Chúa nhật, 24/11/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Chúa nhật 33 TN B

Cập nhật lúc 14:53 11/11/2021
Suy niệm lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Suy niệm 1
Đón nhận thập giá vì yêu…
(Lc 9, 23-26) 
Chúa Giêsu, là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Thế mà Ngài lại phải chết trên Thập giá một cách ô nhục. Các thánh tử đạo nói chung và các thánh tử đạo tại Việt Nam cũng đi con đường này, con đường thập giá của Chúa Giêsu một cách triệt để, chấp nhận mất mạng sống mình vì đức tin….
Sống trong một thế giới hưởng thụ như hôm nay, liệu người ta có thể chấp nhận điều đó không?
Một mâu thuẫn rõ ràng, nếu không có Thập giá Chúa Kitô.
Làm thế nào người ta có thể nối kết thập giá với vinh quang của người chiến thắng?
Ngay từ đầu Giáo Hội sơ khai, các tín hữu tiên khởi luôn làm cho Thập giá trở thành dấu chỉ quý giá nhất của mình. Họ sẵn sàng chấp nhậnThập giá.Họ thường thích phủ bọc Thập giá bằng đá quý, để đối lập với sự xấu hổ và dè bỉu của xã hội lúc bấy giờ.Họ thích biến Thập giá thành một "cây sự sống"phủ đầy hoa và là nguồn gốc của một thiên đường mới. Chính vì thế, mà có nhiều vị thánh tử đạo trong thời kỳ này. 
Ngày nay, nhiều Kitô hữu tự hào đặt Thập giá tại một vị trí xứng đáng nhất trong nhà của họ hoặc đeo Thập giá như một dấu chỉ đức tin. Thế nhưng, đôi khi họ lại che giấu thập giá để không bị khiêu khích... hoặc có lẽ bởi vì họ luôn cảm thấy khó khăn khi đối mặt với mầu nhiệm của Thập giá. 
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã nói: “Ngày nào treo Tôi lên, Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng Tôi”. Ngài còn muốn đón nhận Thập giá vì đó là vinh quang mà Cha Ngài trao ban cho Ngài.
Thánh Phanxico Salesio nói: “Phải chăngThiên Chúa không thể ban cho thế giới một phương thuốc tốt hơn cái chết của Con Ngài sao? Chắc chắn, Ngài có thể cứu chuộc chúng ta bằng một ngàn phương tiện khác; nhưng Ngài không muốn điều đó, vì những gì đủ để cứu chuộc chúng ta không đủ thỏa mãn tình yêu của Ngài. Và để chúng ta thấy Ngài yêu chúng ta biết bao, Người Con Thiên Chúa này đã chết vì cái chết khắc nghiệt và ghê tởm nhất của nhân loại tội lỗi”.
Nếu không có Thập Giá,
- Sẽ không có máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa để thanh tẩy thế giới.
- Và chúng ta sẽ không nhận được tự do và sẽ không nếm trái Cây Sự Sống, cái chết sẽ chết mãi và "kẻ ác" sẽ không bị tước đọat vũ khí. Thánh tử đạo Phêro truật đã nói: “Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời”.
Niềm đam mê của tình yêu. Trong các thế kỷ qua, nhiều kitô hữu khi nhìn vào thập giá có lẽ quá nhấn mạnh giá trị của đau khổ: với ý tưởng ít nhiều khẳng định rằng sự gia tăng đau khổ có thể là niềm vui cho Thiên Chúa. Như vậy có đúng không?...Chúng ta không được nhầm lẫn đau khổ của Thập giá với đam mê của tình yêu. Nếu vết thương của Chúa Kitô là ơn cứu độ cho nhân loại, thì đó là hậu quả của một tình yêu không đo đếm, là một cử chỉ của Thiên Chúa muốn ở cùng chúng ta cho đến cùng, bất kể tội ác của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa không phát minh ra Thập giá, mà là chính con người phát minh ra. Thập giá luôn là biểu tượng của cái chết và là thứ mà con người gây ra cho nhau khi không còn yêu nhau. Nhưng khi con người phát minh ra sự thù hận và thập giá, thì Thiên Chúa lại phát minh ra tình yêu vĩ đại hơn nhiều để mặc khải cho chúng ta tình yêu trong chính sự sống của Ngài.
Chúng ta không được phép xin Thiên Chúa chịu đựng đau khổ nhiều hơn nữa. Nhưng trước hết phải biết làm thế nào để yêu tốt hơn, yêu đến cùng. Chính trong ý nghĩa này, Chúa Giêsu đã yêu cầu chúng ta vác thập giá với Ngài. Vác thập giá với Ngài, phải chăng đó là "bổ sung" hy sinh của chúng ta vào với những đau khổ của Chúa Kitô trên thập giá?Thánh Phaolô đã nói:“Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”(Col 1, 24). Câu nói này đôi khi bị giải thích sai. Sự đau khổ của Thiên Chúa qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là quá đủ rồi, không cần chúng ta phải bổ sung. Nếu chúng muốn chịu đau khổ vác thập giá cùng với Chúa Kito, là để chứng tỏ tình yêu của chúng ta thế nào mà thôi. Vinh quang của Thập giá không chỉ là chiến thắng của sự can đảm đối với cực hình, mà trước hết là chiến thắng của tình yêu trên sự ghét ghen. Chỉ có tình yêu là nguồn vinh quang và sự sống!Chỉ có tình yêu mới có thể khôi phục lại cuộc sống và xây dựng lại con người. Bài hát “Đây bài ca ngàn trùng” mừng các thánh tử đạo tại Việt Nam cũng chứng tỏ điều đó: Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa, bài ca thắm nhuộm máu hồng, từng bao người anh dũng, tiến lên hy sinh vì tình yêu
Vui mừng và tạ ơn. Chắc chắn Chúa Cha trên trời rất vui khi đón nhận Con Ngài phục sinh sau khi chết, khi thấy rằng nhờ Con của Ngài, cuối cùng tình yêu đã chiến thắng cái chết và tất cả những gì phá hủy hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người. "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một Ngài cho chúng, không phải để phán xét thế giới mà là cứu độ thế giới."Đối với chúng ta, chúng ta có thể kín múc niềm vui này mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể: đó là khoảnh khắc giúp chúng ta bước vào mầu nhiệm tình yêu thập giá và cũng là của ăn cho chúng ta. Thật vậy, mỗi Thánh lễ đều hiện tại hóa lễ hy sinh cứu độ của Chúa Kitô; cử chỉ tình yêu này cứu chúng ta và khôi phục sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau. 
Mừng lễ các thánh tử đạo tại Việt Nam hôm nay, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa niềm vui, đau khổ và tất cả các giới hạn của chúng ta. Chúa Kitô kết hợp những thứ đó của chúng ta với sự hy sinh của Ngài, với hành động yêu thương của Ngài, để dâng lên Chúa Cha bản tính nhân loại của chúng ta được biến đổi trong Ngài. Việc nâng cao Mình và Máu Chúa Kitô lúc truyền phép bánh và rượu cũng là nâng cao sự sống chúng ta lên sự sống Thiên Chúa. Sự nâng cao này liên kết chúng ta với vinh quang của Thập giá có hoa trái là sự Phục sinh của chúng ta. 
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Tham dự vào sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su

1. Tại sao Chúa Giê-su phải chịu khổ nạn hết sức đau thương?
2. Tại sao Thiên Chúa lại để cho các tín hữu bị bách hại khắp nơi trên thế giới suốt hai ngàn năm qua?
Cả hai câu hỏi trên có chung một câu trả lời như sau:
Thiên Chúa đã ra quy luật muôn đời: Bất cứ ai gây ra tội lỗi đều phải lãnh lấy hậu quả của tội là đau khổ và phải sa vào chốn ngục hình[1]. Đáng tiếc là mọi người đều phạm tội, do đó, ai nấy đều phải gánh lấy hậu quả đau thương nầy. Muốn cứu người tội lỗi thoát khỏi chốn ngục hình đau khổ thì chỉ có cách duy nhất là có người xứng hợp chịu phạt và chịu chết thay cho họ.
Chúa Giê-su tình nguyện làm công việc nầy. Ngài đã hóa thân làm người phàm, trở thành đại diện chính thức của loài người và Ngài mang lấy tội lỗi của muôn người vào thân. Ngài nộp mình chịu cực hình thay cho họ, chịu chết để đền tội họ gây ra. Nhờ Ngài chịu khổ  hình và chịu chết thay, muôn người được ơn tha thứ và thoát khỏi án phạt đời đời.
Tuy nhiên, việc cứu độ không chỉ là công việc của Chúa Giê-su là Đầu mà còn là việc của toàn thân mình Ngài là Hội thánh. Ai thuộc về Chúa Giê-su, là chi thể trong thân mình Chúa Giê-su đều phải tham gia vào công cuộc này.
Chính vì thế, hôm xưa, Chúa Giê-su không chịu khổ nạn, không vác thập giá một mình, mà Ngài mời Mẹ Maria thông phần đau khổ với Ngài, mời ông Simon vác thập giá với Ngài.
Và trong suốt hai ngàn năm qua, Chúa Giê-su tiếp tục gọi mời các thánh tử đạo khắp nơi trên thế giới cùng chịu khổ nạn với Ngài, chịu bắt bớ, chịu ngục tù, gông cùm, xiềng xích cũng như hy sinh cả mạng sống… với Ngài để đền tội cho muôn người tội lỗi.
Rồi hôm nay, Chúa Giê-su tiếp tục kêu mời mỗi người chúng ta chịu khổ nạn với Ngài khi nói: “Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Vác thánh giá theo Chúa không phải là việc tùy thích, nhưng là điều kiện phải có để làm môn đệ Chúa. Chúa Giê-su đã khẳng định điều nầy như sau: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,27).
Như vậy, muốn làm môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta không thể thoái thác, không thể né tránh, không thể từ chối vác thập giá với Chúa Giê-su.
Vì là chi thể của Chúa Giê-su, chúng ta cùng vác thập giá với Chúa Giê-su.
Tôi là một phần chi thể, như là vai của Chúa Giê-su nên gánh nặng trong cuộc đời tôi là thập giá trên vai Chúa Giê-su.
Bạn là chi thể khác, như là tay của Chúa Giê-su nên những đau khổ bạn đang chịu là những đinh nhọn đâm vào tay Chúa.
Và máu của các thánh tử đạo đổ ra khắp nơi trên thế giới cũng chính là máu Chúa Giê-su đang đổ ra, vì các thánh tử đạo là phần thân thể của Ngài.
Hôm nay, Chúa Giê-su không mời gọi chúng ta chịu tù đày, xiềng xích, giam cầm, tù ngục hay phải ra pháp trường đổ máu đào vì Chúa như các thánh tử đạo xưa nay, nhưng Ngài mong muốn chúng ta vui lòng chịu đựng gian lao, khó nhọc hằng ngày để hiệp thông vào cuộc khổ nạn của Chúa và góp phần đền tội cho chính mình, cho các tội nhân và cho các đẳng linh hồn.
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
Các ngài đã chịu vô vàn đau thương và đã hiến dâng mạng sống mình hiệp thông vào cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, xin cầu cho chúng con biết noi gương các ngài vui lòng chịu đựng gian lao khó nhọc trong đời sống hằng ngày, để cùng với các ngài, thông hiệp vào khổ nạn của Chúa. Amen.

[1] Rm 5, 12. Rm 6, 23. Galat 6,7
 Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
Chọn Thập Giá

Ðức cha Lambert de la Motte thành lập Hội dòng Mến Thánh Giá tại Ðàng Ngoài năm 1670, Ðàng Trong năm 1671. Mến Thánh Giá là dòng nữ đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay theo thống kê năm 2019, tổng hội dòng có 8.961 nữ tu, 1.094 tập sinh và tiền tập sinh, 10.000 thành viên hiệp hội Mến Thánh Giá tại thế.
Dòng Mến Thánh Giá là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí. Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thập giá là đỉnh cao ơn cứu độ.
Năm 1837, vua Minh Mạng triệu tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh về kinh và trao cho 40 cây thập giá, rồi ra lệnh phải áp dụng gắt gao chiếu chỉ cấm đạo.
40 cây thập giá trở thành dụng cụ để thử thách niềm tin của người tín hữu. Người có đạo khi bị bắt, buộc phải “quá khoá” phải bước qua thập giá. Nếu bước qua sẽ được sống, được trả lại tất cả những gì đã mất, và còn được tặng thêm phú qúi vinh hoa. Không bước qua phải bị tù đày, gông cùm đòn vọt và mất cả mạng sống.
Các Thánh Tử Đạo bị kết án do tội “kháng chỉ” (không tuân lệnh vua). Nhiều vị được quan địa phương thương mến dụ dỗ là chỉ giả vờ bước qua hai cây gỗ bắc chéo hình chữ thập để khỏi mắc tội kháng chỉ. Khi vua đưa ra chỉ dụ gì bằng văn bản hay bằng lời (khẩu dụ) thì đều gọi là thánh chỉ. Thánh chỉ được đồng hóa với ý của trời, vì thế ai kháng chỉ thì phải chịu án tử hình, thậm chí bị tru di đến ba bốn đời.
Các Thánh Tử Đạo đã chấp nhận tù ngục và hy sinh mạng sống chủ yếu chỉ vì lý do “kháng chỉ”. Các ngài kháng chỉ vì xác tín rằng, dù vua quan nhưng họ cũng chỉ là con người với nhiều hạn chế và bất toàn. Nếu lệnh nào vua ban ra mà dưới ánh nhìn đức tin, nó trái với ý Thiên Chúa thì các ngài mạnh dạn bất tuân, cương quyết “kháng chỉ”, cho dù máu đổ đầu rơi.
“Thánh chỉ: quá khoá” do trái ý Thiên Chúa nên các ngài đã “kháng chỉ”. Các ngài chọn thập giá nên được phúc tử đạo.
Thập giá chính là cột mốc để phân định giữa sống và chết, giữa Thiên Chúa và thế gian. Khi đối diện với thập giá, người tín hữu luôn phải thực hiện một sự chọn lựa có tính quyết định.Chỉ cần một bước chân thôi là mọi sự thay đổi. Đã có người bước qua, và cũng có người không.
Có người bị khiêng qua thập giá nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Cũng có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha, còn sau đó về nhà thì muốn sao tuỳ ý; nhưng các thánh tử đạo vẫn không chấp nhận một thoả hiệp như thế. Các ngài vẫn khẳng khái nói không. Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa.
Đứng trước thập giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Chúa hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng.Giây phút đứng trước thập giá là giây phút quan trọng.Quyết định không bước qua thập giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất...
Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa dứt khoát: theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là vác thập giá, sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nỗi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết: “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).
Thập giá luôn là điểm hẹn tình yêu, là nơi gặp gỡ của những người sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng Chịu Đóng Đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.
Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn. Ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống. Ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời. Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa, bởi lẽ “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã chọn thập giá nên các ngài có nét chân dung như Chúa Giêsu. Vác thập giá theo Đức Kitô, chính là lấy tình yêu để chu toàn việc bổn phận hằng ngày, và theo gương Thầy trên đỉnh cao thập giá, các ngài sẵn sàng bao dung tha thứ cho những kẻ giết hại mình.
Lòng bao dung thứ tha chính là nét đẹp nơi chân dung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài không đồng ý với bản án bất công, nhưng như Đức Giêsu trên thập giá vẫn cầu nguyện cho kẻ giết hại mình, các chứng nhân tử đạo vẫn tiếp tục yêu thương vua quan và cả những người hành xử ác độc với mình.
Dù bị gông cùm hay ra pháp trường, các vị tử đạo vẫn sáng ngời niềm tin yêu: không một chút bất mãn tức tối hay oán ghét hận thù, ánh mắt và nụ cười của các ngài toát lên nét dịu hiền thông cảm. Tâm hồn các ngài tràn đầy hy vọng. Trong nhà tù vẫn cầu nguyện và hát thánh ca, thánh vịnh. Ra pháp trường vẫn cầu nguyện và hát khúc khải hoàn Alleluia, luôn hướng về trời cao với niềm Hy Vọng Phục Sinh và cất cao hát mãi cho đến khi đầu rơi khỏi cổ. Cái chết chẳng có giá trị gì, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với tất cả những gì cao thượng và chân thật.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhờ sức mạnh của Thánh Thể nên đã chọn Thánh Giá cách tuyệt đối và quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình. Các ngài thật khôn ngoan. Là con cháu của các Ngài, xin cho chúng con luôn khôn ngoan trong những chọn lựa của đời sống hàng ngày. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=====================
Suy niệm 4
Kn 3,1-9; 1Cr 1,17-25; Mt 10,17-22
Thầy Giêsu sai các môn đệ ra đi làm chứng cho Thầy và dặn trước rằng:“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại.” Nghe những lời này ai cũng cảm thấy sợ hãi muốn chùn bước chân. Chính Thầy Giêsu là lá cờ đầu tiên phong, là vị Tử Đạo đầu tiên đã bị nộp, đánh đập và bị đóng đinh chết nhục nhã đau thương. Kế đến các tông đồ, theo sau là các thánh Tử Đạo cũng đã bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền. Các ngài đã trải qua bao nhiêu cấm cách, bắt bớ, đánh đập giết chóc đau thương với nhiều cách ghê sợ. Những hình ảnh đó thật đúng là chiên đi vào giữa “bầy sói”.
Nhưng ngày nay Thầy sai chúng con đi vào thế gian, giữa thời đại @, không có sói. Nhưng nhiều khi mạnh ai nấy sống, người ta mải mê kiếm tìm lợi nhuận hưởng thụ, của cải, danh vọng, tìm cách vươn lên làm giàu, chứ chẳng tìm bắt bớ, bách hại lẫn nhau. Không thấy ai nộp chúng con cho hội đồng, không bị đánh đập trong hội đường hay điệu ra trước nhà chức trách vì Chúa. Nhưng cũng chính trong thời đại bon chen xô bồ này, chúng con bị thách thức, bắt bớ bởi những cám dỗ đam mê, tiền, vàng, đôla, nhà đất… Chúng làm lé mắt, lôi kéo trói buộc, chúng con thật khó để chiến đấu mà giải thoát gỡ mình ra khỏi. Vì bản năng con người lại thích “sự êm dịu” của nó. Cũng chính vì những lợi lộc trần gian này, vì tiền của, nhà đất, ruộng vườn mà người ta bon chen giành giật, vu oan kiện cáo đưa nhau ra tòa không phân biệt thân sơ. Từ đây có cảnh “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” Báo chí cập nhật đăng tải bao cảnh bê bối tang thương ngay từ giữa gia đình.
Phải đối xử làm sao, chiến đấu ra sao với những thử thách gian truân nơi đường trường dương thế này? Lúc ấy “không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Chính Thầy Giêsu đã đi bước trước và thực hiện trong các vị Tử Đạo. Mọi khó khăn đau khổ sẽ được trả lại bằng vinh quang. Nhưng với điều kiện phải trung thành trong mọi hoàn cảnh khó khăn, cho đến giây phút cuối cuộc đời: “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”
Lạy Chúa! Chúa sai con đi vào giữa cuộc đời đầy khó khăn thử thách và đủ thứ cám dỗ gọi mời. Xin ban cho con sự khôn ngoan cần thiết, để con nói năng, hành động theo Thần Khí Chúa. Được đồng hình đồng dạng, nên một trong Chúa, con được trở nên thụ tạo mới. Nếu được như vậy, con luôn vững tâm, can đảm khi đối diện với những khó khăn. Bởi vì “không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Có thể con sẽ lãnh phần thua thiệt trong cuộc sống, nhưng nhờ “bền chí đến cùng” con sẽ được hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban. Amen.
Én Nhỏ
=====================
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 33 TN B
Suy niệm 1
Mc 13, 24 – 32
Với bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa tiên báo một tai họa khủng khiếp sắp xảy ra. Khi nào xảy ra thì chưa biết, nhưng chắc chắn là gần lắm rồi, vì Chúa bảo rằng những thính giả đang nghe Chúa giảng, có một số người chưa nếm cái chết, khi sự cố khủng ấy xảy ra. Như vậy có nghĩa là chỉ trong thời gian trên dưới một nửa thế kỷ.
Theo thiển ý của tôi, thì đó là biến cố lịch sử xảy ra vào năm 70. Vào thời điểm đó có một số người tung tin Đấng Cứu Thế sắp tới. Theo quan niệm của người Do Thái thì thời đại của Đấng Cứu Thế là thời đại nước Do Thái được nâng lên hàng bá quyền. Thế là có một cuộc nổi dậy chống chế độ cai trị của đế quốc La mã.
Tướng Ti-tô được ủy quyền tiêu diệt cuộc nổi dậy. Ông không tấn công để tiêu diệt, nhưng chỉ bao vây Giêrusalem. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ông cho cắt các con suối, để dân không có nước để uống. Thế là dân trong thành dần dần không còn bánh mì để ăn, không còn nước để uống. Nhưng người Do Thái vẫn quyết tâm chiến đấu. Thịt người chết là lương thực nuôi người chiến đấu. Sử gia Flavius Josephus kể hai chuyện ghê tởm đến rợn người.
Một: Hôm ấy lính đi tuần ngửi thấy mùi thịt nướng từ căn nhà bên hè phố bay ra. Đang đói quá, lính vội vàng đột nhập căn nhà ấy để đòi chia sẻ. Họ vừa vào tới căn nhà ấy, liền hết hồn chạy ra. Họ thấy một người đàn bà đang hì hục ăn thịt đứa con vừa được nướng vàng khè.
Hai: Có một số người hành hương trốn khỏi thành và đầu hàng lính La mã. Lính La mã theo dõi thấy những người này khi đi vệ sinh thì lấy que khều phân để lấy vàng. Thế là từ đó, ai ra đầu hàng thì lính mổ bụng để lấy vàng. Từ đó không ai ra đầu hàng nữa.
Kết thúc là quân La mã tràn vào, tiêu diệt mọi người, đốt phá đền thờ và đập phá thành Giêrusalem đến độ không còn hòn đá nào chồng lên nhau.
Nước Do Thái bị xóa trên bản đồ thế giới từ năm 70 đó cho tới năm 1948 mới được Liên Hợp Quốc cho lập lại nước.
Khi sắp xảy ra sự cố khủng khiếp ấy, thì các kitô hữu đã đoán được, nên họ bỏ thủ đô, di tản về miền nông thôn, hoặc xuất cảnh ra nước ngoài. Thế là cơ chế Giáo hội thời sơ khai không bị phá sản. Ngược lại Tin Mừng nhờ đó mà được loan đi đến các nước xung quanh Địa Trung Hải. Chính Chúa đã tiên báo điều đó qua lời nhắn nhủ đầy tâm tình: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21, 28)
Biến cố khủng khiếp xảy ra cho lịch sử Do Thái vào năm 70 là một bài học quý giá cho lịch sử Giáo hội. Lịch sử Giáo hội luôn luôn là “Từ khổ giá đến vinh quang”; “Máu các thánh Tử Đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”. Cứ nhìn vào cây khổ giá của Giáo hội hôm nay, để đoán được rằng Tin Mừng sắp bùng vỡ trong một ngày không xa.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

=======================
Suy niệm 2
LÀM GÌ KHI TRÔNG CHỜ?

Lời Chúa trong những tuần cuối năm Phụng vụ thường đề cập đến Ngày cánh chung, ngày Chúa quang lâm. Khi được nghe về các dấu lạ, dấu chỉ như thế này, con người nói chung, người Công giáo nói riêng cũng không khỏi bồn chồn, lo âu! Tuy nhiên, nếu nhìn với đôi mắt đức tin, sống theo Chúa dạy mỗi ngày, thì chắc hẳn chưa đáng phải sợ!
Chuyện kể rằng: Một lần nọ, Đô-mi-ni-cô Sa-vi-ô cùng với các bạn đang chơi đá banh trong khuôn viên cư xá, Thánh Gio-an Bos-cô bèn đến hỏi mỗi bạn khi giải lao: “Nếu bây giờ, Chúa ‘gọi’ các con về với Ngài, thì các con sẽ làm gì?”. Hầu hết, câu trả lời từ chúng bạn Sa-vi-ô đều giống nhau, người thì chạy về xin lỗi bố mẹ, người thì vội vã đi trả chiếc bút đã lấy cắp của bạn, người thì nhanh chóng làm hết những dự định của mình… Sau cùng, đến lượt Sa-vi-ô, cậu chỉ mỉm cười và đơn sơ thưa với Thánh nhân: “Nếu Chúa gọi con về với Ngài ngay bây giờ, thì con vẫn vui chơi đá banh với các bạn thôi ạ!”
Nghe câu trả lời ấy, Thánh Gio-an Bos-cô rất đỗi ngạc nhiên, nhưng lòng ngài cảm thấy hạnh phúc. Và như chúng ta biết, sau này, Đô-mi-ni-cô Sa-vi-ô đã được Chúa gọi khi còn quá trẻ (14-15 tuổi) khi mang trong mình căn bệnh viêm màng phổi. Ngài được Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII phong hiển Thánh vào ngày 12 tháng 6 năm 1954. Có lẽ nhiều người trong chúng ta đều thắc mắc: vì sao cậu bé Sa-vi-ô ấy lại không chút sợ hãi, chẳng chút hoảng hốt khi nói đến cái chết, khi nói đến giây phút được Chúa cất về? Chắc hẳn, vì ngài luôn tâm niệm nỗ lực sống tốt, sống trọn vẹn từng ngày, cho nên dù phải lìa đời đi chăng nữa, ngài cũng không nuối tiếc điều gì hoặc không phải vội vã như các bạn khác cùng lứa tuổi với ngài!
Đành rằng, ngày phán xét chung, ngày ân thưởng công minh ra sao đã được sách Tiên tri Đa-ni-en mô tả: “Nhiều kẻ an giấc trong bụi đất sẽ trỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời” (Đn 12, 2), nhưng ít nhiều lòng chúng ta vẫn còn lo lắng, bồn chồn vì phải chờ đợi. Tuy nhiên, trước ngày đó, các dấu lạ sẽ xuất hiện: “…mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất…” (x. Mc 13, 24-27). Ngày Chúa Giê-su quang lâm chắc chắn sẽ đến, nhưng trong khi trông chờ ngày ấy, thì không một ai biết ngoài Chúa Cha, và “trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi” (Mc 13, 31). Do đó, khi chờ đợi ngày quang lâm, ngày cánh chung, chúng ta phải làm gì? Phải chăng đây là vấn đề căn bản cốt lõi?
Bất kể nơi đâu, mỗi người mỗi ý khác nhau, vì thế, nhiều người cho rằng: ngày đó còn lâu mới tới, nên cứ hưởng thụ như câu nói của triết gia A-ris-tốt-tô: “Ăn uống no nê, rồi ngày mai vui vẻ vĩnh viễn chia ly”. Trong khi đó, người người nghĩ tưởng: ngày này đang cận kề, nên cuốn theo cách sống vội, sống nhanh, hòng thực hiện hết những dự định, kế hoạch của riêng mình…Ngoài ra, số đông khác theo tư tưởng: làm gì có cánh cánh chung, làm gì có ngày Chúa quang lâm, cứ sống và làm những điều mình nghĩ và mình muốn!!!! Còn chúng ta, là con cái Chúa, là người Công giáo, chúng ta nên thế nào để đẹp lòng Chúa đây?
Quả thật, chúng ta phải bám chặt vào Đức Giê-su, tiến lại gần Ngài, học nơi Ngài cách sống trọn vẹn từng ngày. Vì chưng, nhờ lễ dâng duy nhất và một lần của Đức Giê-su Ki-tô, mà chúng ta được cứu độ, được thánh hoá (x. Dt 10, 11-12.14) Ngài hằng chuyển cầu, đồng hành, nâng đỡ chúng ta liên lỉ từng giây phút trong cuộc sống. Còn chúng ta, “nhìn vào cây vả khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến” (x. Mc 13, 28). Qua các dấu chỉ thời đại mà nhận biết Thánh ý Chúa; qua giáo huấn của Giáo hội mà đón nhận chương trình của Ngài. Qua mọi biến cố vui buồn, thành công hay thất bại, hân hoan hay khổ đau, v.v…luôn tìm ra Thánh ý Chúa và nhanh nhẹn đón nhận, sống trọn vẹn mỗi ngày với Lời Chúa là kim chỉ nam cuộc đời, với Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng linh hồn và thân xác, với ân sủng và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (“Đấng Bầu Cử khác", mà Đức Giê-su đã hứa ban), đồng thời, hiệp hành với nhau trên cùng hành trình đức tin, với gia đình, với cộng đoàn, với Giáo hội và xã hội. Tất cả những điều trên sẽ là hành trang vững chắc cho chúng ta trong lúc chờ đợi ngày Chúa quang lâm. Mọi thứ có thể thay hình đổi dạng, sẽ đổi thay, biến chuyển hoặc mất đi, nhưng những gì Đức Giê-su giảng dạy-hành động sẽ tồn tại mãi, như thể chiếc la bàn tuyệt hảo chỉ đường dẫn lối cho chúng ta khỏi lạc hướng giữa đại dương rộng lớn bao la, khỏi bị lạc bước trên chặng đường dài thế gian xa tắp, khỏi bị lạc lối trong đêm tăm tối mịt mờ nơi trần gian: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi” (Mc 13, 31). Ngoài ra, chúng ta luôn biết sống tín thác, cậy trông, đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, vào Giáo hội của Ngài, chứ đừng như ‘cây cỏ lung lay đổi chiều theo gió’; cũng đừng chạy theo trào lưu, triết thuyết tận thế, trở thành fan cuồng của những kẻ tự cho mình biết ngày tận cùng. Vì chưng, lời Đức Giê-su đã chứng thực: “Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi” (Mc 13, 32). Vậy mà, trên thực tế, không ít người vẫn nghi ngờ, vẫn mau chóng tin theo, hoặc chạy theo những gì trái ngược với lời khẳng định của Đức Giê-su! Chúng ta vẫn dồn hết sức lực, tâm trí cho điều đó khi tiếp xúc-đọc-xem trên mạng, rồi nhắm mắt tin theo hơn là tin vào Lời Chúa, và tin vào giáo huấn của Giáo hội Chúa!
Ước gì mỗi người Công giáo chúng ta luôn biết sống trọn vẹn từng ngày như Lời Chúa dạy và như lòng Chúa mong, qua các giáo huấn của Giáo hội, trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm, với cả lòng tín thác - cậy trông - yêu mến!
Ngày Chúa lại đến trong vinh quang
Chẳng phải xa, cũng không phải gần
Nào ai biết ngoài mình Chúa Cha
Xin cho con sống trọn Lời Ngài
Hằng ngày kiên vững, cậy - mến - tin. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log