lại có thể sợ một trẻ thơ? Nếu chúng ta muốn biết rõ tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cần phải đến gần, làm quen và sống thật tình với trẻ thơ Giêsu. Hôm nay Thiên Chúa tự hiến mình trong máng cỏ, chúng ta hãy loại bỏ tính kiêu căng của chúng ta và sấp mình trước mặt Ngài.Chúng ta hãy tin tưởng vào Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Ngài.
3- Thiên Chúa đã làm người để con người có thể tham dự vào bản tính Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa làm người và sinh ra, Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn bản tính nhân loại cho chúng ta. Thiên Chúa cho chúng ta biết sự vĩ đại của con người và ơn cao cả nhất của con người là được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa trở nên một người như chúng ta, chính là vì chúng ta có một phẩm giá đáng kinh ngạc. Vì thế phẩm giá con người, phải được tôn trọng từ những giây phút đầu tiên mặc dù sau này phẩm giá con người đôi lúc mong manh. Thiên Chúa làm người để chúng ta noi gương bắt chước Ngài qua con người Chúa Giêsu. Kito hữu là người cần phải đến trường học của Chúa Giêsu.
Ngày nay thế giới chúng ta đang sống, hình như Thiên Chúa không còn chỗ đứng. Họ quá bận rộn về những công việc nào đó, để mặc Thiên Chúa sang một bên hoặc gửi Thiên Chúa về trời cao. Nhưng Thiên Chúa vẫn không bao giờ biến mất. Trong máng cỏ và trên thập giá, Thiên Chúa vẫn mặc khải cho chúng ta Ngài là ai và yêu chúng ta như thế nào.
- Điều đáng sợ thứ nhất, là con người tự cho mình là Thiên Chúa, muốn kiểm soát cả sự sống lẫn cái chết (phá thai, trợ tử). Con người muốn xóa bỏ hình ảnh Thiên Chúa trong con tim mỗi người, biến con người thành một thứ hàng hóa hoặc một người hưởng thụ.
- Và điều đáng sợ thứ hai, là hình ảnh về một Thiên Chúa do con người tạo nên: một Thiên Chúa bạo lực, man rợ, một Thiên Chúa đặt bom. Thiên Chúa không giống hình ảnh mà chúng tatạo nên, mà chúng ta phải trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Nếu Chúa Giêsu đã làm người và trở nên một trẻ thơ, thì Ngài cũng đành chấp nhận một hình ảnh bị thương tổn và biến dạng.
Chúng ta được dựng nên không phải để làm con vật, và cũng không phải là thiên thần, nhưng là để nên giống Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta đừng sợ Thiên Chúa làm người, chúng ta hãy hoàn toàn tin tưởng vào Ngài.
Vì thế, NOEL không chỉ là lễ hội như các lễ hội khác, mà là TÌNH YÊU ĐẤT TRỜI SE DUYÊN, là một lời mời gọi, một hy vọng và một niềm vui:
- Mời gọi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Kito vào trong đời sống chúng ta để chúng ta được bình an trong Ngài và trở nên khí cụ bình an cho anh chị em sống xung quanh chúng ta.
- Hy vọng, vì ngôi sao chiếu sáng tại Belem sẽ không tắt. Chúng ta hãy theo ngôi sao đó dẫn đường chúng ta.
- Vui mừng, vì Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta. Thiên Chúa tự hiến cho chúng ta. Chúng ta hãy chia sẻ Tin Mừng trọng đại này cho những người sống chúng quanh chúng ta!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 7

NGÔI LỜI ĐÃ TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM
Ga 1, 1-18
Thánh sử Gioan đại diện cho các môn đệ, những người trực tiếp sống với Đức Giêsu Kitô. Trong tình yêu, ông chứng thực, cảm nghiệm và “thấy” rất rõ, nên lời chứng  của ông về Ngài hoàn toàn xác thực và đáng tin nhận. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.”Ông khẳng định Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đã có từ đầu khởi thủy.
Trước hết Ngôi Lời tỏ mình qua việc tạo dựng. “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành”. Ngài “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” thì Ngài vẫn luôn “hướng về Thiên Chúa” vì Ngài là Thiên Chúa thật.
Ngôi Lời tỏ mình qua lời chứng của Gioan Tẩy Giả,  vị ngôn sứ cuối cùng và cao trọng: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
Đặc biệt Ngôi Lời tỏ mình qua biến cố Nhập Thể, Ngôi Lời đã trở nên người phàm cư ngụ giữa chúng ta: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Thánh sử Gioan đại diện cho các môn đệ để minh chứng: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người”. Các môn đệ đã nhìn thấy Ngôi Lời bằng xương bằng thịt. Ngài đã ở giữa họ, dạy dỗ, cùng ăn uống và làm bao nhiêu phép lạ…Thánh Gioan làm chứng cho người hậu thế chúng ta, là những người không được chứng kiến tận mắt biến cố Nhập Thể, trở thành người phàm của Con Thiên Chúa, bằng Phúc Âm và các thư của Ngài.
Nhưng trớ trêu thay, nhiều người sống đồng thời với Ngài năm xưa và cho đến hôm nay lại không nhận biết Ngài, hay chẳng chịu đón nhận. Phải chăng vì mầu nhiệm tự hủy của Ngài làm họ không thể nhận ra? Trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Ngài là hiện thân của sự nghèo hèn cơ cực. Đấng mà các tầng trời không thể chứa lại được đặt trong máng cỏ. Vì ai mà Thiên Chúa cao cả đã  trở nên quá tầm thường? Các quán trọ không tiếp nhận Ngài, nhưng hang đá nghèo Belem lại tiếp nhận Ngài, nên hang đá Belem đã đi vào lịch sử, in mãi dấu xưa vẫn còn và trở thành thánh địa mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Xưa nay vẫn có đó những người không tin nhận Ngài. Những người thuộc hiện tại hôm nay, cả những người sống đồng thời với Ngài hai ngàn năm trước không tin và chối từ Ngài. “Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta; vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ:không phải ai ai cũng là người của chúng ta”(1 Ga 2, 19).Ngược lại những ai đón nhận và tin vào Ngài thì được hạnh phúc làm con Thiên Chúa, được lãnh nhận “hết ơn này đến ơn khác”. Qua ngôi Lời họ được thấy Chúa Cha và hiệp với Chúa Thánh Thần. “Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.”
Ôi Chúa Hài Đồng yêu mến ơi! Chúa là Thiên Chúa đã trở nên người phàm cho chúng con và vì chúng con, cho chúng con “đổi đời” mà được làm con Chúa! Này con xin mở rộng tâm hồn mà đón Chúa vào trái tim bé nhỏ của con. Xin Chúa biến đổi làm tim con thành “ngôi nhà” nhỏ bé thân thương có Chúa ngự trị, cho mãi luôn ấm áp cõi lòng con và còn lan tỏa đến mọi người hôm nay Chúa nhé!
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa
Biến cố lớn nhất trong giai đoạn ẩn dật là khi Đức Giêsu ở lại đền thờ Giêrusalem khi Người 12 tuổi (Lc 2,41-52). Đây là độ tuổi theo người Do Thái là khá trưởng thành về mặt đức tin.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log